TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ điệp Giáng Sinh và phép lành urbi et orbi

Chủ nhật - 25/12/2022 22:59 | Tác giả bài viết: |   619
Lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 25/12/2022, Đức Thánh Cha đã đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi từ ban công chính của đền thờ thánh Phêrô.
Sứ điệp Giáng Sinh và phép lành urbi et orbi

Sứ điệp Giáng Sinh 2022 và phép lành toàn xá urbi et orbi

Lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 25/12/2022, Đức Thánh Cha đã đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi từ ban công chính của đền thờ thánh Phêrô.

Sứ điệp Giáng Sinh 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Anh chị em từ Roma và trên khắp thế giới thân mến,

Chúc Mừng Giáng Sinh

Nguyện Chúa Giêsu, Đấng Sinh ra từ cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, ban cho anh chị em tình yêu của Thiên Chúa, Đấng là ngọn nguồn mọi niềm tin tưởng và hy vọng. Xin Chúa cũng ban cho anh chị em ơn bình an, là ơn mà các Thiên Thần đã loan báo cho các mục đồng tại Bê-lem: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).

 Trong ngày Lễ hôm nay, chúng ta hướng nhìn về Bê-lem. Thiên Chúa đã đến thế giới của chúng ta trong một hang đá, nằm trong một máng lừa, bởi vì Cha Mẹ của người không thể tìm thấy một chốn trọ cả khi Đức Maria đến giờ mãn nguyệt khai hoa. Người đến giữa chúng ta trong thinh lặng, trong sự tăm tối của màn đêm. Ngôi lời của Thiên Chúa không cần những ánh hào quang lấp lánh, không cần những tiếng tung hô của con người. Người chính là Ngôi Lời mang lại ý nghĩa cho mọi hiện hữu, là ánh sáng chiếu soi mọi nẻo đường: Như lời Tin Mừng đã loan báo: “Ánh sáng đã đến thế gian. Ánh sáng chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).

Đức Giêsu sinh hạ giữa chúng ta, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người đến để đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, cùng chia sẻ mọi sự với chúng ta, niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và lo lắng. Người đến trong hình hài một trẻ thơ đang say ngủ. Sinh ra trong lạnh lẽo, như một người nghèo giữa những người nghèo. Như một người hoàn toàn trắng tay, Người gõ cửa trái tim chúng ta để mong tìm chút hơi ấm và sự che chở.

Như các mục đồng ở Bê-lem, chúng ta hãy để cho mình được bao bọc bởi luồng ánh sáng từ trời, và chúng ta hãy đi đến để nhìn xem dấu chỉ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta hãy chiến thắng những cơn ngái ngủ thiêng liêng và những hình ảnh sai lạc của lễ hội dễ khiến chúng ta quên mất ai mới là Người chúng ta mừng lễ hôm nay. Chúng ta hãy ra khỏi những huyên náo thường khiến trái tim chúng ta ngủ mê, thường dẫn chúng ta đến những trang trí quà cáp hơn là việc chiêm niệm về chính biến cố đã xảy ra: Con Thiên Chúa được sinh hạ cho chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy hướng về Bê-lem. Nơi ấy, vị Hoàng Tử Hoà Bình cất tiếng khóc đầu tiên lúc chào đời. Chính Người, Đức Giêsu, là sự Hoà Bình của chúng ta, sự hoà bình mà thế giới này không thể trao tặng, nhưng chỉ có Thiên Chúa là Cha, Đấng tặng ban hoà bình cho toàn nhân loại bằng việc sai Con của Người đến. Thánh Lê-ô Cả đã diễn tả bằng câu châm ngôn Latinh sứ điệp của ngày Lễ hôm nay thế này: «Natalis Domini, Natalis est pacis» - Ngày Giáng Sinh của Thiên Chúa là ngày sinh hạ của hoà bình. (Sermone 26,5).

Đức Giêsu Kitô chính là con đường dẫn đến hoà bình. Nhờ sự Nhập Thể, Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh, Người đã mở ra một con đường giữa lòng một thế giới đóng kín, bị phủ bọc bởi bóng tối của sự thù hận, của chiến tranh, để hướng đến một thế giới rộng mở, tự do để sống cho tình huynh đệ và hoà bình. Chúng ta hãy bước theo nẻo đường này. Để được như thế, để có thể bước theo Đức Giêsu, chúng ta phải cởi bỏ những gánh nặng là những điều chướng ngại và cản trở chúng ta.

Đâu là những gánh nặng? Đâu là những chướng ngại? Đây chính là những mê mải tiêu cực đã cản trở vua Hêrôđê và toàn thể cung đình của vua nhìn ra và đón nhận cuộc sinh hạ của Đức Giêsu: đó là sự dính bén với quyền lực và tiền bạc, là sự kiêu căng, là thói giả hình, là sự gian dối. Những gánh nặng này không cho họ cất bước đến Bê-lem, khiến họ tự loại mình khỏi ân sủng Giáng Sinh và không thể đặt chân vào đường nẻo của hoà bình. Trong thực tế, chúng ta phải đau đớn mà nhìn nhận rằng, trong khi vị Hoàng Tử Hoà Bình đã được ban tặng cho chúng ta, chiến tranh vẫn tiếp diễn và gây ra bao đau thương tang tóc cho nhân loại.

Nếu chúng ta muốn đây thật là Lễ Giáng Sinh, Giáng Sinh của Đức Giêsu và của hoà bình, chúng ta hãy nhìn về Bê-lem, hãy chiêm ngắm gương mặt của Hài Nhi được sinh hạ cho chúng ta. Trên gương mặt bé nhỏ ngây thơ ấy, chúng ta sẽ nhận ra trên gương mặt ấy biết bao nhiêu gương mặt trẻ thơ trên thế giới này đang khao khát hoà bình.

Ước gì cái nhìn của chúng ta được đổ đầy bởi những gương mặt của các anh chị em người Ucraina, những người đang trải qua một Mùa Giáng Sinh trong bóng tối, trong gió lạnh, ở xa mái nhà của mình, vì những tàn hại gây ra sau 10 tháng chiến tranh. Ước gì Thiên Chúa giúp chúng ta sẵn sàng với những hành động cụ thể và liên đới để giúp cho những ai đang đau khổ, khai sáng cho tâm trí của những ai có quyền làm im tiếng những loại vũ khí và dập tắt ngay lập tức cuộc chiến tranh vô nghĩa này. Thật không may, người ta cứ thích nghe những lý luận khác theo kiểu logic của thế gian. Mấy ai thèm nghe tiếng kêu của một Hài Nhi thơ bé?

Thời đại của chúng ta đang trải qua một cơn đại hạn Hoà Bình nguy kịch, cả ở những vùng khác, những khu vực khác của chiến tranh thế giới thứ ba này. Chúng ta hãy nghĩ đến đất nước Syria, đang bị hành hạ từng ngày bởi cuộc xung đột có vẻ đã lắng xuống nhưng vẫn chưa hề chấm dứt. Chúng ta hãy nghĩ đến Đất Thánh, nơi mà trong những tháng qua đã gia tăng những cuộc bạo lực và xung đột, với bao nhiêu người chết và bị thương. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa, để nơi vùng đất mà Người đã sinh ra và lớn lên, người ta lại có thể bắt đầu các cuộc đối thoại và tìm kiếm lại sự tin tưởng lẫn nhau giữa những người Palestin và Ít-ra-en. Xin Chúa Giêsu Hài Đồng nâng đỡ các cộng đoàn Kitô hữu đang sống ở vùng Trung Đông. Xin cho mỗi quốc gia có thể hiện thực hoá việc chung sống huynh đệ giữa những con người thuộc niềm tin khác nhau. Nguyện xin Chúa trợ giúp đặc biệt đất nước Li-băng. Xin cho đất nước này giải quyết được những vấn đề của mình nhờ sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế và nhờ sức mạnh của tình huynh đệ và liên đới. Nguyện xin ánh sáng của Đức Kitô chiếu giãi trên vùng Sahel, nơi mà việc chung sống hoà bình giữa các sắc dân và các truyền thống khác nhau đã bị đảo lộn bởi những cuộc xung đột và bạo lực. Chúng ta cầu xin cho cuộc đình chiến trên đất nước Yê-men, cho cuộc hoà giải tại đất nước Myanmar và Iran, để không còn phải xảy ra thảm cảnh đổ máu. Xin Chúa soi sáng cho các nhà chính trị và tất cả những người thành tâm thiện chí ở Châu Mỹ, giúp họ biết lựa chọn những giải pháp hoà bình cho các xung đột chính trị và xã hội giữa các quốc gia. Tôi cũng nghĩ đến những anh chị em Haiti là những người đã và đang đau khổ qua một giai đoạn rất dài.

Ngày hôm nay, khi chúng ta có cơ hội gặp gỡ nhau quanh bàn tiệc, chúng ta đừng quên nhìn về Bê-lem, vùng đất có nghĩa là “ngôi nhà của bánh mì”, chúng ta hãy nghĩ đến những người đang đau khổ vì đói khát, nhất là các trẻ em, trong khi vô số những thức ăn bị lãng phí và vô số tiền của lại đổ vào vũ khí. Tình hình chiến tranh ở Ucraina đã trở nên nghiêm trọng hơn trong những ngày này, khiến cho nhiều dân tộc khác cũng phải đối diện với nguy cơ nghèo đói, đặc biệt là tại Afghanistan và các quốc gia Đông Phi. Chúng ta đều biết rằng mọi cuộc chiến đền dẫn đến đói khổ, lấy vũ khí thay lương thực, và không cách nào chăm lo cho những con người vốn đã đói khổ. Trong ngày hôm nay, chúng ta hãy học từ vị Hoàng Tử Hoà Bình, hãy dấn thân, trước hết là những ai có trách nhiệm chính trị, để lương thực chỉ trở thành khí cụ của hoà bình. Khi chúng ta được gặp gỡ và vui vẻ với những người thân yêu của mình, chúng ta hãy nhớ đến các gia đình đang đau khổ, đang gặp khó khăn trong thời gian khủng hoảng này do mất công ăn việc làm và thiếu những nguồn thực phẩm thiết yếu để sinh sống.

Anh chị em thân mến,

Hôm qua cũng như hôm nay, Đức Giêsu, ánh sáng thật, đã đến thế gian, một thế gian với chứng bệnh dửng dưng đã không thèm đón tiếp Người (Ga 1,11), thậm chí còn từ chối người như từ chối những người xa lạ, làm lơ với Người như cách làm lơ với những kẻ nghèo khổ. Chúng ta đừng quên hôm nay có vô số người di dân và anh chị em di cư đang gõ cửa chúng ta để cầu xin nơi chúng ta chút ủi an, chút tình người, chút lương thực. Chúng ta đừng quên những người bị dạt ra bên lề, những người cô đơn, những trẻ mồ côi, những người già, những kẻ bị hất hủi hay những tù nhân mà chúng ta chỉ nhớ đến lầm lỗi của họ thay vì nhìn họ như những con người.

Bê-lem nói với chúng ta về sự đơn sơ của Thiên Chúa, Đấng không mạc khải chính mình cho những nhà khôn ngoan thông thái, nhưng là cho những kẻ bé mọn, những ai có trái tim tinh sạch và rộng mở. Như các mục đồng, chúng ta hãy ra đi không chậm trễ. Hãy để cho mình kinh ngạc với biến cố mà không ai dám tưởng nghĩ: Thiên Chúa làm người vì ơn cứu độ của chúng ta. Đấng là nguồn cội của mọi sự thiện hảo lại trở nên nghèo khó và cầu xin sự bố thí từ nhân loại nghèo hèn chúng ta. Chúng ta hãy để cho lòng mình rung động vì tình yêu Thiên Chúa. Và chúng ta hãy bước theo Đức Giêsu, Đấng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang để làm cho chúng ta được dự phần trong sự viên mãn của Người.

Chúc Mừng Giáng Sinh đến tất cả mọi người


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây