TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 3 MÙA CHAY

Thứ bảy - 02/03/2024 13:25 |   230
“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,21-35)

05/03/2024
THỨ BA TUẦN 3 MÙA CHAY

t3 t3 MC

Mt 18,21-35

 

‘CON NHÀ TÔNG’ CỦA CHÚA
“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,21-35)

Suy niệm:
Chúa Giê-su kể dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót với nhiều tình tiết tương phản là có dụng ý. Khi tha trắng khoản nợ khổng lồ cho tên đầy tớ, nhà vua muốn y cũng rộng lượng tha cho người đồng bạn mắc nợ y một món nợ nhỏ xíu, theo cách “như ông đã thương xót y”. Thế nhưng y lại đối xử hết sức nghiệt ngã với người bạn mắc nợ y. Điều Chúa muốn nói với chúng ta là: Nếu chúng ta không tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta thì Chúa sẽ đối xử với chúng ta đúng như cách chúng ta đối xử với người khác vậy.

Mời Bạn: Con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27) và được nhận làm nghĩa tử của Ngài nhờ công nghiệp Đức Giê-su Ki-tô. ‘Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh’, là con cái Chúa, bạn được mời gọi làm sáng tỏ hình ảnh của Cha trên trời nơi bạn. Yêu thương thì phải yêu như Chúa đã yêu chúng ta (Ga 13,34); nhân từ, thì phải “nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36); và cụ thể hơn, bạn phải tha thứ cho anh em theo cách Chúa đã tha thứ cho bạn. Nói cách khác, là ‘con nhà tông’ trong gia đình của Thiên Chúa, bạn phải nên hoàn thiện không theo chuẩn mực loài người nữa, mà “hoàn thiện như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (x. Mt 5,48).

Sống Lời Chúa: Bạn ‘xí xoá’ một sự xúc phạm người khác gây ra cho bạn mà bạn vẫn ‘ghim’ trong tâm trí mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh Chúa và biết bao lần Chúa đã tha thứ cho con. Xin giúp con biết tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho con.

Thứ Ba MC III: Lạy Chúa! Chúa dạy phải tha thứ 70 lần bảy. Tha thứ không chỉ dừng lại ở việc tha thứ cho tha nhân, nhưng còn là tha thứ cho chính mình, và cũng vậy, tha thứ cho chính mình lại trở thành tiền đề để tha thứ cho tha nhân. Nhiều xung đột với người khác là phản ảnh của những xung đột trong chính nội tâm chúng con, do việc chúng con đã không chấp nhận những khiếm khuyết đó nơi mình. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: biết chấp nhận và tha thứ cho chính mình, để chúng con có thể dễ dàng tha thứ cho người khác, và để họ khỏi phải trả giá cho những bất hòa bên trong chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 3 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Chúa, bởi Chúa nhậm lời tôi, xin lắng tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin hằng giáng phúc cho chúng con, và không ngừng ban ơn che chở, để chúng con được luôn trung thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðn 3, 25. 34-43

“Với tâm thần sám hối và tinh thần khiêm tốn, chúng tôi được chấp nhận”.

Trích sách Tiên tri Ða-ni-en.

Trong những ngày ấy, A-da-ri-a đứng giữa lửa mở miệng cầu nguyện rằng: “Vì danh Chúa, xin đừng bỏ con mãi mãi cho quân thù, và xin đừng huỷ bỏ lời giao ước của Chúa. Xin chớ cất lòng từ bi Chúa khỏi chúng con. Vì Áp-ra-ham kẻ Chúa yêu, I-sa-ác tôi tớ Chúa, và Ít-ra-en người lành thánh của Chúa, những kẻ Chúa đã hứa cho sinh con cháu ra nhiều như sao trên trời và như cát bãi biển. Vì lạy Chúa, chúng con đã trở nên yếu hèn hơn mọi dân tộc và hôm nay, vì tội lỗi chúng con, chúng con bị nhục nhã ở mọi nơi. Hiện giờ không còn vua chúa, thủ lãnh, tiên tri, không còn của lễ toàn thiêu, lễ hiến tế, lễ vật, nhũ hương và nơi để dâng lên Chúa của đầu mùa để được Chúa thương. Nhưng với tâm hồn sám hối và với tinh thần khiêm tốn, chúng con xin Chúa chấp nhận; chúng con như những con dê, bò rừng và những chiên béo được dâng lên Chúa làm của lễ toàn thiêu, xin cho của hiến tế chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay, được đẹp lòng Chúa, vì những ai tin tưởng nơi Chúa không phải hổ thẹn. Và bây giờ chúng con hết lòng theo Chúa, kính sợ Chúa và tìm kiếm tôn nhan Chúa. Xin đừng để chúng con phải hổ thẹn, nhưng xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa. Lạy Chúa, xin làm những việc lạ lùng mà cứu thoát chúng con, và xin cho thánh danh Chúa được vinh quang”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Mt 18, 21-35

“Nếu mỗi người trong chúng con không tha thứ cho anh em, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho chúng con”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Phê-rô đến thưa cùng Chúa Giê-su rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giê-su đáp: “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho hiến lễ cứu độ này thanh tẩy chúng con sạch muôn vàn tội lỗi, để chúng con đáng được Chúa xót thương. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong nhà tạm Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Ngài. Người sống thanh liêm và thực thi công chính.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự mầu nhiệm thánh; xin cho chúng con được sự sống dồi dào, ơn tha thứ trọn vẹn và nguồn trợ lực linh thiêng của Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

THA THỨ CHO NGƯỜI KHÁC ĐỂ ĐƯỢC CHÚA THỨ THA
Lm. Phêrô Trần Quang Diệu

Dụ ngôn về người đầy tớ không biết tha thứ trong bài Tin mừng hôm nay nêu bật tầm quan trọng của sự tha thứ và thương xót trong đời sống Ki-tô hữu của chúng ta. Nó nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân và cần sự tha thứ của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta nên rộng lòng tha thứ và thương xót người khác.

Dụ ngôn cũng cảnh báo về hậu quả có thể xảy ra cho hành động không biết tha thứ của chúng ta. Nếu từ chối tha thứ cho anh em, chúng ta có nguy cơ bị như thế trước mặt Thiên Chúa. Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa ích kỷ hay khắc nghiệt. Trái lại, chính việc chúng ta từ chối tha thứ cho người khác đã tạo ra một rào cản giữa chúng ta và Thiên Chúa khiến chúng ta không nhận được sự tha thứ của ngài. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn cầu nguyện: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con.”

Cuối cùng, ngụ ngôn về người đầy tớ không biết tha thứ nhắc nhở chúng ta về món quà tha thứ vô cùng lớn lao mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa qua Chúa Giê-su Ki-tô. Quả vậy, Thiên Chúa là đấng vô cùng tốt lành và thánh thiện nên bất cứ tội lỗi nào chúng ta phạm cũng đều là sự xúc phạm nghiêm trọng đến Ngài. Bản thân chúng ta, vốn là những tội nhân, sẽ không có khả năng đền bù lại Thiên Chúa vì những xúc phạm ấy. Chỉ mình Chúa Giê-su mới có thể và ngài đã thực hiện điều ấy qua chính cái chết của ngài.

Trong hành trình của Mùa Chay thánh này, chúng ta cùng cầu xin Chúa giúp chúng ta sống cuộc đời tha thứ và thương xót như Chúa đã tha thứ và thương xót chúng. Để rồi mỗi khi hoán cải và trở về, chúng ta cũng nhận được sự tha thứ và lòng xót thương của Ngài. Amen.
 

HÃY THA THỨ CHO NHAU (Mt 18, 21-35)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Hôm nay Đức Giê-su dạy ta về sự tha thứ. Dụ ngôn về sự tha thứ nhắm tới đời sống cộng đoàn. Quả vậy, trong đời sống chúng ta, vì tính tình xung khắc, nên đã gây ra nhiều điều phiền toái, chia rẽ, đố kỵ, thù oán… Nhưng nhờ sự tha thứ, đời sống chung lấy lại được hòa khí, bình an và hiệp nhất. Nhưng Đức Giê-su lưu ý chúng ta vài khía cạnh quan trọng:

– Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta  cho dù tội chúng ta xúc phạm đến Ngài rất nhiều. Ta không thể đền tội cho đủ nhưng Chúa vẫn tha vì Ngài “động lòng thương”.

– Nhưng chúng ta củng phải rộng lòng tha thứ cho anh chị em chúng ta. Nếu không thì Chúa sẽ rút lại sự tha thứ của Ngài đối với chúng ta.

– Ngoài ra hãy khôn ngoan tha lỗi nhỏ cho anh em để Chúa sẽ tha thứ những lỗi lầm lớn của chúng ta đối với Chúa.

2. Tha thứ xem ra không phải là điều tự nhiên đối với con người. Phải trải qua một thời gian lâu dài, nhân loại mới nhận ra được ý nghĩa và sự cần thiết của tha thứ.  Xã hội nguyên thủy không dung tha cho tội phạm của cá nhân.

Sách Khởi nguyên nói đến sự trừng phạt mạnh hơn 70 lần 7 lỗi phạm của con người. Sang đến sách Xuất hành, người ta thấy có một tiến bộ quan trọng khi luật Mai-sen đã ra luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, ít ra ở đây hình phạt cũng tương xứng với lỗi phạm. Sách Lê-vi đi xa hơn, tuy không bắt buộc phải tha thứ, nhưng sách này nói đến tình liên đới giữa anh em với nhau và cấm không được nại đến việc tố tụng để giải quyết những tranh chấp giữa anh em với nhau. Như vậy, ít ra sự tha thứ cũng đã manh nha trong quan hệ ruột thịt (Mỗi ngày một tin vui).

3. Đức Giê-su đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại. Cốt lõi giáo huấn của Ngài là tình yêu, mà cao điểm là sự tha thứ. Chính Ngài đã tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Vậy tha thứ bao nhiêu lần là tối đa, hay tha thứ bao nhiêu lần là không thể tha thứ được nữa? Xưa kia ông Phê-rô cũng đã băn khoăn như thế và ông cho rằng chỉ tha thứ đến 7 lần là tối đa, vì như thế là đã vượt quá sự khuyến cáo của các luật sĩ đến bốn lần rồi: “Quá tam ba bận”. Nhưng Đức Giê-su bảo ông: Tha thứ thì không có giới hạn, không phải ba lần, bảy lần mà là bảy mươi lần bảy. Chúa không có ý bảo là 490 lần mà có nghĩa là phải tha thứ luôn luôn, phải tha thứ mãi mãi, bao lâu người ta còn xúc phạm đến mình thì còn phải tha thứ.

4. Chính Đức Giê-su đã làm gương sống động của lòng tha thứ khi trên Thập giá Ngài tha thứ cho nhưng kẻ giết hại mình. Vì vậy Đức Giê-su dạy môn đệ phải có lòng vị tha, tha thứ không chỉ quên đi những điều không phải nhưng sẵn sàng tái lập sự giao hòa giữ hai người.

Hơn nữa, sống tha thứ còn giải thoát chính chúng ta khỏi những xiềng xích của cảm xúc giận hờn đè nặng, làm cho cuộc sống được thư thái tự do, sức khỏe thăng tiến. Thiếu tha thứ, đời sống con người bị ảnh hưởng từ cá nhân đến đời sống cộng đồng. Vị tha để sự bình an tâm hồn và thân xác mỗi cá nhân được đơm hoa kết trái và chính hoa trái đó làm nên hạt giống gieo hòa bình cho quốc gia và thế giới.

5. Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su dạy cho chúng ta biết: Nợ nần của chúng ta đối với Chúa hết sức lớn lao, đó là tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Chúa rất kinh khủng, và tự sức mình chúng ta không thể nào thanh toán nổi. Trong khi đó món nợ của anh em mắc với chúng ta chỉ là những lỗi lầm không đáng kể, thế mà chúng ta lại khắt khe với anh em: xin không tha, trả không nhận, rồi bực tức ngày đêm, để lòng hờn giận, tìm dịp báo thù, thật là quá tệ. Kết quả là chúng ta chẳng được Thiên Chúa tha thứ, vì chính chúng ta đã tự lên án mình, khi chúng ta không tha thứ cho người khác. Chúa cũng chẳng tha cho chúng ta.

6. Truyện: Gương Bà Coritanbun tha thứ.

Liền sau thế chiến II chấm dứt, Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình Bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, đã đi khắp Âu châu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.

Thế nhưng vào một Chúa nhật nọ, sau khi kêu gọi người hãy tha thứ cho nhau trong một nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài Bà bất ngờ đối diện với một khuôn mặt quen thuộc. Đó là dung mạo của người lính đã hành hạ Bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung. Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn, rồi những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí Bà.

Lúc đó người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt tay bà vừa nói: “Thưa Bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của Bà kêu gọi sự tha thứ. Xin Bà tha thứ cho tôi”. Bà Coritanbun như chết điếng người, vì trước đây Bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng im lặng, tay không thể nào bắt tay người đến xin Bà tha thứ.

Sau này vào năm 1971 khi kể lại biến cố ấy trong tập sách “Nơi ẩn trốn”, Bà đã cho biết “Trong giây phút thinh lặng đó. Tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó Bà đã hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa. (Món quàn Giáng Sinh).

TRUNG THÀNH PHỤNG SỰ CHÚA
(THỨ BA TUẦN 3 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 3 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa hằng giáng phúc cho chúng ta, và không ngừng ban ơn che chở, để chúng ta được luôn trung thành phụng sự Chúa.
 
Con người không ngừng dựng nên một Thiên Chúa theo hình ảnh của mình. Vì vậy, chúng ta phải đề phòng luôn, kẻo khi, chúng ta tưởng mình đang thờ phượng Thiên Chúa trong chân lý, thì lại là lúc, vô tình, chúng ta biến Người thành ngẫu tượng. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Họ đổi Chúa vinh quang lấy hình bò ăn cỏ. Họ quên Thiên Chúa là Vị Cứu Tinh từng làm việc lớn lao bên miền Aicập, việc khiếp kinh giữa lòng Biển Đỏ. Tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng loài phải chết.
 
Trung thành phụng sự Chúa, không có nghĩa là, chúng ta phải khước từ các mối tương quan khác, mà trái lại, chúng ta phải sống triển nở các mối tương quan cách tốt đẹp trong thánh ý Chúa. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Phêrô Kim Ngôn nói: Chay tịnh là linh hồn của cầu nguyện,làm phúc là sự sống của chay tịnh. Đừng ai tách rời ba việc ấy, vì chúng không thể tách rời nhau được. Ai chỉ làm một trong ba, hay không làm đủ cả ba một trật, là chẳng làm gì hết.
 
Một tấm lòng tan nát giày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê, phụng sự Chúa với tinh thần khiêm nhường thống hối là của lễ rất đẹp lòng Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Đanien cho chúng ta thấy điều đó: xin nhận tâm hồn thống hối và tinh thần khiêm nhượng của chúng con, thay của lễ toàn thiêu chiên bò, và ngàn vạn cừu non béo tốt.
 
Trung thành phụng sự Chúa thì thật là chính đáng, bởi vì, Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và giàu tình thương, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 24, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài. Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay quy hướng về Chúa, trở về với Chúa: Đức Chúa phán: Ngay lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, bởi vì, Ta từ bi nhân hậu, nhưng, trong bài Tin Mừng, Chúa lại dạy phải tha thứ cho anh chị em mình bảy mươi lần bảy. Điều này cho thấy việc trung thành phụng sự Chúa, có liên quan chặt chẽ với việc phục vụ tha nhân, bằng chứng là, khi kết thúc dụ ngôn, Đức Giêsu đã nói: Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.
 
Tự bản chất con người là một hữu thể có tương quan. Chúng ta không thể sống, tồn tại và phát triển mà không cần đến các mối tương quan. Ba mối tương quan: Tương quan với Thiên Chúa (cầu nguyện), tương quan với tha nhân (bố thí) và tương quan với chính mình (chay tịnh) cùng lớn lên và cùng hỗ trợ lẫn nhau. Nếu một trong ba yếu tố này bị thiếu hụt hoặc bị xao lãng, thì hai yếu tố còn lại sẽ bị ảnh hưởng. Như ba chân của một chiếc kiềng, ba chân đều cần thiết để chiếc kiềng có thể đứng vững, mỗi chân tựa vào hai chân còn lại. Mùa Chay là dịp thích hợp để quay về, làm mới lại các mối tương quan: với Chúa, với tha nhân, và với chính mình. Ước gì chúng ta luôn biết tha thứ cho tha nhân, cho chính mình, để rồi, chúng ta cũng sẽ nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ước gì được như thế!


KHÔNG BAO GIỜ TRẢ NỔI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

“Ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?”.

Mark Twain mỉa mai, “Chúng ta mang một món nợ ân tình đối với Ađam, vị đại ân nhân đầu tiên ‘mang cái chết’ xuống trần gian!”. Một nhà tu đức lại an ủi, “Chúng ta mang một món nợ ân tình khác đối với Giêsu, vị đại ân nhân đầu tiên ‘mang sự sống đời đời’ cho nhân trần. Ngài đã thế chỗ nhân loại thương tích đó, trả cho Thiên Chúa món nợ ‘không bao giờ trả nổi’!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta về một Đại Thực Thể toàn thánh, toàn tha và toàn thiện; Ngài là Thiên Chúa toàn trí, toàn trị và toàn tri! Nhân loại nợ Ngài, không ai và không thọ tạo nào không nợ Ngài, một món nợ ‘không bao giờ trả nổi’. Tuy nhiên, dẫu giàu có vô song; Ngài vẫn là Thiên Chúa rất mực nhân từ, hằng xót thương và luôn tha thứ!

Bài đọc Đaniel tường thuật câu chuyện ba người bạn của ông - bị đày từ Giêrusalem về Babylon - những người bất tuân lệnh bái lạy thần của vua, khiến họ bị ném vào lửa. Giữa hoả hào, họ kêu cầu Chúa, không chỉ cho mình nhưng cho cả dân tộc, “Xin Ngài đừng rút lại lòng thương xót đã dành cho chúng con”. Chúa đã cứu họ! Đó là “Nghĩa nặng với ân sâu của Ngài” mà các bạn của Đaniel và Israel, dân tộc của ông ‘không bao giờ trả nổi’ - Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, Phêrô hỏi Chúa Giêsu, “Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?”. Ngài dứt khoát, “Bảy mươi lần bảy!”. Nghĩa là phải tha theo ‘cấp số nhân, luôn luôn tha và tha mãi mãi’. Lời dạy này không có nghĩa là làm ngơ trước một người không ngừng làm tổn thương mình nhưng có ý nói rằng, tôi dám yêu thương người anh em mãi mãi như Thiên Chúa yêu thương, dẫu họ thế nào! Tha thứ không đơn thuần là nói ra lời; nó liên quan đến việc khôi phục mối quan hệ đã tan vỡ, liên quan đến sự hàn gắn cả hai bên. Mối quan tâm chính của chúng ta không phải là bản thân, nhưng là hạnh phúc của người anh em mà hành động của họ đang thực sự ‘làm cho chính họ’ tổn thương! Đó là “cách tha thứ” mà Mẹ Têrêxa nói chúng ta phải học.

Từ đó, chúng ta hiểu ý nghĩa của câu “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Những lời này chứa đựng một sự thật quyết định: không ai có thể đòi hỏi Thiên Chúa tha nếu người ấy không tha cho người khác. Đó là một điều kiện! Phaolô nói, “Lương bổng tội lỗi trả cho người ta là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô”. Chỉ lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài trong Đức Giêsu mới có thể giải thoát chúng ta khỏi món nợ ‘không bao giờ trả nổi’ đó.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?”. Thiên Chúa thương chúng ta vô ngần, Ngài sai Con Một đến thế gian để trả món nợ khổng lồ thay chúng ta; nhờ đó, chúng ta được lại sự sống đời đời. Vậy khi yêu thương và tha thứ cho người khác, bạn và tôi đang nên giống Thiên Chúa. Những ngày Mùa Chay, Giáo Hội muốn con cái hướng lên Giêsu toàn thánh, toàn tha và toàn thiện; kết hiệp mật thiết với Ngài, chiêm ngắm Ngài và ra sức bắt chước Ngài. Nhờ tương quan thân tình đó, chúng ta sống cho Ngài, như Ngài và vì Ngài… bằng cách xót thương anh chị em mình!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con nợ ai một điều gì ngoài món nợ yêu thương; cho con biết trả dần ‘từng đồng xu’ mỗi ngày!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây