Tĩnh tâm linh mục giáo phận Ban Mê Thuột (10-13. 11. 2014)
Theo thông tin từ Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột, Tuần Tĩnh Tâm thường niên của hàng Giáo Sĩ Giáo Phận Ban Mê Thuột năm nay khai mạc vào lúc 16g30 chiều thứ Hai 10/11/2014 và kết thúc vào sáng thứ Sáu 14/11/2014. Từ chiều ngày 10.11. 2014, 158 linh mục gồm linh mục Triều và linh mục Dòng đang làm mục vụ tại các giáo xứ trong giáo phận Ban Mê Thuột, hân hoan trở về Tòa Giám Mục để tham dự tuần tĩnh tâm, do Đức cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá GP. Hưng Hóa, thuyết giảng.
Trong buổi tối khai mạc, Đức Cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long tâm sự với linh mục đoàn về Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” của ĐTC Phanxicô. Tông huấn này đã gợi hứng để ngài chia sẻ với quý cha trong tuần tĩnh tâm Linh mục giáo phận BMT về NIỀM VUI CỦA LINH MỤC. Qua chủ đề này, Đức cha giảng phòng chia thành 6 đề tài :
1. Niềm vui theo Thánh Kinh
2. Niềm vui là Linh mục
3. Niềm vui thi hành thánh chức
4. Niềm vui nhiệt thành
5. Niềm vui giữa thử thách
6. Niềm vui loan báo Tin Mừng.
BÀI 1: NIỀM VUI TRONG KINH THÁNH
Niềm vui là một chủ đề lớn ở trong Kinh thánh xuyên suốt từ Cựu Ước sang Tân Ước, đặc biệt là trong Tin Mừng khi Chúa Giêsu đến trần gian này để đem niềm vui cứu độ đến cho nhân loại. Có thể nói trên từng trang Tân Ước đều phảng phất niềm vui.
Niềm vui của đời linh mục hệ tại ở điều gì? Có phải nó đặt trên của cải vật chất hay trên phương diện thiêng liêng? Người linh mục đang đi tìm một niềm vui tạm bợ hay một niềm vui vĩnh cửu?
Trong tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành từ số 4 đến số 13 để khai triển đề tài niềm vui, nhưng ngài nhấn mạnh đến khía cạnh loan báo Tin Mừng.
1. Niềm vui trong Cựu Ước – Niềm vui Sáng tạo
Công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa đã làm cho muôn loài vui mừng. Đối với con người, niềm vui đó được đặt trên vật chất: người ta vui mừng vì có một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc bên vợ đẹp con ngoan, gia đình đông con nhiều cháu, cơ nghiệp phát triển như trường hợp của ông Gióp… Đó là dấu hiệu được Thiên Chúa chúc phúc, khi được Chúa chúc phúc thì người ta vui. Niềm vui đó lại gắn liền với vấn đề ăn uống, các dịp lễ như thu hoạch mùa màng, phong vương, mừng chiến thắng, tù nhân hồi hương… đều là những cơ hội mang niềm vui cho con người.
Tuy nhiên, khi Thiên Chúa ký giao ước với con người, thì Ngài cho họ thông phần vào một niềm vui cao quý hơn: niềm vui vì trung thành với giao ước. Từ đây, niềm vui mang một chiều kích thiêng liêng chứ không chỉ mang chiều kích vật chất nữa, và niềm vui đó có tính hướng thượng tức là niềm vui mang tính tôn giáo chứ không phải niềm vui thế tục. Chẳng hạn niềm vui phụng tự, khi dân Israel ca tụng Chúa, tôn thờ Ngài trong các dịp kỷ niệm lễ Vượt Qua, lễ hồi hương, lễ Lều, dân chúng mừng vui tổ chức các lễ đó; hay niềm vui của người tôi trung trung thành với Chúa. Dẫu sao, niềm vui này là những niềm vui chóng qua ở tại thế, dần dần người ta được hướng tới niềm vui vĩnh cửu ở trên thiên quốc, niềm vui cánh chung. Trong Cựu Ước, con người được loan báo sẽ đến ngày họ được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Lúc đó, con người sẽ được hưởng niềm vui đích thực. Giêrusalem Thiên quốc trở thành là niềm vui mà muôn dân ngóng đợi.
2. Niềm vui trong Tân Ước – Niềm vui Cứu độ
Bước sang thời Tân Ước, khi Chúa Giêsu đến trần gian để đem ơn cứu độ đến cho con người, thì Ngài đã đem niềm vui cho toàn thể nhân loại. Ngài trao ban cho con người niềm vui còn lớn hơn niềm vui sáng tạo trong Cựu Ước. Đó chính là niềm vui cứu độ.
Ai là người được hưởng niềm vui cứu độ qua cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô? Thưa đó là những người nghèo siêu thoát khỏi những gì gắn bó với của cải vật chất mới dễ dàng cảm nhận được niềm vui cứu độ của Chúa như Gioan Tẩy Giả, Đức Maria, các mục đồng Belem, như cụ già Simeon và Anna, như các môn đệ của Chúa Giêsu… Quả thật đối với những người nghèo vật chất, những người nghèo tinh thần (tinh thần siêu thoát) dễ có được niềm vui cứu độ của Chúa Giêsu.
Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 7, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói rằng: “xã hội kỹ thuật của chúng ta đã gia tăng muôn vàn cơ hội lạc thú, nhưng rất khó phát sinh niềm vui. Tôi có thể nói rằng những cách thế diễn tả niềm vui đẹp nhất và tự nhiên nhất mà tôi thấy trong đời tôi là ở nơi những người rất nghèo, họ có rất ít để bám víu vào. Tôi cũng nghĩ về niềm vui đích thực được biểu lộ ở nơi những người khác, những người, dù ở giữa những bổn phận nghề nghiệp cấp bách, đã có thể gìn giữ một tâm hồn đầy tin tưởng, trong tinh thần siêu thoát và lối sống giản dị. Theo cách thế riêng của mình, tất cả những mẫu người tràn đầy niềm vui này múc lấy từ nguồn tình yêu vô tận của Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô.”
Để hưởng được niềm vui cứu độ của Thiên Chúa, các môn đệ của Chúa Giêsu đã phải từ bỏ mọi sự để đổi lấy nước trời, kiên trì trong bách hại, chứ không phải vui khi làm những phép lạ hay điều gì lớn lao. Trong Tin Mừng Lc 10,17-20, sau khi được Đức Giêsu sai đi truyền giáo từng hai người một, các ông trở về vui mừng báo cho Ngài biết những thành quả của mình, nhưng Chúa bảo các ông rằng chớ có mừng vì quỷ thần khuất phục các ông, nhưng hãy mừng vì tên của anh em đã được ghi trên trời. Niềm vui của các môn đệ là thấy người ta quay về với Thiên Chúa và sống trong tình thương của Đấng đến để cứu những con chiên lạc.
Khi Chúa Giêsu chiu chết trên thập giá, thế gian vui mừng còn các môn đệ thì buồn rầu, chán nản, thất vọng. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã nói trước rằng: Thầy sẽ đến gặp lại anh em, và nỗi buồn của anh em sẽ biến thành niềm vui, bởi niềm vui ấy không ai tước đoạt được khỏi anh em (x.Ga 16,20;22)
Theo dòng lịch sử Cựu Ước và Tân Ước, niềm vui đã biến đổi nhiều: từ khía cạnh vật chất đến thiêng liêng, từ tính cách tạm thời đến vĩnh cửu, từ khía niệ hạn hẹp nơi dân tộc Israel đến đến dân tộc mới là Giáo hội, từ phạm vi đời sống cũ đến đời sống mới trong Chúa Thánh Thần.
Trong sách Công vụ Tông đồ, nơi công đoàn Kitô hữu sơ khai, khi đặt tất cả niềm tin vào Chúa, họ làm thành một công đoàn sống đơn sơ, đi loan báo Tin Mừng, chấp nhận những thử thách bách hại, an vui trong Chúa Thánh Thần, gắn bó với lời Chúa, cầu nguyện, chia sẻ, sống quảng đại… Tất cả những điều đó kết thành niềm vui trong dân Chúa giữa cuộc sống trần thế nay trong khi ngưỡng vọng về cuộc sống mai hậu.
Niềm vui mà sách Công vụ Tông đồ đề cập đến là niềm vui được tôi luyện trong những thử thách. Người môn đệ của Chúa phải vui tươi khi được thông phần đau khổ với Chúa, chấp nhận bị tước đoạt hết của cải, chịu trăm bề thử thách. Khó nghèo và bách hại là hai yếu tố dẫn đến niềm vui đích thực. Thánh Phaolô Tông đồ cảm thấy vui mừng khi gặp ưu phiền, thử thách (x.2Cr 6,10), và vui mừng khi được chịu đau khổ vì Giáo hội và vì tín ngưỡng (x.Cl 1,24) và mời gọi các tín hữu Philipphê chia sẻ niềm vui với ngài, nếu ngài có phải đổ máu để làm chứng cho đức tin (x.Pl 2,17). Quả thật, đây là điều kiện để có một niềm vui thật, cũng như để kiểm chứng một niềm vui thật là một niềm vui trong thực hành, chứ không phải theo quan niệm thế gian khi mọi sự bình an, mọi sự may mắn tốt đẹp thì người ta mới vui. Với niềm tin Kitô giáo, ngay trong những thử thách chúng ta cũng có một niềm vui.
Khi những thử thách chấm dứt thì trên trời sẽ mở tiệc cưới Con Chiên. Những ai được dự phần sẽ hân hoan ca tụng Chúa và niềm vui đạt tới sự sung mãn đưa họ tới sự hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa Ba Ngôi. Để đạt được niềm vui đích thực và vĩnh viễn, người ta phải trải qua những đau khổ, qua những thử thách ngay tại trần thế này, nhưng niềm vui thiêng liêng này đáng để cho mọi tín hữu và cách riêng người linh mục bằng mọi giá thủ đắc cho mình, cũng như giới thiệu cho người khác để cùng đạt được. Điều này cũng đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến trong tông huấn Evangelii Gaudium: niềm vui phải được lan tỏa, phải được thông truyền, phải được giới thiệu cho người khác. Đó chính là ý nghĩa của công cuộc loan báo Tin Mừng. Tin Mừng, tin vui phải được chia sẻ, đây chính là sứ vụ trọng yếu của Giáo Hội Công Giáo trong thế giới hôm nay.
Trong số 9 của Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Giáo hoàng Phanxicô lưu ý rằng làm sao người ta có thể loan báo niềm vui này khi chính mình lại mang một bộ mặt đưa đám: ước gì thế giới hôm nay đang tìm kiếm trong lo âu hoặc hy vọng, có thể đón nhận Tin Mừng, không phải từ những nhà rao giảng buồn bã hay thất vọng, bồn chồn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên của Tin Mừng có đời sống đầy nhiệt thành vì đã đón nhận niềm vui của Đức Kitô và chấp nhận xem thường mạng sống để cho Nước Trời được rao giảng và Giáo Hội được ăn sâu vào giữa lòng thế giới. Đây là điều mà người linh mục cần lưu tâm thể hiện trước tiên.
Trong số 12 của tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng nói về niềm xác tín vào Thiên Chúa, là Đấng làm chủ mọi biến cố lịch sử, để dù trong hoàn cảnh dù tối tăm thế nào ta vẫn giữ vững được niềm vui trong mọi tình huống. Ngài viết: Niềm xác tín này giúp chúng ta duy trì tinh thần vui tươi giữa nhiệm vụ quá đòi hỏi và quá thách đố đến mức nó chiếm trọn cuộc đời chúng ta. Ngài đòi hỏi mọi sự nơi chúng ta, nhưng đồng thời cũng ban mọi sự cho chúng ta. Chính vì thế, thái độ chính đáng của người linh mục là phải làm sao để mình luôn ở trong niềm vui của Chúa.
Như vậy, người linh mục phải là những chứng nhân của niềm vui Tin Mừng trong thời đại hôm nay, là những người đi loan báo tin vui, mời gọi anh chị em đồng bào của mình niềm vui tin vào Chúa, và đó là sứ mạng chính yếu của đời linh mục. Muốn được thế, nơi bản thân người linh mục phải có niềm vui Tin Mừng để mới có cái để trao ban. Niềm vui đó còn phải lớn lên mỗi ngày, được làm mới lại, sống động hơn nơi chính bản thân người linh mục. Trong đời sống người linh mục, niềm vui đó được thể hiện trên khuôn mặt, trong nụ cười, trong lời nói, cử chỉ khi giao tiếp với anh chị em tín hữu cũng như với anh chị em lương dân mà người linh mục gặp gỡ. chính những cuộc gặp gỡ là cơ hội để người linh mục đem Chúa đến với anh chị em và đưa anh chị em đến với Chúa, để tất cả cùng vui tươi trong tình yêu của Chúa.
Sau khi đã điểm qua những khái niệm về niềm vui trong kinh thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước, cũng như quan điểm của Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đức Cha giảng phòng kết luận:
- Niềm vui đó là niềm vui đích thực chứ không phải giả tạo như người đời đang tìm kiếm
- Niềm vui đó mang tính thánh thiện chứ không phải mang tính chất hay màu sắc tội lỗi.
- Niềm vui đó phải là niềm vui vững bền và trường cửu chứ không phải là niềm vui hời hợt, chóng qua.
- Niềm vui đó là niềm vui hệ tại ở việc có Chúa chứ không phải là vắng Chúa.
- Niềm vui đó phải là niềm vui lan tỏa chứ không phải là khép kín.
- Niềm vui đó phải là niềm vui ra đi, đem Chúa đến cho mọi người chứ không phải bo bo giữ cho riêng bản thân mình.
- Niềm vui đó cũng không phải là niềm vui lớn lao, nhưng là niềm vui nhỏ bé trong mọi biến cố, trong mọi tình huống.
- Niềm vui đó là niềm vui đơn sơ giản dị, chứ không phải cầu kỳ.
Đồng thời Đức Cha giảng phòng mời gọi anh em linh mục kiểm điểm lại đời sống của bản thân:
- Mỗi anh em linh mục đã có niềm vui của Chúa hay chưa?
- Niềm vui của bản thân mỗi người hệ tại nơi vật chất hay thiêng liêng?
- Mỗi người đã cảm nếm được niềm vui đích thực là hoa trái của Chúa Thánh Thần luôn sẵn lòng ban cho từng người trong đời sống linh mục hay chưa?
Lm. Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn OP ghi
Bài 2: NIỀM VUI ĐƯỢC LÀ LINH MỤC
Sau khi tóm lược ý nghĩa về niềm vui trong Kinh Thánh, ngày 11/11/2014, Đức Cha giảng phòng đã giới thiệu cho anh em linh mục một đề tài mới đó là Niềm vui được là Linh mục.
Qua câu chuyện về 3 vị linh mục của tu hội truyền giáo thánh Vinh Sơn Phaolô khi được gởi tới một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái, Đức Cha giảng phòng đã cho thấy niềm vui được là linh mục của Chúa là điều mà mỗi anh em linh mục phải luôn ý thức trong cuộc sống của mình. Bởi: “Nếu một linh mục không cảm nhận được hạnh phúc, niềm vui trong ân sủng của Thiên Chúa, cuộc đời của linh mục đó sẽ là vô dụng.”. (Bài giảng của ĐTC Phanxicô, Lễ Truyền Dầu 17.04.2014)
1. Ý thức căn tính linh mục của mình
Đứng trước Thiên Chúa cao cả, con người nhận ra thân phận hèn mọn, bất xứng của mình. Các ngôn sứ trong cựu ước như Môsê, Isaia, Yêrêmia ý thức rõ điều đó. Thánh Phêrô cũng đã từng thốt lên rằng: “Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”.
Qua Bí tích Truyền chức, người linh mục được thánh hiến và được đặc cử làm đại diện Chúa, là hình ảnh của Chúa, là một Đức Kitô thứ hai. Có thể nói, ân sủng mà người linh mục lãnh nhận cao quý hơn cả các Thiên thần. Thánh Gioan Vianey đã nói rằng: “nếu gặp linh mục và Thiên thần, tôi sẽ chào linh mục trước”. Có người vì thấy chức linh mục cao cả quá nên đã không dám lãnh nhận, như thánh Phanxicô Assisi.
Cho nên, để có thể cảm nhận được niềm vui lớn lao được là linh mục, cần phải biết căn tính linh mục là thế nào...
Trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 15, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bàn về căn tính linh mục như sau: các linh mục đại diện cho Chúa Kitô rao giảng lời Chúa cách chính thức, lặp lại các cử chỉ của Chúa Kitô để tha thứ và ban ơn cứu độ nhất là qua phép Rửa tội, phép Giải tội, phép Thánh Thể, các ngài ày tỏ sự ân cần lo lắng đầy yêu thương, đến độ hiến cả chính mình cho đoàn chiên mà các ngài thâu họp trong sự hiệp nhất và dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần.
Chính vì thế:
- Chức linh mục là một hồng ân. Bởi trong số các tín hữu, những người được tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô, chỉ có một số ít người được Chúa tuyển chọn và được Giáo Hội trao ban chức tư tế thừa tác để nhân danh và thay mặt Chúa Kitô thi hành những chức năng chỉ thuộc về một mình Ngài. Qua bí tích Truyền chức liên kết linh mục với Chúa Kitô bằng một mối dây hữu thể đặc biệt.
- Linh mục được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi do ân sủng của bí tích Truyền chức.
- Sứ vụ của các linh mục không phải cho bản thân mình, nhưng là để phụng sự Thiên Chúa và mưu ích cho nhân loại. Đời sống linh mục không giản lược vào một số bổn phận phải chu toàn như một công chức. Công việc mục vụ của người linh mục không phải đem lại một lợi lộc thế trần, tạm bợ, mà đem lại ơn phúc siêu nhiên, trường cửu cho con người.
- Linh mục là người luôn nhận được sự tôn kính, mến yêu của mọi người. Chính điều này đòi hỏi linh mục phải sống sao cho sứng đáng với tình yêu mà Thiên Chúa và Giáo hội dành cho mình.
2. Đối với bản thân
Người linh mục phải diễn tả niềm vui nơi chính bản thân và trong cuộc sống :
- Qua nét mặt luôn vui tươi.
- Niềm nở với mọi người.
- Phấn khởi lạc quan trong lời nói và thái độ giao tiếp
Niềm vui đó phải được phát xuất từ trong chính tâm hồn của người linh mục.
3. Đối với giáo dân
Linh mục phải thể hiện niềm vui khi giao tiếp với người giáo dân. Đời sống nhân bản là điều mà người linh mục không được thiếu sót. Cần tránh những thái độ cau có, ăn nói cộc lốc, tiết kiệm lời nói và cả thời gian đối với người giáo dân.
Niềm vui còn được thể hiện khi người linh mục thi hành thánh vụ: thái độ khoan thai, nét mặt trang nghiêm nhưng tươi vui, cử điệu xứng hợp, toát ra vẻ thánh thiện.
Qua những chia sẻ trên, Đức Cha giảng phòng mời gọi anh em linh mục nhớ lại ân sủng của Bí tích Truyền chức mà mình đã lãnh nhận. Nhớ lại để tạ ơn Chúa, nhớ lại để niềm vui được làm linh mục luôn sống động trong bản thân mình, nhớ lại để mỗi người quyết tâm sống sao cho xứng với lời Chúa Giêsu đã nói: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về người.”
BÀI 3: NIỀM VUI THI HÀNH THÁNH CHỨC
Thông thường khi nhận của ai đó một món quà gì hay một điều gì chúng ta thường thể hiện sự vui mừng. Đây là điều rất tự nhiên. Tuy nhiên, niềm vui cũng còn đến từ việc cho: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
Đức Cha giảng phòng cho hay cuộc đời linh mục tràn đầy niềm vui và có ý nghĩa, bởi linh mục là người vừa lãnh nhận vừa cho đi. Người linh mục sẽ thể hiện niềm vui đó trong khi thi hành thánh vụ của mình. Linh mục được ví như chiếc máng xối nước: nhận tất cả từ Thiên Chúa và trao ban tất cả cho anh chị em. Điều này được thể hiện qua 3 nhiệm vụ tiêu biểu.
1. Nhiệm vụ rao giảng
Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng cả giáo dân và linh mục đều khổ vì bài giảng: giáo dân khổ vì phải nghe những bài giảng thiếu chất lượng, còn linh mục khổ vì phải giảng những bài giảng như thế.
Linh mục nào cũng muốn soạn bài giảng hay, thiết thực, muốn nếm trải niềm vui giảng thuyết. Tuy nhiên không ít lần người linh mục cảm thấy thất vọng về chính mình, về giáo dân, về cả bài giảng của mình nữa.
Chính vì thế, khi soạn bài giảng, người linh mục cần lưu ý một số điểm sau:
a. Chuẩn bị
- Dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, học hỏi, cầu nguyện, suy tư và óc sáng tạo mục vụ.
- Phải cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình trong suy nghĩ và hành động, vì chính Chúa Thánh Thần hoạt động trong bài giảng,
- Đọc kỹ bản văn Lời Chúa để hiểu đúng, khám phá sứ điệp chính của Lời Chúa.
- Cá nhân hóa Lời Chúa. Để lời Chúa tác động lên chính bản thân mình trước.
b. Giảng
- Bài giảng như một cuộc trò chuyện, như người mẹ nói chuyện với con mình, bởi người ta không chỉ nghe bằng tai mà còn bằng cả trái tim nữa.
- Ấm áp trong giọng nói, đơn sơ trong cách trình bày, vui vẻ trong cử chỉ, hấp dẫn trong lý lẽ…
- Phải thông truyền niềm vui được nói, được nghe cho thính giả.
2. Nhiệm vụ thánh hóa
a. Niềm vui khi tế lễ
Khi tế lễ, linh mục vừa dâng Chúa Giêsu như hiến lễ, vừa dâng chính mình và cộng đoàn làm hiến lễ hiệp với Chúa Giêsu trên bàn thờ.
Vì thánh lễ là tâm điểm, là chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội, phụng vụ, và của cả linh mục cũng như giáo dân. Chính vì thế, Linh đạo của linh mục là phải liên kết bản thân mình với Thánh Thể.
Có thể trong quá khứ, người linh mục đã nhiều lần dâng lễ cách thụ động, nhàm chán, tâm tình xoàng xĩnh,,, Cho nên, người linh mục cần tâm niệm lời khuyên của Mẹ Têrêsa Calcutta: “xin cha dâng thánh lễ này như thánh lễ mở tay, như thánh lễ cuối cùng, và như thánh lễ chỉ dâng một lần trong đời.”
Mỗi khi dâng lễ, linh mục phải làm mới lại niềm vui khi chuẩn bị tâm hồn. Trong khi dâng lễ, linh mục thể hiện lòng sốt sắng, trang nghiêm, khoan thai, nét mặt bình an, vui tươi, chăm chú vào việc mình làm, tránh những gì không tương hợp như nhăn nhó, la mắng, quát tháo.
Cần lưu ý: khi giáo dân thấy linh mục dâng lễ với tất cả con người, thân xác và tâm hồn, thì điều này tác động lên giáo dân tham dự thánh lễ rất nhiều.
b. Niềm vui khi giải tội
Sau việc dâng lễ, việc giải tội đem lại nhiều ân sủng nhất, làm cho sứ vụ của người linh mục có giá trị, xứng đáng và đem lại nhiều hoa trái nhất. Tuy nhiên, việc giải tội là một công việc khó nhọc, một gánh nặng. Cùng với việc phải ngồi lâu, khí hâu nóng bức, cộng với việc bản thân còn rất nhiều việc phải làm. Cho nên, linh mục dễ ngồi tòa cách máy móc, miễn cưỡng.
Với tâm lý tự nhiên, ai cũng ngại xưng tội, phải can đảm và có ơn Chúa người ta mới làm vậy. Cho nên, việc người ta đến với tòa giải tội là việc làm đáng trân trọng. Bởi thế, linh mục cần vui mừng đón tiếp như người cha đón chờ đứa con hoang trở về. Người linh mục cần phải kiên nhẫn, nhân hậu, lắng nghe. Với đức ái mục vụ, hãy niềm nở với hối nhân. Hãy coi đây là việc nên thánh của mình.
Người linh mục cần luôn nhớ rằng khi ngồi tòa giải tội, họ đang mang trong mình ba vai trò: vừa là một người cha nhân hậu, vừa là một người y sỹ tận tâm, vừa là một chánh án hiền lành.
Khi người linh mục không còn tìm thấy niềm vui trong việc hòa giải với Chúa, thì niềm vui của chức linh mục sẽ biến mất. Chỉ những linh mục nào luôn sẵn sàng quảng đại ban bí tích hòa giải cho người khác, sẽ tiến tới cách sâu xa hơn trong ý nghĩa và niềm vui của chức linh mục. Đồng thời họ sẽ cảm nhận sâu xa lòng nhân hậu của Chúa trong cuộc đời mình.
3. Nhiệm vụ quản trị
Trong sứ vụ quản trị, người linh mục sẽ có rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, theo Đức Cha giảng phòng, một công việc mà người linh mục cần làm chính là việc thăm viếng giáo dân, nhất là những người đau yếu, già cả, nghèo khổ. Việc thăm viếng của linh mục đem niềm vui đến cho những con người đó, xoa dịu họ và nâng đỡ họ rất nhiều.
Noi gương Chúa Giêsu, linh mục đem đến cho những bệnh nhân, người đau khổ mầu nhiệm và niềm vui phục sinh, nhờ đó mà đau khổ của họ được biến đồi và có giá trị cứu độ.
Niềm vui của người linh mục nằm trong quà tặng mà Chúa Kitô trao cho linh mục đi phân phát đó chính là tình yêu, ơn bình an, sự an ủi, ơn tha thứ, sức mạnh …
Trong việc giao tiếp với người giáo dân, linh mục cần tránh não trạng giáo sĩ trị. Đây là một mối nguy mà linh mục ở nhiều nơi đang mắc phải.
Với chủ đề “Niềm vui thi hành thánh chức”, Đức Cha giảng phòng mời gọi anh em linh mục hãy duyệt xét lại việc thi hành thánh chức của mình qua công việc mục vụ. Trong tinh thần “hoán cải mục vụ”, anh em linh mục cần xem điều gì nên phát huy, điều gì cần sửa chữa, để trong tương quan cha – con, mục tử với con chiên, cả người linh mục và giáo dân đều hưởng trọn niềm vui.
Bài 4: NIỀM VUI NHIỆT THÀNH
“Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa
Mà con đây sẽ phải thiệt thân” Tv 69,9
Một khi tâm hồn của người linh mục tràn đầy niềm vui vì ý thức hồng ân linh mục mà Chúa đã ban cho mình, nhất định người linh mục sẽ dấn thân phụng sự Chúa và Giáo Hội cách nhiệt thành. Sự nhiệt thành được thể hiện qua việc chu toàn các bổn phận của tác vụ mục tử cách trung thành và bền bỉ, với tình yêu say mê, cách vui tươi, quên mình.
Ngày nay, đức ái mục tử đang có nguy cơ bị đánh mất do não trạng “công chức”. Một số linh mục đã có một quan niệm sai lạc khi giảm trừ chức linh mục vào một số khía cạnh chức năng: “làm” linh mục, cung cấp các dịch vụ chuyên biệt và đảm bảo một số lời thề hứa, đó là tất cả lý do hiện hữu của đời sống linh mục. Thế nhưng, người linh mục không chỉ thi hành một “công việc”, xong thì được tự do nghỉ ngơi. Nếu căn tính và tác vụ linh mục bị giản lược như thế sẽ dẫn đến nguy cơ biến đời sống linh mục trở nên trống rỗng, thay vào đó người linh mục sẽ đền bù bằng những lối sống không phù hợp với tác vụ của mình (x. Kim chỉ nam linh mục, số 55)
Khi linh mục ý thức mình là một thừa tác viên của Đức Kitô và Giáo Hội, làm việc vì say mê Chúa Kitô, và đem hết sức phục vụ Thiên Chúa và con người, linh mục sẽ tìm thấy sức mạnh để vượt thắng mỗi nguy đánh mất đức ái mục tử trong cầu nguyện, trong học tập và việc đọc sách thiêng liêng. (x. Kim Chỉ Nam linh mục, số 55)
Để giữ được niềm vui nhiệt thành phục vụ được bền lâu, người linh mục cần:
- Luôn nhớ đến ân sủng thánh chức mình đã nhận từ Thiên Chúa và Giáo Hội.
- Có sự thống nhất và giữ sự quân bình giữa nội tâm và hoạt động.
- Tránh căng thẳng trong tâm, vì sẽ dẫn đến mệt mỏi, bi quan, cô lập và cô đơn.
- Dành địa vị tối thượng cho đời sống thiêng liêng, luôn sống với Đức Kitô và sống đức ái mục tử với lòng quảng đại, gia tăng mối hiệp thông với mọi người, đặc biệt là với các anh em linh mục.
1. Gắn bó với Đức Ki-tô: ĐGH Biển Đức16 nhắc nhở các linh mục “Liên kết với Đức Ki-tô, trò chuyện với Đức Ki-tôphải là ưu tiên mục vụ hàng đầu, đó chính là điều kiện cho công việc của chúng ta với tha nhân. Cầu nguyện không phải là chuyện bên lề, cầu nguyện thực sự là “nghề” của linh mục, để làm thay cho những người không biết cầu nguyện và không tìm được thời gian để cầu nguyện.
2. Cầu nguyện : Đời sống thiêng liêng của linh mục phải được thể hiện trong đời mỗi linh mục qua việc phụng vụ, cầu nguyện cá nhân, lối sống và thực hành các nhân đức Ki-tô giáo, những việc này khiến cho hoạt động mục vụ sinh hoa kết quả… Điều cần thiết là linh mục phải tổ chức đời sống cầu nguyện của mình để không bao giờ thiếu : việc cử hành Thánh thể hằng ngày, có chuẩn bị trước và tạ ơn sau lễ tương xứng; xưng tội thương xuyên và tiếp nối việc linh hướng đã có từ trong chủng viện và thường trước đó nữa.; cử hành đầy đủ và sốt sắng các giờ kinh phụng vụ, xét mình, thực hành tâm nguyện; lectio divina, những giây phút cầu nguyện lâu giờ với Chúa…Đặc biệt trong những kỳ tĩnh tâm và cấm phòng định kỳ; những thực hành đáng quý trong việc sùng mộ Đức Maria như lần hạt, gẫm đàng Thánh giá… đọc hạnh các thánh …Việc tổ chức thời gian tốt, vì yêu mến Chúa và Giáo Hội, chắc chắn sẽ giúp linh mục dễ dàng duy trì một đời sống cầu nguyện vững vàng.
3. Sống đức ái mục tử: Đức ái mục tử dạy linh mục sống như Chúa Giêsu, có cái nhìn, tâm tư, tình cảm như Chúa Giêsu, xử sự như Chúa với mọi người, nhất là những ai đang sống xa đàn, những người tội lỗi, những người bị thua thiệt. Tránh não trạng giáo sĩ trị rất đáng bị phê phán trong thời đại ngày nay.!
4. Hiệp thông với mọi người, nhất là với anh em linh mục: Thật là vui khi thấy trong một giáo phận các linh mục già , trẻ, thương yêu, gắn bó, đoàn kết với nhau, nâng đỡ nhau. Nhiệt huyết này còn được chia sẻ với anh chị em giáo dân của mình...
Linh mục phải luôn ở giữa mọi người và được mọi người cộng tác. Thánh Bosco thưa với Chúa: “ Hãy cho con các linh hồn, còn mọi sự khác xin lấy đi”. ĐGH Phanxicô viết : “Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc Loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt…”
Để tránh sự suy giảm nhiệt huyết Đức cha giảng phòng đề nghị các linh mục :
• Ý thức sự cần thiết của cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ
• Để ý đến những dấu hiệu suy giảm nhiệt huyết như : ngủ quá nhiều, trì hoãn việc bổn phận nhất là bổn phận đạo đức, không trả lời hoặc quên các lần hẹn… thích ở một mình, tránh trách nhiệm, gắt gỏng, miệt mài với phim ảnh, truyền hình, vi tính, ăn uống lâu giờ…
Năng tâm sự với Chúa : “Ôi Chúa Giêsu, xin giúp con trở nên linh mục có trái tim giốnng như trái tim của Chúa, tràn đầy nhiệt huyết vì dân của Ngài”. Sau khi phục vụ với nhiệt huyết, linh mục cũng phải khiêm tốn thưa với Chúa rằng : “ Lạy Chúa, con chỉ là tôi tớ bất xứng và vô dụng, mới chỉ làm những gì phải làm”
Bài 5: NIỀM VUI GIỮA THỬ THÁCH
Đức Cha giảng phòng đã khởi đầu đề tài “Niềm vui giữa thử thách” bằng hình ảnh rất đẹp của một bông hoa nhỏ sống trên khe đá, cũng như bài học về niềm vui trọn hảo của thánh Phanxicô Assisi khi ngài cùng với một anh em trong dòng đến thăm một tu viện của dòng, để cho thấy ngay giữa những gian nan thử thách, chúng ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui.
Nhiều linh mục cho biết rằng đời sống linh mục có nhiều lúc tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, nhưng vẫn không tránh khỏi những thử thách, đau khổ của thân phận con người và của ơn gọi linh mục. Đó là quy luật của cuộc sống: không có gì là hoàn hảo trên trần thế này. Tuy nhiên, không phải vì những thử thách, những đau khổ của thân phận con người mà người linh mục trở nên bi quan, lo lắng, nhưng hãy nhìn vấn đề này dưới khía cạnh tích cực.
1. Chấp nhận những thách đố của kiếp người.
Đã là người thì không tránh khỏi sinh lão bệnh tử. Những thử thách đó lại có ích cho con người giống như vàng thử lửa. Những khó khăn thử thách đó giúp cho con người trưởng thành hơn, có bản lãnh hơn. Nếu là linh mục thì những điều đó tăng lên gấp đôi. Những khó khăn thử thách cho thấy bản lãnh của người linh mục và thanh luyện họ, bởi người linh mục không đặt niềm hy vọng trên cuộc đời này mà là phần thưởng ở đời sau, là ơn cứu độ muôn đời. Phần thưởng chỉ đến cho những ai vượt qua thách đố của cuộc đời này. Thánh Phêrô đã nói rằng:
2. Chấp nhận những thách đố của đau khổ, thất bại, thập giá vốn đeo đuổi con người.
Đã là con người có tránh né kiểu gì cũng không thoát khỏi những đau khổ. Thế nên, chúng ta cần nhìn những điều đó theo hướng tích cực. Chúa Giêsu dạy rằng những ai muốn theo Ngài, phải đi vào con đường từ bỏ, chấp nhận phải chết đi, mục nát đi như hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất. thánh Phêrô đã nói: “được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4,13).
3. Chấp nhận những thách đố của đời tu.
Chúa nói ai muốn theo Ngài làm môn đệ, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo, phải bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, nhà cửa… Đây không phải là một điều áp đặt mà là tự nguyện. Giáo hội Việt Nam vẫn còn nhiều ơn gọi tu trì, điều này cho thấy lời mời gọi của Chúa vẫn còn sức hấp dẫn, dù xã hội hôm nay mời mọc con người hưởng thụ lạc thú. Khi chọn con đường tu trì, người linh mục không phải nhắm đến vinh quang trần thế mà là vinh quang thiên quốc. Chắc chắn đời linh mục có nhiều thánh giá, đòi sự hy sinh bỏ mình, nhưng linh mục sẵn sàng chấp nhận. Thánh Phaolô đã diễn tả những hy sinh này bằng câu nói: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gì còn thiếu trong những gian nan của Đức Kitô, tôi hoàn tất nơi thân xác tôi, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
4. Chấp nhận những thách đố đến từ chính bản thân.
Mặc dù người linh mục đã cố gắng vươn lên, muốn hoàn thiện mình theo lời kêu gọi của Chúa, nhưng vẫn cảm thấy sức ì của thân xác. Linh mục có được phép chán nản, thất vọng không? Câu trả lời là không, vì Thiên Chúa lớn hơn nỗi yếu hèn của con người, Ngài không chấp nhất những lỗi phạm, bất trung của chúng ta. Linh mục được phép đau khổ về chính sự yếu hèn của chính mình, nhưng đó là sự đau khổ thánh thiện, đau khổ trong an vui, vì biết rằng Chúa vẫn tha thứ và chờ đợi linh mục chỗi dậy và tiếp tục tiến bước. Chúa không bao giờ đặt dấu chấm hết cho con người còn đang sống.
5. Chấp nhận những thách đố đến từ thế gian.
Thế gian ở đây là những kẻ thù nghịch với thập giá Đức Kitô, là những người ghét Thiên Chúa và ghét lây đến cả những linh mục nữa. Chúa Giêsu đã báo trước về sự ghen ghét này: người ta ghét Thầy, họ cũng ghét các con, người ta bách hại Thầy, họ cũng bách hại các con (x. Ga 5,18-21). Linh mục là hiện thân của Đức Kitô, là ánh sáng soi vào đêm tối thế gian. Nếu linh mục sống công chính, thế nào cũng bị người ta ghen ghét, giống như bóng tối ghét ánh sáng và tìm cách triệt hạ ánh sáng. Hiện nay có rất nhiều trang Web chống đạo, vu cáo Giáo hội, linh mục. Nhiều khi linh mục bị ghét cách vô cớ. Nhưng giữa các thử thách này, linh mục vẫn có thể an nhiên tự tại. Người linh mục có thể tìm thấy những khích lệ cho cuộc sống của mình qua những gì mà Thánh Phao lô đã viết cho cộng đoàn Côrintô (x. 2 Cr 6,4;8-10).
6. Chấp nhận những thách đố đến từ chính những tín hữu, giáo dân của mình.
Do bất đồng ý kiến, do mặc cảm vì cách xử sự của linh mục mà người giáo dân cho là chèn ép, bất công. Rất khó có thể tránh những điều này, bởi thân phận linh mục phải “làm dâu trăm họ”, phải hứng chịu mọi mũi dùi dư luận, được lòng người này thì mất lòng người kia. Nếu người linh mục luôn tỉnh táo, xem -xét –làm theo như tâm, theo giáo huấn của Giáo hội, thì người linh mục vẫn giữ được niềm vui và bình an giữa những thách đố, bất công đó.
Đời linh mục chắc chắn có những thử thách, cam go. Chỉ những ai có bản lãnh mới chấp nhận vượt qua. Chính vì thế, Đức Cha giảng phòng mời gọi anh em linh mục hãy lấy lời của Đức hồng y Thuận để thưa lên với Chúa: “thành công, con cám ơn Chúa. Thất bại con cũng cám ơn Chúa. Hãy vui tươi luôn, vì chính khi thất bại là lúc Chúa muốn thử xem con làm vì Chúa hay vì ý riêng con. Vui vẻ, can đảm lúc gặp khó khăn hơn hân hoan lúc xuôi tay” (Đường Hy Vọng. số 537)
Bài 6 : NIỀM VUI LOAN BÁO TIN MỪNG
Bình tâm mà nói, con người thời nay khó có niềm vui, cho dù họ được bao bọc bởi các thú vui do cuộc sống văn minh kỹ thuật, đầy đủ tiện nghi vật chất. Trong lúc những người có cuộc sống sung túc, đầy đủ vật chất không cảm thấy hạnh phúc, thì người nghèo có khi lại là những người cảm thấy hạnh phúc nhất, bởi họ tuy nghèo về vật chất, nhưng lại giàu về tinh thần.
Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận định rằng: “Xã hội kỹ thuật của chúng ta đã tạo ra vô số điều kiện để hưởng thụ, nhưng lại rất khó tạo ra niềm vui” (EG, số 7). Một số chuyên gia tâm lý nhận định rằng những người có niềm tin tôn giáo là những người vui sống, bình an, hạnh phúc và sống thọ nữa.
Đối với các linh mục, những người đang gắn bó và đặt nền tảng cuộc sống của mình nơi Đức Kitô, từ niềm vui được là linh mục của Chúa, họ sẽ thể hiện niềm vui đó khi thi hành tác vụ thánh của mình trong nhiệt tình để phụng sự Chúa và Giáo hội, ngay cả trong những hoàn cảnh đầy thử thách và đau khổ. Đồng thời, người linh mục cũng không quên sứ mạng thiết yếu gắn liền với sứ vụ linh mục là rao giảng Tin Mừng, và sẽ thực hiện sứ vụ này cùng với niềm vui sướng.
Trong bài chia sẻ cuối cùng, Đức Cha mời gọi anh em linh mục tập trung vào những điểm thiết yếu trong sứ vụ loan báo Tin Mừng mà tông huấn Evangelii Gaudium đề ra, để từ đó có thể có được niềm vui trong sứ vụ của mỗi linh mục.
1. Niềm vui loan báo Tin Mừng không chỉ là cảm giác chủ quan, nhưng phát xuất từ chính bản chất của Tin Mừng.
Khi ai đó có một tin vui thì tự nhiên họ muốn chia sẻ, loan báo cho người khác cùng biết, không thể giữ kín được, không thể giữ riêng cho mình. Nhìn lại nhưng trang Tin Mừng ta thấy ngay điều đó: dụ ngôn người chăn chiên tìm được con chiên lạc; người phụ nữ tìm được đồng tiền đánh mất; hai môn đệ trên đường Emmau; Anrê khi đã gặp được Chúa thì vui mừng dẫn em của mình là Phêrô đến với Chúa; hay người phụ nữ Samaria sau khi chuyện trò với Chúa đã chạy về báo cho dân làng biết để họ cũng gặp được Chúa và sau đó tin vào Ngài.
2. Niềm vui là bạn đồng hành với sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Một nhà truyền giáo dấn thân biết niềm vui vì mình là nguồn nước phun trào và làm tươi mát người khác. Chỉ người nào cảm thấy hạnh phúc khi tìm kiếm điều thiện hảo cho người khác, ước muốn hạnh phúc cho người khác, người ấy mới có thể là một nhà truyền giáo. Tấm lòng rộng mở như vậy là nguồn hạnh phúc, bởi vì “cho đi thì có phúc hơn nhận” (Cv 20, 35)
3. Loan báo Tin Mừng là giới thiệu ơn cứu độ do Đức Kitô đem lại, và mời gọi người anh em tin theo.
Nhà truyền giáo phải là người đầy xác tín vào Đức Giêsu, vào Tin Mừng cứu độ của Ngài và đầy nhiệt huyết. Có nhiệt huyết mà thiếu xác tín thì công cuộc loan báo Tin Mừng cũng không đem lại kết quả.
4. Tuy công việc truyền giáo vẫn còn nhiều khó khăn cản trở, Giáo hội vẫn cố gắng trong khả năng hạn hẹp của mình, bằng cách này cách khác. Người linh mục không được phép thất vọng, nản lòng.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khích lệ mỗi người linh mục rằng: Những thách đố hiện nay là để vượt qua. Chúng ta hãy là những người thực tế, nhưng đừng đánh mất niềm vui, dũng khí và sự dấn thân trong hy vọng tràn trề của chúng ta. Đừng để mình bị cướp mất nhuệ khí truyền giáo (EV, số 109).
5. Trong việc loan báo Tin Mừng, niềm vui cùng với sự nhiệt tình sẽ mở ra những sáng kiến mới, hình thức mới, phương pháp mới phù hợp với hoàn cảnh riêng biệt của từng nơi, từng hạng người.
Chúng ta hãy nhìn vào Giáo hội Hàn Quốc, họ đã có rất nhiều sáng kiến, nhiều cách thức trong việc truyền giáo. Thời nay là thời giáo dân truyền giáo, đi tiên phong. Mỗi gia đình công giáo cần lưu tâm đến một gia đình khác, mỗi người cố gắng đem một người vào đạo. Giáo hội Việt Nam, có kế hoạch “Phúc âm hóa đời sống giáo xứ và cộng đoàn”. Vậy một câu hỏi đặt ra là Giáo phận, giáo xứ chúng ta có sáng kiến, hình thức, phương pháp, con đường nào mới mẻ để loan báo Tin Mừng?
6. Trong việc loan báo Tin Mừng, cần phải chuyển đổi từ một nền mục vụ thuần túy bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã liệt kê ba đối tượng mục vụ của việc loan báo Tin Mừng:
- Mục vụ cho người đang giữ đạo.
- Mục vụ cho người đang lơ là đạo.
- Mục vụ cho người chưa biết đạo.
Chúng ta đều được yêu cầu vâng theo tiếng gọi của Chúa là ra đi khỏi khu vực tiện nghi của mình để đến mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng. Tuyệt đối phải ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi lúc, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi. Niềm vui của Tin Mừng được dành cho mọi người, không thể loại trừ ai.
Đức Giáo hoàng còn quyết liệt hơn: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Hội Thánh yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục.” (EV số 49)
Người linh mục không thể cứ ngồi đợi thuận dịp, không đợi người ta xin mà phải tự mình dẫn thân, đi bước trước.
Kết thúc bài chia sẻ, Đức Cha giảng phòng mời gọi anh em linh mục hãy lưu tâm đến lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Hoán cải mục vụ và truyền giáo”. Những dịp tĩnh tâm như thế này là cơ hội cho mình xem xét công việc mục vụ của mình, công việc truyền giáo của mình, để có những điều gì tốt mình phát huy, những điều gì chưa tốt thì tìm cách sửa chữa. Đức Cha cũng mời gọi anh em linh mục xem xét quan điểm và hành động của mình đối với công cuộc loan báo Tin Mừng ở trong giáo xứ, trong trách nhiệm của mình, để mạnh dạn hành động, không thụ động, không thờ ơ, bàng quan, và sẵn sàng thay đổi. Để được như vậy, mỗi linh mục hãy để cho Chúa Thánh Thần hoạt động nơi mình, cũng như hiệp nhất với anh em linh mục dưới sự hướng dẫn của Giám mục giáo phận. Hy vọng công cuộc loan báo Tin Mừng tại giáo phận Banmêthuột sẽ đặt được những thành quả tốt đẹp.
Lúc 16g30 ngày 13. 11. 2014, Đức cha Giáo phận đã long trọng chủ sự giờ chầu Thánh Thể tạ ơn thật sốt sắng. Hình ảnh thật cảm động, khi hai Đức cha và các linh mục, từ mái đầu xanh đến những mái tóc bạc phơ, từng hai vị quỳ gối đặt tay trên Sách Thánh với quyết tâm chọn Chúa làm gia nghiệp, các ngài lặp lại lời hứa ngày lãnh nhận sứ vụ linh mục, nguyện suốt đời sống niềm phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa. Bài hát "Tôi xin chọn Người" vang lên mãi như muốn in sâu tận đáy lòng người sống đời tận hiến:
"Tôi xin chọn Người, tôi xin chọn Người làm gia nghiệp tôi mãi mãi. Trọn đời tôi trót cả đời tôi, trọn tuổi xuân dâng cả tình yêu luôn với ước mơ. Trọn niềm tin yêu với sướng vui, cùng nghìn đau thương với đắng cay thăng trầm thay đổi. Dù thời gian núi lở sông bồi, Tôi xin chọn Người…Tôi xin chọn Người
Lúc 5g00 ngày 14. 11. 2014, sau những ngày tĩnh tâm sốt sắng, tại Nhà Nguyện Tòa Giám Mục, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản và Đức cha Alphongso Nguyễn Hữu Long hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa cùng với các linh mục trong giáo phận. Có đông đảo Tu sĩ nam nữ, Ứng sinh, Đệ tử và bà con giáo dân tham dự.
Mở đầu thánh lễ, Đức cha Giáo phận cảm ơn Đức cha giảng phòng đã giúp cho linh mục đoàn giáo phận Ban Mê Thuột những ngày tĩnh tâm thật sốt sắng. Các linh mục lĩnh hội được nhiều điều thực tiễn trong những ngày kết hiệp với Chúa, hầu làm mới lại chính mình và có thể đem lại phần rỗi cho đoàn chiên trong giáo xứ một cách tốt đẹp hơn. Ngài cũng không quên cảm ơn sự giúp đỡ của bà con giáo dân về tinh thần cũng như vật chất trong tuần tĩnh tâm...
Từ miền Tây Bắc đến vùng Tây nguyên, Đức cha Phụ tá giáo phận Hưng Hóa cảm ơn Đức cha giáo phận BMT đã tạo điều kiện cho ngài có cơ hội hiểu biết thêm về Buôn Ma Thuột, một miền trù phú, sung túc…Ngài cảm ơn linh mục đoàn, các tu sĩ nam nữ và giáo dân.
Trong phần chia sẻ đoạn Tin Mừng Lc 17, 26-37, Đức cha giảng phòng diễn giải: những đoạn Tin Mừng cuối cùng của năm Phụng vụ, Ðức Giêsu cho thấy trước viễn cảnh của ngày Ngài trở lại trong vinh quang, ngày Thiên Chúa thanh lọc để phân chia kẻ dữ ra khỏi người lành… Đức Giêsu mời gọi mỗi người sẵn sàng trong sự mong đợi, đón chờ Chúa đến. Lời cảnh cáo của Ðức Giêsu cho thấy không ai có thể thoát được, nhưng đối với người tín hữu không phải là điều làm con người sợ hãi, mà đó là ngày hân hoan và hạnh phúc cho những ai ở đời này đã sống hết mình với Chúa, biết hy sinh cho tha nhân và đem lại bình an cho mọi người. Để có được thái độ sẵn sàng đón Chúa, mỗi người phải luôn cầu nguyện và “tỉnh thức”, trong tư thế "cầm đèn cháy sáng trong tay".
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí thật trang trọng và sốt sắng.
Anh Thư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn