TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – C

Thứ sáu - 12/08/2022 09:17 |   1145
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong cho lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12, 49)

14/08/2022
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – C

 

Lc 12, 49-53

SỐNG LÀ CHIẾN ĐẤU
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong cho lửa ấy đã bùng lên.”
(Lc 12, 49)

Suy niệm: Cuộc sống của người ki-tô hữu phải là một cuộc chiến đấu không ngừng mà chính Chúa Giê-su là người khởi xướng và mẫu gương đi trước. Lửa và Phép Rửa mà Tin Mừng nhắc đến hôm nay chính Chúa Giê-su đã đem đến trần gian và Ngài đã thi hành sứ mệnh cứu thế của Ngài bằng một cuộc chiến cam go, đã đánh bại thần chết bằng cuộc Phục sinh của Ngài. Người ki-tô hữu không thể đi ngoài con đường Thánh Giá của Đức Ki-tô. Trong thân phận con người, chúng ta thường bị nhận chìm trong đau khổ bởi hận thù chia rẽ ghen ghét có khi bởi chính những người thân của mình. Nhưng chúng ta tin rằng bên kia bức màn đen tối đó, lại có ánh sáng và sự sống bất diệt. Cuộc sống càng có ý nghĩa, càng tăng giá trị, khi người ta ý thức được rằng cuộc sống này đòi người ta phải chiến đấu để chiến thắng. Và con đường đi đến chiến thắng không gì khác hơn là con đường thập giá của Đức Ki-tô.

Mời Bạn: Đừng sợ phải hy sinh, nhưng hãy sẵn sàng để chiến đấu chống lại mọi thứ cám dỗ và hãy chiến đấu như Chúa đã chiến đấu và chiến thắng trong sa mạc.

Sống Lời Chúa: Tập làm mỗi ngày một việc hy sinh để quen chiến đấu trước những cơn cám dỗ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chính vì tội lỗi chúng con mà Thập Giá xuất hiện trên trần gian và Chúa đã đem lửa xuống để thiêu đốt tất cả căn nguyên sự tội. Xin luôn ban cho chúng con sức mạnh tinh thần để cùng với Chúa, chúng con chiến thắng mọi âm mưu qua quỉ, huỷ diệt mầm mống chia rẽ, hận thù ghen ghét hầu được sống hoà hợp trong niềm tin yêu Chúa. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – C

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là khiên thuẫn của chúng tôi, xin hãy trông xem, hãy nhìn tới dung mạo người được Chúa tấn phong. Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quí hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác.

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! “Thầy đến để đem lửa xuống thế gian”. Lửa đây chính là sứ mạng cứu độ của Chúa, là ngọn lửa tình yêu mà Người muốn dùng để thanh tẩy, đốt nóng và làm cho bừng cháy lên ơn cứu độ của Người. Và Người khắc khoải biết bao để “lửa ấy vẫn cháy mãi lên” thiêu hủy những cằn cỗi, thanh lọc những ô nhơ, làm ấm lại cõi lòng băng giá và soi sáng con người trên bước đường tìm kiếm sự thật. Chúa muốn ngọn lửa tình yêu mà Người đã từng đem đến trần gian mãi mãi được thắp sáng lên trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Người yêu thương ta như đối tượng của tình yêu Người, mặc dù chúng ta vô ơn, bội phản hay quay lưng lại với tình yêu đó. Người kêu gọi từng người chúng ta hãy tiếp nối sứ mạng đem lửa thắp sáng khắp thế giới, bằng chính cuộc sống chứng nhân của mỗi người trong mọi hoàn cảnh.

Giờ đây chúng ta hãy thành tâm để đón nhận ân sủng và bình an của Chúa Giêsu trong việc cử hành Mầu nhiệm Thánh này.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Gr 38, 4-6. 8-10

“Ngài đã sinh ra tôi làm người bất thuận sống trên vũ trụ”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: “Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”. Vua Sêđêcia phán rằng: “Ðấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì”. Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng. Giếng không có nước, chỉ có bùn, nên ông Giêrêmia sa xuống bùn.

Abđêmêlech ra khỏi đền vua và đến tâu vua rằng: “Tâu bệ hạ, những người này chỉ toàn làm những điều ác đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết đói dưới đó, vì trong thành hết bánh ăn”. Vậy vua truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: “Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 2. 3. 4. 18

Ðáp: Lạy Chúa, xin cấp tốc trợ phù con (c. 14b).

Xướng: Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu.

Xướng: Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi. 

Xướng: Và Người đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta; nhiều người đã chứng kiến và tôn sợ, và họ sẽ cậy trông vào Chúa. 

Xướng: Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Ðấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ. 

Bài Ðọc II: Dt 12, 1-4

“Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Ðấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 49-53

“Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đã hơn hai ngàn năm qua Đức Kitô đã đem Tin Mừng đến cho nhân loại, bằng chính lửa tình yêu qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người hầu biến đổi bộ mặt địa cầu, dù gặp rất nhiều những chống đối, nhưng Người đã thắng thế gian. Với lòng tôn kính tin tưởng chúng ta dâng lời cầu xin.

1. “Đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết”– Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục được sự khôn ngoan và sức mạnh, để các ngài luôn bình tĩnh, dũng cảm chấp nhận mọi nghịch cảnh và cả cái chết vì thi hành nhiệm vụ hướng dẫn đoàn chiên.

2. “Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta”- Xin cho các Kitô hữu ý thức được bổn phận của những người con, đã được thánh hiến qua Bí tích Rửa Tội, là phải làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha mà tôn thờ yêu mến và suy phục.

3. “Thầy không đến đem bình an, nhưng đem chia rẽ”.- Xin cho những người đang trên đường tìm về Chân Lý được ơn dũng mạnh, để họ sẵn sàng chấp nhận những đối kháng, thù nghịch của cả những người thân.

4. “Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên”– Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, luôn được lòng sốt mến và hăng say lo việc tìm kiếm Nước Trời.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho lửa tình yêu mà Chúa đem xuống thế gian bùng cháy nơi mỗi người chúng con, để chúng con luôn khắc khoải cứu rỗi muôn người như Chúa. Nhờ đó, chúng con biết tận dụng mọi cơ hội, để mưu tìm phần rỗi cho các linh hồn. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban bí tích Thánh Thể cho chúng con được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô; xin cho chúng con được trở nên giống như Người, để mai sau được vào thiên quốc cùng Người chung hưởng phúc vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Rước lễ

Có một cô sinh viên, được đặc ân mỗi tuần mang Mình Thánh Chúa đến cho một cụ già sống lẻ loi và cô quạnh. Cô sinh viên đã kể lại như thế này: Sau khi tới nơi, tôi ngồi xuống cạnh cụ, đọc lại bài Phúc Âm ngày Chúa nhật cho cụ nghe, rồi bàn bạc trao đổi với cụ về một vài điểm mà đoạn Phúc Âm ấy đã gợi lên. Tiếp đến là giây phút cụ trông đợi cả tuần lễ. Tôi và cụ cùng nhau đọc kinh Lạy Cha. Rồi tôi giờ Mình Thánh lên và nói với cụ: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời tới dự tiệc Con Thiên Chúa. Và cụ đáp lại: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh. Đoạn tôi trao Mình Thánh cho cụ. Sau một vài phút thinh lặng, tôi giúp cụ cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì Mình Thánh Chúa mà cụ vừa lãnh nhận, mang lại cho cụ sức khoẻ phần hồn cũng như phần xác. Xin Chúa giải thoát cụ khỏi mọi khổ đau và bệnh tật, xin hãy dùng sức mạnh của Chúa mà nâng đỡ, chở che để cụ cũng sẽ được phục sinh trong cuộc sống mới vào ngày sau hết. Sau đó, hai người ngồi nói chuyện một lúc rồi tôi tạm biệt và hứa sẽ cầu nguyện cho nhau và hẹn gặp lại vào Chúa nhật tuần tới.

Câu chuyện đơn sơ trên cho chúng ta thấy loại đức tin mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có như lời Ngài đã nói qua đoạn Phúc Âm sáng hôm nay: Ta là bánh Hằng Sống từ trời xuống. Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì kẻ ấy sống trong Ta và Ta sống trong kẻ ấy. Cụ già và cô sinh viên đều chứng tỏ đức tin của họ vào lời nói ấy của Chúa, bằng cách trao ban cũng như nhận lãnh Mình Thánh Chúa Giêsu, bằng cách cùng cầu nguyện chung với nhau.

Và như thế, việc rước lễ phải là một cảm nghiệm của đức tin, được thực hiện kèm theo lời cầu nguyện. Lúc rước lễ là như một viên kim cương. Còn thời gian trước và sau rước lễ là như một sợi dây vàng. Tự bản tính, viên kim cương vốn đã xinh đẹp, nhưng nó sẽ trở nên vô cùng đẹp đẽ hơn nếu được gắn vào giữa sợi dây vàng và trở thành trung tâm điểm. Cũng thế, tự bản tính việc rước lễ là một cảm nghiệm tuyệt đẹp, nhưng nó sẽ trở nên vô cùng tốt đẹp nếu được kèm theo những tâm tình cầu nguyện. Vậy chúng ta đã cầu nguyện thế nào trước và sau khi rước lễ? Tâm hồn chúng ta nghĩ gì khi tiến lên bàn thánh Chúa. Chúng ta có tâm sự với Chúa như với người bạn thân hay không? Chúng ta có biết cảm tạ Ngài, xin Ngài tha thứ và hướng dẫn chúng ta trên vạn nẻo đường đời?

Điểm thứ hai câu chuyện trên cho thấy đó là thứ tình thương Chúa muốn chúng ta phải có với tư cách là những Kitô hữu. Thực vậy, tình thương giữa cụ già và cô sinh viên là loại tình thương mà mỗi người chúng ta cần phải cố gắng vun trồng cho nhau. Và bí tích Thánh Thể chính là một phương tiện giúp chúng ta sống gắn bó mật thiết với nhau hơn như lời thánh Phaolô đã viết: Mặc dù chúng ta tuy nhiều, nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Vậy việc rước lễ có làm cho đời sống chúng ta dồi dào tình thương mến, nhất là đối với những người khổ đau và bất hạnh hay không? Nói cách khác, việc rước lễ có lôi kéo chúng ta đến gần Chúa và đến gần nhau hay không?
 

CHÚA NHẬT 19C THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lc. 12:49-53) Lm Lã Mộng Thường

Lời Phúc Âm vừa được công bố đã khiến chúng ta ai nấy đều cảm thấy ngỡ ngàng bởi xưa nay chúng ta thường được nghe giảng dạy rằng Đức Giêsu đến đem bình an cho mọi người. Ngài là Thiên Chúa của sự an bình. Dĩ nhiên, nơi cuộc đời trần ai vất vả, lắm nỗi nguy nan khốn khó, chúng ta vẫn thường cầu xin Chúa ban cho sự an bình chẳng những nơi tâm hồn mà cả cuộc đời. Phúc Âm Luca cũng ghi lại khi Đức Giêsu được sinh ra, “Các thiên thần cùng đoàn lũ cơ binh trên trời ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh quang Thiên Chúa trên trời và dưới đất bình an cho kẻ người thương” (Lc. 2:14).

Tuy nhiên, qua Phúc Âm Luca, Đức Giêsu rõ ràng tuyên bố chẳng những với các môn đồ mà còn cả với chúng ta, “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ”. Thực ra, nơi cuộc sống thế trần, Đức Giêsu không đem đến sự chia rẽ thì cũng đã chia rẽ từ muôn thuở bởi không những thân xác, hình thức bên ngoài mà ngay cả tâm tính không ai giống ai; đâu có người nào chịu chấp nhận xuôi theo lề lối hoặc ý nghĩ của người khác.

Tự xét nơi cõi lòng, mỗi người chúng ta đều là một quan tòa theo ý riêng, xét xử luyên thuyên và phê bình tất cả mọi người chung quanh bởi họ đã vô tình hay hữu ý có thái độ hoặc thực hiện những công việc không hợp hoặc không theo khuôn mẫu hạn hẹp riêng của mình. Cũng có thể bởi nếu không lên tiếng nói nọ kia thì không ai biết mình quan trọng nên chúng ta cần họ để ý đến mình chăng; thế nên chúng ta cần tỏ cho họ biết ít nhất mình đang hiện diện nơi cõi trần gian này. Cổ nhân chúng ta để lại câu ngạn ngữ, “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Bể Đông tức là biển Thái Bình, ôm dọc theo bờ biển Việt Nam. Từ ngàn xưa tới nay, bể Đông vẫn đầy nước; tất nhiên chưa ai có thể tát cạn… Như vậy, vẫn chưa có cặp vợ chồng nào thuận nhau. Gia đình vẫn lâm vào cảnh Phúc Âm đề cập tới, cha mẹ, con cái chống nhau, nhất là nàng dâu và mẹ chồng thì ai cũng rõ. Sự thể chống đối hiển nhiên đã như thế tại sao Đức Giêsu lại đề cập đến nơi Phúc Âm. Sự chia rẽ, chống đối theo phương diện nào đối với những kẻ tin theo Ngài.

Chúng ta đã nhiều lần nghe hay đọc những câu Phúc Âm, “Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta không đáng là môn đệ Ta”, hoặc, “Nếu mắt các con nên cớ vấp phạm cho các con thì hãy móc mà quăng nó đi”; nếu tay các con nên cớ vấp phạm cho các con thì hãy chặt mà quăng nó đi… nhưng đâu có ai thực hiện theo nghĩa đen. Đại ý những câu Phúc Âm này dùng cha mẹ, con cái, mắt, tay để ám chỉ về quan niệm, chiều hướng suy tư bình thường thế tục không thể dùng để am hiểu Phúc Âm. Chúng ta cần dứt bỏ mọi quan niệm quen dùng để nhận định về sự việc cuộc đời hầu có một tâm hồn mở rộng, không bị lệ thuộc hay ràng buộc hoặc ám ảnh bởi lối suy tư thường tình thì mới có thể nghiệm chứng Lời Chúa nơi Phúc Âm.

Bởi vậy, sự đối nghịch, chia rẽ mà Phúc Âm nói tới ở ngay nơi tâm tư mỗi người khi đem so sánh với những sự khôn ngoan của Lời Chúa được giãi bày qua những lời dạy dỗ của Đức Giêsu. Chẳng hạn xưa nay chúng ta đã được dạy theo lối ám định qua câu nói, “Thiên Chúa ngự trị trên chín tầng trời, vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” nhưng chúng ta đã vô tình hiểu theo sự tưởng tượng về một nơi chốn nào đó cao vời, xa xôi không ai biết được, trong khi Phúc Âm thánh Gioan được viết, “Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Gn. 4:23).

Như vậy, sự thể đã rõ ràng, bất cứ ai tin nơi Đức Giêsu đều cần và phải để ý suy nghiệm những lời giảng dạy của Ngài được ghi lại nơi Phúc Âm. Kẻ nào nói hay nghĩ rằng mình tin vào Đức Giêsu mà không suy nghiệm Phúc Âm đều là những người hoặc là không tin gì hết hoặc là tôn thờ ngẫu tượng bởi họ không cần biết họ tin gì. Sự chia rẽ, đối nghịch phát sinh từ sự khác biệt giữa lời dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm và quan niệm thế tục, hữu vi thường tình chúng ta đã quá quen thuộc nơi cuộc sống.

Nhận định như thế, bài Phúc Âm hôm nay khuyến khích và thách đố mỗi người chúng ta tự đặt lại vấn đề về đức tin, niềm tin, cũng như thái độ, sự thực hiện đức tin của chúng ta đối với những lời giảng dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm. Chúng ta tuyên xưng, chấp nhận, và nghĩ rằng Đức Giêsu cũng như những lời giảng dạy của Ngài là đường, là sự thật, và là sự sống… vậy thái độ của chúng ta thế nào đối với những lời dạy của Ngài? Chúng ta có bao giờ tự hỏi Đức Giêsu dạy chúng ta những gì không? Chúng ta có bao giờ lật Phúc Âm để nhận ra sự thật Ngài dạy không? Lời dạy của Ngài là đường vậy con đường này dẫn chúng ta tới đâu? Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết về Thiên Chúa như thế nào? Ngài mang đến Tin Mừng Nước Trời, Tin Mừng Cứu Độ, vậy Tin Mừng Nước Trời là gì? Ngài nói thế nào về Tin Mừng nơi Phúc Âm? Đức Giêsu dạy chúng ta về đức tin hay lòng tin như thế nào? Tại sao hoặc ý nghĩa thế nào khi Phúc Âm ghi lại câu nói của Đức Giêsu, “Những ai nghe và học nơi Cha thì sẽ đến với Ta?” Phỏng nghe và học nơi Thiên Chúa có nghĩa mở rộng lòng suy nghiệm những lời dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm?

Hôm nay, chúng ta cùng với ca đoàn Sao Mai mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Chúng ta cùng hiệp lòng dâng lên những lời cảm tạ vì Chúa đã ban cho chúng ta một hồng ân đặc biệt đó là các công sức và những cố gắng mà các thành viên của ca đoàn đã đóng góp cho cộng đồng để có lời ca, tiếng nhạc giúp chúng ta ca tụng Thiên Chúa và Đức Mẹ. Ai cũng nhận biết rõ một điều đó là chúng ta chỉ bị phiền hà vì những điều tốt lành chúng ta thực hiện với lòng chân thành. Lẽ tất nhiên, sự việc nào cũng tự hàm chứa ít nhất hai phương diện hay động lực đối nghịch, thuận lòng người này thì lại phiền tâm trí người khác. Dẫu chúng ta đã quá quen thuộc với câu ca dao, “Ở sao cho vừa lòng người”, nhưng chúng ta thường có những ước mơ muốn người khác hoàn thành những gì chính mình thiếu sót, thế nên hát nhiều khi phát sinh hỏng để thuận câu nói hát hỏng. Bởi đó, nhân ngày ca đoàn mừng lễ quan thày, chúng ta thành tâm khẩn cầu cùng Chúa trả công bội hậu cho quý anh chị em thành viên của ca đoàn đồng thời chúng ta cũng cầu xin Chúa và Đức Mẹ soi sáng, tăng thêm năng lực cho quý anh chị em trong công việc giúp cộng đồng tôn thờ Thiên Chúa. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây