TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chuyện Mân Côi trong lễ đón các TNV

Thứ năm - 04/11/2021 21:00 | Tác giả bài viết: Sơn Nữ SPC |   1135
“Các sơ đã phải tìm đủ mọi cách để đưa bệnh nhân khiếm thị ấy ra ngoài ánh sáng - điều này khiến liên tưởng đến Mùa Sáng của Kinh Mân Côi.”

 

CHUYỆN MÂN CÔI TRONG LỄ ĐÓN CÁC TÌNH NGUYỆN VIÊN
PHỤC VỤ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

WGPSG (03.10.2021) -  “Các sơ đã phải tìm đủ mọi cách để đưa bệnh nhân khiếm thị ấy ra ngoài ánh sáng - điều này khiến liên tưởng đến Mùa Sáng của Kinh Mân Côi.”

Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch UB MTTQVN TPHCM - đã kể lại câu chuyện này trước Buổi lễ “đón và tri ân" 19 tình nguyện viên (TNV) Công giáo (*) do Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM tổ chức vào lúc 15g ngày 2-11-2021 tại nhà Khách Công Đoàn, 1 Bùi Thị Xuân.

Câu chuyện đã là nguồn cảm hứng để Bà Phó chủ tịch phát biểu trong buổi lễ đón tiếp các TNV này - những người vừa kết thúc 1 tháng phục vụ tại Bệnh viện Dã Chiến 16 ở Quận 7 (BVDC 16):

Tôi là một người ngoại đạo nhưng vô tình đọc được một bài viết của sơ Hồng Hà đang có mặt tại đây. Sơ đến công tác tại bệnh viện vào tháng Mười - là tháng người Công giáo 'thực hiện' chuỗi Mân Côi. Sơ Hồng Hà đã liên tưởng đến 4 Mùa của chuỗi Mân Côi được thể hiện trong cơn đại dịch này. Là người ngoại đạo, tôi không hình dung được, nhưng qua sự liên tưởng của sơ, tôi thấy rất đúng.

Sau đó, Bà Phó Chủ tịch đã nói về những hiệu quả công việc của TNV như Bốn Mùa của Kinh Mân Côi:

- Một bệnh nhân khiếm thị đã hơn 1 tháng không chịu ra bên ngoài. Các sơ phải tìm đủ mọi cách để đưa bệnh nhân khiếm thị ấy ra ngoài ánh sáng - điều này khiến liên tưởng đến Mùa Sáng của Kinh Mân Côi.

- Rồi các bệnh nhân covid ban đầu rơi vào tình trạng tâm lý hoang mang, lo sợ không biết mình có sống được hay không. Các bệnh nhân này không có người thân, nhưng các TNV đã đem Mùa Thương (thương yêu hy sinh phục vụ) đến cho họ.

- Sự động viên, chăm sóc của các TNV đã giúp bệnh nhân có niềm tin, để vượt lên chính mình. Và Mùa Vui đã đến khi bệnh nhân được xuất viện.

- Từ đó, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống. Và Mùa Mừng đã đến khi thành phố chúng ta trở về trạng thái bình thường mới.

Câu chuyện 'thêm lửa'

Kế tiếp, Bác sĩ CK2 Vương Trọng Hiếu - Phó giám đốc BVDC 16 - chia sẻ:

Khi các bạn đến, thành phố chúng ta đang trong thời gian hồi phục, nên đã có những người nghĩ, bệnh viện sắp đóng cửa rồi thì còn gì nữa để làm. 

Nhưng các bạn lại là cứu tinh của chúng tôi. Thật sự, các bạn đã đến vào đúng thời điểm y bác sĩ tuyến đầu chúng tôi gần như đã kiệt quệ và đuối sức sau một thời gian dài chiến đấu với Covid. Nếu không có nhóm các bạn, không có quý thầy, quý sơ đến đây 'thêm lửa' thì BVDC 16 gần như chịu không nổi sức ép đã dồn lại trong suốt 3 tháng qua.

 

 

 

Rất may mắn, trong đợt tình nguyện này, phần lớn các thầy, các sơ nằm trong đội ngũ y bác sĩ, tham gia ngay vào công việc điều trị bệnh nhân.

Còn những thầy, những sơ không nằm trong chuyên ngành y khoa thì luôn nâng đỡ tâm lý bệnh nhân, giúp cho số lượng bệnh nhân ra viện tăng lên rất nhiều và đến bây giờ chỉ còn lại 86 bệnh nhân, so với thời điểm các bạn mới đến là 800.

 

Bác sĩ CK2 Vương Trọng Hiếu

 

 

Một điều may mắn thứ hai là sau đợt công tác, không ai bị nhiễm bệnh.

Chúng tôi rất xúc động vì các TNV tôn giáo trong cả 2 đợt đã chủ động từ chối tất cả những hỗ trợ tuyến đầu theo chính sách của nhà nước. 

Trân trọng cảm ơn và chúc các bạn nhiều sức khỏe, nhiều thành công và luôn giữ được ngọn lửa của ngày hôm nay.

Tôi luôn xem các TNV là bạn, trân trọng các bạn như những đồng nghiệp đã từng chiến đấu ở BVDC 16 này.

Cho đi thì khó hơn là nhận

Linh mục Martinô Nguyễn Phương Linh - Giáo xứ Chí Hòa - đã thay mặt các TNV kể về chuyện cho và nhận:

Qua 1 tháng, chúng tôi cảm thấy mình nhận được nhiều hơn là cho đi: cho đi thời gian nhưng nhận lại được những kỷ niệm đẹp với các y bác sĩ, các dân quân, các điều dưỡng và các bệnh nhân.

Tưởng rằng cho đi tình thương, nhưng chúng tôi lại nhận được bao nhiêu tình thương của mọi người, bao nhiêu hồng ân từ Chúa.

Tưởng rằng cho đi sự giúp đỡ, nhưng về mặt tôn giáo, chúng tôi đang trở nên giống Chúa Giêsu vì đạo Công giáo dạy chúng tôi cúi xuống để phục vụ anh chị em của mình.

Chúng tôi cho đi những chăm sóc, vệ sinh hay an ủi động viên, nhưng chúng tôi nhận lại nhiều câu chuyện rất đẹp và đầy ý nghĩa của từng bệnh nhân.

 

Linh mục Martinô Nguyễn Phương Linh

 

 

Cho đi thì khó hơn là nhận. Có những công việc chúng tôi không nghĩ là mình sẽ làm được như lau quét phòng bệnh, thay tã cho bệnh nhân, nói chuyện động viên an ủi họ...

Ban đầu thật bỡ ngỡ với những đụng chạm về thể lý vì chưa quen. Nhưng qua một tháng, công việc đó trở nên dễ dàng, có lẽ vì chúng tôi đã coi những bệnh nhân như người thân của mình, chứ nếu nghĩ đó chỉ là những việc bác ái đơn thuần thì hẳn là rất khó.

Kết thúc buổi lễ

Cuối buổi lễ, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện tòa Giám mục TGP Sài Gòn - đã nhắc lại lời Đức Tổng nhắn nhủ các TNV:

Hãy nhớ những trải nghiệm, những cảm xúc, những bệnh nhân và nhớ đến sứ mạng của mình đã được dịp mài giũa cho bóng đẹp hơn.

 

 

Xin nhớ đến các bệnh nhân covid đã qua đời, khi chúng ta trở về trong ngày lễ đặc biệt của tháng các linh hồn.

Kính chúc quý Cha, quý thầy quý sơ ở lại trong tình bạn với Chúa và tiếp tục xây dựng tình bạn với anh chị em trong cuộc đời.

 

 

 

Bài & Ảnh: Sơn Nữ SPC


Chú thích (*): 19 TNV này gồm:

  • 1 linh mục: Cha Martino Nguyễn Phương Linh - Giáo xứ Chí Hòa của TGP Sài Gòn,

  • 4 chủng sinh của Đại Chủng viện Thánh Giuse,

  • 2 thầy phó tế Dòng Thương Khó Chúa Giêsu,

  • 2 đệ tử Dòng Cạnh Nương Long Chúa Giêsu,

  • 10 nữ tu thuộc các Dòng: Nữ Truyền Giáo Phanxicô Assisi (3), Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương (1), Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa (4), Mến Thánh Giá Thủ Đức (2).

 Nguồntgpsaigon.net

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây