TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 4 MÙA CHAY

Thứ tư - 06/03/2024 13:37 |   486
Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin. (Ga 4,53)

11/03/2024
THỨ HAI TUẦN 4 MÙA CHAY


t2 t4 MC
Ga 4,43-54

NHẬN BIẾT GIỜ CHÚA VIẾNG THĂM
Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin. (Ga 4,53)

Suy niệm: Viên sĩ quan chưa hẳn đã tin Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a khi ông xin Chúa đến chữa bệnh cho con mình. Có lẽ ông chỉ nghĩ Ngài là một lương y có tài chữa bách bệnh thôi. Chúa Giê-su không che dấu một thoáng trách móc khi nói rằng ông phải thấy “dấu lạ điềm thiêng” thì mới tin vào Ngài. Thế nhưng, nhờ lời trách móc nhẹ nhàng đó, ông đã hoán cải. Nghe Chúa nói: “Ông cứ về đi, con ông sống đó” ông đã tin và trở về dù chưa thấy điềm thiêng dấu lạ. Niềm tin của ông vừa nảy nở nhờ nghe lời Chúa giờ đây được lớn lên, định hình rõ nét và truyền lan cho mọi người trong nhà, khi ông kiểm nghiệm lại sự việc và nhận ra dấu lạ đã xảy ra với ông vào “giờ mà Chúa đã nói với mình.”
 

Mời Bạn: - Mọi biến cố trong đời bạn đều là những ‘dấu lạ’, đánh dấu “giờ Chúa đến viếng thăm,” “giờ” Chúa nói với bạn. Có khi nào bạn ngồi nhìn lại cuộc sống của mình để nhận ra điều đó chưa? - Khi bạn nhận ra “giờ Chúa đến viếng thăm,” khi bạn cảm nghiệm được Chúa đụng chạm đến cuộc đời bạn, lúc đó đức tin của bạn không còn là lý thuyết suông nữa mà một đức tin được chứng thực bằng một kinh nghiệm sống. Một niềm tin như thế có sức toả lan rất mạnh. Bạn nhớ chia sẻ niềm tin ấy cho những người sống quanh bạn nhé.
 

Sống Lời Chúa: Bạn hãy dành một khoảng thinh lặng để nhìn lại cuộc sống và cảm nghiệm được giờ Chúa đến viếng thăm mình.
 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con diễm phúc được Chúa đến với con. Xin Chúa ban thêm lòng tin cho con.

Thứ Hai MC IV: Lạy Chúa! Chúa nói với ông sĩ quan: Ông về đi, con ông sống... Ông và cả nhà đều tin. Niềm tin mà ông đặt nơi Chúa chính là sự chứng nghiệm đức tin sống động của ông. Có người tin Chúa, có người không tin; có người nói: Chúa chỉ là thần thoại, có người nói: Chúa là thực tại duy nhất, nhưng tất cả những điều đó chỉ là những tín điều, nếu, chúng chưa được chúng con sống, và trải nghiệm bằng một đức tin sống động. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: hoàn toàn tín thác vào Chúa như cá không tách rời khỏi nước, vì biết rằng nước chính là sự sống của mình. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 4 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Phần tôi, tôi tin cậy ở Chúa. Tôi sẽ hân hoan mừng rỡ vì đức từ bi của Chúa, bởi Chúa đã nhìn đến nỗi đau khổ của tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, để đổi mới trần gian, Chúa dùng những bí tích kỳ diệu làm dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa loài người. Xin cho Hội Thánh biết lợi dụng nguồn thiên ân đó, để không ngừng tiến triển, và luôn được Chúa thương nâng đỡ phù trì trong đời sống hiện tại. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 65, 17-21

“Thiên hạ sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Ðây Thiên Chúa phán: “Này Ta tác tạo trời mới, đất mới; người ta sẽ không còn nhớ lại dĩ vãng, và cũng sẽ không bận tâm đến dĩ vãng nữa. Nhưng các ngươi hãy hân hoan và nhảy mừng cho đến muôn đời trong các việc Ta tác tạo, vì đây Ta tác tạo một Giê-ru-sa-lem hân hoan và một dân tộc vui mừng. Ta sẽ hân hoan ở Giê-ru-sa-lem, sẽ vui mừng nơi dân Ta, và từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa. Ở đó sẽ không còn trẻ nhỏ chết yểu, không còn người già chết sớm nữa, vì người chết trăm tuổi cũng còn gọi là chết trẻ, người không sống đến trăm tuổi, kể là bị chúc dữ. Họ sẽ xây cất nhà cửa và cư ngụ ở đó, sẽ trồng nho và ăn trái nho”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11e-12a và 13b

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con

Xướng: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ.

Xướng: Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ.

Xướng: Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha.

Phúc Âm: Ga 4, 43-54

“Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su bỏ Sa-ma-ri-a mà đến Ga-li-lê-a. Chính Người đã nói: “Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình”. Khi Người đến Ga-li-lê-a, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.

Người trở lại Ca-na xứ Ga-li-lê-a, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Ca-phác-na-um có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giê-su đã bỏ Giu-đê-a đến Ga-li-lê-a, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giê-su bảo ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. Viên quan chức trình lại Người: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết”. Chúa Giê-su bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Ông tin lời Chúa Giê-su nói và trở về.

Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: “Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt”. Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: “Con ông mạnh rồi”, nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giu-đê-a về Ga-li-lê-a.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ chúng con dâng đem lại cho chúng con sức sống mới, để chúng con cởi bỏ con người cũ, và luôn tiến bước theo tinh thần Phúc Âm. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Ta đặt thần trí Ta giữa các ngươi, làm cho các ngươi thực thi các huấn lệnh Ta, làm cho các ngươi tuân giữ và thực hành các lề luật Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận canh tân và thánh hoá cuộc đời chúng con, để chúng con đáng được hưởng gia nghiệp Nước Trời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

LỜI CHỮA LÀNH
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Đây là lời Giáo hội mượn tâm tình của vị quan chức nhà vua trong đoạn Tin Mừng hôm nay để thân thưa với Chúa trước khi chịu lễ. Thật vậy, nếu khởi đầu Tin Mừng thứ IV, thánh Gio-an ghi: “Từ Nguyên Thủy đã có Ngôi Lời… Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1), thì hôm nay Lời ấy thể hiện quyền năng khi chữa lành cho đứa con trai của vị quan chức nhà vua (x.Ga 4,43-54).

Phép lạ xảy ra tại Ca-na xứ Ga-li-ê-a, nơi Chúa Giê-su đã biến nước thành rượu ngay tại chính quê hương mình. Đây là một trong nhiều phép lạ Chúa Giê-su đã làm trong cuộc đời hoạt động công khai. 

Trước lời mời xin của vị quan chức nhà vua: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất” (Ga 4,49), với hy vọng Chúa Giê-su sẽ đến. Chúa Giê-su vui vẻ nhận lời và nói với ông: “Ông cứ về đi, con ông sống” (Ga 4,50). Ông vội vã ra về tới nhà, con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: “ Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt”. Ông nhận ra đúng là giờ Chúa Giê-su bảo ông về. Chúa Giêsu đã dùng Lời quyền năng để phán và phép lạ đã xảy ra.

Chính lúc ra tay cứu chữa người đau yếu, xua trừ ma quỉ, phục sinh kẻ chết… là lúc Chúa Giê-su muốn củng cố lòng tin cho các môn đệ, đồng thời nói lên sứ mạng cứu độ của Lời. Lời toàn năng: đi đến đâu là Lời thi ân giáng phúc đến đó. Đúng như Isaia tiên báo tiên báo: “Nơi đây sẽ không còn nghe tiếng than khóc kêu la. Nơi đây sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn…” (Is 65,19-20). 

 

CHỮA NGƯỜI CON CỦA MỘT SĨ QUAN (Ga 4, 43-54)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau khi tự mạc khải là Đấng Cứu Thế cho người phụ nữ Sa-ma-ri-a ở giếng Gia-cóp, Đức Giê-su đi đến Ga-li-lê-a. Ở đây Ngài bắt đầu thực hiện điều mà I-sai-a tiên báo. Ngay cả một người ngoại như viên sĩ quan triều đình cũng được hưởng hạnh phúc ấy: con trai ông sắp chết nhưng được Chúa cho sống lại. Lý do là vì ông đã tin, một đức tin mạnh đến nỗi ông tin lời Chúa ra về trước khi thấy Ngài chữa bệnh cho con ông. Ông tin chỉ vỉ nghe mặc dù chưa thấy.

2. Tin Mừng theo thánh Gio-an trình bày hai cấp độ tin: tin vì thấy và tin chỉ vì nghe. Đức Giê-su muốn người ta tin ở mức độ thứ hai. Chính các Tông đồ mãi tới lúc Đức Giê-su sống lại mới đạt tới đức tin như thế khi Tô-ma tuyên xưng đức tin mà không còn đòi  xỏ ngón tay vào các vết thương của Chúa nữa. Khi đó Chúa nói: “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”. Trong bài Tin Mừng này, lúc đầu Chúa cũng nói “Nếu các ông không trông thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin. Phần chúng ta, đức tin của chúng ta đang ở cấp độ nào? Chúng ta có tin nhiều điều Chúa nói nhưng chúng ta chưa thấy hoặc chưa có dịp kiểm chứng không, chẳng hạn: Chúa rất thương ta, Chúa đang sống bên cạnh ta, Chúa sẽ nâng đỡ ta trong những lúc gian truân, hãy hoàn toàn phó thác vào Ngài vì Ngài sẽ che chở ta…?

3. Viên sĩ quan này làm việc tại triều đình vua Hê-rô-đê  và gia đình ngụ tại Ca-phác-na-um. Chắc chắn những công việc Đức Giê-su làm đã đồn thổi đến tai ông nên ông đích thân đến xin Chúa chữa cho con ông đang thập tử nhất sinh.

Rất có thể ông đi mời Chúa như đi mời một thầy lang, một bác sĩ, nhưng dù sao thì cũng chứng tỏ ông đã tin vào quyền phép của Chúa, vì nếu không tin thì ông đến gặp Chúa để làm gì. Như vậy, chúng ta có thể chắc chắn viên sĩ quan này đã tin Chúa có thể chữa bệnh nhưng chưa tin Chúa có thể làm phép lạ từ xa, nên ông năn nỉ cho bằng được Chúa đến nhà ông.

Nhưng khi nghe Chúa bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống”. Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình. Ông ra về. Nhưng trên đường về người nhà báo cho ông biết con ông đã khỏe rồi. Do đó ông và cả nhà đều tin vào Chúa.

4. Một niềm tin đích thực không cần nhìn thấy tỏ tường, vì như thế không còn là tin nữa, mà là bất đắc dĩ chấp nhận một chuyện đã xảy ra rồi. Đức Giê-su đã khẳng định điều đó  sau lời cầu xin của vị sĩ quan đến xin Ngài chữa lành cho con trai mình.

Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan này có quyền lực về mặt chính trị, ông có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Đức Giê-su truyền đạo, ông sẽ tin tưởng vào quyền lợi vật chất và khoa học hơn là niềm tin. Thế nhưng, ông nhận ra con người Đức Giê-su không đơn thuần là một thầy dạy như các luật sĩ, mà là một vị tiên tri của Thiên Chúa, ông đã hạ mình  đến cầu xin Ngài. Lại nữa, vì tấm lòng của một người cha thương con bệnh tật, ông không ngại vượt qua rào cản của ý thức hệ và chính trị, để chạy đến với Đức Giê-su.

Nhưng hơn hết, ông tin vì nghe lời Chúa bảo: “Ông về đi, con ông sống”, chứ ông không đòi dấu lạ rõ ràng, nên niềm tin đó đã chữa lành cho con ông (theo Hiền Lâm).

5. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: ông sĩ quan đến xin Đức Giê-su chữa bệnh cho con ông như đến xin một lòng tin. Việc đứa con ông được Chúa chữa khỏi bệnh từ xa đã tăng thêm lòng tin cho ông và lòng tin đã lan ra cả gia đình ông.

Chúng ta cũng vậy, chúng ta phải làm sao cho đức tin của chúng ta được thêm vững mạnh hơn sau một biến cố nào đó, không nhất thiết là phải được ơn, được phép lạ như ông sĩ quan hôm nay, nhưng ngay cả những lúc gặp gian nan thử thách, chúng ta càng tin tưởng vào Chúa hơn và làm cho những người chung quanh, nhất là những người trong gia đình, tăng thêm lòng tin vào Chúa.

6. Truyện: Cần tin người đáng tin.

Một bà già đứng ở ngã tư có nhiều chuyến tàu đi qua. Vì ít khi ra ngoài, nên bà chẳng biết tàu nào về đâu. Sợ đi lạc, bà giơ vé ra  hỏi một người đứng kề bên:

– Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không?

– Phải đó bà.

Nhưng bà chưa an tâm. Biết đâu người ấy cũng không rành. Bà gặp người khác,cũng hỏi:

– Tôi định di Bay City, có phải đi tàu này không?

– Phải đó bà.

Nhưng bà vẫn chưa hết áy náy. Rồi bà gặp một người đeo phù hiệu nhân viên hỏa xa, bà hỏi:   

– Tôi định đi Bay City, có phải đi tầu này không?

– Phải, thưa bà.

Thế là bà an tâm bước lên tàu. Bà đã tin người đáng tin.

Đức tin là thế!


DẤU CHỈ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA
(THỨ HAI TUẦN 4 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 4 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Để đổi mới trần gian, Chúa đã dùng những bí tích kỳ diệu làm dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa loài người. Xin Chúa cho Hội Thánh biết tận dụng nguồn thiên ân đó, mà không ngừng tiến triển, và luôn được Chúa thương nâng đỡ phù trì trong đời sống hiện tại.

Đức Kitô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình hiện diện giữa loài người. Thư gửi tín hữu Hípri đã chứng minh cách tuyệt vời rằng: mọi ước nguyện thanh tẩy sẽ chẳng đi tới đâu, nếu Đức Kitô không thực hiện một cuộc giải thoát một lần dứt khoát. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Lêvi đã cho thấy: Tội lỗi làm phương hại đến sự thánh thiện của Đền Thờ. Tội lỗi của Dân Chúa đã được thanh tẩy bằng nghi thức thả con dê vào sa mạc, và rảy máu lên bàn thờ. Sau này, Đức Kitô đã đến làm thượng tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Người đã vào cung thánh, không phải với máu các con bò, con dê, nhưng với chính máu của mình. Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.

Thiên Chúa hiện diện giữa loài người qua Vị Thượng Tế đích thực là Đức Kitô. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, linh mục Ôrigiênê nói: Ngày nay bạn đến với Chúa Kitô là Vị Thượng Tế đích thực, Đấng đã lấy máu mình làm cho Chúa Cha thương xót bạn và hòa giải bạn với Chúa Cha, bạn đừng ỷ vào máu của xác phàm, mà hãy nhìn vào máu của Ngôi Lời, và nghe chính Người nói với bạn: Đây là máu Thầy đổ ra cho anh em được tha tội.

Thiên Chúa hiện diện giữa loài người qua các phúc lộc Người ban tặng. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia cho thấy: Thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan, vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giêrusalem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng. Vì Giêrusalem, Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la.

Thiên Chúa hiện diện giữa loài người, cho nên, trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 29, vịnh gia đã ca tụng: Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con. Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống. Bởi vì, Thiên Chúa hiện diện giữa loài người, cho nên, các nhà phụng vụ đã chọn câu Tung Hô Tin Mừng, cho ngày lễ hôm nay để nhắc nhở chúng ta rằng: Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ, rồi anh em sẽ được sống; và Chúa sẽ ở cùng anh em.

Trong bài Tin Mừng, ông sĩ quan đã tin Đức Giêsu là Thiên Chúa hiện diện giữa loài người, cho nên, ông đã tin vào lời Đức Giêsu nói với ông. Ông tin, ngay cả khi, ông chưa thấy con ông sống. Thánh Gioan nói: Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ (1 Ga 3,2). Tuy nhiên, chúng ta xác tín vào điều đó: chúng ta là con Thiên Chúa. Không phải chúng ta cố gắng sống tốt, để rồi, trở nên con Thiên Chúa, nhưng là, bởi vì, chúng ta đã là con của Thiên Chúa rồi, cho nên, chúng ta phải sống tốt, phải sống như Chúa sống, chúng ta là những hoàng tử, những công chúa, chúng ta thuộc về Thiên Chúa, thuộc về trời cao, vì thế, chúng ta không thể sống theo những dục vọng thấp hèn của thế gian này. Ước gì chúng ta tin rằng: Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, để chúng ta luôn sống trong sự hiện diện của Chúa, bước đi trước Thánh Nhan Người mọi ngày trong suốt cuộc đời ta. Ước gì được như thế!

KIẾN TẠO KHÔNG GIAN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!”.

“Có một thuộc tính mà chỉ mình Thiên Chúa có. Đó là phẩm chất ‘hiện diện ở mọi nơi, trong mọi lúc’ của Ngài. Ngài không bị ràng buộc bởi thời gian lẫn không gian! Điều này không có nghĩa là thiên nhiên và con người - một phần của Ngài - được tôn thờ! Tạo vật tách biệt khỏi Thiên Chúa, nhưng không bao giờ độc lập với Ngài. Nó phải luôn ‘kiến tạo không gian’ cho Ngài, và quan trọng hơn, được Ngài biến đổi!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay tiết lộ cho bạn và tôi rằng, mỗi người có thể ‘kiến tạo không gian’ cho Thiên Chúa để Ngài có thể làm một điều lạ lùng nào đó! Người cha có đứa con hấp hối của trình thuật là một kiểu mẫu, “Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!”. “Ông cứ về đi, con ông sống!”. Ông tin và trở về, con ông sống! Việc “tin” của ông đã ‘kiến tạo không gian’ cho Chúa Giêsu, Đấng đã làm một điều lạ lùng, ông được lại con!

“Đức tin” đan dệt không gian cho quyền năng của Đấng Tạo Thành! Không phải quyền năng của một ai đó cực kỳ quyền năng, nhưng là quyền năng của ‘một Ai đó’ cực kỳ yêu tôi, ‘một Ai đó’ muốn ở trong tình yêu với tôi, ‘một Ai đó’ luôn đồng hành bên tôi! Đây là một niềm tin dám ‘kiến tạo không gian’ cho Đấng toàn quyền, Đấng biến đổi!

Tuyệt vời thay! ‘Kiến tạo không gian’ cho tình yêu không chỉ là việc của con người, nhưng còn là việc của Thiên Chúa. Isaia hôm nay tiết lộ, Thiên Chúa phán, “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới!” - bài đọc một. Trời là không gian, đất cũng là không gian! Và như con người, Thiên Chúa ước ao tận hưởng niềm vui trong tình yêu với nó, “Này đây Ta sẽ tạo Giêrusalem! Vì Giêrusalem, Ta sẽ hoan hỷ!”. Để rồi, điều quan trọng nhất đã xảy ra, Giêrusalem được biến đổi! Nhưng không chỉ Giêrusalem được biến đổi, bạn và tôi cũng có thể được biến đổi; Hội Thánh - Giêrusalem mới - được biến đổi! ‘Được biến đổi’ đồng nghĩa với ‘được cứu sống!’ và niềm vui oà về! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt!”.

Noi gương Thiên Chúa, Đấng kiến tạo những không gian tình yêu, bạn và tôi hãy làm như Ngài. Nếu bạn muốn trở nên hào phóng, khoảng cách sẽ không thành vấn đề, vì sự hào phóng của chúng ta xuất phát trực tiếp từ trái tim, vượt qua mọi biên giới và rào cản. Augustinô nói, “Người có tấm lòng bác ái luôn tìm được thứ gì đó để cho đi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!”. Lời cầu của người cha xem ra không cho phép Chúa Giêsu nấn ná; nó thúc bách sự hiện diện cấp thiết của Ngài. Nhưng ông nào biết, thuộc tính của Ngài là “hiện diện ở mọi nơi, trong mọi lúc!”. Không cần hiện diện thể lý, Ngài hiện diện bằng Lời. Ấy thế, người cha vẫn tin! Phép lạ đã xảy ra! Như vậy, quyền năng của Thiên Chúa thực thi đồng nhịp với lòng tin của con người! Vấn đề còn lại là đức tin của chúng ta. Thiên Chúa làm được mọi sự với ai có lòng tin! Chính lòng tin của chúng ta ‘kiến tạo không gian’ cho Ngài và ‘phần còn lại, Ngài lo!’. ‘Phần còn lại’ tốt đẹp nhất là Ngài biến đổi bạn và tôi nên giống Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con suốt ngày chỉ lo kiến tạo những ‘không gian thế tục’; vì như thế, với trái tim con, Chúa sẽ ‘vô gia cư’. Cho con biết dành chỗ cho Ngài!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây