TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mông Cổ chờ đợi cuộc viếng thăm của ĐTC

Thứ hai - 10/07/2023 20:11 | Tác giả bài viết: Giuse Trần Đức Anh O.P. |   458
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ lên đường viếng thăm, từ ngày 31/8 đến 4/9/2023, cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ nhất thế giới ở Mông Cổ
Mông Cổ chờ đợi cuộc viếng thăm của ĐTC

Cộng đoàn Công Giáo tại Mông Cổ chờ đợi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Trong vòng 1 tháng 3 tuần nữa, sau chuyến tông du từ ngày 2-6/8/2023 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, nhân Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 37, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ lên đường viếng thăm, từ ngày 31/8 đến 4/9/2023, cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ nhất thế giới ở Mông Cổ, chỉ có 1.300 tín hữu, nhưng cũng có vị Hồng Y trẻ nhất trong Giáo Hội. Đâu là những nét nổi bật của cộng đoàn Công Giáo “sơ sinh” này và phản ứng của các tín hữu trước tin Đức Thánh Cha sẽ “lặn lội” đến viếng thăm họ?

Phản ứng kinh ngạc

Trang mạng Crux Now ở Mỹ, truyền đi ngày 3/7 vừa qua, cho biết các thừa sai ở Mông Cổ đã tỏ ra “kinh ngạc” khi nghe tin Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm nước này. Trong một cuộc họp báo ở thủ đô Ulaanbaatar, Cha Jaroslav Vracoský, người Tiệp thuộc dòng Don Bosco, cha sở giáo xứ ở Shuvuu, cho biết nhiều người “bị sốc” vì tin này. Mông Cổ là một nước đa số dân theo Phật giáo, hầu hết dân chúng không biết Đức Giáo Hoàng là ai và tại sao ngài sẽ đến nước này. Hầu hết người ta không biết biến cố này là gì và quan trọng như thế nào.

Theo thống kê của Tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ”, 53% dân Mông Cổ là tín đồ Phật giáo Tây Tạng, 39% là người vô thần, 3% theo Hồi giáo, 3% theo đạo pháp thuật (samanismo) và chỉ có 2% theo Kitô giáo thuộc các hệ phái khác nhau.

Cha Vracoský cũng nói rằng “Chúng tôi nóng lòng được trải qua kinh nghiệm đón tiếp Đức Thánh Cha và ngài có dịp lắng nghe các thừa sai, gặp diện đối diện. Nhiệm vụ của chúng tôi là trình bày với ngài những gì đang xảy ra. Chúng tôi cũng nhân dịp này giới thiệu cho dân chúng biết ai là vị Giáo Hoàng hiện nay và nhân dịp này tôi cũng giới thiệu với dân Mông Cổ Giáo Hội Công Giáo là gì?”

Trong cuộc họp báo, Cha Phaolô Lương (Leung) người Hong Kong, Bề trên của miền dòng Don Bosco ở Mông Cổ, cho biết các tín hữu Công Giáo tại nước này cũng rất ngạc nhiên về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha. Cha nói: “Các tín hữu không hề nghĩ Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm, không bao giờ họ nghĩ đến việc này, nên bây giờ, họ đang chuẩn bị gặp ngài... Theo truyền thống văn hóa du mục, người Mông Cổ rất hiếu khách và họ nóng lòng chuẩn bị để đón tiếp Đức Thánh Cha”.

Theo cha Lương, Đức Thánh Cha viếng thăm là cơ hội để mở rộng cái nhìn của các tín hữu Công Giáo địa phương, vì Mông Cổ là một nước bị đóng khung giữa Nga và Trung Quốc. Cha cũng cho biết Trung Quốc và Mông Cổ vốn là kẻ thù của nhau, cả ngày nay, nhiều người Mông Cổ không thích Trung Quốc, tuy rằng họ là láng giềng của nhau. Về kinh tế, cả hai nước gần gũi nhau, đặc biệt Mông Cổ lệ thuộc Trung Quốc, dầu vậy người dân Mông Cổ không thích người Hoa. Họ thân thiện hơn với người Nga và mối quan hệ giữa hai nước vẫn còn mạnh.

Vị Hồng Y trẻ nhất

Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt chú ý đến cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ tại Mông Cổ.

Trong niên giám năm ngoái của Tòa Thánh có liệt kê danh sách 39 phủ doãn tông tòa, phần lớn ở Trung Quốc không có ai coi sóc, và chỉ có 9 phủ doãn có chủ chăn, trong số này 7 phủ doãn là linh mục và chỉ có 2 phủ doãn do Giám Mục coi sóc, đó là Mông Cổ và Azerbaijan.

Trường hợp Mông Cổ: ngày 2/4/2020, Đức Thánh Cha đã thăng cha Giorgio Marengo Phủ doãn tông tòa Ulaanbaatar lên hàng Giám mục và ngày 8/8 sau đó, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ truyền giáo đã truyền chức Giám Mục cho Đức cha tại Ý, vì hồi đó Mông Cổ còn bị đại dịch Covid-19. Tân Giám Mục năm ấy được 46 tuổi (1974), đã khấn trọn đời trong dòng Thừa Sai Đức Mẹ An Ủi năm 2000 và thụ phong linh mục năm sau đó (2001). Cha theo học tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ Truyền giáo và đậu tiến sĩ về truyền giáo học tại đây. Cha đã làm việc truyền giáo tại Mông Cổ từ năm 2000, và từ năm 2006 được bổ làm Cố vấn của dòng đặc trách miền Á châu, kiêm Bề trên và cha sở giáo xứ Đức Mẹ Từ Bi tại thành phố Arvaiheer, cách thủ đô Ulaanbaatar khoảng 430 cây số về hướng tây nam.

4 ngày sau khi thụ phong, Đức tân Giám mục đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến tại Vatican, trước khi trở về nhiệm sở ở Mông Cổ.

Rồi năm sau đó, Đức Cha được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Hồng Y trong công nghị ngày 27/8/2022.

Tình hình Công Giáo tại Mông Cổ

Mông Cổ rộng hơn 1 triệu 560 ngàn cây số vuông, gấp 5 lần Việt Nam và là quốc gia rộng thứ 19 trên thế giới, nhưng dân số chỉ có khoảng 3 triệu 400 ngàn người trong đó gần một nửa, tức là 1 triệu 400 ngàn người, sinh sống tại thủ đô Ulaanbaatar.

Theo niên giám năm ngoái (2022) của Tòa Thánh, Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar bao trùm toàn thể lãnh thổ Mông Cổ và chỉ có 1.360 tín hữu Công Giáo, thuộc 8 giáo xứ, 2 giáo họ. Nhân sự của Giáo Hội địa phương, ngoài Đức Hồng Y Phủ Doãn, có 5 Linh Mục giáo phận, 19 linh mục dòng, 35 nữ tu, 28 tu huynh. Ngoài các giáo xứ, họ còn hoạt động tại 10 trường học, 54 tổ chức từ thiện, số người được rửa tội trong năm là 37 người.

Kỷ niệm 30 năm tái lập cộng đoàn Công Giáo

Kitô giáo đã có mặt tại Mông Cổ hồi cuối thế kỷ thứ 10, với các thừa sai Siriac từ Trung Đông đến, nhưng rồi sau đó không còn nữa. Mãi đến năm 1992, khi chế độ cộng sản sụp đổ sau 70 năm cai trị nước này, các thừa sai dòng Khiết Tâm Đức Mẹ (Scheute) người Bỉ mới được trở lại đây.

Để kỷ niệm 30 năm hiện diện, một buổi lễ trọng thể đã được tổ chức ngày 10/7/2022, với sự tham dự của Đức TGM Sứ thần Tòa Thánh Alfred Xuereb người Malta, cũng là Sứ thần Tòa Thánh tại Hàn quốc, Đức Hồng Y Giorgo Marengo, Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, cùng với phần lớn các thừa sai tại nước này, trong đó có nhiều cha dòng Don Bosco.

Trong dịp này, Đức Sứ Thần Tòa Thánh đã làm phép bàn thờ mới trong Nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô và Phaolô, cạnh mộ của Đức Cha Wenceslao Padilla, người Philippines, thuộc dòng thừa sai Khiết Tâm Đức Mẹ, Phủ doãn tông tòa đầu tiên tại nước này từ năm 1992 và qua đời năm 2018.

Đức Hồng Y Marengo đã chia sẻ một số thông tin về sứ mạng của Giáo Hội tại Mông Cổ và những gì đang được thực hiện. Ngài nói: “Tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng giấc mơ của Đức Cố Giám mục Padilla, chắc chắn ngày hôm nay ngài vui mừng từ trời cao nhìn chúng ta tụ họp quanh mộ ngài, yêu mến và khiêm tốn phục vụ đất nước Mông Cổ yêu quý này”.

Sáng sớm ngày kỷ niệm, nhiều tín hữu đã có mặt tại nhà thờ, và có những người đến từ hơn 400 cây số, mang theo lương thực và đồ uống cho buổi lễ. Một số người làm bếp gần đó. Lúc 10 giờ, các linh mục bắt đầu giải tội cho đông đảo các tín hữu, trong khi đó nhiều tín hữu khác và quan khách, cả các vị lãnh đạo các tôn giáo bạn tiến vào trong thánh đường.

Thánh hiến Mông Cổ cho Đức Mẹ

Một sinh hoạt đặc sắc khác trong thời gian gần đây của Cộng đoàn Công giáo bé nhỏ ở Mông Cổ là lễ thánh hiến đất nước và Giáo hội địa phương cho Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Đức Hồng Y Marengo kể lại rằng tôi đã cử hành ngày 8/12/2022 với nghi thức thánh hiến Mông Cổ cho Đức Mẹ, trước tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm tìm được trong một bãi rác cách đây 10 năm... Hồi đó một phụ nữ không Công Giáo có 11 người con, quen biết các nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa, khi đi bới rác ở khu vực do 1 xe tải đổ xuống ở mạn bắc Mông Cổ. Bà thấy một bọc vải lớn, mở ra thì thấy một tượng đẹp bằng gỗ cao 62 centimét. Bà không biết là gì nhưng cũng mang về nhà, cho đến khi một hôm các nữ tu đến thăm bà, bà cho các chị xem pho tượng, các chị ngạc nhiên hỏi bà xem pho tượng ấy từ đâu mà tới”.

Trong vài năm trời, tượng Đức Mẹ được đặt tại văn phòng giáo xứ ở địa phương. Đức Hồng Y Marengo nói: “Tôi chỉ hay biết có tượng này hồi năm ngoái và tôi nghĩ: “Đức Mẹ muốn nói gì với chúng tôi đây”. Và tôi đến tận nơi gặp phụ nữ ấy.

“Rồi ngày 25/3/2022, Lễ Truyền Tin cho Đức Mẹ, với sự đồng ý của cộng đoàn, chúng tôi chính thức đưa tượng về nhà thờ chính tòa để các tín hữu tôn kính. Trước ngày 8/12 vừa qua, chúng tôi đã mời tất cả các tín hữu hãy gửi cho chúng tôi mỗi người một mảnh vải đặc biệt có ý nghĩa đối với họ, kèm theo một câu, một ý nguyện. Chúng tôi nối kết lại thành một áo choàng để dâng kính Đức Mẹ cùng với những ý nguyện của chúng tôi. Đó là một thời khắc thật đẹp. Ngày 25/12 sau đó chúng tôi cử hành thánh lễ trong các cộng đoàn khác nhau, nhưng ngày 26/12, lễ thánh Stephano, chúng tôi gặp gỡ và mừng lễ với tất cả các thừa sai và các giáo dân cộng tác viên để kết thúc lễ mừng 30 năm thành lập giáo đoàn Mông Cổ. Cũng có một hang đá sống với một số người trẻ”.

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha

Chính trong bối cảnh trên đây mà Đức Thánh Cha dành 4 ngày để viếng thăm cộng đoàn Công giáo bé nhỏ tại Mông Cổ, cách Roma 1 phần tư vòng trái đất, với chương trình đơn giản và nhẹ nhàng.

Ngày đầu tiên 1/9, sau khi đến thủ đô Ulaanbaatar, ngài không có hoạt động chính thức nào, và chỉ bắt đầu từ 9 giờ sáng thứ Bảy, 2/9, với các cuộc gặp gỡ tổng thống, chính quyền, ngoại giao đoàn và các đại diện xã hội dân sự. Ban chiều cùng ngày ngài gặp gỡ các Giám mục, linh mục, các thừa sai và tu sĩ nam nữ, các nhân viên mục vụ tại Nhà Thờ chính tòa địa phương.

Sáng Chúa Nhật 3/9, Đức Thánh Cha gặp gỡ đại kết và liên tôn, và ban chiều cùng ngày, ngài cử hành thánh lễ với các tín hữu tại Hội trường thể thao. Thứ Hai 4/9, ban sáng Đức Thánh Cha dành để gặp các nhân viên bác ái và khánh thành Nhà Lòng thương xót, trước khi ra phi trường để bay trở về Roma.

Giuse Trần Đức Anh O.P.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây