Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 06/07/2022 19:21 |
Tác giả bài viết: |
934
Từ ngày 1-4/7/2022 Đức Hồng y Parolin đã thăm Cộng hoà Dân chủ Congo.
ĐHY Parolin thăm Cộng hoà Dân chủ Congo
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đang thực hiện sứ vụ được Đức Thánh Cha trao phó: mang sự gần gũi yêu thương của ngài đến với người dân hai nước Congo và Nam Sudan, những quốc gia mà lẽ ra Đức Thánh Cha thăm viếng trong tuần đầu tháng 7 này, nhưng ngài đã phải hoãn lại do đau đầu gối. Từ ngày 1-4/7/2022 Đức Hồng y Parolin đã thăm Cộng hoà Dân chủ Congo. Ngài đã gặp Tổng thống, dự lễ ký kết các thoả thuận của Giáo hội Congo với chính phủ, gặp gỡ các tu sĩ...
Đức Hồng y đến Congo vào tối thứ Sáu 1/7/2022, sau chuyến bay hơn mười tiếng. Đến thủ đô Kinshasa, Đức Hồng y được chào đón tại sân bay bởi ngoại trưởng Congo, Cristophe Lutundula Apala, và Sứ thần Tòa thánh, Tổng giám mục Balestrero.
Gặp tín hữu ở thủ đô Kinshasa
Thứ Bảy 2/7/2022, trước hết, Đức Hồng y Parolin đến thăm trụ sở của Hội đồng giám mục Congo. Chào phái đoàn các phụ nữ ca hát chào đón ngài và các đại diện của Hội đồng giám mục, Đức Hồng y Parolin xin mọi người cầu nguyện cho chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô; ngài cho biết Đức Thánh Cha rất mong muốn thực hiện chuyến viếng thăm ngay khi có thể. Đức Hồng Y trấn an người dân Congo rằng ngài “không đến để thay thế Đức Thánh Cha, nhưng để chuẩn bị trước cho Đức Thánh Cha.”
ĐHY Pietro gặp các tín hữu ở thủ đô Kinshasa
Gặp Tổng thống Felix Tshisekedi
Trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Felix Tshisekedi, Đức Hồng y và Tổng thống đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm an ninh quốc gia và mối quan tâm về bạo lực ở miền đông đất nước.
Sau khi hỏi thăm sức khỏe của Đức Thánh Cha và nhắc lại sự kỳ vọng lớn lao của mọi người đối với chuyến thăm của ngài tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Tổng thống Tshisekedi bày tỏ mong ước hòa bình và ổn định cho các khu vực phía đông đang bị đe dọa bởi xung đột.
Cuộc trò chuyện sau đó nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác giữa Giáo hội và các cơ quan dân sự vì lợi ích của người dân Congo. Đức Hồng y Parolin đảm bảo sự gần gũi của Đức Thánh Cha và nhấn mạnh đến sự dấn thân của Tòa thánh và Giáo hội trong việc thúc đẩy các con đường hòa bình và phát triển.
ĐHY Pietro gặp Tổng thống Felix Tshisekedi
Thăm trụ sở của MONUSCO
Sau đó, Đức Hồng y Parolin đã đến thăm trụ sở của MONUSCO, phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Cộng hoà Dân chủ Congo từ năm 1999 để giúp ổn định đất nước.
Vì đại diện đặc biệt của Tổng thư ký đang ở New York để tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, phó đại diện, Khassim Diagne, đã chào đón Đức Hồng y và giới thiệu tóm tắt về tình hình chính trị và an ninh, đặc biệt là các vấn đề ở phía đông của đất nước và tình trạng khẩn cấp về người tị nạn, cũng như công việc của MONUSCO để giải quyết những vấn đề này.
Trọng tâm chính của họ là bảo vệ và các hoạt động gìn giữ hòa bình ở Bắc Kivu, hiện trường của bạo lực và các mối đe dọa thường xuyên, nơi Đại sứ Ý Luca Attanasio bị giết vào năm ngoái.
Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã nói với Đức Hồng y về "những ngôi làng bị tàn sát" và một dân tộc thường xuyên "sợ hãi và hoảng loạn" do các nhóm vũ trang mà các phong trào Hồi giáo đã cài vào. MONUSCO cũng hoạt động để "bảo vệ dân thường", "khôi phục toàn vẹn lãnh thổ" và đảm bảo "an ninh nhiều mặt", theo lời người đại diện.
Đức Hồng y bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở phía đông và cảm ơn MONUSCO vì "công việc xuất sắc" của họ. Ngài nói: “Tình hình rất phức tạp và những thách đố rất lớn," đồng thời kêu gọi “tìm ra các giải pháp” khi toàn bộ hoàn cảnh khó khăn đang đè nặng lên người dân.
Đức Hồng y hy vọng bạo lực sẽ giảm trên toàn quốc và kêu gọi đất nước khôi phục nền kinh tế thông qua các nguồn lực quốc gia. Ngài cũng mời đất nước bảo vệ mọi người và chào đón những người tị nạn. Đức Hồng Y cũng nhắc lại vai trò của Hội đồng Giám mục Congo và các linh mục và tu sĩ đang phục vụ trong nước; ngài nói rằng “chúng ta có thể làm việc cùng nhau để cải thiện tình hình.”
ĐHY Pietro thăm trụ sở của MONUSCO
Buổi ký kết 5 thỏa thuận giữa Hội đồng giám mục Congo với chính phủ
Ngày 2/7/2022 cũng là một "ngày lịch sử" của Giáo hội Công giáo ở Congo. Sau cuộc gặp riêng kéo dài hơn nửa giờ với Thủ tướng Jean-Michel Sama Lukonde, Đức Hồng y Parolin đã tham dự buổi ký kết 5 thỏa thuận của Hội đồng giám mục Congo với chính phủ. Các thoả thuận công nhận địa vị chính thức của Giáo hội; trước đây Giáo hội được đăng ký như là một tổ chức phi lợi nhuận.
Các thỏa thuận, được ký kết bởi các bộ trưởng Ngoại giao, Y tế, Tư pháp, Tài chính, Giáo dục Đại học và Đại học, và Địa phương, và bởi chủ tịch Hội đồng giám mục là Tổng giám mục Marcel Utembi Tapa, đã đưa vào thực hiện Hiệp định khung do Tòa thánh và Cộng hòa Dân chủ Congo ký vào ngày 20 tháng 5 năm 2016 về các vấn đề lợi ích chung.
Hiệp định khung đã thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các mối tương quan hỗ tương và đặc biệt, bảo vệ vị trí pháp lý của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực dân sự và quyền tự do của Giáo hội đối với hoạt động tông đồ và quy định các vấn đề thuộc năng quyền của Giáo hội.
Được phê duyệt vào năm 2019 và có hiệu lực vào năm 2020, Hiệp định khung chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ. Một sắc lệnh vào tháng 6 năm ngoái của Thủ tướng Sama Lukonde đã kêu gọi thực hiện nó và do đó công nhận Giáo hội là một thực thể hợp pháp.
Sau nhiều tháng đàm phán và có sự tham gia đáng kể của Hội đồng giám mục, Sứ thần Tòa thánh, và các bộ liên quan của chính phủ, một Ủy ban hỗn hợp sau đó đã đưa ra năm thỏa thuận cụ thể điều chỉnh các lĩnh vực giảng dạy tôn giáo trong trường học, cơ sở giáo dục Công giáo, hoạt động hỗ trợ bác ái của Giáo hội, mục vụ chăm sóc trong các cơ sở nhà tù và bệnh viện, và chính sách thuế và tài sản của Giáo hội.
Đức Hồng y nhấn mạnh rằng "Thỏa thuận củng cố mối quan hệ đối tác đã gắn kết Giáo hội Công giáo và các cơ quan chính trị của đất nước này trong nhiều thế kỷ, để phục vụ toàn dân." Ngài cho biết, “Sự quan tâm của Giáo hội, trong các mối quan hệ với chính quyền dân sự, là tập trung vào việc cùng nhau làm việc vì sự phát triển nhân văn toàn diện của tất cả mọi người, không có sự phân biệt sắc tộc hay tôn giáo, và đặc biệt là những người nghèo nhất và thiếu thốn nhất."
Đức Hồng y cũng bày tỏ hy vọng rằng Thỏa thuận khung sẽ không chỉ là "sự kết thúc của một quá trình lâu dài, mà còn là nền tảng của một sự hợp tác mới, mạnh mẽ hơn và có trật tự hơn", sẽ dẫn đến "sự hợp tác hòa bình và hiệu quả của Giáo hội với chính quyền dân sự và sự công nhận chính đáng về sự đóng góp của họ cho lợi ích chung."
ĐHY Pietro tại buổi buổi ký kết 5 thỏa thuận giữa Hội đồng giám mục Congo với chính phủ
Đức Hồng y Parolin cử hành Thánh lễ tại Kinshasa
Chúa Nhật ngày 3/7/2022, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh đã cử hành Thánh lễ trước Toà nhà Quốc hội ở thủ đô Kinshasa với sự tham dự của khoảng 100 ngàn tín hữu Congo.
Đức Hồng y bắt đầu bài giảng bằng những từ "hòa bình, tình huynh đệ, và niềm vui" bằng tiếng Pháp. Ngài nói: "Đây là những hy vọng và ước mơ mà chúng ta tìm cách nắm lấy, nhưng tiếc là chúng ta chỉ gặp khó khăn trong thời kỳ bất ổn và xung đột này. Đó là những lời hứa về Nước Chúa, những lời hứa mà chúng ta khao khát trong lòng." Ngài nói rằng Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta với niềm khao khát hòa bình, "không chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi giữa các cuộc chiến tranh, để có trải nghiệm cụ thể về tình huynh đệ, và niềm vui tràn đầy."
Đức Hồng y lưu ý rằng người dân Congo phải đối mặt với các vấn đề khó khăn, bao gồm mất việc làm, ô nhiễm và bạo lực khốc liệt ở miền đông đất nước, đồng thời kêu gọi họ đừng để cho sự đầu hàng và chán nản chiến thắng mình. Ngài nói: "Sự cám dỗ ngày nay là từ bỏ thực tế, khép mình lại trong sự cam chịu định mệnh,... trốn chạy trách nhiệm của mình, bỏ mặc người khác với gánh nặng thực hiện các nỗ lực để xây dựng lại."
“Chúa đang làm việc”, Đức Hồng Parolin khẳng định, để giúp chúng ta gạt bỏ sự cô đơn, buồn bã và thất vọng sang một bên. "Chúa kêu gọi chúng ta cùng nhau nhìn về tương lai và đoàn kết, vượt qua mọi tinh thần phiến diện, chia rẽ sắc tộc." Thiên Chúa có thể giúp chúng ta đối mặt với "bất kỳ thử thách nào, bởi vì Người không ở xa, nhưng bước đi với chúng ta. Những bước đi của Chúa không ồn ào, nhưng là những con đường rộng mở. Mỗi ngày trôi qua không phải là một sự thất vọng nào khác, mà là sự kết hợp gần với lời hứa về hòa bình của Người."
Nói về hoà bình, Đức Hồng y nhắc nhở rằng Chúa Giêsu tiếp tục sai chúng ta, những môn đệ của Người, lặp lại những lời tương tự: Bình an cho nhà này! Hòa bình trên đất Congo: trở lại là ngôi nhà của tình huynh đệ!" Sau đó, Đức Hồng Y đã mời gọi các Kitô hữu, chiếm đa số dân số Congo, làm việc với các nhà lãnh đạo của họ vì hòa bình.
Đức Hồng y kết thúc bài giảng với lời kêu gọi: "Đừng nản lòng nếu những kỳ vọng về điều tốt đẹp dường như là dòng chữ chết đối với anh chị em. Tên của chúng ta đã được ghi trên trời, vì chúng ta là con cái của sự phục sinh và chứng nhân của hy vọng!"
ĐHY Pietro cử hành Thánh lễ tại Kinshasa
Gặp các dòng tu địa phương
Sự kiện cuối cùng trong chuyến viếng thăm của Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh tại Cộng hoà Dân chủ Congo là cuộc gặp gỡ với các dòng tu địa phương và những người được các tu sĩ chăm sóc.
Tại Toà Sứ thần, Đức Hồng y đã mang đến cho những người già, trẻ em, bà mẹ đơn thân, các cặp vợ chồng và thanh thiếu niên đang chịu đau khổ sự quan tâm chăm sóc của Đức Thánh Cha.
Mỗi người trong số họ đều phải chịu đựng một hình thức nào đó sự từ chối và kỳ thị của xã hội, bệnh tật, khuyết tật hoặc bị bỏ rơi, ngay cả bởi chính gia đình của họ.
Đức Hồng Y đã tìm cách cung cấp sự hỗ trợ của Giáo hội cho họ và cho các tu sĩ, những người cung cấp thức ăn, chăm sóc y tế và tình yêu cho họ.
ĐHY Pietro gặp các dòng tu ở Congo
Những câu chuyện phục vụ người nghèo
Trong cuộc gặp gỡ, các đại diện của các dòng tu đã kể những câu chuyện phục vụ của họ. Sơ Marie Chimene, dòng Nữ tử Thánh Giuse Genoni, kể về cách mà dòng của sơ giúp đỡ trẻ em đường phố địa phương, những người các sơ gọi là “con của Chúa”. Các sơ đi tìm những đứa trẻ này trên đường phố Kinshasa và mang các em về và cho các em một mái nhà.
Sơ Marie kể: "Những người trẻ này không còn nhà hay gia đình, bởi vì họ đã bị đuổi ra khỏi nhà hoặc vì những lý do khác mà chúng con không phải lúc nào cũng biết, vì có những đau khổ quá lớn khiến họ không thể nói ra. Một số thậm chí đã bị bắt cóc và sau đó bị bỏ rơi. Chúng con cố gắng cung cấp cho họ những bữa ăn nóng thường xuyên, huấn luyện cách vệ sinh và cách cư xử, và dạy họ cầu nguyện."
Còn các nữ tu dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu, những người đón nhận các em bị xem là "phù thủy". Các em bị buộc tội có liên quan đến phép thuật phù thủy, dù chỉ vì một khiếm khuyết nhỏ như không thể đi lại bình thường, và thường bị gia đình bỏ rơi.
Các sơ đã thành lập Trung tâm Telema. Josephine là một người được các sơ đón nhận. Josephine đã sống trên đường phố sau khi bị suy nhược thần kinh và không được tắm rửa trong nhiều năm, mặc quần áo rách rưới và nhặt đồ ăn từ các thùng rác. Một sơ trong cộng đoàn đã gặp và đưa cô về cộng đoàn Bethany, chăm sóc cô, và sau đó đưa cô đến Telema. Một tháng sau, cô gái đã nở lại nụ cười. Ba tháng sau, cô được tái hòa nhập với gia đình; bây giờ cô có một công việc kinh doanh nhỏ.
[ Photo Embed: ĐHY Pietro gặp các dòng tu ở Congo]
Sơ Claudia Nicoli, một nữ tu gốc Ý, đã nói về các Nữ tu Người nghèo phục vụ tại Congo từ năm 1952. Sơ kể lại việc sáu nữ tu cùng dòng chết vì dịch Ebola ở Kikwit vào năm 1995 như thế nào.
"Khi dịch bệnh bắt đầu, hai người trong số các chị đang ở Kinshasa đã đến Kikwit (cách đó 500 km), dù biết rõ rằng họ có thể chết. Các nhân viên nói với họ, 'Nếu các sơ đi, các sơ có thể chết." Họ trả lời: "Chúa đã làm gì cho chúng tôi?"
Các Nữ Tu Người Nghèo cũng điều hành một mái ấm trong 46 năm để tiếp nhận những người mà những người khác từ chối, đặc biệt là trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ mồ côi, người vô gia cư và người già.
Sơ Claudia nói: "Nghèo đói làm xã hội thiếu lòng nhân đạo. Những người trẻ tuổi, người bệnh và người già là những người không có gì để giúp cho gia đình của họ nên bị gạt sang một bên và bị bỏ rơi. Trong ngôi nhà của chúng con, họ được chào đón như những người thân."
ĐHY Pietro gặp các dòng tu ở Congo
Tiếp đến là câu chuyện của các tu sĩ dòng Thừa sai Bác ái, được Mẹ Têrêsa Calcútta gửi đến Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1987. Mẹ Têrêsa đã vô cùng xúc động trước những bất hạnh mà Mẹ gặp thấy ở đất nước này và đã mở ba ngôi nhà cho những người chịu đau khổ vì những hình thức khác nhau của sự nghèo khổ.
Đức Hồng Y đã chào và chúc lành cho Martine, người được các tu sĩ tìm thấy trong một thùng cáctông, và Kizito, một thiếu niên 14 tuổi bị hội chứng tăng động, được nhận vào cơ sở của các tu sĩ khi lên 9. Khi đó cậu bé thường nói không ngừng trong nhiều giờ và rất khó kiểm soát nhưng hiện giờ có thể làm một số việc nhà.
ĐHY Pietro gặp các dòng tu ở Congo
Cuối cùng, đại diện của Cộng đồng thánh Egidio đã nói với Đức Hồng y Parolin về dự án Giấc mơ dành cho bệnh nhân HIV của họ. Nhờ một trung tâm chăm sóc được thành lập vào năm 2011, hơn 1.700 người bị "siđa", suy dinh dưỡng, cao huyết áp, tiểu đường, sốt rét và lao đang được điều trị miễn phí.
Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, Trung tâm vẫn mở cửa và phòng thí nghiệm của nó được sử dụng để chẩn đoán virus hoặc thu thập mẫu. Các tình nguyện viên hiện đang tham gia cùng với nhân viên y tế trong một chiến dịch tiêm chủng và nâng cao nhận thức rộng rãi ở các chợ, bến cảng và trung tâm y tế.
Đức Hồng y xúc động khi nghe câu chuyện của những người nghèo và ngài nói: "Chắc chắn cha sẽ mang tên và khuôn mặt của các con đến với Đức Thánh Cha, xin ngài mang các con trong lời cầu nguyện của ngài, tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu mà Người đã làm cho các con."
"Giáo hội hoàn vũ cảm ơn các con và khuyến khích các con kiên trì trong nỗ lực của mình, ngay cả khi phải trả giá bằng những khó khăn và thất bại rõ ràng. Trong cuộc sống hàng ngày, các con trải nghiệm cách tình yêu thương, khi được phân phát, không bị chia cắt và không cạn kiệt, nhưng nhân lên và phát triển."
Đức Hồng Y nói thêm: "Tên của các con nghe giống như rất nhiều nốt nhạc tuyệt đẹp trong bài ca tạ ơn mà chúng ta phải dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày. Ngay khi các con nghĩ rằng tất cả có thể mất đi, ánh sáng và sự sống nảy sinh trong nỗi đau của các con và biến đổi mọi thứ. Tất nhiên, không phải mọi thứ đều màu hồng và các con vẫn phải đối mặt với những khoảnh khắc khó khăn, có lẽ nhiều lo lắng và sợ hãi của ngày mai. Nhưng Chúa đã mở ra một con đường mới cho mỗi người trong các con; Chúa đã đặt các con đứng dậy trên đôi chân của các con, và mời các con tiếp tục bước đi với Người. Chúa đã giang rộng đôi tay của Người đến với các con, các con đừng từ chối vòng tay của Người."