TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SNTM Chúa nhật 23 Thường Niên -Năm B

Thứ tư - 04/09/2024 22:20 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   114
“Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”. (Mc 7, 31-37)

Tin Mừng Chúa nhật 23 Thường Niên -Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN23TNb a3


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 7, 31-37)

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Ephata!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXIII Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


 


Suy niệm

Có niềm vui nào lớn cho bằng niềm vui được hồi sinh, được trở về sống trong vòng tay của gia đình, của bạn hữu và của cộng đoàn. Ngụp lặn trong niềm vui của gia đình và cộng đoàn, chính là lúc tìm lại được chính mình, tìm lại được vị thế của mình và hơn nữa, tìm lại được sự kết nối về tinh thần và cuộc sống với nhau. Người thanh niên câm và điếc bị chia cắt với gia đình, với bạn hữu và với cộng đoàn, bởi anh không thể hiểu người khác đang nói gì, đang mong gì và đang chia sẻ điều gì với anh, đồng thời, anh cũng không thể trao đổi, chia sẻ và học hỏi nơi mọi người những gì anh cần cho cuộc sống, cho phận làm người. Con Thiên Chúa đã giúp anh vượt qua những rào cản đó, đưa anh trở về với giá trị của một con người, giúp anh tìm lại được chính mình, tìm lại được người thân, tìm lại được niềm vui cộng đoàn, đặc biệt là tìm gặp lại Thiên Chúa tình yêu.

Với một hành trình đầy thăng trầm của dân Do-thái, dù đang ở trên mảnh đất Ai-cập, hay đang rảo bước trong sa mạc Sinai, và ngay cả khi đã vào tới mảnh đất chảy sữa và mật, đời sống tôn giáo của họ chưa thể làm an lòng Đấng đã yêu thương và chăm sóc họ trên từng nẻo đường. Trước những đổi thay của cuộc đời, tiên tri I-sa-i-a đã lên tiếng, báo tin vui cho mọi người, Thiên Chúa, Đấng yêu thương họ mỗi ngày và mọi ngày, luôn ở bên cạnh, chăm sóc và giữ gìn họ, đổi lại, họ hãy tin tưởng vào một mình Ngài: “Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.

Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng”. Thiên Chúa không phải là một vị thần ích kỷ và ghen tuông, trái lại, Ngài là Đấng giàu tình thương, luôn chăm sóc và bảo vệ con người mọi lúc mọi nơi, vì thế, thay vì buồn tủi, hay vui lên và cố gắng đổi thay mọi suy nghĩ và thái độ sống của mỗi người. Đó là điều làm cho Thiên Chúa vui thích khi ở giữa dân của Ngài.

Trước một mối tình thủy chung như thế, con người phải đáp lại bằng cách nào để cho cân xứng, thay vì sống thủy chung với Thiên Chúa, con người đã quay lưng lại, đã chạy theo những nhu cầu thực dụng với những hình thức tôn giáo bên ngoài, đó là những buổi cầu kinh với các thần ngoại, đó là những ngày tham dự các lễ hội từ các dân lân bang, có phải họ đã đóng cánh cửa tâm hồn của mình lại, có phải họ đã bịt tai, đã ngậm miệng nín câm đối với Thiên Chúa. Còn Thiên Chúa thì sao: “Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng”. Thiên Chúa luôn cố gắng chữa lành tất cả những vết thương từ tâm hồn cho đến thể xác của con người, chỉ mong sao con người sống tử tế với Ngài, chỉ mong sao con người đừng sống hai lòng, đừng lừa dối chính mình.

Cảm nghiệm được niềm vui khi Thiên Chúa chữa lành những nỗi đau của con người, thánh Gia-cô-bê đã khuyên nhủ anh chị em trong các cộng đoàn Giáo hội sơ khai, hãy luôn trân quý nhau trong tình huynh đệ, hãy cùng nhau xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn, bởi đó nguồn sống thiêng liêng và là động lực giúp mỗi người trung thành với Thiên Chúa: “Anh em thân mến, anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Sự xuất hiện của Con Thiên Chúa làm người như một lời minh định về quyền làm người của mỗi người, Thiên Chúa không phân biệt kẻ giàu người nghèo, không coi trọng người khôn ngoan và bỏ qua những người thấp kém, Ngài luôn đề cao đến giá trị của mỗi tạo vật, bởi trong mỗi tạo vật luôn mang họa ảnh và hơi thở của Thiên Chúa. Đó thực sự là giá trị của mỗi người, đừng bịt tai và im tiếng khi Thiên Chúa đang dạy bảo con người.

Những căn bệnh thể lý luôn làm gián đoạn mọi sinh hoạt của con người, có những căn bệnh làm cho con người như mất kết nối với tha nhân, một tương quan với cộng đoàn, như căn bệnh câm và điếc. Đây là những căn bệnh liên quan đến ngũ quan của con người. Đó là những cánh cửa giúp con người mở ra với tha nhân, với thế giới, đồng thời cũng từ đó, bản thân đón nhận được nhiều nguồn năng lượng cả về tinh thần lẫn thể chất, giúp con người phát triển cách quân bình. Anh chàng bị câm điếc trong câu chuyện của bài Tin mừng, không phải để kể khổ về cuộc đời anh ta, nhưng cho người đọc thấy nỗi đau tinh thần khi anh ta bị mất kết nối với mọi người, với thế giới, đặc biệt với Thiên Chúa. Con Thiên Chúa làm người đã mở lại những cánh cửa nặng nề đó cho chàng thanh niên, giúp anh ta tìm lại được chính mình, giúp anh ta tìm lại được người thân và niềm vui cộng đoàn. Thiên Chúa luôn thực hiện những gì con người không có khả năng thực hiện, Ngài luôn mở cho con người cánh cửa sự sống và niềm vui của tình Trời.

Tại sao ông nầy có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được? Đó là một phản ứng của đám đông khi nghe Đức Giêsu giới thiệu về lương thực trường sinh, về bánh hằng sống. Lời này chói tai quá, ai mà nghe được!? thêm một phản ứng từ các môn đệ, những người đi theo Đức Giêsu bấy lâu, và đó cũng là những suy nghĩ của đám đông khi nghe những bài giáo lý về Bánh hằng sống, về sự sống mai sau. Có phải căn bệnh điếc và câm đang đóng kín mọi cánh cửa tâm hồn của những người đang đi theo Chúa, đang nghe Chúa dạy bảo. Họ cố tình hay vô ý để rồi không hiểu được ý nghĩa của các bài giáo lý đó. Khi con người cố chấp, đóng hết mọi lối nẻo để Thiên Chúa có thể đến với mình và mọi người, họ sẽ trở nên những người khuyết tật tâm hồn, họ sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt sự thánh thiện công chính, tình trạng đó đưa con người tới chỗ mất tương quan với Thiên Chúa và mất kết nối với anh chị em chung quanh. Thiên Chúa mong muốn được chữa lành những tâm hồn, những con người như thế, khi họ mở lòng đón Ngài vào trong cuộc đời của mình.

Lạy Chúa, sự xuất hiện của Con Thiên Chúa trong thế giới đã đem lại cho nhân loại một niềm vui và nguồn hy vọng, bởi Ngài đã mở toang mọi cánh cửa bấy lâu bị khép chặt vì tội lỗi, xin giúp chúng con luôn sẵn sàng cộng tác với Con Thiên Chúa, mở toang mọi cánh cửa trong cuộc đời của mình, để mình sống nhưng không phải là mình sống mà là Đức Kitô sống trong mỗi người. Chữa lành những vết thương tâm hồn cho con người bằng tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, xin chữa lành những căn bệnh cố hữu trong mỗi chúng con, đó là hẹp hòi, ích kỷ và nhỏ nhen, để chúng con can đảm đứng lên, đi tới với những ai đang mong, đang chờ niềm vui chữa lành và nguồn hy vọng của cuộc sống hôm nay và mai sau. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây