TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – A

Thứ sáu - 16/12/2022 03:26 |   737
“Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do Chúa Thánh Thần.” (Mt 1, 20-22)

18/12/2022
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – A

 

cn4 MV A


Mt 1, 18-24


THIÊN CHÚA CẦN CON NGƯỜI
“Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia đã phán qua miệng ngôn sứ.” (Mt 1, 20-22)

Suy niệm: Giu-se khiêm tốn chấp nhận ý Chúa cách tế nhị và kín đáo làm sao! Ông đã được Thiên Chúa chọn gọi đi vào thực hiện chương trình Cứu độ của Con Chí ái của Người: Chấp nhận đón Ma-ri-a đã được mang thai “bởi quyền năng Chúa Thánh Thần” - Chấp nhận “đặt tên cho con trẻ là Giê-su” tức là chấp nhận vai trò “làm cha” người con ấy. Chúa cần con người! Giu-se can đảm và quảng đại biết bao! Chấp nhận để “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia đã phán qua miệng ngôn sứ.”

Mời Bạn chiêm ngắm tâm tình và thái độ của Giu-se khi ông lắng nghe lời sứ thần loan báo. Trong cuộc sống, đã có những biến cố, những chọn lựa hay quyết định đòi bạn cũng phải can đảm chấp nhận tương tự như Giu-se không? Giờ đây nhớ lại, bạn có nghiệm ra rằng Chúa cũng ‘cần đến bạn’ để thực hiện chương trình của Ngài trên đời này, đời bạn không?

Sống Lời Chúa: Bạn tìm những dịp trong ngày sống, để thực hiện chương trình Chúa muốn ‘nhờ bạn’ hôm nay để công cuộc Cứu chuộc của Đức Giê-su mang lại lợi ích cho bạn, cho gia đình, giáo xứ và xã hội của bạn.

Cầu nguyện: Chúa ơi, “Chúa cần con” nhưng con cũng rất cần Chúa để thực hiện thánh ý Chúa Cha! Ma-ra-na-tha! Xin Chúa mau đến!

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Mùa Vọng – A

Ca nhập lễ

Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa Đấng Công Chính, đất rộng mở cho xuất hiện Vị Cứu Tinh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Ðức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 7, 10-14

“Này trinh nữ sẽ thụ thai”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!” Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa”.

Và Isaia nói: “Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Ðế hiển vinh

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa.

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

Bài Ðọc II: Rm 1, 1-7

“Ðức Giêsu, thuộc dòng dõi vua Ðavít, là Con Thiên Chúa”.

Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.

Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi.

Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 1, 21

Alleluia, alleluia! – Này đây trinh nữ sẽ mang thai, hạ sinh một con trai, và người ta sẽ gọi tên Người là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 18-24

“Chúa Giêsu sinh ra bởi Ðức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Ðavít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.

Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.

Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mẹ Maria đã phải trải qua những giây phút băn khoăn, trong việc thi hành thánh ý Chúa. Mẹ đã cầu nguyện và suy đi nghĩ lại. Noi gương Mẹ chúng ta cũng thành khẩn cầu xin :

1. “Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời”. Xin Chúa hiện diện bên các vị chủ chăn và ban tràn đầy ân sủng, để các ngài nên máng chuyển ơn cứu rỗi cho muôn người như Đức Maria.

2 . “Theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày”.- Xin cho các tín hữu biết trân trọng và yêu mến những mầu nhiệm Thiên Chúa thương tỏ lộ, để như Đức Maria nhờ thấm nhuần tinh thần cầu nguyện mà gặp được Thiên Chúa. Nhờ đó. thế giới được cải thiện nhiều hơn.

3. Tình yêu đã thúc đẩy Đức Maria nôn nóng sửa soạn những vật dụng cần thiết,- Xin cho các bà mẹ công giáo, khi thi hành bổn phận người nội trợ, luôn có tâm tình của Mẹ Maria, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn như những món quà chuẩn bị cho ngày Chúa đến.

4. “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”.-Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta được tinh thần tuân phục ý Chúa như Mẹ, để chương trình cứu độ của Chúa được thể hiện tốt đẹp.

Chủ tế: Lạy Cha, kế hoạch cứu độ của Cha đã bắt đầu khai mở khi Đức Maria tuân phục ý Cha. Xin cho chúng con biết sống âm thầm, khiêm tốn, luôn sẵn sàng tuân phục ý Cha theo gương Ngài. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa

chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xưa Thánh Thần Chúa đã dùng quyền năng làm cho Ðức Trinh Nữ Maria thụ thai; giờ đây, xin Chúa cử Người đến thánh hoá lễ vật chúng con dâng trên bàn thờ này. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng II

Ca hiệp lễ

Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận bí tích Thánh Thể là bảo chứng ơn cứu chuộc muôn đời. Xin cho chúng con càng gần tới lễ Giáng Sinh càng thêm lòng sùng mộ để sốt sắng mừng mầu nhiệm Con Chúa giáng trần cứu độ chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Suy niệm

Emmanuel

Đối với người Do Thái, thì có con là một sự chúc lành của Thiên Chúa, còn son sẻ là dấu của kẻ bị Thiên Chúa bỏ rơi. Hơn thế nữa, son sẻ còn là một tình trạng tương đương với sự chết chóc. Thực vậy, chết là hết sống. Son sẻ là hết dòng sự sống. Tên tuổi sẽ bị dứt khỏi trần gian.

Quan niệm về đời sau của người Do Thái lúc bấy giờ còn rất mù mờ. Mọi hy vọng của họ là cuộc sống trần gian. Phần thưởng chính là dòng dõi nối tiếp mãi trên mặt đất này. Bởi đó việc tiếp tục có dòng dõi sau tai ương khốn quẫn đã được diễn tả bằng sức sống lại.

Thế nhưng, như lời Kinh Thánh đã xác quyết về Thiên Chúa: Tư tưởng của Ta không giống với tư tưởng của các ngươi và đường nẻo của Ta cũng không giống với đường nẻo của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng và đường nẻo của ta cũng cao hơn tư tưởng và đường nẻo các ngươi bấy nhiêu.

Chính vì thế, Thiên Chúa thường ghé mắt nhìn đến sự yếu hèn và bất lực, bởi đó mới nảy sinh những điều đáng ngạc nhiên trong hành động của Thiên Chúa. Ngài đã tỏ lộ quyền năng của Ngài trong sự bất lực. Đúng thế, sự đồng trinh của Đức Mẹ cũng là một cái chết, nhưng cái chết đó đã được Thánh Thần Chúa đem lại một sự sống mới. Đó cũng là điều diễn ra nơi thập giá với cái chết của Chúa Giêsu. Bởi vì sự phục sinh và sự sống mới, một sự sống dồi dào đã nẩy sinh từ cái chết đau thương của Ngài trên thập giá.

Đã từ lâu, Thánh Thần vẫn được giới thiệu như là nguyên nhân của sự sống. Khởi đầu, khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, thì thần khí đã bay lượn trên nước và làm cho mọi sự được thành hình. Adong được nặn từ bùn đất, nhưng nhờ Thần Khí của Thiên Chúa mà có sự sống. Thần Khí cũng trở thành sự sống của Adong mới. Một trinh nữ thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần đã nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa.

Phụng vụ ngày Chúa nhật hôm nay cho chúng ta cải cảm tưởng rằng Chúa Giêsu đang đi vào lịch sử nhân loại. Ngài chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài ở giữa chúng ta để cứu chuộc, để giải phóng, để dẫn chúng ta ra khỏi ách nô lệ tội lỗi.

Giáo Hội hôm nay chính là sự nối tiếp sự hiện diện hữu hình của Chúa giữa con người trong thế giới, một sự hiện diện cứu chuộc và giải thoát không phải chỉ về mặt thiêng liêng bằng cách trao ban các bí tích, mà hơn nữa một sự giải thoát toàn diện, khỏi tất cả những gì cản trở sự phát triển của con người và xã hội bằng sự dấn thân và liên đới với mọi nỗ lực xây dựng tình thương và công lý.

Chúa ở cùng chúng ta

Tại Việt Nam và nhất là tại Trung Hoa, người ta có tục tảo hôn, cha mẹ định liệu việc vợ chồng cho con cái từ khi chúng còn nhỏ. Trong tác phẩm “Vượt khỏi Đông và Tây”, tác giả John Wu đã mô tả như sau: “Trước đám cưới, vợ tôi và tôi chả bao giờ thấy mặt nhau. Cả hai chúng tôi đều được giáo dục theo đường lối cổ xưa của người Trung Hoa. Bố mẹ đã đính hôn chúng tôi với nhau khi chúng tôi mới lên sáu. Đến năm mười mấy tuổi tôi mới biết được nhà nàng ở đâu. Tôi khao khát được thoáng nhìn nàng thử xem, nên thỉnh thoảng lúc tan học về, tôi cố tình đi ngang qua nhà nàng, thế nhưng chả bao giờ tôi được may mắn nhìn thấy nàng”.

Từ đoạn văn trên chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được mối liên hệ giữa thánh Giuse và Mẹ Maria trước lúc Chúa chào đời. Theo tập tục Do Thái, mỗi cuộc hôn nhân thường trải qua ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất là đính hôn. Việc này thường do cha mẹ hay người mai mối thực hiện, còn đôi bạn trẻ thường chẳng hề biết trước về cuộc đính hôn này.

Giai đoạn thứ hai là hứa hôn. Giai đoạn này thường kéo dài một năm để đôi bạn có dịp quen biết nhau… Khi đã hứa hôn, thì mọi người đều xem đôi bạn như là vợ chồng, mặc dù họ chưa thực sự chung sống với nhau. Lễ hứa hôn này được tổ chức rất long trọng, nên chỉ có sự ly dị mới xoá bỏ được nó.

Giai đoạn thứ ba là kết hôn theo đúng nghĩa. Thánh Giuse hay tin Mẹ Maria có thai khi hai người ở trong giai đoạn thứ hai, tức là đã hứa hôn với nhau.

Tuy nhiên tôi muốn chia sẻ về một điểm khác quan trọng hơn, đó là việc Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thánh Matthêu đã khởi đầu Phúc Âm bằng việc trích dẫn lời tiên tri Isaia: Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên Con Trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đồng thời thánh Matthêu cũng đã kết thúc Phúc Âm bằng lời hứa của Chúa Giêsu: Này đây Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Vậy thì Thiên Chúa, Ngài đã ở cùng chúng ta như thế nào?

Trước hết, Ngài hiện diện giữa chúng ta qua việc sáng tạo, và đặc biệt qua quyền năng nâng đỡ của Ngài, bởi vì Ngài không phải chỉ tạo dựng mà còn gìn giữ nó được tồn tại trong một trật tự lạ lùng cho đến ngày hôm nay.

Tiếp đến, Ngài còn hiện diện giữa chúng ta qua lời Ngài trong Kinh Thánh. Chúng ta có thể sánh ví Kinh Thánh như là một bức thư của người cha gởi cho con cái mình. Người cha biểu lộ ý nghĩ của mình cho con cái trong bức thư như thế nào thì Thiên Chúa cũng mạc khải ý nghĩ của Ngài cho chúng ta trong Kinh Thánh như vậy.

Cuối cùng Ngài hiện diện giữa chúng ta một cách đặc biệt qua Đức Kitô, Con Một của Ngài. Cùng với việc giáng sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa đã bước thêm một bước khổng lồ để đến và cư ngụ giữa chúng ta. Đồng thời nhờ đó chúng ta có thể nhìn ngắm, lắng nghe chính Thiên Chúa. Hay nói một cách khác với mầu nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta qua một cách cụ thể và sống động qua một con người bằng máu thịt của Đức Kitô.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây