Nỗi đau tâm hồn
Giai đoạn đau buồn nhất của đời người, khi bác sỹ nói: “Về muốn ăn gì thì ăn, đi chơi đâu thì đi, hết thuốc chữa”. Tin đó như một bản án tuyên bố “tử hình”, người tử tù ngã quỵ, đau đớn, khóc cũng không thể khóc, như điên, như dại. Đau khổ cam chịu, không thể hoán đổi cho ai được.
Chúa Giêsu nơi vườn cây dầu, Người sắp vào cuộc chiến, vì có môn đệ phản bội, các môn đệ khác thờ ơ, ăn uống say, ngủ ngon. Một mình cô đơn bước vào cuộc chiến. Trước đây, Người ra tay chữa lành, ban phúc, trừ quỷ, giảng dạy... Bây giờ hoàn toàn thụ động, không làm gì hơn được, đối diện trực tiếp với nỗi đau của tâm hồn của con người bị bỏ rơi, một sự đau đớn về tinh thần.
Trong khi cầu nguyện cùng với Chúa Cha, đã có lúc Chúa Giêsu cũng như thân phận của con người với đau thương cùng cực cầu xin: “Xin cho con khỏi uống chén này” (Mt 26, 39), nhưng ngay sau đó Chúa Giêsu thưa “Xin đừng theo ý con mà theo ý Cha”. Có đối diện với thử thách, bị phản bội, bởi hiểu lầm chết người, bởi chén đau thương cùng cực, mới hiểu được tâm trạng Chúa lúc này.
Bị trói tay và điệu đi đến phiên tòa trong đêm. Không tòa án nào minh bạch mà xử lén lút trong đêm. Phiên tòa này là phiên tòa trả thù, trút hận lên con người vô tội. Cái nhục không nằm ở nơi người bị kết án, cái nhục ở nơi người xử án kết tội. Đau thương không phải ở cái roi, ở cái đánh, mà đau thương ở chỗ: Họ có luật sao lại hành xử vô luật pháp như vậy? Sao họ nhân danh công bằng, công lý lại làm chuyện bất công như thế? Biết bao người đã bị hành xử như vậy rồi! Bây giờ Chúa cũng chịu một án bất công như vậy. Cái cảm xúc của người bình thường ở ngoài cuộc, thấy rõ ràng bất công cho người vô tội phải chịu, nghẹn ngào, đau nhói con tim, cảm thấy uất nghẹn khó thở. Huống chi người hoàn toàn vô tội phải chịu phiên tòa bất công.
Đứng về phía những người mà Chúa đã từng bênh vực: nghèo đói, bị bóc lột, bị đối xử bất công... Họ là số đông phải chịu đau khổ bởi số ít cá nhân lãnh đạo. Chọn lựa đứng về số đông chịu áp bức là đối diện với sự sợ hãi, chọn lựa cái chết. Khi đã chọn lựa cái chết, nghĩa là khi sẽ chịu đựng tất cả. Khi đã chọn lựa cái chết, không còn cái đau khổ nào có thể khuất phục được nữa.
“Sự thật sẽ giải thoát” (Ga 8, 32). Khi đã chọn lựa điều công chính, công bằng, ai mới là người bị sợ hãi? Philatô và bà vợ của ông là người sợ hãi, trong khi Chúa Giêsu là người bình tĩnh, có quyền trả lời hoặc không trả lời quan tòa.
Trong sợ hãi, giải pháp của kẻ muốn trốn tránh là giết chết kẻ gây phiền hà đó đi. Bịt mồm kẻ muốn khai báo, đe dọa tính mạng người tố giác. Đó là thường ngày trong xã hội. Loại trừ thì dễ hơn đương đầu với sự thật. Câu hỏi của Philatô lúc này diễn tả sự sợ hãi và muốn trốn tránh: “Sự thật là gì?” (Ga 18, 38). Sự thật không muốn nghe lại còn giết chết người nói sự thật, đó là thực tế của thời đại chúng ta. Fake news tràn lan trên các kênh truyền thông “big tech”, các thông tin chính xác bị bóp méo và bị cắt xén sự thật. Hành vi này là sợ hãi trước sự thật và muốn né tránh sự thật. Giả trá lên ngôi và để đi vào một thiết kế của xã hội bị thao túng và dẫn dắt do một số cá nhân độc tài toàn trị.
Nỗi đau của tâm hồn nơi Chúa Giêsu không phải ở nơi roi đòn. Nỗi đau âm ỉ bao lâu nay, đó là tình yêu ủa Chúa bị chối từ: “Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (Lc 13, 34 -35).
Nỗi đau tâm hồn từ sâu thẳm hơn cả chết, dân chúng kêu la: “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!”
Nỗi đau khi tình yêu bị bội phản. Như một lời kết, bài Thánh ca “Dân ta Ơi, Lm Pet. Kim Long diễn tả lại qua sách Mikha chương 6”:
“ÐK: Dân ta ơi! Ta đã làm gì cho ngươi? Hay Ta đã làm phiền chi ngươi? Hãy trả lời Ta đi.
Phải chăng vì Ta đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai cập mà ngươi dọn thập tự cho Ðấng đã cứu ngươi?
Phải chăng Ta đã dẫn ngươi qua sa mạc bốn mươi năm trường, cho ngươi ăn Mana, và đưa ngươi vào Ðất Hứa mà ngươi dọn thập tự cho Ðấng đã cứu ngươi?”
Xin cho chúng con biết thống hối trở về.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan