TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 3 MÙA CHAY

Thứ năm - 29/02/2024 23:56 |   631
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12, 28b-34)

08/03/2024
THỨ SÁU TUẦN 3 MÙA CHAY
Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ

t6 t3 MC

Mc 12,28b-34

TÌNH YÊU VÀ CỦA LỄ
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12, 28b-34)

Suy niệm: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.” Sắm sửa một mâm cỗ để mời ai đó thì thật là quí hoá rồi. Ấy vậy mà nó bị đánh giá thấp hơn ‘tiếng chào’ là thứ chẳng tốn kém gì! Điều này cho thấy trong suy nghĩ của ông bà chúng ta, lễ vật, quà tặng tuy đáng quí nhưng những tâm tình quí mến đối với người mình tiếp xúc là điều còn đáng quí hơn nhiều. Nói đến việc giữ đạo, ta nghĩ ngay đến lễ bái, kinh kệ, dâng cúng của lễ. Đối với Chúa Giê-su, yếu tố cốt yếu phải có là tình yêu từ trong lòng đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu này cao quí hơn mọi thứ của lễ. Khi nói yêu “hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực,” Chúa muốn nói đến một tình yêu chân thành và ngày càng được thanh luyện để trở nên sâu xa hơn, tinh tuyền hơn.
 

Mời Bạn: Mười điều răn cũng như luật Hội thánh buộc chúng ta tham dự thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần. Nhưng chúng ta giữ luật đó với tâm tình và thái độ nào? Có phải vì tình yêu Chúa hay không? Và sẽ rất thiếu sót nếu chỉ quan tâm đến nghi thức hoành tráng mà hoàn toàn vô cảm trước những khổ đau của tha nhân, những người nghèo bị áp bức bất công trong xã hội.
 

Chia sẻ: Nơi bạn/cộng đoàn đang sống, có hoàn cảnh nào mà theo lương tâm Ki-tô hữu, bạn không thể làm ngơ được? 
 

Sống Lời Chúa: Tôi tập sống quan tâm đến nhu cầu, quyền lợi vật chất hay tinh thần của người sống bên tôi và làm việc cụ thể để chia sẻ với họ.
 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự; lại vì Chúa thì con yêu mọi người như chính con vậy. Amen.

Thứ Sáu MC III: Lạy Chúa! Chúa dạy chúng con sống giới răn yêu thương, bởi vì, chúng con không thể tồn tại mà không cần đến người khác. Chúng con và người khác như hai bờ sông, nhưng được nối kết nên một bởi lòng sông là Chúa, nếu hai bờ hoàn toàn là hai, thì đó là hai bờ vực thẳm, nếu hai bờ hoàn toàn là một, thì đó là đất liền, hai bờ sông tuy hai ở bề nổi, nhưng là một ở bề sâu, tuy một dòng chảy, nhưng được bao bọc bởi hai bờ. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: sống giới luật yêu thương như Chúa dạy, đặt Chúa làm tâm điểm, làm điểm quy chiếu cho tình yêu mà chúng con dành cho nhau. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 3 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, giữa hàng chúa tể không ai giống như Chúa. Vì Chúa cao cả và làm nên những điều kỳ diệu, duy một mình Chúa là Thiên Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin tuôn đổ muôn vàn ơn phúc xuống tâm hồn chúng con; để chúng con hằng biết chế ngự những đam mê trần tục và trung thành tuân giữ Lời Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Hs 14, 2-10

“Chúng tôi sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra”.

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Chúa phán: Hỡi Israel, hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa ngươi, vì ngươi đã gục ngã trong đường tội ác. Các ngươi hãy mang lấy lời Chúa và trở về với Chúa; các ngươi hãy thưa rằng: “Xin hãy xoá bỏ mọi tội ác, và nhận điều lành. Chúng tôi dâng lên Chúa của lễ ca tụng. Asurô sẽ không giải thoát chúng tôi, chúng tôi sẽ không cỡi ngựa và sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra, vì nơi Chúa, kẻ mồ côi tìm được sự thương xót”.

Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi giận họ. Ta sẽ như sương sa, Israel sẽ mọc lên như bông huệ và đâm rễ như chân núi Liban. Các nhánh của nó sẽ sum sê, vẻ xinh tươi của nó như cây ô-liu và hương thơm của nó như hương thơm núi Liban. Thiên hạ sẽ đến ngồi núp dưới bóng mát của nó, họ sống bằng lúa mì và lớn lên như cây nho. Nó sẽ được lừng danh như rượu Liban.

Hỡi Ephraim, tượng thần giúp ích gì cho ngươi không? Chính Ta sẽ nhậm lời và săn sóc ngươi, cho ngươi mọc lên như cây hương nam xinh tươi. Nhờ Ta, ngươi sẽ sinh hoa kết quả.

Ai là người khôn ngoan hiểu được các việc này, ai là người sáng suốt biết được các việc đó? Vì chưng đường lối của Chúa là đường ngay thẳng và những người công chính sẽ đi trên đó, còn các người gian ác sẽ gục ngã trên đó”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 80, 6c-8a. 8bc-9. 10-11ab. 14 và 17

Ðáp: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, hãy nghe Ta răn bảo

Xướng: Tôi đã nghe lời nói mới lạ rằng: Ta đã cứu vai ngươi khỏi mang gánh nặng, tay ngươi không còn phải mang thúng mủng. Trong cảnh gian truân ngươi cầu cứu, và Ta giải thoát ngươi.

Xướng:Ta đáp lời ngươi từ trong áng mây vang ran sấm sét, Ta thử thách ngươi gần suối nước Mêriba. Hỡi dân tộc Ta, hãy nghe Ta răn bảo, Israel, ước chi ngươi biết nghe lời Ta!

Xướng: Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác cả, ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập.

Xướng: Phải chi dân của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối Ta mà ăn ở: Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đá chảy ra.

Câu Xướng Trước Phúc Âm:

Phúc cho những ai thành tâm thiện chí giữ lấy lời Chúa, và nhẫn nại sinh hoa kết quả.

PHÚC ÂM: Mc 12, 28b-34

“Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy kính mến Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”

Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Còn đây là giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con dâng. Xin Chúa thương nhìn đến và làm cho của lễ này đáng được Chúa ưng nhận để trở thành bí tích cứu độ chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Mến Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình, thì hơn mọi lễ vật hy sinh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa kết hợp với Ðức Ki-tô trong bí tích Thánh Thể. Xin Chúa dùng Thần Khí của Người mà đổi mới chúng con, để hồn xác chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

“TRỞ VỀ”
Lm. Antôn Trần Văn Phú

Hãy trở về với Đức Chúa (Hs 14,2-3). Đây là lời mời gọi tha thiết dành cho nhà Is-ra-el. Is-ra-el được mời gọi “trở về”. Vậy, “trở về” nghĩa là gì?

“Trở về” ở đây không dừng lại ở ý nghĩa thể lý, nghĩa là một ai đó đi xa nhà và nay người ấy trở về; một ai đó đi lạc đường và nay trở về. “Trở về” còn mang một ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc. Đó là sự trở về của nội tâm, của trái tim. Dưới lăng kính của ngôn sứ Hô-sê, “trở về” là dứt bỏ tội lỗi và đặc biệt là dứt bỏ việc sùng bái ngẫu tượng. “Trờ về” nghĩa là tìm sự lành chứ không phải sự dữ, phải chê ghét sự dữ và yêu mến sự lành. Nói cách khác, “trở về” là chỉnh đốn hạnh kiểm và thực thi nghiêm chỉnh sự công chính. Đối với Hô-sê, những việc hoán cải giả tạo bên ngoài không thể mang lại kết quả nào. Thế nên, “trở về” đích thực là “trở về” của con tim được cảm hứng bởi tình yêu và sự nhận biết Thiên Chúa. Chỉ có sự “trở về” như thế mới có thể được Thiên Chúa dủ lòng thương xót. Có như thế, Thiên Chúa mới ban lại ân huệ của Ngài và sẽ nguôi giận.

Hôm nay, lời mời gọi “trở về” lại vang lên nơi tâm hồn chúng ta. Đây là lời mời gọi khẩn thiết dành cho chúng ta, đặc biệt trong mùa Chay này. Tại sao chúng ta cần “trở về”? Chúng ta trở về vì chúng ta sống xa Chúa; chúng ta đã nhiều lần bước vào con đường tội lỗi và nay chúng ta từ bỏ con đường ấy để trở về. Và trên hết, Chúng ta trở về vì Thiên Chúa là tình yêu. Chính nơi Người, chúng ta tìm được lòng thương cảm.

Trở về với Chúa là trở về với gia đình Giáo hội. Nơi đây chúng ta luôn tìm thấy con đường sự sống theo ơn gọi của Thiên Chúa. Sự sống triển nở trong tình yêu. Bởi lẽ, Đạo của chúng ta là đạo yêu thương: “mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận như chính mình” (x. Mc 30-31). Giáo hội là ngôi nhà yêu thương. Do vậy, “trở về” không phải là trở về một không gian khép kín với bốn bức tường. Đúng hơn, hành trình “trở về” là hành trình tái khám phá tình yêu thương và cũng là hành trình loan báo tình Chúa yêu ta. “Trở về” là loan báo tin vui, Tin mừng yêu thương. Ước gì nhờ cuộc “trở về” tận căn của chúng ta, Tin mừng yêu thương có thể chạm đến những trái tim trai đá nguội lạnh. “Hãy trở về với Đức Chúa, mang theo lời cầu nguyện. Hãy thưa với Người: ‘Xin thư tha mọi gian ác, xin vui nhận lời ngợi khen chúng con dâng lên Ngài làm lễ vật thay thế bò tơ” (Hs 14,3).

 

YÊU MẾN BẰNG CẢ TÂM HỒN (Mc 12,28-34)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

“Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”. Đây là một mệnh lệnh của Trời.

Tin Mừng hôm nay trình thuật câu chuyện đối thoại giữa Đức Giêsu và một Kinh Sư. Khởi đi bằng một câu hỏi của ông này về việc: điều nào là quan trọng trong toàn bộ luật. Thấy vậy, Đức Giêsu đã tóm cho ông toàn bộ nội dung và mục đích của luật trong câu: “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; : “Phải yêu người thân cận như chính mình”.

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng là làm sao? Thưa! Là thờ lạy, quy phục, là giữ và thực thi Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để tin và theo Chúa, dù có phải khổ đau, hoạn nạn, thử thách và cuối cùng sẵn sàng chết cho Thiên Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ, yêu mến.

Còn yêu người như chính mình thì như thế nào? Thưa! Là yêu hết mọi người, không phân biệt bạn hay thù, thánh thiện hay tội lỗi, giàu hay nghèo, quý tộc hay thường dân, người già hay trẻ nhỏ, phụ nữ hay đàn ông, màu da hay chủng tộc…

Yêu như thế là chúng ta đi vào tình yêu của chính Thiên Chúa, bởi vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu mà tình yêu của Ngài là hướng tha, là thực tế, không trừu tượng.

Muốn yêu được như thế, chúng ta phải chấp nhận cho đi, thiệt thòi, chịu liên lụy và đôi khi đành mất chính mình.

Chúa không bao giờ chấp nhận chúng ta cho đi theo kiểu: “Hòn đất ném đi, hòn trì ném lại”; hay “bỏ con tép, bắt con tôm”; hoặc “ông bỏ nắm xôi, bà thò nậm rượu…”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi theo Chúa trên con đường tình yêu ấy bằng cả lòng mến chân thành được hiện tại hóa nơi hành động của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống và giữ Giới Luật của Chúa bằng cả con tim, khối óc và linh hồn, để chúng con được sự sống đời đời. Amen.


TRUNG THÀNH TUÂN GIỮ LỜI CHÚA
(THỨ SÁU TUẦN 3 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 3 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn phúc xuống tâm hồn chúng ta, để chúng ta hằng biết chế ngự những đam mê trần tục và trung thành tuân giữ Lời Chúa.

Trung thành tuân giữ Lời Chúa là luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Bộ luật liên quan đến nơi thánh mang một ý nghĩa thuần túy tôn giáo. Đối với Dân Chúa, yêu mến Thiên Chúa là sống dưới sự hiện diện của Người, là ca tụng vinh quang Người. Trong việc thờ phượng, Hòm Bia Giao Ước đóng một vai trò quan trọng vì tiêu biểu cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Do đó, Môsê đã cho người thiết kế Hòm Bia với những chỉ dẫn thật chính xác và thánh thiêng.

Trung thành tuân giữ Lời Chúa là trung thành loan truyền ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người, cho dẫu, phải đối mặt với những thử thách gian truân. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Cả đã nói: Máu của Chúa Giêsu còn mạnh thế hơn máu của Aben, bởi vì máu Aben đòi người anh phải chết do tội giết em, còn máu Chúa Giêsu lại kêu xin cho những kẻ bách hại Người được sống. Do đó, để mầu nhiệm Chúa chịu thương khó không ra vô ích nơi chúng ta, chúng ta phải noi theo mầu nhiệm chúng ta đã nhận lãnh, và rao giảng cho người khác về mầu nhiệm chúng ta kính thờ. Thật vậy, tiếng kêu của Chúa sẽ bị phủ lấp trong chúng ta, nếu như, miệng lưỡi ta làm thinh không công bố điều lòng trí ta tin. Để tiếng kêu của Người không bị phủ lấp đi trong ta, thì ai nấy phải tùy sức mình, mà làm cho những người chung quanh biết đến mầu nhiệm làm cho mình được sống.

Trung thành tuân giữ Lời Chúa là trung thành, giữ vững niềm trông cậy vào Chúa, chứ không chạy theo các ngẫu tượng. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Hôsê kêu gọi Dân Chúa trở về với Đức Chúa và kêu xin Người: Xin thứ tha mọi gian ác, xin vui nhận lời ngợi khen chúng con dâng lên Ngài làm lễ vật thay thế bò tơ. Chúng con sẽ không cầu cứu với Átsua, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra, vì chỉ ở nơi Ngài, kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 80, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi kêu gọi: Chính Ta là Thượng Đế Chúa ngươi: hãy nghe Ta cảnh cáo. Ngươi đừng đem thần lạ về nhà, thần ngoại bang, chớ hề cúng bái. Chính Ta là Thượng Đế Chúa ngươi, đã đưa ngươi lên tự miền Aicập.

Trung thành tuân giữ Lời Chúa là phải luôn đặt Chúa ở vị trí trung tâm, duy nhất, và phải luôn quy hướng về Chúa trong mọi sự, nhưng tiếc thay, chúng ta không luôn làm như thế, cho nên, câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là lời kêu gọi sám hối quay về với Chúa: Chúa nói: anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. Trong bài Tin Mừng, khi có một kinh sư hỏi điều răn nào đứng hàng đầu, Đức Giêsu đã trả lời: Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Thiên Chúa là Cha quan phòng, hằng luôn yêu thương chăm sóc chúng ta, chúng ta phải quy hướng về Người, phải dành cho Người vị trí số một, trong những chọn lựa của chúng ta, điều đó thật là chính đáng và phải đạo, thật ra, Chúa chẳng được thêm gì khi chúng ta chúc tụng, ngợi khen, yêu mến, và phụng thờ Người, nhưng, điều đó sẽ đem lại cho chúng ta ơn cứu độ. Một khi, chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là Cha của chúng ta, thì đồng nghĩa, chúng ta cũng phải đón nhận tất cả mọi người là anh chị em của chúng ta, con cùng một Cha trên trời. Chính vì thế, mến Chúa và yêu người phải trở thành luật sống của chúng ta. Trung thành tuân giữ Lời Chúa là trung thành tuân giữ giới luật yêu thương vậy.


ĐẾN MỨC TRÀN ĐẦY
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chính nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái”.

Kính thưa Anh Chị em,


“Sống là sống với, sống cùng, sống các mối tương quan!”. Thế mà, tương quan giữa người với Chúa, giữa người với người xem ra luôn nửa vời, đứt đoạn và thiếu cam kết. Vấn đề nằm ở phía con người! Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta con đường tình yêu, con đường Giêsu, con đường ngắn nhất để có thể hoàn thiện các mối tương quan ‘đến mức tràn đầy!’.

Bài đọc một nói đến một dân nửa vời, thiếu cam kết, đứt đoạn, nên đã gục ngã trong tội ác. Qua Hôsê, Thiên Chúa mời gọi Israel, “Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa ngươi!”; “Nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái”, nghĩa là “Nhờ Ta, ngươi sẽ sống ‘đến mức tràn đầy!’”.

Với bài Tin Mừng, nhân một kinh sư hỏi đâu là giới răn trọng nhất, Chúa Giêsu chỉ ra con đường ngắn nhất, “Hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực!”. Tại sao phải yêu mến Chúa? Sự thật là, cách duy nhất để yêu người khác và ngay cả yêu chính mình, là chọn yêu mến Chúa với tất cả những gì chúng ta ‘có’, chúng ta ‘là!’. Ngài là nguồn cội và là cùng đích của mọi tình yêu. Ngài phải được yêu trên hết và trước hết vì Ngài là trọng tâm duy nhất của mọi tình yêu. Điều đáng kinh ngạc là khi càng chọn yêu Thiên Chúa, chúng ta càng nhận ra rằng, mọi tình yêu trong cuộc đời mình - nếu có - là tình yêu do chính Ngài tuôn đổ ‘đến mức tràn đầy’.

Trái lại, nếu tìm cách chia cắt tình yêu, yêu nửa vời, đứt đoạn và thiếu cam kết để chỉ dâng cho Chúa một phần trái tim, một phần linh hồn, một phần trí khôn, một phần sức lực, thì tình yêu của chúng ta không thể lớn lên ‘đến mức tràn đầy’. Hạn chế khả năng yêu mến Chúa, con người rơi vào ích kỷ! Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu gọi đây là giới răn trọng nhất; bởi lẽ, tất cả các giới răn khác bao hàm trong giới răn này. Giới răn trọng nhất định hướng và mời gọi các giới răn khác. Thiên Chúa là suối nguồn tình yêu, chân trời tình yêu! Đóng cửa và lấy đi chìa khoá của tình yêu, con người không bao giờ đạt đến sự cứu rỗi; và như thế, tình yêu của chúng ta đối với Chúa, với nhau, sẽ luôn nông cạn, hời hợt.

A.W. Tozer viết, “Kitô hữu xét cho cùng, là một con người kỳ cục nhưng không kém độc đáo! Họ cảm nhận một tình yêu ‘đến mức tràn đầy’ dành cho một Đấng mình chưa từng gặp; trò chuyện hằng ngày với Đấng mình chưa từng thấy. Họ bỏ mình để có một cuộc sống sung mãn; mạnh mẽ khi nhận mình hèn yếu; giàu có khi biết mình nghèo; hạnh phúc khi biết mình tồi tệ; và chết đi để sống một cuộc sống tràn đầy hôm nay và mai ngày!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái”. Thập giá Chúa Kitô cũng là một cái gì “kỳ cục nhưng không kém độc đáo!”. Thập giá là biểu tượng của tình yêu, hoa trái của tình yêu, yêu đến cùng. Chúa Giêsu đã yêu Chúa Cha đến nỗi Ngài chỉ có một giấc mơ duy nhất, làm tất cả để vui lòng Cha; Ngài yêu con người đến nỗi chấp nhận hiến dâng mạng sống để cứu nó. Chính nhờ tình yêu ‘đến mức tràn đầy’ Ngài dành cho Cha; từ đó, cho con người, mà “chúng ta nhận được hết ơn này đến ơn khác”. Đúng, chỉ trong Chúa Kitô, bạn và tôi mới trổ sinh hoa trái trong các mối tương quan - với Chúa với người - ‘đến mức tràn đầy!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con yêu Chúa nửa vời, đứt đoạn và thiếu cam kết! Dạy con yêu như Chúa yêu; từ đó, con lớn lên trong tình yêu Chúa, yêu người, đến mức sung mãn!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây