17/02/2022
THỨ NĂM TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
Bảy Thánh Lập Dòng Tôi tớ Đức Mẹ
Mc 8, 27-33
XÁC THỰC TRONG LỜI LOAN BÁO
“Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Chúa Giêsu lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8, 28-29)
Suy niệm: Không phải hễ loan báo bất cứ thông tin nào về Chúa Giêsu cũng là thi hành sứ mạng truyền giáo. Đã từng có những lời loan báo sai lầm, khiến người nghe không thể gặp Chúa Giêsu đích thực. Thời các Tông Đồ, người ta bảo Chúa là Gioan Tẩy Giả, là ngôn sứ Êlia, hay là một ngôn sứ. Những lời này rốt cuộc đưa người nghe đến gặp một ai khác chứ không phải Chúa Giêsu. Thời nay cũng không thiếu những sai lầm như thế. Đức Gioan Phaolô II lưu ý trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu rằng “điều nghịch lý là phần lớn người Á châu có khuynh hướng nhìn Đức Giêsu, sinh ra trong phần đất Á Châu, như là một nhân vật Âu châu hơn là Á châu” (số 20). Theo ngài, sở dĩ Chúa Giêsu bị trình bày như xa lạ với Á châu là do một chuỗi dài lịch sử, các tín hữu đã không chú ý đến hoàn cảnh người nghe, văn hóa châu Á của họ. Trái lại, chỉ dùng văn hóa Tây phương trình bày về Chúa Giêsu. Việc thiếu học biết giáo lý cũng khiến người ta hiểu sai và loan báo sai về Chúa Giêsu.
Mời Bạn: Bạn có trau giồi giáo lý để biết và trình bày Chúa Giêsu cách chính xác không?
Chia sẻ: Người ta có thể loan báo Chúa Giêsu cách chính xác khi họ không chịu khó học biết giáo lý không?
Sống Lời Chúa: Ghi danh học một lớp giáo lý hoặc bắt đầu tìm đọc một sách giáo lý của Giáo Hội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con chuyên cần học hỏi giáo lý, nhờ đó, con trình bày Chúa cách chính xác cho anh em con hiểu và sẵn sàng tin theo Chúa.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Xin Chúa trở thành núi đá cho tôi trú ẩn, trở thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ tôi. Bởi Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của tôi, vì uy danh Chúa, Chúa sẽ dìu dắt và hướng dẫn tôi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin tuôn đổ hồng ân giúp chúng con ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) St 9, 1-13
“Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất”.
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa chúc phúc cho Noe và con cái ông. Người phán bảo rằng: “Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất. Mọi thú vật dưới đất, mọi chim chóc trên trời, cùng mọi động vật trên mặt đất và mọi loài cá dưới biển đều phải kính sợ các ngươi: Tất cả đều được giao phó trong tay các ngươi. Tất cả những động vật còn sống đều là thức ăn của các ngươi, cũng như Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau đậu xanh tươi, ngoại trừ thịt còn ứ máu thì các ngươi đừng ăn, vì Ta sẽ đòi giá máu sinh mạng của các ngươi. Ta sẽ đòi giá máu các ngươi do muông thú sát hại, do tay con người và do tay anh em sát hại. Hễ ai làm đổ máu người, thì máu nó cũng sẽ phải do người mà đổ ra, vì loài người được tác tạo giống hình ảnh Thiên Chúa. Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất”.
Thiên Chúa lại phán cùng ông Noe và con cái ông rằng: “Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi; nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”.
Và Thiên Chúa phán: “Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23
Ðáp: Từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế
Xướng: Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài, khi Chúa sẽ tái lập Sion. Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn, Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van.
Xướng: Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử.
Xướng: Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Ngài ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. – Ðáp.
Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 2, 1-9
“Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo đó sao? Thế mà anh em khinh chê người nghèo khó”.
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, Anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn; nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?
Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được thừa hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao? Thế mà anh em khinh chê người nghèo khó. Không phải những người giàu có dùng quyền hành áp bức anh em, và lôi anh em ra toà án đó sao? Không phải chính họ thoá mạ thánh danh tốt đẹp đã được kêu cầu trên anh em sao?
Ðã hẳn, nếu anh em giữ trọn vương đạo như Thánh Kinh dạy, là “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình”, thì anh em làm phải. Nhưng nếu anh em thiên vị, là anh em phạm tội, bị lề luật lên án như những kẻ lỗi luật.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).
Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.
Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.
Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 8, 27-33
“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho thánh lễ này, tẩy rửa và đổi mới chúng con, để chúng con đáng được phần thưởng muôn đời Chúa hứa ban cho những kẻ thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Họ đã ăn no phỉ hoàn toàn, và Chúa đã cho họ thoả lòng ao ước, nhưng họ vẫn chưa hết thèm thuồng.
Hoặc đọc:
Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một mình. Để tất cả những ai tin Con Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được thưởng thức bánh bởi trời, xin dạy chúng con không ngừng khao khát Chúa là nguồn sống đích thực. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
CẦN XÁC LẬP MỐI TƯƠNG QUAN CÁ VỊ (Mc 8, 27-33)
Giuse Vinhson Ngọc Biển
Trong nghi thức Thánh Tẩy cho người lớn, Giáo Hội mời gọi đương sự tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài cách xác quyết. Chính trong niềm tin mạnh mẽ như thế, mà người anh chị em của chúng ta được gia nhập Giáo Hội của Đức Giêsu để được sự sống đời đời.
Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy một cuộc tuyên tín cá vị được diễn ra tại địa hạt Cêsarê thuộc quyền Philiphê.
Khởi đi từ việc dân chúng có nhiều nhận định về Đức Giêsu sau khi đã chứng kiến những lời giảng dạy khôn ngoan và quyền năng cũng như những phép lạ cả thể Ngài đã làm.
Thấy vậy, Đức Giêsu muốn làm một bài trắc nghiệm các môn đệ về nhận định của dân chúng về Ngài, Ngài hỏi: “Người ta nói Thầy là ai?”. Các ông nhanh nhảu trả lời rằng: “Họ bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Đức Giêsu đã bất ngờ hỏi trực diện các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Quá ngỡ ngàng vì không ai nghĩ Đức Giêsu lại hỏi cụ thể như thế! Tuy nhiên, đây là điều cần thiết trong cuộc đời môn đệ, bởi nếu không có niềm xác tín mạnh mẽ, cá vị vào Đấng mà họ tin theo thì e rằng họ sẽ chạy theo hiệu ứng đám đông và đặt ra cho mình những lợi lộc thực dụng thấp hèn.
Phêrô đã thay lời anh em tuyên xưng cách xác quyết: “Thầy là Đấng Kitô”. Đây là lời tuyên tín xác định căn tính Thiên Sai của Ngài. Tuy nhiên, Phêrô và các môn đệ khác cũng chỉ hiểu theo nghĩa giải phóng chính trị mà không để ý hay không hiểu sứ vụ cứu chuộc của Thầy mình, nên ngay lập tức, Đức Giêsu cấm các ông không được loan báo điều này cho ai.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xác tín niềm tin của mình vào Chúa như thánh Phêrô và can đảm đi theo Đức Giêsu khi sẵn sàng trở nên môn đệ trung tín của Ngài.
Dù có gặp phải khó khăn, thử thách và những trào lưu dễ dãi, giảm thiêng và thượng tục, chúng ta vẫn vững tin và trung thành với sứ vụ
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khi đã tin theo Chúa thì cũng sẵn sàng và trung thành đi đến cùng con đường mà Chúa đã mời gọi chúng con đi theo. Amen.
ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG
(Thứ Năm sau Chúa Nhật VI Thường Niên – Mc 8,27-33) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Chúng ta khá dễ dàng nhận ra động cơ, mục đích của nhiều môn đệ và nhất là mười hai tông đồ khi đi theo Chúa Giêsu. Động cơ của họ là muốn đổi đời. Mục đích của họ là quyền lực và vinh hoa phú quý. Gặp thấy một vị thầy có quyền năng trong lời nói và hành động, đang được dân chúng mến mộ như một vị đại ngôn sứ, các vị tin rằng thầy Giêsu sẽ làm cách mạng đánh đuổi quân Rôma, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Người sẽ khôi phục vương quốc Israel, sẽ làm vua và dĩ nhiên đi theo Thầy các vị sẽ được chia nhau chức quyền vương hầu công bá.
Thế mà đã trên dưới ba lần Thầy tiên báo khổ hình thập giá phải gánh chịu, dù cho Thầy có hé lộ là ngày thứ ba sẽ sống lại. Chúng ta đừng quên khổ hình thập giá thời bấy giờ là một dấu chỉ ô nhục đối với người Do Thái. Đế quốc Rôma, cách riêng quan Philatô thường xuyên dùng khổ hình này để đàn áp phong trào đấu tranh giành lại độc lập tự do của người Do Thái. Nhiều chí sĩ Do Thái vì thất bại nên đã bị hành hình cách tủi nhục và ghê rợn trên khổ giá. Như thế thập giá là dấu chỉ của sự thất bại đắng cay.
Nghe Thầy tiên báo về sự thất bại chua cay, ô nhục này, Phêrô ngăn cản Thầy nhưng lại bị Thầy quở trách nặng nề (Mc 8,32-33). Vì sao các tông đồ vẫn tiếp tục đi theo Chúa Giêsu? Có lẽ câu trả lời là đây: các vị không hiểu gì lắm về mầu nhiệm thập giá mà Thầy tiên báo. Tin Mừng ghi rõ hiện thực này. “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?” (Mc 9,10), các vị đã từng hỏi nhau câu hỏi này nhưng vẫn chẳng thể tìm ra câu giải đáp và cũng không dám hỏi Thầy cho ra lẽ. Đúng là điếc nên không sợ súng. Các vị dường như lầm tưởng rằng Thầy muốn nói sự gì đó hay là muốn thử thách chúng mình thôi. Có ai đi làm cách mạng mà nói trước là mình sẽ thất bại ô nhục?
Chắc hẳn Chúa Giêsu biết điều này. Người biết các môn sinh của mình không hiểu về mầu nhiệm thập giá. Và Người từ từ khai mở và nâng đỡ các vị. Ngày nay chúng ta cũng thế thôi. Có được mấy ai hiểu thấu mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô. Ngay cả đến thánh Gioan thánh giá hay nhiều vị thánh được in “năm dấu thánh” như Phanxicô Axidi, Padrê Piô cũng cảm nghiệm mầu nhiệm này cách có chừng mực. Thực tế cho thấy Kitô hữu chúng ta dù ở vai vị nào đi nữa vẫn thích đeo thánh giá hơn là vác thánh giá. Tạ ơn Chúa, dù biết hiện thực này nhưng Chúa vẫn đón nhận chúng ta làm người cộng tác trong sự bất toàn lẫn bất túc của chúng ta. Vì chính trong sự yếu hèn của chúng ta thì tình yêu và quyền năng của Chúa lại tỏa sáng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn