Caritas Quốc tế được Đức Giáo hoàng Piô XII thành lập tại Roma vào ngày 12/12/1951, nhằm tập hợp các tổ chức bác ái quốc gia, để hỗ trợ sự hiểu biết lẫn nhau, phối hợp và cộng tác trong hoạt động bác ái và xã hội ở các nơi trên thế giới.
Vào thời điểm mới thành lập, Liên minh bác ái này chỉ có 13 thành viên, hiện nay là 162 thành viên hoạt động tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức tiếp tục phục vụ, bảo vệ và đồng hành với người nghèo, qua việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp nhân đạo, bảo vệ nhân phẩm và tạo ra các điều kiện cần thiết cho sự phát triển con người toàn diện.
Nhờ sự hiện diện rộng khắp, Caritas như một người đối thoại đặc quyền của các cộng đoàn địa phương. Chính vì vậy trong thời điểm đại dịch Đức Thánh Cha Phanxicô muốn Caritas Quốc tế phối hợp, cùng với Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, thành lập một nhóm làm việc lắng nghe các Giáo hội địa phương được gọi là Ủy ban Vatican về Covid-19. Vì thế trong dịp kỷ niệm này, các địa phương cũng sẽ là trung tâm của các sáng kiến do Caritas Quốc tế tổ chức.
Theo thông báo của Tổ chức bác ái của Toà Thánh, bắt đầu từ ngày 28/10 đến 12/12, vào mỗi tuần sẽ có một hội nghị trực tuyến, mỗi hội nghị sẽ dành riêng cho mỗi khu vực của Liên minh: châu Phi, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và Caribê, châu Á, châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi, và châu Đại Dương.
Hội nghị đầu tiên, mang tên “Bảy thập kỷ đấu tranh chống đói nghèo và nhân phẩm” sẽ tập trung vào khu vực Bắc Mỹ. Theo giải thích của ban tổ chức, bảy sự kiện sẽ là cơ hội để gợi lại, qua tiếng nói của các chuyên gia và đại diện của Caritas địa phương, một số thời điểm quan trọng trong lịch sử của Liên minh ở các khu vực khác nhau, đồng thời trình bày những thách đố, khủng hoảng và khó khăn hiện tại. Mỗi hội nghị sẽ có một dự án được thực hiện tại khu vực đó như một cử chỉ biểu tượng ủng hộ người nghèo và những người dễ bị tổn thương.
Các sáng kiến và lễ kỷ niệm sẽ kết thúc tại Roma với một hội nghị sẽ diễn ra tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana vào ngày 13/12. Tại sự kiện này, chiến dịch toàn cầu mới của Caritas Quốc tế dành cho việc thúc đẩy hệ sinh thái toàn diện và về một "hoán cải sinh thái" cũng sẽ được đưa ra. (Sir. 26/10/2021).
Ngọc Yến - Vatican News