TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 04/08/2022 08:05 |   1027
Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.” (Lc 9, 35)

06/08/2022
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
Chúa Hiển Dung

 

Lc 9, 28b-36

chúa ki-tô, định hướng đời tôi
Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.”
(Lc 9, 35)

Suy niệm: Chàng phi công St. Exupéry, đồng thời là nhà văn nổi tiếng của Pháp, cho biết, bay giữa đêm tối thật là nguy hiểm. Phi công có thể lầm lẫn giữa sao trời và ánh sáng dưới đất. Vì thế, tỉnh táo phân biệt và định hướng quyết định sự sống còn của phi công. Ba chàng “phi công” Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an suýt mất mạng trong chuyến bay đức tin. Phê-rô đã lệch hướng bay khi không chấp nhận theo Thầy hướng về Giê-ru-sa-lem đón nhận thập giá; Gia-cô-bê và Gio-an hiểu sai về vinh quang của Đức Ki-tô nên không phân biệt những sự dưới đất và những sự trên trời. Phúc cho họ, Thiên Chúa đã giúp họ “tu nghiệp” điều chỉnh hướng tới cuộc đời, bằng cách bộc lộ sự thật vinh quang của Đức Ki-tô và dạy nguyên tắc vàng ngọc: “Hãy vâng nghe lời Người”. Trong thông điệp đầu tiên của mình, “Đấng cứu chuộc loài người”, Đức Gioan Phaolô II đã định hướng cho mình và Giáo Hội dựa trên nguyên tắc ấy: định hướng duy nhất của trí tuệ, của ý chí, của lòng ta là Chúa Ki-tô, Đấng cứu chuộc loài người.

Mời Bạn: Trách nhiệm truyền giáo khiến bạn có khác gì viên phi công trưởng của chuyến bay có nhiều hành khách. Bạn đang nhắm hướng nào? Bạn có nghiêm túc giữ nguyên tắc căn bản “Hãy vâng nghe lời Người” không?

Chia sẻ: Làm thế nào để gia tăng số người suy niệm lời Chúa hằng ngày?

Sống Lời Chúa: Thực hành suy niệm lời Chúa hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra lòng từ ái của Chúa trong những đòi hỏi của Tin Mừng, xin giúp con thực hành những lời hằng sống ấy.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Hiển Dung -C

Ca nhập lễ

Trong một đám mây sáng chói, Thánh Thần xuất hiện và có tiếng Chúa Cha phán rằng: Này là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Con Một Chúa biểu lộ dung nhan hiển vinh người, Chúa đã dùng hai chứng nhân Cựu Ước là ông Môsê và ông Êlia để củng cố niềm tin của các tông đồ vào mầu nhiệm cứu độ và báo trước hồng ân lạ lùng Chúa sẽ ban là nhận chúng con làm nghĩa tử. Xin cho chúng con nghe lời Con Một Chúa để mai sau được chung hưởng gia nghiệp với người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Ðn 7, 9-10. 13-14

“Áo Người trắng như tuyết”.

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.

Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 96, 1-2. 5-6. 9

Ðáp: Chúa hiển trị, Chúa là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).

Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu. – Ðáp.

Xướng: Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi trái đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. – Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Pr 1, 16-19

“Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: “Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 17, 5c

Alleluia, alleluia! – Này là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 28b-36

“Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính nhớ Ðức Kitô hiển dung, xin Chúa thương thánh hoá của lễ chúng con dâng tiến Chúa đây, và chiếu giãi hào quang của người để thanh tẩy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Người đã tỏ bày vinh quang cho các chứng nhân được tuyển chọn khi làm cho thân thể Người, vốn giống như xác phàm chúng con, được tràn ngập ánh sáng huy hoàng. Như vậy, người chuẩn bị tâm hồn các môn đệ khỏi vấp phạm vì khổ hình thập giá, và làm cho ánh sáng diệu kỳ chiếu tỏ nơi Người là Ðầu của Hội Thánh, cũng sẽ rạng ngời trên toàn thân thể nhiệm mầu. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Chúa uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Khi Chúa Kitô tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong mầu nhiệm hiển dung, Chúa đã tỏ cho các tông đồ thấy vẻ huy hoàng của Ðức Kitô, chính Người cũng là của ăn chúng con vừa lãnh nhận. Xin cho chúng con nhờ của ăn này được nên giống Người hơn nữa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Chúa Hiển Dung -C

Câu truyện Chúa Giêsu biến hình đã được phụng vụ nhắc tới trong ngày Chúa nhật II mùa Chay đề hướng lòng tín hữu về mầu nhiệm Phục sinh hầu biết đi con dường chay tịnh khổ gía của Người. Hôm nay phụng vụ nhắc lại câu truyện ấy có lẽ vì ngày 6 tháng 8 kỷ niệm cung hiến Đền thờ Chúa biến hình trên núi Taibor. Dù sao đây cũng là câu truyện rất ý nghĩa có khả năng nuôi sống và phát triển niềm tin và lòng đạo đức của mọi người. Thế nên, không những chúng ta phải biết rõ câu truyện ấy trong lịch sử, mà còn phải thấu hiểu ý nghĩa sâu xa và nhất là phải rút ra mọi ơn ích cho mầu nhiệm Chúa Yêsu biến hình.

A. Câu truyện lịch sử

Cả ba sách Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật biến cố này. Sách Tin Mừng Gioan ám chỉ đến trong đoạn kể có một số người Hy lạp bấy giờ muốn được trông thấy Đức Yêsu (12,20-32). Người liền nói: Giờ đã đến cho Con Người được tôn vinh. Và lập tức có tiếng từ trời đến: “Ta đã tôn vinh Danh Ta và Ta sẽ lại tôn vinh”. Còn chính thánh Phêrô, một trong ba môn đệ đã được chứng kiến cảnh biến hình, thì đã kể lại một cách vắn tắt như ta đọc thấy trong bài thư hôm nay. Riêng các thư Phaolô không bao giờ trực tiếp nói đến câu truyện này. Nhưng ánh sáng của Chúa Giêsu phủ xuống người trên đường Đama không phải là vinh quang của Đấng đã có lần biến hình sao? Và chắc chắn câu truyện Chúa biến hình đã giúp Phaolô nhiều lắm khi người nói với các tín hữu về việc phải đổi mới và biến dạng sang Chúa Giêsu Kitô. Nói tóm lại, việc Chúa Giêsu biến hình là một biến cố lịch sử trong cuộc đời của Người, đã được nhiều nơi trong các sách Tân Ước hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp mô tả và gợi lên, để chúng ta thấy rõ đây là một mầu nhiệm quan trọng.

Vậy biến cố ấy đã xảy ra như thế nào ?

Bài Tin Mừng Matthêu chúng ta vừa nghe đọc bắt đầu bằng những chữ: “6 ngày sau”. Và đọc lên chúng ta thấy đó là 6 ngày sau hôm đức Giêsu lần đầu tiên nói cho môn đệ biết Người sẽ bị nộp, bị bắt, bị đánh. Bị xử, bị giết, nhưng sẽ sống lại ngày thứ ba. Lời tuyên bố ấy khiến môn đệ ngỡ ngàng, chẳng hiểu gì cả và nhất là quả quyết không thể xảy ra. Đức Giêsu không những khẳng định lại mà còn tuyên bố thêm: chính các môn đệ và những ai muốn theo Người cũng phải vác thập giá mình mà đi theo.

Thật là một mạc khải lạ lùng làm cho nhiều người suy nghĩ và có thể bắt đầu buồn phiền. Thấy họ chưa hiểu hết ý của Người vì không phải Người chỉ nói thập giá mà còn khẳng định sẽ Phục sinh. Và thấy họ  vì thế đâm ra buồn phiền, Đức Giêsu đã hứa cho họ được xem thấy vinh quang và quyền năng của Người. Nói đúng hơn, Người chỉ hứa như vậy cho một số người trong bọn họ thôi. Và thế là 6 ngày sau, ba môn đệ được đưa lên núi để xem thấy vinh quang của Người trong lúc biến hình.

Chúng ta hãy khoan quả quyết việc biến hình này kí ý thực hiện lời hứa cách đây 6 hôm. Chúng ta chỉ tạm ghi nhận việc ấy xảy ra 6 hôm sau ngày Đức Kitô tuyên bố lần đầu tiên về cuộc khổ nạn của Người.

Vậy Người đã đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi. Không biết núi nào. Chỉ biết khi ở trên núi, Người đã biến hình trước mặt các ông. Mặt Người chói như mặt trời và áo Người trắng như ánh sáng. Rồi có Elia và Môsê hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ Phêrô lên tiếng xin làm ba lều. Nhưng có tiếng từ một đám mây sáng vừa đến bọc lấy các Ngài át đi. tiếng ấy nghe rõ mồn một : “Ngài là Con Chí ái của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ các ngươi hãy nghe Ngài”. Ba môn đệ liền sấp mặt xuống đất. Nhưng Đức Kitô đã cúi xuống nâng họ dậy. Khi ngẩng lên, họ chỉ còn thấy Đức Giêsu là một người y như mọi khi.

Câu truyện biến hình chỉ có như vậy. Lâu chừng nào? Chẳng ai biết. Nhưng ý nghiã của nó thì thật thâm sâu.

B. Ý nghĩa của câu truyện

Ý nghĩa đầu tiên, chúng ta đã đoán được. Đức Giêsu muốn phấn chấn lòng các môn đệ sau một tuần lễ sống nặng nề trong viễn tượng Con Người sẽ bị nộp, bị giết và các môn đệ cũng phải vác thập giá. Chính vì vậy mà Phụng vụ đã nhắc lại câu truyện Chúa biến hình ở đầu mùa Chay. Chúa cho các môn đệ thấy vinh quang của Người để họ không mất niềm tin khi thấy Người bị khổ nhục.

Nhưng theo cách tường thuật của các bản Tin Mừng thì Chúa biến hình sẽ không giống lắm với Chúa phục sinh. Sau khi Người sống lại, các môn đệ sẽ không thấy Người mặt chói như mặt trời, áo trắng như ánh sáng. Ho cũng sẽ không thấy ai tháp tùng Người khi hiện ra và sẽ chẳng nghe thấy tiếng nào phát ra tự một đám mây sáng… Tức là khi thuật lại việc Chúa biến hình, tác giả các sách Tin Mừng không tựa vào những điều đã xem thấy nơi Chúa Giêsu Phục sinh. Thế nên có thể nói khi biến hình, Chúa Giêsu không phải chỉ muốn cho môn đệ được phấn chấn; và có lẽ Người đã không muốn trực tiếp tiên báo việc phục sinh. Có những ý nghĩa ấy, nhưng không phải là những ý nghĩa duy nhất. Còn có thể có những ý nghĩa sâu xa hơn. Hay ít ra phải hiểu các ý nghĩa kia sâu xa hơn nữa.

Chúng ta có thể nói được rằng Đức Giêsu đã muốn phấn chấn lòng các môn đệ thật, nhưng bằng cách mạc khải cho họ hiểu hơn về con người của Ngài hơn là chỉ cho họ thấy trước một điều gì chưa xảy đến ở nơi Ngài và cho Ngài. Cao điểm của câu truyện này là tiếng phán ra từ trong đám mây: Ngài là con Chí ái của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ, các ngươi hãy nghe Ngài! Rõ ràng Chúa Cha muốn tuyên bố: Đức Giêsu là Con Một, là Tôi tớ được sủng mộ và là Tiên tri của Người. Cách đây 6 ngày Ngài tuyên bố Ngài sẽ bị nộp, bị giết khiến môn đồ sa sầm nét mặt, tưởng kết cục Ngài sẽ chỉ là người Tôi tớ bị treo trên Thập giá. Nay chính Thiên Chúa công khai mạc khải Ngài là Con Chí ái và người ta phải nghe Ngài. Chúa Cha phán như vậy để công nhận việc tự hạ của Đức Giêsu và nâng Ngài lên; nhưng nhất là để môn đệ luôn luôn tin Ngài là Con Thiên Chúa.

Tiếp theo Chúa Cha còn nói: Đức Giêsu là kẻ được Người sủng mộ. Và điều này cũng rất quan trọng. Nó gợi lên hình ảnh Người Tôi tớ trong sách Isaia, và là Người Tôi tớ làm thỏa mãn Thiên Chúa (Ys 42,1). Nó nhấn mạnh đến việc “làm mãn nguyện lòng Thiên Chúa” hơn là đến tư cách là Tôi tớ. Nghĩa là Chúa Cha tỏ ra hài lòng về lối làm việc của Đức Giêsu, về việc Ngài cứu thế bằng đau khổ, về thái độ khiêm cung nhẫn nhục của Ngài trong mầu nhiệm thánh giá.

Thế nên Đức Giêsu thật là Vị Tiên tri của Thiên Chúa, là Đấng đem sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Sứ điệp này nằm trong mầu nhiệm thánh giá như chúng ta vừa thấy. Mọi người phải nhận lấy, kẻo bị gạt khỏi Nước Trời.

Trước nhưng mạc khải như vậy, môn đệ không có cách nào khác hơn là sấp mặt xuống đất vì kinh sợ. Nhưng đó chỉ là bước đầu. Thiên Chúa không để con người ở trạng thái đó đâu; nếu không, mạc khải của Người chỉ đè bẹp mà không thăng tiến người ta. Kính sợ Chúa chỉ là đầu sự khôn ngoan. Đó là điều kiện để nhận được chính sự khôn ngoan cũng là chính sự cứu độ và hạnh phúc. Khi thấy các môn đệ đã có thái độ ấy, Đức Giêsu, Đấng cứu chuộc con người, đã đến gần, động vào họ, cho họ ngẩng lên và được an thái.

Ho thật có phúc. Ho đã được mạc khải về Con Người, được sống đầy đủ ơn lành của mạc khải đó, dù trong chốc lát. Thánh Phêrô sau này có thể bỏ rơi mọi yếu tố kỳ diệu của quang cảnh hôm nay. Và trong đoạn thư của người chúng ta vừa nghe đọc, người như không cần nhắc lại nhiều chi tiết. Nhưng nội dung cốt yếu của sự việc thì người đã thuật lại cách rõ ràng. Người nói chính chúng tôi đã được phúc cung chiêm sự uy nghi lẫm liệt của Ngài. Và đó mới thật là ý nghĩa sâu xa của câu truyện Biến hình, để chúng ta thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa rất đẹp lòng Người, nên ai muốn đẹp lòng Thiên Chúa, phải biết nghe lời Ngài, tức là sống theo Ngài.

Và để làm nổi bật lời mạc khải ấy, tác giả các sách Tin Mừng còn bao bọc câu truyện biến hình bằng nhiều chi tiết ý nghĩa.

Như chúng ta đã nói, cuộc biến hình không được mô tả theo khuôn mẫu của các lần Chúa sống lại hiện ra. Vì mục đích của những lần hiện ra này không phải để cho môn đệ nhìn thấy vinh quang của Con Người, mà chỉ cốt. cho họ tin Đấng đã chết bây giờ đang sống. Còn việc Đức Giêsu biến hình có ý nghĩa sâu xa như chúng ta đã trình bày, để môn đệ thấy Người uy nghi lẫm liệt. Do đó tác giả các sách Tin Mừng đã dùng lối văn khải huyền, giống như đoạn sách Đaniel ở bài đọc I.

Nhà tiên tri nhìn thấy một con người được tham dự vinh quang của Thiên Chúa. Đó là Đức Kitô trong ngày được tôn vinh khi thời gian đã mãn, theo lời giải thích của thánh Gioan trong sách Khải huyền. Đó cũng là Đức Giêsu trong mầu nhiệm biến hình vì Con Người mà ba môn đệ nhìn thấy uy nghi lẫm liệt hôm nay, mọi người sẽ được cung chiêm khi lên Núi Thánh.

Các sách không nói Chúa Giêsu đã biến hình trên núi nào. Không phải trên núi Sion. Nhưng trên một núi “rất cao”. Và như vậy để nói lên tính cách xuất thế của nơi cao vời chốn thiên cung mà Đức Giêsu sẽ đi vào.

Và cũng chính vì thế mà sắc diện của Chúa Giêsu chói như mặt trời và áo Người trắng như ánh sáng. Đó là những màu sắc vinh hiển của các người công chính ở trong Nước Chúa, theo như các tiên tri thường nói (Đn 12,3). Và điều này làm chứng thêm mục đích của việc biến hình muốn mạc khải thần tính của Đức Giêsu và sự sống của Người nơi vinh quang Thiên chúa, hơn là muốn báo trước sự phục sinh của Người.

Hai nhân vật Môsê và Êlya có thể được coi như hiện thân của Luật pháp và Tiên tri đến chứng tỏ cho uy thế của Đức Giêsu. Nhưng đúng hơn có lẽ nên coi Môsê là là tiên tri uy tín nhất đến nhường chỗ lại cho Vị Tiên tri mới thành Nazarét ; và Êlya theo truyền thống là con người phải trở lại khi Đấng Thiên sai đến. Cả hai nói lên địa vị ưu việt của Đức Giêsu trong chương trình cứu độ vào thời gian sung mãn.

Như vậy Phêrô có lý khi bày tỏ hạnh phúc được tham dự mạc khải cao quý này. Ông chỉ hơi ngây ngô lúc muốn xin làm ba lều. Chắc không phải vì đang sống trong tuần “Lễ Lều” của người Do thái nên ông nghĩ đến điều đó. Ông chỉ muốn được ở mãi trong sự chiêm ngưỡng kia. Ông quên mất rằng mới chỉ có ba môn đệ được thấy. Còn cả nhân loại nữa chứ ! Thiên Chúa muốn rằng tất cả chúng ta sẽ được đưa vào trong vinh quang của Người.

Kìa một áng mây sáng đến bao trùm lấy họ, và giữa đám mây ấy là Đức Giêsu Kitô đang được Chúa Cha tôn vinh bằng những lời cao cả: “Ngài là Con Chí ái của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ, các ngươi hãy nghe Ngài”. Áng mây và tiếng nói cũng làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa đến dạy bảo chúng ta. Phải, chúng ta hãy nghe lời Đức Giêsu Kitô để có ngày được đưa vào vinh hiền của Thiên Chúa, như các môn đệ trong cuộc biến hình hôm nay. Và cho được như vậy, chúng ta hãy rút ra những bài học cụ thể của câu truyện này.

C. Những bài học cụ thể

Cho dù việc Chúa Giêsu biến hình không trực tiếp muốn tiên báo việc Người phục sinh, nó vẫn muốn phấn chấn lòng các môn đệ để họ tin vào Người hơn. Và điều này Chúa cũng muốn làm cho chúng ta, đặc biệt trong các thánh lễ Chúa nhật. Ở đây cũng có mầu nhiệm biến hình. Hoa màu ruộng đất và lao công vất vả của con người đã biến nên bánh rượu, để rồi qua Lời toàn năng biến thành Thịt Máu Chúa. Không những Chúa nên lương thực nuôi chúng ta, mà lao công vất vả cùng đời sống chúng ta, tuy nhạt như giọt nước, cũng sẽ được hòa vào với rượu để trở nên Máu Thánh.

Chúng ta được đưa vào mầu nhiệm, sâu sắc hơn cả ba môn đệ khi được đưa vào áng mây trên núi biến hình. Vậy nếu Phêrô đã phấn khởi và suốt đời không thể nào quên được diễm phúc ở trên Núi thánh, thì vì sao chúng ta lại không cảm thấy được phấn chấn và khích lệ khi tham dự thánh lễ ? Mầu nhiệm biến hình mạc khải cho môn đệ biết nhìn Đức Giêsu là Con Chí ái của Thiên Chúa là đường lối cứu thế của Người đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng. Thánh lễ không cho chúng ta thấy danh tính đích thực của chúng ta và của anh em hơn hay sao ? Chúng ta và mọi người, bề ngoài cũng chỉ như “con bác thợ mộc thành Nazarét”; nhưng nhờ việc kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta cũng trở nên những người con yêu dấu, những Kitô hữu phản ánh khuôn mặt Đức Kitô.

Chúng ta đã nhắc đến truyện Saulô trên đường đi Đama. Ông đã được bọc trong ánh sáng của Đức Kitô vinh hiển; và từ trong ánh sáng ấy ông đã được nghe biết mọi Kitô hữu là con chí ái của Ngài. Và Phaolô đã thay đổi hẳn thái độ đối với các tín hữu: thay vì bách hại, từ đó ông chỉ biết phục vụ đến hy sinh cả mạng sống. Đó là điều không đáng ao ước cho chúng ta hay sao ?

Rồi cũng trong thánh lễ, chúng ta được học biết đường lối của Chúa Cứu thế. Người phải đi qua gian khổ để đạt tới vinh quang. Chúng ta muốn được đưa vào vinh quang của Người cũng phải sẵn sàng phấn đấu chống dục vọng và ích kỷ để lột bỏ con người cũ và biến sang con người mới.

Nói tóm lại, ở đây khi cử hành thánh lễ, chúng ta như được đem lên Núi thánh để tham dự vào mầu nhiệm biến hình của Chúa. Người trở thành lương thực cho chúng ta để kết hiệp với chúng ta sâu xa hơn ở trong “lều” như Phêrô đã xin. Và khi biến mình nên lương thực như thế, Người muốn chúng ta đổi mới cái nhìn về anh em. Mọi người rước lấy Mình Thánh Chúa được đưa vào Thân thể mầu nhiệm vinh hiển của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta luôn phải nhìn anh em trong mầu nhiệm Nước Trời và phải có tinh thần phục vụ mọi người. Chính trong viễn tượng ấy, chúng ta tự thấy cũng phải biến mình đi; trở nên tốt hơn cho xứng đáng với vinh dự là con Thiên Chúa.

Cầu xin cho chúng ta được niềm tin sâu xa như thế và hân hoan sống niềm tin ấy trong cuộc đời hiện nay.

Nguồn: Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Ôi Thiên Chúa, xin Chúa vui lòng giải thoát tôi, Lạy Chúa, xin Ngài hãy mau mau giúp đỡ tôi. Chúa là Đấng giúp đỡ và giải thoát tôi; Ôi lạy Chúa, xin Ngài chớ nên chậm trễ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn; xin Chúa hằng dủ thương nâng đỡ chúng con, cùng ban ơn đổi mới và gìn giữ mọi loài Chúa dựng nên cho chúng con được hưởng nhờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðnl 6, 4-13

“Hãy yêu mến Chúa ngươi hết lòng ngươi”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, hãy nghe đây. Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng. Hãy kể lại những lời ấy cho con cái ngươi, hãy suy ngắm những lời ấy khi ngồi ở nhà cũng như khi đi ngoài đường, khi nằm ngủ cũng như khi chỗi dậy. Ngươi hãy buộc những lời đó vào bàn tay như dấu hiệu, lên trán như một vòng khăn, hãy viết lên cột và cửa nhà ngươi.

“Khi Chúa là Thiên Chúa ngươi dẫn ngươi đến xứ Người đã thề với các tổ phụ ngươi là Abraham, Isaac và Giacóp, và ban cho ngươi những thành phố to lớn và phồn thịnh mà ngươi không xây cất, những ngôi nhà đầy mọi của cải mà ngươi không làm ra, những giếng nước mà ngươi không đào, vườn nho và vườn cây ôliu mà ngươi không trồng, ngươi sẽ được no nê: ngươi hãy nhớ, đừng quên Chúa, Ðấng đã dẫn ngươi ra khỏi đất Ai-cập và khỏi nhà nô lệ. Ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa ngươi, hãy làm tôi một mình Người và lấy danh Người mà thề”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47 và 51ab

Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa

Xướng: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Ðá Tảng, chiến lũy, và cứu tinh. 

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.

Xướng: Chúa hằng sống, chúc tụng Ðá Tảng của con, tán tụng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kb 1, 12 – 2, 4

Người công chính sống được nhờ trung tín”.

Trích sách Tiên tri Khabacúc.

Chớ thì ngàn xưa Chúa chẳng phải là Thiên Chúa, Chúa của tôi, là Ðấng Thánh của tôi? Vậy là chúng tôi không sao chết được. Lạy Chúa, Chúa đã đặt nó lên để xét xử, làm cho nó vững mạnh để trừng phạt. Mắt Chúa tinh sạch, không thể nhìn sự dữ, không thể xem sự gian ác. Tại sao Chúa lại nhìn những kẻ gian ác, và kẻ bất lương nuốt người công chính hơn nó, sao Chúa vẫn làm thinh?

Chúa để loài người như cá biển, như sâu bọ không có vua quan. Nó lấy lưỡi câu mà bắt hết, lấy chài mà kéo mọi sự, lấy lưới mà thu lượm: bởi thế nó hớn hở vui mừng. Vì vậy, nó cúng tế cho chài, nó dâng lễ vật cho lưới, vì bởi đấy nó được phần béo tốt và món ăn ngon. Lẽ nào nó cứ thả lưới không ngừng và luôn luôn tàn nhẫn sát hại các dân?

Tôi sẽ đứng ở vọng canh của tôi, đứng yên nơi thành lũy của tôi, tôi chờ xem Chúa dạy tôi thế nào, và trả lời ra sao cho điều tôi biện bạch? Chúa đáp lại tôi rằng: “Hãy chép điều ngươi thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 9, 8-9. 10-11. 12-13

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa không bỏ rơi kẻ kiếm tìm Chúa (c. 11b).

Xướng: Chúa ngự trị tới muôn đời, Người dựng vững ngai vàng ngõ hầu cai trị. Người công minh thống trị địa cầu, Người chính trực xét xử chư dân.

Xướng: Chúa là chỗ dung thân cho người bị ức, chỗ dung thân dành cho những lúc gian truân, để những ai nhìn biết uy danh, cậy trông vào Chúa, vì lạy Chúa, Chúa không bỏ rơi kẻ kiếm tìm Ngài.

Xướng: Hãy đàn ca Chúa, Người ngự ở Sion; hãy loan truyền công cuộc Chúa khắp chư dân: vì Ðấng đòi nợ máu, Người nhớ họ, Người không quên tiếng kêu của những kẻ cơ bần.

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 17, 14-19

Nếu các con có lòng tin, thì chẳng có gì các con không làm được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: “Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng: nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được”. Chúa Giêsu đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Hãy đem nó lại đây cho Ta”. Chúa Giêsu quát mắng quỷ và quỷ liền ra khỏi đứa bé. Và nó được lành ngay trong lúc ấy. Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Vì các con yếu lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được”.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thánh hóa và chấp nhận của lễ này là biểu hiện lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ban cho chúng tôi bánh bởi trời, có đủ mọi mùi thơm ngon và mọi hương vị ngọt ngào.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

KIÊU NGẠO SẼ THẤT BẠI (Mt 17, 14-20)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Một sự cám dỗ lớn lao nhất thường đến với con người, đó là cơn cám dỗ về sự kiêu ngạo.

Thật vậy, sự kiêu ngạo nó thường trực trong con người, và mức độ nguy hiểm của chúng là rất cao. Có thể ví rằng: sự kiêu ngạo luôn nhăm nhe bừng phát, chúng giống như bình xăng còn ma quỷ như bó đuốc. Nếu không cẩn thận và đề phòng bằng sự khiêm nhường, ắt không sớm thì muộn, chúng cũng làm cho bình xăng bốc cháy!

Đọc lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy, từ xa xưa, người ta vẫn bị mắc vào cám dỗ này.

Khởi đi từ Nguyên Tổ loài người là Ađam và Evà; rồi câu chuyện tháp Babel, đến hành động của Môsê, Aharon, Đavít, và ngay cả đến các môn đệ, tất cả đều bị ngã gục trước sự cám dỗ của ma quỷ dưới lưỡi hái của sự kiêu ngạo.

Thật vậy, cậy vào sức riêng của mình là chuyện bình thường. Tuy nhiên, vì tự tin đến độ không cần đến Thiên Chúa thì lại là kẻ bất thường, vì thế, thất bại là lẽ đương nhiên.

Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy việc các môn đệ thất bại trong việc trừ quỷ. Nguyên do chính là do các ông tự mãn và cậy vào khả năng riêng của mình chứ không phải là niềm tin vào Thiên Chúa.

Tin Mừng thuật lại, sau khi Đức Giêsu đưa ba môn đệ lên núi Tabor, số môn đệ còn lại ở dưới núi, vì thế người ta mang đến cho các ông một đứa trẻ bị quỷ ám mắc kinh phong. Các ông đã trừ mà không được. Nên thấy Đức Giêsu xuống, dân chúng đã xúm lại và xin Ngài chữa lành. Sau khi Ngài chữa cho bé khỏi quỷ ám. Các môn đệ tiến lại gần và hỏi: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?“. Đức Giêsu mặc khải cho họ biết: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được”.

Sau khi các ông nhận ra sự thất bại của mình và hiểu rõ về sức mạnh của niềm tin, Đức Giêsu muốn dạy các ông sự khiêm nhường và gắn bó với Thiên Chúa cách trọn vẹn thì mới có thể thi hành được sứ vụ.

Trong cuộc sống đức tin của chúng ta, có lẽ không cần phải xin Chúa cho được chuyển núi dời non theo nghĩa đen. Nhưng điều mà chúng ta cần chuyển dời chính là ngọn núi của kiêu căng, tự ái, ghen ghét. Có thế, chúng ta mới để cho đức tin mà Thiên Chúa ban cho chúng ta được lớn mạnh.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết gắn bó với Chúa để được Chúa yêu thương. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây