TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SNTM Chúa nhật 27 thường niên -B

Thứ ba - 01/10/2024 22:18 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   158
“Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

SNTM Chúa nhật 27 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN27TNb a3

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 10, 2-12)

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”. Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.


Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVII Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

 

Suy niệm

Sinh ra trên đời, ai ai cũng có một gia đình, một tổ ấm, nơi đó có người Cha người Mẹ, có anh chị em cùng hiện hữu, cùng chia sẻ với nhau niềm vui tình gia đình. Gia đình là một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn yêu thương, một cộng đoàn sản sinh sự sống, chăm sóc sự sống và bảo vệ sự sống cho nhau. Có thể nói gia đình là chiếc nôi giúp con người có được sự sống, được làm người, được làm con Chúa và được cùng nhau lớn lên trong một thế giới xinh đẹp, một thế giới đầy sức sống và niềm vui. Hơn nữa, gia đình còn là nơi giúp nhau nên thánh, giúp nhau cộng tác với Chúa Thánh Thần để xây dựng và bảo vệ trái đất, cùng giúp nhau sống ơn gọi làm người và bổ trợ cho nhau những gì còn khiếm khuyết trong cuộc đời. Lời Chúa tuần lễ 27 thường niên năm B mời mỗi người trở về với gia đình của mình, để gặp gỡ, thăm hỏi và chia sẻ với mọi người trong tổ ấm đó, đồng thời để tái khám phá ơn gọi hôn nhân của những người thân đã và đang trải qua trong sự ấm áp của tình người.

Nhắc đến sự hiện diện của con người, tác giả sách Sáng Thế Ký kể lại câu chuyện sáng tạo của Thiên Chúa, Ngài tạo dựng trời đất, vũ trụ và con người trong vòng 6 ngày, con người là tạo vật đặc biệt, được tạo dựng sau cùng. Tác giả kể thêm, trước khi tạo dựng con người, Thiên Chúa suy nghĩ rất nhiều và quyết định tạo dựng con người giống hình ảnh Người từ hư vô, tạo vật đó có khuôn mặt của Thiên Chúa và có thêm hơi thở của Ngài: “Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể”. Thiên Chúa tạo dựng con người từ hư vô, từ người đàn ông, Ngài rút một xương sườn của người đàn ông và tạo dựng nên người phụ nữ. Đó là một gia đình đầu tiên của nhân loại, người đàn ông và người đàn bà có sự liên kết với nhau về thể xác lẫn tinh thần, tất cả trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên mọi vật và mọi sự.

Bài đọc 2 được trích từ thư gởi cộng đoàn người Do-thái, những người được coi là có truyền thống tôn giáo lâu đời, nhưng lắm lúc họ câu nệ vào lề luật mà quên đi giá trị thiêng liêng của con người, của gia đình, đặc biệt là sự hiện hữu của con người do đâu mà có: “Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em”. Dù sinh ra trong một gia đình như thế nào, dù chào đời trong một dân tộc nào, dù sinh sống trong một lãnh thổ nào, đã là con người, họ đều có một người Cha là Thiên Chúa, Ngài là nguyên nhân để họ được hiện hữu, Ngài là cùng đích họ phải hướng về. Có ý thức được điều đó, họ mới thực sự là anh chị em cùng một gia đình, có cùng một người Cha.

Luật được đặt ra là vì lợi ích cho con người, dù đó là khía cạnh xã hội hay trong tôn giáo, người Do-thái đã hiểu giá trị luật chưa đúng, họ cho rằng luật lệ là cùng đích, là cứu cánh của con người, vì thế, nếu giữ luật đầy đủ, họ trở nên những người công chính. Với suy nghĩ chưa thấu đáo như vậy, luật hôn nhân cũng được hiểu một cách nông cạn, kèm theo đó là nét văn hóa trọng nam khinh nữ của người phương đông, nên ơn gọi hôn nhân chưa được đặt đúng chỗ: “Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục”. Vậy gia đình là gì, ơn gọi hôn nhân là gì, đó là những suy nghĩ của con người, và suy nghĩ đó khác xa những giá trị tinh thần khi Thiên Chúa xây dựng một gia đình và mời gọi con người bước vào hành trình ơn gọi đó.

Hôn nhân Công giáo luôn được coi là một bí tích, đã là một bí tích điều tất nhiên là có đặc sủng đến từ Thiên Chúa, Ngài trao ban cho ai cộng tác với Ngài trong ơn gọi đó. Là một bí tích, nơi đó luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa, Ngài như người đồng hành và cũng là một người hướng dẫn cho đôi bạn chọn đời sống đó. Ơn gọi hôn nhân do Thiên Chúa thiết định và chứng giám khi hai người cùng cam kết sống chung với nhau trong một mái nhà, vì thế, con người chỉ là cộng sự viên của Thiên Chúa để xây dựng thế giới, xây dựng vũ trụ và môi trường chung quanh. Cũng từ nơi đó, Thiên Chúa mời gọi họ xây dựng gia đình mình trở thành một cộng đoàn thánh, một gia đình thánh, từ đây, họ sẽ giới thiệu với thế giới một tình yêu vị tha, một tình yêu xả kỷ, một tình yêu sẵn sàng cho đi và sẵn sàng hy sinh cho nhau.

Ngày nay, người ta coi ơn gọi hôn nhân như là một hợp đồng theo cách nhìn của thế gian, trong bản cam kết đó, hai người sẽ sống với nhau khi cả hai cùng có lợi, khi cả hai giúp nhau được an bình, hạnh phúc, hai người sẽ cùng nhau trải nghiệm cuộc sống và những nhu cầu cuộc sống, hai người cùng khám phá những ẩn số con người của nhau, đến một lúc nào đó, vì lý do khách quan, họ sẽ kết thúc bản hợp đồng đó trong êm đẹp, không cần đền bù, không cần bất cứ một thủ tục nào và sau đó là đường ai nấy đi. Thế thì hôn nhân đang bị tục hóa, đang bị đánh mất tính bí tích và đặc sủng của bí tích đó, hôn nhân đâu còn là một ơn gọi cao quý do Thiên Chúa thiết định và chúc lành nữa. Có phải đến lúc gia đình chỉ được nhìn nhận là một quán trọ ven đường chứ không còn là một tổ ấm, một cộng đoàn đức tin và cũng là một cộng đoàn yêu thương, luôn biết tôn trọng và chăm sóc, luôn biết bảo vệ sự sống cho nhau.

Lạy Chúa, được sinh ra trong một gia đình Công giáo, chúng con thấy mình được hạnh phúc làm người, làm con Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì thế, chúng con xin Chúa chúc lành và ban bình an cho Cha Mẹ chúng con, xin Chúa gìn giữ tất cả các gia đình trong vòng tay yêu thương của Chúa. Xin Chúa gieo vào trong suy nghĩ của con người một hình ảnh rất đẹp về gia đình của mình, để mọi người biết trân trọng ơn gọi hôn nhân, yêu mến gia đình và sống tình gia đình thật vẹn toàn. Ngày xưa Chúa cũng có một gia đình, Ngài luôn yêu mến gia đình và Cha Mẹ, xin dạy chúng con biết cầu nguyện cho gia đình của mình cũng như các gia đình khác, biết cầu nguyện cho giáo xứ mình, bởi đó cũng là một gia đình. Xin Chúa chúc lành và ban bình an cho những ai đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, để họ can đảm sống ơn gọi đó cho đến mãn đời. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây