12 Tháng Tư
Ra đi là chết trong lòng một ít
Phật giáo Trung Hoa rất nhớ ơn và hãnh diện vì có thiền sư Đường Tam Tạng. Ông là người đã có công vượt núi trèo non để đi Tây Trúc thỉnh kinh đem về phổ biến cho dân gian.
Truyện Tây Du Ký đã ghi lại cuộc ra đi đầy gian nan của thầy Tâm Tạng. Nhưng những gian nan thử thách xảy đến cho thiền sư họ Đường không phải chỉ là gai góc hiểm trở của đoạn đường dài, mà chính là những tật xấu mà ba người môn đệ thân tín nhất của thầy là hiện thân. Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng, ba cái tên này chính là ba nết xấu mà thiền sư họ Đường cũng như bao người khác phải vượt qua để đạt chánh quả. Ba nết xấu đó là: Lòng kiêu căng, lòng ham vật dục và tính lười biếng.
Ra đi là chết trong lòng một ít… Thiền sư họ Đường có lẽ đã phải chiến đấu và hao mòn vì những thâm sân si trong lòng thầy.
Tin Mừng cũng nhắc đến một cuộc ra đi: đó là cuộc ra đi của Chúa Giêsu. Ngài rời bỏ quê hương để đi Galilêa. Galilêa chỉ cách Nagiarét vài chục cây số… Nhưng với Chúa Giêsu cuộc trẩy đi này bao hàm một cuộc lột xác và từ bỏ trọn vẹn. Ngài rời bỏ tất cả để vào sa mạc.
Ra đi có nghĩa là ra khỏi chính mình và không quay nhìn lại phía sau. Ra đi tức là chấp nhận chết đi trong lòng một ít.
Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, mặc dù chưa một lần ra khỏi bốn bức tường của tu viện, đã được Giáo Hội chọn làm quan thầy các xứ truyền giáo.
Một lúc nào đó, có lẽ chúng ta cũng khao khát được mang Tin Mừng của Chúa đến một nơi xa lạ… Ước mơ ấy có thể làm cho chúng ta quên đi thực tại của không biết bao nhiêu người thiếu thốn lương thực cho thể xác cũng như tinh thần.
Ra đi loan báo Tin Mừng, trước tiên chính là ra khỏi con người của chúng ta. Ra khỏi con người thiển cận, ích kỷ của chúng ta để mặc lấy một cái nhìn nhạy cảm hơn trước sự hiện diện của tha nhân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn