TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Người đi vào cuộc chiến

Thứ hai - 03/04/2023 09:21 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   675
Chúa Giêsu vào giờ cao điểm bước vào cuộc chiến ngay tại vườn Ghêt sê ma ni. Là một cuộc chiến cá nhân quyết định đi đến cùng trong cuộc chiến với Satan, sự dữ.
Người đi vào cuộc chiến

Người đi vào cuộc chiến


 
 
Giờ được tôn vinh cũng là giờ giao chiến dữ dội, đỉnh cao của cuộc chiến. Chúa Giêsu vào giờ cao điểm bước vào cuộc chiến ngay tại vườn Ghêt sê ma ni. Là một cuộc chiến cá nhân quyết định đi đến cùng trong cuộc chiến với Satan, sự dữ.
Giờ giao tranh là giờ “Con Người bị nộp vào tay người đời” (Lc 9, 44). Chấp nhận đi vào cuộc thương khó, Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Cuộc chiến đấu với chính mình, tiến tới hay thoái lui thường là cuộc chiến nội tâm. Chúa Giêsu cũng là người như ta, khi ta nghe phán quyết của bác sỹ, ta bị ung thư chỉ còn sáu tháng đến một năm. Ta phản kháng, tự tra vấn “Tại sao lại là ta?, Tại sao ta lại vướng vào căn bệnh quái ác này, khi cuộc đời còn nhiều dang dở? Thật khó chấp nhận, nhưng đó là sự thật, có lẽ với tâm tình phó thác, ta chỉ còn thưa lên:  "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha." (Lc 22, 42).
Chấp nhận đi vào cuộc chiến. Chúa Giêsu hoàn toàn chấp nhận trong trạng thái tích cực đi vào cuộc chiến. Chấp nhận thụ động để người ta bắt, người ta đánh đòn, người ta kết án. Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Thế cho nên, nếu việc mất quyền lực, sự vu khống hay lăng nhục, tù đày hay bệnh tật, sự tra tấn và thậm chí cả sự chết bị coi như ác xấu tệ hại nhất, không thể gây thiệt thòi cho những ai phải gánh chịu, mà trái lại được họ coi là có ích; thế thì làm sao, bạn hãy chỉ cho tôi thế nào, một người có thể bị tồn thương được khi họ không bị những điều trên gây tổn thương?”.
Xem cái chết như một phần thưởng của cuộc sống là cách tích cực để sẵn sàng đón nhận. Trong thái độ tích cực ấy nhiều người để lại những kinh nghiệm, sống thời gian còn lại để làm nên những kỳ tích. Chẳng hạn câu chuyện 1000 con hạc giấy của một cô bé Sadaco Sasaki 2 tuổi bị chịu nhiễm phóng xạ từ bom nguyên tử tại Hiroshima, mất vào năm 12 tuổi. Câu chuyện lan toả khắp thế giới về hiểm hoạ bom nguyên tử, giúp cho con người hãy sống với nhau thân thiện hơn.
Chúa Giêsu đón nhận gian nan, cực hình và cái chết như người tôi trung của Chúa để cứu muôn người. “Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt."  (Ga 11, 49 -50)
Không có cuộc chiến nào dễ dàng để đón nhận vinh quang. Càng gay go vinh quang càng lớn, càng khắc nghiệt kinh nghiệm càng dầy dạn.  “Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.” (Mt 11, 12). Đương đầu chiến đấu trước cái chết là một cuộc chiến cô đơn nhất, không có ai cùng đi, không có ai cùng một nỗi đau. Giống như người mẹ có thương con, đứa con bé bỏng của mình bị thương nặng, cũng chỉ hết lòng chăm sóc lo cho con mau khoẻ, hết bệnh chứ không thể mang thay cho con căn bệnh.  Trong cuộc đời của ta cũng vậy, chẳng ai có thể thay ta mang nặng những thương tích, ta cô đơn trong cuộc chiến, nhưng không cô độc, bên cạnh ta còn có nhiều người thương giúp ta.
Chúa Giêsu cô đơn trong cuộc chiến, nhưng bên cạnh Người còn có Mẹ và những người thân hữu chứng kiến, theo bước trong chặng đường thương khó, cùng chia nỗi đau, cùng mang những nỗi nhọc nhằn, cô đơn. Niềm an ủi lớn nhất khi Chúa chịu treo trên thập giá trước khi phó linh hồn trong tay Cha: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà. "Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." (Ga 19, 26 – 27). Ta cô đơn trong cuộc chiến nhưng không bao giờ cô độc, vì ta có Chúa, có Đức Mẹ, các Thánh, những người thân yêu đang nguyện cầu cho ta.
Cuộc chiến nào cũng đến đỉnh điểm, không thể kéo dài mãi. Trong giáo xứ tôi, có một cụ ông đã mười tám năm nằm liệt. Không thể làm gì được cho mình, một an ủi lớn nhất là con cháu ông, chăm sóc sạch sẽ, không lở loét, cứ nằm chờ ngày Chúa gọi. Bình an trong cuộc chiến, đợi chờ, chắc chắn có ngày sẽ đến cực điểm của khổ đau. Nước Trời, sự mong đợi cuối cùng sẽ đạt tới khi niềm tin còn giữ vững.
Chúa Giêsu đi tới cùng trong cuộc chiến dù có những thử thách và thách thức của con người hiểm ác: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: "Ta là Con Thiên Chúa! " (Mt 27, 42 – 43).
Thinh lặng trong cuộc chiến là báo trước mọi sự rồi sẽ hoàn tất. khi chiến tranh tàn cuộc cũng là lúc thinh lặng, không còn tiếng súng, chỉ còn những nỗi đau, những giọt nước mắt thầm lặng đưa tiễn. Chúa Giêsu trước khi đi vào cái chết Người cầu xin cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23, 34).
Tha thứ là đỉnh cao của tình yêu đón nhận, hy sinh, chịu đựng, tha thứ tất cả. Mang một tình yêu tha thứ làm hành trang đi vào sự sống vĩnh hằng là một hành vi cuối cùng Chúa dạy ta: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Lc 23, 46).
Giờ Con Người được tôn vinh là giờ hoàn tất mọi sự trong tình yêu tha thứ. Sự sống chiến thắng sự chết, tình yêu chiến thắng hận thù.
“Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53, 5)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây