TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 13/08/2024 14:55 |   293
“Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Na-da-rét.” Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?”(Ga 1,45-51)

24/08/2024
thứ bảy tuần 20 thường niên

Thánh Barthôlômêô, tông đồ

Thánh Batolomeo

Ga 1,45-51


mục tiêu loan báo: gặp chúa
“Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Na-da-rét.” Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?”
(Ga 1,45-51)

Suy niệm: Công việc giới thiệu Đức Giê-su cho Na-tha-na-en – người mà truyền thống vẫn cho là Ba-tô-lô-mê-ô – thật không dễ dàng. Phi-líp-phê giới thiệu về một Đấng mà sách Luật đã nói và các ngôn sứ đã loan báo, nhưng Ba-tô-lô-mê-ô cũng trưng dẫn truyền thống để phản biện: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Thế nhưng ‘trăm nghe không bằng một thấy’, Phi-líp-phê đã sử dụng một cách giới thiệu thật thuyết phục: “Cứ đến mà xem.” Ba-tô-lô-mê-ô tuy mang sẵn định kiến, nhưng lại giàu thiện chí. Ông đã đến như bạn mình đề nghị và khi gặp được Chúa Giê-su, ông liền nhận ra Ngài là Đấng ông hằng mong đợi, nay mới được ở gần bên. Điều này cho thấy, sứ mệnh của người loan báo Tin Mừng chỉ đạt mục tiêu khi đưa dẫn người khác đến gặp Chúa.

Mời Bạn: Bạn từng nói về Chúa cho người khác và an tâm vì đã sống sứ mệnh truyền giáo. Sứ mệnh đang còn dang dở, đang chờ bạn tiếp tục đưa họ đến gặp Chúa và sống thân mật với Chúa.

Chia sẻ: Mục đích của sứ mệnh loan báo Tin Mừng là gì?

Sống Lời Chúa: Chia sẻ niềm tin và mời một người bạn lương dân gặp gỡ Lời Chúa hoặc tham dự phụng vụ với cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến và sống giữa nhân loại để loan báo Tin Mừng là chính Chúa, Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu độ. Xin cho con biết hăng say bền chí loan báo Tin Mừng này cho anh chị em con.

Ngày 24: Lạy Chúa! Cuộc sống vốn không hề phức tạp, xin cho chúng con biết tập sống đơn giản nhất có thể. Biết dành thời gian quan tâm nhiều hơn đến những người xung quanh, chúng con sẽ cảm nhận được niềm vui và ý nghĩa cuộc sống. Xin cho chúng con ý thức rằng: Ai cũng đều có những ưu điểm khác nhau, không cần chứng minh với ai khác. Chỉ cần chúng con nỗ lực phát huy, mọi người sẽ cảm nhận được. Xin cho chúng con ngày càng trở nên dung dị, giản đơn chỉ làm những gì Chúa muốn chúng con làm, thế thôi. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

t7 t20 TN


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ bảy tuần 20 thường niên

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là khiên thuẫn của chúng tôi, xin hãy trông xem, hãy nhìn tới dung mạo người được Chúa tấn phong. Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quí hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: R 2, 1-3. 8-11; 4, 13-17

Chúa không nỡ để cho bà thiếu kẻ nối dòng. Ðó là thân phụ của Isai, cha của Ðavít”.

Trích sách Rút

Bấy giờ ông Êlimêlech, chồng bà Nôêmi có một người họ hàng, là người quyền thế và giàu có, tên là Booz. Bà Ruth, người Môab, thưa với mẹ chồng rằng: “Nếu mẹ cho phép, con xin ra đồng mót lúa mà các thợ gặt bỏ sót, nơi nào mà chủ ruộng nhân từ vui lòng cho con mót”. Bà mẹ trả lời rằng: “Hỡi con, con cứ đi”. Nàng liền đi mót lúa đàng sau các thợ gặt. Bất ngờ chủ ruộng ấy tên là Booz, người có họ với Êlimêlech.

Ông Booz bảo bà Ruth rằng: “Hỡi con, hãy nghe đây, con đừng đi mót lúa ở ruộng khác, đừng rời khỏi nơi này: nhưng hãy đi theo các tớ gái của ta, chúng nó gặt ở đâu, con cứ đi theo đó; vì ta bảo các đầy tớ ta đừng ai làm phiền con. Cả khi con khát nước, cũng cứ đến các vò nước và uống nước mà các đầy tớ ta uống”. Bà sấp mình xuống đất, lạy ông ấy mà nói rằng: “Bởi đâu tôi được ơn trước mặt ông, và ông đoái thương tôi là người nữ ngoại bang?” Ông trả lời rằng: “Ta đã nghe đồn mọi sự con đã làm đối với mẹ chồng, sau khi chồng con qua đời, con đã lìa bỏ cha mẹ quê hương và đến cùng dân tộc mà trước đây con không hề biết”.

Vậy ông Booz cưới bà Ruth làm vợ. Ông ăn ở với bà, và Chúa ban cho bà có thai, bà sinh được một con trai. Các phụ nữ nói cùng bà Nôêmi rằng: “Chúc tụng Chúa là Ðấng không nỡ để cho gia đình bà thiếu kẻ nối dòng! Và nguyện danh Chúa được ca tụng khắp Israel! Cầu chúc bà có người an ủi tâm hồn và phụng dưỡng tuổi già; vì người đó sẽ sinh ra do người con dâu yêu mến bà, và người con dâu đó đáng quý hơn bảy người con trai”. Bà Nôêmi ẵm con trẻ vào lòng, và nuôi nấng nó như người vú. Các phụ nữ láng giềng đến mừng bà mà rằng: “Bà Nôêmi đã được một cháu trai”. Họ đặt tên cho con trẻ là Obed: đó là thân phụ của Isai cha của Ðavít.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Ðó là ơn phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Chúa

Xướng: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.

Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. 

Xướng: Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 43, 1-7a

“Uy nghi Chúa tiến vào đền thờ”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Thiên Thần dẫn tôi đến cửa phía đông. Và đây vinh quang Thiên Chúa Israel từ con đường phía đông tiến vào: tiếng của Người như tiếng nước lũ, và địa cầu sáng rực uy nghi của Người. Thị kiến mà tôi đã thấy giống như thị kiến trước kia tôi đã xem thấy khi Người đến huỷ diệt thành phố, và như thị kiến tôi đã xem thấy gần sông Côbar, nên tôi sấp mặt xuống đất. Uy nghi Chúa tiến vào đền thờ theo lối của hướng đông. Thần Trí đỡ tôi lên, và dẫn tôi vào hành lang phía trong. Ðây ánh vinh quang của Chúa tràn ngập đền thờ. Tôi đã nghe có người nói với tôi từ trong đền thờ và người đứng gần bên tôi, bảo tôi rằng: “Hỡi con người, đây là nơi đặt bệ ngai Ta, nơi Ta để chân, nơi Ta ngự giữa con cái Israel đến muôn đời”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi (x. c. 10b).

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi.

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài.

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 23, 1-12

“Họ nói mà không làm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là “Thầy”, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là “cha”, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là “người chỉ đạo”: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban bí tích Thánh Thể cho chúng con được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô; xin cho chúng con được trở nên giống như Người, để mai sau được vào thiên quốc cùng Người chung hưởng phúc vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

KI-TÔ HỮU ĐÍCH THỰC: SỐNG ĐẠO
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Ngang qua bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giê-su nói với  dân chúng và các môn đệ: Vì các Luật sỹ và Biệt phái nắm quyền giảng dạy, cho nên “những gì họ nói, các con hãy làm và tuân giữ. Nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm”. Những gương xấu của họ là: ra luật cho người khác giữ, mà bản thân thì không giữ; làm những việc đạo đức chỉ cốt để cho người ta thấy, ham danh vọng, thích ngồi chỗ nhất, thích được chào hỏi nơi công cộng, thích được gọi là rabbi.

Vì lý do này, nên khi nói đến Biệt phái, Pha-ri-sêu là chúng ta thành kiến xấu về họ. Người ta không ngại gán cho đối phương là dân Pha-ri-sêu, đồ Biệt phái. Thật ra những người Biệt phái là những người có ăn học, thông biết lề luật và lãnh trách nhiệm giảng dạy dân Do-thái. 

Phần đông Biệt phái tự cho mình thông suốt lề luật nên khinh chê và không tiếp xúc với những người tội lỗi. Vì thế họ phải đóng kịch, làm ra vẻ giữ luật. Đó là thái độ giả hình mà ai cũng lên án. Ngoài ra họ còn cho mình là hơn những kẻ khác nên phải có một chỗ danh dự trong đám tiệc hội hè.

Đây là mẫu người kiêu căng, háo danh và giả hình. Chúa Giê-su vừa cảnh giác chúng ta đề phòng những hạng người đó, vừa mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, sống trung thực và phục vụ. Hãy nhìn nơi Ngài để nhìn thấy con đường Ngài vạch ra, vì Ngài là Đấng chỉ đạo duy nhất, là Thầy duy nhất, là Thầy độc nhất ở trần gian.

Tin mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những người Biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh hiệu Kitô. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vài một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu. Khi căn tính Ki-tô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo hội, phải chăng đó không là một lối sống giả hình?

Đặt mình trước mặt Chúa, chúng ta cảm thấy bất xứng vì biết bao lần chúng ta sống như Biệt phái: giả hình, kiêu căng, khinh dể kẻ khác. Hãy thành tâm đến với Chúa trong bí tích Thánh thể để Ngài thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tính xấu và bồi dưỡng cho chúng ta bằng tình yêu và lòng khiêm hạ phục vụ của Ngài.

 

CÁC LUẬT SĨ VÀ BIỆT PHÁI GIẢ HÌNH (Mt 23,1-12)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Chúa Giê-su bảo cho dân chúng hãy nghe những lời luật sĩ và biệt phái dạy dỗ, nhưng đừng bắt chước những việc họ làm. Họ chất lên vai người ta những bó nặng mà chính họ không muốn động ngón tay vào. Họ là những người giả hình. Họ giảng đạo lý, nhưng đời sống của họ đầy ích kỷ, tự cao và thiếu công bình bác ái. Đạo lý của Chúa là đạo yêu thương, quảng đại và phục vụ anh em trong sự khiêm tốn, không dành phần vinh quang cho mình nhưng luôn biết qui hướng về Chúa.

2. Các luật sĩ là những người không chỉ hiểu biết mà còn chú giải luật Mai-sen cho dân chúng áp dụng vào đời sống hằng ngày. Còn người biệt phái là những con người trí thức đạo đức, họ sống nghiêm nhặt, nhất là trong việc tuân giữ lề luật.  Có thể nói, nhìn bề ngoài các luật sĩ và người biệt phái là những người đạo đức, thế nhưng Chúa Giê-su lại lên án họ là những con người giả hình. Bởi vì họ chỉ thích được khoe khoang việc giữ luật và việc đạo đức của mình để cho người ta khen ngợi. Hay nói đúng hơn, họ chỉ thích những hình thức bên ngoài, còn tâm hồn thì trống rỗng.

Do đó, Chúa cảnh cáo chúng ta hãy đề phòng những con người như thế, và mời gọi chúng ta hãy sống trung thực, nhất là trong cách giữ luật Chúa. Chúng ta giữ luật Chúa không chỉ vì luật nhưng điều quan trọng hơn đó là vì yêu mến Chúa. Được như thế, chúng ta mới có thể đến với anh chị em bằng lòng bác ái chân thật.

3. Họ bị Chúa Giê-su chỉ trích và lên án vì họ giả hình và tự tôn: các người biệt phái với áo vàng mũ miện đai nịt mầu mè, nhưng tâm hồn đầy những đam mê và suy nghĩ xấu xa. Họ sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người chung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. Người biệt phái thích chỗ nhất nơi công cộng, họ bắt người ta bái chào kính trọng họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đại, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực.

4. Chúa còn chỉ trích họ sống theo kiểu “Mồm miệng đỡ chân tay”, nói mà không làm. Lời nhận xét dành cho người thông luật là: Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào”. Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do-thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

5. Chẳng ai mang nơi mình một chức vụ nào khi sinh ra. Trái lại, mọi quyền bính là do Thiên Chúa. Mà đối với Đức Ki-tô, quyền bính được trao ban không phải là để được ăn trên ngồi trốc, không phải để được “ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường…”, mà là để phục vụ. Ngay cả Chúa Giê-su, mặc dù là Thiên Chúa, khi nhập thể làm người đã không đòi cho mình quyền ngang hàng với Thiên Chúa, mà đã trút bỏ vinh quang để trở nên người phục vụ (x.Pl 2,1-11). Càng phục vụ, Đức Giê-su càng chứng tỏ Ngài đích thực là Con Thiên Chúa. Quyền làm Con Thiên Chúa đó, Ngài chia sẻ với chúng ta: “Thầy đã được trao toàn quyền ở trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,18-19) (5 phút Lời Chúa).

6. Chúa Giê-su lên án thứ tôn giáo vụ hình thức, giả hình, tính toán của những người biệt phái. Tương quan của họ với Chúa chỉ là một mớ tính toán so đo: họ gia tăng các việc lành phúc đức cốt để được Thiên Chúa thưởng công và người đời khen tặng. Đối lại với tâm thức đó, Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ Ngài sống phó thác, khiêm tốn, phục vụ. Ở đây, chúng ta gặp lại cái nghịch lý của Kitô giáo: Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Càng nhỏ bé lại trong tín thác, con người càng lớn lên. Càng tiêu hao trong phục vụ và quên mình, con người càng gặp lại chính bản thân mình (Mỗi ngày một tin vui).

7. Truyện: Bé cái lầm

Có một thi sĩ kia sáng tác được một số bài thơ, bắt đầu nổi tiếng. Một buổi chiều ra công viên thành phố đi dạo, rồi ngồi nghỉ trên ghế đá kê sát vào tường. Ông hết sức ngạc nhiên và rồi lại tỏ ra hãnh diện sung sướng khi thấy nhiều người đi qua trước mặt ông đã ngả mũ cúi chào. Trong khi còn nghĩ ngợi, thắc mắc thì có một bà già cũng đến trước mặt ông. Sau khi cúi chào, bà đã nhìn lên và miệng lâm râm nhiều lời mà ông nghe không rõ. Thế rồi bà cũng đi. Lúc ấy ông mới quay lại và nhìn lên theo hướng bà già kia đã nhìn. Ông nhận ra rằng ngay sau lưng và phía trên đầu ông có một cây thánh giá đã được dựng lên ở đó. Và ông xấu hổ bỏ đi nơi khác.

Chúng ta cũng thường lầm lẫn như thế. Lời Chúa muốn giải thoát chúng ta khỏi những danh lợi hão huyền và rất đáng hổ thẹn của thế gian. Bởi vì, thật là dại dột và lố bịch khi con người không biết rõ giá trị của mình, lại thích chiếm được địa vị cao, ham được những ưu đãi. Những ham ước ấy  chỉ khiến họ bị lợi dụng và trở nên trò cười cho thiên hạ. Có khi còn gây nhiều tai họa cho người khác nữa (báo CG và dân tộc, Giáng sinh 1995, tr 281).

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Batôlômêô, tông đồ

Ca nhập lễ

Ngày ngày hãy loan truyền ơn Thiên Chúa cứu độ, hãy tường thuật vinh quang Người giữa muôn dân.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một lòng tin vững mạnh, để chúng con thật tình gắn bó với Ðức Kitô, Con Một Chúa như thánh Ba-tô-lô-mê-ô Tông Ðồ. Xin Chúa cũng nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà cho chúng con sống thế nào, để muôn dân nhận biết Hội Thánh chính là bí tích cứu độ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kh 21, 9b-14

“Trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Thiên Thần nói với tôi rằng: “Ngươi hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi xem phu nhân, bạn của Con Chiên”.

Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành có tường luỹ cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel. Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, phía nam có ba cổng, và phía tây có ba cổng. Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó và đèn của nó chính là Con Chiên.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. 

Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Chúa là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Chúa tồn tại qua muôn thế hệ. 

Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối của Người, và yêu thương mọi kỳ công Người tác tạo. Chúa ở gần những kẻ kêu cầu Người, những kẻ kêu cầu Người với lòng thành thật.

Alleluia: Ga 1, 49b

Alleluia, alleluia! – Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 45-51

“Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối “.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: “Ðấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philipphê nói: “Hãy đến mà xem”.

Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: “Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh Tông Ðồ Ba-tô-lô-mê-ô, chúng con dâng tiến của lễ này để chúc tụng tôn vinh Chúa. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu mà ban ơn trợ giúp chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng các Tông Ðồ

Ca hiệp lễ

Chúa phán: “Thầy xếp đặt nước trời cho các con, như Cha Thầy đã xếp đặt cho Thầy, để các con được ăn uống đồng bàn trong nước Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, trong ngày lễ kính thánh Ba-tô-lô-mê-ô tông đồ, chúng con đã lãnh nhận bí tích Thánh Thể là bảo chứng ơn cứu độ muôn đời. Xin cho bí tích này nâng đỡ chúng con bây giờ và mãi mãi. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

THAY ĐỔI NHỜ CUỘC GẶP GỠ VỚI CHÚA GIÊ-SU

Trong Phúc âm của thánh Gio-an, thánh tông đồ Ba-tô-lô-mê-ô được gọi với tên là Na-tha-na-en. Cuộc gặp gỡ giữa ngài với Đức Giê-su được thánh sử trình thuật trong đoạn Tin Mừng hôm nay.

Ông Phi-lip-phê, sau khi trở thành môn đệ của Chúa Giê-su, đã muốn giới thiệu Chúa cho ông Na-tha-na-en: Người là Đấng Mê-si-a, con ông Giu-se, người Na-da-rét mà sách luật Mô-sê và các tiên tri nói tới. Nhưng ông Na-tha-na-en có vẻ nghi ngờ về nguồn gốc của Chúa vì có lẽ ông đã được biết thông qua sách vở rằng Đấng Mê-si-a được tiên báo xuất thân từ Be-lem, miền Giu-da. Chính ông cũng đã khẳng định: “Từ Na-da-rét làm sao có gì hay được”.

Tuy nhiên, trước lời mời gọi của ông Phi-lip-phê, ông Na-tha-na-en đã đến gặp Chúa Giê-su. Chúa đã khen ông: “đích thực là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối”. Nhưng sao Na-tha-na-en có thể là một người Ít-ra-en đích thực nếu không chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a, người Na-da-rét? Thật ra, người Ít-ra-en đích thực là người biết từ bỏ những ý nghĩ, tư tưởng của mình khi nó không phù hợp với chương trình của Thiên Chúa; là người sẵn sàng thay đổi, hoán cải theo thánh ý Ngài. Ông Na-tha-na-en là người như thế. Nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su, ông hiểu ra chương trình của Thiên Chúa không giống như những gì con người biết đến hay mong muốn. Ông đã nhận ra sự sai lầm của mình. Ông đã thay đổi ý nghĩ và chấp nhận Chúa Giê-su như Đấng Mê-si-a đích thực qua lời tuyên xưng: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính thầy là vua Ít-ra-en”.

Với niềm tin của mình, ông “sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”. Ông sẽ cảm nghiệm được rằng Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, là Đấng nối kết giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Chính Người là đường đưa con người về chốn trời cao.

Anh chị em thân mến, mừng lễ thánh Ba-tô-lô-mê-ô (với tên khác Na-tha-na-en), chúng ta hãy noi gương ngài để trở thành những Ki-tô hữu đích thực. Giống như thánh nhân, người Ki-tô hữu đích thực là những người biết sẵn sàng thay đổi bản thân sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su. Chúng ta đã gặp Người khi đọc, lắng nghe Lời Chúa hay trong việc cử hành các bí tích, cách đặc biệt là bí tích Thánh Thể, hoặc qua từng biến cố cuộc đời… Câu hỏi đặt ra: chúng ta đã thay đổi con người mình chưa? Mỗi người được mời gọi hãy từ bỏ con người cũ với những khuyết điểm, tội lỗi… để trở nên con người mới trong Chúa Giê-su. Như thế, chúng ta đang tuyên xưng niềm tin vào Người qua chính con người cụ thể của chúng ta.
 

ƯỚC MƠ BAY CAO

Đức Giêsu nói: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” (Ga 1,50)

Suy niệm: Người Việt Nam dùng hình ảnh cây trúc để làm biểu tượng cho người quân tử, hoa sen để biểu trưng cho sự thanh cao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Còn đối với người Do Thái, cây vả tượng trưng cho sự an bình. Cây vả có nhiều cành lá um tùm nên người ta thường ngồi dưới bóng của nó để trầm tư mặc niệm. Hình ảnh Nathanaen hay còn gọi là Batôlômêô ngồi “dưới cây vả” nói lên rằng ông là một con người của suy niệm những mầu nhiệm cao siêu. Đức Giêsu nói cho ông biết rằng chẳng những Ngài nhìn thấu suốt tâm hồn con người, Ngài còn là chiếc thang đưa dẫn con người lên trời. Ông đã giật mình kinh ngạc và thán phục Đấng đọc được những suy nghĩ, những ước mơ đang ngự trị nơi sâu thẳm nhất của trái tim ông. Được Chúa Giêsu thu phục và hứa cho thấy những sự cao cả hơn nữa, ông dành cho Ngài trọn quyền làm chủ vận mạng đời ông.

Mời Bạn: Dâng lên Chúa những ước mơ, những khao khát của bạn, và Chúa thấu suốt những ước mơ, khao khát ấy. Ước mơ lớn nhất, khát khao nóng bỏng nhất phải là đi theo Đức Giêsu để một ngày kia được cùng Ngài lên trời.

Sống Lời Chúa: Quan tâm cầu nguyện cho một người bạn lương dân của bạn, và tìm dịp thuận tiện dẫn đưa người ấy đến với Đức Giêsu là con đường, là chiếc thang dẫn lên trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường chỉ có những ước mơ tốt đẹp cho mình, mà quên cho người khác. Xin Chúa cho tất cả chúng con biết hằng ngày bước theo Chúa trên con đường về quê trời. Amen.

HỘI THÁNH - BÍ TÍCH CỨU ĐỘ
(LỄ THÁNH BATÔLÔMÊÔ 24/08)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB


Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Batôlômêô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta có một lòng tin vững mạnh, để chúng ta thật tình gắn bó với Đức Kitô, Con Một Chúa, như thánh Batôlômêô Tông Đồ. Xin Chúa cũng nhậm lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà cho chúng ta sống thế nào, để muôn dân nhận biết Hội Thánh chính là Bí Tích Cứu Độ. Thánh nhân còn được gọi là Nathanaen, quê ở Cana. Chính Tông Đồ Philípphê là người đã giới thiệu thánh nhân với Chúa Giêsu ở bờ sông Giođan. Người nhập nhóm các môn đệ đầu tiên được Chúa kêu gọi. Người ta không biết đích xác về hoạt động tông đồ của người sau lễ Hiện Xuống. Tương truyền rằng người đã loan báo Tin Mừng ở Ấnđộ và đã chịu tử đạo ở đó.

Hội Thánh là Bí Tích Cứu Độ, là người quản lý các mầu nhiệm Nước Trời, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kiô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành… Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy. Vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Anh em được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời; mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe.

Hội Thánh là Bí Tích Cứu Độ, được biểu lộ nhỏ bé như hạt cải, âm thầm như nắm men, nhưng, chứa đựng một sức mạnh vô song và mang lại một kết quả dồi dào phong phú, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu nói: Điều điên dại của Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn con người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn con người… Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ; nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, Đấng ấy là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúng tôi bị dồn ép tư bề; nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.

Hội Thánh là Bí Tích Cứu Độ, được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ, là những con người bất toàn, để mọi người nhận thấy sức mạnh và vinh quang Chúa được tỏ rạng qua sự yếu đuối, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Khải Huyền cho thấy: Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 144, vịnh gia nói: Lạy Chúa, kẻ hiếu trung với Chúa được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang. Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối. Thánh Batôlômêô đã tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Vua Ítraen. Bởi vì thánh nhân đã tin như thế, cho nên, Chúa đã hứa cho thánh nhân thấy những điều còn lớn lao hơn thế nữa: Con Thiên Chúa không chỉ được sai đến để làm Vua của Ítraen, mà là Vua của mọi nước mọi dân; Người không chỉ là Thầy của một nhóm nhỏ ít người, mà là Mục Tử Nhân Lành quy tụ tất cả các con chiên đang tản lạc khắp nơi về thành một đàn chiên duy nhất. Trước khi được lãnh phúc tử đạo, thánh nhân đã nhìn thấy Hội Thánh Chúa ngày càng lớn mạnh và lan rộng khắp nơi. Ước gì chúng ta cũng có một lòng tin vững mạnh như thánh nhân, để chúng ta biết thật tình gắn bó với Đức Kitô, và biết sống thế nào, để muôn dân nhận biết Hội Thánh chính là Bí Tích Cứu Độ. Ước gì được như thế!

NẺO ĐƯỜNG CỦA NHỮNG KHÁT KHAO
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Làm sao Ngài lại biết tôi?”.

“Chúa sẽ không tìm con, nếu Ngài đã không biết con!” - Blaise Pascal. Thiên Chúa luôn yêu thương những con người tiến về phía Ngài; vậy mà, chuyển động của Ngài về phía con người luôn luôn đi trước việc nó hướng đến Ngài. Ngài đã có mặt ‘nơi tâm điểm khát khao’ của nó; Ngài biết rõ nó, ngay trên nẻo đường của những khát khao!

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Pascal được đọc thấy nơi vị thánh ‘biệt phái Barthôlômêô’ - Nathanael - Giáo Hội kính nhớ hôm nay; đặc biệt, qua cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và con người độc đáo này. Với Gioan, thoạt tiên, Chúa Giêsu không hề xuất hiện như một nhà thuyết giáo nhưng như một con người sống động, dễ gặp, để ai cũng có thể gặp Ngài trên những nẻo đường của họ, ‘nẻo đường của những khát khao!’.

Điều đánh động trước tiên, trong những lần gặp đó, là tính giản dị đáng kinh ngạc của chúng. ‘Tính giản dị’ là cách thức tác giả kể lại những lần gặp sớm sủa của những con người đầu tiên đến với Đấng mà họ sẽ là môn đệ của Ngài. Chẳng hạn, với hai môn đệ Gioan, “Các anh tìm gì?”; “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; “Hãy đến mà xem!”. Tính giản dị của trình thuật khiến độc giả hụt hẫng! Thế mà, cũng ngày hôm ấy, một điều gì đó mang tính quyết định đã xảy ra; để rồi, “Chúng tôi đã gặp Ngài!”. Cuộc gặp đó không là một cuộc gặp qua quýt, xã giao… cũng không là một cuộc gặp thân thiện thường ngày. Một điều gì đó hoàn toàn khác; họ đã gặp Ngài ngay trên ‘nẻo đường của những khát khao!’.

Chuyển động của cuộc gặp gỡ trở nên sâu sắc hơn với Nathanael, người đã mỉm cười ngờ vực khi nghe Philipphê bảo, mình đã gặp Đấng Thiên Sai nơi con người có tên Giêsu Nazareth, “Từ Nazareth, làm sao có cái chi hay?”; Philipphê đơn sơ đáp, “Cứ đến mà xem!”. Kìa, con người sống trong hoài mong Đấng Thiên Sai ấy - những “ước ao thấy Ngày của Ngài” - đã đến và đã xem. Cả hữu thể ông khát khao sự tỏ mình của Thiên Chúa giờ đây đã phải lặng trân khi nghe lời chào của người thanh niên không mấy quen biết, “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối!”. Ôi! Một lời bộc phát như sấm rền khiến Nathanael nghẹt thở, “Làm sao Ngài lại biết tôi?”. Qua câu hỏi này, toàn bộ hữu thể của ông ‘tan chảy’, bộc lộ trong sáng như vàng ròng!

Kính thưa Anh Chị em,

“Làm sao Ngài lại biết tôi?”. Chúa Giêsu tỏ mình cho Nathanael không như cho một người xa lạ; Ngài biết Nathanael cách thấu đáo, cá vị. Đúng thế, “Chúa sẽ không tìm con, nếu Ngài đã không biết con!”. Chính cái biết và sự thấu hiểu của Chúa Giêsu đã khiến Nathanael hoàn toàn ‘tê liệt’; vì giờ đây, nỗi chờ mong của ông đã được đáp đền một cách ứa trào! Phần chúng ta, chúng ta phải đến với Chúa Giêsu trên những nẻo đường nào? Đức Phanxicô nói, “Hãy đến với Ngài trên nẻo đường của những tội nhân. Hãy đến với Ngài với sự tự tin cũng như với niềm vui mà không cần trang điểm. Đừng bao giờ trang điểm trước mặt Chúa! Hãy đến, mang theo tất cả sự thật!”. Đừng ngần ngại cùng Ngài thổ lộ tâm can, những kín ẩn trong nơi sâu thẳm của lòng mình. Đó chính là tâm điểm khát khao của mỗi người mà Ngài biết rõ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con hơn con biết con. Không khát khao Chúa, con sẽ khát khao các thứ ‘ít Chúa’ và ‘không phải Chúa’; cho con khao khát chỉ một mình Ngài!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây