TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 14/10/2024 14:44 |   298
“Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12,35- 38)

22/10/2024
Thứ ba tuần 29 THƯỜNG NIÊN

Thánh Gioan Phaolô II, giáo hoàng

t3 t29 TN

Lc 12,35-38


phúc cho những đầy tớ ấy
“Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12,35- 38)

Suy niệm: “Thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” đó là những nét chấm phá mô tả thái độ sẵn sàng của người tôi tớ trung thành. Chủ đề của dụ ngôn đã quen thuộc: ông chủ và người đầy tớ. Nhưng sứ điệp thì lại mới: người đầy tớ phải sẵn sàng đợi chờ chủ về cách bất ngờ. Phần thưởng cho sự tỉnh thức đó không phải là tăng lương, không phải là một ngày nghỉ bù. Không, không phải là bất cứ thứ gì người đầy tớ có thể tưởng tượng ra: chính người chủ lại đảo ngược vị thế để trở thành tôi tớ phục vụ người đầy tớ của mình: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn và đến bên từng người mà phục vụ”.

Mời Bạn: Phần bạn, bạn có bao giờ tưởng tượng ra có một người chủ nào như thế không? Thế mà có đấy, chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên bạn, nay lại trở thành tôi tớ phục vụ bạn là con người. Bạn còn nhớ Chúa Giê-su đã quì xuống rửa chân cho các tông đồ chứ? Nhưng đó mới chỉ là hình ảnh của việc Ngài chịu đóng đinh vào thập giá như một tên tội đồ để đền tội thay cho bạn, thay cho tôi, thay cho chúng ta. Bạn có muốn phục vụ một ông chủ như thế không? Có bao giờ bạn bắt chước Ngài, phục vụ những người có địa vị xã hội thấp kém hơn bạn không? Đặc biệt, bạn hãy xét xem mình phục vụ những người thân trong gia đình mình như thế nào?

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ một người trong gia đình bạn hoặc nơi bạn làm việc, với ý thức rằng bạn đang phục vụ Đức Ki-tô đang hiện diện nơi người ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống khiêm tốn, để con phục vụ anh em con như phục vụ chính Chúa. Amen.

Ngày 22: Lạy Mẹ Mân Côi! Xin cho chúng con ý thức rằng: Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững, chứ không ngã quỵ. Dưới chân thập giá, Mẹ vẫn im lặng, nhưng sự thinh lặng đầy can đảm thấu tận trời cao: Không một tiếng rên la, than vãn, nhưng là một sự hiệp thông sâu xa để chuyển thành ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại chúng con. Dưới chân thập giá, Mẹ đã trở thành Mẹ của tất cả nhân loại. Vì thế, trong cuộc sống hằng ngày, xin Mẹ luôn đứng bên cạnh tất cả chúng con, nhất là những ai đang đau khổ. Xin cho chúng con luôn vững vàng, vì biết rằng: Mẹ luôn âm thầm chia sẻ và chịu đựng nỗi đau khổ của từng người chúng con như thể của riêng Mẹ. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ ba tuần 29 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài. 

Lời nguyện nhập lễ

 Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 5, 12. 15b. 17-19. 20b-21

“Nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị, thì càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa và ơn huệ kèm trong ân sủng của một người, là Ðức Giêsu Kitô, càng tràn ngập chan chứa hơn nữa tới nhiều người. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô.

Do đó, tội của một người truyền đến mọi người, đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người, đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.

Nhưng ở đâu càng đầy tràn tội lỗi, thì ở đó càng tràn đầy dư dật ân sủng: để như tội lỗi đã thống trị làm cho người ta chết thế nào, thì nhờ đức công chính, ân sủng sẽ thống trị làm cho người ta sống đời đời do Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa

Xướng: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. 

Xướng: Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

Xướng: Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. .

Xướng: Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 2, 12-22

“Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, khi ấy anh em không có Ðức Kitô, anh em bị đặt ra ngoài cộng đồng Israel, anh em là những người xa lạ đối với những giao ước, không được cậy trông lời hứa và cũng không được biết Thiên Chúa ở cõi đời này. Xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ, để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.

Vì vậy, anh em không còn là khách trọ và khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các Thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ và các Tiên tri, có chính Ðức Giêsu Kitô làm đá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa; trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Chúa phán bảo về sự bình an cho dân tộc Người (c. 9).

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. 

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài.

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức đững vững trước mặt Con Người – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 35-38

“Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

 Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

 Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

 Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG (Lc 12,35-38)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Tỉnh thức” là hệ luận rút ra khi được Lời Chúa tuần trước dạy rằng mọi sự ở trần gian này đều là phù vân, tạm bợ, chỉ là những phương tiện để con người kiến tạo cho mình cuộc sống đời đời. Ai cũng phải công nhận, cuộc sống của con người thật bấp bênh. Nhiều thi sĩ Việt nam đã diễn tả tư tưởng ấy trong thơ văn, như “Ôi nhân sinh là thế ấy! Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao” (Nguyễn Khuyến). Cho nên Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta đừng coi thường chân lý nền tảng này: Hãy tỉnh thức! Hãy sẵn sàng”.

2. Hôm nay, Chúa Giê-su nhắn nhủ chúng ta phải luôn sẵn sàng cho giờ từ giã cõi đời này để bước vào sự sống đời sau. Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su nhắc đi nhắc lại nhiều lần cụm từ “Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà tỉnh thức”. Qua hình ảnh ẩn dụ đó Chúa Giê-su nói đến sự trở về bất ngờ của ông chủ là cái chết của mỗi người. Giờ chết luôn là một sự bất ngờ, không ai biết rõ. Nên phúc cho ai tỉnh thức trước giờ chết của mình. Muốn tỉnh thức chúng ta phải xa tránh tội lỗi, chăm lo làm những việc lành phúc đức. Cuộc sống luôn đầy dẫy những cám dỗ hấp dẫn, chúng dễ ru ngủ ta làm ta lơ là không đề phòng nên dễ sa ngã. Hãy tỉnh thức bằng đời sống cầu nguyện, bác ái, yêu thương, siêng năng lắng nghe Lời Chúa để luôn sẵn sàng cho giờ chết (5 phút Lời Chúa).

3. Vậy tỉnh thức và sẵn sàng là gì?

Chúa Giê-su loan báo cho các môn đệ biết: Ngài sẽ trở lại trong ngày Quang lâm. Hãy chờ đợi. Hãy tỉnh thức chờ đợi. Tỉnh thức là đang ở trong tư thế sẵn sàng và sẵn sàng cũng là lúc đang tỉnh thức, đó là lúc con người đang chuẩn bị trong mọi lúc. Được chuẩn bị không có nghĩa là hoàn thành hết mọi việc mà người ta muốn hoàn thành. Nó có nghĩa là phải sống trung thực với trách nhiệm của mình trong giây phút hiện tại.

Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ mà là ngủ trong tỉnh thức. Tỉnh thức không phải là ngồi không mà chờ đợi, nhưng vẫn làm như thường trong tư thế chờ đợi. Có những người tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại ngủ mê trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Tỉnh thức cũng không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa, nhưng là để Lời Chúa chi phối đời mình.

4. Chúa phán: Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” (Lc 12,35).

Đây là lối ăn mặc của người đang làm việc theo phong tục của người Do-thái.

Theo nghĩa bóng là phải sẵn sàng, tức là loại bỏ tất cả những gi làm cản trở  sức sống thiêng liêng của ta: như các đam mê theo dục vọng bất chính. Và điều này thánh Phao-lô cũng khuyên nhủ chúng ta: phải tỉnh thức và tiết độ (1Pr 5,8).

Thắp đèn cho sẵn” là thái độ  tỏ lòng mong đợi Đấng Cứu Thế (Xh 12,11), nghĩa bóng là có một đời sống đức tin cậy mến sáng chói để chờ đợi Chúa đến trong giờ chết của mình. Về điểm này thánh Phao-lô có nói:  Phải là một lính chiến, can đảm chống lại mọi mưu chước của ma quỷ, thế gian, xác thịt với khí giới của Thiên Chúa: lấy chân lý làm đai lưng, lấy công chính làm áo giáp, lấy nhiệt thành với Tin Mừng làm giầy trận, lấy đức tin làm thuẫn, lấy ơn cứu độ làm mũ và lấy lời Chúa làm gươm” (Ep 6,14-17) (Trần Hữu Thành).

5. Đời sống là một chuỗi những ngày tháng mong đợi. Anh bảo vệ mong cho hết ca trực, chị công nhân mong cho đến giờ tan ca, em học sinh mong thi đậu, đứa bé mong mẹ đi chợ về. Trong câu chuyện dụ ngôn, người đầy tớ không phải là người thợ làm công ăn lương; trái lại, người đầy tớ ấy ở tại nhà của chủ như người trong nhà. Vì thế, dù phải thức đến canh hai hoặc canh ba, người đó vẫn chờ  để mở cửa khi chủ trở về. Đó là hạnh phúc của anh. Hạnh phúc cho ai biết phụng sự Chúa như người tôi tớ trung thành. Khi ấy, chính Chúa sẽ phục vụ và chăm sóc họ như ông chủ trong câu chuyện. Người sẽ đưa họ vào Nước Trời hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Người.

6. Truyện: Vườn hoa xinh đẹp.

Tại Thụy sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ mầu sắc. Nằm giữa vườn là một vườn hoa tráng lệ. Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn… ai cũng phải công nhận đã có một sự chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo một óc thẩm mỹ hiếm có của người chủ vườn. Một du khách đi qua đây, thoáng nhìn ông đã thấy như say mê. Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra. Chủ khách chào hỏi lẫn nhau. Rồi từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, sự phối hợp mầu sắc… câu chuyện đi đến chỗ thân tình.

Du khách hỏi:

– Xin lỗi cụ, cụ ở đây được bao lâu rồi?

– Khoảng 40 năm rồi.

– Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cảnh, chắc giờ này ông có nhà?

– Ông ta không có ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi.

– Ông có thư từ gì với cụ không?

– Không, ông ta bận lắm.

– Ông ta không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ?

– Hàng tháng tôi chỉ nhận được ngân phiếu từ ông ta để chi phí mọi sự cho khu vườn này.

– Thế tội gì cụ phải săn sóc kỹ lưỡng thế này, ông chủ có mấy khi đến thưởng ngoạn đâu?

– Tôi thì lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao phó việc bảo quản khu vườn này, mình phải tận tụy chờ lúc nào ông chủ về cũng được, ông sẽ hài lòng với công việc của tôi. Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ, chính tôi cũng được thưởng ngoạn cảnh đẹp do chính tay mình làm nên.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Gioan Phaolô II, giáo hoàng

Theo lễ chung các Thánh mục tử: Thánh Giáo hoàng

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Chúa đã đặt Thánh Gioan Phaolô làm giáo hoàng lãnh đạo toàn thể Hội Thánh, xin cho chúng con được thấm nhuần giáo huấn của thánh nhân, luôn tin tưởng mở rộng tâm hồn đón nhận ân sủng cứu độ của Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

Bài đọc: Is 52, 7-10

Khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Bài trích sách tiên tri Isaia

Đẹp thay trên núi, chân của sứ giả loan báo hòa bình, của sứ giả loan báo tin vui cứu độ, của người nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi hiển trị!

Tiếng những người canh gác của ngươi. Họ lên tiếng, cùng nhau reo vui hoan hỉ. Họ sẽ thấy tận mắt khi Chúa trở về với Sion.

Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng và hân hoan, vì Chúa đã an ủi dân Ngài, đã cứu chuộc Giêrusalem.

10 Chúa đã bày tỏ cánh tay thánh thiện của Ngài trước mặt muôn dân, và khắp bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Đó là Lời Chúa.

Đáp ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 10 (Đ. 3)

Đáp: Giữa muôn dân, hãy loan báo những kỳ công của Chúa.

Xướng: Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi khắp địa cầu. Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh.  Đ.

Xướng: Ngày qua ngày, loan báo ơn Ngài cứu độ. Giữa muôn dân, hãy loan báo vinh quang Chúa, nơi muôn nước, hãy kể lại kỳ công của Ngài.  Đ.

Xướng: Hãy dâng Chúa, nào muôn dân trăm họ, hãy dâng Chúa uy quyền với vinh quang, hãy dâng Chúa vinh quang danh Ngài.  Đ.

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia. Tôi là mục tử tốt lành, Tôi biết các chiên của Tôi, và các chiên của Tôi biết Tôi, Alleluia.

Tin Mừng: Ga 21, 15-17

Hãy chăn dắt các chiên con của Thầy, hãy chăn dắt các chiên của Thầy.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan

Khi ấy, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ và dùng bữa với các ông xong, Chúa Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi lần thứ hai: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không? Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Hãy chăn dắt các chiên của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi đến lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Hãy chăn dắt các chiên của Thầy”.

Đó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng hy lễ này để tôn vinh Chúa trong ngày kính nhớ Thánh Gioan Phaolô, xin Chúa đoái thương chấp nhận và ban cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Ca hiệp lễ  x. Ga 10, 11

Vị mục tử tốt lành thí mạng sống mình vì đàn chiên. (MPS. alleluia)

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận khơi lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu đã bừng cháy mạnh mẽ nơi Thánh Gioan Phaolô, thúc đẩy ngài luôn dấn thân phục vụ Hội Thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

——————————

Nguồn:  Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí tích
http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccdds/documents/rc_con_ccdds_doc_20110402_colletta_lt.html

ỦY BAN PHỤNG TỰ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM chuyển ngữ


ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Gioan-Phaolô II vị giáo Hoàng của thời đại.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II sinh ngày 18.05.1920 tại Wadowice - một thành phố cách Kraków (Ba Lan) chừng 50 km - ngài là người con út trong 3 người con của ông Karol Wojtyła và bà Emilia Kaczorowska, qua đời vào năm 1929. Người anh cả của ngài là Edmund, bác sĩ, qua đời năm 1932 và thân sinh của ngài, một sĩ quan quân đội qua đời vào năm 1941. Trong khi chị của ngài, Olga, qua đời trước khi ngài được sinh ra.

Được rửa tội vào ngày 20.06.1920 tại nhà thờ giáo xứ Wadowice ngay bên cạnh nhà của gia đình ngài do cha Franciszek Zak; rước lễ lần đầu lúc 9 tuổi và lãnh nhận bí tích Thêm sức lúc 18 tuổi. Sau khi học hết chương trình trung học tại Marcin Wadowita, Wadowice, năm 1938, cậu ghi danh vào Đại học Jagellónica, Cracovia.

Khi quân xâm lược Naziste đóng cửa trường đại học vào năm 1939, cậu Karol làm việc (1940-1944) trong một hầm mỏ, và sau đó, trong một nhà máy hóa chất Solvay để kiếm sống và tránh bị đưa vào các trại tập trung bên nước Đức.

Từ năm 1942, cảm thấy mình có ơn gọi làm linh mục, cậu bắt đầu theo học tại Đại Chủng viện chui tại Cracovia dưới sự hướng dẫn của chính Tổng Giám mục Cracovia, ĐHY Adam Stefan Sapieha. Trong thời gian đó, thầy cũng là một trong những người tổ chức “Kịch nghệ Rapsodico”, cũng dưới hình thức chui.

Sau khi chiến tranh kết thúc, thầy tiếp tục theo học trong Đại Chủng viện Cracovia mới được mở cửa lại, và tại Phân khoa Thần học của Viện Đại học Jagellónica, cho đến khi chịu chức linh mục tại Cracovia vào ngày 11.11.1946, do sự đặt tay của Đức Tổng Giám mục Sapieha.

Sau đó, ngài được gởi qua Roma để theo học dưới sự hướng dẫn của cha Dòng Đa Minh người Pháp, cha Garrigou-Lagrange, và vào năm 1948, ngài đậu tiến sĩ thần học với luận án: “Đức tin trong các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh giá” (Doctrina de fide apud Sanctum Ioannem a Cruce). Trong thời gian này, vào các kỳ nghỉ hè, ngài thường làm việc mục vụ cho người Ba Lan tại Pháp, Bỉ và Hòa Lan.

Vào năm 1948, ngài trở về Ba Lan, lúc đầu làm phó xứ Niegowić, gần Cracovia, và sau đó, làm phó xứ Thánh Floriano, trong thành phố. Đồng thời, ngài cũng làm tuyên úy sinh viên cho đến năm 1951, vừa theo học triết học và thần học. Vào năm 1953, ngài trình luận án tại Đại học Công giáo Lublino với đề tài: “Thẩm định khả năng thiết lập một nền luân lý Kitô từ hệ thống luân lý của Max Scheler”. Sau đó, ngài trở thành giáo sư Thần học Luân lý trong Đại Chủng viện Cracovia và tại Phân khoa Thần học Lublino.

Ngày 04.07.1958, Đức Giáo hoàng Piô XII đặt ngài làm giám mục hiệu tòa Ombi và giám mục phụ tá Cracovia. Ngài được thụ phong giám mục vào ngày 28.09.1958 tại nhà thờ chánh tòa Wawel (Cracovia), do sự đặt tay của Đức Tổng Giám mục Eugeniusz Baziak.

Ngày 13.01.1964, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đặt ngài làm Tổng Giám mục Cracovia và rồi đề cử ngài lên tước vị Hồng y vào ngày 26..06.1967.

Ngài tham dự Công đồng Vaticano II (1962-1965) với sự đóng góp quan trọng trong việc soạn thảo Hiến chế Gaudium et Spes. Với tư cách Hồng y, ngài cũng là thành viên trong 5 Thượng Hội đồng Giám mục trước khi trở thành Giáo hoàng vào ngày 16.10.1978 và long trọng khởi đầu tác vụ Thánh Phêrô vào ngày 22.10.1978.

Ngài qua đời tại Vatican ngày 02.04.2005, lúc 21:37 (gần hết ngày thứ Bảy, bước vào Ngày Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót).

Từ chiều hôm ấy cho đến lễ an táng của ngài vào ngày 08.04, đã có hơn ba triệu khách hành hương đến Roma để kính viếng ngài, dù phải xếp hàng chờ đợi cả 24 giờ mới có thể vào được bên trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.

Sau đó ngày 28.04, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã miễn chuẩn thời gian chờ đợi 5 năm sau ngày qua đời để khởi sự thủ tục phong chân phước và phong thánh cho Ngài. Thủ tục này đã được chính thức khai mở vào ngày 28.06.2005 do Đức Hồng y Camillo Ruini, Tổng Đại diện coi sóc giáo phận Roma.

Bốn năm sau, ngày 19 tháng 12 năm 2009 ngài đã được Giáo hoàng Bênêđictô XVI phong là Đấng đáng kính  và đến ngày 1 tháng 5 năm 2011 ngài được phong chân phước.

Cuối cùng ngài được Giáo hoàng Phanxicô tuyên thánh vào lúc 10g (3g chiều Việt Nam), ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót 27.4.2014 ngày 27 tháng 4 năm 2014. Vì ngài là người sáng lập ra Đại hội Giới trẻ Thế giới nên được chọn là một trong những vị quan thầy bảo trợ cho nhiều kỳ đại hội này kể từ năm 2008.

CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Có thể nói con đường nên thánh của Ngài được đặt trên nền tảng của ba cột trụ này:

- Bí tích Thánh Thể.

- Bí tích hòa giải:

- Và lòng sùng kính Đức Mẹ

Trước mỗi chuyến công du, ngài cầu nguyện rất nhiều, xưng tội trước khi đi công du. Ngài vẫn giữ thói quen rất lành thánh là xưng tội hằng tuần. Ngài cổ võ mạnh mẽ cho việc tôn sùng Thánh Thể. Khi viết về những giáo huấn liên quan đến đức tin, ngài thường quỳ gối viết trước Thánh Thể, gần giống như Thánh Thomas Aquino dựa đầu vào Nhà Tạm trước khi nói về Thánh Thể.

Đặc biệt Ngài là “Giáo hoàng của Đức Mẹ” với khẩu hiệu “Totus Tuus” (Tất cả của con là của Mẹ, con hoàn toàn thuộc về Mẹ). Đức Gioan-Phaolô II rất trung thành với Chuỗi Mân Côi, ngài lần hạt từng ngày. Vào mỗi thứ Bảy đầu tháng, ngài lần hạt chung với giáo dân tại Hội trường Phaolô VI. Dịp các Đức Giám Mục hành hương năm 2000, ngài mời chị Lucia đến đọc Kinh Mân Côi, chị đọc một bè bằng tiếng Bồ Đào Nha, ngài và các Giám mục đọc một bè bằng tiếng La Tinh. Ngài đã viết hai văn kiện lớn về Đức Mẹ: Thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Độ) và Tông thư Rosarium Vigilis Mariae (Kinh Rất Thánh Mân Côi). Chính ngài đã thêm vào Năm Mầu Nhiệm Sự Sáng và công bố Năm Mân Côi (từ tháng 10.2002 đến tháng 10.2003).

Cuối cùng, nói đến Đức Gioan-Phaolô II chúng không thể không nói đến sáng kiến đặc biệt của Ngài đối với Giới trẻ. Sáng kiến của Ngài vẫn còn được duy trì trong Giáo Hội mãi đến hôm nay và có lẽ cho đến ngày tận thế. Sáng kiến này được bắt đầu vào năm 1985. khi ngài công bố lập ngày giới trẻ thế giới (JMJ) 2 năm 1 lần. Đầu tiên là Rôma (1985), Buenos Aires (Argentine 1987), Santiago de Compostella (Tây Ban Nha 1989)…và nhiều nơi sau đó trên thế giới, để những người trẻ có thể gặp gỡ nhau, cùng ngài tôn vinh Thiên Chúa, đồng thời cùng nói lên niềm hy vọng của nhân loại, rồi sẽ trở về nhà như “những chứng nhân không chút sợ hãi của Tin Mừng “

Với sáng kiến này, Ngài đã truyền cho giới trẻ sự dũng cảm, lòng nhiệt thành khi phải đối đầu với nền văn hóa của sự chết như chiến tranh, bạo lực, nạn phá thai,… để duy trì sự sống cho con người.

Xin được kết thúc bằng Lời của Ngài nói với các bạn trẻ năm 1993 trong diễn từ tại Denver, Colorado, nơi tổ chức Đại hội Giới Trẻ Thế giới:

Hỡi những người trẻ.

Chúa Kitô cần tới các con để thắp sáng địa cầu, để chỉ cho nhân loại ‘nẻo đường đi tìm sự sống (Ps. 16:11. Thách thức mới là các con cần phải thể hiện sự có mặt của Giáo hội Chúa bằng chính cuộc đời và lối sống cụ thể của các con. Các con hãy sắp sẵn trí khôn, tài năng, lòng nhiệt thành và tình thương của các con để đối diện với đời sống và phục vụ đời sống.

Các con đừng sợ xuống đường để đi tới những nơi công cộng như các thánh Tông Đồ xưa. Giờ không còn là thời điểm để các con xấu hổ vì Phúc Âm (cf. Rom. 1:16) Giờ là thời điểm để các con rao giảng từ trên mái nhà (cf. Mt. 10:27). Các con đừng sợ phá vỡ nếp sống tiện nghi và thói quen để chấp nhận thách đố: làm thế nào để khuôn mặt Chúa Giêsu được thế gian biết đến?…

(Diễn từ tại Denver, Colorado, nơi tổ chức Đại hội Giới Trẻ Thế giới năm 1993).

MỞ CỬA CHO CHÚA
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay!”.

“Khi chúng ta lên thiên đàng; ở đó, sẽ có ba điều kỳ diệu: ai ở đó, ai không ở đó, và sự thật là tôi đang ở đó!” - John Newton.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi đang ở đó!”. Câu nói của J. Newton đưa chúng ta về câu nói của Chúa Giêsu - như là điều kiện - cho việc có mặt trên thiên đàng, “Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay!”. Thật vui mừng khi biết rằng, mặc dù không xứng đáng và là một tội nhân, nhưng chính tôi phải ‘mở cửa cho Chúa’, khi cuối cùng, Ngài đến!

Đúng vậy, lìa đời, tôi sẽ mở cửa thiên đàng hoặc tôi sẽ đóng nó lại; sẽ không có ai làm điều đó thay tôi. “Chúa sẽ yêu cầu chúng ta giải trình không chỉ về những việc đã làm, đã nói, mà còn về cách chúng ta dùng thời gian Ngài ban!” - Grêgôriô Nazian.

Việc tỉnh thức chờ đợi Chúa đến trước cửa khá đơn giản, và chắc chắn, tôi có thể làm được điều đó. Tôi không thể lơ là! Lơ là khiến chúng ta quên mất mục đích cuối cùng. Muốn lên thiên đàng nhưng không có ý chí hành động khác nào xây một toà nhà trên không; chẳng có một cam kết nào đáng giá hỗ trợ cho khát vọng của mình. Đeo tạp dề có nghĩa là vào bếp, chuẩn bị chu đáo cho mọi thứ sắp xảy ra. Một nông dân đã từng có một câu nói khá nổi tiếng, “Bạn không thể gieo hạt nếu đất “nổi giận”; để gieo hạt tốt, bạn phải thực sự đi trên cánh đồng và “vuốt ve” hạt giống!”.

Kitô hữu không bao giờ là những kẻ lạc đường. Họ biết mình đến từ đâu, sẽ đi đâu và làm thế nào để đến đó; họ biết đích đến, biết phương tiện để đến đó và những khó khăn gặp phải trên đường. Ghi nhớ những điều này sẽ giúp chúng ta tỉnh thức, và sẵn sàng ‘mở cửa cho Chúa’ khi Ngài vừa gõ, cho dù Ngài thường gõ ‘rất sẽ’.

“Với những lời này, Chúa Giêsu nhắc nhở, cuộc sống là một hành trình hướng đến cõi vĩnh hằng. Theo quan điểm này, mọi khoảnh khắc đều quý giá; do đó, chúng ta phải sống và hành động trên trái đất này trong khi khao khát thiên đàng: đôi chân bước đi trên mặt đất, làm việc trên mặt đất, làm điều thiện trên mặt đất nhưng trái tim khao khát thiên đàng. Chúng ta không thể thực sự hiểu được niềm vui tối thượng này bao gồm những gì. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho chúng ta cảm nhận điều đó bằng phép loại suy về người chủ - thấy những đầy tớ vẫn thức lúc ông trở về - “Ông sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” - Phanxicô. Đó là hồi kết có hậu tất yếu của việc ‘mở cửa cho Chúa!’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay!”. “Tôi sẽ mở cửa thiên đàng!”. Niềm vui vĩnh cửu được biểu lộ theo cách ‘đổi vai’, chúng ta sẽ không là những người hầu phục vụ Chúa, mà chính Chúa sẽ đặt mình phục vụ chúng ta. Chúa Giêsu đã và đang làm điều này ngay bây giờ. Ngài là người hầu của chúng ta khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta. Và đây sẽ là niềm vui cuối cùng: hợp hoan với Chúa Cha!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, sau một đời theo Chúa, ước gì ngạc nhiên lớn nhất của đời con là con có mặt ở đó - trên thiên đàng!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Ba tuần 29 Thường niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây