TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 14/10/2024 14:34 |   276
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15)

21/10/2024
Thứ hai tuần 29 THƯỜNG NIÊN

t2 t29 TN

Lc 12,13-21


của cải không là cùng đích
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15)

Suy niệm: Không biết từ đâu mà giới trẻ hôm nay có được một bản tóm lược những tiêu chuẩn thành công phải vươn tới trên đường đời: “tiền bao la, tình bát ngát.” Sự ham mê vật chất thì không có điểm dừng, lối sống phóng túng chẳng khác gì xe lao dốc, càng lúc càng gia tốc. Cơn bệnh thèm tiền, thèm tình khiến nhiều người không cưỡng nổi, làm băng hoại nhân phẩm và thui chột tâm hồn vốn dĩ lương thiện được Thiên Chúa đặt để trong con người và nhờ đó, con người “linh ư vạn vật.” Điều đáng tiếc là tiền và “tình” bị nhầm lẫn với hạnh phúc! Hậu quả tất yếu cho sự nhầm lẫn này là đang có nhiều tiếng thở dài lo âu về một xã hội ‘kinh tế đi lên tình người đi xuống’, về sự bất an hằn sâu trong lòng người. Thảm trạng này đang minh họa lời Chúa nói, “không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm.” Vì thế, cần một cuộc tự vấn nghiêm túc nơi mỗi người để thoát khỏi sự tha hóa do của cải, thói tục và trở thành người “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

Mời Bạn: Đâu là mục tiêu mà bạn đang nỗ lực đạt đến? Mục tiêu ấy có phù hợp với lời Chúa căn dặn bạn hôm nay không? Rất cần có một cuộc tự vấn trước mặt Chúa để bạn có được một mục tiêu như lòng Chúa mong muốn.

Sống Lời Chúa: Ý thức của cải là phương tiện để giúp ta thực hành những lời Chúa dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con đang sống trong một xã hội duy vật, thực dụng, khiến con quên mất ơn gọi nên thánh. Xin giúp con luôn biết vươn lên sống cuộc sống thánh thiện hướng về giá trị đích thực trên Nước Trời.

Ngày 21: Lạy Mẹ Mân Côi! Xin cho chúng con nhớ rằng: Mẹ đã cộng tác vào công trình cứu độ, bằng lòng vâng phục, và bằng đức tin, đức cậy, đức mến nồng nhiệt, để hoàn trả sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Trong nhiệm cục ân sủng, Mẹ vẫn tiếp tục thiên chức làm Mẹ Hội Thánh, cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người chúng con. Trong cuộc sống hằng ngày, xin cho chúng con luôn biết kêu cầu Mẹ bằng các tước hiệu mà Hội Thánh đã dạy: vị Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian, để nhờ sự trợ giúp của Mẹ, chúng con luôn tiến bước vững vàng, nhờ hướng nhìn về Mẹ, như dấu chỉ và hình ảnh cánh chung của chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ hai tuần 29 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 20-25

“Có lời đã chép vì chúng ta là những kẻ được kể là tin vào Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không nao núng, mặc dầu ông nhìn đến thân xác cằn cỗi của mình, — vì ông đã gần trăm tuổi, — và tuổi già tàn tạ của Sara. Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa; trái lại, ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, “việc đó đã được kể cho ông là sự công chính”.

Và khi chép rằng “Ðã được kể cho ông”, thì không phải chỉ chép vì ông mà thôi, mà vì chúng ta nữa, là những kẻ tin vào Ðấng đã cho Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, từ cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công chính hoá.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75

Ðáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người

Xướng: Chúa đã gầy dựng cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa.

Xướng: Ðể giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Người.

Xướng: Lời minh ước mà Người tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Người cho chúng tôi được không sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Người trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Người, trọn đời sống chúng tôi.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 2, 1-10

“Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, và đồng ngự trị trên nước trời”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, khi anh em đã chết vì những lỗi lầm và tội lỗi anh em, thì trong những tội lỗi đó, xưa kia anh em đã từng sống theo dòng thời gian của thế giới này, theo thủ lãnh chủ quyền của không khí này, tức là tà thần hiện giờ còn hoạt động trong những con người không vâng phục. Trong những tội lỗi đó, cả chúng tôi nữa, xưa kia tất cả chúng tôi cũng sống theo dục vọng xác thịt của chúng tôi, làm theo những thèm muốn xác thịt và những tư tưởng gian tà, và tự nhiên bấy giờ chúng tôi cũng là những con người đáng giận ghét như các người khác.

Nhưng Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến đỗi khi tội lỗi làm chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô. Nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô.

Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải là do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Chính Chúa đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người (c. 3b).

Xướng: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan phấn khởi. 

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. 

Xướng: Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. 

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. 

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 13-21

“Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: “Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?” Ðoạn người ấy nói: “Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!” Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?” Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TA ĐANG BÁM VÍU VÀO AI VÀ CÁI GÌ?
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Một hôm, Đức Giêsu đi ngang qua dòng người, ở giữa đám đông vây quanh Người, với tất cả khổ đau và kêu cứu. Một người trong nhóm họ lên tiếng thưa: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi” (Lc 12, 13). Đức Giêsu bỗng dưng bị đặt làm trọng tài giữa hai người trong tương quan nhân loại. Tuy nhiên Đức Giêsu nhanh chóng gạt đi và dứt khoát từ chối can thiệp vào những chuyện như thế: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” (Lc 12,14). Đức Giêsu không can thiệp, nhưng Người lại chỉ cho cách cần phải giải quyết những vấn đề đó với tinh thần nào: “Các ngươi phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu” (Lc 12,15).

Thật khôn ngoan khi biết rằng thế giới mà chúng ta đang sống không mang lại ý nghĩa tối hậu chúng ta tìm kiếm trong cuộc đời. Nhưng cũng thật sai lầm khi để mình bị giam hãm trong sự phi lí của thế gian này. Câu hỏi được đặt ra: chúng ta đang bám víu vào ai và cái gì?

Dụ ngôn Đức Giêsu kể trên dành cho chúng ta là những người đang tiêu tan cho những dự án và lo lắng mà không biết rằng thế giới này là hư không. Một ngày kia, người giầu tỉnh giấc, đau buồn vì của cải thế gian này không còn là của ông nữa.

Người nhà giầu bị trách là “ngu dại”, không phải vì ông thu góp của cải, những của cải, vật chất đời này không phải là xấu, nhưng tự bản chất, chúng không có giá trị bền vững, xấu ở chỗ lòng ông bám víu trọn vẹn vào chúng mà quên đi cái được cái mất và ý nghĩa cuộc đời. Ông muốn “nghỉ ngơi”, ông muốn bình an “trong nhiều năm” (x. Lc 12,19). Liệu có phải là mục đích cuộc đời của ông không? Và tại sao? Ông có chắc rằng ông có thể tự cho mình nghỉ ngơi vui chơi không? Những thứ mà ông đang sở hữu có mang lại bình an và niềm vui không?” Đó chính là lý do Đức Giêsu gọi ông là “kẻ ngu dại” (Lc 12, 20). Vì hạnh phúc bền lâu không đến từ thế gian này mà đến từ Thiên Chúa. Ông đã nhầm khi chọn cái tạm bợ (đời này) làm chỗ dựa bền vững.

Đức Giêsu nhắn nhủ chúng ta hay rằng, tất cả là lầm lẫn khi con người chỉ lo tìm địa vị, quyền hành và đặt hết tin tưởng của mình vào những sự vật chóng qua, mà lại sao nhãng việc tích trữ các của cải thiêng liêng, thực thi các việc lành phúc đức bác ái, thì chỉ là những kẻ dại dột và thua thiệt. Thánh Gioan Maria Vianey nói: “Không có gì vững bền cả. Đời sống sẽ qua đi… danh giá cũng sụp đổ, của cải rồi sẽ tiêu tan, sức khỏe cũng bị tấn công, chúng ta ra đi như làn gió.”

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tìm kiếm và tích lũy những thực tại của Nước Chúa. Amen.

 

ĐỪNG HAM MÊ CỦA CẢI VẬT CHẤT (Lc 12,13-21)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Trong lúc Đức Giê-su đang giảng, có một người trong đám đông lên tiếng xin Người xử việc hai anh em ruột tranh nhau phần gia tài. Đức Giê-su không xử vì điều đó không thuộc sứ mệnh của Người. Nhân dịp này, Đức Giê-su đưa ra dụ ngôn người phú hộ giàu có lo tích trữ được rất nhiều của cải và cho rằng từ nay cuộc đời mình sẽ được bảo đảm. Người bảo họ là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền để mà bảo đảm cho cuộc đời mình. Người khôn phải dùng của cải không bền ở đời này mà làm phúc để mua lấy của cải bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời.

2. Tin Mừng hôm nay thuật lại sự việc hai anh em tranh chấp gia tài, không thỏa đáng nên nhờ Đức Giê-su can thiệp. Nhân dịp này, Chúa dạy dân chúng đừng ham mê của cải đời này quá đáng vì của cải không phải là nguồn mạch sự sống mà Thiên Chúa mới là nguồn mạch sự sống. Hơn nữa, của cải vật chất có sức lôi kéo mạnh mẽ làm cho con người ta dễ dàng đi tới chỗ ích kỷ và tìm hưởng thụ để thỏa mãn mọi khoái lạc trần thế. Đức Giê-su không ngăn cấm chúng ta làm giàu, vì của cải cần thiết cho đời sống, đồng thời khi nỗ lực làm giàu  là chúng ta cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, làm cho trái đất sinh nhiều hoa lợi để phục vụ nhân loại. Nhưng Chúa chỉ cảnh giác chúng ta phải biết sử dụng của cải vật chất để làm giầu cho sự sống đời đời (5 phút Lời Chúa).

3. Giàu của cải không đảm bảo cho sự sống đời đời.

Dụ ngôn Đức Giê-su kể về một người giàu có an thân thỏa mãn trên đống của cải trong kho lẫm, rồi tự cho phép linh hồn mình được “nghỉ ngơi”, nhưng nếu Chúa gọi bất thình lình, thì “tay trắng hư không” ra đi vào cõi diệt vong. Thật vậy:

Khi chúng ta đi về nơi an nghỉ
Những gì thu góp chẳng còn chi
Sẽ mất hết những gì ta xài phí
Chỉ còn lại những gì đã cho đi.

Ham mê của cải như ông phú hộ trong dụ ngôn là chỉ lo làm giàu trước mặt người đời, lo tích trữ của cải đời này mà không lo cho phần rỗi đời sau. Của cải vật chất tự nó không xấu, siêng năng làm việc để có của cải luôn là điều tốt. Thế nhưng, chúng ta không được phép dừng lại ở đó để hưởng thụ và an thân bám víu vào nó, mà phải biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.

4. “Ta chỉ giàu có nhờ những gì cho đi, và chỉ nghèo do những gì ta từ chối” (Triết gia Emerson). Trong từ điển của ông phú hộ trong câu chuyện Tin Mừng không có từ “cho đi”. Ông từ chối Chúa và người lân cận, vì lo chất thóc lúa cho đầy kho lẫm, cũng như đầy “kho” ăn uống vui chơi, hưởng thụ cho mình. Không lạ gì ông trở nên nghèo nàn trước mặt Chúa. Hẳn ông đã quên bài học cơ bản này: làm giàu trước mặt Chúa bằng cách cho đi chứ không phải qua việc tích trữ; bằng cách hướng về Chúa và người khác, chứ không phải chỉ qui về mình. Coi chừng giữ mình khỏi mọi thứ tham lam là điều ai trong ta, giàu hay nghèo, phải ghi nhớ mỗi ngày.

5. Hãy biết chia sẻ.

Chúa dạy chúng ta: Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Cái làm cho chúng ta giầu có trước mặt Thiên Chúa không phải là chúng ta có gì hoặc là làm gì, nhưng chúng ta là gì.

Antoine de Saint Exupéry nói: Khi giờ cuối cùng của bạn giáng xuống, bạn chỉ nên dựa vào điều mà bạn đã trở thành”.

Có hai cách xài của cải đưa đến hai kết quả khác nhau:

a) Xài một cách ích kỷ cho riêng mình, kết quả là không bảo đảm cho sự sống đời đời.

b) Dùng tiền của để làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì kết quả là sự sống đời đời được bảo đảm.

Thực ra, khi người giầu chia sẻ của cải cho người nghèo, cũng chỉ là bổn phận của người quản lý mà thôi.

Augier đã nói một câu chí lý: Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quỹ của người nghèo”. Vì thế, không ai “ê hề của cải, dư sài nhiều năm” mà “cứ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12,19) chính là những kẻ ăn cắp.

Truyện: Rồi sao nữa?

Ngày xưa, thánh Phi-lip-phê Nê-ri muốn thuyết phục Phan-xi-cô Spazzaro, một sinh viên Rô-ma, đã hoàn toàn tin tưởng ở sự hướng dẫn của ngài về một chân lý ngàn năm. Một hôm Phan-xi-cô Spazzaro hớn hở báo tin cho ngài biết mình đã thành công rực rỡ trên đường khoa nghiệp. Thánh nhân trả lời:

– Khá lắm. Cha xin mừng với con. Nhưng rồi con sẽ làm gì?
– Con sẽ làm trạng sư, sẽ biện hộ ở tòa án.
– Rồi sao nữa?
– Con sẽ có nhiều tiền.
– Rồi sao nữa?
– Con sẽ lập gia đình.
– Rồi sao nữa?
– Con sẽ sống hạnh phúc.
– Rồi sao nữa?
Chàng sinh viên suy nhĩ một lúc rồi trả lời:
– Rồi… rồi con cũng sẽ chết như bất cứ ai khác.
– Rồi sao nữa?

Chàng sinh viên im lặng bỏ đi, trầm tư và u buồn. Tuy nhiên, câu hỏi cứ nhắc đi nhắc lại mãi, chàng cứ bị ám ảnh hoài. Và để bảo đảm cho cái “Rồi sao nữa” kia, cuối cùng, chàng từ giã đường trần khoác áo tu trì.

THUỘC VỀ AI?
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Mình phải làm gì đây?”.

Tại một vùng châu Phi, những người cải đạo rất yêu thích cầu nguyện. Trên thực tế, mỗi tín đồ có một ‘phòng cầu nguyện’ đặc biệt bên ngoài bản làng; họ đến đó bằng một lối mòn riêng. Vậy khi cỏ bắt đầu mọc trên những lối mòn, rõ ràng, ai đó đã không còn đi cầu nguyện. Một phong tục độc đáo xuất hiện! Khi thấy cỏ mọc nhiều trên lối mòn của ai đó, người ta sẽ đi tìm chủ của nó và trìu mến cảnh báo, “Cỏ đã mọc nhiều trên lối mòn của bạn. Bạn ơi, bạn ‘thuộc về ai?’”; và người ấy đáp, “Mình phải làm gì đây?”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Mình phải làm gì đây?”. Đó cũng là câu hỏi người phú hộ trong Tin Mừng hôm nay đặt cho mình! Tiếc thay, câu trả lời tự anh không đúng! Bởi lẽ, anh không biết anh ‘thuộc về ai?’. Thánh Vịnh đáp ca thật ý tứ, “Chính Chúa dựng nên ta, và ta thuộc về Người!”.

Tin Mừng cho biết, vụ mùa năm ấy, anh bội thu! Vận may đến, đôi khi, làm cho nhiều người lúng túng, “Mình phải làm gì đây?”. Anh quyết định phá các lẫm cũ, xây những lẫm lớn hơn. Tuy nhiên, giải pháp của anh khá nghèo nàn! Anh chỉ nghĩ đến bản thân; ý tưởng chia sẻ ngay cả những gì ‘thặng dư’ cho ai đó xem ra không bao giờ thoáng qua trong suy nghĩ của anh. ‘Bài phát biểu tự nhủ lòng’ của anh chứa đầy những từ cỏn con, cụt ngủn: “mình” và “của mình”, “lúa thóc của mình”, “mình bây giờ ê hề của cải”; và thậm chí, “linh hồn của mình!”. Vậy mà, một điều quan trọng anh không biết là linh hồn anh, thân xác anh, những gì anh sở hữu ‘thuộc về ai?’. Chúng thuộc về Chúa!

Và kìa, Chúa gọi anh! Sự nghèo nàn bên trong anh phơi trần. Anh đã không làm gì với vận may vốn là món quà của Chúa; để từ đó, anh có thể chia sẻ, cho đi. Anh tích trữ cho bản thân và không làm giàu cho mình trước mặt Chúa. Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô nói đến lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng ban tặng chúng ta bao ân sủng dẫy đầy trong Con Một. Chúa Kitô, Đấng khiến chúng ta - theo cách nói của Phaolô ở đây - trở nên “tác phẩm của Thiên Chúa”. Ngài làm cho cuộc sống chúng ta nên phong phú; và qua chúng ta, làm phong phú cuộc sống những người khác. Vì thế, khi đặt câu hỏi, “Mình phải làm gì đây?”, bạn và tôi tìm cho mình câu trả lời đầy gợi hứng trong Chúa Kitô, Đấng “đã trở nên nghèo khó để chúng ta giàu có!” và ra sức bắt chước để nên giống Ngài!

Kính thưa Anh Chị em,

“Mình phải làm gì đây?”. Hãy chiêm ngắm Chúa Kitô! Ngài là Con Thiên Chúa xuống thế làm người, hoàn toàn đầu phục Chúa Cha. Rong ruổi trên các nẻo đường Palestina, những lối mòn đến ‘phòng cầu nguyện’ của Ngài không có lấy một đọt cỏ, nhưng ngày càng rộng thêm. Nhờ đó, những câu hỏi thường xuyên của Ngài, “Con phải làm gì đây?” luôn luôn có những câu trả lời thích hợp. Chớ gì - trong bất cứ đấng bậc nào - đó cũng là câu hỏi bạn và tôi ‘lúc này, ở đây’ luôn đặt ra cho mình. Từ đó, mỗi người chúng ta trở nên “tác phẩm của Thiên Chúa”, tạo nên một sự khác biệt, làm phong phú cuộc sống của những người khác, bắt đầu từ những người trong gia đình, trong cộng đoàn mình cho đến trong Giáo Hội, trong thế giới. Và như thế, Thiên Chúa được vinh quang!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì ‘lối mòn’ đến với Chúa Thánh Thể của con ngày càng rộng hơn. Nhờ đó, ‘tác phẩm của Chúa’ biết mình ‘thuộc về ai’, biết Chúa muốn con làm gì!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Hai tuần 29 Thường niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây