TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 10/02/2022 17:32 |   1492
“Thầy chạnh lòng thương đám đông vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn.” (Mc 8, 2)

12/02/2022
THỨ BẢY TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

 

t7 t5 TNC

Mc 8, 1-10

THẾ GIỚI KHÔNG CÓ NGƯỜI ĐÓI

Thầy chạnh lòng thương đám đông vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn.” (Mc 8, 2)

Suy niệm: Đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu đã ba ngày nay để nghe Ngài giảng. Có lẽ thời gian kéo dài vượt quá dự kiến, chút lương khô đi đường cũng đã cạn. Họ đói. Thế là Chúa lại chạnh lòng thương và Ngài ngưng công việc giảng dạy để lo chuyện ăn uống cho họ trước khi giải tán họ về nhà. Chúa không muốn cho ai phải đói; vì thế “cho kẻ đói ăn” để cho mọi người có điều kiện sống xứng hợp với nhân phẩm, đó là công việc của lương tri và còn là mệnh lệnh của tình bác ái nữa.

Mời Bạn: Mới đây Hội nghị Quốc Tế An Ninh Lương Thực cho biết cứ năm giây có một trẻ em chết đói. Tổ chức Lương Nông Quốc Tế vừa công bố số người đói trên thế giới vừa giảm xuống dưới một tỷ người trong năm 2010 dự kiến sẽ lại tăng lên trong năm 2012 này. Nước ta chưa giàu, vẫn còn đó biết bao người cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, tiền không có để đi học; thế mà vẫn có những người ăn uống xa xỉ phung phí; có quan chức “đánh bạc triệu đô,” đánh cờ tướng ăn thua vài tỷ bạc một ván. Sự chông chênh đó có làm bạn nhức nhối? Chung quanh bạn có ai đang túng thiếu hơn bạn mà bạn chưa tìm cách chia sẻ không?

Chia sẻ: Làm thế nào để việc bạn cho đi không trở thành việc của kẻ trên bố thí cho kẻ dưới, hoặc cho tay này lấy lại tay kia, nhưng là một sự chia sẻ trong yêu thương, cảm thông và tôn trọng?

Sống Lời Chúa: Luôn dành một khoản trong số thu nhập của bạn để dành vào việc giúp những ai lầm than cơ nhỡ.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi những anh chị em đói nghèo bất hạnh.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 3, 9-24

“Chúa đuổi ông ra khỏi vườn địa đàng, để cày ruộng đất”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi ở đâu?”

Ông đã thưa: “Tôi đã nghe tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng tôi sợ hãi, vì tôi trần truồng và đang ẩn núp”.

Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?”

Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với tôi, chính nàng đã cho tôi trái cây và tôi đã ăn”.

Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?”

Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối tôi và tôi đã ăn”.

Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu, mi sẽ bò đi bằng bụng và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân người”.

Chúa phán bảo cùng người phụ nữ rằng: “Ta sẽ làm cho ngươi gặp nhiều khổ cực khi thai nghén và đau đớn khi sinh con; ngươi sẽ ở dưới quyền người chồng, và chồng sẽ trị ngươi”.

Người lại phán bảo Ađam rằng: “Vì ngươi đã nghe lời vợ mà ăn trái Ta cấm, nên đất bị nguyền rủa vì tội của ngươi. Trọn đời, ngươi phải làm lụng vất vả mới có mà ăn. Ðất sẽ mọc cho ngươi đủ thứ gai góc, và ngươi sẽ ăn rau cỏ ngoài đồng. Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về đất, vì ngươi từ đó mà ra. Ngươi là bụi đất, nên ngươi sẽ trở về bụi đất”.

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Thiên Chúa cũng làm cho Ađam và vợ ông những chiếc áo da và mặc cho họ.

Và Người phán: “Nầy, Ađam đã trở thành như một trong chúng ta, biết thiện ác. Vậy bây giờ, đừng để hắn giơ tay hái trái cây trường sinh mà ăn và được sống đời đời”.

Và Thiên Chúa đuổi ông ra khỏi vườn địa đàng, để cày ruộng đất, là nơi ông phát xuất ra.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 89,2.3-4.5-6.12-13

Xướng: Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở này qua thuở kia, Ngài vẫn có.

Đáp: Thân lạy Chúa, Chúa là chỗ chúng tôi dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia.

Xướng: Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Người phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”.

Xướng: Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi; Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô.

Xướng: Xin dạy chúng tôi biết đếm ngày giờ, để chúng tôi luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ, xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 12, 26-32; 13, 33-34

“Giêroboam đúc hai con bò vàng”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Giêroboam nói trong lòng rằng: “Giờ đây vương quốc sẽ trở về với nhà Ðavít; nếu dân này lên Giêrusalem để tế lễ trong nhà Chúa, thì lòng dân này sẽ quy thuận với chủ mình là Roboam, vua xứ Giuđa; họ sẽ giết ta và trở về với Roboam”. Bấy giờ, ông triệu tập hội nghị và đúc hai con bò vàng, ông nói với dân chúng rằng: “Các ngươi không cần phải lên Giêrusalem nữa. Hỡi Israel, đây những vị thần minh đã dẫn ngươi ra khỏi đất Ai-cập”. Ông đặt một con bò vàng ở Bêthel và một con ở Ðan. Việc đó là dịp tội cho dân Israel, vì dân chúng lên tận Ðan để thờ con bò vàng. Ông còn xây chùa miếu trên những nơi cao, đặt các người trong dân làm tư tế, họ không phải là con cháu Lêvi. Ông chọn ngày rằm tháng tám là ngày lễ trọng, giống như lễ trọng thường cử hành trong xứ Giuđa. Ông lên bàn thờ để tế những tượng bò mà ông đã đúc, ông làm như thế ở Bêthel; cũng tại Bêthel, ông đã thiết lập hàng tư tế trong các chùa miếu mà ông đã xây cất trên những nơi cao.

Sau các sự việc đó, Giêroboam chẳng những không dứt bỏ đàng tội lỗi, mà trái lại ông còn tiếp tục đặt ở những nơi cao hàng tư tế chọn trong dân chúng. Do đó, nhà Giêroboam phạm tội, bị lật đổ và xoá khỏi mặt đất.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 105, 6-7a. 19-20. 21-22.

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài (c. 4a).

Xướng: Chúng tôi đã phạm tội cũng như tổ phụ chúng tôi, chúng tôi đã làm điều gian ác và ăn ở bất nhân. Tổ phụ chúng tôi, khi còn ở bên Ai-cập, đã không suy xét những việc lạ lùng của Chúa.

Xướng: Dân chúng đã đúc con bò tại Horéb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ.

Xướng: Họ đã quên Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình, Ðấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Ðấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Ðỏ.

Alleluia

Alleluia – Alleluia – Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng – Alleluia.

 PHÚC ÂM: Mc 8,1-10

“Họ ăn no nê”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến”.

Các môn đệ thưa: “Giữa nơi hoang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no”.

Và người hỏi các ông: “Các con có bao nhiêu bánh?”

Các ông thưa: “Có bảy chiếc”.

Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát.

Các ông chia cho dân chúng.

Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ.

Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát.

Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng.

Số người ăn độ chừng bốn ngàn.

Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền đến miền Ðammanutha.

 

Đó là lời Chúa

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Người đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY BIẾT CHẠNH LÒNG THƯƠNG (Mc, 8,1-10)
Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

Khi kể về ơn gọi của Mẹ Têrêxa Calcutta với người nghèo, người ta không quên được sự kiện làm cho mẹ thay đổi ơn gọi. Từ một giáo viên dạy địa lý và là một nữ tu của Dòng Nữ Vương Ðức Bà Loretto, mẹ đã trở thành một nữ tu khiêm tốn, chuyên phục vụ người nghèo khi quyết định rời bỏ dòng cũ để lập nên Hội Dòng Nữ Tu Bác Ái với hy vọng xoa dịu nỗi khổ cho biết bao con người ngày đêm kêu cứu. Vì thế, mẹ đã trở thành người nổi tiếng về lòng bao dung, nhân hậu.

Nguyên nhân để mẹ trở thành vĩ nhân là vì mẹ đã cảm nghiệm sâu xa lời kêu cầu của Đức Giêsu trên Thánh Giá “Ta khát” qua hình ảnh của một người già nghèo khổ, trong sân ga tàu hỏa khi mẹ lên đường để đi chữa bệnh.

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Qua phép lạ này, chúng ta thấy nổi bật lên sự quảng đại, lòng nhân hậu, thương xót của Đức Giêsu với đám đông dân chúng.

Thấy một đám đông đang theo mình, Đức Giêsu đã không thể yên vị được khi thấy họ vất vưởng và bụng đói, nên Ngài đã nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn” (Mc 8, 2). Và Đức Giêsu đã làm phép lạ để nuôi dân chúng.

Hình ảnh thật đẹp về một Đức Giêsu: Ngài nhìn đám đông với một ánh mắt đăm chiêu, trìu mến và lộ rõ sự thao thức! Ngài nói với các môn đệ về nỗi thao thức của mình, rồi lường trước được những mối nguy hại khi họ bụng đói ra về! Và cuối cùng Ngài đã hành động để nuôi dân chúng.

Ngày hôm nay, vẫn có nhiều chương trình phúc lợi xã hội, nhưng không biết có phải là những chương trình được khởi đi từ tình thương hay là một dịp thuận tiện để những kẻ chuyên tham nhũng, bóc lột có cơ hội trục lợi cá nhân và đoàn thể khi nhân danh điều thiện???

Thật vậy, nếu mọi việc công ích, không được khởi đi từ lòng nhân hậu và tình thương thì sớm muộn gì nó cũng sẽ bị những ý đố đen tối, xấu xa xen vào và bị biến thái.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết mặc lấy tấm lòng từ bi nhân hậu và thương xót của Chúa, để chúng con biết đem Chúa đến với anh chị em chúng con.

Amen.
 

VÌ AI?
 

tbd 100222b

(Thứ Bảy sau Chúa Nhật V TN – 1V 12, 26-32; Mc 8, 1-10) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Phụng vụ lời Chúa ngày thứ Bảy sau Chúa Nhật V mùa Thường Niên, giáo hội cho chúng ta nghe trích đọc hai bài Thánh Kinh trình bày chân dung đối nghịch của hai vị vua. Bài đọc thứ nhất trích sách các vua trình bày chân dung vua Giêrôbôam và bài Tin mừng cho thấy diện mạo của vị Vua trên các vua là Đức Giêsu Kitô. Sự đối nghịch giữa chân dung hai vị vua thể hiện nơi tấm lòng của hai vị.

Được đặt làm vua một vương quốc gồm mười chi tộc Israel, thế mà Giêrôbôam chỉ lo cho cái ngai vàng của mình, vì thế ông tìm mọi cách thế để bảo đảm vương vị của mình kể cả việc lợi dụng Thiên Chúa. Vì sợ dân chúng hằng năm lên Giêrusalem để dự lễ thì sẽ dần trở về với Rôbôam, con vua Salômon, nên ông đã cho tạc hai tượng bò vàng đặt hai nơi trên lãnh thổ của mình là Bêthel và Đan. Ông đã tế lễ cho các tượng bò vàng và thiết lập cả hàng tư tế để phục vụ công việc tế tự. Vì lợi ích của mình và để bảo đảm quyền chức của mình người ta thường sử dụng cả thần minh và thần thánh hóa bản thân hay tập thể của mình. Lịch sử cho thấy hiện tượng này thì xưa nay vẫn vậy.

Bài Tin Mừng vẽ nên chân dung vị Vua trên các vua, Đấng luôn lấy thiện ích con dân làm đầu. “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lã giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến” (Mc 8, 2). Tấm lòng của vị vua và là mục tử nhân lành đã hiển lộ từ lời nói đến hành động. Người đã tận dụng cả những sự nhỏ nhặt là bảy chiếc bánh để phục vụ đám đông hôm ấy mà Tin mừng tường thuật là độ chừng bốn ngàn.

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Cố nhạc sĩ họ Trịnh hẳn muốn nhấn mạnh đến tấm lòng vị tha. Khi biết sống vì nhau và cho nhau thì chúng ta sẽ biết tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện, mọi phương tiện dù là đơn sơ hay bé nhỏ để thể hiện tình yêu liên đới, tương thân. Trái lại khi sự vị kỷ lên ngôi thì chúng ta sẽ không chừa nhiều thủ đoạn để phục vụ lợi ích bản thân mình, kể cả việc “buôn thần, bán thánh”.

Trước khi nói năng hay làm việc gì, dĩ nhiên là trong những vấn đề khá quan trọng, hãy xét xem chúng ta đang hành xử vì ai. Vì thiện ích của ai? Một câu hỏi có lẽ giúp chúng ta biết cân nhắc hơn trong các quyết định chọn lựa điều phải làm, điều đáng nói. Là người trưởng thành, câu hỏi “vì ai” cũng giúp chúng ta tỉnh thức để biết phân định tính hợp lý, tính công minh và phải đạo của các quyết sách của nhiều lãnh đạo ngoài xã hội cũng như trong các tập thể tôn giáo.

Vì ai? Vì thiện ích của ai? Câu hỏi thật đơn sơ nhưng thiết tưởng nó là một trong những chìa khóa giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây