TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 14/10/2024 14:01 |   246
“Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13,1-9)

26/10/2024
Thứ bảy tuần 29 THƯỜNG NIÊN

t7 t29 TN

Lc 13,1-9


lòng kiên nhẫn của chúa
“Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13,1-9)

Suy niệm: Người làm vườn, hình ảnh chỉ về Đức Giê-su, nài xin chủ  vườn, là Thiên Chúa, Cha của Ngài, gia hạn thêm một năm nữa cho cây vả đã ba năm không kết trái, với cam kết sẽ chăm sóc, vun xới, bón phân và hy vọng “may ra sang năm nó có trái”. Thiên Chúa vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi đến vô cùng; Ngài ban nhiều ơn lành cho chúng ta, và hy vọng chúng ta sẽ hoán cải. Tuy nhiên, đây cũng là một lời cảnh báo: thời gian của chúng ta là có hạn. Nếu chúng ta tiếp tục không sinh trái, thì cái kết sẽ là bị “chặt đi”. Lòng thương xót của Thiên Chúa vô biên, Ngài không muốn ai phải hư mất, mà luôn mong muốn chúng ta trở về và sống một đời sống trọn vẹn trong tình yêu của Ngài.

Mời Bạn: Thời gian là một món quà vô giá từ Thiên Chúa. Mỗi ngày, mỗi giờ, thậm chí mỗi giây  phút đều là cơ hội để trở nên tốt hơn và sinh hoa kết trái. Đừng chờ đợi đến ngày mai để hoán cải; hãy bắt đầu ngay hôm nay bằng cách vun xới và bón phân cho đời sống của mình. Hãy để lòng thương xót và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta sống một cuộc đời đáng giá, đầy ý nghĩa và mang lại hoa trái tốt lành cho thế giới xung quanh.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm Chúa luôn giàu lòng thương xót, đủ kiên nhẫn để chờ chúng ta trở về và đâm bông kết hạt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn bao dung và quảng đại đối với tội nhân. Xin cho chúng con biết đón nhận ơn lành của Chúa để trở về và lại trở về với Chúa luôn mãi. Amen.

Ngày 26: Lạy Mẹ Mân Côi! Cao điểm của mặc khải về tình yêu Thiên Chúa, và nguồn mạch ơn cứu độ được tìm thấy nơi các Mầu Nhiệm Thương Khó. Kinh Mân Côi với Năm Sự Thương đã chọn lựa một vài giai đoạn của Cuộc Khổ Nạn, để mời gọi chúng con chiêm ngưỡng trong tâm hồn và làm sống lại từng thời điểm ấy. Xin cho chúng con luôn sẵn sàng mở ra để đón nhận “cái giá” của sự trung thành với thánh ý Chúa Cha: được tỏ lộ trong các mầu nhiệm của Năm Sự Thương: chấp nhận chịu đánh đòn, đội mão gai, vác thập giá và chịu đóng đinh, như Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ bảy tuần 29 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 1-11

“Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, giờ đây không còn gì là án phạt dành cho những ai ở trong Ðức Giêsu Kitô: vì những kẻ ấy không còn sống theo xác thịt. Bởi chưng lề luật của Thánh Thần ban sự sống trong Ðức Giêsu Kitô, đã giải thoát tôi khỏi lề luật sự tội và sự chết. Ðiều mà lề luật không thể làm được, vì bị xác thịt làm cho ra yếu đi, thì Thiên Chúa sai Con của Người đến trong xác thịt giống như xác thịt tội lỗi, và để phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi, và phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi trong xác thịt, khiến cho ơn công chính của lề luật thành tựu đầy đủ trong chúng ta, là những người không còn sống theo xác thịt, nhưng theo tinh thần. Vì những ai sống theo xác thịt, thì tưởng ước những sự thuộc về xác thịt: còn những ai sống theo tinh thần, thì tưởng ước những sự thuộc về tinh thần. Mà tưởng ước của xác thịt là sự chết, còn tưởng ước của tâm thần là sự sống và bình an. Vì chưng sự khôn ngoan của xác thịt là thù nghịch với Thiên Chúa: bởi nó không tùng phục lề luật của Thiên Chúa: vả lại nó cũng không thể tùng phục được. Những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa (c. 6).

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Người xây dựng nó trên biển cả, và Người giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. 

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Người? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. 

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 4, 7-16

“Ðức Kitô là đầu, nhờ Người mà toàn thân thể được lớn lên”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô,

Anh em thân mến, mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Ðức Kitô ban cho. Vì thế có lời rằng: “Người lên nơi cao điệu tù nhân về, Người đã ban ân huệ cho mọi người”. Nói rằng “Người lên” nghĩa là gì nếu không phải là trước Người đã xuống những miền hạ tầng trái đất sao? Ðấng đã xuống cũng chính là Ðấng đã vượt lên trên mọi tầng trời, để làm viên mãn vạn vật.

Và chính Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin, và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm tuổi người của Ðức Kitô viên mãn, để chúng ta không còn là trẻ nhỏ bị lắc lư và lôi cuốn theo mọi chiều gió học thuyết, nghiêng theo sự lừa dối của người đời, và mưu mô xảo trá làm cho lạc lõng trong sự sai lầm.

Nhưng chúng ta hãy thực hiện chân lý theo đức ái, hãy tấn tới bằng mọi phương tiện trong Ðức Kitô là đầu. Do nơi Người mà toàn thân thể được hoà hợp với nhau, kết cấu với nhau bằng những dây liên lạc cung cấp sinh lực tuỳ theo phận sự của mỗi phần, làm cho thân thể lớn lên và tự xây dựng lấy mình trong đức mến.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (c. 1).

Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng tôi sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. 

Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít.

Alleluia: Tv 118, 18

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 1-9

“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Người còn nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY MAU MẮN HỐI CẢI (Lc 13,1-9)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đoạn Tin Mừng hôm nay có ý kêu gọi mọi người hãy ăn năn hối cải. Lời giảng và dụ ngôn của Đức Giê-su chứng tỏ Thiên Chúa khoan dung, kiên nhẫn chờ đợi con người sám hối và hoán cải. Trước hai tai nạn đột ngột làm chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng những nạn nhân ấy là “ác giả” cho nên bị “ác báo”. Đức Giê-su khuyên đừng hồ đồ suy đoán về người khác, nhưng mỗi người hãy coi các tai nạn đó là tiếng nhắc nhở hãy xét lại lương tâm của mình để lo sám hối.

Sám hối là điều kiện cần thiết để chúng ta được Thiên Chúa tha thứ. Và cũng qua dụ ngôn cây vả, chúng ta phải biết nhận ra giới hạn của mình và tích cực sửa đổi để được Thiên Chúa đón nhận và yêu thương.

2. Người Do-thái thường quan niệm rằng, mọi tai họa là hậu quả của tội lỗi. Những người được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay bị chết như thế là do tội lỗi của họ. Nhưng Đức Giê-su không nghĩ như vậy. Ngài giải thích kiểu khác: những tai họa, thảm nạn không phải là hình phạt của Thiên Chúa mà là dấu chỉ cho một lời mời gọi để kêu gọi mọi người hoán cải. Như vậy, việc những người bị giết chết do bàn tay của Phi-la-tô hay bị tháp Si-lô-ê đổ xuống đè chết không được coi là cớ để ta xét đoán và kết án người khác, mà phải được coi là dịp để “duyệt xét lại đời sống” của chính mình bằng tâm tình sám hối, để trở về với đường ngay nẻo chính. Chỉ có cách đó con người mới xứng đáng với diễm phúc làm con cái Chúa.

3. “Chúa phạt”, đó có thể là phản ứng của chúng ta khi đứng trước một tai họa cho người khác. Chúng ta vừa gán cho Chúa  một hình ảnh không mấy đúng đắn về công bình, vừa vô tình kết án người khác mà quên đi thân phận yếu hèn của mình.

Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn vào các biến cố với niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Dù con người tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ cho họ. Ý thức về tình yêu ấy, con người cũng được mời gọi hoán cải. Càng nhận ra tình yêu Thiên Chúa, càng ý thức về thân phận yếu hèn của mình và càng phải cảm thông và yêu mến người khác nhiều hơn. Sám hối trước tiên phải là sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân từ, đồng thời thay đổi cái nhìn đối với người khác (Mỗi ngày một tin vui).

4. Nhân hai sự kiện thời sự – những người nổi loạn bị tống trấn Phi-la-tô giết và mười tám người bị tháp Si-lô-ê đè chết – Đức Giê-su cảnh báo người đương thời phải sám hối. Điều lạ lùng là một đàng, Chúa dạy phài mau mau sám hối; đàng khác, Chúa lại kiên trì chờ đợi con người sám hối qua dụ ngôn “người làm vườn và cây vả”. Hoãn binh chi kế thông thường là thủ thuật của kẻ dưới nhằm có thời giờ đối phó với người trên. Còn Thiên Chúa, luôn luôn là người trên, đồng thời là Đấng “chậm giận và giàu tình thương”, lại chấp nhận “phương án” hoãn binh, không phải như cơ hội cho con người mưu tính, song là để chúng ta nhận ra lòng thương xót của Ngài. Thay vì trừng phạt ta “ở đây và ngay lúc này”, Ngài lại kiên nhẫn đợi chờ. Ngài dành cho chúng ta thời gian sửa đổi, nhận ra lỗi lầm của mình, cũng như cảm nghiệm được ý muốn nhân từ của Ngài. Một khi nhận thức được thâm ý của Chúa, sự hoán cải đổi đời của ta sẽ có giá trị bền vững (5 phút Lời Chúa).

5. Qua hai sự kiện – quan Phi-la-tô ra lệnh giết và tháp Si-lô-ê đè chết người – dù muốn hay không, chúng ta phải công nhận cái chết là một thực tại mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày. Cái chết là một biến cố không ngừng tra vấn con người. Khi nói đến cái chết và kêu gọi sám hối, Đức Giê-su không chỉ kêu gọi con người chuẩn bị để đón cái chết  vốn đến một cách bất ngờ, Ngài còn muốn nhắc nhở con người về một điều cơ bản hơn, đó là thân phận mỏng manh bất toàn của con người. Chấp nhận thực tại của cái chết là chấp nhận cái thân phận bất toàn ấy, có nghĩa là chấp nhận sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa (R.Veritas).

6. Sự kiên trì trong yêu thương của Thiên Chúa phải làm cho chúng ta nhận ra mình bất toàn, yếu đuối. Vì thế, ngay lúc này, phải lo sám hối để trở nên con cái Chúa thực sự. Khi nhận ra điều đó, chúng ta nên có cái nhìn cứu độ của Đức Giê-su, đến để cứu những gì đã mất. Ngài luôn yêu thương những người tội lỗi cách đặc biệt. Dụ ngon đồng bạc đánh mất, hay dụ ngôn người Cha nhân hậu, hoặc con chiên thất lạc cho thấy bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.

7. Truyện: Hãy kịp thời thống hối.

Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ: “Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết. Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”.

Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy. Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn.

VÔ SINH
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy!”.

“Đức tin đích thực mở lòng với người khác, tha thứ cho người khác tạo nên phép lạ. Cây vả tượng trưng cho sự vô sinh, một cuộc sống cằn cỗi, không có khả năng cho đi bất cứ thứ gì. Chúa Giêsu nguyền rủa nó vì nó không nỗ lực để sinh trái!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây vả cằn cỗi để ‘nói về’ và ‘nói với’ người đương thời của Ngài; đặc biệt, các nhà lãnh đạo tôn giáo giả hình. Đối với Ngài, cuộc sống của họ ‘vô sinh’ khác nào một cây vả không nỗ lực để sinh trái.

Lời Chúa mời gọi chúng ta suy gẫm về những bất tiện của sự giả hình, “Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy!”. Kẻ giả hình vờ vịt tin rằng, mình là một ai đó không phải là mình. Dối trá này lên đến đỉnh điểm khi một người giả vờ nhân đức - khía cạnh luân lý - nhưng lại sống trác táng, phóng đãng; hoặc giả vờ đạo đức - khía cạnh tôn giáo - nhưng chỉ quan tâm đến tư lợi mà không màng đến Thiên Chúa. Giả hình về mặt nhân đức gây bao đổ vỡ, giả hình về mặt đạo đức gây bao thương tích!

Một số chính trị gia tuyên bố sẽ phục vụ đất nước trong khi họ chỉ đơn giản là ‘sử dụng’ nó; lực lượng an ninh nhân danh trật tự lại bảo vệ các băng nhóm phi pháp; bác sĩ nhân danh y học lại huỷ hoại một mạng sống đang chớm nở hoặc thúc đẩy cái chết êm dịu của một bệnh nhân hấp hối; truyền thông thay tin hoặc giả vờ làm mọi người thích thú bằng cách làm hư hỏng họ; những người quản lý công quỹ chuyển một phần tiền vào túi riêng của đảng hoặc cá nhân mình; giáo dân cản trở chiều kích công khai của Hội Thánh khi nhân danh tự do lương tâm; các tu sĩ không trung thành với luật dòng; và các Linh mục không phục vụ giáo dân với tinh thần truyền giáo và từ bỏ…

Bạn và tôi đều đã trải nghiệm khoảng cách giữa những gì ‘chúng ta giả vờ là’ và những gì ‘chúng ta thực sự là’. Rõ ràng, những gì ‘chúng ta giả vờ là’ hẳn đã làm cho cuộc sống chúng ta trở nên ‘vô sinh’; và vì thế, đáng bị loại để khỏi chật đất. Tạ ơn Thiên Chúa! Chúng ta có người làm vườn nhân ái Giêsu, “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy!”. Phản ứng của chủ vườn khá hợp lý; chặt nó đi vì chỉ choán chỗ. Tuy nhiên, người làm vườn lại có quan điểm khác. Anh nhìn cây vả dường như ‘vô sinh’ này vẫn có khả năng sinh trái. Anh có tầm nhìn rộng lượng hơn về nó, một tầm nhìn đầy hy vọng. Anh cảm thấy mọi thứ vẫn chưa mất hết; vẫn còn thời gian để nó trở nên tốt đẹp. Đây là cách Chúa Giêsu nhìn chúng ta. Khi nhìn chúng ta, Ngài không chỉ nhìn thấy những gì chúng ta ‘đã không làm được’ trong quá khứ mà còn nhìn thấy những gì chúng ta ‘có khả năng làm được’ trong tương lai. Đó cũng phải là cách chúng ta nhìn nhau, có khả năng nhìn thấy những dấu hiệu yếu ớt của sự sống mới ẩn chứa bên dưới những bề mặt không mấy hứa hẹn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng nhẫn nại với con! Cho con nhận ra những dấu hiệu yếu ớt của sự sống mới ẩn chứa bên dưới những bề mặt không mấy hứa hẹn nơi anh chị em con!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Bảy tuần 29 Thường niên


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây