NHỮNG CÂU HỎI ĐẦU TIÊN VỀ KINH THÁNH: CỰU ƯỚC
Michel Quesnel
Ađam và Eva có thật không?
Khi nói về nguồn gốc con người, các tác giả KinhThánh sử dụng những kiến thức khoa học của thời đại mình. Trong bản văn cổ xưa nhất kể về ông Ađam và bà Eva, người ta trình bày Thiên Chúa như người làm vườn chăm sóc cho cây cối nảy sinh trên mặt đất, rồi như người thợ gốm nắn ông Ađam bằng đất sét và truyền hơi thở sự sống vào ông (Stk 1,1 - 4,16). Bà Eva hình thành từ thịt và xương sườn của ông Ađam. Hiện nay, ta biết rằng câu chuyện không xảy ra như thế.
Ngày nay, các nhà thông thái còn bàn luận để biết được những con người đầu tiên tách ra từ loài đại linh trưởng như thế nào. Họ cũng chẳng biết được con người xuất hiện từ một nơi duy nhất trên trái đất hay nhiều nơi. Thế nhưng họ biết rằng những biến cố này xảy ra trên hàng chục triệu năm và cần nhiều triệu năm sau đó thì ngôn ngữ mới xuất hiện để con người nhận được những tên gọi. Theo nghĩa này thì chắc chắn không có một người đàn ông và một người đàn bà gọi là ông Ađam và bà Eva.
Ađam là một từ tiếng Do Thái có nghĩa là “con người”. Eva có nghĩa là “sống động”. Trong Kinh Thánh, họ đại diện cho nhân loại mà Thiên Chúa muốn, một nhân loại hạnh phúc và sống hài hòa với thế giới chung quanh.
Con người cũng có một sở hữu rất lớn, đó là sự tự do. Nhưng sự tự do có thể quay lại chống con người nếu con người sử dụng tự do cách sai lầm: Ađam và Eva đã ăn trái cây mà Thiên Chúa cấm; người con Cain của họ đã giết em mình là Aben. Qua những câu chuyện cổ xưa đầy hình tượng này, Kinh Thánh muốn giải thích con người là ai.
Địa đàng ở đâu?
Ngôn sứ Isaia mô tả tương lai như một thời mà con người sống hòa thuận với thú dữ. Đó là một cách để nói rằng Thiên Chúa muốn rằng thế giới Ngài tạo dựng thật tốt đẹp.
Hình ảnh hạnh phúc này cũng được dùng để diễn tả nguồn gốc thế giới. Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa đặt con người đầu tiên trong “vườn Eden, ở hướng Đông”. Nơi ấy là một ốc đảo dễ chịu, với những nguồn nước tươi mát và những mỏ quý kim, gần nguồn sông Tigre và Euphrate. Thú vật ở đấy sống thân thiện với con người. Con người được đòi hỏi phải canh tác khu vườn ấy và giữ gìn nó, bởi vì công việc này, khi nó chưa gây nặng nhọc cho con người, đã làm cho con người nên cao quý (Stk 2, 8-17).
Tuy nhiên, nếu sông Tigre và Euphrate có thật, thì vườn Eden là một nơi chốn tưởng tượng, và khu vườn giống như thiên đàng thật sự này chắc chắn chưa từng hiện hữu ở nơi đâu. Những con người đầu tiên đã phải tự vệ chống lại thiên nhiên đôi khi thù nghịch và những con thú hoang dã. Họ chỉ thống trị chúng dần dần. Khi mô tả những con người đầu tiên trong một bối cảnh dễ chịu như con người sau này hằng mong đợi (Is 11, 6-8), Kinh Thánh khẳng định rằng con người từ đầu đã luôn được tạo dựng để sống hạnh phúc; khi con người bất hạnh, đó là do chính con người làm cho mình bất hạnh.
Tại sao Satan lại cải trang thành con rắn?
Một con rắn xúi Eva hái trái cây mà Thiên Chúa cấm ăn. Sách Sáng Thế Ký không nói tên trái ấy (dù người ta thường nói đó là trái táo); và cũng không nói Satan lấy hình con rắn. Kinh Thánh trình bày con rắn là “loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng”. Chỉ sau này, người ta mới nói về ma quỷ.
Con rắn luôn gây ấn tượng cho con người. Chúng trườn mình đi và không chân khiến ta nghĩ đến bộ phận sinh dục của người đàn ông. Chúng gợi lên sự pha lẫn giữa hấp dẫn và sợ hãi, một chút nào đó giống như sự Dữ (le Mal).
Chắc chắn rằng con rắn xúi bà Eva làm điều xấu. Nó là kẻ cám dỗ. Ông Ađam và bà Eva khi ấy tìm cách làm cho mình lớn bằng Thiên Chúa, điều mà Kinh Thánh xem là tội nặng nhất. Thay vì vinh quang, điều ấy đã khiến họ phải chịu đau khổ (Stk 3).
Câu chuyện này không kể lại một biến cố đã thật sự xảy ra; nó muốn giúp người ta hiểu tình trạng của con người nam nữ ở mọi thời đại, những người có tự do làm điều lành hay điều dữ. Tại sao có bao điều dữ và đau khổ trong một thế giới do Thiên Chúa nhân lành tạo dựng? Đây là câu hỏi lớn đối với các tín hữu mà họ chưa bao giờ thôi tìm kiếm câu trả lời.
Đã tìm thấy con tàu Noê?
Trong bản dịch Kinh Thánh tiếng Pháp, con tàu này được dịch là “arche”, một từ chỉ chiếc hòm bằng gỗ. Người ta dùng từ này để nói đến một loại thuyền bè kín mà trong cơn lụt đại hồng thủy ông Nôê đã sống cùng với gia đình mình và vô số thú vật trong đó (Stk 6, 13-22). Người ta cũng dùng từ này để nói đến chiếc hòm mà ông Môisê đã đựng Các tấm bia Luật ông đã nhận được trên núi Sinai, “Hòm bia Giao Ước” (Xh 25, 10-22). Hai vật thể khác nhau này không tìm lại được cái nào.
Hòm bia Giao Ước đã biến mất khi Giêrusalem bị phá hũy lần đầu tiên vào năm 587 trước Công nguyên. Phim ảnh hay tiểu thuyết thuật lại rằng người ta đã tìm thấy nó và nó phát ra một sức mạnh bí ẩn, tất cả đều là những câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.
Kinh Thánh kể rằng con tàu Nôê nằm trên núi Ararat, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, khi trận lụt kết thúc (Stk 8, 1-5). Chẳng ngạc nhiên gì khi người ta không khám phá ra nó ở đấy vì nó chẳng hiện hữu bao giờ.
Trình thuật đại hồng thủy được gợi hứng từ một truyền thuyết cổ xưa, thiên anh hùng ca Gilgamesh, bản văn được khám phá ở Babylon (Irak hiện nay), được viết trên những tấm đất sét. Trong xứ sở này, thường xuyên có những trận lụt dữ dội.
Ta hiểu rằng người dân đã kể lại những câu chuyện mà trong đó nhiều người đã chết vì đuối nước. Người Do Thái đã lấy lại truyền thuyết này và đưa vào trong Sách Thánh của mình là Cựu Ước, nhưng đó không phải là câu chuyện có thật. Ông Nôê là một nhân vật huyền thoại cũng được cho là người phát minh ra rượu nho (Stk 9, 18-29).
Tại sao ông Abraham là cha những kẻ tin?
Danh hiệu “Cha của các kẻ tin” không phải từ Kinh Thánh. Chính những người Hồi giáo đã gán cho ông Abraham danh hiệu này. Đối với họ, có bốn vị đại ngôn sứ: Abraham, Môisê, Giêsu và Mohammed (Mahomet). Chỉ có vị cuối cùng là Mohammed, qua đời năm 632 thuộc kỷ nguyên của chúng ta và là nhà sáng lập Hồi Giáo (islam), là không được Kinh Thánh biết đến. Ông Abraham, sống gần hai ngàn năm trước Đức Giêsu Kitô, là người đầu tiên tin vào một Thiên Chúa độc nhất.
“Cha của các kẻ tin” áp dụng đúng vào ông Abraham. Thiên Chúa bảo ông phải rời bỏ quê hương để thành lập một dân tộc mới, ông vâng lời (Stk 12, 1-9). Ngài hứa cho ông một đứa con trai trong khi bà vợ yêu quý của ông là Sara lại già nua và son sẻ và ông đã tin vào Ngài (Stk 15, 1-6; 18, 1-15). Isaac được sinh ra. Nhưng sau đó Thiên Chúa lại bảo ông hiến tế đứa con yêu dấu này và ông đã vâng lời (Stk 22, 1-19). Về ông Abraham, sách Sáng thế ký chép: “Ông đã tin vào Thiên Chúa và Thiên Chúa xem ông là người công chính”. Thánh Phaolô đã lấy lại câu này để nói rằng ông Abraham là gương mẫu cho các kẻ tin (Rm 4).
Abraham cũng là cha của dân Israël. Trong Kinh Thánh, người Do Thái được gọi là “con cái Abraham”. Giao ước mà Thiên Chúa ký kết với ông Abraham, tổ tiên của họ, cũng được tiếp tục ký kết với họ. Họ nhắc lại điều này khi thực hành cắt bì cho các trẻ nam, vào ngày thứ tám sau khi sinh. Như tất cả mọi trẻ nam Do Thái, Đức Giêsu cũng đã chịu cắt bì.
Tại sao ông Abraham giết con mình?
Tục hiến tế sinh mạng con người đã có nơi dân ngoại mãi cho đến thời gian gần đây. Người ta cho rằng phải làm vui lòng thần thánh bằng cách dâng cho họ những gì quý giá nhất, và đối với các bậc cha mẹ, không gì quý hơn đứa con trai cả của mình. Kinh Thánh kể lại câu chuyện một vài vị vua trong lịch sử Israël đã giết người con đầu của mình và thiêu xác nó trên giàn hỏa.
Khi đòi hỏi ông Abraham giết Isaac, Thiên Chúa đã thử thách ông. Đó là đứa con rất yêu dấu. Mẹ của nó là bà Sara phải khó nhọc lắm mới có được; và Thiên Chúa đã hứa với cha nó rằng sẽ bảo đảm cho ông một dòng dõi đông đúc. Như thế, Ngài muốn thấy ông Abraham có thật sự tin tưởng vào Ngài không.
Lúc ông đưa tay bắt lấy đứa con để giết, Thiên Chúa đã dừng tay ông lại và cho ông tìm thấy một con cừu non để sát tế thay cho Isaac. Câu chuyện này cho thấy Thiên Chúa của Kinh Thánh không thích những hy lễ là sinh mạng con người (Is 1, 10-20; Gr 7, 30-34).
Nhờ đó, dân Israel đã hiểu rằng nên hiến tế bằng thú vật hay sản phẩm vụ mùa: bò, chiên, dê, lúa mạch, dầu, etc. Nhiều thế kỷ sau ông Abraham, các ngôn sứ đã làm cho dân Do Thái hiểu rằng, để làm vui lòng Thiên Chúa, phải tỏ ra trung thành với các giới răn Ngài.
Tại sao dân Do Thái đến Ai Cập?
Ông Abraham và các thành viên trong gia đình mình là những người chăn chiên bán du mục. Dựng trại ở ranh giới giữa sa mạc và các vùng canh tác, họ di chuyển khoảng hai lần mỗi năm để tìm những đồng cỏ mới. Họ tự tìm cho mình những sản phẩm cần thiết khác, nhất là các dụng cụ như bát đĩa và ngũ cốc, trong các chợ nông sản nơi họ bán súc vật của mình. Sau ông Abraham, con ông là Isaac và cháu ông là Giacóp cũng sống như vậy.
Chính vì một nạn đói lớn mà hậu duệ ông Abraham mới định cư ở Ai Cập. Nạn đói xảy ra thường xuyên vào thời cổ, và thường làm chết rất nhiều người. Những đất nước ít bị thảm họa này đụng chạm đến thường có rất nhiều kiều dân, nhất là những người chăn nuôi gia súc vì họ dễ dàng di chuyển nơi này đến nơi khác.
Theo sách Sáng thế ký, ông Giuse, đứa con thứ mười một của Giacóp, đã làm thuận lợi cho việc di chuyển này. Sau khi bị các anh em bán sang Ai Cập làm nô lệ, nơi mà thuật giải những giấc mơ cũng như trí thông minh của ông đã khiến ông nhanh chóng chiếm một chức vụ cao dưới triều vua Pharaon; sau đó, ông đưa gia đình sang.
Giacóp và con cái mình định cư ở phía Tây đồng bằng sông Nil, sát với những miền đất đã có người ở. Họ bắt đầu canh tác đất đai, hoạt động chăn nuôi của họ dần trở nên ít quan trọng hơn. Cuộc chuyển đổi từng bước từ cuộc sống bán du mục đến canh nông đã được các nhà dân tộc học và sử gia biết đến. Họ gọi đó là “định canh định cư” (sédentarisation).
Nil là một dòng sông hùng vĩ mà những cơn lũ của nó đã làm cho các thung lũng được màu mỡ. Dân Do Thái định cư ở vùng châu thổ, xây dựng các thành phố của nhà vua.
Người Do Thái có thực sự vượt qua Biển Đỏ?
Biển Đỏ rộng khoảng hơn hai trăm cây số. Nằm giữa Ai Cập và Ả Rập, nó cũng khá sâu. Nơi dân Do Thái băng qua nằm ở vùng cạnh biển, một vùng đầm lầy giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Ta có nguy cơ lún chìm trong đó nhưng mực nước không bao giờ có độ sâu lớn. Người ta đào kênh Suez ở đó.
Dân Do Thái đã đến Ai Cập vào thời ông Giuse, bị chính quyền Pharaon trưng dụng vào các công trình xây dựng, trong những điều kiện rất khắc nghiệt. Trở về miền đất nơi ông Abraham ở ngày xưa, đối với họ là sự tự do. Họ làm điều đó dưới sự dẫn dắt của một thủ lãnh nổi tiếng là ông Môisê.
Được nuôi dạy ở triều đình Ai Cập, ông Môisê đã gặp khó khăn khi thuyết phục các chi tộc dân Israël theo mình. Tuy nhiên, vua Pharaon không muốn để họ đi. Dù có nhiều tai họa mà ta gọi là “những tai ương Ai Cập” (plaies d’Égypte), nhà vua cũng không nhượng bộ. Cuối cùng, bị một thảm kịch lớn hơn hết khuất phục, cái chết của tất cả mọi đứa con đầu lòng trong đất nước, ông đã cho phép người Do Thái ra đi. Như sau đó ông tiếc nuối và cho chiến mã kỵ binh rượt đuổi theo những kẻ du hành đã đến gần một nhánh biển. Được ông Môisê dẫn đường, dân Do Thái vượt qua biển. Trái lại, người Ai Cập bị chìm xuống và chết đuối.
Trong Kinh Thánh, cuộc vượt qua Biển Đỏ được trình bày như một điều kỳ diệu vĩ đại. Dân Do Thái thấy mình được Thiên Chúa cứu thoát. Một tên gọi đặc biệt được gán cho cuộc ra đi khỏi Ai Cập: Xuất Hành (l’Exode). Một ngày lễ lớn của dân Do Thái nhắc lại những năm tháng này: lễ Vượt Qua (la Pâque).
Ông Môisê các Bản Luật?
Luật lệ cổ đại thường được khắc trên đá. Năm 1902, người ta tìm thấy một bia ký bằng đá basalt đen trên đó khắc bộ luật Hammourabi, vua xứ Babylone (thế kỷ XVIII trướng Công nguyên). Một vài quy định trong đó giống các lề luật trong Cựu Ước.
Kinh Thánh thuật lại rằng luật của dân Do Thái được Thiên Chúa ban cho khi họ còn ở trong sa mạc Sinai (Xh 19-24). Trên đỉnh núi cao, ông Môisê đã nhận được lề luật và truyền dạy cho dân chúng. Những điều khoản chính được khắc trên những phiến đá, gọi là “Các bảng Lề Luật” (Tables de la Loi), mà người ta đặt chúng trong một chiếc hòm. Qua nhiều giai đoạn, tất cả được đặt dưới căn lều được đặc biệt dựng lên ở giữa trại.
Người ta nói rằng các bảng đá này “được viết bởi ngón tay Thiên Chúa”; đừng tin rằng chúng chỉ là những điều luật được ghi khắc nhưng là biểu tượng cho giao ước của Thiên Chúa với dân Ngài. Khi ông Môisê thấy dân chúng đúc bò vàng để thờ lạy, ông nổi giận ném vỡ các Bảng Lề Luật, như thế là dân chúng đã phá hủy giao ước (Xh 32-34).
Nhưng Thiên Chúa của Kinh Thánh là Thiên Chúa hay tha thứ. Ngài bảo ông Môisê tạc những bảng mới và leo lên núi một lần nữa. Ngài nối lại giao ước với dân Israël.
Người Do Thái tin rằng, ngoài những lề luật thành văn, Thiên Chúa còn ban cho ông Môisê luật truyền khẩu, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sau đó, luật này được ghi chép lại thành văn trong sách Talmud.
Đavít thắng Gôliát như thế nào?
Đavít là vị vua thứ hai của dân Israël và là nhà sáng lập triều đại. Ông kế vị một nhà vua khác là Saolê, bị giết trong một trận chiến và thật sự không có người con trai nào có thể kế nhiệm ông. Đavít đã để lại ký ức về một vị vua công chính và tốt lành dù có vài lầm lỗi lớn. Người ta nghĩ rằng ông là tác giả của nhiều thánh vịnh; vì thế ông thường được vẽ với cây đàn lia trên tay.
Ông đã chiến đấu với Gôliát khi còn rất trẻ. Biến cố xảy ra vào triều đại của Saolê. Dân Israël có chiến tranh với người Philistin, những thủy quân sống trên bờ Địa Trung Hải. Một ngày kia, số phận một trận chiến được định đoạt bằng cuộc chiến đấu tay đôi giữa hai nhà vô địch. Về phía người Philistin, họ đưa ra gã khổng lồ Gôliát. Israël không có chiến binh nào đủ mạnh để lấy đầu gã ấy.
Đavít, thuở nhỏ là người chăn chiên, đã tình nguyện. Ông giết Gôliát bằng cái ná, bắn viên đá vào giữa trán, sau đó chém đầu Gôliát. Dân Israël chiến thắng và tin rằng Thiên Chúa đã chiến đấu cùng với Đavít (1 Sm 17).
Về sau, khi các vua bất chính bước lên ngai vàng, và càng về sau này nữa khi dân Israël mất độc lập, người ta bắt đầu hy vọng một vị vua mới sẽ đến, công chính như vua Đavít. Vị vua được trông chờ này được gọi là Đấng Cứu Thế (hay Đấng Messia).
Đối với các Kitô hữu, Đức Giêsu Nazarét là Đấng Messia của dân Israël (Mc 8, 27-30). Messia và Kitô là cùng một nghĩa (Messia là tiếng Do Thái; Kitô là tiếng Hy Lạp; cả hai có nghĩa là “Đấng được xức dầu” hay “Đấng Cứu Thế”).
Tại sao người ta nói về sự khôn ngoan của vua Salômon?
Salômon, con trai và là người kế vị vua Đavít, đã cai trị bốn mươi năm ở Giêrusalem. Cha ông là một vị vua công chính còn Salômon nổi tiếng về sự huy hoàng. Chính ông đã xây dựng đền thờ Giêrusalem (1 V 5,15 – 9,25). Dù chỉ trị vì một vương quốc khá nhỏ song ông có những mối liên hệ ngoại giao với các quốc vương quyền lực. Cuộc thăm viếng của nữ hoàng Saba minh họa cho vinh quang của triều đại ông (1 V 10, 1-13).
Nữ hoàng Saba bị choáng ngợp bởi sự khôn ngoan của vua Salômon, sự phán đoán chính xác và nghệ thuật giải mã những bí ẩn của ông. Ngay từ đầu triều đại, ông đã cầu xin Thiên Chúa ban cho ông một tâm hồn ngay thẳng biết phân biệt phải trái (1 V 3, 4-15), ông yêu thích điều này hơn cả sự trường thọ, của cải hay sức mạnh quân sự. Và Thiên Chúa đã ban điều ấy cho ông.
Nhiều sách trong Kinh Thánh đã được gán cho vua Salômon dù thật sự ông không phải là tác giả: Châm Ngôn, Giảng Viên (còn gọi là Qohélet), Diễm Ca, Khôn Ngoan. Những sách này trình bày nghệ thuật sống, sự khôn ngoan. Những người viết ra chúng thấy mình là môn đệ của một vị vua cực kỳ thông thái.
Tuy nhiên, Salômon đã để lại vài kỷ niệm xấu. Bị các bà vợ ngoại giáo xui giục, ông dâng của lễ cho các ngẫu tượng (1 V 11, 1-13). Sau khi chết, vương quốc của ông đã chia thành hai và tồn tại như thế trong nhiều thế kỷ. Dòng dõi các vua xấu mà các ngôn sứ lên án sắp bắt đầu.
Ai là thủ lĩnh tôn giáo trong dân Israël thời xưa?
Như nhiều xứ sở cổ đại, quyền lực tôn giáo được phân chia giữa nhiều phe phái. Đồng thời, tôn giáo và chính trị rất lẫn lộn.
Thủ lĩnh của đất nước, trong mọi lãnh vực, trước hết là nhà vua. Chỉ mình ông được thánh hiến bằng việc xức dầu. Ông có nhiệm vụ làm cho luật lệ và sự công chính được tôn trọng như được ghi lại trong luật Môisê.
Các tư tế điều hành đền thờ. Họ dâng thú vật làm lễ hy tế vào những dịp lễ lớn trong năm hay một biến cố trong gia đình: tạ ơn, hòa giải với Thiên Chúa khi phạm tội nặng, thanh tẩy bà mẹ sau khi sinh con, etc. Giêrusalem là đền thờ quan trọng nhất trong đất nước và dần trở thành nơi duy nhất dâng những của lễ hy tế.
Các ngôn sứ cũng đóng một vai trò lớn. Nhà vua và công dân bình thường hay tham khảo họ để biết ý muốn của Thiên Chúa, điều này giúp họ đưa ra những quyết định. Vài người sống thành nhóm bên cạnh đền thờ; vài người khác đồng thời cũng là tư tế. Nhiều người, như Isaia chẳng hạn, đã trở nên cố vấn của nhà vua.
Kinh Thánh gán tầm quan trọng lớn lao cho ngôn sứ Êlia (thế kỷ IX trước Công nguyên). Ông nhiều lần chống lại các vị vua bất chính ở thời đại mình và được xem như khuôn mẫu cho các ngôn sứ trung thành và can đảm (1V 17-22; 2V 1-2; Mt 17, 9-13). Các Tin Mừng nói rằng ông đã trở lại trong con người của Gioan Làm phép rửa, người anh em họ hàng với Đức Giêsu, đã rao giảng trước Ngài và chết để làm chứng nhân.
Các ngôn sứ có đoán trước tương lai?
Sẽ sai lầm nếu nói rằng các ngôn sứ ở đấy để tiên đoán tương lai. Trong Kinh Thánh, ngôn sứ là người nói nhân danh Thiên Chúa. Phần lớn thời gian, ông giúp cho dân chúng thời đại mình giải thích những biến cố hiện tại và quá khứ. “Giêrusalem bị vây hãm ư?”, đó là Thiên Chúa cảnh báo vì người giàu trong thành phố đã áp bức người nghèo. “Nhà vua có con trai ư?”, đó là dấu hiệu Thiên Chúa không bỏ rơi dân Ngài.
Khi các ngôn sứ nói về tương lai, chính là vì đời sống cầu nguyện đã làm cho họ sáng suốt hơn những người khác, và phân tích được những gì sắp xảy đến. Giêrêmia đã than khóc vì ông biết rằng sự độc ác giữa người với nhau chỉ có thể dẫn đưa dân Israël đến thảm họa và bị lưu đày. Một môn đệ của Isaia đã tiên đoán sự trở về từ nơi Lưu đày vì Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ. Cuối Tân Ước, sách Khải Huyền mô tả về trời và đất như thế nào là khi thế giới này kết thúc; vì Thiên Chúa yêu thương và mời gọi con người sống mãi trong ánh sáng.
Kinh Thánh mở những cánh cửa về tương lai nhưng không nói chi tiết. Đặc biệt, Kinh Thánh không bao giờ nói khi nào những điều ấy sẽ đến. Thật vô ích khi tìm trong Kinh Thánh ngày tháng kết thúc thế giới, con số các giáo hoàng hay thế chiến thứ ba bùng nổ.
Chính Đức Giêsu cũng đã nói Ngài không biết khi nào là cuối thời gian: sự sống được tạo dựng để sống, không phải để khoanh tay chờ hạnh phúc hay bất hạnh.
Tại sao người Do Thái bị lưu đày?
Khi một dân tộc chinh phục một xứ sở, họ phát lưu những người dân để chiếm chỗ. Điều này rất thường xảy ra trong thời cổ hơn là thời nay. Do đó, hai vương quốc Do Thái được thành lập sau cái chết của vua Salômon đã bị các vua miền Lưỡng hà (Mésopotamie) lần lượt chinh phục.
Vương quốc phía bắc có kinh đô là Samari. Thành phố bị người Assyri chinh phục vào năm 721 trước Công nguyên và dân chúng bị lưu đày.
Thế vào chỗ họ, người Assyri đã trở thành thực dân, được gọi là người Samari (2V 17). Thế nên ta hiểu tại sao người Do Thái và người Samari không thích nhau.
Vương quốc phía Nam, gọi là Giuđa, đã giữ lại Giêrusalem, thành của vua Đavít, làm kinh đô. Chính Babylon đã chinh phục kinh đô này vào năm 587 trước Công nguyên, và dân chúng cũng buộc phải đi lưu đày (2V 24-25).
Sau này, một số người đã có thể trở về nhờ chỉ dụ của Cyrus, vua xứ Ba Tư, vào năm 538 trước Công nguyên. Những người khác vẫn ở lại Babylon nơi họ thành lập một cộng đồng Do Thái. Các ngôn sứ cũng đã nói rằng người Do Thái bị lưu đày là vì họ chịu trách nhiệm về điều đó. Nếu họ tôn trọng giao ước với Thiên Chúa thì kẻ thù không thể chiến thắng được họ.
Ông Giôna có ở trong bụng cá?
Sách Giôna là một phần của tuyển tập 12 ngôn sứ nhỏ, nhưng đây không phải là sách ngôn sứ như những cuốn khác. Ông Giôna, nhân vật trong câu chuyện, là có thật: ông là ngôn sứ dưới triều vua Giêrôbôam II (2V 14, 23-29), thế kỷ VIII trước Công nguyên. Nhưng sách Giôna là câu chuyện cổ tích bổ ích. Nó dễ đọc và rất vui.
Câu chuyện khiến người ta hiểu rằng thật sai lầm khi con người chống lại Thiên Chúa. Giôna, một người Do Thái, được Thiên Chúa sai đến rao giảng tại Ninivê, kinh đô của vương quốc Assyri, một đất nước ngoại giáo hùng mạnh thù nghịch với Israël. Giôna sợ hãi và chạy trốn về hướng ngược lại. Ông lên một thương thuyền, nhưng bão tố nổi lên vì tội lỗi của ông, và các thủy thủ ném ông xuống biển. Ông được một con cá lớn nuốt vào bụng (không phải là cá voi) và ở trong bụng nó ba ngày; câu chuyện này được lấy lại trong chuyện cậu bé Pinocchio.
Cuối cùng, Giôna thấy mình ở Ninivê nơi ông ngạc nhiên khi thấy dân chúng nghe và vâng lời ông. Cả thú vật cũng sám hối! Khi ấy Giôna hiểu rằng Thiên Chúa cũng yêu dân ngoại nữa. Đối với người Do Thái thời cổ, đó là một khám phá.
Giôna được mô tả là người tốt nhưng hay càu nhàu, chẳng bao giờ bằng lòng điều gì, một tính xấu. Ông không hiểu gì và sẵn sàng nổi giận vì những chuyện rất nhỏ nhặt. Trong mỗi người chúng ta có một Giôna và sách của ông đặt ra câu hỏi: “Ngươi có lý khi giận dữ chống lại sự sống không? Tốt hơn là hãy nên trách mình và nhìn thế giới với sự khôi hài?”
Tại sao người ta nói “nghèo như ông Gióp”?
Chuyện ông Gióp được mượn từ một truyền thuyết ngoại giáo, nói về một người rất giàu, bổng nhiên bị bất hạnh ập đến. Đàn gia súc của ông bị đánh cắp, sấm sét phá hoại mùa màng, con cái bị thiệt mạng trong tai nạn nghiêm trọng; ông thấy mình nghèo khó và bị mọi người bỏ rơi, thân thể hao mòn vì ung nhọt. Người ta mô tả ông thường nằm trên đống phân, gãi những vết thương bằng các mảnh bình vỡ. Thế nên có thành ngữ “nghèo như ông Gióp” (pauvre comme Job).
Trong suốt những năm tháng chịu đựng này, Gióp không hề nguyền rủa Thiên Chúa. Cuối cùng Thiên Chúa đã tưởng thưởng ông vì đã trung thành: Ngài ban lại cho ông con cái, bạn bè, của cải gấp hai lần những gì ngày xưa ông có. Mọi sự tốt đều có cái kết tốt, kết có hậu.
Tuy nhiên, ích lợi của cuốn sách không tóm gọn vào câu chuyện đẹp này. Một tác giả Kinh Thánh tài năng đã tưởng tượng ra một vở kịch thơ trong đó ông Gióp, nằm trên đống phân chuồng, nói chuyện với các bạn cũ đến thăm ông, và với Thiên Chúa. Một bản văn gây nhói lòng.
Gióp phàn nàn nhưng không nổi loạn. Ông nguyền rủa ngày mình sinh ra, ngày cũng xảy đến với ngôn sứ Giêrêmia bị bất hạnh chạm đến (Gr 20, 14-18). Ông cố hiểu nhưng không hiểu được. Ông thốt ra những lời chán nản và những niềm hy vọng khác. Và tư tưởng của ông chấm dứt với một dấu hỏi lớn khi đối diện với những bí ẩn của sự đau khổ.
Kinh Thánh biết rằng lời nói không giải thích tất cả.
Có những mầu nhiệm mà ta chỉ biết thinh lặng trước nó.
Các thánh vịnh để làm gì?
Sách các Thánh vịnh là tuyển tập 150 lời cầu nguyện, phần lớn được sáng tác dành cho các nghi lễ được cử hành trong đền thờ Giêrusalem. Những lời cầu cổ xưa nhất lên đến thời vua Đavít. Những lời cầu nguyện này được hát, đôi khi đi kèm với múa, và có ban nhạc hòa theo mà ta thấy trong thánh vịnh 150, thánh vịnh cuối cùng.
Tác giả một thánh vịnh thường nói nhân danh dân Israël, dù ông nói ở ngôi thứ nhất số ít. Ông nói lên nỗi đau trước một thất bại quân sự hay một thảm họa quốc gia; ông hát mừng nhân ngày lễ lớn hay một biến cố chính trị thuận lợi.
Hiện thời các thánh vịnh nuôi dưỡng kinh nguyện của nhiều tín hữu. Người Do Thái hát thánh vịnh trong các hội đường, nhà cầu nguyện của họ. Người ta luôn đọc hay hát ít nhất một thánh vịnh trong thánh lễ Công Giáo, và thường nhiều thánh vịnh trong phụng tự Tin Lành. Lời kinh được hát nhiều lần trong ngày bởi các tu sĩ và kinh nguyện của các nữ tu chiêm niệm chủ yếu gồm nhiều thánh vịnh. Vì thế người ta gọi là thần vụ tu viện (office monastique).
Cựu Ước đòi phải ghét kẻ thù?
Tinh thần hiện đại bị choáng khi gặp thấy bạo lực của một vài bản văn Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước. Khi dân thắng một trận chiến, họ được truyền lệnh không bắt tù binh cũng không thu chiến lợi phẩm: đàn ông và súc vật phải bị giết chết, đồ vật quý giá phải phá bỏ (Gs 6, 17-21). Ta cũng thấy trong vài thánh vịnh những lời cầu rất tàn nhẫn chống lại đối phương: cầu xin Thiên Chúa chà đạp chúng, triệt hạ chúng (Tv 58; 137).
Chắc chắn là Kinh Thánh có bạo lực, nhưng cuộc sống chẳng phải là như thế sao? Đúng ra, luật lệ của Cựu Ước nhân đạo hóa mối tương quan giữa người với nhau. Chẳng hạn, nó giới hạn sự báo thù: “Mắt đền mắt, răng đền răng”: đây là “luật Talion” nổi tiếng, đòi hỏi sự đáp trả phải tương xứng với thiệt hại (Xh 21, 22-25). Nơi người Bédouin ngoại giáo, hình phạt dành cho đối phương nặng hơn rất nhiều đối với sai phạm mà người ta phải chịu, và người ta báo thù trên gia đình kẻ địch đến đời thứ bảy!
Trong Bài giảng trên núi, thật sự Đức Giêsu trình bày Cựu Ước cứ như là nó đòi phải ghét kẻ thù (Mt 5, 43-48). Thật sự không phải vậy. Đức Giêsu tóm gọn bằng cách đơn giản hóa nó, để rồi loan báo một luật mới: “Còn tôi, tôi bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại anh em”.
Yêu kẻ thù là điều răn đòi hỏi nhất của Tin Mừng. Nó đòi hỏi con người hành động như chính Thiên Chúa. Cần phải cả đời mới đạt được điều đó, và còn hơn thế nữa!
(Phần ba: Tân Ước)
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: Premières questions sur la Bible,
De dix à quatre-vingt-dix ans
Desclée de Brouwer, 2010
Nguồn: gpquinhon.org (07.08.2022)