TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 13/07/2023 20:52 |   766
Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng cho chúng con nghe.” (Mt 13, 36)

01/08/2023
THỨ BA TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

Thánh Alphongsô Liguori, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t3 t17 TN

Mt 13, 36-43


XIN CHÚA GIẢI THÍCH DỤ NGÔN
Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng cho chúng con nghe.” (Mt 13, 36)

Suy niệm: Là bậc thầy với phương pháp sư phạm tuyệt vời, Đức Giê-su thường kể những câu chuyện dụ ngôn đơn sơ nhưng cuốn hút để chuyển tải giáo huấn sâu xa của Ngài. Dù thế, dụ ngôn nào, đặc biệt dụ ngôn cỏ lùng này, cũng có những hình ảnh ẩn dụ khó hiểu, đến các tông đồ cũng không hiểu: Kẻ thù nào ác độc đến nỗi đi gieo cỏ lùng vào ruộng lúa tốt như thế? Đã vậy ông chủ ruộng không lo diệt cỏ lại ‘tỉnh bơ’ nói: “Cứ để cả hai mọc lên cho tới mùa gặt.” Thật may là dù chưa hiểu, các tông đồ đã đến với Đức Giê-su, là chính người đã kể dụ ngôn ấy, để cầu xin: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.”

Mời Bạn: Mặc dù Chúa đã giải thích “cỏ lùng” chính là con cái sự ác mà ma quỷ đã gieo vào thế giới này, thế nhưng làm sao có thể chấp nhận việc Chúa vẫn để sự ác tồn tại mà đợi đến ngày tận thế Ngài mới ‘xử dứt điểm’ những “cỏ lùng” ấy? Thưa đó chính là cung cách hành động của Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, “cây lau bị dập, không đành bẻ gãy, tim đèn còn khói chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,20). Ngài nhẫn nại đợi chờ để tội nhân có thời gian cơ hội hoán cải và được tha thứ. Và may thay, phải chăng chúng ta không phải là những đám ruộng lúa pha lẫn cỏ lùng mà Chúa đang nhẫn nại chờ hoán cải để được Ngài cứu chữa?

Sống Lời Chúa: Khi gặp những điều trái ý trong cuộc sống, bạn bắt chước Đức Mẹ “ghi nhớ và suy niệm” để nhận biết thánh ý Chúa và đón nhận thập giá Ngài trao.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người; Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những kẻ bị bỏ rơi. Chính Người ban cho dân Người được quyền năng và mãnh lực.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con không có Chúa chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện; xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 33, 7-11; 34, 5b-9. 28

“Chúa đối diện nói chuyện với Môsê”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê hạ nhà xếp, đem dựng ra một khoảng ở ngoài trại, và đặt tên là “nhà xếp giao ước”. Ai trong dân có điều gì muốn hỏi, thì đến nhà xếp ở ngoài trại.

Khi ông Môsê đi đến nhà xếp, thì toàn dân chỗi dậy, ai nấy ra đứng trước cửa trại mình nhìn theo ông Môsê, cho đến khi ông vào nhà xếp. Khi ông đã vào nhà xếp giao ước, thì có một cột mây rơi xuống, và dừng lại tại cửa, và Chúa đàm đạo cùng Môsê; mọi người trông thấy cột mây dừng lại trước cửa nhà xếp. Họ đứng nơi cửa nhà xếp mình và sấp mình thờ lạy. Chúa đàm đạo cùng Môsê diện đối diện, như người ta quen đàm đạo với bạn hữu mình. Khi ông trở về trại, thì người hầu cận ông là Giosuê, con ông Nun, còn trẻ tuổi, không rời khỏi nhà xếp.

Ông Môsê đứng trước mặt Chúa mà khẩn cầu danh Người. Chúa đi ngang qua trước mặt ông và hô lên: “Ðức Chúa! Ðức Chúa! Ðấng cai trị mọi sự, là Ðấng từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, đầy lân tuất và chân chính. Chúa xót thương đến ngàn đời, tha thứ gian ác, độc dữ và tội lỗi; (nhưng) trước mặt Chúa không ai coi mình là vô tội. Sự gian ác tổ tiên đã phạm, Chúa phạt con cháu đến ba bốn đời”. Ông Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy Chúa và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con được ơn nghĩa trước mặt Chúa, thì xin Chúa đi với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), và xin Chúa tha thứ sự gian ác và tội lỗi chúng con. Xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa”. Vậy ông Môsê ở đó với Chúa bốn mươi đêm ngày, không ăn bánh và không uống nước; Chúa ghi mười lời giao ước vào bia đá.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 6-7. 8-9. 10-11. 12-13

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng: Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel.

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn.

Xướng: Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. Nhưng cũng như trời xanh vượt cao trên mặt đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người.

Xướng: Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 14, 17-22

“Lạy Chúa, xin hãy nhớ lại, xin Chúa chớ huỷ bỏ giao ước giữa Ngài và chúng con”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ngày đêm mắt ta rơi lệ không ngừng, vì trinh nữ con gái dân ta bị trọng thương, vết tích quá trầm trọng. Nếu ta đi ra đồng, thì đây những kẻ bị giết bằng gươm; nếu ta vào thành phố, thì đây những kẻ chết đói. Tiên tri và tư tế đều đi đến đất nước mình chẳng quen biết.

Chớ thì Chúa ruồng bỏ Giuđa sao? Hay lòng Chúa ghê tởm Sion rồi sao? Vậy tại sao Ngài đánh phạt chúng con đến nỗi không chữa được nữa? Chúng con mong đợi sự hoà bình mà không gặp sự lành; và chúng con mong đợi kỳ lành bệnh, thì đây toàn là xui xẻo.

Lạy Chúa, chúng con nhìn nhận những sự độc dữ của chúng con và sự gian ác của cha ông chúng con, vì chúng con đã phạm đến Chúa. Vì thánh danh Chúa, xin đừng để chúng con phải nhục nhã; vì toà vinh quang của Chúa, xin đừng để chúng con nhuốc hổ; xin Chúa nhớ lại, xin đừng huỷ bỏ giao ước giữa Chúa với chúng con.

Trong các tượng thần dân ngoại, chớ thì có vị nào làm cho mưa xuống chăng? Hay là tầng trời có thể đổ mưa xuống chăng? Nào Ngài chẳng phải là Thiên Chúa chúng con mong đợi sao? Vì chính Chúa tạo thành tất cả những sự đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 78, 8. 9. 11 và 13

Ðáp: Lạy Chúa, vì vinh quang danh Chúa, xin giải thoát chúng con (c. 9bc).

Xướng: Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi!

Xướng: Ôi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài.

Xướng: Xin cho tiếng tù binh rên xiết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử. Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời, đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ngợi khen Chúa.

Alleluia: Dt 4, 12

Alleluia, alleluia! – Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và là ý muốn của tâm hồn. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Hạt giống là Lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Ki-tô. Ai tuân giữ lời Người, sẽ muôn đời tồn tại. Alleluia.)

Phúc Âm: Mt 13, 36-43

“Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp lại rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên những của lễ Chúa đã rộng ban cho chúng con; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho lễ tế này đem lại ân sủng dồi dào để chúng con được thánh hóa trong cuộc đời hiện tại và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, để chúng con đời đời tưởng nhớ Ðức Giêsu Con Một Chúa, đã chịu khổ hình và sống lại hiển vinh; xin cho bí tích tình yêu Người trối lại dẫn chúng con tới hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CÓ NÊN CHĂNG KHI NHỔ CỎ LÙNG SỚM? (Mt 13, 36-43)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Ở đời, người ta thường nguyền rủa những người ác độc, bất nhân. Họ cũng không ngừng đặt ra với Chúa những vấn nạn như: “Tại sao ông này bà nọ tội lỗi như vậy mà vẫn được Chúa thương, sao Chúa không phạt quách đi cho rồi?”; Hay “tại sao buôn gian bán lận, ăn trên ngồi trước, tham nhũng, bóc lột mà không gặp phải tai ương, ngược lại, họ vẫn suôn sẻ, chót lọt và thành công? Trong khi mình đạo đức, liêm chính, tốt lành thì lại không được may mắn như thế?”.

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc các môn đệ xin Đức Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các ông hiểu thêm.

Trước khi đi vào nội dung của phần giải thích, chúng ta lược qua bản chất của cỏ lùng để thấy được tại sao Đức Giêsu lại kể dụ ngôn trên.

Cỏ lùng là một loại cỏ dại thường mọc chung với lúa. Lúc còn nhỏ, chúng giống và rất khó phát hiện. Đến ngày đơm bông thì chúng mới lộ rõ ra, bởi vì thân chúng thường cao và nhỏ hơn lúa, hạt chúng cũng nhỏ và râu dài hơn. Tuy nhiên, đã nhận ra, nhưng để nhổ cũng khó, vì rễ nó và lúa đã ăn quyện lại với nhau, khi nhổ cỏ lùng, không chừng lúa cũng lên theo. Người ta chỉ có thể tách biệt giữa cỏ lùng và lúa khi thu hoạch. Nhưng lý do tại sao lại phải tách biệt như vậy? Thưa vì hạt cỏ lùng là một loại rất độc, ăn nhiều sẽ gây chóng mặt, đau ốm, nếu nặng sẽ hôn mê.

Khi giải thích dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy khởi đầu là thuần chủng, tốt lành, nhưng sau có sự pha tạp. Lý do là vì kẻ thù phá hoại nên đã gieo trộm cỏ lùng vào ruộng lúa. Điều này cho thấy: Giáo Hội và mỗi người chúng ta luôn gặp phải những chống đối, thù nghịch, thế lực tội lỗi luôn tìm cách để làm hại linh hồn ta.

Mặt khác, dạy cho ta bài học về sự kiên trì, đừng nóng vội. Nếu nóng vội, nhiều khi chúng ta nông nổi và vô tình làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời ta và tha nhân.

Sự thật đã nhiều lần chứng minh cho chúng ta thấy: có nhiều người tội lỗi tầy trời, nhưng vào một thời điểm nhất định, họ nhận ta tình thương của Thiên Chúa và tội lỗi của họ quá nhiều. Vì thế, họ đã sẵn sàng thay đổi cuộc đời, nên lối sống của họ đẹp lòng Thiên Chúa. Ngược lại. cũng không thiếu gì nhiều người một thời được mệnh danh là “thánh sống”, nhưng kết cục lại chìm đắm trong tội do bị sa đà và nằm lỳ trong kiêu ngạo.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết quay trở về với Thiên Chúa vì Ngài rất nhân từ và khoan dung, trừ khi chúng ta không đón nhận sự tha thứ của Ngài mà thôi. Mặt khác, Lời Chúa khuyên răn chúng ta hãy bình tĩnh trong việc xét đoán anh chị em mình. Hãy để cho anh chị em ta có cơ hội hoán cải, hầu trở nên con người tốt lành. Cần nhớ rằng: sự phán quyết cuối cùng thuộc về Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn sám hối với chính mình và sự khoan nhân, kiên nhẫn đối với anh chị em chúng con. Amen.
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Alphongsô Liguori, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa không ngừng ban cho Giáo Hội những khuôn mẫu luôn luôn mới của đời sống Kitô hữu. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh giám mục An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri mà nhiệt thành cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, để mai sau được Chúa ân thưởng cùng với thánh nhân. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin đốt lên trong tâm hồn chúng con ngọn lửa yêu mến của Thánh Thần, như xưa Chúa đã ban cho thánh An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri ơn cử hành các mầu nhiệm thánh và nhờ đó mà hiến mình làm của lễ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri nên người trung thành rao giảng và phục vụ bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con biết năng tham dự bí tích này và nhờ đó mà không ngừng ngợi khen Chúa. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Alphonse (An-phong) là Đấng sáng lập hội dòng Chúa Cứu Thế vào một giai đoạn chủ nghĩa duy lý thống trị. Qua đời ngày 1 tháng tám năm 1787 tại Campanie (nước Italie), Ngài được phong thánh năm 1839 và năm 1871, Giáo hội tuyên bố Ngài là tiến sỹ Hội thánh.

Alphonse-Marie de Liguori sinh năm 1696 gần Naples, trong một gia đình quí tộc. Đỗ tiến sĩ luật đời và cả luật đạo năm mười bảy tuổi, nhưng năm 1723, Alphonse rời bỏ tòa án để đi làm linh mục (năm 1726). Trước tiên Ngài lo đào tạo các thừa sai sang Trung quốc tại một chủng viện ở Naples, nhằm phục vụ các bệnh nhân và giảng dạy giới bình dân. Về sau, Ngài giảng dạy trong các vùng quê miền Naples, nơi đây Ngài khám phá thấy sự thiếu thốn lớn trong vấn đề đạo đức. Điều này đưa Ngài tới việc thành lập một hội dòng mới (Dòng Chúa Cứu Thế) vào năm 1732 nhằm mục đích truyền giáo cho các miền quê, đặc biệt là cho giới bình dân và dạy dỗ về bí tích hòa giải. Năm 1749, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV sẽ phê chuẩn luật dòng mới này. Mặc dầu có các khó khăn buổi đầu, hội dòng đã nhanh chóng phát triển, đặc biệt nhờ công của thánh Clément Hofbauer phổ biến sang Ba Lan và trong các xứ thuộc Đức.

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày cầu khẩn Chúa là Đấng không ngừng thúc đẩy phát sinh trong Hội Thánh “nhưng gương mẫu nhân đức mới”. Quả thế, vào thời đó giữa hai chủ trương lạc quan tôn giáo và nhặt nhiệm do Janséniste chủ xướng, thánh Alphonse đã xây dựng một hệ thống thần học luân lý được mệnh danh là “thuyết trung dung”, dựa trên nguyên tắc lòng nhân từ vô biên của Chúa, và đứng giữa hai thái cực nhặt nhiệm và thả lỏng của những người chủ trương “có thể”. Qua công trình của nhà luân lý quân bình, thánh Alphonse đã đặc biệt có công trong việc giải phóng các giáo hữu đương thời khỏi chủ trương quá nhiệm nhặt của phái Jansenius. Là nhà giảng thuyết và nhà luân lý lớn, thánh nhân cũng biết khai thác các tài năng thơ – nhạc của mình phục vụ cho nhiệt tình truyền giáo. Ngài là một trong những tác giả thánh ca Noel nổi tiếng. Người ta gán cho thánh Alphonse một trăm sáu mươi tác phẩm thần học hoặc đạo đức, trong đó phải kể Viếng Mình Thánh Chúa (1745), Vinh quang của Đức Maria (1750), Phương pháp lớn là cầu nguyện (1759), Luận về tình yêu của Đức Giêsu Kitô và Thần học luân lý (1753 – 1755). Tác phẩm trọn bộ của Người đã được dịch sang tiếng Pháp (1834 – 1842).

Phụng vụ bài đọc trích dẫn từ bộ Luận về tình yêu của Đức Giêsu Kitô cho ta thấy linh đạo của thánh An-phong là dựa trên tình yêu:“Vì Chúa biết rằng con người thường bị các ân huệ chinh phục, Chúa đã muốn buộc nó yêu Chúa vì các ơn của Người. Chúa nói, Ta muốn lôi kéo chúng bằng những thứ lưới mà loài người mắc phải, để chúng yêu Ta, vì đó là những sợi dây yêu thương”.

Lời nguyện trên lễ vật nhắc lại rằng thánh Alphonse đã tự dâng hiến chính mình “như một hy lễ thánh”. Đặc biệt là khi đã lớn tuổi, vị sáng lập dòng Chúa Cứu Thế đã gặp phải bao thử thách do những đau khổ lớn lao, nhưng ngài đã đón nhận tất cả với sự kiên nhẫn anh hùng: bệnh tật, ngờ vực, thậm chí cả sự xa lánh của chính gia đình dòng tu của mình, những cuộc tranh giành gây đối chọi giữa các thành viên hội dòng, kết cuộc đi đến chia rẽ, và sau hết nổi lo bị kết án, đã hằn sâu những năm cuối đời thánh nhân.

Lời nguyện tạ lễ gọi thánh An-phong là “nhà giảng thuyết và tư tế trung thành của Thánh Thể”. Ngài luôn tận tâm với việc canh tân lòng tôn sùng Thánh thể, – cách riêng, việc thực hiện các cuộc Viếng Mình Thánh Chúa, và Ngài đòi hỏi phải tôn kính Thánh Thể cách xứng đáng. Vị chủ chăn lớn thường nói: “Chính nhờ việc cầu nguyện mà các thánh nên thánh”; chính vì ý thức rõ tính cách quan trọng của cầu nguyện mà bản thân Ngài luôn thực hành và rao giảng, thánh nhân cũng đã thành lập một ngành nữ của hội dòng Chúa Cứu Thế với hoạt động chủ yếu là thần vụ, suy gẫm và đọc sách thiêng liêng. Thánh nhân đặt “tình yêu vô biên” của Cha vĩnh cửu đối với nhân loại làm nền tảng cho toàn bộ giáo lý của Người, bởi vì “Đấng đã không từ chối giao phó chính Con Một mình vì tất cả chúng ta, làm sao Chúa lại không ban tất cả cho chúng ta, cùng với Con của Người?” (Luận về tình yêu Đức Giêsu Kitô).

Enzo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây