TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 07/10/2024 22:42 |   242
Đức Giê-su nói: “Nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà…”. (Lc 11,37-41)

15/10/2024
THỨ BA TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

Thánh Têrêsa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

t3 t28 TN

Lc 11,37-41


CHỮA TẬN CĂN
Đức Giê-su nói: “Nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà… Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người”. (Lc 11,37-41)

Suy niệm: Người ta thường nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Nhưng giới Pha-ri-sêu thì không nghĩ như vậy. Họ trau chuốt bên ngoài bằng việc giữ luật cách chi li để tỏ ra mình đạo đức. Chúa Giê-su trách họ chăm chút “rửa sạch chén đĩa bên ngoài” nhưng trong lòng thì “đầy những chuyện cướp bóc gian tà.” Nhưng nhân đức phải phát xuất tự nội tâm và không được “xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa” (x. Lc 11,42); bởi Thiên Chúa là “Đấng làm ra cái bên ngoài” cũng là “Đấng làm ra cái bên trong”.

Mời Bạn: Những nghi thức, việc làm bên ngoài, tự chúng, không phải là xấu. Nhưng khi chúng thiếu đi điều thiết yếu bên trong là công bình và bác ái, thì những việc làm đó trở thành vô nghĩa. Thánh Phao-lô ca ngợi lòng bác ái đã nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3). Và thánh Au-gút-ti-nô cũng nói mạnh không kém: “Hãy yêu rồi làm gì thì làm.”

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi quyết tâm làm những việc nhỏ nhưng với tất cả tấm lòng yêu mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết thanh luyện nội tâm bằng những việc lành phúc đức và siêng năng kín múc ân sủng từ nơi Chúa để đời sống chúng con thực sự ngát hương bác ái cho đời. Amen.

Ngày 15: Lạy Mẹ Mân Côi! Mẹ được gọi là Đấng Hiệp Công Cứu Chuộc cùng với Đức Giêsu, Con của Mẹ. Mẹ đã làm gì để được Hội Thánh ca khen với danh hiệu cao trọng như thế? Việc mà Mẹ làm, là chẳng làm gì cả, ngoài việc thưa tiếng: “Xin Vâng”. Mẹ chẳng làm gì, nên Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả. Mẹ hoàn toàn buông mình theo ân sủng, nên Mẹ là Đấng Toàn Phúc, còn chúng con cứ giành làm với Chúa, nên chúng con thì toàn là họa. Mẹ như chiếc lá khô hoàn toàn buông mình theo làn gió Thánh Thần, nên Mẹ là Đấng Đầy Ân Sủng, còn chúng con không để Chúa làm, nên chúng con thì đầy hoạn nạn, khổ đau. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Is-ra-el, Chúa thường rộng lượng thứ tha.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I(Năm I) Rm 1, 16-25

“Dẫu loài người biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh Người cho xứng với Thiên Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi không hổ thẹn đạo Phúc Âm: vì đó là sức mạnh của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Vì trong đó, đức công chính của Thiên Chúa được tỏ ra bởi đức tin, nhằm vào đức tin, như có lời chép rằng: “Người công chính sống bởi đức tin”.

Quả thực, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa từ trời cao hiện ra trừng phạt những người vô đạo, bất công, cầm giữ chân lý của Thiên Chúa trong đường tà: vì chưng hễ sự gì có thể biết được về Thiên Chúa, thì đã được biểu lộ trong họ rồi, bởi Thiên Chúa đã tỏ bày cho họ. Từ khi sáng tạo thế gian, qua những loài thụ tạo, họ đã có thể nhìn nhận, hiểu biết những sự không trông thấy được của Thiên Chúa, nhất là quyền năng đời đời và thiên tính của Người, nên họ không thể chữa mình được. Vì dẫu họ biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh, không cảm tạ Người cho xứng với Thiên Chúa, song họ đã lầm lạc trong những hư tưởng của họ, và tâm trạng ngu muội của họ đã ra mù tối. Họ tự khoe là khôn ngoan, nhưng họ đã hoá ra điên dại. Họ đã hoán đổi vinh quang của Thiên Chúa bất hủ ra giống như hình ảnh của loài người hay chết và của loài chim, loài thú bốn chân và rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa để mặc cho họ buông theo lòng dục vọng tìm sự dâm ô, thậm chí làm ô nhục đến chính bản thân họ. Họ là những người đã hoán đổi sự chân thật của Thiên Chúa ra sự dối trá, đã thờ tự và phụng sự loài thọ tạo thay vì Ðấng Tạo Hoá, Người đáng chúc tụng muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa (c. 2a).

Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. 

Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 4, 31b – 5, 6

“Cắt bì là vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa. Chính tôi đây, Phaolô, tuyên bố cho anh em rằng: Nếu anh em chịu cắt bì, thì Ðức Kitô chẳng làm nên công trạng gì cho anh em. Tôi chứng thực một lần nữa với mọi người nào chịu cắt bì rằng: họ bị bắt buộc phải giữ trọn cả lề luật. Anh em muốn công chính hoá bởi lề luật, thì anh em tự tách biệt khỏi Ðức Kitô, và đã mất ân sủng rồi.

Về phần chúng tôi, nhờ Thánh Thần và nại vào đức tin, chúng tôi mong chờ trông cậy sự công chính. Bởi chưng trong Ðức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 41. 43. 44. 45. 47. 48

Ðáp: Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con (c. 41a).

Xướng: Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con, xin ban ơn phù trợ theo lời Ngài đã hứa. 

Xướng: Xin đừng rút lời chân lý khỏi miệng con, vì con trông cậy vào sắc dụ của Ngài. 

Xướng: Con sẽ tuân giữ luật pháp Chúa luôn luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi.

Xướng: Con sẽ bước đi trên đường rộng rãi, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài.

Xướng: Các chỉ thị Ngài làm cho con hoan lạc, đó là những điều con vẫn mến yêu. 

Xướng: Con giang tay cầu chỉ thị của Chúa, và con suy gẫm về những thánh chỉ của Ngài. 

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 37-41

“Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.

Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Hoặc đọc:

Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời….

Suy Niệm 

CHÚA KHUYÊN ĐỪNG VỤ HÌNH THỨC (Lc 11,37-41)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Các người biệt phái vẫn chống đối Đức Giê-su, tuy nhiên không phải tất cả, vì một số người có thiện cảm với Chúa và mời Người tới dự bữa cơm gia đình. Nhân dịp này, Đức Giê-su đưa ra một bài học về những cái bên ngoài và bên trong: bên ngoài là việc tuân thủ những qui định về hình thức; bên trong là lòng đạo thật. Nhóm biệt phái chỉ chú trong đến cái bên ngoài và bỏ quên cái bên trong.

2. Theo thói thường, việc rửa tay trươc khi ăn là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, nó như một nét văn hóa được các giáo viên  mầm non tập cho trẻ từ thuở bé. Và ở nhiều nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí như là một điều buộc phải làm để giữ vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các biệt phái thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.

3. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su nhận lời mời của một trong nhóm biệt phái đến dùng bữa tại nhà mình và những người này đã không thích gì Đức Giê-su và giáo huấn của Ngài, mặc dầu cho nhiều người chống đối xầm xì. Nhưng điều đáng nói ở đây là sự bất mãn của một số biệt phái đối với Đức Giê-su khi Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giê-su đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi nói: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài  chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng tạo thành  cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao”? Đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha nhân.

4. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy cho chúng ta  bài học về sự trong sạch đúng nghĩa. Nhóm biệt phái bắt bẻ Đức Giê-su và các môn đệ Ngài không rửa tay trước bữa ăn, họ cho rằng đó là lề luật. Đức Giê-su sửa lại những quan điểm sai lầm đó là lối sống vụ luật, hình thức. Việc rửa tay trước khi ăn là đều tốt bên ngoài nhằm bảo vệ sức khỏe. Nhưng chúng ta không dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài mà phải thanh tẩy bên trong tâm hồn trong sạch bằng lối sống công chính trong suy nghĩ và đối xử với tha nhân. Chính lòng quảng đại tha thứ đối với tha nhân có giá trị tẩy rửa tâm hồn và nâng cao giá trị tâm linh cho con người (5 phút Lời Chúa).

5. Lời Chúa nói với người biệt phái cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Bên ngoài đẹp như hàng “gin” của Tây Âu, nhưng bên trong thì là linh kiện rởm của những kẻ bắt chước. Nhiều người chúng ta tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô ngầm ý về danh tiếng và danh vọng.

6. Quan niệm và tâm thức của những người biệt phái thời Đức Giê-su coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Đức Giê-su hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn (Mỗi ngày một tin vui). 

7. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hay “Cái nết đánh chết cái đẹp” để khẳng định rằng giá trị bên trong cao quí hơn những gì người ta thấy bên ngoài. Trước những người biệt phái quá chú trọng về hình thức và luôn tự coi mình là công chính, Đức Giê-su nhắc nhở họ hãy nhìn lại bên trong con người mình. Qua lời nhắc nhở này, Đức Giê-su cũng muốn nói với chúng ta hôm nay: Đừng chỉ lo cho bề ngoài tươm tất, thơm tho mà quên mất phần tô đểm cho vẻ đẹp tâm hồn, bằng cách “bố thí” những gì tốt đẹp bên trong. Đó là cách để chúng ta được nên trong sạch.

8. Truyện: Cần thanh tẩy cõi lòng.

Có hai vị thiền sư trên đường về tu viện sau một cơn mưa, tình cờ họ gặp một cô thiếu nữ xinh đẹp đang đứng trước vũng sình to lớn chắn lối đi. Thấy vậy, một trong hai vị liền cõng cô trên vai rồi lội qua vũng sình để qua bên kia bờ. Vị tu sĩ cùng đi chung thấy cảnh tượng đó lấy làm khó chịu và cho đó là một gương mù gương xấu.

Suốt hai tiếng đồng hồ ông ta trách mắng vị tu sĩ đã cõng người con gái qua vũng sình bùn, vì làm như thế là đã phá giới của đạo rồi. Ông nói với vị tu sĩ kia rằng: “Thầy không biết mình là người tu sĩ sao? Tại sao thầy dám đụng đến một người phụ nữ. Hơn nữa, khi thầy cõng cô ta  qua vũng sình lầy như vậy dân chúng thấy sẽ suy nghĩ như thế nào? Họ còn tin vào đạo nữa không”? Vị tu sĩ bị mắng vẫn kiên trì lắng nghe, cuối cùng ông ta đáp lại rằng: “Thưa thầy, tôi đã để cô gái ở lại bên bờ kia rồi, còn thầy mới chính là kẻ cõng cô gái đó trong lòng mình”.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Têrêsa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ
Chúng ta hãy vui mừng và hân hoan, vì Chúa muôn loài đã yêu thương trinh nữ thánh thiện và hiển vinh.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban ơn Thánh Thần soi sáng thánh Tê-rê-xa Giê-su để người vạch ra cho Hội Thánh một con đường dẫn đến đỉnh cao toàn thiện. Xin cho chúng con được hấp thụ giáo huấn của người và luôn khát khao sống cuộc đời lành thánh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I
Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, ước gì của lễ chúng con dâng được Chúa thương chấp nhận như xưa Chúa đã vui lòng chấp nhận cuộc đời hoàn toàn dâng hiến của thánh nữ Tê-rê-xa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Người trinh nữ khôn ngoan đã chọn lấy phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đã lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con được cùng với thánh nữ Tê-rê-xa ca ngợi lòng từ bi Chúa đến muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ở TRONG CHÚA ĐỂ SINH NHIỀU TRÁI TỐT (Ga 15, 1-8)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Cây với cành nho được Chúa Giê-su dùng để chỉ sự kết hợp chặt chẽ giữa Thiên Chúa với Dân Người, như cành sống nhờ cây, cây truyền nhựa cho cành, cả cây lẫn cành ngoài tùy thuộc vào đất, nước, khí trời, còn phụ thuộc vào người trồng nho nữa. Con người cũng cần phải kết hợp với Thiên Chúa như vậy.

1. Ở trong…

Với ví dụ về cành và cây nho, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến sự “ở trong”. “Ở trong” là động từ chìa khóa của Tin Mừng Gio-an, nghĩa là thiết định một chỗ ở. Ở nói lên sự ổn định ‘an cư lạc nghiệp’. Đây là kế hoạch đầy tình thương của Thiên Chúa: chúng ta là những thụ tạo bất xứng, tội lỗi, thế mà Chúa mời gọi chúng ta ở với Chúa.

Để minh họa hình ảnh này, Chúa Giê-su nói: “Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái…” (x. Ga 15,4-8). Không ở trong Chúa Giê-su không thể không sinh trái được. Ai ở trong Chúa sẽ sinh nhiều hoa trái, là những trái tình yêu, tình yêu nảy sinh niềm vui. Chúng ta có thể nói mà không sợ lầm rằng niềm vui là hoa quả đích thực, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Từ cây nho chế ra rượu nho, rượu làm hoan hỉ lòng người, dấu chỉ của niềm vui.

2. Chúa Ki-tô là cây nho thật

Cây nho thật sinh nhiều trái tốt. Và đương nhiên, cây nho “xấu” không có trái, có đi chăng nữa thì cũng chỉ là trái chát, trái chua.

Khi nói: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái …” (Ga 15,4-8). Vậy nếu chúng ta ở, kết hợp với Chúa Giê-su, chúng ta sẽ có sự sống nơi Người, và sẽ sinh nhiều hoa trái. Khi ở và kết hiệp với Người chúng ta tiếp tục công việc của người là trao ban sự sống và tình yêu cho tha nhân; khi tách lìa Người chúng ta phá hủy công việc của Người và sinh ra hoa trái sự chết.

Vậy thì, ở trong Người như thế nào, gắn bó và kết hiệp với Người ra làm sao? Trước hết hãy cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta có thể “ở trong Người”, thiết lập tương quan Tình Yêu đối với Người. Nếu chúng ta không nài xin Tình Yêu, chúng ta không thể lãnh nhận được ân sủng và Tình Yêu.

3. Tê-rê-xa A-vi-la là khuôn mẫu cho việc kết hiệp với Chúa

Hôm nay là ngày lễ nhớ thánh nữ Tê-rê-xa A-vi-la. Vị nữ tiến sĩ Hội Thánh này đã sống trong một giai đoạn có nhiều xáo trộn nhất đối với Giáo Hội. Thánh nữ chào đời khi cuộc cải cách của người Tin Lành bắt đầu và qua đời vào thời Công Ðồng Trentô chấm dứt. Ngài như đóa hoa đẹp Thiên Chúa ban cho Hội Thánh giữa những gái góc đang phủ trên Hội Thánh.

Nói đến Thánh Tê-rê-xa A-vi-la, hẳn người ta không quên lời của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II khi đến A-vi-la vào tháng 11 năm 1982 rằng: “Từ A-vi-la, ngọn lửa tình yêu thương của Giáo hội lan tỏa, chiếu sáng và đốt nóng các nhà thần học và thừa sai. Ở đây, thánh Tê-rê-xa bắt đầu sự phục vụ một cách độc đáo Giáo hội của thời ngài, vào một thời sôi sục với cải cách và chống cải cách, ngài đã chọn con đường theo Đức Kitô một cách triệt để, xây dựng Giáo hội với những viên đá sống động của sự thánh thiện; ngài đã khơi dậy ngọn cờ của các lý tưởng Ki-tô giáo để thúc đẩy các mục tử của Giáo hội”.

Thánh Tê-rê-xa là bậc thầy về sự kết hợp với Chúa chiêm niệm và cầu nguyện. Theo ngài thì: “Tâm nguyện không là gì khác hơn cuộc trò truyện thân tình với Chúa, khi chúng ta thường xuyên dành thời giờ để một mình ở lại với Chúa là Đấng mà chúng ta biết rằng Ngài ở lại với chúng ta. Là Đấng mà chúng ta xác tín rằng Ngài yêu thương chúng ta”.

Ai trong chúng ta ai cũng sợ chết vậy mà trước giờ chết thánh Tê-rê-xa kêu lên “Ôi lạy Chúa, Vị Hôn Phu của con, giờ đã đến, giờ mà con hằng mong mỏi, giờ chúng ta gặp nhau”. Vì thế mà ngài là bậc thầy của chúng ta trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa.

Lạy thánh nữ Tê-rê-xa Giê-su, xin cầu cho chúng con. Amen.

 

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh nữ Têrêxa Avila qua đời tại Alba de Tormes, Tây Ban Nha, ngày 5 (theo lịch cũ Julien) hay ngày 15 tháng 10 năm 1582, ngày bắt đầu lịch mới Grégoire. Ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire XV phong thánh năm 1622, và được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên dương là tiến sĩ Hội Thánh năm 1970.

Têrêxa Giêsu, gọi là Avila (tên Tây Ban Nha là Teresa de Ahumada y Cepeda), sinh ngày 28 tháng 3 năm 1515 ở Avila (Tây Ban Nha), trong một gia đình quí tộc gồm 8 cậu con trai và 3 cô con gái. Được thấm nhiễm những câu truyện và những bài đọc đạo đức, lúc 8 tuổi, cô bé trốn nhà đến sống “giữa người Maures”  với hi vọng được tử đạo để “thấy Thiên Chúa”. Sau khi bị bắt về nhà, cô đã sống những năm hạnh phúc trong gia đình. Rất xinh đẹp và có duyên, cô cũng phần nào thích làm đỏm và vướng vào một chuyện rắc rối ngây thơ với một người anh họ. Bấy giờ – cô khoảng 16 tuổi – cha cô phải gửi cô đến ở nhà dòng thánh Augustine ở Avila; tại đây cô đã có quyết định trở thành nữ tu. Vì thế, sau khi trở về nhà, cô bị cha chống đối ơn gọi, nên cô đã trốn nhà để đi vào dòng Carmel Chúa Nhập Thể ở Avila ngày 2 tháng 11 năm 1537. Tại đây cô đã tuyên khấn trọng thể ngày 3 tháng 11 năm 1537, lúc 22 tuổi.

Tư chất thông minh nhưng sức khoẻ lại yếu kém, chị Têrêxa Giêsu gặp nhiều thử thách nghiêm trọng về sức khỏe; sau này chị nói với cha Diego: “Thưa cha, con nghi ngờ không biết có cơ thể sống nào lại chịu nhiều đau khổ hơn con.” Cũng thế, đời sống thiêng liêng của chị, trong khoảng hai mươi năm, cũng chỉ tỏ ra bình thường không có sự sốt sắng đặc biệt nào, cho tới mùa chay 1554, khi chị đọc quyển Tuyên Xưng (Confessions) của thánh Augustinô và suy ngắm trước hình Chúa chịu đánh đòn, chị đã hoán cải để bước vào một đời sống sốt mến nồng cháy. Từ đó, tình yêu Thiên Chúa của chị sẽ trở thành một “ngọn lửa thiêu đốt”. Sáu năm sau, “thị kiến” hoả ngục làm chị hiểu được giá trị của các linh hồn và mối nguy mất linh hồn. Lúc ấy chị quyết định làm mọi sự để cứu rỗi các linh hồn. Thế là bắt đầu thời kỳ thứ hai của cuộc đời Têrêxa Giêsu. Lúc ấy chị 40 tuổi.

Khao khát sống theo Tin Mừng hơn, và nhận thấy sự lỏng lẻo về kỷ luật tu trì trong tu viện của chị cũng như trong các tu viện khác của dòng Carmel, chị quyết định hiến mình cho việc cải cách Dòng. Được thánh Phêrô Alcantara và thánh Phanxicô Borgia nâng đỡ, năm 1562, chị Têrêxa lập tu viện cải cách đầu tiên của các chị dòng Carmel “đi chân không”, tu viện Thánh Giuse ở Avila. Tại đây, các nữ tu nghiêm ngặt tuân giữ bộ Luật Dòng Carmel nguyên thuỷ. Các ơn gọi tăng nhanh và sự sốt sáng của các chị em thật cao vời. Vài năm sau, năm 1567, chị được phép của Bề trên tổng quyền Carmel thiết lập thêm những tu viện cải cách khác. Thế là chị Têrêxa Giêsu bắt đầu một đời sống kỳ diệu, hầu như luôn luôn hành trình trong sự thiếu tiện nghi và nguy hiểm. Năm 1571, chị trở về làm bề trên tu viện Chúa Nhập Thể ở Avila (1571-1574) và tổ chức công cuộc cải cách ở đây, với sự trợ giúp của thánh Gioan Thánh Giá. Sau đó chị lại tiếp tục các cuộc hành trình để mở những tu viện mới. Năm 1567, bề trên tổng quyền dòng Carmel cho phép chị Têrêxa Giêsu lập những tu viện cải cách cho nam giới; chị trao nhiệm vụ này cho thánh Gioan Thánh Giá, cha giải tội của chị từ 1572 đến 1577. Như thế, đến khi chị mất năm 1582, chị đã lập được 16 tu viện nữ và 14 tu viện nam.

Thánh Têrêxa Avila đã để lại cho chúng ta một kho văn chương vô cùng phong phú, có giá trị tuyệt vời. Các tác phẩm của thánh nữ được xếp theo trình tự thời gian gồm: Sách cuộc đời (tiểu sử tự thuật); Con đường hoàn thiện; Các tư tưởng về Tình yêu Thiên Chúa; Các lời cảm thán; Hiến pháp Dòng; Lập các tu viện; Cách thức kinh lý tu viện; Lâu đài nội tâm hay Bảy nơi cư trú của linh hồn (hành trình của ân sủng trong bảy nơi cư trú của linh hồn); Các lời khuyên; Các tư tưởng và các bản văn ngắn khác; Các vần thơ; Thư từ (khoảng 650 lá thư). Tính cách của thánh Têrêxa Avila được phản ánh trong các tác phẩm của ngài mà ngày nay vẫn còn sức hấp dẫn đối với các tín hữu và người ngoại đạo. Những tác phẩm nay tạo cho thánh Têrêxa Giêsu một chỗ đứng độc đáo, không những trong lãnh vực tôn giáo, mà cả trong lãnh vực văn chương miền Castille và thế giới.

Thông điệp và tính thời sự

Những bản văn phụng vụ làm nổi bật những đặc điểm khoa linh đạo của thánh nữ Têrêxa.

Lời Nguyện của ngày gợi ra “con đường hoàn thiện” mà thánh nữ đã vạch ra cho Hội Thánh qua những tác phẩm và gương sáng của ngài, cũng như “học thuyết thiêng liêng của ngài” khiến ngài nhận được danh hiệu “tiến sĩ Hội Thánh”.

Theo thánh Têrêxa, thực sự Thiên Chúa là tất cả, nhưng loài người trong sự hư vô của mình không thể nào đạt tới Thiên Chúa nếu không có Chúa Kitô, “Đấng ban mọi điều lành cho chúng ta.” Chỉ mình ngài làm chúng ta nhận biết Thiên Chúa và chỉ mình Người cho chúng ta gặp được Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì Chúa Giêsu là “Người bạn và Người lãnh đạo tốt lành”, “Người bạn chân thực”. “Hãy nhìn ngắm cuộc đời Người, đó là mẫu mực hoàn hảo nhất.” “Thiên Chúa muốn chúng ta nhận được mọi sự nhờ bản tính nhân-thần này . . . và chúng ta phải vào qua cửa này nếu chúng ta muốn Thiên Chúa uy linh mạc khải những bí nhiệm vĩ đại của Người.” (Tiểu sử).

Nếu Thiên Chúa là viên đá chóp đỉnh của học thuyết thiêng liêng của thánh Têrêxa Giêsu, thì kinh nguyện là từ chủ chốt. Thánh nữ mô tả kinh nguyện như “một mối quan hệ tình bạn thân thiết nhờ đó một mình nói chuyện với Thiên Chúa mà chúng ta biết mình được Người yêu thương” (Tiểu sử). Lời cầu nguyện lấy chất liệu từ trong Tin Mừng, và theo thánh nhân nói, “những lời Tin Mừng luôn làm tâm hồn tôi lắng đọng hơn mọi cuốn sách tuyệt nhất” (Con Đường . . . ), và kinh nguyện cũng đòi hỏi những điều kiện thích hợp: thanh vắng, thinh lặng, nghèo khó, v. v… Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn kết hợp với Thiên Chúa trong thanh vắng và qua kinh nguyện, thì không phải vì một mục đích ích kỷ, mà phải vì vinh quang Thiên Chúa, vì muốn đem Chúa đến cho người khác, nói với Chúa về người khác. Mối quan tâm đến các linh hồn luôn hiện diện trong tâm trí thánh Têrêxa, khiến thánh nữ từng nói sẵn sàng hy sinh cả ngàn lần đời mình–nếu ngài có–để cứu dù chỉ một linh hồn. Chính vì thế thánh nữ đã viết, các nữ tu Carmel đi chân không của tư tưởng viện thánh Giuse đã “khấn hứa cầu nguyện cho các vị bảo vệ Hội Thánh, các nhà giảng thuyết và các nhà thần học.” (Con đường): “Kinh nguyện của những người phụng sự Thiên Chúa có tác động rất lớn” (Tiểu sử).

Lời Nguyện trên lễ vật bộc lộ rõ “quả tim hoàn toàn dâng hiến (cho Thiên Chúa)” của thánh Têrêxa. Không ngừng trò chuyện với Thiên Chúa, thánh nhân thường xuyên được lôi cuốn vào trạng thái xuất thần. Thậm chí ngài còn được in năm dấu thánh, như ngài kể trong Tiểu sử (29, 13) và đã được nhà điêu khắc Bernin tạc thành tác phẩm tuyệt vời bằng đá cẩm thạch (Thánh đường Đức Mẹ Chiến Thắng, Rôma). Tuy nhiên, thánh Têrêxa Giêsu không bao giờ cho rằng sự thánh thiện hệ tại những hiện tượng phi thường. Bản thân ngài “hoàn toàn cháy lửa mến Chúa nồng nàn”, thánh nữ khuyên dạy các chị em tu sĩ của mình đâu là điều cốt yếu của sự thánh thiện: “Ai có Thiên Chúa thì không thiếu sự gì: Thiên Chúa là đủ cho họ. Mọi của cải của chúng ta là ở việc chu toàn thánh ý Chúa … Là con người thiêng liêng đích thực, các chị em có hiểu điều đó nghĩa là gì không ? Đó là làm những nữ tỳ của Thiên Chúa.

Với Lời Nguyện sau hiệp lễ, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta có thể ca hát tình thương Chúa đến muôn đời, giống như thánh nữ Têrêxa Avila.

Cả cuộc đời, nhất là sau “cuộc hoán cải”, thánh nữ giống như bị thiêu đốt vì lòng khao khát Thiên Chúa. Ca Nhập lễ (Như con nai khao khát nước sự sống . . . ), và thánh thi của Giờ Kinh Sách diễn tả niềm khao khát vĩnh cửu: “Chết vì không được chết / luôn luôn đeo đuổi ngài / đến nơi ở thứ bảy / tâm điểm của linh hồn / và ngài đến loan báo / Tình yêu gọi chúng ta.

Trên giường hấp hối, thánh nữ Têrêxa bộc lộ niềm khao khát Thiên Chúa bằng những lời đầy cảm hứng và nồng cháy: “Lạy Chúa và Hôn phu của con, giờ mong đợi đã đến. Đây là lúc chúng ta hội ngộ. Người Yêu của con, Chúa của con, đã đến giờ ra đi. Giờ đã đến. Xin cho ý Chúa thể hiện. Vâng, đã đến giờ con từ bỏ cõi lưu đày này và là giờ hồn con vui hưởng Chúa, Đấng con hằng khao khát.”

Thánh nữ Têrêxa ra đi về nhà Hôn phu, “khuôn mặt bừng cháy như mặt trời”. Ngài đã linh cảm được giây phút này và tả lại nó trong một tác phẩm của mình: “Con bướm vàng bé nhỏ đã chết trong niềm vui mênh mang là tìm thấy nơi an nghỉ, và Chúa Kitô sống trong nó . . . Nguyện cho Người được mọi tạo vật chúc tụng và tán dương đến muôn đời.” (Lâu Đài . . .  VIII Dem. 3, 1 và 15).

Enzo Lodi

TÔN GIÁO TRANG ĐIỂM
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà!”.

“Những người theo ‘tôn giáo trang điểm’ chú trọng vẻ bề ngoài. Họ giả vờ xuất hiện theo một cách thức ‘vui mắt’ nào đó, đang khi bên trong - như Chúa Giêsu nói - là những ngôi mộ đầy xương người chết và mọi thứ ô uế!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu ‘bóc trần’ một người biệt phái mời Ngài dùng bữa. Ông này trách Ngài không rửa tay trước khi ăn; Ngài cho ông biết, ông giả hình! Với Đức Phanxicô, ông là người theo ‘tôn giáo trang điểm!’.

“Bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà!”. Qua đó, Ngài muốn nói, luật có mục đích giải thoát con người - khỏi các thần ngoại và ách nô lệ tội lỗi - để con người có thể thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng với những người Pharisêu, lề luật, các tập tục và các quy định bổ sung tự nó đã trở thành mục đích; vì thế, nó trở nên gánh nặng. Nó đã bị cắt xén và tách khỏi Đấng mà nó hướng đến. Phaolô mạnh mẽ cảnh báo, “Anh em tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng!” - bài đọc một.

Ngày nay, Giáo Hội có đủ luật lệ, tập tục và các quy định khiến những người Pharisêu khắt khe nhất - và cả chúng ta - tự hào. Thế nhưng, mối nguy ở chỗ, chúng được tuân thủ một cách chặt chẽ đến nỗi chúng ta không còn nhìn thấy Đấng mà chúng giải thoát để chúng ta tôn thờ. Tuân theo chúng một cách mù quáng, chúng ta không cho phép trái tim và tâm trí mình được giáo dục và hình thành bởi chúng. Kết thúc bằng việc ‘lau sạch bên ngoài’ các thứ, chúng ta dừng lại ở đó mà không nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa; chúng ta không để tình yêu đó thanh tẩy trái tim mình, trái tim của một người đang ‘cải đạo’ để theo ‘tôn giáo trang điểm’.

Cái bẫy thứ hai ở một thái cực khác: tự cho mình một lối thoát dễ dàng bằng cách cho rằng, “Điều quan trọng là tấm lòng của tôi! Nếu trái tim tôi đặt đúng chỗ, tôi không cần lo lắng về tất cả những quy tắc này và những thứ tương tự!”. Với thái độ lỏng lẻo, chúng ta dễ dàng cho phép mình khinh suất lề luật hầu cốt làm sao được thoải mái. “Tôi biết hôm nay là Chúa Nhật, tôi phải đi lễ; nhưng đây là kỳ nghỉ! Chúa biết tôi là người tốt!”. Tuy nhiên, trong Thánh Lễ Chúa Nhật, chúng ta nhận được bao ân sủng cần thiết để trở thành “người tốt!”. Luật giữ ngày Chúa Nhật và bất kỳ quy định nào của Giáo Hội đều có mục đích dẫn chúng ta đến với Chúa.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà!”. “Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mình luôn tỉnh táo và sáng suốt để không bao giờ mệt mỏi chống lại ‘chủ nghĩa vị kỷ’ khi đi theo tôn giáo ‘nệ luật’ này; và rằng, chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi từ chối tôn giáo của vẻ bề ngoài, tôn giáo của sự giả vờ, ‘tôn giáo trang điểm!’. Thay vào đó, chúng ta cam kết tiến hành “thầm lặng, làm điều thiện”; và như thế - một cách tự do - chúng ta đã tự do nhận được sự tự do nội tâm của mình!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chạy theo ‘thời trang tôn giáo’; vì như thế, con sẽ đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Ba tuần 28 Thường niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây