TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC: Đừng xem thường khẩu nguyện

Thứ năm - 22/04/2021 18:10 | Tác giả bài viết: |   1459
Trong bài giáo lý sáng ngày 21/04/2021, Đức Thánh Cha suy tư về giá trị của khẩu nguyện, của lời cầu nguyện phát trên môi miệng.

ĐTC Phanxicô: Đừng xem thường khẩu nguyện, vì nó đưa chúng ta đến với Chúa

Trong bài giáo lý sáng ngày 21/04/2021, Đức Thánh Cha suy tư về giá trị của khẩu nguyện, của lời cầu nguyện phát trên môi miệng. Ngài nhắc lại rằng những lời này là những lời duy nhất mà Thiên Chúa muốn nghe, những lời đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Đừng kiêu ngạo xem thường khẩu nguyện.

Đức Thánh Cha nói rằng Thiên Chúa đối thoại với chúng ta trước hết bằng cách nói với chúng ta qua Ngôi Lời nhập thể. Người cũng mời gọi chúng ta đối thoại với người bằng những lời diễn tả những tình cảm, ý tưởng và kinh nghiệm sâu xa nhất của chúng ta. Những lời này không chỉ diễn tả các ý tưởng của chúng ta nhưng còn hình thành những tình cảm của chúng ta.

Trong sách Thánh vịnh chúng ta tìm thấy hình thức khẩu nguyện. Tác giả Thánh vịnh cung cấp cho chúng ta những lời để trình bày với Thiên Chúa những niềm vui, nỗi sợ, hy vọng và nhu cầu của chúng ta và chia sẻ với Người mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta.

Cầu nguyện bằng trái tim và cầu nguyện bằng môi miệng không bao giờ có thể tách rời nhau. Khẩu nguyện là một yếu tốt quan trọng của đời sống Ki-tô hữu. Đây chắc chắn là những lời cầu xin mà Thiên Chúa muốn nghe nhất. Khẩu nguyện đưa chúng ta đến với Thiên Chúa.

Tầm quan trọng của lời nói

Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha khẳng định rằng “cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa; và mỗi thụ tạo, theo nghĩa nào đó, ‘đối thoại’ với Thiên Chúa. Đối với con người, việc cầu nguyện trở thành lời, lời cầu khẩn, bài hát, bài thơ... Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể, và trong thân xác của mỗi con người, lời trở về với Thiên Chúa trong kinh nguyện.”

Suy tư về những lời nói, Đức Thánh Cha nhận định rằng “những lời nói là do chúng ta tạo nên, nhưng chúng cũng là mẹ của chúng ta, và ở mức độ nào đó, chúng hình thành chúng ta. Những lời kinh nguyện giúp chúng ta vượt qua lũng sâu u tối mà không gặp nguy hiểm nào, hướng dẫn chúng ta đến đồng cỏ xanh đầy nước trong, cho chúng ta mở tiệc mừng trước mắt quân thù, như Thánh vịnh dạy chúng ta (xem Tv 23).

Đức Thánh Cha nói rằng “Lời nói xuất phát từ tình cảm nhưng cũng theo hướng ngược lại: lời nói định hình tình cảm.” Trong Thánh Kinh, lời tạo thành mọi sự, và bảo đảm rằng không có điều gì của con người bị loại trừ, kiểm soát. Đặc biệt, đau khổ sẽ trở nên nguy hiểm nếu nó bị che dấu, đóng kín trong lòng chúng ta. Một nỗi đau dấu kín, không thể bày tỏ có thể đầu độc tâm hồn.

Kinh Thánh dạy cầu nguyện bằng lời nói

Do đó Thánh Kinh dạy chúng ta cầu nguyện, đôi khi với những lời lẽ táo bạo. Đức Thánh Cha giải thích: “Các tác giả thánh không muốn lừa dối chúng ta về con người: họ biết rằng trong lòng chúng ta cũng có những tình cảm xấu xa, thậm chí là hận thù. Không ai trong chúng ta sinh ra đã là thánh thiện, và khi những cảm giác xấu xa này đến gõ cửa trái tim chúng ta, chúng ta phải có thể xoa dịu chúng bằng kinh nguyện và Lời Chúa.

Trong các Thánh vịnh, chúng ta cũng thấy có những cách diễn đạt rất khắc nghiệt chống lại kẻ thù - những cách diễn đạt mà các bậc thầy tu đức dạy chúng ta ám chỉ đến ma quỷ và tội lỗi của chúng ta - nhưng chúng là những lời thuộc về thực tại của con người và được tìm thấy trong Sách Thánh.”

Theo Đức Thánh Cha, những lời khắc nghiệt này có trong Kinh Thánh “để làm chứng cho chúng ta thấy rằng nếu khi đối mặt với bạo lực, không có lời nói nào để làm cho cảm xúc xấu trở nên vô hại, đả thông chúng để làm cho chúng không gây hại, thì thế giới sẽ bị tràn ngập những cảm xúc xấu.”

Khẩu nguyện là cách chắc chắn để cầu nguyện với Chúa

Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha lưu ý rằng “Lời cầu nguyện đầu tiên của con người luôn là khẩu nguyện. Môi miệng luôn đi trước.” Ngài nói tiếp: “Mặc dù tất cả chúng ta đều ý thức rằng cầu nguyện không có nghĩa là lặp lại các từ, tuy nhiên, khẩu nguyện là điều chắc chắn nhất và luôn có thể thực hành được. Mặt khác, tình cảm dù cao quý đến đâu cũng không luôn luôn chắc chắn: chúng đến rồi đi, chúng rời bỏ chúng ta và quay trở lại. Không những thế, những ân sủng của cầu nguyện cũng không thể đoán trước được: có lúc ơn an ủi rất nhiều, nhưng vào những ngày đen tối nhất, chúng dường như biến mất hoàn toàn. Lời cầu nguyện trong lòng là bí ẩn, và đôi khi nó bị thiếu.”

 Ngược lại, Đức Thánh Cha nhận định: “lời cầu nguyện bằng môi miệng, được thì thầm hoặc đọc chung với nhau, luôn có sẵn và cần thiết như công việc chân tay. Sách Giáo lý dạy chúng ta về điều này và khẳng định: “Đời sống Ki-tô hữu không thể thiếu khẩu nguyện. Việc Chúa Giê-su thinh lặng cầu nguyện đã thu hút các môn đệ, nhưng Người đã dạy họ một lời khẩu nguyện: Kinh Lạy Cha” (2701).

Những lời cầu nguyện thì thầm của người cao tuổi

Đức Thánh Cha khuyến khích: “Tất cả chúng ta nên có sự khiêm tốn của một số người cao tuổi, những người mà khi ở trong nhà thờ, có lẽ vì thính giác không còn nhạy bén, nên họ đọc nhẩm những kinh nguyện mà họ đã học khi còn nhỏ, lấp đầy không gian nhà thờ bằng những lời thì thầm. Lời cầu nguyện đó không làm xáo trộn sự thinh lặng, nhưng làm chứng cho sự trung thành của họ đối với bổn phận cầu nguyện, được thực hành trong suốt cuộc đời của họ, không hề lơ là.”

Ngài đề cao những người thực hành việc cầu nguyện khiêm nhường này: “Họ thường là những người cầu bầu tuyệt vời cho các giáo xứ: họ là những cây sồi từ năm này qua năm khác vươn cành, để cung cấp bóng mát cho rất nhiều người. Chỉ có Chúa mới biết khi nào trái tim họ hợp nhất với những lời cầu nguyện mà họ đọc và hợp nhất đến mức nào. Chắc chắn những người này cũng đã phải đối mặt với những đêm đen và những khoảnh khắc trống rỗng, nhưng họ luôn luôn có thể trung thành với việc đọc kinh.”

Gương cầu nguyện của một tín hữu hành hương người Nga

 Đức Thánh Cha chia sẻ về mẫu gương kiên trì cầu nguyện của một tín hữu hành hương người Nga, được đề cập trong một tác phẩm tu đức nổi tiếng. Người này đã học được nghệ thuật cầu nguyện bằng cách lặp đi lặp lại cùng một lời khẩn cầu: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót chúng con, những kẻ tội lỗi!” (xem GLCG, 2616; 2667). Và Đức Thánh Cha nhận định: “Nếu ân sủng đến trong cuộc đời chúng ta, nếu một ngày nào đó lời cầu nguyện trở nên sốt sắng đến nỗi chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Nước Trời ở đây giữa chúng ta, nếu cái nhìn của chúng ta được biến đổi đến mức trở thành cái nhìn của một đứa trẻ, đó sẽ là vì chúng ta đã kiên trì đọc một câu than thở đơn giản của Ki-tô giáo. Cuối cùng, nó trở thành một phần hơi thở của chúng ta.” Và ngài nhắn nhủ: “Câu chuyện tín hữu hành hương người Nga là một câu chuyện hay. Nó là một cuốn sách bỏ túi của tất cả mọi người. Tôi khuyên anh em đọc nó. Nó sẽ giúp anh chị em hiểu khẩu nguyện là gì.”

Đừng xem thường khẩu nguyện

Đức Thánh Cha kết luận với lời cảnh giác cảnh giác đừng rơi vào việc kiêu ngạo, xem thường khẩu nguyện. Ngài chia sẻ: “Có người nói: Khẩu nguyện dành cho con nít, cho những người thất học. Còn tôi tìm cách cầu nguyện bằng lý trí, bằng chiêm niệm...”. Đức Thánh Cha nhận định về khẩu nguyện: “Đó là lời cầu nguyện đơn sơ mà Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: Lạy Cha chúng con ở trên trời... Những lời chúng ta đọc nắm lấy tay chúng ta; đôi khi chúng khôi phục lại hương vị, chúng đánh thức ngay cả những trái tim say ngủ nhất; chúng đánh thức lại những cảm giác mà chúng ta đã quên. Chúng nắm tay đưa chúng ta đến cảm nghiệm về Thiên Chúa. Và trên tất cả, chúng là những lời duy nhất, theo cách chắc chắn, thưa với Thiên Chúa những yêu cầu mà Người muốn nghe. Chúa Giê-su đã không để chúng ta ở trong lớp sương mù. Người nói với chúng ta: ‘Phần các con, khi cầu nguyện, hãy cầu nguyện như thế này!’ Và Người dạy Kinh Lạy Cha” (x. Mt 6, 9).

Hồng Thủy - Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây