TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bộ lễ Seraphim, Bài thương khó và Mừng vui lên

Thứ hai - 10/07/2023 23:44 | Tác giả bài viết: GM Phaolô Nguyễn Văn Hòa |   721
Hiến chế Phụng vụ là văn kiện đầu tiên của Công đồng vừa được công bố, trong đó Giáo Hội đưa ra đường hướng cải tổ phụng vụ sao cho có thể giúp giáo dân tham dự tích cực vào các lễ nghi phụng vụ
KHAI SINH BỘ LỄ SERAPHIM, BÀI THƯƠNG KHÓ VÀ MỪNG VUI LÊN (EXSULTET)
tại nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt

 
vn110723b

WHĐ (11.07.2023) – Cuối năm 1963, sau khi đi họp Công đồng Vaticanô II (kỳ II/5) về, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Đà Lạt, kêu tôi tới Tòa Giám Mục để Ngài vừa thông tin vừa ra lệnh: “Hiến chế Phụng vụ là văn kiện đầu tiên của Công đồng vừa được công bố, trong đó Giáo Hội đưa ra đường hướng cải tổ phụng vụ sao cho có thể giúp giáo dân tham dự tích cực vào các lễ nghi phụng vụ. Cho nên sắp tới, Giáo Hội sẽ cho hát lễ bằng tiếng Việt, cha liệu đặt nhạc cho tôi Kinh Thương xót, Vinh danh…”. “Dạ thưa Đức cha, vâng, con sẽ cố gắng hết sức”.

Trở về nhà xứ Đà Lạt tôi thấy lo lắng, băn khoăn. Nhưng Ngài ra lệnh rồi, không làm cũng không xong. Vấn đề là lấy bản văn nào mà đặt nhạc đây, vì bản dịch trong sách lễ của nhà xuất bản Hiện Tại, tái bản tại Sài Gòn năm 1962 không phải là bản dịch chính thức. Rất may chỉ một tháng sau (1/1964) là có cuộc Hội nghị Thường niên của các Giám mục Việt Nam tại trung tâm Công giáo Sài Gòn. Chiếu theo Hiến Chế Phụng Vụ số 22,2 nói về trách nhiệm của Hội đồng Giám mục trong việc điều hành phụng vụ, các giám mục đã kiện toàn tổ chức Hội đồng Giám mục bằng việc bầu ra một Chủ tịch và hai Tổng Thư ký. Công việc tiếp theo của Hội nghị là “ủy nhiệm cho các cha giáo sư Đại Chủng viện Sài Gòn tổ chức và điều hành Ủy ban Phụng vụ toàn quốc”. Các vị này đã mau chóng bắt tay vào việc. Sau một thời gian ngắn, từ Sài Gòn người ta đã gửi cho tôi bản dịch phần thường lễ. Giáo hội Việt Nam hưởng ứng các quyết định của Công đồng mau mắn như vậy đó.
 

Khi bắt đầu soạn nhạc thì không thấy khó như mình tưởng. Tôi viết một mạch từ đầu tới cuối, hầu như không có sửa chữa. Viết xong thì lại nhận được bản dịch mới từ Sài Gòn gửi ra Đà Lạt, có sửa lại vài chữ. Không sao cả, tôi điều chỉnh lại bản nhạc rất nhanh, và bản nhạc mới còn khá hơn bản trước nữa. Tôi nhờ mấy người trong ca đoàn Seraphim lo giúp thu âm vào băng nhựa (cassette): anh Sơn, anh Minh lo máy ghi âm, còn cô Thủy thì lo hát. Tiếng hát thật tốt và đúng tâm tình cầu nguyện. Do gợi ý của mấy anh chị ca đoàn, tôi đặt tên tác phẩm này là Bộ lễ Seraphim. Tôi đem cuốn băng đã ghi âm báo cáo cho Đức cha Hiền. Vì đây là lần đầu tiên có một bộ lễ dệt trên bản dịch chính thức của HĐGM, nên Đức cha đã khá thận trọng, Ngài gửi cho nhiều cha nghe để đánh giá và góp ý: cha Lập viện trưởng Đại học Đà Lạt, các cha trong ban giám đốc Giáo Hoàng học viện, cha Dulucq dòng Lazariste và một số các cha khác, không thấy ai đề nghị chỉnh sửa gì, tất cả đều đồng ý cho sử dụng. Thế là cha Ngà cho phổ biến tại nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt, do chính ca đoàn Seraphim hát. Dân chúng nghe rất mau thuộc.

Thế rồi việc phải đến sẽ đến. Tới mùa Chay (năm 1964), Đức cha Hiền lại kêu tôi sang Tòa Giám mục: “Lần trước cha viết bộ lễ được lắm đấy, vừa trang trọng, đơn giản như một bài bình ca, lại vừa rất tự nhiên trong giọng điệu tiếng Việt. Lần này cha viết cho tôi các Bài Thương khó, để Lễ Lá tới đây ta hát cho giáo dân tham dự sốt sắng”. Tôi chậm rãi: “Thưa Đức cha, bộ lễ thì tương đối dễ, chứ Bài Thương khó thì “khó” lắm”.

Tôi trở về nhà xứ Đà Lạt, băn khoăn hơn lần trước. Vì dù sao thì bộ lễ cũng có bản dịch chính thức của Ủy ban Phụng tự, chứ Bài Thương khó thì ủy ban vừa mới thành lập đâu đã dịch kịp được, ủy ban còn biết bao nhiêu việc khác cần hơn. Thôi, tôi cứ bằng lòng với bản dịch Bài Thương khó trong sách lễ Hiện Tại vậy. Thế là tôi lại dấn thân vào một cuộc mạo hiểm thứ hai.

Tôi lên Giáo Hoàng học viện mượn cuốn Bài Thương khó bằng tiếng Latinh về nghiên cứu. Cha Thủ thư viện nghe tôi nói lệnh Đức cha Hiền thì lè lưỡi nhún hai vai: “Đâu phải chuyện đơn giản và dễ dàng như vậy”, nói thế rồi Ngài cũng đưa sách cho tôi. Tôi nhận ra rằng các nhân vật trong cuộc thương khó có thể xếp thành ba vai: 1/Người kể chuyện, 2/Chúa Giêsu, 3/Tất cả các người khác như: Phêrô, Giuđa, Philato, Thượng tế… cả 3 vai đều dùng quãng ba thứ: Người kể dùng La-Do, Chúa Giêsu dùng Re-Fa thấp, còn các người khác dùng Re-Fa cao. Quãng ba thứ lại rất thích hợp với cung đọc kinh mùa thương khó của giáo dân Việt Nam. Giọng kể hay nói của mỗi vai cứ lượn lên lượn xuống theo quãng ba thứ gồm 2 nốt (chứ không phải 3 nốt) như trên một cái xà ngang, một trục ngang (chứ không phải trụ, vì trụ là cột thẳng đứng). Cả ba vai đều không dùng công thức khởi đầu, nhưng mỗi vai đều có công thức kết thúc khác nhau. Thế là tôi đã tìm được cái chìa khóa để mở vào căn nhà Thương Khó. Không ngờ giải pháp đó đã bước đầu đáp ứng nhu cầu. Ngày Lễ Lá năm 1964, lần đầu tiên một Bài Thương khó tiếng Việt được hát lên trong nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt, mà vai Chúa Giêsu lại chính là Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền. Giọng Ngài trầm ấm rất thích hợp với vai này. Giáo dân ai cũng phấn khởi vì cũng được tham gia hát thoải mái trong vai cộng đồng.

Sau lễ Lá, Đức cha Hiền lại gọi tôi: “Cứ theo kiểu này, cha soạn tiếp cho tôi bài Exsultet (Mừng vui lên) tức bài công bố Tin mừng Phục sinh, hát vào đêm Thứ Bảy Tuần Thánh”.

Quả đây là một bài toán hóc búa. Vì bản bình ca tiếng Latinh có nét nhạc rất trang trọng, và hay nhất trong các giọng kể của nhạc bình ca, nhưng cũng rất phức tạp. Nó vừa có giọng kể chuyện, công thức khởi đầu, công thức giữa câu, công thức kết. Đối với tiếng ngoại quốc (Latinh, Ý, Anh hay Pháp) thì công thức gì cũng không thành vấn đề, nhưng đối với tiếng Việt thì… Lạy Chúa tôi! Tôi cũng vẫn phải dùng bản dịch của sách lễ Hiện Tại, là bản dịch duy nhất có vào thời điểm này. Vì chưa tìm ra được một lối hát tương đương theo cung cách dân tộc, nên tôi vẫn phải dùng giọng kể chuyện theo quãng ba thứ và thích ứng các công thức nương theo lối hát bình ca của tiếng Latinh, là lối hát đã trải qua trên cả ngàn năm kinh nghiệm. Tôi sợ rằng nhiều linh mục và phó tế sẽ vất vả lắm khi phải hát bài này. Và quả thật, các cha phó ở nhà thờ Chánh tòa đều ái ngại khi nhìn thấy bản hát. Cuối cùng chính tôi cũng phải đảm nhận hát bài này lần đầu tiên tại nhà thờ xứ Thánh Nicola Đà Lạt trong nghi thức vọng Phục Sinh năm 1965.

Thời gian qua rất mau, mới đó mà nay đã gần nửa thế kỷ. Tác giả ở tuổi ngoài tám mươi đang nghỉ hưu, các ca viên ca đoàn Seraphim thì lúc này đã trở thành ông bà nội ông bà ngoại cả rồi và nay thì mỗi người mỗi nơi trên nhiều châu lục của thế giới. Mỗi lần tưởng nhớ lại thời kỳ khai mở của Bộ Lễ, của các Bài Thương Khó, bài Mừng Vui Lên ai cũng cảm thấy bùi ngùi cảm động và bồi hồi nhớ tiếc. Nhưng nhờ qua phụng vụ, Thánh Ca sống xuyên thời gian và không gian. Dù đi nơi đâu trên thế giới, trong nước cũng như ở các nước ngoài, hễ có cử hành thánh lễ tiếng Việt là có nghe hát bộ lễ Seraphim. Mỗi lần như thế là các ca viên nói trên đây lại hòa nhập ngay và hát hăng say với cộng đoàn. Mỗi người cảm thấy như đang sống lại thời xưa của mình, và như trẻ lại được gần nửa thế kỷ. Nhưng theo chương trình của Chúa, chúng ta sẽ lần lượt về với Ngài, khi đó các Seraphim sẽ đón chúng ta vào ngồi chung với ca đoàn của các ngài để ca tụng Chúa. Mọi người đều hát hăng say đến nỗi khi hát tới bài Thánh Thánh Thánh thì cứ lặp lại hoài không ngừng nữa (xem Is 6, 2-3 và câu cuối các Kinh Tiền Tụng trong sách lễ Rôma).

Bộ lễ này vẫn được hát như thế từ năm 1964 cho đến nay (2013), trừ một vài thay đổi nhỏ thể theo bản dịch năm 2005 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Chỉ sau một vài năm là các nơi đã đọc và hát quen với bản mới này.

Như đã nói ở trên, vào năm 1964, trong khi bộ lễ thì đã được dệt nhạc theo bản dịch chính thức của Ủy ban Phụng tự, nhưng Bài Thương khó và bài Mừng vui lên thì chưa có bản dịch mới, vì lúc đó Ủy ban Phụng tự chưa kịp thực hiện, nên tôi lại buộc phải dùng bản dịch sách lễ Hiện Tại. Tới ngày nay, sau gần nửa thế kỷ, nhiều người còn vẫn ưa thích bản nhạc này, vì họ thấy các bài ấy rất tự nhiên và hài hòa giữa nhạc và lời. Thông thường thì các bản nhạc đầu tay dễ được như thế. Tôi sẽ tìm cách đưa những bài đó lên mạng để cung cấp một tài liệu cho mọi người.

Đầu năm 1969 là thời gian Hội đồng Tòa thánh thực thi Hiến chế Phụng vụ ban hành huấn thị để thi hành nhiều chỉ thị về phụng vụ theo tinh thần của Công đồng Vaticanô II. Có thể nói đây là một mốc điểm quan trọng nếu chỉ xét riêng về chu kỳ phân phối các bài đọc.

Trước thời gian đó, phụng vụ phân phối bài đọc cho các ngày chủ nhật theo chu kỳ một năm: tới Chủ nhật đó là đọc bài đọc đó, năm nào cũng như năm nào. Chỉ cần một cuốn sách lễ Rôma là trong đó có đủ mọi văn bản cần thiết cho tất cả mọi lễ trong năm.

Nhưng từ năm 1969, nhằm giúp Dân Chúa tiếp xúc nhiều với Lời Chúa, các bài đọc trong các Chúa nhật được phân phối theo chu kỳ 3 năm: năm A, năm B và năm C. Cứ 3 năm mới trở lại đọc bài cũ một lần.

Lễ Lá có 3 bài Thương khó: Năm A theo thánh Mátthêô, năm B theo thánh Máccô, năm C theo thánh Luca. Thứ Sáu Tuần Thánh thì cả 3 năm ABC đều đọc bài Thương khó theo thánh Gioan. Ta dễ dàng nhận thấy rằng các bài Thương khó tôi đã soạn năm 1964 không đủ dùng cho nhu cầu mới này. Thêm vào đó, từ năm 1969 và 1970, giáo hội Việt nam có sách Bài Đọc mới. Trong hoàn cảnh như vậy, một số người có thiện chí đã mau chóng phỏng theo cung thương khó của tôi để soạn những bài Thương khó mới, kể cả bài Mừng Vui Lên cho kịp với nhu cầu. Các bài đó khác nhau và do khá nhiều người soạn. Có bài để tên tôi là tác giả, có bài không đề. Một số người biên thư hỏi tôi: “Sao kỳ này Đức cha viết nhạc hát không xuôi nữa?” và họ cứ muốn có được các bản tôi đã soạn năm 1964 ngày xưa, nhưng khi lên mạng thì vì có nhiều dị bản quá nên bị lạc hướng. Tôi hứa sẽ đưa lên các bản đó kèm theo lời chú: bản gốc ĐC Hòa soạn năm 1964 tại Đà Lạt.

Vào tháng 10 năm 2001, khi Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ làm Chủ tịch Ủy ban Phụng tự, thì ủy ban khởi công dịch lại toàn bộ sách lễ Rôma kể cả các bài đọc. Nhân cơ hội nầy, tôi đã soạn lại các Bài Thương khó đủ các năm ABC và bài ca Mừng Vui Lên theo các yêu cầu về bản dịch của Ủy ban Phụng tự và đã được HĐGM cho phép sử dụng. Bản mới nhất này được xuất bản năm 2003 dưới nhan đề Bài Ca Thương Khó. Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa biên soạn.

Nay Ủy ban Phụng tự đã hoàn tất bản dịch toàn bộ Sách lễ Rôma cùng với các bài đọc và đã nộp sang Bộ Phụng Tự để xin chuẩn nhận. Chúng tôi sẽ điều chỉnh lần sau nữa sau khi bản dịch nói trên trở thành bản chính thức.
 
Ghi lại ngày 01/09/2011, tại Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang
+ Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Nguyên Phó xứ Chánh Tòa Đà Lạt
Nguyên Giám mục Nha Trang

Ghi chú: Đây là bản chính thức về Khai sinh bộ lễ Seraphim thay thế các bản đã viết trước.
Trích: Tập san Hương Trầm của Ủy ban Thánh nhạc / Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 35 (tháng 04 năm 2023)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây