TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm B

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,28b-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hội nghị chuyên đề về chức linh mục

Thứ sáu - 18/02/2022 02:41 | Tác giả bài viết: |   764
Đức Thánh Cha đã chia sẻ về 4 cột trụ của đời sống linh mục; đó là: gần gũi Thiên Chúa, gần gũi giám mục, gần gũi các linh mục khác và gần gũi Dân Chúa.
Hội nghị chuyên đề về chức linh mục

ĐTC gặp các tham dự viên Hội nghị chuyên đề về chức linh mục

Trong buổi gặp gỡ các tham dự viên Hội nghị chuyên đề về chức linh mục vào sáng ngày 17/2/2022 Đức Thánh Cha đã chia sẻ về 4 hình thức gần gũi mà ngài xem như là 4 cột trụ của đời sống linh mục; đó là: gần gũi Thiên Chúa, gần gũi giám mục, gần gũi các linh mục khác và gần gũi Dân Chúa.

Hội nghị Chuyên đề Thần học mang tên “Hướng tới một nền thần học nền tảng về chức linh mục” nhắm khám phá một loạt các vấn đề bao gồm ơn gọi linh mục, cải thiện cách giáo dân và linh mục làm việc cùng nhau, sứ mạng phục vụ và đời sống độc thân của linh mục, v.v...

Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha là suy tư về những điều ngài đã cảm nghiệm trong hơn 50 năm linh mục. Đó là những chứng tá ngài nhận được từ rất nhiều linh mục, những linh mục “bằng cuộc sống và chứng tá của họ đã cho tôi thấy từ những năm đầu đời linh mục của mình như thế nào là phản ánh khuôn mặt của Người Mục Tử Nhân Lành”. Đức Thánh Cha cũng nói về “những anh em linh mục mà tôi đã phải đồng hành bởi vì họ đã đánh mất ngọn lửa tình yêu đầu tiên và sứ vụ của họ trở nên cằn cỗi, lặp đi lặp lại và vô nghĩa.”

Gần gũi Thiên Chúa

Suy tư về “4 hình thức gần gũi” của đời sống linh mục, trước hết là gần gũi Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói: “Một linh mục được mời gọi nuôi dưỡng sự gần gũi này, sự mật thiết với Thiên Chúa, và từ mối quan hệ này, ngài sẽ có thể rút ra tất cả sức mạnh cần thiết cho sứ vụ của mình... Nếu không có mối quan hệ có ý nghĩa với Chúa, sứ vụ của chúng ta sẽ không có kết quả. Gần gũi với Chúa Giêsu và tiếp xúc hàng ngày với lời của Người giúp chúng ta đo lường cuộc sống của mình theo lời Người, học cách không bị vấp ngã bởi bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta và bảo vệ bản thân khỏi ‘những vấp ngã’”.

Khủng hoảng trong đời sống linh mục chính là do thiếu cầu nguyện

Đức Thánh Cha nói thêm: “Sự gần gũi với Chúa Giêsu khiến chúng ta không sợ hãi trong những lúc đó - không phải vì chúng ta dựa vào sức riêng của mình mà vì chúng ta nhìn vào Người, bám chặt lấy Người.” Ngài cũng nhận định rằng nhiều khủng hoảng trong đời sống linh mục chính là do thiếu cầu nguyện, thiếu sự kết hợp mật thiết với Chúa, và đời sống thiêng liêng chỉ còn là việc thực hành tôn giáo thuần tuý.

Gần gũi với Giám mục

Tiếp đến là gần gũi với Giám mục. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “vâng lời không phải là một thuộc tính kỷ luật nhưng là dấu hiệu sâu xa nhất của mối dây liên kết chúng ta trong sự hiệp thông.” Vâng lời là học lắng nghe, để tìm ra con đường dẫn đến chân lý và cuộc sống, giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ khép kín, tự biện minh cho bản thân. Và ở đây, Giám mục là mối dây giúp mỗi linh mục và cộng đoàn Dân Chúa phân định ý Chúa. Nhưng điều này chỉ có thể khi chính Giám mục quan tâm đến đời sống của các linh mục và của Dân Thánh được uỷ thác cho ngài.

Thảo luận giữa giám mục và linh mục

“Vâng lời cũng có thể là thảo luận, quan tâm lắng nghe và trong một số trường hợp là căng thẳng.” Do đó, Đức Thánh Cha nói: “Điều này nhất thiết đòi hỏi các linh mục phải cầu nguyện cho các giám mục của họ và cảm thấy tự do bày tỏ ý kiến của mình với sự tôn trọng và chân thành. Nó cũng đòi hỏi các giám mục phải thể hiện sự khiêm tốn, khả năng lắng nghe, tự phê bình và để bản thân được giúp đỡ. Nếu chúng ta có thể duy trì mối ràng buộc này, chúng ta sẽ tiến tới một cách an toàn trên con đường của mình.”

Gần gũi với các linh mục khác

Thứ ba là gần gũi với các linh mục khác, sự gần gũi huynh đệ. Đức Thánh Cha nhắc lại chương 13 của thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, “bản đồ hành trình” của tình yêu. Ngài mời gọi kiên nhẫn và đừng dửng dưng với anh em linh mục khác. Đừng ganh tị. Đừng khoe khoang. Tình yêu đích thật là vui trong sự thật, trong khi xúc phạm sự thật và phẩm giá của anh chị em chúng ta qua những lời vu khống, dèm pha và đàm tiếu là tội trọng.

Độc thân linh mục

Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng “Khi tình huynh đệ linh mục phát triển mạnh và có các mối quan hệ của tình bạn chân chính, thì cũng có thể trải nghiệm cuộc sống độc thân một cách thanh thản hơn. Độc thân là một món quà mà Giáo hội Latinh gìn giữ, nhưng nó là một món quà, để được sống như một phương tiện nên thánh, đòi hỏi những mối quan hệ lành mạnh, những mối quan hệ có lòng quý trọng và sự tốt lành thực sự bắt nguồn sâu xa từ Chúa Kitô. Không có bạn bè và không có việc cầu nguyện thì đời sống độc thân có thể trở thành một gánh nặng không thể chịu đựng được và là một phản chứng cho chính vẻ đẹp của chức linh mục.”

Cuối cùng là gần gũi với dân Chúa. Theo Đức Thánh Cha, sự gần gũi này không phải là một nghĩa vụ, nhưng là một ân sủng. “Vị trí của mỗi linh mục là ở giữa người dân, trong tương quan gần gũi với người khác.” Sự gần gũi này phải theo phong cách của Chúa Giêsu, đó là gần gũi, cảm thông và dịu dàng.

Gần gũi với dân Chúa

Đức Thánh Cha tin chắc rằng “để có một sự hiểu biết mới về căn tính của chức linh mục, điều quan trọng ngày nay là phải tham gia chặt chẽ vào cuộc sống thực của mọi người, sống bên cạnh họ”. “Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm vào sự khốn cùng của con người, chạm vào da thịt đau khổ của người khác... bước vào thực tế cuộc sống của người khác và biết sức mạnh của sự dịu dàng.”

Ngăn ngừa chủ nghĩa giáo sĩ

Trong xã hội “kết nối mạng”, con người cảm thấy “mồ côi” hơn. Mặc dù được kết nối với mọi người và mọi thứ, nhưng chúng ta thiếu cảm giác thân thuộc, một thứ không chỉ đơn thuần là kết nối. Do đó, theo Đức Thánh Cha: “Sự gần gũi của một mục tử giúp chúng ta có thể tập hợp một cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển của một cảm thức thuộc về.” Sự thuộc về này giúp ngăn ngừa việc bóp méo ơn gọi linh mục và chủ nghĩa giáo sĩ trị, điều không dựa trên sự gần gũi mà dựa trên khoảng cách. (CSR_572_2022).

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây