TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 05/09/2024 14:35 |   294
‘‘Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì đuợc sống muôn đời.” (Ga 3,13-17)

14/09/2024
Thứ bảy tuần 23 THƯỜNG NIÊN

Suy tôn Thánh Giá

t7 t23 TNb

Ga 3,13-17


thập giá khơi nguồn sống mới
‘‘Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì đuợc sống muôn đời.” (Ga 3,13-17)

Suy niệm: Cuộc chiến giữa Ucraina và Nga bất ngờ chuyển hướng khi quân đội Ucraina vượt qua biên giới tấn công vào miền Kurks của Nga. Trong cơn khói lửa đó, người thì than khóc, kẻ lại reo mừng. Ngọn lửa chiến tranh đang thiêu huỷ sự sống của thiên nhiên và con người. Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa đến trần gian để cho con người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Ngài nói ‘không’ với chiến tranh. Ngài hiến dâng thân mình chịu chết trên thập giá để khơi nguồn sống cho những ai tin vào Ngài: “Con Người phải được giương cao, để ai tin vào Ngài thì đuợc sống muôn đời”. Như thế, trên thập giá, Ngài tiêu diệt sự thù ghét là nguyên nhân gây ra mọi cuộc chiến tranh (Ep 2,16).

Mời Bạn: Xã hội hôm nay đề cao lối sống hưởng thụ trong khi Chúa Giê-su mời gọi môn đệ hy sinh cho người mình yêu. Đây là con đuờng tự hủy dẫn tới sự sống và hạnh phúc đích thực: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Sống Lời Chúa: Chọn lựa con đuờng sự sống, tôi sẵn sàng vác thập giá của những đau khổ hy sinh trong cuộc sống hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chịu đóng đinh chịu chết trên Thập giá vì yêu thương chúng con. Xin cho con biết từ bỏ chính mình, đóng đinh tính xác thịt, đó là những đam mê, ích kỷ, kiêu căng và tham lam của con vào thập giá. Xin cho sự sống mới của Chúa mỗi ngày mỗi lớn lên trong con để con trở thành sứ giả đem tình yêu và sự sống của Chúa đến cho thế gian. Amen.

Ngày 14: Lạy Chúa! Chúng con phấn đấu cả đời, vất vả cả đời, đến lúc ra đi cũng không thể mang theo dù một cọng cỏ lá cây; níu kéo một đời, vun vén một đời, cuối cùng cũng không thể mang theo dù một chút hư vinh ái mộ. Đã sanh ra thì bất luận giàu sang hay nghèo hèn, đi hết đoạn đường rồi, thì ai cũng phải nói lời vĩnh biệt. Nên khi còn cơ hội, xin cho chúng con biết sống hết lòng, quý trọng những người xung quanh, không chạy theo những tiêu chuẩn phù phiếm thế gian, mà bỏ quên hạnh phúc đích thực của mình, là chính Chúa, gia nghiệp vĩnh cửu của chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ bảy tuần 23 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 1, 15-17

“Người đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Lời nói chân thật và đáng tiếp nhận mọi đàng là: Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này, để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Ðức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời. (Nguyện) danh dự và vinh quang (quy về) Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời! Amen.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 3-4. 5a và 6-7

Ðáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng đến muôn đời (x. c. 2).

Xướng: Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời.

Xướng: Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa.

Xướng: Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất? Người nâng kẻ hèn hạ lên khỏi trần ai, và rước người nghèo khó khỏi nơi phẩn thổ.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 10, 14-22a

“Chỉ có một bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy xa lánh sự thờ lạy các ngẫu tượng. Tôi muốn nói với những người biết điều! Ðiều tôi tuyên bố, anh em hãy xét thử! Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, chẳng phải là thông hiệp với Máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Bởi vì chỉ có một bánh, mà tất cả chúng ta đều thông phần vào một bánh đó, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác. Anh em hãy xem Israel về phần xác: Nào những kẻ ăn của tế lễ, chẳng phải là thông phần vào bàn thờ sao?
Vậy nói thế nghĩa là gì? Tôi nói, của lễ dâng lên ngẫu tượng có là cái gì đâu? Hay ngẫu tượng có là cái gì đâu? Nhưng các dân ngoại tế lễ, là tế lễ cho ma quỷ, chứ không phải cho Thiên Chúa. Nhưng tôi không muốn anh em giao kết với ma quỷ. Anh em không thể uống cả chén của Chúa, cả chén của ma quỷ được. Anh em không thể thông phần vừa vào bàn tiệc Chúa, vừa vào bàn tiệc ma quỷ được. Hay là chúng ta muốn chọc tức Chúa?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).

Xướng: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: (Lạy Chúa,) con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài.

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 43-49

“Tại sao các con gọi Thầy “Lạy Chúa, lạy Chúa”, mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra. Tại sao các con gọi Thầy: “Lạy Chúa, lạy Chúa”, mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là sự sáng thế gian; ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC (Lc 6,43-49)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Tất cả lời giảng dạy và dụ ngôn hôm nay nhấn mạnh đến tiêu chuẩn của một người môn đệ đích thực: không phải cần một niềm tin trên lý thuyết, trên môi miệng… nhưng điều cần thiết nhất là phải thi hành ý Thiên Chúa, sống theo lời Đức Giê-su dạy. Chúng ta không thể nói rằng mình tin yêu Chúa, mà cuộc sống của chúng ta lại không theo giáo huấn của Người. Mỗi tín hữu cần xác tín rằng chỉ có Đức Giê-su và ánh sáng Lời Người là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu. Ngoài Đức Giê-su, không ai có thể cho chúng ta sự sống đích thực.

2. Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đưa ra dụ ngôn cây và trái“Không có cây nào tốt mà sinh quả sâu…”. Chúa muốn dạy rằng: muốn có trái thì phải chăm sóc cây. Đó là một qui luật hết sức căn bản mà ai cũng biết. Cây tốt thì sinh trái tốt. Cây xấu không thể sinh trái tốt được. “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,45).

Tất cả những điều Đức Giê-su dạy đều rất hay. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi thì chẳng có ích lợi gì, và những người như thế cũng chẳng đáng làm môn đệ của Chúa. Họ chẳng khác gì một ngôi nhà được xây trên cát. Còn những ai chẳng những nghe mà còn thi hành, thì người đó mới xứng đáng là môn đệ Ngài. Họ như ngôi nhà dược xây trên đá vững chắc.

3. Điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa không hệ tại ở việc tuyên xưng hay kêu cầu danh Chúa ngoài môi miệng, mà là việc thực thi ý Chúa. Thực thi ý Chúa nghĩa là đem những lời Chúa dạy trong Tin Mừng ra thực hành trong đời sống. Và ai thực hành Lời Chúa thì có một nền tảng vững chắc trong đức tin và lòng yêu mến.

Tình yêu mà chỉ dừng lại nơi đầu môi chót lưỡi thì là thứ tình yêu giả dối. Đức Giê-su đã nói: Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy” (Ga 14,23). Như thế, việc tuân giữ Lời Chúa là thể hiện lòng yêu mến đích thực. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại không giữ Lời Ngài, vì như thế là nói dối. Thật vậy, giữa tin có Chúa và yêu mến Chúa phải là một khi tuân hành ý Chúa.

4. Người ta vẫn thường nói “con đường dài nhất là từ tai đến tay” nghĩa là dễ nghe, dễ hiểu nhưng để đem ra thực hành  thì khó biết là ngần nào. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cũng khiển trách các môn đệ chỉ nghe Lời Chúa và thưa: “Lạy Chúa! Lạy Chúa” nhưng không thi hành Lời Ngài dạy. Biết bao điều Chúa đã dạy, đã nêu gương và nhắc nhở mỗi ngày thế mà uổng phí công lao: Ta trông mong nó thực hành điều chính trực nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình nhưng đây toàn là tiếng kêu oan” (Is 5,7). Hãy để Lời Chúa sinh nhiều hoa trái tốt lành thánh thiện nhờ khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong mọi người (5 phút Lời Chúa).

5. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Phải chăng chúng ta đang sống theo chủ trương tách biệt niềm tin và cuộc sống? Phải chăng chúng ta  không đo lường niềm tin theo một vài biểu dương bên ngoài? Bao lâu cái cốt lõi của đạo là niềm tin, tình yêu thương, chưa ăn sâu vào từng sinh hoạt cuộc sống chúng ta, thì quả thực chúng ta chỉ là những kẻ nói: “Lạy Chúa! Lạy Chúa”, mà không hề thực thi Lời Chúa. Sống như thế chỉ là làm ô danh sự đạo và phạm đến giới răn cấm kêu tên Chúa vô cớ (R.Veritas).

Trong một xã hội mà quy luật sống là dối trá, thì Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi sống trung thực hơn bao giờ hết. Chúng ta phải sống thế nào để mọi người cảm nhận rằng Chúa Giê-su đang thực sự hiện diện và tác động trong cuộc sống chúng ta, và lời của Ngài có sức cải tạo con người và xã hội.

6. Truyện: Triệt để thi hành luật pháp.

Vào khoảng giữa thế kỷ 19, các dân tộc thuộc vùng núi Caucase ở phía nam nước Nga, được cai trị bởi một quốc vương Hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm chính trực. Ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham nhũng hối lộ.

Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng và hối lộ sẽ bị phạt đúng 50 roi trước mặt công chúng.

Điều không may xảy ra cho ông, là ngươi đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội lại chính là mẹ ông. Sự kiện này làm cho ông đau đớn vô cùng. Không có một luật trừ hay châm chước nào cho sắc lệnh mà chính ông đã ban hành.

Liên tiếp ba ngày liền nhà vua giam mình trong lều của mình. Sang ngày thứ tư ông xuất hiện trước công chúng cùng với thân mẫu. Ông ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay mẹ ông và bắt đầu xứ lý theo quy luật.

Thế nhưng khi chiếc roi đầu tiên sắp quất xuống trên người mẹ thì nhà vua chạy đến bên cạnh mẹ. Ông mở trói cho bà. Rồi ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay ông, lột áo ông ra và bắt đầu cuộc trừng phạt bằng roi. Đúng 50 roi đã quất xuống trên thân mình nhà vua.

Với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói:

– Bây giờ thì các ngươi có thể ra về. Luật đã được thi hành. Máu của vua các ngươi đã chảy ra để đền bù cho tội lỗi này.

Kể từ ngày đó, trong vương quốc người ta không còn bao giờ nghe đến tội tham nhũng, hối lộ nữa.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Suy tôn Thánh Giá

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến!

Sách Xuất Hành mô tả cuộc hành trình tiến về Đất hứa của đoàn dân Chúa trong thời Cựu ước. Thiên Chúa đã truyền cho Môsê đúc rắn đồng treo lên làm dấu; để những ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được khỏi chết.

Đức Kitô cũng bị treo lên cây Thập Giá. Người là Đấng Cứu Độ chúng ta. Chính Người đã dùng Thánh Giá làm dấu chỉ đem lại nguồn ơn cứu độ để cứu chúng ta khỏi chết đời đời.

Trong Thánh lễ giờ đây, Chúa Giêsu Kitô lại một lần nữa hiến tế cách mầu nhiệm trên bàn thờ Thập Giá qua cuộc khổ nạn của Người. Chúng ta xin vì công nghiệp Chúa chịu chết treo trên Thánh Giá tẩy xóa mọi tội lỗi, hầu dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

Ca nhập lễ

Chúng ta phải được vinh quang nơi thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chính nơi Người chúng ta được cứu độ, được sống và được sống lại và nhờ Người chúng ta đã được cứu chuộc và giải thoát.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người. Xin cho chúng con mai sau được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, mà ngày nay chúng con vẫn một lòng yêu mến suy tôn. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ds 21, 4-9

“Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”.

Trích sách Dân số.

Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”. Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”.

Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 77, 1-2. 34-35. 36-37. 38

Ðáp: Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa

Xướng: Hỡi dân tôi, hãy nghe lời huấn dụ, hãy lắng tai nhận lấy những lời miệng tôi. Tôi sẽ xuất khẩu nói ra lời ngạn ngữ, sẽ trình bày những điều bí nhiệm của thời xưa.

Xướng: Khi Người sát phạt họ, bấy giờ họ kiếm tìm Người, và họ trở lại kiếm tìm Thiên Chúa. Họ nhớ lại rằng Thiên Chúa là Ðá Tảng của họ, và Thiên Chúa Tối Cao là Ðấng cứu chuộc họ.

Xướng: Nhưng rồi miệng họ đã phỉnh phờ, và lưỡi họ ăn nói sai ngoa với Người. Ðối với Người, lòng họ không ngay thẳng; họ cũng không trung thành giữ lời minh ước của Người.

Xướng: Phần Người từ bi, tha lỗi và không huỷ diệt họ; nhiều khi Người đã tự kiềm chế căm hờn, và không để cho thịnh nộ hoàn toàn tuôn đổ.

Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, Chúa Giêsu Kitô, tuy là [thân phận] Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa; chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng cây Thập giá mà cứu chuộc thế gian. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 3, 13-17

“Con Người phải bị treo lên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

“Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và trợ giúp chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Giờ đây chúng ta hãy tin tưởng dâng lên Ngài những lời khẩn nguyện thiết tha cho Giáo Hội và cho toàn thế giới.

1. Xin Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh ban ơn trợ giúp để Giáo Hội biết làm chứng cho Ngài bằng việc dấn thân thực hành giáo huấn của Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

2. Chúa Giêsu không đến để lên án nhưng để tha thứ. Xin cho những ai tin tưởng nơi Ngài được ơn cứu độ và thương giúp những ai chưa tin, biết nhận ra tình yêu của Ngài.

3. Qua sự chết, Chúa Giêsu đã được Chúa Cha tôn vinh. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết nhẫn nại tin tưởng, chờ ngày được diện kiến Chúa.

4. Chúa Giêsu, người Con duy nhất của Thiên Chúa đã tự hiến mình để cứu rỗi nhân loại. Xin cho những người đã ly trần trong niềm hy vọng vào thập giá của Chúa được hưởng sự sống đời đời.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, khi chịu chết trên thập giá và sống lại vì phần rỗi chúng con, Chúa đã tỏ cho thế giới tình yêu của Chúa, xin thương đoái nhìn đến thân phận yếu hèn của chúng con mà ban thêm ơn đức tin, để chúng con biết đón nhận mầu nhiệm đau khổ trong cuộc sống hầu kết hiệp với cuộc thương khó của Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa nhân từ, chúng con đang cử hành lễ tế hy sinh chính Ðức Kitô đã hiến dâng trên bàn thờ thập giá, để xóa bỏ tội lỗi trần gian. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và thanh tẩy chúng con khỏi vết nhơ tội lỗi. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Cha dùng cây thập giá để ban ơn cứu độ cho loài người. Thật vậy, xưa vì cây trái cấm loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời, và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Ðức Kitô, Chúa chúng con. Vì thế, toàn thể triều thần thiên quốc cùng ca ngợi, tôn thờ, kính sợ và hân hoan chúc tụng Cha uy linh. Xin cho chúng con được đồng thanh với các Ngài thành khẩn tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…

Cũng có thể đọc Lời tiền tụng thương khó I,

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Khi nào Ta được đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cho chúng con hưởng nhờ ơn cứu chuộc nhờ cây thập giá ban quả phúc trường sinh, và Chúa đã nuôi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc Thánh Thể. Xin hướng dẫn chúng con ở đời này, hầu mai sau chúng con được phục sinh cùng Chúa và được hưởng vinh quang bất diệt. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm
của Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Doi_thap_gia

Cô Ann Thomas có kể lại câu chuyện ý nghĩa.

Hôm đó, cô và Betty ghé một sạp bán đồ phế thải. Ann vừa lôi ra một khay đồ linh tinh, Betty bước tới hỏi:

– Có đồ gì đáng giá không?

Ann trả lời:

– Không, toàn là đồ năm vố thôi.

Đoạn cô bước sang bên cạnh nhường cho Betty vào xem. Betty chăm chú nhìn vào đống lặt vặt, nhặt lên một cây thánh giá cũ kỹ han rỉ và nói:

– Thật khó mà tin được. Tôi đã tìm được đồ quý: cây thánh giá này làm bằng chất bạc xưa.

Cô bạn của Ann bèn về nhà lau chùi và đánh bóng cây thánh giá. Đây quả là một vật quí. Về sau, đứa con trai bảy tuổi của Betty tên Bobby cầm cây thánh giá lên, cung kính ngắm nghía hồi lâu. Bỗng nhiên cậu bé oà lên khóc. Betty liền hỏi:

– Con sao vậy?

Bobby nói:

– Con không cầm lòng được khi thấy Chúa Giêsu bị treo trên thập giá.

******

Ba người nhìn vào cây thập giá, có ba thái độ khác nhau: một người dửng dưng cho là đồ ve chai, người khác thích thú vì khám phá ra vật quí báu, còn người khác nữa lại xúc động rơi lệ vì nhận ra Chúa Giêsu chịu đau đớn trên thập giá.

Thập giá là gì?

Thập giá (tức là cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu) là khúc xương khó nuốt nhất đối với các môn đệ. Ba lần Chúa báo trước cuộc tử nạn. Cả ba lần họ đều không hiểu và không chấp nhận. Các môn đệ nghe nói đến thập giá thì nổi da gà. Thập giá gợi lên một cây khổ giá trần trụi. Thập giá gợi lên hình ảnh một con người quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn, nhục nhã nỗi ê chề, lơ lửng giữa trời và đất, hấp hối giữa sống và chết, bị nhiếc mắng trước những cái nhìn thù ghét và khinh khi, bị chê bai trước những con mắt tò mò và dửng dưng. Phêrô đã từng run rẩy can ngăn Chúa Giêsu đừng đi vào con đường thập giá. Các tông đồ rùng mình sợ hãi khi Chúa Giêsu nói đến thập giá.

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá.

Những lời dạy của Chúa Giêsu sau ba lần loan báo cuộc khổ nạn giải thích ý nghĩa của tình yêu Thánh Giá.

– Lần thứ nhất, Chúa phán: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).

– Lần thứ hai, Chúa dạy: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,34).

– Lần thứ ba, Chúa dạy: “Con Người đến không phải để cho người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

Thánh Giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.

Thánh Giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn, ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống, ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời.

Trong đêm Vọng Phục Sinh, Cây Nến Phục Sinh là tâm điểm của cử hành Phụng Vụ. Đức Giêsu Kitô đã ra khỏi mồ tối tăm, đã chiến thắng thần chết, và trở thành Nguồn Ánh Sáng, Sự Sống cho nhân loại. Để đánh mốc thời gian lịch sử cứu độ, trong đêm ấy, linh mục chủ tế khắc ghi trên nến với những dấu chỉ như sau:

– “Đức Kitô là một, (vẽ đường dọc)

– Hôm qua cũng như hôm nay, (Vẽ đường ngang)

– Là Alpha và là Omega, (Viết chữ Alpha trên cây Thánh Giá)

– Nghĩa là Khởi nguyên và tận cùng, (Viết chữ Omega ở phía dưới Thánh Giá)

– Người làm chủ thời gian, (Viết số đầu của năm đó bên góc trái phía trên Thánh Giá).

– Và muôn thế hệ, (Viết số thứ hai của năm nơi góc phải phía trên Thánh Giá).

– Vạn Tuế Đức Kitô, Đấng vinh hiển quyền năng, (Viết số thứ ba của năm góc trái phía dưới Thánh Giá).

– Vạn vạn tuế. Amen, (Viết số thứ tư của năm nơi góc trái phía dưới Thánh Giá).

Với năm hạt hương biểu thị năm dấu đinh của Chúa Giêsu khổ nạn được gắn trên cây nến Phục Sinh, gắn trên mỗi góc của Thánh Giá, vừa gắn vừa đọc:

– Vì năm vết thương

– Chí thánh và vinh hiển.

– Xin Chúa Kitô

– Gìn giữ

– Và bảo vệ chúng ta.” (Sách Lễ Roma).

Khi ghi dấu năm cứu độ chung quanh trục cây Thánh Giá, Giáo hội cũng ghi khắc vào đó cả khối tình tri ân của những năm hưởng nhờ hồng ân cứu độ trong lịch sử thời gian. Thánh Giá nối trời với đất trong không gian mênh mông. Thánh Giá là điểm thâu họp lịch sử dọc theo dòng thời gian. Thánh Giá bao gồm hai chiều kích ấy. Đức Kitô là trung tâm điểm của không gian và thời gian.

Hình Thánh Giá viết trên Cây Nến Đêm Vọng Phục Sinh, có ý nghĩa thâu họp vạn vật, mang ý nghĩa vũ trụ. Thánh Irénée viết: “Ngài đã đến dưới dạng hữu hình với những gì thuộc về Ngài, Ngài đã trở thành xác thịt và xác thịt ấy đã được treo lên cây Thập tự để bằng cách ấy thâu họp vào mình cả vũ trụ”. Thánh Giá trở thành trục thế giới. Thánh Cyrille ở Jérusalem viết: “Chúa Trời đã dang hai tay trên cây Thập Tự để ôm lấy bờ cõi Vũ trụ và vì vậy núi Golgotha là trục thế giới”. Trên trục vũ trụ ấy có treo lên một người Con của Thiên Chúa. Thánh Phaolô thì diễn tả trục này: “Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1, 10).

Là Trục của thế giới, Thánh Giá có trung tâm điểm là Đức Giêsu Kitô. Nhìn theo chiều kích cánh chung, thời gian sau cùng nhân loại sẽ chịu sự phân chia, bên tả hoặc bên hữu. Đó là thời gian của sự phán xét. Trục còn có nghĩa là mốc tuyển chọn, những người được tuyển chọn và những người tự mình đánh rơi. Thánh Phaolô nhìn trục này như sự phân chia Lề Luật và Đức Tin, phân chia tâm hồn con người thành hai phần, nhục thể và Thần Khí, để rồi cho thấy sự thống nhất của phân chia là việc hóan cải, tái sinh, công chính hóa, lề luật, nhờ vào niềm tin cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trên Thánh Giá.

Là trục của thế giới, nhìn theo chiều kích cánh chung, Thánh Giá biểu trưng là chiếc thang, một chiếc thang đưa con người đi lên tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Một chiếc thang để đất trời không còn xa nhau. Chiếc thang nhiệm mầu mà thánh Nữ Perpétue thấy trong ngày chịu tử đạo: “Tôi nhìn thấy một cái thang bằng đồng thanh, cao khác thường, vươn tới tận trời, nhưng hẹp tới mức chỉ có thể đi lên từng người một: Hai bên thang tua tủa các khí giới: Kiếm, giáo, móc câu, gươm, như vậy mà nếu người nào lên mà lơ đãng, không chú ý nhìn lên trên cao, sẽ bị tan nát thịt da, để lại những mảng thịt mắc vào những khí giới đó. Và bên dưới cái thang có một con rồng to lớn dị thường, nằm đó chăng bẫy những ai đạp chân lên thang, làm cho họ khiếp sợ không dám trèo lên. Còn tôi, khi tôi đặt chân lên trên bậc thang thứ nhất, tôi đã đạp lên đầu con rồng đó, thế là tôi đi lên được và nhìn thấy một khu vườn rộng mênh mông”. Chiếc thang có những bậc của thử thách. Niềm an bình sẽ xuất hiện khi bước lên bậc thang thứ nhất. Và cứ thế theo từng bậc niềm an bình sẽ được gia tăng cho đến khi hòan tòan ở trên đỉnh thang. Muốn đi lên cao, cần rũ bỏ, rũ bỏ làm cho nhẹ nhàng thanh thóat trên đường đi lên. Đó cũng là thời gian dành cho việc cầu nguyện và ăn chay thực thi đức ái để trút bỏ mỗi ngày trong cuộc sống.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống.

Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Chắc hẳn ngài đã cảm nghiệm sâu sắc về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô nên mới có ý tưởng này! Dòng Mến Thánh Giá là Hội Dòng chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của tình yêu của lòng trí. Kể cũng thật lạ! Không chọn cái gì nhẹ nhàng mà lại chọn Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, phải vác phải mang ách nữa chứ! Ngài có thành công gì đâu trước mắt người đời! Có nhẹ nhàng gì đâu trước mắt trần thế! Thế nhưng, Đấng chịu đóng đinh là hồng ân cứu rỗi. Chọn con đường theo Chúa là đi vào con đường hẹp. Một chọn lựa khôn ngoan vì đã chọn chính Đấng Cứu Độ. Thánh Giá là đỉnh cao ơn cứu độ. Mến Thánh Giá là tình yêu cao nhất của đời dâng hiến. Từ đó nẻo đường cứu độ mở ra cho bản thân và có khả năng giúp cho những người khác tiến vào nẻo đường ấy.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.

QUẢ PHÚC CÂY THẬP GIÁ
(LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ 14/09)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Suy Tôn Thánh Giá hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người. Xin Chúa cho chúng ta mai sau được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, mà ngày nay chúng ta vẫn một lòng yêu mến suy tôn.

Lễ Suy Tôn Thánh Giá được cử hành sau lễ Cung Hiến Thánh Đường Phục Sinh, được xây ở Giêrusalem trên mồ thánh (năm 335). Từ cõi chết phục sinh, Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết. Thánh Giá của Người tiêu biểu cho cuộc chiến thắng này. Truyền thống còn thấy ở đây dấu chỉ của Con Người, Đấng sẽ xuất hiện trên trời để loan báo ngày Người trở lại.

Hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, nhờ vinh quang mà Chúa ban tặng cho chúng ta khi cùng chịu đau khổ với Người, trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… Niềm vinh dự của chúng ta chính là thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh. Chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta. Người đã được ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình.

Hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, nhờ Đấng Cứu Chuộc, tự nguyện chết thay để chúng ta được sống muôn đời, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Anrê, Giám Mục Cơrêta nói: Thánh Giá là vinh quang của Chúa Kitô, Thánh Giá nâng Người lên cao... Ôi cây thập giá huyền diệu xiết bao, vì cành ngươi mang kho tàng châu báu, mang Đấng cứu chuộc muôn người. Nhờ Chúa đổ máu đào trên thập giá, mà cả trần gian được cứu độ. Kính chào cây thập giá đã được Chúa Kitô thánh hiến, được các chi thể của Người trang điểm, khác nào cây nạm ngọc dát vàng.

Hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, nhờ tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Dân Số cho thấy: Ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 77, vịnh gia đã kêu gọi: Anh em đừng lãng quên những việc Thiên Chúa làm. Miệng họ phỉnh phờ Chúa, lưỡi họ lừa dối Người, còn lòng dạ chẳng chút gì gắn bó, chẳng trung thành giữ giao ước của Người. Nhưng Người vẫn xót thương, thứ tha không tiêu diệt, nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Muôn lạy Chúa Kitô, chúng con tôn thờ và chúc tụng Chúa, đã dùng cây thập giá mà cứu chuộc trần gian. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Chúng ta tôn thờ và chúc tụng Đấng bị treo trên thập giá, bị lột trần trụi, thân thể bê bết máu, chúng ta không tôn thờ đau khổ, không tôn thờ bạo lực, nhưng, tôn thờ Đấng là Tình Yêu, yêu cho đến cùng, đến thí mạng sống vì người mình yêu. Như cây “hương mộc” vẫn tiết ra hương thơm cho cả chiếc rìu chặt nó, tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa vẫn tuôn đổ cho cả những người bách hại, đóng đinh và giết chết Chúa. Những khi gặp khó khăn thử thách của đời sống hằng ngày, chúng ta hãy ngước nhìn lên Thánh Giá Chúa: không có đau khổ nào bằng đau khổ của thập giá, không có sự nhục nhã nào bằng sự sỉ nhục của thập giá, Chúa đã gánh chịu tất cả, Chúa thấu hết, hiểu hết những đau khổ của chúng ta, hãy chạy đến với Chúa, Chúa sẽ cho chúng ta những giải pháp thích hợp cho từng vấn nạn của chúng ta. Chúa đã chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc chúng ta, ước gì mai sau, chúng ta được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, mà ngày nay, chúng ta vẫn một lòng yêu mến suy tôn. Ước gì được như thế!

BIỂU TƯỢNG SỰ SỐNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Con Người phải được treo lên!”.

Sau Phục Sinh, cô Bitram tặng mỗi em một chiếc hộp hình trứng; cô yêu cầu mỗi em đặt vào đó một biểu tượng sự sống. Nửa giờ sau, từng chiếc hộp mở ra. Nào hoa, nào bướm, bọ, kiến… cả lớp sung sướng. Kìa, một chiếc hộp rỗng! Có tiếng la, “Ngốc!”. Philip, hội chứng Down, lên tiếng, “Của tôi!”. Bọn trẻ la to, “Ngốc!”; “Tôi đúng! Ngôi mộ trống!”. Cả lớp im lặng, trọng nể! Không lâu sau, cậu bé qua đời. Tại đám tang, lớp giáo lý tiến lên; mỗi em đặt trên quan tài một quả trứng rỗng - ‘biểu tượng sự sống!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu quả trứng rỗng, biểu tượng nói lên một điều gì đó quá vĩ đại - ‘biểu tượng sự sống’ - thì Thánh Giá Giáo Hội suy tôn hôm nay nói lên một điều gì đó vĩ đại hơn! Bởi lẽ, trên đó, Chúa Kitô, Đấng Cứu Sống nhân loại đã được treo lên.

Thật thú vị, nói đến việc Thiên Chúa cứu sống, Cựu Ước lẫn Tân Ước nói đến một ‘cái gì đó’, một ‘Ai đó’ phải được treo lên! Sách Dân Số tường thuật việc Israel nổi loạn, Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Môsê van xin; Chúa bảo, “Hãy làm một con rắn, treo lên một cây cột. Những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống!”. Rắn đồng là hình ảnh tiền trưng Chúa Kitô được treo lên, rồi đây, Ngài cứu sống cả nhân loại; cách riêng, những ai nhìn lên ‘biểu tượng sự sống’ đó và tin!

Nếu La Mã treo một tử tội bằng dây của giá treo cổ, cung thánh các nhà thờ sẽ trưng một chiếc thòng lọng; nếu La Mã chọn ném đá một tội nhân đến chết, cung thánh sẽ có một đống đá với thi thể một Giêusu bầm dập vô hồn sóng soài kề bên. Không, Ngài bị đóng đinh trên thập giá nên Giáo Hội đặt thánh giá giữa cung thánh, khắc lên bia mộ, đặt trên đỉnh nhà thờ và chiếu sáng nó về đêm. Giáo Hội đã thành công ‘cách ngoạn mục’ trong việc truyền đạt sự thật về cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. ‘Thành công’ đến nỗi qua bao thế kỷ, thế giới quên rằng, một thiết bị tra tấn chết chóc như thế lại trở nên biểu tượng lớn nhất của hy vọng, của cứu độ, của sự sống!

Chúa Kitô không như một thầy thuốc lạnh lùng chạm vào bệnh nhân rồi tắm mình trong thuốc sát trùng. Không, Ngài như một bác sĩ trước khi mổ, chỉ vào mình và nói, “Hãy xem vết sẹo của tôi!”; rồi chỉ vào vết thương hoang hoác trên ngực, Ngài nói, “Tôi cũng là nạn nhân của sự dữ!”. Ngài chấp nhận cái chết tàn khốc để có thể thấu cảm và đi sâu vào nỗi đau thập giá của từng con người; thánh hoá nó, lấy nó làm của mình, hầu biến nó thành niềm vui, ‘biểu tượng sự sống’, biểu tượng bình an và hy vọng!

Kính thưa Anh Chị em,

“Con Người phải được treo lên!”. Đức Phanxicô chia sẻ, “‘Con Rắn Cứu Độ’ nay đã đến giữa chúng ta! Chúa Kitô bị treo lên, không cho phép những con rắn độc giết chết chúng ta. Nếu chúng ta chăm chú nhìn vào Chúa Kitô, nọc độc sự dữ không thể thắng được chúng ta!” Hãy chiêm ngắm Chúa Kitô, nhất là những lúc kiệt sức! Chúng ta sẽ múc lấy sự cảm thông, ủi an từ trái tim từ ái của Ngài. Nhờ đó, chúng ta đủ sức ôm lấy thập giá đời mình giao cho Ngài, Ngài sẽ gắn nó vào thánh giá Ngài! Và như thế, thập giá của mỗi người cũng là ‘biểu tượng sự sống’ cho bản thân và cho thế giới.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin làm rỗng con, tiễu trừ khỏi con mọi tính hư nết xấu; nhờ đó, con có thể sống, trở nên ‘biểu tượng sự sống’ cho anh chị em con và cho thế giới!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây