TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo họ Đăng Hà chầu Mình Thánh Chúa

Thứ tư - 30/11/2022 19:57 | Tác giả bài viết: Ant Nguyễn Văn Minh |   707
“Bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu. Vì yêu mến con người, không muốn để con người côi cút một mình giữa dòng đời đầy nguy hiểm này. Nên Ngài đã thiết lập nên bí tích Thánh Thể trong đêm tiệc ly, trước khi bước vào cuộc thương khó”
Giáo họ Đăng Hà chầu Mình Thánh Chúa

Giáo họ Đăng Hà – Giáo xứ Thống Nhất chầu Mình Thánh Chúa với chủ đề “Thánh Thể - Hướng Tới Một Giáo Hội Hiệp Hành”


“Bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu. Vì yêu mến con người, không muốn để con người côi cút một mình giữa dòng đời đầy nguy hiểm này. Nên Ngài đã thiết lập nên bí tích Thánh Thể trong đêm tiệc ly, trước khi bước vào cuộc thương khó”.
 


Nhà thờ Giáo họ Đăng Hà: số 134 thôn 3, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, nằm ở vùng núi cách trung tâm thành phố Đồng Xoài khoảng chừng 70km, và cách giáo xứ mẹ Bù Đăng gần 40km. Với khoảng 65 hộ gia đình công giáo, gồm đa dân tộc, dân tộc Kinh chiếm đa số, một phần còn lại là dân tộc Tày, Nùng,... Giáo dân ở đây đa số được di cư từ Giáo phận Bùi Chu và Giáo phận Thanh Hóa vào từ những năm 1980 sau cải cách xã hội. Với khoảng 250 nhân danh, nơi giáo họ này vẫn còn nhiều khó khăn về đời sống Đức Tin và đời thường. Từ những năm thành lập giáo họ, đã có rất nhiều quý cha, quý thầy về đây chăm sóc mục vụ cho các tín hữu.
 


Tĩnh tâm để chuẩn bị tâm hồn

Trong bầu khí phụng vụ của Ngày Chầu Lượt và hướng tới lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội quan thầy giáo họ, với chủ đề “Thánh Thể -Hướng Tới Một Giáo Hội Hiệp Hành”, Cha Giuse Trần Hữu Từ -Quản xứ Giáo xứ Thống Nhất, Quản nhiệm Giáo họ Đăng Hà- đã chia sẻ, hướng dẫn, phân tích về Bí tích Thánh Thể giúp cộng đoàn cảm nhận và hiểu thêm về sự liên kết giữa bí tích Thánh Thể và giáo hội hiệp hành. Qua “Biến cố nhập thể”, “Biến cố đổi hình dạng trên núi Tabo”, “Biến cố lập bí tích Thánh Thể”, “Biến cố chết trên cây Thập Giá”, “Biến cố Phục Sinh” vì Ngài đã yêu con người nên đã đến và sống cùng con người, Ngài đã chết và đã sống lại. Chúa không chỉ biến đổi trong môi trường của nhân loại trên đỉnh núi Tabo mà còn biến thành của ăn của uống nuôi dưỡng thần lương cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể.

 


“Nếu chúng ta tin Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể, mà chúng ta không tham dự vào bí tích này thì nó mang lợi ích gì cho chúng ta?” Chúa đã hiện diện với chúng ta và với tha nhân, Chúa muốn chúng ta nên giống như Ngài, muốn chúng ta hiện diện với anh chị em, với những người khó nghèo về đời sống vật chất và nhất là đời sống Đức Tin. “Này là thịt ta, Đây là máu ta” trước khi chết, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể, để Người hiện diện với chúng ta không chỉ về bên ngoài mà còn lẫn cả bên trong, để cho thân thể và xác hồn không thể tách rời. Với việc giáo hội kêu gọi mọi người đồng hành, chia sẻ cùng nhau trong mọi hoàn cảnh, qua bí tích Thánh Thể là cầu nối là sợi dây liên kết giữ ta với người, với thân xác và linh hồn, với người nghèo đói về Đức Tin và nhà Chúa. Và qua bí tích Thánh Thể Chúa muốn chúng ta ra đi, và biến đổi, và ở lại với những người ấy, giống như Chúa đã đến và ở lại với chúng ta.

Sau giờ tĩnh tâm, cha Giuse Trần Hữu Từ đã đặt Mình Thánh chầu khai mạc cho tuần chầu của giáo họ, đây là khoảng thời gian để cho mỗi người trong giáo họ, cảm nhận đời sống của mình, những tâm tình thờ lạy, cảm tạ, dâng lên Thiên Chúa qua bí tích Thánh Thể nhiệm mầu.

 


 


Tiếp nối Cha Quản xứ chia sẻ về Thánh Thể và đời sống hiệp hành.

Vào thứ 5 ngày 24/11/2022, thầy phó tế Phaolô Nguyễn Minh Hoan hiện đang mục vụ tại giáo xứ Thống Nhất đã hiện diện để chia sẻ thêm về đời sống của chúng ta hiện nay đối với Chúa và Thánh Thể Chúa.

Thánh Thể là trung tâm là chóp đỉnh của đời sống Kitô Giáo, Thánh Thể là nguồn sống của Giáo Hội. Với giáo hội sống hiệp hành qua 3 lời mời gọi: “Hiệp thông - Tham Gia - Sứ vụ”.  Thánh Thể mời gọi góp phần tham gia vào hy tế trên bàn thờ thông qua giờ cử hành Thánh lễ. Cử hành Thánh Thể là ghi nhớ và nhắc nhớ lại cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Tham dự Thánh Thể là việc chúng ta tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày. Nhờ bí tích Thánh Thể mà chúng ta trở nên là một với Thiên Chúa, nhờ bí tích Thánh Thể mà chúng ta cùng đi trên một con đường, cùng nhìn về một hướng. Nhờ bí tích Thánh Thể mà mỗi ngày chúng ta được gặp Chúa, được đón nhận và sống với Chúa.

Khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi ra đi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, trao ban Bình An của Chúa cho mọi người. “Anh em hãy chúc bình an cho nhau, Chúc anh chị em đi đường bình an”. Đó là Hội Thánh Hiệp Hành, là Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.

Sau giờ tĩnh tâm là thời gian dành cho việc chầu Thánh Thể. Với những gì đã nghe và cảm nhận, giờ đây là lúc mỗi người sống trong tâm tình kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể.

 


Trong Thánh lễ Chúa nhật 1 Mùa Vọng, Cha phó Giuse Nguyễn Trung Luật hiện đang phụ trách Giáo họ Đăng Hà, đã chia sẻ và khơi lại đời sống của mỗi người qua Thánh Thể. “Con người không biết trước được mình sẽ chết lúc nào, chết ở đâu, chết bằng cách nào?... Thế nhưng một điều có thể chắc chắn là ai ai cũng phải chết. Chết không phải là điều đáng sợ nhưng chết làm sao mới là điều phải quan tâm. “Sống sao thác vậy”. Sống trong ơn lành, chết trong bình an. Sống trong tình yêu thương, chết trong niềm hạnh phúc. Mỗi người chỉ chết một lần, và điều gì đi sau cái chết sẽ mãi mãi không bao giờ đổi thay. Chúng ta sẽ sống thế nào để khi giờ Chúa đến chúng ta được thanh thản ra đi mà không phải hối tiếc. Chúng ta đang sống trong những ngày đầu mùa vọng, là mùa của chời đợi, mùa xuân của năm phụng vụ mới. Mùa vọng là sự HIỆN DIỆN, VIẾNG THĂM, TRÔNG ĐỢI. Mùa vọng cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa vẫn ở đó, Ngài không rời bỏ thế gian mà vẫn hiện diện và sẽ đến với chúng ta qua thinh lặng. Hãy sẵn sàng, vì chính lúc anh em không ngờ con người sẽ đến. Trong những tâm tình của mùa Vọng, sự hiện diện của Chúa nơi bí tích Thánh Thể là một đặc ân và Ngài cũng chứng tỏ rằng, Ngài vẫn hiện diện trong tấm bánh bé nhỏ, để mỗi con người sẵn sàng mong chờ Chúa đến trong lòng chúng ta qua tấm bánh nhỏ bé trên bàn thờ, nhờ vào truyền phép do tay linh mục bánh và rượu trở nên Mình Máu Chúa Kitô.
 


Chầu Thánh Thể và Cung Nghinh Thánh Thể

Sau Thánh lễ, giờ phút đặc biệt của tuần chầu, là thời gian cộng đoàn giáo họ quy tụ về bên thánh đường nhỏ bé này, để thay nhau dâng lên Chúa những tâm tư ước nguyện, những lời cầu nguyện từ sâu bên trong của mỗi người, mỗi gia đình.

 


Giờ chầu đầu tiên dành cho Anh Chị Giáo Lý Viên và Thiếu Nhi trong toàn giáo họ, là những mần non và tương lai của giáo họ, được sự mời gọi của cha quản họ, và lòng yêu mến Thánh Thể, các em thiếu nhi đã quy tụ đông đủ trong giờ chầu của mình, để dâng lên Chúa những việc làm hy sinh nhỏ bé, những ước nguyện đơn sơ, những tâm tình của một người con trong gia đình. Dù là nhỏ nhất, nhưng sự đơn sơ và thánh thiện là lớn nhất. Với tâm tình noi gương Chúa Giê-su như thời thơ ấu của Ngài, thiếu nhi đã cùng nhau nhìn lại những bài học, những lời cảm ơn, những điều phải và chưa phải,… là một người con trong nhà, là cầu nối giữa bố và mẹ, giữa cha mẹ và con cái, là sự yêu thương của bố và mẹ, người thiếu nhi hôm nay được mời gọi sống hiệp hành, góp phần nhỏ bé của mình vào công việc chung của giáo hội bằng cách tham dự Thánh lễ, siêng năng cầu nguyện, làm việc bác ái, hy sinh những điều nhỏ nhặt, và nhất là luôn nghe lời ông bà cha mẹ đặc biệt là quý cha, quý thầy, những người lớn hơn độ tuổi của các em, để mỗi ngày sống, các em không chỉ lớn lên về thể xác mà còn lớn hơn cả về nhân đức.

Tiếp đó là đến Giáo khu Phêrô-Tự và Hội hiền mẫu. Là những người giữa lửa hạnh phúc của gia đình, noi gương Mẹ Maria, sự vâng phục và sự xem xét cẩn thận về mọi việc, và cũng là giây phút các mẹ được tĩnh lặng để xem xét những gì đã qua, những việc đã làm và chưa làm, những điều đã xảy ra trong mọi hoàn cảnh. Xin Chúa đồng hành cùng các mẹ, trong mọi việc, để là người chăm sóc, là người luôn nâng đỡ gia đình mình trong tình yêu Chúa, sự cộng tác của các Mẹ qua Thánh Thể được thấy rõ trong việc thúc đẩy con cái của mình siêng năng đến nhà thờ, siêng năng đi lễ, nguyện kinh và luôn nhớ tới Chúa, với Giáo hội hiệp hành các mẹ là người chia sẻ, là người hướng dẫn qua lời cầu nguyện để không ai bỏ lại đàng sau và không ai phải cô đơn trong chính gia đình Giáo hội rộng lớn này.

Giờ chầu còn lại dành cho khu Gioan-Đạt và Hội gia trưởng. Những người quan trọng nhất trong gia đình kể đến là những ông bố, những người đầu tàu là người cố định hạnh phúc gia đình mình, qua Thánh Thể, những ông bố sẽ là cầu nối giữa con cái và Thiên Chúa, qua việc làm gương sáng cho con của mình bằng hành động của đức tin, bằng tình yêu Chúa thông qua các giờ kinh, các buổi lễ, những giờ chầu và siêng năng viếng Chúa, qua Giáo hội hiệp hành, người bố cùng với người mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái, bảo vệ và chở che, hy sinh và ân cần, giống thánh Giuse xưa đã cưu mang, nuôi dưỡng và đồng hành cùng với Chúa cho đến khi Chúa Phục Sinh quang lâm.

 


Điều đặc biệt qua việc cử hành cung nghinh Mình Thánh Chúa qua 3 chặng, nó được coi như là 3 chặng Chúa đã ngã khi vác cây Thập Giá lên đỉnh đồi Golgotha, nó là thời khắc để tất cả được nhìn lại chặng đường Chúa đã đi qua, đã chịu đau đớn vì yêu thương chúng ta, là thời khắc của sự gặp gỡ giống như bà Veronica đã trao khăn cho Ngài lau mặt khi máu me đã chảy ra trên khuôn mặt của Chúa. Xin cho mỗi người trong giáo họ chúng con, biết sống hy sinh, cảm đảm giống như Chúa, biết cảm thông và biết sẻ chia với những người khó khăn về đời sống hay Đức Tin, để mỗi ngày cùng với Giáo hội ra đi, trao những gì đã nhận nơi Chúa cho những người chưa biết Chúa.
 


Để khép lại những giây phút đặc biệt quan trọng, cha phó phụ trách giáo họ, đã thay mặt cho hết thảy mọi người, để dâng lên Chúa những ý nguyện trong Giáo họ, cho từng nhà, từng người. Xin Chúa tuôn đổ muôn hồng ân xuống trên từng người trong Giáo họ, để cùng cộng tác với quý Cha sống đời sống hiệp hành, làm nhân chứng cho Chúa giữa đời sống của chúng con, nhờ bí Tích Thánh Thể chúng con được đến chạm vào Chúa và được gặp Chúa hằng ngày, được rước Chúa vào lòng, xin cho chúng con luôn biết sẵn sàng tỉnh thức và cầu nguyện, để trông chờ Chúa đến lần thứ hai giống như tâm tình mùa Vọng được Giáo hội mời gọi đoàn dân Chúa.

Ant Nguyễn Văn Minh

XEM THÊM HÌNH ẢNH TẠI ĐÂY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây