TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phân định con quỷ ban trưa và cách chống trả

Thứ ba - 31/10/2023 08:22 | Tác giả bài viết: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB. |   1360
Thói lười biếng được các nhà tu đức gọi là “Acedia”, hay “Con Quỷ Ban Trưa” (Noonday Devil). Tên gọi này xuất phát từ Tv 90,6: ôn thần sát hại lúc ban trưa
Phân định con quỷ ban trưa và cách chống trả

Phân định con quỷ ban trưa và cách chống trả

 

 

Trì hoãn, quyết tâm, rồi bỏ cuộc… là điều rất thường thấy trong cuộc sống chúng ta. Thói quen thích dễ dãi, vuốt ve, và nuông chiều chính mình, thường khiến chúng ta lười lĩnh, mất nhuệ khí chiến đấu. Bao nhiêu lần xét mình xưng tội, bao nhiêu khóa tĩnh tâm đến, rồi lại đi, và chúng ta vẫn cứ thế, chưa nhích được bước nào trong đời sống thiêng liêng. Trong “Cải Tội Bảy Mối Có Bảy Đức”, có một mối: Siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ lười biếng. Thói lười biếng được các nhà tu đức gọi là “Acedia”, hay “Con Quỷ Ban Trưa” (Noonday Devil). Tên gọi này xuất phát từ Tv 90,6: ôn thần sát hại lúc ban trưa.
 
Con Quỷ Ban Trưa làm cho chúng ta “hâm hẩm”, không nóng cũng chẳng lạnh, được biểu hiện qua thái độ: không ư nơi mình đang ở, không thích tình trạng mình đang sống, không thiết tha gì với công việc mình đang làm. Thánh Tôma Aquinas đã miêu tả Con Quỷ Ban Trưa, như là một “nỗi chán ngán đè nặng trên một người, khiến người đó không muốn làm gì cả: một sự mệt mỏi, lười lĩnh”, và thánh nhân quả quyết: “Nó không chỉ là một thói xấu, nhưng nó còn trở thành một thứ tội, bởi vì, nó khiến chúng ta phủ nhận những điều tốt đẹp, mà mình đã nhận được từ Thiên Chúa” (Summa Theologiae II, IIae, Q. 35, A. 1). Thánh Tôma nói tiếp: “Nó hủy hoại đời sống thiêng liêng, bởi vì, đời sống thiêng liêng không gì khác hơn là lòng bác ái, mà bản chất của nó đi ngược lại với lòng bác ái" (II, II, ae Q. 35, A 3). Con Quỷ Ban Trưa sẽ cướp đi niềm khao khát của chúng ta hướng về Thiên Chúa, ngăn cản chúng ta tìm kiếm Người, và điều đó có nghĩa là: chúng ta sẽ không gặp thấy Người. Một điều hiển nhiên là: Ai khao khát tìm kiếm Chúa, thì sẽ được Người cho gặp; Ai không khao khát tìm kiếm Chúa, thì sẽ không gặp được Người.
 
Thật vậy, khi bị Con Quỷ Ban Trưa khống chế, chúng ta sẽ cự tuyệt ân sủng của Thiên Chúa và khước từ sự sống trong tâm hồn chúng ta. Ngày nay, những biểu hiện thường thấy nơi những người bị Con Quỷ Ban Trưa chế ngự là: họ chôn mình trong những chiếc điện thoại thông minh; lấp đầy bao tử với đủ các loại thức ăn nhanh và các thức uống tăng lực có gas, có cồn; nhốt mình trong những trò giải trí và những thú vui trần tục. Tuy nhiên, siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ lười biếng, còn là lời cảnh báo cho những ai: lao mình vào công việc, như một chứng nghiện công việc, đến nỗi, quên những trách nhiệm đối với gia đình và những người xung quanh, quên mất bản thân, và quên luôn cả Chúa.
 
Chúng ta đừng bao giờ coi thường và đừng quá tự tin, khi cho rằng: mình không bao giờ bị Con Quỷ Ban Trưa thống trị. Con Quỷ Ban Trưa cực nguy hiểm, do bởi, (1) sự tinh xảo của nó và (2) cách tiếp cận nước đôi của nó.
 
(1)          Nó tinh xảo, bởi vì, chúng ta không dễ gì phát hiện ra nó, nó ru ngủ chúng ta: chỉ một chút mệt mỏi, một cảm giác chán nản trong công việc thôi mà, có gì to tát đâu, tội lỗi gì đâu. Để chống lại cơn cám dỗ này, chúng ta phải trung thực với chính mình, phải thật công bằng khi phân định, và phải bàn hỏi với những vị linh hướng tốt (bởi vì, ngày nay, các vị linh hướng dỏm, và các ngôn sứ giả mọc lên như “nấm sau mưa”).
 
(2)          Cách tiếp cận nước đôi của nó, nghĩa là, nó tác động cùng một lúc cả đến thể xác lẫn linh hồn, bởi lẽ, xác và hồn là một thể thống nhất không thể bị tách biệt. Kinh nghiệm cho thấy: một trí tuệ minh mẫn chỉ có trong một cơ thể khỏe mạnh, hoặc khi chúng ta hiệp thông thiêng liêng với nhau, thì chúng ta cũng phải hiệp thông bằng chính thân xác với tất cả những gì là con người thể lý mà Chúa đã dựng nên chúng ta. Thậm chí, ngay cả khi tinh thần chúng ta mạnh mẽ, Đức Giêsu cũng khuyên bảo: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38). Do đó, chúng ta không được chủ quan coi thường những biếng lười, mệt mỏi, nhàm chán nơi thân xác, trong con người chúng ta, thánh Phêrô cũng cảnh báo chúng ta: Satan như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé (x. 1Pr 5,8).
 
Chỉ với hai đặc điểm trên, chúng ta cũng nhận thấy rằng: Con Quỷ Ban Trưa quả là ghê gớm, và chúng ta đang chiến đấu với một đối thủ thật đáng gờm. Chúng ta không thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến này: nếu không có ân sủng của Thiên Chúa, và một kỷ luật nghiêm túc từ phía chúng ta.
 
Để chống lại Con Quỷ Ban Trưa, trước hết, chúng ta phải tận dụng những ơn huệ Chúa ban: Đức Giêsu đã ban cho chúng ta ân sủng qua các Bí Tích, qua Kinh Nguyện của chúng ta, và Người cũng đã gởi Thánh Thần đến cho Hội Thánh. Nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh có một kho tàng khôn ngoan phong phú nhờ Thần Khí. Về phần chúng ta, chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa bằng ba việc làm cụ thể: (1) Khao khát Thiên Chúa; (2) Khiêm nhường tự hạ; (3) Kiên trì nhẫn nhại.
(1)     Khao khát Thiên Chúa: Nguyên tắc để đánh bại Con Quỷ Ban Trưa được tìm thấy trong Bài Giảng Trên Núi: “Phúc cho những ai khao khát sự công chính, vì họ sẽ được no thỏa” (Mt 5,6). Trong cơn đói khát này, Thiên Chúa vừa là hành trình, vừa là phương tiện để thực hiện cuộc hành trình đó, và Người cũng là đích đến. Chúng ta có thể diễn tả niềm khao khát Thiên Chúa qua ba cách: (a) Cầu nguyện, ngay cả khi, chúng ta cảm thấy khô khan nhất; (b) Buông mình theo Lời Chúa, “thanh gươm của Thần Khí” (x. Ep 6,17); (c) Đọc một cuốn sách thiêng liêng cũng là cách để đối phó với Con Quỷ Ban Trưa. Nếu sự công chính là điều chúng ta thực sự khao khát, thì không sớm thì muộn, theo thời điểm mà Thiên Chúa muốn, và theo cách thức mà Người ấn định, chúng ta sẽ đạt được điều mình khao khát, bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu thì rộng lượng, muốn cho đi, chỉ cần sự cộng tác của người nhận mà thôi.
 
(2)     Khiêm nhường tự hạ: Trong Nhật ký của thánh Faustina, Đức Giêsu khuyên thánh nữ: “Đừng mặc cả với bất kỳ cơn cám dỗ nào, nhưng con hãy khóa mình ngay lập tức vào trong Trái Tim Cha... khi nỗi chán nản tấn công trái tim con, con hãy giấu mình trong Trái Tim Cha. Con đừng sợ phải chiến đấu với nó; lòng can đảm của con sẽ quát nạt những cơn cám dỗ và chúng sẽ phải thoái lui” (# 1760). Điều này cần phải được huấn luyện, nhất là, với người có những thói xấu “thâm căn cố đế”, hoặc thường xuyên sa ngã phạm tội, bởi vì, khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là ngại đấu tranh và sợ đau khổ. Chúng ta thường yếu đuối và hay sa ngã, nếu, chúng ta không bắt đầu bằng sự khiêm nhường theo gương Đức Giêsu tự hạ, chúng ta sẽ không thể thoát được cơn cám dỗ của Satan.
 
(3)     Kiên trì nhẫn nại: Chúng ta phải nhớ rằng: khi kiên trì nhẫn nại chống lại Con Quỷ Ban Trưa, chúng ta sẽ thu hoạch được nhiều kết quả lớn lao. Làm gì có chuyện các nhân đức tự động dễ dàng đến với chúng ta, nếu chúng ta không kiên trì nhẫn nại tập luyện. Thỏa hiệp với Con Quỷ Ban Trưa, là đồng nghĩa với việc khước từ mệnh lệnh: Siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ lười biếng. Kiên trì nhẫn nại sẽ giúp chúng ta thoát khỏi cơn cám dỗ: đầu hàng và tự nộp mình cho Con Quỷ Ban Trưa, để có được cảm giác yên ổn tạm thời, không bị phiền hà chi cả. Tuy nhiên, việc từ chối tham chiến chống lại Con Quỷ Ban Trưa sẽ làm cho nó thêm sức mạnh, và nó sẽ đeo bám chúng ta đến bất cứ nơi nào, và nó sẽ xen vào bất cứ công việc gì chúng ta đang thực hiện.
 
Đức Kitô, Đấng Cứu Độ của chúng ta đã chiến thắng, nhiệm vụ của chúng ta là tham dự vào cuộc chiến của Người để lớn lên trong đời sống, và để hưởng ơn cứu độ của Người. Có thể nói, không ai trong chúng ta là không bị Con Quỷ Ban Trưa ám, bằng chứng là, những quyết tâm cố gắng của chúng ta thường cứ “nửa đường gãy gánh”, như trong việc chúng ta thực tập một môn thể thao, chơi một nhạc cụ, học một ngoại ngữ… đó là chưa kể để việc thực tập một nhân đức, từ bỏ một thói quen xấu… Ước gì chúng ta quyết tâm: đứng lên chống lại Con Quỷ Ban Trưa, không để nó chế ngự chúng ta nữa. Chúng ta hãy vững tâm, bởi vì, chúng ta đã có Đức Giêsu Kitô, Đấng luôn trợ lực và trông chờ chúng ta chiến thắng trong Người.

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây