TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 4 MÙA CHAY

Thứ tư - 06/03/2024 13:58 |   480
“Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” (Ga 5,1-3a.5-16)

12/03/24
THỨ BA TUẦN 4 MÙA CHAY

t3 t4 MC

Ga 5,1-3a.5-16

HÃY THI THỐ TÌNH YÊU
“Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” (Ga 5,1-3a.5-16)

Suy niệm: Người bệnh nhân 38 năm bên hồ Bết-da-tha đã mô tả thái độ dửng dưng vô cảm của xã hội bằng một câu nói gọn lỏn: “Không có người đem tôi xuống hồ.” Anh chị em của ông ở đâu? Bà con, hàng xóm láng giềng, bạn bè của ông đi đâu? Những người đồng đạo của ông ở đâu? Họ không thể sờ vào cáng của ông, chạm vào người ông, giúp đem ông xuống hồ để ông có cơ hội được lành sao? Càng chất vấn càng thấy đau lòng, vì đó là sự thật. Sự thật ấy kéo dài cho đến tận hôm nay và mở rộng trong nhiều lãnh vực. Bao nhiêu người trong gia đình đang bị hắt hủi, suốt ngày không được một lời chia sẻ thân tình người của người thân! Không ít người trong cộng đoàn, giáo xứ, đoàn thể bị bỏ rơi hay những đóng góp của họ không được trân trọng đón nhận! Bao nhiêu người đang vô vọng trong những đòi hỏi chính đáng của họ! Thế nhưng, không một ai muốn dính líu vào cuộc đời họ. Chỉ còn Chúa Giê-su yêu thương họ.
 

Mời Bạn: Chúa Giê-su muốn chúng ta là hiện thân của Ngài để yêu thương các mảnh đời bất hạnh khi chọn chúng ta là Ki-tô hữu. Chung quanh bạn có những ai đang cần bạn đem tình yêu Đức Ki-tô đến cho họ không?
 

Sống Lời Chúa: Bạn thăm viếng và chăm sóc một người bệnh trong xứ bạn.
 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương, Chúa đã can dự vào cuộc đời của người bại liệt, để cứu anh thoát khỏi bệnh tật và tội lỗi, cho anh nhận ra tình thương của Chúa. Xin giúp chúng con hăng hái chia sẻ tình yêu Chúa cho tha nhân, như Chúa kêu gọi chúng con.

Thứ Ba MC IV: Lạy Chúa! Chúa chữa cho người bại liệt và bảo anh vác chõng mà về, nhưng hôm đó lại là ngày Sabát. Người Pharisêu nghĩ Chúa không giữ luật khi chữa bệnh ngày Sabát. Những người Pharisêu giữ luật theo mặt chữ, nên cứng nhắc, không có tình yêu. Chúa giữ luật thì linh động, thích ứng với những hoàn cảnh cụ thể, đầy tràn tình yêu, sự sống. Tuân giữ luật trọn hảo không hề có một công thức cố định nào, tất cả đều tùy thuộc vào những đòi hỏi của tình yêu đích thực. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: giữ luật với một tình yêu bao dung, rộng mở. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 4 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Chúa phán: Hỡi những kẻ khát nước, hãy đến uống nước, và cả những kẻ không có tiền, cũng hãy đến mà uống vui vẻ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, trong thời gian chúng con ăn chay cầu nguyện, xin giúp đoàn tín hữu chúng con chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng; nhờ đó chúng con sẽ nhiệt tình đón nhận mầu nhiệm Vượt Qua, và loan báo Tin Mừng cứu độ cho toàn thể địa cầu. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ed 47, 1-9. 12

“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu rỗi”.

Trích sách Tiên tri Ê-dê-ki-en.

Trong những ngày ấy, thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ. Thiên thần dẫn tôi qua cửa phía bắc, đưa đi phía ngoài, đến cửa ngoài nhìn về hướng đông, và đây nước chảy từ bên phải. Khi đó có người đàn ông đi ra về hướng đông, tay cầm sợi dây, ông đo một ngàn thước tay và dẫn tôi đi qua dưới nước tới mắt cá chân. Ông đo một ngàn thước tay nữa và dẫn tôi đi qua dưới nước đến đầu gối. Ông còn đo một ngàn thước tay và dẫn tôi đi qua dưới nước đến ngang lưng. Ông lại đo thêm một ngàn thước tay nữa, và đây là suối nước, tôi không thể đi qua được, vì nước suối dâng lên cao quá, phải lội mới đi qua được, nên người ta không thể đi qua được. Người ấy nói với tôi: “Hỡi người, hẳn ngươi đã xem thấy”. Rồi ông dẫn tôi đi, rồi dẫn trở lại trên bờ suối. Khi trở lại, tôi thấy hai bên suối có nhiều cây cối. Người ấy lại nói với tôi: “Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến.

Gần suối nước, hai bên bờ ở mỗi phía, mọi thứ cây ăn trái sẽ mọc lên; lá của nó sẽ không khô héo, và trái của nó sẽ không bao giờ hết; mỗi tháng nó có trái mới, vì dòng nước này phát xuất từ đền thờ; trái của nó dùng làm thức ăn, và lá của nó dùng làm thuốc uống.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 45, 2-3. 5-6. 8-9

Ðáp: Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, và ta được Chúa Gia-cóp hằng bảo vệ

Xướng: Chúa là nơi ẩn náu và là sức mạnh của chúng ta, Người hằng cứu giúp khi ta sầu khổ. Dầu đất có rung chuyển, ta không sợ chi, dầu núi đổ xuống đầy lòng biển cả.

Xướng: Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Ðấng Tối Cao hiển ngự. Chúa ở giữa thành, nên nó không chuyển rung, lúc tinh sương, thành được Chúa cứu giúp.

Xướng: Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, ta được Chúa Gia-cóp hằng bảo vệ. Các ngươi hãy đến mà xem mọi kỳ công Chúa làm, Người thực hiện muôn kỳ quan trên vũ trụ.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.

Phúc Âm: Ga 5, 1-3a. 5-16

“Tức khắc người ấy được lành bệnh”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Hôm đó là ngày lễ của người Do-thái, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Tại Giê-ru-sa-lem, gần cửa “Chiên”, có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bết-sai-đa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm. Khi Chúa Giê-su thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó thưa: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúa Giê-su nói: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”. Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sa-bat, nên người Do-thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: “Hôm nay là ngày Sa-bat, anh không được phép vác chõng”. Anh ta trả lời: “Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: “Vác chõng mà đi”. Họ hỏi: “Ai là người đã bảo anh “Vác chõng mà đi?” Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giê-su đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.

Sau đó, Chúa Giê-su gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: “Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước”. Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giê-su là người đã chữa anh ta lành bệnh.

Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giê-su, vì Người đã làm như thế trong ngày Sa-bat.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con dâng tiến, và cũng là lương thực chính Chúa thương ban, để nuôi dưỡng chúng con khi còn ở đời này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ, tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, ước gì bí tích chúng con vừa lãnh nhận làm cho tâm hồn chúng con được thanh tẩy và đổi mới, khiến cho cả thân xác phải chết của chúng con cũng có ngày được phục sinh vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA CHỮA NGƯỜI BẤT TOẠI (Ga 5,1-3a.5-16)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su chữa người bất toại ở bờ hồ Bết-sai-đa.  Nếu chúng ta đặt mình vào vai bệnh nhân 38 năm, chúng ta mới thấy những người hạch hỏi anh thật độc ác. Tại sao họ không cảm thông với anh khi anh bị khổ suốt 38 năm trong tình trạng khốn nạn. Đáng lý ra họ cùng phải với anh tôn vinh, tạ ơn Vị đã cứu giúp anh mới phải. Tại sao họ lại bắt bẻ Ngài? Ngài và họ, ai là người thương yêu đích thực? Ngài và họ, ai là người đi trong đường lối của Thiên Chúa?

2. Tin Mừng cho biết khi Đức Giê-su đến bờ hồ Bết-sai-đa, thì đã có rất nhiều bệnh nhân nằm la liệt cùng với thân nhân của họ chờ chực sẵn bên hồ. Giữa đám đông bệnh nhân ấy, Chúa nhận ra một người đau khổ cô độc nhất, anh bị tàn tật, bất toại hay tê liệt như lời anh thưa với Chúa: “Không có ai khiêng tôi xuống nước cả”. Anh đã nằm ở đây 38 năm rồi, thời gian quá dài. Bao nhiêu người đã đi qua, kể cả những vị lãnh đạo dân Do-thái, không ai màng tới.

Nhưng Đức Giê-su đã nhìn thấy, động lòng thương và đã chữa lành anh. Không những Chúa chữa bệnh nơi thân xác mà Ngài còn muốn tiến xa hơn khi kêu gọi người được chữa lành hãy nghĩ đến phần hồn của anh với lời nhắn nhủ: “Anh đừng phạm tội nữa”.

3. Đức Giê-su cho anh bại liệt lành bệnh và bước đi trong an vui trong ngày sa-bat – ngày của niềm vui. Trong lúc người biệt phái ngăn cản anh vác chõng lại hạch hỏi anh thật độc ác chỉ vì ngày sa-bat, ngày nghỉ với họ cũng có nghĩa là không được vác chõng. Họ không thông cảm với anh khi anh bị khổ suốt 38 năm dài, họ vẫn cứ muốn trói buộc anh trong căn bệnh bại liệt chỉ vì câu nệ lề luật. Họ mang hình ảnh nhân loại không biết cảm thông nỗi khổ của nhau, đối xử với nhau từ ích kỷ đến tàn ác chỉ biết bắt bẻ và kết án.

4. Đức Giê-su đã thực hiện một dấu lạ để mời gọi con người mở mắt nhìn Ngài là Đấng Cứu Thế. Thế nhưng, không ai đã nhận ra sự hiện diện của Ngài. Riêng những người Do-thái, những vị lãnh đạo tôn giáo Do-thái đang có mặt ở đó lại dựa vào đó để bắt bẻ Chúa đã lỗi ngày hưu lễ. Đối với Chúa, Ngài đến làm ơn cho người ta, mạng sống con người quý trọng hơn hết .

Tu hội Nữ tử Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta chuyên phục vụ những người nghèo khổ, bệnh tật, đặc biệt là những người đang hấp hối nằm trên các hè phố. Trước đây có một vị sư Phật giáo nói với Mẹ Tê-rê-xa: “Tôi biết và yêu mến Chúa Ki-tô, nhưng tôi ghét Giáo hội của Ngài. Nếu các chị làm điều các chị nói, có lẽ các chị sẽ trở nên  nơi hội ngộ để chúng tôi có thể gặp gỡ Giáo hội của Đức Ki-tô”. Nhưng sau một năm làm việc cùng với Mẹ Tê-rê-xa, vị sư đó đã chứng thực việc làm của Mẹ và sẵn sàng dành cho Mẹ  một ngôi nhà trong khuôn viên chùa để làm bệnh xá miễn phí.

5. Tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã lưu ý những người con tinh thần của mình như sau: “Những người chung quanh con, cả nhân loại đang đau thương, khập khiễng trên đường mịt mù. Đời con sẽ phải hiến dâng để bắc nhịp cầu đưa họ đến với Chúa là cùng đích, là tình yêu, là tất cả.  Bên Chúa, không ai còn xa lạ, nhưng tất cả đều là anh em. Món quà tuyệt hảo mà con có thể tặng người giúp việc con không phải là chiếc áo đẹp, đôi giầy tốt, mà là tình người, tình anh em mà con âm thầm tặng họ qua những cử chỉ nhỏ nhặt suốt ngày”.

6. Mỗi người chúng ta trong kinh nghiệm cá nhân, đã từng mang ít nhiều những bệnh tật thể xác, và mang những bất toại của tâm hồn trong thân phận của sự yếu đuối, tội lỗi, đó là sự bại liệt tâm linh của con người. Như anh bại liệt, chúng ta hãy bày tỏ sự mong muốn được chữa lành qua Bí tích Hòa giải, chính trong bí tích tình yêu này Chúa nói với chúng ta như đã nói với anh bại liệt: “Anh đã được lành bệnh”.

7. Truyện: Nỗi mừng vui khi khỏi bệnh.

Thầy Andrew – một nhà truyền giáo Hà Lan, được mệnh danh là “tên buôn lậu của Thiên Chúa”, vì thầy buôn lậu Kinh Thánh vào những nước cấm phổ biến Thánh Kinh.

Ngày kia, thầy mua được một con khỉ. Không bao lâu, thầy nhận thấy con khỉ rất khó chịu khi chú bị chạm vào phần thắt lưng. Sau khi xem xét thật kỹ, thầy khám phá ra một vết sưng vòng quanh hông chú khỉ. Hóa ra là khi còn bé, chú khỉ đã bị người ta dùng một sợi dây kẽm buộc quanh hông, và cho tới nay sợi dây này vẫn còn  nằm trong thân xác chú. Càng lớn lên thì sợi thép đó lặn sâu vào da thịt chú.

Chiều hôm ấy, thầy Andrew cẩn thận tháo sợi dây kẽm đó ra bằng cách: thầy cào sạch vùng lông chung quanh sợi dây, rồi cẩn thận cắt sợi dây và kéo ra khỏi da thịt con vật. Suốt thời gian này, chú khỉ kiên nhẫn nằm yên chịu đau, mắt chú nhắm nghiền lại. Ngay khi sợi kẽm được lấy ra, chú khỉ mừng rỡ nhảy lui nhảy tới rồi ôm chặt vai thầy Andrew. Thế là chú khỉ được tự do thoải mái, không còn bực bội khó chịu như trước nữa. Không thể diễn tả nổi chú khỉ hạnh phúc biết bao.

Người bại liệt trong Tin Mừng cũng vui mừng khi được Đức Giê-su tha tội và chữa khỏi bệnh bại liệt. Anh không còn bị tội lỗi và bệnh hoạn trói buộc nữa.


CHUẨN BỊ TÂM HỒN XỨNG ĐÁNG
(THỨ BA TUẦN 4 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 4 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Trong thời gian chúng ta ăn chay cầu nguyện, xin Chúa giúp đoàn tín hữu chúng ta chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng, nhờ đó, chúng ta sẽ nhiệt tình đón nhận mầu nhiệm Vượt Qua, và loan báo Tin Mừng cứu độ cho toàn thể địa cầu.

Chuẩn bị tâm hồn xứng đáng bằng cách sống yêu thương. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Lêvi cho thấy: Dân Ítraen phải nên thánh, nhưng, không phải bằng việc tuân giữ các quy luật khắt khe, nhỏ nhặt trong việc thờ phượng, mà trên hết là, tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa Tình Yêu, nghĩa là, phải yêu thương nhau như Chúa dạy: Tất cả lề luật được nên trọn trong điều răn duy nhất: Hãy yêu mến người thân cận như chính mình. Hãy đem lòng yêu mến mà phục vụ lẫn nhau.

Chuẩn bị tâm hồn xứng đáng bằng cách thực hành đức ái. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả đã nói: Để thực hành đức ái thì thời nào cũng thuận tiện cả, nhưng đặc biệt là trong những ngày này. Những ai muốn đón nhận mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa với một tâm hồn và thể xác thánh thiện, thì phải cố gắng hết mình đạt cho được đức ái,đức ái bao gồm mọi nhân đức và phủ lấp muôn ngàn tội lỗi.

Chuẩn bị tâm hồn xứng đáng bằng cách sống bác ái yêu thương. Tuy nhiên, để sống giới luật yêu thương của Chúa thật không dễ chút nào. Con cái Thiên Chúa luôn bị con cái thế gian bách hại, nhưng, chúng ta đừng lo, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Êdêkien đã cho thấy: Ơn thánh của Chúa luôn trợ giúp chúng ta. Ơn thánh Chúa như dòng nước từ cửa Đông của Đền Thờ chảy ra, thanh tẩy và chữa lành tất cả. Thiên Chúa luôn sẵn sàng trợ lực cho chúng ta, vấn đề là, chúng ta có dám dấn thân: sống như lời Chúa dạy hay không mà thôi. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 45, vịnh gia cũng đã cho thấy: Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi, Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta. Một dòng sông chảy ra bao nhánh, đem niềm vui cho thành của Chúa Trời: đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao. Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển; ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp. Yêu thương là chu toàn cả Lề Luật, là xóa sạch hết mọi lỗi lầm, vì thế, câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay, mời gọi chúng ta hãy xin Chúa: giúp chúng ta biết sống yêu thương để có được tâm hồn trong trắng: Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ.

Trong bài Tin Mừng,  Đức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm đó lại là ngày Sabát. Người Dothái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày Sabát, anh không được phép vác chõng! Chúa muốn chúng ta giữ Luật trong sự nhận biết, chứ không như “họ không biết việc họ làm”. Luật Chúa như một dòng sông chảy xuống từ đỉnh núi, xuôi ra đại dương. Dòng sông sống động, không chảy theo một bản đồ nào, không nhân tạo như những con kênh đào thẳng tắp. Dòng sông chảy tự do, khi chảy xuôi phương Nam, lúc ngược về phương Bắc, khi chảy nhanh, lúc chảy chậm, chảy qua những vùng đất khác nhau, có những tính chất khác nhau, khí hậu khác nhau, chấp nhận những khúc quanh đột ngột, không bị bó buộc, không như nô lệ, tù nhân có người giám sát, nó tự do chảy, mỗi bước đều là vẻ đẹp riêng của nó. Những người Dothái giữ luật theo mặt chữ, nên cứng nhắc, không có tình yêu. Chúa giữ luật thì linh động, thích ứng với những hoàn cảnh cụ thể, đầy tràn tình yêu, sự sống. Tuân giữ luật trọn hảo không hề có một công thức cố định nào, tất cả đều tùy thuộc vào những đòi hỏi của tình yêu đích thực. Ước gì chúng ta luôn biết tuân giữ giới luật yêu thương như lòng Chúa ước mong! Ước gì được như thế!

 

THUỞ LANG THANG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tôi đã thấy dòng nước từ cửa đông đền thờ tuôn ra!”.

“Để tôi kể cho bạn một câu chuyện bi thảm nhưng có thật. Một phụ nữ nọ cùng đứa con đi dạo dọc bờ sông. Đột nhiên đứa trẻ trượt xuống sông. Cô hét lên kinh hãi. Cô không biết bơi; hơn nữa, cô đang ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Cuối cùng, có người nghe tiếng và lao xuống bờ sông. Bi kịch tột cùng là, khi họ bước xuống dòng nước đục ngầu để vớt đứa trẻ đã chết lên, họ phát hiện nước chỉ sâu đến thắt lưng! Người mẹ đó lẽ ra có thể dễ dàng cứu con mình nhưng cô đã không làm được vì thiếu hiểu biết” - Ray Comfort.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay không nói đến ‘một dòng sông cạn’ giết chết một đứa bé, nhưng nói đến ‘một dòng sông sâu’ cứu sống muôn người! Nước từ đền thờ thời Êzêkiel báo trước dòng nước ân sủng thời Giêsu! Một người bại liệt lây lất bên hồ những 38 năm, tương đương với ‘thuở lang thang’ gần 40 năm của Israel trong sa mạc. Và xem ra anh này cũng đã ‘lang thang’ trong sa mạc đời anh gần 40 năm.

‘Lang thang!’, một hành động mang tính biểu tượng cho sự ‘tê liệt’ của một con người. Đó là hình ảnh hậu quả của tội lỗi trong cuộc sống. Khi phạm tội, chúng ta ‘tê liệt’ và ‘lang thang’ trong sa mạc đời mình. Tội lỗi có những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống khiến chúng ta không thể đứng dậy và bước đi đúng hướng. Đặc biệt, tội trọng, nó khiến chúng ta bất lực trong việc yêu thương và sống trong tự do; cùng lúc, không thể quan tâm đến đời sống tinh thần của mình hoặc của người khác.

Chúa Giêsu tự nguyện đi đến với người bại liệt này; Ngài bước vào sự cô lập của anh dù không được mời! Ngài thấy anh, biết hoàn cảnh của anh, Ngài đến và trực tiếp nói với anh, “Anh có muốn khỏi bệnh không?”. Không trả lời Ngài, anh chỉ phàn nàn, “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ”. Anh mắc bệnh bi quan, phát ốm vì buồn; anh mắc bệnh lười! “Đúng, tôi muốn lành, nhưng...”, và anh đợi ở đó. Thế mà mấu chốt là chính cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Giêsu; dẫu xem ra, anh “thiếu hiểu biết”, anh không cần Ngài. Và dường như anh vẫn tiếc nuối ‘thuở lang thang’?’.

Thật tuyệt vời! Ngài đã chữa lành anh mà không cần dìm anh xuống hồ Bêthesda. Bêthesda có nghĩa là “Ngôi nhà của lòng thương xót”, hoặc “Ngôi nhà của ân sủng” theo tiếng Do Thái. Đúng thế, người này đang cần lòng thương xót và ân sủng cả khi không ý thức. Và Chúa Giêsu không phải là ‘dòng nước cạn giết chết’ nhưng là ‘dòng sông sâu’ cứu sống! Augustinô viết, “Vết thương của chúng ta rất nghiêm trọng, nhưng vị Thầy Thuốc thì toàn năng. Tôi sẽ tuyệt vọng về vết thương chí mạng của tôi, nếu tôi không tìm thấy một Thầy Thuốc vĩ đại như Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi đã thấy dòng nước từ cửa đông đền thờ tuôn ra!”. Giêsu là dòng sông sâu cứu sống! Ngài là đền thờ mới mà Êzêkiel đã thấy trước dòng nước tuôn ra từ cửa đông của nó. Đỉnh của đền thờ là Canvê, nơi nước ngọt ngào của phép Rửa chảy ra từ cạnh sườn Ngài. Và ngày nay, dòng nước cứu độ ấy vẫn tiếp tục chảy, tiếp tục nuôi sống, rửa sạch mọi thương tích trong tâm hồn chúng ta. Nước Giêsu đem lại hạnh phúc viên mãn ngay trong sa mạc trần gian khô khốc này, Ngài nói với bạn và tôi, “Thôi! Đừng thiếu hiểu biết!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tiếc nuối ‘thuở lang thang’. Xin giải thoát con, dìm con vào Chúa mà đừng thèm hỏi con!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây