TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bất đồng trong đời sống vợ chồng

Thứ hai - 31/05/2021 22:03 |   771

GIẢI QUYẾT NHỮNG MỐI BẤT ĐỒNG TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG


WHĐ (22.6.2020) – Một tác giả đã viết như sau: “Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối” (Raymond Hull). Có người nhận định cách bi quan hơn: “Cãi lộn chiếm phần lớn đời sống hôn nhân, phần còn lại không có gì đặc sắc” (Thornton Wilder).

Quả thực, cuộc sống vợ chồng được mệnh danh là một bãi “chiến trường”, chứ không phải là luống hồng như nhiều người lầm tưởng. Đôi bạn sẽ phải đối phó với điều mà ta thường gọi là xung khắc, mâu thuẫn, xung đột, bất hòa, bất đồng v.v…

Có một câu chuyện thế này: Hai vợ chồng kia cưới nhau được hơn năm năm. Từ ngày lấy nhau, hai vợ chồng chỉ đi chiếc xe cũ nên bây giờ cố gắng để dành tiền để mua một chiếc xe mới. Sau khi đã để dành được một ít tiền nên vợ chồng tính chuyện mua xe.

Một ngày kia người chồng rủ vợ đi coi xe để chọn và mua thì người vợ nói: “Anh đi một mình đi, đó là chuyện của mấy ông”. Người chồng bèn đi một mình. Ðến chỗ bán xe, anh chọn được một chiếc xe vừa ý, giá cũng vừa với số tiền vợ chồng anh có. Anh vui mừng gọi cho vợ biết là đã chọn được xe, với giá tiền là chừng đó, và nhờ vợ đem tiền đến cho anh. Khi người vợ gặp chồng ở chỗ bán xe thì chỉ đưa tiền chứ không hỏi mua xe gì, màu gì, giá bao nhiêu.

Nhưng tối hôm đó khi về đến nhà, người vợ nổi giận với chồng, nói rằng chị muốn thử xem anh sẽ quyết định chuyện mua xe như thế nào, không ngờ anh đã mua theo ý riêng chứ không hỏi ý vợ. Người vợ này muốn chồng hỏi mình thích xe gì, màu gì và muốn mua một chiếc xe với giá thấp hơn số tiền hai vợ chồng có. Người vợ muốn như thế nhưng không nói ra, chỉ yên lặng để thử xem chồng quyết định như thế nào. Khi thấy chồng không làm như điều mình mong muốn, người vợ buồn giận và hai vợ chồng to tiếng với nhau.

Chuyện tưởng là nhỏ nhưng chỉ vì thiếu sự đồng thuận, đồng cảm giữa hai vợ chồng trẻ nên đã xảy ra xung khắc. Nếu ta không ngăn chặn ngay từ đầu thì chuyện nhỏ này sẽ biến thành chuyện lớn. Do đó mà có người đã chia sẻ: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nicholson).

Tác giả Nguyễn Đình Xuân, trong cuốn “Tâm lý học tình yêu gia đình” đã viết như sau: “Vợ chồng ăn ở với nhau dù yêu nhau thắm thiết đến đâu, cả cuộc đời cũng khó tránh khỏi được sự cãi cọ, hờn giận, ghen tuông bởi “bát đũa cũng có khi xô” huống chi con người. Song vấn đề chính là cách thức giải quyết các sự va chạm đó như thế nào cho tốt”[1].

Trước khi đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các mâu thuẫn xung đột trong gia đình, chúng ta thử bàn về một số nguyên nhân chính như sau:

I.- MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY RA BẤT ĐỒNG TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa trong cuốn “Hôn nhân gia đình trong xã hội hiện đại” đã cho biết ông tiến hành phỏng vấn sâu 600 hộ gia đình có cấu trúc hoàn chỉnh, có đủ cha mẹ và con cái, ở các độ tuổi, trên địa bàn dân cư của sáu quận TP.HCM, đó là quận 1, quận Tân Bình, quận 11, quận Bình Thạnh, quận 8, quận 4 và 300 hộ gia đình gia đình trẻ dưới 30 tuổi.[2]

Qua khảo sát này ta thấy: 86% các cặp vợ chồng có cãi lộn nhau ở những mức độ khác nhau, trong đó thường xuyên là 5,4%, thỉnh thoảng là 44,8%, ít khi là 35,8%. Riêng ở 300 hộ gia đình trẻ cho biết 41% cãi lộn nhau ở các mức độ khác nhau. Về mức độ xô xát, 600 vị chủ nhà cho hay là 30% trong số họ có xô xát với các mức độ khác, như thường xuyên là 1,83%, thỉnh thoảng là 7,8%, có nhưng ít khi là 20,4%, trong khi đó ở các hộ gia đình trẻ thì tỷ lệ này có cao hơn một chút là 32,4%.

Về nguồn gốc phát sinh mâu thuẫn, cuộc khảo sát này đã đưa ra những con số cụ thể như sau: 

  •        Cá tính trái ngược nhau: 37,33%

  •        Liên quan tới con cái: 29,33%

  •        Liên quan sở thích cá nhân, thị hiếu: 25,33%

  •        Liên quan tới tiền bạc: 22,67%

  •        Liên quan tới cha mẹ, họ hàng hai bên: 21,67%

  •        Liên quan tình cảm riêng tư, quan hệ tình dục: 14%

Như vậy ta thấy rằng đứng hàng thứ nhất thuộc về những mâu thuẫn nảy sinh do các cá tính trái ngược nhau như: chăm chỉ - lười biếng, ngăn nắp – cẩu thả, giao thiệp rộng – sống khép kín, vị tha – cố chấp, rộng rãi – keo kiệt vv… Bên cạnh đó, đứng hàng thứ ba là những mâu thuẫn liên quan đến sở thích và  thị hiếu cá nhân, chẳng hạn: việc ăn mặc, mua sắm, thưởng thức văn hóa nghệ thuật, sử dụng thời gian nhàn rỗi…

Thực ra trên thực tế, còn có nhiều nguyên nhân khác khiến vợ chồng bất hòa với nhau. Chẳng hạn, động cơ kết hôn không bình thường, bị ép buộc hay vì những lý do khác. Luân lý xuống thấp và những quyến rũ trong xã hội khiến vợ chồng không còn giữ sự chung thủy ban đầu. Ngoài ra còn có nguyên nhân về đạo đức nữa. Cá nhân vợ chồng yếu kém về niềm tin, thoái hóa về đạo đức do đó nhìn sự việc, giải quyết sự việc hoàn toàn theo con mắt và cung cách thế gian, dễ đưa đến xung khắc nhau.[3]

Dù xuất phát từ nguyên nào đi nữa thì ta cũng phải tìm ra những giải pháp khả thi nhằm giúp giải quyết những bất đồng trong đời sống vợ chồng. Ở đây chúng ta thử bàn đến 7 nguyên tắc sau đây.

II.- BẢY NGUYÊN TẮC GIÚP GIẢI QUYẾT NHỮNG BẤT ĐỒNG TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

Chúng ta biết rằng, những xung đột nếu không biết tìm cách giải quyết thì có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại như làm mất hạnh phúc trong gia đình, tình yêu bị sứt mẻ, vợ chồng lạnh nhạt với nhau đưa đến ly thân, ly dị, gia đình tan vỡ vv… Vợ hoặc chồng dễ rơi vào những tệ nạn xã hội, ngoại tình, mất phẩm chất con người. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc, giáo dục con cái.

Hãy tìm hiểu những biện pháp giải quyết xung đột dưới đây để cuộc sống hôn nhân của đôi bạn thêm bền vững và hạnh phúc.

1. Tôn trọng sự khác biệt

Một trong những điểm quan trọng mà đôi bạn phải ý thức ngay từ lúc còn đang giai đoạn tìm hiểu nhau, đó là sự khác biệt nam nữ, sự khác biệt giữa chồng và vợ. Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, trong cuốn “Hôn nhân gia đình trong xã hội hiện đại” đã viết như sau:

“Chúng ta ai cũng biết rằng vợ chồng là hai người ở hai phương trời xa lạ, sinh ra và lớn lên trong hai gia đình khác lạ, khác nhau từ truyền thống giáo dục, tập quán, nếp sống, thói quen (có khi còn khác nhau về quốc tịch, màu da, tiếng nói), chưa kể đến biết bao sự khác biệt về trình độ học vấn, sở thích, cá tính, tố chất vv. Nói tóm lại là hoàn toàn khác nhau từ điểm xuất phát ban đầu.

Cá nhân xác định chỉ có một nguyên bản, không hề có phó bản, chỉ xuất hiện một lần và không bao giờ lập lại. Không thể có hai cá thể hoàn toàn trùng hợp với nhau. Như vậy, hai vợ chồng dù có hòa hợp nhau đến mấy đi chăng nữa thì vẫn có những sự khác biệt, đôi khi là trái ngược lẫn nhau, mâu thuẫn với nhau...” [4]

Vậy đã rõ, vợ chồng là hai cá thể khác biệt nhau nhưng lại phải sống chung với nhau trong một gia đình, dưới một mái nhà, cùng chịu trách nhiệm về hạnh phúc gia đình. Họ chẳng những phải chấp nhận nhau, chịu đựng nhau và tự điều chỉnh để người này thích nghi với người kia, tránh được tình trạng xung khắc, xung đột nhau. Ông bà ta thường nói “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Điều này cho thấy sự khác biệt vợ chồng là điều tất yếu nhưng sự hòa hợp vợ chồng cũng là điều tất nhiên nhờ đó hai anh chị có sức mạnh vượt thắng được những cơn khủng hoảng trong đời sống gia đình. 

2. Lắng nghe và đối thoại

Chúng ta ai cũng biết rằng lắng nghe và đối thoại trong lúc bất hòa giữa hai vợ chồng là điều vô cùng quan trọng. Bởi nếu không, cuộc “khẩu chiến” sẽ chẳng bao giờ kết thúc và mối bất đồng cứ kéo dài dai dẳng. Chính vì thế mà ca dao VN có câu “Chồng giận thì vợ bớt lời / Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”.

Ngày nay, người ta nói nhiều đến việc gia tăng đối thoại để loại stress trong hôn nhân. Có rất nhiều cặp vợ chồng chia tay nhau với lý do họ không tìm thấy tiếng nói chung, nếu không “cứ mở mồm ra là cãi nhau” thì cũng cứ như những diễn viên kịch câm đầy thâm niên trong sân khấu gia đình. Để tránh dẫn đến kết cục buồn thảm ấy, đôi bạn hãy gia tăng đối thoại trong gia đình, vừa để tránh tối đa những hiểu lầm “ý em thế này mà anh lại hiểu khác”, vừa để hâm nóng bầu không khí trong tổ ấm.

Một tác giả khi bàn về đối thoại trong hôn nhân đã viết như sau:

Trong hôn nhân, sở dĩ có những lúc vợ chồng phiền giận nhau hay hiểu lầm nhau không những vì chúng ta không thể nói lên những điều cần nói, mà cũng có khi vì không có ai lắng nghe.

Những người mới yêu nhau trò chuyện với nhau rất nhiều. Họ mong gặp nhau mỗi ngày, và khi gặp thì trao đổi với nhau nhiều điều. Lắm khi chỉ nhìn nhau chứ không nói một lời nào nhưng vẫn hiểu nhau và cảm thấy gần nhau. Khi còn là người yêu của nhau, nếu có điều gì hiểu lầm hay phiền giận chúng ta cũng dễ dàng bỏ qua, vì đang sống trong tình yêu và đang cùng hướng đến một mục đích, đó là hướng đến ngày cưới.

Tuy nhiên, khi nên vợ chồng rồi, khi có điều buồn giận chúng ta không dễ làm hòa với nhau và vì đời sống bận rộn, chúng ta cũng ít có thì giờ trò chuyện với nhau. Tất cả những điều đó khiến vợ chồng cảm thấy ngăn cách với nhau, và nếu không cẩn thận, sự ngăn cách đó sẽ khiến tình yêu phai nhạt dần và chết.[5]

3. Tranh luận không tranh cãi

Trong khi “khẩu chiến”, việc tranh cãi luôn có nguy cơ khiến cho mâu thuẫn kéo dài và không giải quyết được gì. Tranh cãi thường xuất phát từ tâm lý hơn thua, cố chấp và không tôn trọng bạn đời. Có rất nhiều đôi bạn chỉ vì chuyện mâu thuẫn nhỏ nhặt mà sinh ra tranh cãi, rồi không ai nhịn ai, đi tới chỗ xung đột, cuối cùng đành phải chấp nhận giải pháp ly hôn ly hôn.

Chúng ta đều có xu hướng tranh phần thắng thua mỗi khi cãi nhau, bởi đây chính là bản tính của con người. Khi đôi bên tranh cãi to tiếng, họ thường không thể giữ bình tĩnh và lý trí, ngay cả nguyên nhân tranh chấp ban đầu cũng quên bẵng.

Nếu không thể giải quyết vấn đề ngọn nguồn, tranh cãi chỉ khiến các cặp vợ chồng lãng phí thời gian và sức lực. Nếu tranh luận biến thành tranh cãi, chúng ta sẽ đánh mất sự đồng tình và chỉ khăng khăng giải thích bản thân để đối phương hiểu. Chúng ta giận đến nỗi trở thành kẻ nóng nảy, thốt ra lời độc địa nhằm tổn thương người bạn đời.

Trong khi đó, thay vì tranh cãi một cách vô ích, vợ chồng nên ngồi lại với nhau, cùng nhau tranh luận để tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho cuộc xung đột giữa hai người. Tranh luận đúng cách sẽ giúp người này hiểu người kia, không tạo nên căng thẳng bởi vì nguyên tắc của tranh luận là tôn trọng ý kiến khác biệt, tôn trọng những suy nghĩ và quan điểm đối lập.

4. Bình tĩnh và tự chủ

Thường trong lúc cãi vã, người ta vì nóng giận nên khó bình tĩnh và tự chủ. Người nào cũng muốn phần thắng thuộc về mình nên không chấp nhận thỏa hiệp với người bạn đời. Họ cho rằng chỉ có mình là phải, là đúng nên ra sức bảo vệ ý kiến chủ quan mình.

Trong tranh cãi, điều quan trọng nhất là đôi bên phải bình tĩnh, tự chủ, phải biết kiểm soát hành vi, lời nói của mình sao cho ôn hòa, dễ chịu. Có nhiều khi chuyện xích mích không lớn, nhưng vì một trong hai hoặc cả hai người không biết tự chủ nên sinh ra lớn tiếng, cãi cọ và xung đột cách nặng nề. Người ta thường so sánh sự việc như đổ dầu vào lửa.

Trên thực tế, qua báo chí, ta thấy rằng nhiều trường hợp chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà do không tự chủ nên xảy ra thảm kịch lớn trong gia đình, như chồng giết vợ, vợ đánh đập hành hung chồng, gây ra những vụ án mạng rất thương tâm. Do đó, ông bà xưa có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”.

5. Một sự nhịn chín sự lành

Không có giải pháp nào đơn giản mà lại hiệu quả hơn là sự nhịn nhục trong lúc nóng giận, xung đột. Chính vì vậy mà ông bà ta đã đúc kết thành một kinh nghiệm quý báu, đó là “Một sự nhịn chín sự lành”. Khi người này biết nhường nhịn người kia thì chắc chắn sự lành sẽ tới. Tục ngữ VN có câu: “Thương nhau chín bỏ làm mười”. Nhường nhịn nhau không phải là sự thất thế, thua thiệt nhưng đó là dấu chỉ của một tình yêu chín chắn, trưởng thành.

Ngày nay người ta cũng nói nhiều đến nghệ thuật nhượng bộ trong đời sống vợ chồng, coi đó như là một giải pháp rất hiệu quả nhằm giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa hai vợ chồng. Nhượng bộ không phải là thái độ yếu thế, buông xuôi tiêu cực, không dám đương đầu với bất kỳ khó khăn hay rắc rối nào. Nhưng đó là thái độ và phản ứng có chọn lựa, có cân nhắc, có suy nghĩ. Ngạn ngữ Anh có câu: “Nhượng bộ không phải là hạ mình; nhận lỗi không phải là nhục nhã”.  

Trong lúc hai vợ chồng bất đồng, người nào biết cách nhượng bộ, người đó là người chiến thắng. Sự nhượng bộ sẽ đem lại hòa khí trong gia đình và nhất là có sức mạnh thuyết phục phía-bên-kia cũng nhượng bộ như mình. Đúng như câu nói xưa, “một sự nhịn chín sự lành”, nghĩa là nếu biết nhịn nhục, ta sẽ dễ dàng làm lành với nhau và cuộc chiến sẽ mau chóng kết thúc...

Tác giả André de Mission đã viết: “Tìm hiểu nhau ba tuần, yêu nhau ba tháng, cãi nhau ba năm và nhường nhịn nhau suốt quãng đời còn lại”. Trong đời sống gia đình, ai mà chẳng mong ước hòa khí. Nếu cả hai bạn đều có thiện chí muốn nhượng bộ để làm hòa với nhau, thì chắc chắn gia đình sẽ êm ấm. Văn hào Alfred Musset đã nói: “Trong tình yêu, niềm khoái lạc nhất là lúc làm lành với nhau sau khi cãi vã”. 

6. Hãy phá tan sự im lặng

Người ta thường khuyên là “Im lặng là vàng”, do đó việc đầu tiên mà các nhà tư vấn tâm lý khuyên ta thực hành, đó là khi gặp mâu thuẫn, cả hai cùng im lặng. Im lặng không có nghĩa là chịu đựng cách tiêu cực mà là bình tĩnh trước sự việc. Không nóng vội. Không bốc đồng. Không thành kiến. Im lặng là sự biểu lộ của lòng vị tha và bao dung. Có người đã nói: “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”. Và người nào nói nhiều sẽ là người thất thế hơn. Do đó có ý kiến thế này: “Phải có hai người mới đủ gây lộn, nhưng người có lỗi vẫn là người nói nhiều nhất”.

Tuy nhiên nhiều trường hợp muốn giải quyết bất hòa vợ chồng, ta phải biết phá tan sự im lặng giữa hai người. Các chuyên gia cho rằng, khi ta chẳng thèm để ý gì đến người bạn đời của mình thì hố ngăn cách ngày càng sâu hơn. Ngược lại, nếu ta chủ động giải quyết một cách nhẹ nhàng bằng những lời nói tình cảm “Hãy cho anh/em biết vì sao em/anh không vui?” thì sự việc sẽ xoay sang chiều tích cực. Nếu người bạn đời của ta vẫn giữ lấy cái tôi, thì ta có thể viết một mẩu giấy với lời nhắn yêu thương đồng thời đề cập tới một cuộc nói chuyện hòa bình để hai bên hiểu nhau hơn.

Muốn giải quyết mâu thuẫn đến nơi đến chốn thì hai bạn phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra điều đó. Thay vì cả hai cùng im lặng để “ngậm đắng nuốt cay” thì tốt hơn nên lên tiếng đối thoại với nhau. Mỗi người chia sẻ ý kiến riêng của mình, rồi tìm hướng giải quyết sao cho ổn thỏa. Một sự hiểu lầm nào đó nếu không được giải tỏa, sẽ dễ đưa đến chỗ bế tắc và hậu quả có khi rất nặng nề.

7. Tích cực hòa giải bất đồng

Chúng ta đều biết rằng các mối bất hòa, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng dù có nặng nề đến mấy đi nữa cũng sẽ được giải quyết cách êm đẹp nếu cả hai bên đều có thiện chí hòa giải. Lúc này, hai bạn cần lắng nghe tiếng nói của con tim mình: Yêu nhau trăm sự chẳng nề/ Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng (Ca dao VN). Khi yêu nhau thì người ta sẵn sàng bỏ qua những xích mích xung khắc nhỏ nhen. Khi yêu nhau thì sự hy sinh, vị tha, bao dung luôn được đặt hàng đầu, nhờ đó mà ta tránh được những sứt mẻ, đổ vỡ trong đời sống vợ chồng.

Thánh Phao-lô đã khuyên bảo:

Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…” (x. Cl 3,12-14).

Đức thánh GH Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu đã nhắc nhở như sau:

Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” (số 21) ./.


Aug. Trần Cao Khải
https://www.hdgmvietnam.com


[1] Nguyễn Đình Xuân – Tâm lý học tình yêu gia đình – NXB GD năm 1993 trang 112

[2] TS Nguyễn Minh Hòa – Hôn nhân gia đình trong xã hội hiện đại – NXB Trẻ năm 2000 trang 64-66

[3] LM Anphong Nguyễn Công Vinh – Giải đáp thắc mắc tình yêu và gia đình – NXB Phương Đông năm 2009 trang 141-142

[4] TS Nguyễn Minh Hòa – Sđd trang 98-99

[5] ubmvgd.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây