TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC chủ sự Thánh lễ với các tín hữu Congo

Chủ nhật - 03/07/2022 19:12 | Tác giả bài viết: |   1088
Lúc 9 giờ 30 giờ sáng Chúa nhật 03/7/2022, tại bàn thờ Ngai toà trong đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ với cộng đoàn các tín hữu Congo ở Roma.
ĐTC chủ sự Thánh lễ với các tín hữu Congo

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ với cộng đoàn các tín hữu Congo ở Roma

Lúc 9 giờ 30 giờ sáng Chúa nhật 03/7/2022, tại bàn thờ Ngai toà trong đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ với cộng đoàn các tín hữu Congo ở Roma. Trong bài giảng ngài nói đến sự gần gũi của Chúa làm tâm hồn các tín hữu tràn ngập niềm vui, mang lại bình an và thúc giục các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng. Ngài còn giải thích về ba điều ngạc nhiên trong khi thi hành sứ vụ: Hành trang là người anh chị em; sứ điệp hoà bình; phong cách người môn đệ “như chiên con đi vào giữa bầy sói”.

Vì Đức Thánh Cha bị đau đầu gối nên Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, thay ngài cử hành Thánh lễ tại bàn thờ.

Thánh lễ

Thánh lễ

Bầu khí Phụng vụ Thánh lễ sinh động, mang màu sắc truyền thống của dân tộc Congo với những điệu múa và bài hát Congo.

Các tín hữu Congo nhảy múa trước đoàn rước

Các tín hữu Congo nhảy múa trước đoàn rước

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng như sau:

Lời Chúa làm tràn ngập niềm vui

Niềm vui: Lời Chúa chúng ta vừa nghe làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui. Tại sao, thưa anh chị em? Vì như Chúa nói trong Tin Mừng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” (Lc 10, 11). Đến gần: nghĩa là chưa đến, một phần còn bị ẩn khuất, nhưng gần với chúng ta. Và sự gần gũi của Thiên Chúa này ở trong Chúa Giêsu, là Chúa Giêsu, là suối nguồn niềm vui của chúng ta: chúng ta được yêu thương, và Chúa không bỏ mặc chúng ta. Tuy nhiên niềm vui đến từ sự gần gũi của Chúa, trong khi trao ban bình an lại không để chúng ta trong bình an. Niềm vui đặc biệt này tạo một sự thay đổi trong chúng ta: làm tràn ngập sự ngạc nhiên, thay đổi đời sống. Đây là điều xảy ra cho các môn đệ trong Tin Mừng: để loan báo về sự gần gũi của Thiên Chúa, các ông đi đến những nơi xa xôi, đi thi hành sứ vụ. Bởi vì ai đón tiếp Chúa Giêssu, cảm thấy mình phải bắt chước Người, làm như Người đã làm, nghĩa là đã bỏ trời cao để phục vụ chúng ta trên trái đất, và ra khỏi chính mình. Vì vậy, nếu chúng ta tự hỏi nhiệm vụ của chúng ta trên thế giới là gì, chúng ta phải làm gì với tư cách là một Giáo hội trong lịch sử, thì câu trả lời của Tin Mừng rất rõ ràng: sứ vụ.

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ với cộng đoàn các tín hữu Congo ở Roma

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ với cộng đoàn các tín hữu Congo ở Roma

Ba điều ngạc nhiên trong công cuộc loan báo Tin Mừng

Là Kitô hữu, chúng ta không thể hài lòng với lối sống tầm thường. Đây là một căn bệnh; nhiều Kitô hữu và cả chúng ta có nguy cơ sống tầm thường, chỉ bận tâm đến những cơ hội và thuận lợi của chúng ta, sống cho qua ngày. Không, chúng ta là những nhà truyền giáo của Chúa Giêsu. Nhưng anh chị em có thể nói: “Tôi không biết phải làm thế nào, tôi không có khả năng!”. Tin Mừng vẫn còn làm cho chúng ta ngạc nhiên, chỉ cho chúng ta thấy Chúa sai các môn đệ ra đi nhưng không đợi các ông đã sẵn sàng và được huấn luyện kỹ lưỡng: họ ở với Chúa chưa lâu, nhưng Người đã sai họ đi. Các ông chưa học thần học, nhưng Chúa vẫn sai các ông đi. Và cách Chúa sai các ông đi cũng làm cho chúng ta đầy ngạc nhiên. Như thế, chúng ta thấy được trong công cuộc loan báo Tin Mừng có ba điều ngạc nhiên mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta.

Ngạc nhiên đầu tiên: Hành trang là người anh em

Để thực hiện một sứ vụ ở những nơi chưa biết, người ta cần phải mang theo một số thứ, chắc chắn là những thứ cần thiết. Trái lại, Chúa Giêsu không nói điều phải mang theo, nhưng Người nói những thứ không mang theo: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (câu 4). Như vậy thực tế là không mang theo gì: không hành lý, không có sự an toàn, không có sự trợ giúp. Chúng ta thường nghĩ rằng các sáng kiến của Giáo hội không hoạt động hiệu quả vì chúng ta thiếu cơ cấu, tiền bạc và phương tiện: điều này không đúng. Chính Chúa Giêsu phủ nhận điều này. Anh chị em thân mến, chúng ta đừng tin tưởng vào sự giàu sang và chúng ta không sợ sự nghèo khó vật chất và con người của chúng ta. Chúng ta càng tự do và đơn sơ, nhỏ bé và khiêm nhường, thì Chúa Thánh Thần càng hướng dẫn sứ vụ và làm cho chúng ta trở thành những người nắm giữ vai chính trong những điều kỳ diệu của Người.

Đối với Chúa Kitô, hành trang cơ bản là một điều khác: đó là người anh em. Tin Mừng nói: “Người sai các ông cứ từng hai người một đi trước” (câu 1). Các ông không đi một mình, nhưng luôn có người anh em bên cạnh. Luôn phải có người anh em bên cạnh, vì không có sứ vụ nào mà không có sự hiệp thông. Không có lời loan báo nào có kết quả mà không quan tâm đến người khác. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: là Kitô hữu, tôi suy nghĩ nhiều hơn về những gì tôi thiếu để có cuộc sống đầy đủ, hay tôi nghĩ về việc gần gũi hơn với anh chị em tôi, về việc quan tâm đến họ không?

ĐTC chào thăm các tín hữu sau Thánh lễ

ĐTC chào thăm các tín hữu sau Thánh lễ

Ngạc nhiên thứ hai: Sứ điệp bình an

Chúng ta đến với điều ngạc nhiên thứ hai của sứ vụ: sứ điệp. Thật hợp lý khi nghĩ rằng, để chuẩn bị cho việc loan báo, các môn đệ phải học những gì cần nói, nghiên cứu kỹ nội dung, chuẩn bị những bài phát biểu thuyết phục và rõ ràng. Thay vào đó, Chúa Giêsu chỉ đưa ra cho họ hai câu ngắn gọn. Câu đầu tiên dường như không cần thiết, đó là một lời chào: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này!” (câu 5). Điều này có nghĩa là ở bất cứ nơi nào, người môn đệ phải giới thiệu mình như những đại sứ hoà bình. Kitô hữu luôn mang đến sự bình an. Đây là dấu hiệu phân biệt: Kitô hữu là người mang sự bình an, bởi vì Chúa Kitô là sự bình an. Từ điều này, người ta sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa. Trái lại, nếu chúng ta loan truyền những lời đàm tiếu và ngờ vực, chúng ta tạo ra sự chia rẽ, chúng ta cản trở sự hiệp thông, chúng ta lệ thuộc nhiều thứ, thì chúng ta không hành động nhân danh Chúa Giêsu. Ai gây hận thù, kích động lòng căm thù, thì là những người không làm việc vì Chúa Giêsu, không mang lại sự bình an của Người. Anh chị em thân mến, hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho hoà bình và hoà giải ở Congo, nơi có nhiều thương tích và bóc lột. Chúng ta hiệp nhất trong các Thánh lễ được cử hành trong đất nước theo ý chỉ này và chúng ta cùng cầu nguyện để các tín hữu trở thành những chứng tá hoà bình, có khả năng vượt qua mọi oán hận và trả thù, cám dỗ mà không thể hoà giải, vượt qua mọi sự gắn bó với nhóm của mình, điều không đưa đến điều tốt nhưng chỉ dẫn đến việc xem thường người khác.

Anh chị thân mến, hòa bình bắt đầu từ chúng ta; từ anh chị em và từ tôi, từ tâm hồn mỗi người. Nếu anh chị em sống trong bình an của Chúa Giêsu, Người sẽ đến và gia đình, xã hội của anh chị em sẽ thay đổi. Gia đình và xã hội thay đổi nếu trước tiên tâm hồn anh chị em không có chiến tranh, không được trang bị vũ khí oán hận và tức giận, không bị chia rẽ và giả dối. Đặt hòa bình và trật tự trong lòng, xoa dịu lòng tham, dập tắt hận thù và oán giận, thoát khỏi tham nhũng, gian dối và xảo quyệt: đây là nơi hòa bình bắt đầu. Chúng ta luôn muốn gặp những người hiền lành, tốt bụng, bắt đầu từ những người thân và hàng xóm của chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu nói: “Các con hãy mang sự bình an cho ngôi nhà của các con, các con hãy bắt đầu tôn trọng người vợ của mình và yêu thương cô ấy bằng trái tim, tôn trọng và quan tâm trẻ em, người già và người lân cận. Hãy sống trong bình an, hãy khơi dậy hòa bình và hòa bình sẽ cư ngự trong nhà các con, trong Giáo hội, trong đất nước các con”.

Sau lời chào bình an, tất cả phần còn lại của sứ điệp được giao phó cho các môn đồ được rút gọn thành vài từ mà chúng ta đã bắt đầu và Chúa Giêsu lặp lại hai lần: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần! […] Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (câu 9 và 11). Loan báo sự gần gũi của Chúa, đó phong cách của Người; phong cách của Chúa là: sự gần gũi, lòng trắc ẩn và dịu dàng. Loan báo sự gần gũi của Chúa là một điều thiết yếu. Niềm hy vọng và sự hoán cải đến từ đây: từ việc tin rằng Thiên Chúa đang ở gần và trông chừng bảo vệ chúng ta: Người là Cha của tất cả mọi người, Đấng muốn tất cả chúng ta là anh chị em. Nếu chúng ta sống dưới ánh nhìn này của Thiên Chúa, thế giới sẽ không còn là chiến trường, nhưng là một khu vườn hòa bình; lịch sử sẽ không phải là một cuộc chạy đua về đích đầu tiên, nhưng là một cuộc hành hương chung. Tất cả những điều này - chúng ta hãy nhớ kỹ - không đòi hỏi những bài diễn văn tuyệt vời, nhưng cần những bài diễn văn ít lời và nhiều chứng tá. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: những người gặp tôi có thấy nơi tôi một chứng tá của hoà bình và sự gần gũi của Thiên Chúa không, hay là một người đang bị kích động, giận dữ, bất khoan dung, hiếu chiến không? Tôi có làm cho họ thấy Chúa Giêsu hay tôi che giấu Người bởi những thái độ hiếu chiến?

Tín hữu Congo

Tín hữu Congo

Ngạc nhiên thứ ba: Phong cách của người môn đệ

Trước hết là hành trang và tiếp đến là sứ điệp, điều ngạc nhiên thứ ba của sứ vụ liên quan đến phong cách của chúng ta. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ của Người đi vào thế giới “như chiên con đi vào giữa bầy sói” (câu 3). Lý luận của thế gian nói ngược lại: bạn hãy tự khẳng định, hãy vượt lên trên người khác! Trái lại, Chúa Kitô muốn chúng ta trở nên những chiên con, chứ không phải những con sói. Điều này không có nghĩa là trở nên ngây thơ, nhưng là ghê tởm mọi bản năng của quyền lực và sự áp bức, lòng tham và sự chiếm hữu. Ai sống như một con chiên, không tấn công, không tham ăn: người đó ở trong đàn, với những người khác, và tìm thấy sự an toàn nơi Mục tử của họ, không tìm sự an toàn nơi sức mạnh hay kiêu ngạo, lòng tham tiền bạc và vật chất, những điều gây ra nhiều tổn hại cho Congo. Người môn đệ Chúa Giêsu từ chối bạo lực, không làm hại ai và yêu thương mọi người. Và nếu điều này đối với môn đệ dường như là điều thua thiệt, hãy nhìn vào Vị Mục Tử, Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng thế gian, trên Thánh giá. Và tôi - chúng ta hãy tự hỏi mình một lần nữa - sống như một chiên con, như Chúa Giêsu, hay như một con sói, như tinh thần của thế gian dạy, tinh thần gây chiến tranh?

Xin Chúa giúp chúng ta trở thành những nhà truyền giáo hôm nay, bước đi cùng với các anh chị em; có trên môi miệng sự bình an và gần gũi của Chúa; mang trong lòng sự hiền lành và nhân hậu của Chúa Giêsu, Chiên Con gánh tội trần gian.

Ngọc Yến - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây