TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GIÁO XỨ HƯNG ĐẠO

Thứ tư - 31/03/2021 04:46 |   1733
NT Hưng Đạo
NT Hưng Đạo

GIÁO XỨ HƯNG ĐẠO

Thành lập ngày: 1963
Bổn mạng: Thánh Gioan Baotixita
Địa chỉ: 59 Nguyễn Du, phường Tự An, Tp. BMT, tỉnh Đăk Lăk
Số Giáo dân: 1591
Số Gia đình: 470

Giờ lễ:
Ngày thường: 17g30
Chiều thứ Bảy: 17g30 (lễ Chúa Nhật mừng trước)
Chúa Nhật: 5g30, 8g30

(cập nhật ngày 31.12.2019)

 

GIÁO XỨ HƯNG ĐẠO

Năm thành lập: 1963
Bổn mạng Giáo xứ: Thánh Bổn mạng Gioan Baotixita.

PHẦN I: ĐẶC ĐIỂM ĐẶC TRƯNG CỦA GIÁO XỨ HƯNG ĐẠO.
Tên Giáo xứ/ Giáo Hạt: Giáo xứ Hưng Đạo, Giáo Hạt Mẫu Tâm
Bổn mạng, Ngày Kính: Thánh Gioan Baotixita, Ngày Kính: 24/06
Địa chỉ: 59 đường Nguyễn Du Tp Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Ngày Thành Lập Giáo xứ: 24 / 06 / 1963
Ngày xây Nhà thờ đầu tiên / chất liệu (hình): Từ năm 1957 đến 1962: Nhà thờ bằng Gỗ, đến năm 1963 xây mới.
Số Giáo Dân Kinh / Sắc Tộc: Giáo Dân người Kinh khoảng 1200 người, Sắc Tộc: không
Linh mục sáng lập: Cố Linh mục Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn
Linh mục tiên khởi Giáo xứ: Cố Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bân
Giáo xứ hiện nay:
Xây mới / Trùng tu năm: 1988 do Linh Mục: Phêrô Trần Ngọc Anh
Số Giáo Dân Kinh / Sắc Tộc: Kinh: 1548 Sắc Tộc 20. Tổng Cộng: 1568 Giáo Dân
Linh mục Quản xứ đương nhiệm: Gioan Baotixita Trần Đức Châu.
Số người đi Tu: Linh Mục: 06, Đại Chủng Sinh: 0, Tu Sỹ Nam: 0, Nữ: 07
Cơ sở đặc trưng: (Trung Tâm Hành Hương, Đồi Thánh Giá, các Dòng Tu hiện diện: 0)
Tên và Số Giáo họ Biệt Lập: 0        

PHẦN II: LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO XỨ HƯNG ĐẠO

I/ - TÊN GIÁO XỨ: HƯNG ĐẠO, GIÁO HẠT MẪU TÂM
 - Thánh Bổn mạng: Gioan Baotixita
 - Mừng kính: ngày 26/04
 - Diện tích: khoảng 03 km2

II/ SỰ KIỆN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:
TÓM TẮT SỰ KIỆN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:
Sau năm 1954 (ngày ký hiệp định Giơnevơ) một số Đồng Bào Miền Bắc VN di cư vào Miền Nam để lập nghiệp. Chính quyền đương thời phân bố số Đồng bào di cư nói trên được Định cư tại tỉnh Đăk Lăk, trong số đó có một số đồng bào Công Giáo... Trong thời gian này có một số đồng bào Công giáo được Định cư ngay tại làng Hưng Đạo, cách thị xã BMT khoảng 1 km. Vì số đồng bào Công giáo thời bấy giờ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với đồng bào Phật Giáo nên Chính Quyền thời bấy giờ đã đặt tên là trại Phật Giáo Hưng Đạo (Địa Danh được chia cắt rõ ràng). Tọa lạc trên khu tứ giác giới hạn bởi các trục đường: Nguyễn Công Trứ, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Du và dòng suối Ea Tam...
Trong khoảng thời gian này, vì điều kiện kinh tế, thổ nhưỡng ôn hòa, đất lành chim đậu, vào 2 năm 1956-1958, một số gia đình Công giáo ở các nơi khác cũng tìm đến định cư thêm. Từ đó số gia đình Công giáo tăng thêm, đa số là các gia đình Quân nhân thuộc Tỉnh đoàn Bảo an Đăk Lăk. Khoảng 16 gia đình với nhân danh 32 người, nhóm này có mối quan hệ mật thiết với nhau như đồng hương, họ sống quây quần đùm bọc lẫn nhau dưới sự hướng dẫn của một vị cao niên uy tín là ông Phêrô Nguyễn Văn Hân. Từ đó các gia đình tự động tập trung sinh hoạt Tôn Giáo tại các Tư Gia, riêng các ngày Lễ Trọng, Chúa Nhật hoặc có nhu cầu hưởng Bí Tích thì đến tham dự tại nhà thờ Thị Xã (nay là Giáo xứ Thánh Tâm)
Đầu năm 1959-1960, số người từ nơi khác vì nhu cầu cuộc sống, nhất là gia đình Quân nhân tìm đến Định cư khu làng Hưng Đạo ngày càng tăng thêm, họ Định cư trên các triền đồi hai bên bờ suối Ea Tam, đường Phạm Hồng Thái, đường Nguyễn Du, thời điểm này con số Gia đình Công Giáo tăng lên 28 với số nhân danh 165 người. Với số Giáo dân trên, ước lượng sẽ còn tăng theo chiều phát triển của xã hội thời bấy giờ nên Cha Chánh xứ Nhà thờ Thị xã lúc đó là Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn quyết định cho phép thành lập Giáo họ trực thuộc Giáo xứ Thánh Tâm và lấy Thánh Hiệu là Giáo họ Nghĩa Đức, mừng kính Thánh Bổn Mạng là Gioan Baotixita vào ngày 24/6 hàng năm, trong thời này Ông Phêrô Nguyễn Văn Hân được đề cử làm Trùm Họ, và một Nhà Nguyện bằng tôn vách ván được dựng lên trên khu đất của ông Hân và một số bà con tự nguyện dâng cúng. Nguyên vật liệu tháo từ Hội trường củ của Nhà thờ Thị xã.

01. Xây cất Nhà thờ mới:
Đầu năm 1963, số Giáo dân tăng lên rất nhanh, tổng số đã lên đến 1280 người, gồm 213 Gia đình, ngôi Nhà nguyện cũ không còn đủ sức chứa số người tham gia sinh hoạt tôn giáo. Để phát triển cho tương lai dưới sự hướng dẫn của Cha JB Trần Thanh Ngoạn, Ban Đại Diện Giáo họ đã vận động bà con Giáo dân góp công, góp của cùng với sự giúp đỡ từ bên ngoài như ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Tích, Ông Lê Xuân Hồng... Một ngôi Nhà thờ mới đã được xây dựng gồm 5 gian (4m x 8m). 1 gian Cung Thánh và 4 gian dành cho Cộng đoàn. Các công trình phụ cũng được xây dựng trong thời gian này như Nhà xứ, các phòng học giáo lý, mua sắm các đồ dùng thờ tự, trang thiết bị cần thiết cho nhà thờ... Mọi sinh hoạt tôn giáo từ đó có nhiều hướng phát triển mạnh, có uy tín, đứng đầu là ông Phêrô Nguyễn Văn Hân.

02. Thành Lập:
Ngày 24/6/1963, Giáo họ Nghĩa Đức được nâng lên thành Giáo xứ do đề nghị của Cha JB Trần Thanh Ngoạn và được Đức Giám Mục Giáo Phận Kon Tum duyệt y.
Danh hiệu: Giáo xứ Hưng Đạo
Thánh Bổn Mạng: Gioan Baotixita.
Giáo dân: 1280 người (chiếm tỉ lệ 13% dân cư trong địa bàn).
Được chia thành 4 Giáo Họ trực thuộc:
+ Giáo họ Giuse: 72 Gia đình, 420 Người
+ Giáo họ Mân Côi: 60 Gia đình, 400 Người
+ Giáo họ Phêrô: 74 Gia đình, 426 Người
+ Giáo họ Vinh Sơn: 7 Gia đình, 34 Người
Vị trí Địa Lý: Giáo xứ Hưng Đạo nằm về phía Đông Nam Thị Xã, dưới một thung lũng đẹp, giới hạn bởi một vòng cung dọc theo giòng suối Ea Tam, từ cuối đường Nguyễn Công Trứ đến Chân đồi (nay gọi là đồi khí tượng Thủy Văn) phân cách và giới hạn với các Xứ bạn bằng các trục đường giao thông là Phạm Hồng Thái, đường Độc Lập, suối Ea Tam hình thể tam giác diện tích khoảng 5 km2 cách trung tâm Thị Xã 1,5 km.

03. Từ 1963-1969:
Cố Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bân làm Quản xứ tiên khởi, ngài khởi sự nền móng cho các sinh hoạt tôn giáo. Một Ban Hành giáo được bầu lên do ông Phêrô Nguyễn Văn Hân làm Truởng ban, cùng các cộng tác viên khác như: Uỷ viên Phụng vụ, Uỷ viên Giáo Lý, Uỷ viên Hiếu sự. Trong thời gian này có biến cố Tết Mậu Thân 1968, một số giáo dân lại bỏ Giáo xứ dời đi nơi khác.

04. Từ năm 1970-1972:
Cha cố Phanxicô Vũ Cát Đại được Đức Giám mục hoán đổi về thay thế Cha Bân. Thời gian này Giáo phận Ban Mê Thuột được thành lập. Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai làm Đức Giám mục Tiên khởi, đã ban hành Quy chế mới, do đó Hội đồng Giáo xứ được bầu lại. Ông Phêrô Trần Văn Khánh được bầu làm Chủ tịch, và các Uỷ viên khác, trong đó có 4 Giáo họ Phêrô, Giuse, Mân Côi, Vinh Sơn. Xây dựng được cổng, tuờng quanh khuôn viên Nhà thờ, quy hoạch được ranh giới Nghĩa Trang diện tích hơn 2.000m2.

05. Từ năm 1973-1975:
Cha cố Đaminh Đào Công Roanh về thay Cha Vũ Cát Đại. Ngài tiếp tục sửa Nhà thờ Xứ bị hư hại sau biến cố tết Mậu Thân, xây lại tượng đài Đức Mẹ Lộ Đức, Bầu lại HĐGX đã mãn nhiệm và một số Hội Đoàn, ông Phêrô Nguyễn Văn Hạnh làm Chủ tịch
Năm 1975 Giáo xứ Hưng Đạo bị xáo trộn, Cha xứ bị bắt đi Cải tạo tập trung rất đông giáo dân đi kinh tế mới, di tản, gần 2 năm không có Cha Quản xứ, các Hội đoàn bị giải tán, cấm hoạt động. Các ngày Chúa nhật và Lễ trọng ông Chủ tịch phải lên Tòa Giám mục xin Cha về dâng lễ.

06. Từ năm 1976-1980:
Cha FX Phạm Bá Lễ được TGM bổ nhiệm về làm Quản xứ (Đây là thời kỳ khó khăn nhất của Giáo xứ), một HĐGX âm thầm ra đời do ông Đa Minh Nguyễn Xuân Vũ làm Chủ tịch, số giáo dân còn lại là 620 nguời trong 103 gia đình. Trong suốt thời gian này công việc mục vụ là của Cha xứ, còn các công việc khác hầu như bế tắc.

07. Từ năm 1981-1985
Cha cố Phaolô Võ Quốc Ngữ được bổ nhiệm về thay thế Cha Phạm Bá Lễ, cũng như thời gian truớc, các sinh hoạt tôn giáo chỉ được thu gọn trong Nhà thờ, ngoài việc Phụng vụ Thánh lễ và Cử hành các Bí tích, ngoài ra không có một sinh hoạt nào khác, một HĐGX mới cũng được Cha xứ và chính quyền chỉ định cho ông Vũ Ngọc Nhã làm Chủ tịch và 4 Uỷ viên đặc trách các phận vụ chuyên môn.

08. Từ năm 1986-1996:
Cha Giuse Nguyễn Tích Đức làm Quản xứ thay Cha Võ Quốc Ngữ, trong thời kỳ này nhờ chính sách đổi mới, cuộc sống của giáo dân có nhiều thay đổi về đời sống vật chất cũng như tinh thần. Các sinh hoạt trong Giáo xứ có nhiều chuyển biến, việc sửa sang Nhà thờ, tu bổ phòng ốc, xây dựng một số phòng học giáo lý, nghĩa trang cũng được quy hoạch lại khang trang sạch đẹp, các lớp Giáo lý Dự tòng, Thêm sức, Xưng tội Rước lễ Lần đầu, Hôn nhân cũng được Cha Quản xứ quan tâm đặc biệt.
Trong muời năm này Giáo Dân trong Xứ tăng từ 613 lên 920 nguời. HĐGX được lưu nhiệm suốt 4 Nhiệm kỳ. Đặc biệt Giáo xứ có Thầy Phó tế Phêrô Trần Ngọc Anh (sau này được thụ phong Linh mục), được Giáo phận bổ nhiệm về phụ tá cho Cha Quản xứ.

09. Từ năm 1997-1999:
Cha Phêrô Trần Ngọc Anh được nhậm chức Lm Quản xứ sau hơn một năm làm Phó xứ. Là Linh mục trẻ nên Ngài nghĩ ngay đến việc phát triển Giáo xứ về mọi mặt, đặt biệt trong đời sống đức tin của Giáo Dân. Các Hội đoàn được bổ xung các nhân sự, quan tâm đến việc dạy giáo lý của các độ tuổi, thống kê lại nhân danh trong Giáo xứ. Bầu lại HĐGX mới theo phương thức phổ thông bầu phiếu, với sự tham gia của tất cả các gia đình trong Giáo xứ, lúc này con số Giáo dân tăng từ 1129 năm (1996 ) lên 1275 với 253 gia đình.
Trùng tu Thánh Đường: sau gần 40 năm sử dụng, vá víu ngôi Thánh đường đã xuống cấp trầm trọng, Cha Quản xứ, HĐGX kêu gọi mọi người nỗ lực đóng góp để trùng tu. Vì tài chính gặp khó khăn nên phải thực hiện qua 02 giai đoạn:
Giai đoạn 1: từ 01 tháng 02 đến 30 tháng 03 năm 1998
Giai đoạn 2: từ 25 tháng 06 đến 15 tháng 08 năm 1998
Sau khi việc trùng tu kết thúc, Giáo xứ đã có Ngôi Thánh đường khang trang sạch đẹp, xứng đáng là nơi thờ phượng Thiên Chúa. Song song với việc tu bổ Thánh đường, Nghĩa Trang cũng được sắp xếp lại trật tự, thành lập Hội Bác ái chuyên lo việc an táng, ấn định diện tích một ngôi mộ và chọn mẫu xây thống nhất. Qua sự hướng dẫn của Cha Quản xứ, HĐGX, Giáo xứ đã thay hình đổi dạng một cách rõ rệt.

10. Từ năm 1999 - 2006:
Vì công tác Mục vụ Cha Trần Ngọc Anh được cử đi học nước ngoài và cha Phaolô Nguyễn Thư Hùng được bổ nhiệm về làm Quản xứ. Mọi sinh hoạt vẫn tiếp tục được duy trì tốt đẹp. Thời gian này HĐGX đã mãn nhiệm, một HĐGX nhiệm kỳ 2001 - 2005 được bầu ra. Ông Giuse Nguyễn Vĩnh Thẩm làm Chủ tịch cùng 04 Uỷ viên khác, nhiệm kỳ của Giáo họ cũng được bầu lại. Cha xứ đặc biệt quan tâm đến đội ngũ anh chị em Giáo lý viên. Ngoài ra Cha Quản xứ cùng HĐGX lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp một số công trình trong Giáo xứ như: làm đường bê tông bên hông Nhà thờ, mở rộng diện tích sử dụng trong Nhà thờ, đóng mới lại một số ghế ngồi, mua lại hệ thống âm thanh, trồng cây xanh trên Nghĩa trang, xây tường rào, đặt biệt xây mới một lễ đài đặt tượng Chúa Phục sinh làm nơi trang nghiêm để làm các nghi thức, đã được Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức về làm phép năm 2004.

11. Từ năm 2006 - 2011:
Cha Phaolô Nguyễn Thư Hùng đi nhận nhiệm sở mới và cha Phanxicô Xavie Nguyễn Ngọc Hoàng được Đức Giám mục bổ nhiệm về Giáo xứ. Mọi sinh hoạt vẫn tiếp tục được duy trì bình thường Cha quan tâm nhiều đến đời sống tâm linh của cộng đoàn, nhất là các hoạt động của các Hội đoàn.
Ngày 04 / 05 / 2008 theo thống nhất của toàn Giáo phận, HĐGX nhiệm kỳ 2008 - 2012 được tổ chức bầu lại và một HĐGX mới đã được hình thành trong thời gian này. Cùng với 04 Ban Điều hành Giáo họ, được Cha xứ tổ chức tuyên thệ ngày 25/05/2008 (Lễ Mình Máu Thánh Chúa), ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân HĐGX đã cộng tác với Cha Quản xứ để điều hành công việc trong Giáo xứ, đã được phân công cụ thể cho mỗi thành viên. Những công việc xây dựng được Cha xứ đặt biệt lưu tâm, một tháp chuông mới được xây dựng thay thế tháp chuông cũ bị hư hỏng, Nghĩa trang Giáo xứ được tôn tạo lại, xanh sạch đẹp hơn, và một số công trình xây dựng khác cũng được thực hiện trong thời gian này.

12. Từ năm 2011 đến nay:
Sau khi cha FX Nguyễn Ngọc Hoàng đi nhận Giáo xứ mới. cha JB Trần Đức Châu (hiện là Cha Quản xứ Giáo xứ chúng con) được Đức Giám mục bổ nhiệm về Giáo xứ. Ngài tiếp nối những công việc còn dang dở. Bộ mặt của Giáo xứ thay đổi từng ngày.
Sau 04 năm Ngài về Giáo xứ chúng con những công trình mà cộng đoàn Giáo xứ hằng mơ uớc đã được hình thành như tượng đài Thánh JB Bổn Mạng Giáo xứ đã được khánh thành vào ngày Lễ Bổn Mạng năm 2012, các phòng học Giáo lý đã được xây dựng xong và đưa vào sử dụng.
Nghĩa Trang Giáo xứ đã được trùng tu cho phù hợp cảnh quan, ngài đã cho xây dựng 14 Đàng Thánh Giá và 12 tượng Thánh Tông Đồ. Nhà thờ được nâng cấp Cung Thánh... với sự khôn ngoan của Cha Quản xứ. Giáo xứ tin tưởng trong tương lai sẽ không ngừng phát triển về mọi mặt kịp theo đà phát triển chung của Giáo phận...

TÌNH HÌNH DÂN SỐ VÀ ĐỜI SỐNG GIÁO DÂN:

01/ Về Dân Số:
Sau 50 Năm một chặng đường dài khó khăn và thuận lợi nhờ lời cầu bầu của Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria đến nay Giáo xứ đã từng bước vươn lên, dân số tính đến nay là 492 gia đình gia đình với gần 1580 giáo dân được phân bổ trong 04 Giáo họ. Giáo xứ đã đóng góp cho Giáo hội được 06 Linh mục và 07 Đệ tử đang phục vụ trong Giáo hội.

02/ Về Đời Sống Kinh Tế:
Trải qua 50 năm hình thành và phát triển. Giáo xứ có rất nhiều thay đổi về tinh thần cũng như vật chất, đây là một điều không thể tránh khỏi vì nhiều lý do của cuộc sống xã hội.
Đặc điểm của Giáo xứ, do giáo dân sống trải dài trên một địa bàn tương đối rộng, ở xen kẽ cùng với Tôn giáo bạn (tỷ lệ người Công Giáo chỉ 20%) đời sống kinh tế đa phần sống nghề buôn bán nhỏ lẻ, phần còn lại làm nông nghiệp, kinh tế còn khó khăn ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc sống Đạo. Trong tương lai dưới sự hướng dẫn của Cha Quản xứ chắc chắn sẽ có những định hướng để xây dựng Giáo xứ nhà theo kịp đà phát triển của Giáo phận.

III/ LINH MỤC TIÊN KHỞI:
- Thành Lập Giáo họ Nghĩa Đức: Cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn
- Thành Lập Giáo xứ Hưng Đạo: Cha Phêrô Nguyễn Văn Bân
- Tổng Số giáo dân (2015): 1580 Người
- Tổng Số Linh mục: 06 Linh mục, (05 Linh mục hiện ở Giáo phận Ban Mê Thuột, 01 Linh mục hiện ở Giáo phận Phú Cường )
- Chủng Sinh: 0
- Đệ Tử: 0
- Tu Sĩ: 07
- Ứng Sinh: 0


 
 Tags: Hưng Đạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây