TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người

Chủ nhật - 06/11/2022 18:31 | Tác giả bài viết: Elise Ann Allen |   745
Đức Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI từng nổi tiếng trong một bài phát biểu trước một nhóm giáo sĩ rằng vẻ đẹp vốn có của Giáo hội Công giáo là “tôn giáo của cả/ và” (both / and), nghĩa là có chỗ cho tất cả mọi người.
Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC:
GIÁO HỘI CÓ CHỖ CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

WHĐ (06.11.2022) - Đức Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI từng nổi tiếng trong một bài phát biểu trước một nhóm giáo sĩ rằng vẻ đẹp vốn có của Giáo hội Công giáo là “tôn giáo của cả/ và” (both / and), nghĩa là có chỗ cho tất cả mọi người.

Khi nói chuyện với các linh mục từ các giáo phận Belluno-Feltre và Treviso của Ý vào năm 2007, một trong những linh mục cao niên kể lại rằng khi còn ở trong chủng viện, ngài đã bị cha linh hướng phạt vì thích đá bóng hơn chầu Thánh Thể, và ngài muốn ý kiến ​​của Đức Giáo hoàng Bênêđictô về điều này.

Đáp lại, Đức Bênêđictô nói rằng “Đạo Công giáo, nói một cách đơn giản, luôn được coi là tôn giáo của sự “cả/ và” tuyệt vời, không phải là sự loại trừ mà là sự tổng hợp. "Công giáo" có nghĩa chính xác là "tổng hợp".

Theo Đức Giáo hoàng Bênêđictô, cách tiếp cận mục vụ đích thực có nghĩa là:

Sống trong sự “cả/ và”. Tôi chỉ đơn thuần muốn chính mình cam kết với sự tổng hợp tuyệt vời của đạo Công giáo, với sự “cả/ và” này: Để trở thành con người đích thực, mỗi người tùy theo những ân sủng và đặc sủng của họ, yêu mến trái đất và những điều tốt đẹp mà Đức Chúa đã trao tặng cho chúng ta, đồng thời, cũng biết ơn vì ánh sáng của Thiên Chúa đã chiếu rọi trên trái đất, mang lại vẻ đẹp và sự lộng lẫy cho mọi thứ khác”.

Đây ít nhiều cũng là cảm nghĩ mà những người tổ chức Thượng Hội đồng và những thành viên của nhóm soạn thảo tài liệu giai đoạn Châu lục đang cố gắng truyền đạt thông qua tiến trình của Thượng hội đồng.

Phát biểu trong phiên họp giới thiệu Tài liệu giai đoạn Châu lục, 27. 10. 2022, Linh mục Giacomo Costa, SJ, cố vấn Tổng thư ký Thượng hội đồng, nói với các nhà báo rằng:

tiến trình và tài liệu cho phép mọi người, với những địa vị, tầm nhìn, kinh nghiệm khác nhau đi ra khỏi quan điểm ý thức hệ và lắng nghe câu chuyện của người khác. Để rồi, một con đường được hình thành, đó là một lộ trình không muốn đồng nhất mọi người nhưng muốn cùng nhau bước đi, theo cùng một hướng. Điều này cần thời gian, và thực, một Giáo hội hiệp hành không phải là một cái gì đó được thiết lập trên bàn.

Cha Costa cũng nhấn mạnh, cho đến nay Thượng hội đồng tập trung vào việc lắng nghe các tín hữu ở mọi cấp độ của Giáo hội, và tài liệu được trình bày là sự phản ánh của tiến trình lắng nghe này,

vốn hàm ý không đưa ra một quan điểm ý thức hệ nhưng có khoảng trống để hiểu được những gì trân quý trong sự đóng góp của mỗi người. Thượng hội đồng không phải là một tiến trình “tự quy chiếu”, và cũng không nhằm gây ra “một cuộc chiến giữa cánh tả và cánh hữu, giữa nhóm bảo thủ và nhóm cấp tiến. Thay vào đó, Thượng hội đồng nhằm tập hợpsự phong phú và mối quan tâm của mỗi người đang cố gắng bước đi để mở ra một con đường.

Đồng quan điểm với cha Costa, Đức hồng y Malta Mario Grech, Tổng thư ký Thượng hội đồng cho biết, ngài hy vọng Thượng hội đồng sẽ

giúp mọi người trong Giáo hội: Không ai bị loại trừ, bởi vì Thần Khí có thể biểu lộ điều gì đó cho Giáo hội qua mọi người.

Về phía chúng tôi, chúng tôi có sự sẵn sàng này, sự cởi mở này, ước muốn này để không ai cảm thấy bị loại trừ, ngay cả những người phản đối. Đúng thế, chúng ta hãy tiến lên, hãy cùng nhau bước đi.

Đức hồng y nói rõ thêm:

Nhiệm vụ của chúng tôi tại thời điểm này là trở thành một kênh, để nghe tiếng nói của dân Chúa. Chúng tôi lắng nghe mà không loại trừ điều gì, chúng tôi ghi nhận mọi thứ, và sau đó chúng tôi trao lại cho các mục tử, là những người có trách nhiệm hướng dẫn dân Chúa.

Khi được hỏi về những đề xuất cụ thể trong các bản báo cáo của các Hội đồng giám mục, chẳng hạn như việc phong chức phó tế cho phụ nữ, Đức hồng y Grech nhấn mạnh rằng:

Chúng tôi có trách nhiệm trình bày với dân Chúa những gì đã được trao cho chúng tôi. Hiện tại, chúng tôi không đưa ra bất kỳ quyết định nào, không thúc đẩy bất kỳ chương trình nghị sự nào.

Tài liệu cho giai đoạn Châu lục là một tập hợp các báo cáo từ các Hội đồng giám mục tóm tắt cuộc thảo luận với các tín hữu tại các cộng đồng địa phương. Với tựa đề “Hãy nới rộng lều của anh em”, tài liệu nhấn mạnh vai trò của Giáo hội Công giáo như một nơi đón nhận và dung nạp.

Tài liệu nêu bật một số thách đố đối với những vấn đề chưa có đề xuất giải pháp, bao gồm: lạm dụng tình dục của giáo sĩ, sự thiếu dung nạp và chào đón những người bị “gạt ra bên lề” như: phụ nữ, giới trẻ, người khuyết tật, người nghèo, những người ly hôn và tái hôn dân sự, cha mẹ đơn thân, những người có hôn nhân đa thê và các thành viên của cộng đồng LGBTQ.

Bà Anna Rowlands, Phó Giáo sư về Tư tưởng và Thực hành học thuyết Xã hội Công giáo tại Đại học Durham, đồng thời là thành viên của ban soạn thảo tài liệu, cho biết họ đã đọc từng bản báo cáo và,

Nếu có vấn đề nào đó xuất hiện nhiều lần, chúng tôi phải tiếp nhận điều đó. Ví dụ, nhiều bản báo cáo đề cập đến chức phó tế của phụ nữ, vì vậy chúng tôi phải đưa vấn đề này vào tài liệu.

Bà Rowlands lưu ý rằng,

sự thăng tiến và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội lẫn xã hội nói chung là “một chủ đề nổi cộm” được đề cập đến trong tất cả các bản báo cáo. Tất cả đều yêu cầu sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ với những ý tưởng, quan điểm, và cách thế khác nhau nhưng không có sự thống nhất về giải pháp.

Theo bà Rowlands,

vấn đề được định hình “không phải là về quyền và vai trò,” mà là bắt nguồn từ “ơn gọi phép rửa chung để các ân sủng, khả năng, và tài năng của tất cả mọi người có thể phát triển.

Bà cũng cho biết các báo cáo từ châu Phi và châu Á, và một số từ phương Tây, yêu cầu phụ nữ, vốn “là nạn nhân của bạo lực dưới mọi hình thức” cần được thừa nhận, và Giáo hội có thể “đáp ứng tốt hơn đối với việc phụ nữ sống trong thực tế xã hội, chẳng hạn như chiến tranh và bạo lực, bị xói mòn và suy yếu phẩm giá”.

Đức hồng y Grech giải thích thêm rằng, vấn nạn về sự tham gia của phụ nữ trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội cũng là “một thách thức đối với suy tư thần học”. Đồng thời, ngài mời các nhà thần học “đặt mình phục vụ Giáo hội và dân Chúa, dưới ánh sáng của truyền thống và huấn quyền, nhờ đó, như là một Giáo hội, chúng ta có thể khám phá ra nhiều cách tham gia hơn cho tất cả mọi người”.

Đức ông Piero Coda, Thư ký Ủy ban Thần học Quốc tế cũng nói rằng vì được thực hiện bởi nam giới nên Thần học về sự tham gia của phụ nữ chưa phát triển đủ. Vì vậy, “chỉ khi được thực hiện bởi nữ giới, với sự cộng tác của nam giới, thì thần học chân chính về chủ đề này mới phát triển được”.

Khi được hỏi liệu “Lều của Thiên Chúa” có giới hạn về độ lớn không, khi tài liệu được gắn kết với nhau bằng những cái chốt là giáo huấn và huấn quyền Giáo hội, vậy thì ai có thể tham gia trong khi một số người cảm thấy bị loại trừ khỏi các chức vụ mâu thuẫn với giáo huấn và truyền thống của Giáo hội.

Các nhà tổ chức cho biết là sẽ không có giới hạn.

Về vấn đề này, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên Thượng Hội Đồng, tham gia qua kết nối video từ Nhật Bản, nói rằng:

trong “lều” của Giáo hội, sẽ có những nhóm ngồi trong lều thấy không hài lòng với người khác ở đó, nhưng ai được mời? Tất cả mọi người được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương. Tất cả mọi người.

Hành vi của chúng ta rất nhiều khi gây phân rẽ, và tình yêu của chúng ta không lớn bằng tình yêu của Thiên Chúa, nhưng nếu chúng ta ở trong lều, chúng ta phải chuyển dịch tùy từng thời điểm. Chúng ta phải thiết lập sự cân bằng mới, và đôi khi một cơn bão ở bên ngoài, bạn nhận thấy rằng bạn cần tất cả mọi người để bảo vệ những người bên trong.

Là con người, chúng ta có những thứ mình thích và không thích, nhưng hãy nhìn mỗi người như từng cá vị được Thiên Chúa yêu thương. Chúa Giêsu Kitô đã chết vì họ trên thập giá, vì thế, nếu tôi không có khả năng nhường chỗ cho họ trong lều, thì là tôi có vấn đề với Thiên Chúa.

Được biết, Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI: “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ” được Đức giáo hoàng Phanxicô khai mạc vào tháng 10. 2021 tại Rôma.

Giai đoạn thứ nhất, cấp giáo phận, tiến hành từ tháng 10. 2021 đến tháng 4. 2022 và được thiết kế như một tiến trình tham vấn với các tín hữu ở cấp giáo xứ và giáo phận địa phương.

Tiếp đến, giai đoạn thứ hai, cấp Châu lục, bắt đầu vào tháng 9. 2022 và sẽ kéo dài đến tháng 3. 2023, khi các Hội đồng giám mục Châu lục điều phối và đánh giá kết quả của các cuộc tham vấn cấp giáo phận.

Cuối cùng, giai đoạn cấp hoàn vũ sẽ được tiến hành trong phiên họp đầu tiên từ ngày 4-29.10.2023.

Elise Ann Allen
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: cruxnow.com (28. 10. 2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây