TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 12/09/2024 14:23 |   315
“Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế… thấy một người tên là Mát-thêu… Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.” (Mt 9,9-13)

21/09/2024
thứ bảy tuần 24 THƯỜNG NIÊN

Thánh Mátthêu, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng

Thánh Matthêu

Mt 9,9-13


anh hãy theo tôi
“Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế… thấy một người tên là Mát-thêu… Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.” (Mt 9,9-13)

Suy niệm: Tin Mừng Mát-thêu kể lại câu chuyện của mình quá vắn gọn khiến ta có cảm tưởng như Chúa Giê-su và Mát-thêu tình cờ gặp nhau, cũng như ơn gọi Tông đồ của Mát-thêu là việc ngẫu nhiên, không hề có chủ đích trước. Thế nhưng đằng sau trình thuật rút gọn này, chúng ta hiểu rằng Mát-thêu đã không ít lần gặp Chúa Giê-su, nghe Ngài giảng dạy, và đây là giây phút quyết định. Thiên Chúa không làm gì mà không định liệu trước, và cũng chẳng có gì là ngẫu nhiên, tình cờ đối với Ngài. Với Mát-thêu cũng vậy, cũng phải đắn đo suy nghĩ một thời gian để rồi có giây phút đoạn tuyệt này. Từ bỏ một nghề nghiệp béo bở cho cuộc sống, đi theo một người “chẳng có nơi tựa đầu” là điều chẳng dễ dàng chút nào. Ta cảm phục Mát-thêu vì ông đã chọn lựa Đấng Hằng sống thay vì tiền bạc của cải đời này.

Mời Bạn: “Con hãy theo Ta” là tiếng Chúa nói với mỗi người chúng ta trong mọi ơn gọi cũng như mọi cảnh vực của cuộc đời. Theo Ngài ở đây và lúc này là gắn bó với Ngài, sống tinh thần của người môn đệ, tìm mọi cơ hội áp dụng lời Thầy dạy bảo.

Sống Lời Chúa: Vậy bạn hãy xét xem đâu là ý nghĩa Lời Chúa Giê-su mời gọi hãy theo Ngài, đâu là cung cách tốt nhất tôi theo Ngài lúc này đây, trong hoàn cảnh tôi đang sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa cho con được vinh dự làm con cái Chúa, môn đệ Chúa Ki-tô. Xin cho con luôn sẵn sàng đáp lại lời Chúa kêu mời mọi nơi mọi lúc trong cuộc đời, để con chỉ xin một điều duy nhất: Xin vâng. Amen.

Ngày 21: Lạy Chúa! Nếu nghĩ ái tình là lẽ sống, chúng con sẽ nhận lấy thương đau. Nếu coi hơn thua là mục tiêu, chúng con sẽ luôn bất ổn. Nếu lấy “biết đủ” làm tiêu chí, chúng con sẽ luôn an lòng. Nếu có được một tâm thái tùy thuộc ý Chúa, chúng con sẽ sống trọn một đời lạc quan, cởi mở. Nếu chứa đựng một trái tim bình an, chúng con sẽ có một lối sống tự do, tự tại. Nếu biết nhường nhịn, cuộc sống của chúng con sẽ càng thêm vui tươi. Nếu luyện tập có thói quen phản tỉnh mỗi ngày, chúng con sẽ càng tỉnh thức sẵn sàng chờ đợi Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ bảy tuần 24 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 6, 13-16
“Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tinh tuyền, cho tới ngày Chúa lại đến”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà tới thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy, hay có thể xem thấy: Vinh dự và quyền năng (xin kính dâng) cho Người muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).

Xướng: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa; chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

Xướng: Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 35-37. 42-49

“Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, có người sẽ nói: những người chết sống lại thế nào? Họ lấy thân xác nào mà đến? Hỡi kẻ khờ dại! Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng.
Và nếu có xác phàm thì cũng có xác thiêng, như lời chép rằng: “Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Nhưng điều có trước, không phải thuộc tinh thần, song là điều thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc tinh thần. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy”. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 55, 10c-11. 12-13

Ðáp: Tôi sẽ bước đi trước nhan Thiên Chúa, trong ánh sáng của cõi nhân sinh (c. 13c).

Xướng: Tôi biết chắc điều này là Thiên Chúa phù trợ tôi. Nhờ ơn Thiên Chúa là Ðấng mà tôi ca tụng lời hứa, tôi tin cậy vào Thiên Chúa, tôi không kinh hãi; con người phàm kia làm chi hại được tôi.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con khấn cùng Ngài, con sẽ tiến dâng Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh.

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia. Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả. – Alleluia.)

Phúc Âm: Lc 8, 4-15

“Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm”.

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: “Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG (Lc 8,4-15)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Khi đi truyền giáo, Đức Giê-su đi rao giảng về Nước Thiên Chúa hay Nước Trời. Đây là những ý tưởng quá trừu tượng mà thính giả phần lớn là dân quê, ít học, ngay các Tông đồ nồng cốt cũng ở trong tình trạng đó. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dùng dụ ngôn người gieo giống đi gieo lúa để nói về hạt giống Lời Chúa. Theo đó, Lời Chúa như hạt giống được gieo vào lòng mọi người để có thể phát triển và sinh hoa kết quả tùy theo thái độ đón nhận của từng người: có người không chấp nhận, có người chấp nhận với thái độ ơ hờ lạnh nhạt, có người đón nhận với lòng thành để Lời Chúa có thể sinh hoa kết quả dồi dào gấp 30, 60 hay 100 lần.

2. Để dễ hiểu dụ ngôn này, chúng ta cần biết phương pháp gieo giống của người Do-thái thời Đức Giê-su.Theo kỹ thuật canh tác thông thường, người nông dân cầy xới đất trước, rồi mới gieo vãi hạt giống. Nhưng vào thời Đức Giê-su, người nông dân Palestina xem ra đảo ngược phương pháp canh tác ấy khi họ gieo vãi rồi mới cầy xới. Với kỹ thuật canh tác này dĩ nhiên người nông dân xem ra không nhọc công nhưng lại phí phạm rất nhiều hạt giống.

Vì vậy, người nông dân không tính toán, không loại trừ. Cả mảnh đất mầu mỡ lẫn mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người đi gieo không bỏ rơi mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Ông luôn muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp mọi nơi.

3. Hôm nay Đức Giê-su kể dụ ngôn người gieo giống và mạc khải cho biết: người gieo giống là Thiên Chúa. Hạt giống là Lời của Người qua các tổ phụ, tiên tri và sau hết là chính Đức Giê-su. Tuy nhiên, thân phận hạt giống thì khác nhau, vì thế, có hạt bị quên lãng, bỏ ngoài tai và vô tâm, chỉ ¼ là được đón nhận. Lý do thân phận của hạt giống bị hư hoại nhiều là vì sự chai cứng trên lối mòn hay bởi gai góc, đá sỏi cằn khô. Chỉ ¼ số hạt gieo vãi  được may mắn rơi vào đất tốt, đủ điều kiện để hạt giống nảy mầm, đơm bông kết trái.  Hình ảnh này cho thấy thực trạng của xã hội chúng ta hôm nay cũng đang bị đủ thứ gai góc, sỏi đá và lối mòn đe dọa đến hạt giống của Lời Chúa (Ngọc Biển).

4. Tâm hồn mỗi người là một thửa ruộng, và không có thửa ruộng nào vô ích. Thiên Chúa sẽ gieo hạt giống Lời Chúa vào mỗi tâm hồn không loại trừ. Việc gieo Lời Chúa lúc nào cũng dồi dào phong phú, còn phía chúng ta, chúng ta sẽ đón nhận Lời Chúa với thái độ nào? Theo bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã phân chia thành 4 loại đất mà người nông phu gieo hạt giống. Bốn loại đất ấy tiêu biểu cho 4 thái độ của con người trước Lời Thiên Chúa:

Đất vệ đường: những kẻ chẳng tha thiết gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị quỷ dữ cướp đi.

Đất lẫn sỏi đá: những người mau mắn đón nhận Lời Chúa nhưng không quí chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó là bỏ cuộc.

Đất có nhiều gai: những người cũng đón nhận Lời Chúa, nhưng điều họ quan tâm hơn là những đam mê, vui thú, của cải… Các thứ sau này như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa bị chết nghẹt.

Đất tốt: những người sốt sắng đón nghe Lời Chúa, ghi sâu vào trong tâm hồn và quảng đại đem ra thi hành trong cuộc sống.

5. Hạt giống nào cũng ẩn chứa những hy vọng; bông hoa nào cũng mang đến những niềm vui. Dẫu biết rằng có những hạt giống bị hư hao do các loại tâm hồn vệ đường, đá sỏi, bụi gai, nhưng người gieo giống – hình tượng của Thiên Chúa – vẫn lạc quan, vì hy vọng sẽ có những hạt rơi vào tâm hồn đất tốt, để rồi sinh hoa kết hạt bội thu. Có vẻ như thất bại của các hạt giống càng lúc càng gia tăng: hạt giống chưa kịp nảy mầm bị chim trời ăn mất, hạt giống đã nảy mầm nhưng bị chết héo, hạt giống đã thành cây con nhưng bị chết ngạt. Thế nhưng, chỉ cần vài hạt giống rơi vào đất tốt, hạt gấp trăm, chẳng những bù đắp những hư hao, và còn dư dật phong phú. Dụ ngôn cho ta cái nhìn lạc quan về Nước Trời, về việc nên thánh của người con cái Chúa (5 phút Lời Chúa).

6. Truyện: Hạt giống bông lau.

Trong số những vị anh hùng xây dựng Hợp Chúng Quốc, phải kể đến Bejamin Franklin, tạ thế năm 1790. Ông là một văn sĩ, nhà ấn loát và xuất bản; lại còn là một nhà phát minh, một khoa học gia, thương gia và nhà ngoại giao. Một hôm, ông nhận được món quà từ Ấn độ. Đó là một cây chổi bông lau. Nhìn cây chổi, ông thấy có vài hạt còn dính lại ở đó, ông đã nhặt ra và lấy đem gieo, thế là hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết hạt. Tới mùa gặt, ông lại lấy những hạt giống đó đem phân phát cho các bạn bè xóm ngõ. Tất cả đều đem gieo, và chẳng bao lâu, Hoa kỳ đã có một kỹ nghệ làm chổi bông lau phát đạt rải rác khắp nơi trong quốc gia. Đó cũng là nhờ Benjamin đã có sáng kiến, biết lợi dụng vài hạt giống nhỏ mọn.

Chúng ta có thể rút ra được bài học qua kinh nghiệm này: sau khi đã tìm hiểu Lời Chúa, chúng ta phải quyết tâm lắng nghe, thực hành và phổ biến Lời Chúa cho người khác. Muốn cho cuộc đời chúng ta sinh hoa kết quả, muốn cho bản thân thành đạt trên đường đời, hãy kiểm tra ruộng lúa tâm hồn thường xuyên và kỹ lưỡng như người nông phu luôn biết săn sóc ruộng sạ của mình. Càng vất vả cầy bừa, diệt cỏ, càng can đảm diệt tính hư nết xấu, Lời Chúa gieo xuống, càng đem lợi ích cho cuộc đời chúng ta.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Mátthêu, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng

Ca nhập lễ
Chúa phán: Các con hãy đi giảng muôn dân, làm phép rửa cho họ, và giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả chọn một người thu thuế là Mát-thêu làm tông đồ rao giảng Tin Mừng. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho chúng con biết noi gương người, luôn hết tình gắn bó với Chúa Kitô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Ep 4, 1-7. 11-13
“Chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Chúa Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.

Nhưng mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Ðức Kitô ban cho. Và chính Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc của Ðức Kitô viên mãn.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5
Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất
Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.
Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! – Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; chúng con tuyên xưng Chúa là chúa tể. Lạy Chúa, ca đoàn vinh quang các Tông đồ ca ngợi Chúa. – Alleluia.

 Phúc Âm: Mt 9, 9-13
“Hãy theo Ta”. – Và ông ấy đứng dậy đi theo Người.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.
Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, trong ngày lễ kính thánh Mát-thêu chúng con dâng lên Chúa của lễ này và khiêm tốn nài xin Chúa ghé mắt nhân từ nhìn đến Giáo Hội vì chính nhờ lời rao giảng của các tông đồ đức tin Giáo Hội được dưỡng nuôi. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng các tông đồ,

Ca hiệp lễ
Chúa phán: Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con đang cảm nghiệm chính niềm vui của thánh Mát-thêu khi người hân hoan đón tiếp Chúa Cứu Thế đến dùng bữa trong nhà mình. Xin cho chúng con luôn tìm được sức mạnh nơi bàn tiệc của Ðấng xưa đã đến để kêu gọi không phải người công chính nhưng là kẻ tội lỗi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Người môn đệ Đức Ki-tô
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Bài Phúc âm hôm nay thuật lại rằng: Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi đó và nói với ông “hãy theo tôi”. Như thế, trước khi mời gọi Mát-thêu trở thành môn đệ của mình, Đức Giê-su đã quan sát và nhìn ông với một ánh mắt trìu mến, đầy yêu thương. Ông Mát-thêu đang là một người thu thuế phục vụ cho nhà nước Rô-ma và trong con mắt của những người dân Do thái, thì ông cũng giống như kẻ tội lỗi, bị mọi người chê ghét và loại ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, điều này không quá quan trọng đối với Đức Giê-su. Người đã nhìn xuống thân phận thấp hèn của Mát-thêu và đã gọi ông. Chính Đức Giê-su đã làm thay đổi cuộc đời của ông: từ một người thu thuế trở thành môn đệ của Người. Gặp được Đức Giê-su ông đã được biến đổi và bằng chứng là ông đã đứng dậy để đi theo Người.

Anh chị em thân mến, ngày hôm nay, Chúa Giê-su vẫn đang đi qua cuộc đời của mỗi chúng ta. Chúa thấy rõ con người và hoàn cảnh của mỗi chúng ta. Chúng ta cũng được Chúa yêu thương nhìn đến và được mời gọi trở nên các môn đệ của Người. Chính bí tích Rửa Tội đã biến đổi chúng ta thành những con người mới, được xóa bỏ tội tổ tông và các tội khác. Chúng ta, từ những tội nhân và giờ đây đã trở thành con cái Thiên Chúa. Gặp được Chúa, con người chúng ta cũng được biến đổi và chúng ta cần có hành động thiết thực để thể hiện là người môn đệ đi theo Người. Xưa kia tông đồ Mát-thêu đã đứng dậy, từ bỏ công việc và địa vị của mình để chọn một đời sống mới, thì hôm nay chúng ta cũng cần có sự từ bỏ những cái xấu, tội lỗi của con người cũ và tuân theo giới răn của Chúa để mặc lấy những điều tốt đẹp của con người mới, người môn đệ Đức Ki-tô. Xin Chúa ban ơn thêm cho chúng ta. Amen.

 

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Việc tôn kính thánh Matthêu ở Roma lên tới thế kỷ V. Hồi đó ngưới ta mừng lễ Ngài trong nhà thờ lớn đường Merulana, và đến thế kỷ VIII lễ kính được thiết lập, có cả lễ vọng. Lễ ngày 21 tháng 9 như hiện nay là theo sổ tử đạo của thánh Jérôme, nhưng ở phương Đông mỗi nơi định mỗi khác tùy theo họ thuộc nghi lễ Byzance và Syrie (16 tháng 9) hay Coptes (9 tháng 9).

Các sách phúc âm trình bày thánh Matthêu như một nhân viên thuế vụ hay người thu thuế (Mt 9,9), con ông Alphée (Mc 2,14), có lẽ gốc người Capharnaum (Mc 27,14; Lc5,27) và là anh em với Giacôbê, vì ông này cũng là “Con ông Alphée”. Tên Matthêu (tiếng Hy lạp là Matthaios) có nguồn gốc Hébreu, có nghĩa là “Ơn của Chúa”. Ngài cũng được gọi là Lévi (Mc 2,14; Lc 5,27). Trong danh mục Nhóm Mười Hai, Ngài xếp thứ bảy hoặc thứ tám (Mc 3,18; Lc 6,15; Cv 1,13). Lời thú nhận của Mat-thêu trước khi được Đức Giêsu gọi, cho mình là một người “Không sạch”, bị phạt theo luật đạo Do Thái. Lời gọi của thầy, Đấng không đến kêu gọi người công chính, nhưng kêu mời người tội lỗi để họ cải hối (Lc 5,22) đã tạo nên nơi Lévi một câu trả lời tức thì và quảng đại: Bỏ tất cả, ông đứng dậy, đi theo thầy (Lc 5,28). Lòng quảng đại và lương thiện của người môn đồ mới được Luca đề cao:

Lévi dọn đại tiệc trong nhà để đãi Chúa Giêsu, tới dự có rất đông những người thuộc nhóm thuế vụ (5,29).

Đức giám mục Hiérapolis (ở Tiểu Á) tên là Papias, vào khoảng năm 125 kể lại rằng Matthêu đã xếp đặt các “ngôn từ” (Logia) của Chúa bằng thể ngữ Hébreu (tiếng Araméen) còn theo Eusêbe, Origène(+khoảng 254), xác nhận Matthêu là tác giả phúc âm thứ nhất, viết gửi đến những Kitô hữu gốc Do Thái. Thánh Irénée (tiền bán thế kỷ III) viết rằng Matthêu đã viết phúc âm nơi nhà những người Do Thái bằng ngôn ngữ của họ.

Theo một số truyền thuyết, thánh Matthêu đã rời Palestine sang truyền giáo nhiều miền khác nhau, ở Ba Tư, Syrie, Macédoine và Ethiopie, rồi tử đạo tại đây. Từ Éthiopie hài cốt Ngài được đưa về Paestum (Campanie), rồi Salerne, thế kỷ X, như Đức Giáo Hoàng Grégoire VII làm chứng, năm 1080. Theo một truyền thuyết khác, di hài Ngài được thánh nữ Hêlêna chuyển từ Jérusalem về Trèves (Đức) tại tu viện thánh Matthêu.

Ảnh tượng thường biểu diễn thánh Matthêu dưới dạng một thiên thần có cánh, tượng trưng cho phả hệ Đức Kitô ở đầu phúc âm Ngài. Các giai thoại về cuộc đời thánh Matthêu, ngoài những nơi khác, còn thấy nơi một loạt các bức họa của Caravage trong nhà thờ thánh Louis des Francais ở Roma.

Thông điệp và tính thời sự

Các kinh nguyện thánh lễ lấy từ sách lễ Paris năm 1738.

Lời nguyện trong ngày ca tụng lòng “Nhân từ sâu thẳm” của Chúa đã chọn “Matthêu người thu thuế đã làm thành tông đồ Chúa”. Trong phụng vụ bài đọc, thánh Bêđa khả kính nhận định rằng Chúa nhìn thấy Matthêu ngồi bàn thu thuế “Không phải bằng con mắt phần xác cho bằng cái nhìn nội tâm của lòng thương xót”. Giải thích ơn gọi dành cho Lévi, thánh nhân khẳng định ý nghĩa và bản chất lời gọi của Đức Kitô: “Khi yêu cầu ông theo Chúa, Chúa không kêu gọi ông đi theo Người cho bằng sống như Người”.

Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh đề tài chính theo phúc âm Matthêu là Giáo hội: “Lạy Chúa xin yêu thương nhìn đến Giáo hội Chúa, vì Giáo hội đã được chính Chúa nuôi dưỡng đức tin bằng lời giảng dạy của các tông đồ”. Từ Giáo hội (Ekklèsia) được sử dụng từ một trăm lần trong Tân ước, đặc biệt là trong các thư thánh Phaolô, nhưng trong các phúc âm chỉ ba lần, chỉ có trong phúc âm Matthêu (16,18; 18,17). Trong 16,18: “Con là Phêrô, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy”. Từ Hội Thánh ở đây chỉ cộng đồng Chúa sắp thành lập xây dựng trên Phêrô. Trong 18,18: “Nếu kẻ ấy chối không chịu nghe họ, hãy nói với Giáo hội”, ở đây từ Giáo hội chỉ nghị viện của các tín hữu tức là đoàn tông đồ. Giáo hội cũng là cộng đoàn mới do Chúa Giêsu thiết lập, được xây dựng quanh Phêrô và các tông đồ, được mời gọi rao giảng phúc âm khắp thế giới (24,14; 26,13) và mọi dân tộc (28,19).

Nước Trời (thành ngữ xuất hiện có tới năm mươi lần trong Matthêu) là điều mới lạ do Chúa Giêsu lập nên. Đây là nước Thiên Chúa hiện hữu “Trên trời”, nhưng thực hiện ở trần gian bằng hình ảnh và việc tham dự, và sẽ kết thúc “Trên trời” vào ngày thế mạt. Hiến chương của Nước Trời là “Bài giảng trên núi” (5,3-11).

Thánh Matthêu vui mừng được đón Chúa vào nhà (lời nguyện tạ lễ) không ngần ngại mời nhiều bạn hữu, thu thuế, người tội lỗi cùng đến dự tiệc với Chúa Giêsu và các đồ đệ của Chúa (9,10). Trong thế giới Palestine, bữa ăn là giây phút cao điểm của lễ hội và gặp gỡ. Đức Giêsu khi nhận lời mời đến nhà một người “không sạch” muốn nhấn mạnh lời mời gọi nhân từ của Thiên Chúa đang mở cửa Vương Quốc của Chúa cho người tội lỗi.

Sau hết chúng ta hãy nhớ lời thánh Bêđa khả kính trong một bài giảng về thánh Matthêu: “Đấng sau này sẽ là Tông đồ và thầy dạy lương dân, lúc cải hối, đã kéo theo mình, cả một đám đông những người tội lỗi trên đường cứu rỗi” (Phụng vụ bài đọc).

Enzo Lodi
 

HẾT TÌNH GẮN BÓ VỚI ĐỨC KITÔ
(LỄ THÁNH MÁTTHÊU 21/09)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Mátthêu hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả chọn một người thu thuế là Mátthêu làm Tông Đồ rao giảng Tin Mừng. Xin Chúa nhậm lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà cho chúng ta biết noi gương người, luôn hết tình gắn bó với Chúa Kitô. Thánh nhân là một nhân vật quen thuộc trong số các Tông Đồ. Câu chuyện người thu thuế ở Caphácnaum là một trong những đoạn văn quen thuộc nhất trong phần nói về sứ vụ của Đức Giêsu ở Galilê. Người đã biên soạn sách Tin Mừng bằng tiếng Hípri. Sách Tin Mừng hiện nay mang tên thánh nhân cho thấy sự liên tục giữa Cựu và Tân Ước. Tương truyền người đã đi giảng ở Đông Phương.

Hết tình gắn bó với Chúa Kitô, để hợp nhất với nhau xây dựng nhiệm thể Đức Kitô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường… Lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ban tặng khôn ngoan; tri thức và hiểu biết là nhờ Người mà có.

Hết tình gắn bó với Chúa Kitô, luôn mau mắn đáp lại tiếng Chúa mời gọi, và giúp người khác đạt tới ơn cứu độ của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bêđa nói: Đức Giêsu thấy người thu thuế; Người nhìn ông với tình thương và có ý chọn ông. Một người thu thuế trở lại đã nêu gương cho nhiều người thu thuế và tội lỗi biết sám hối và được ơn tha tội… Kinh sư lanh lợi và tinh thông luật Chúa được Chúa nhân từ đưa tay chỉ vẽ, và người đem hết tâm hồn tìm hiểu luật Chúa, để vừa thực hành vừa dạy người ta.

Hết tình gắn bó với Chúa Kitô, luôn sẵn sàng chu toàn sứ mạng Chúa trao phó, để vinh quang Chúa chiếu giãi khắp mọi nơi, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 18A, vịnh gia đã cho thấy: Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu. Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Đức Chúa. Lạy Chúa, bậc Tông Đồ đồng thanh ca ngợi Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Bậc Tông Đồ đồng thanh ca ngợi Chúa. Các Tông Đồ được Chúa tuyển chọn cách đặc biệt, vì thế, hơn ai hết, các ngài cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho mình cách đặc biệt. Do đó, chẳng có gì lạ, khi thoạt nghe tiếng Chúa gọi, thánh Mátthêu đã từ bỏ ngay những lợi lộc trần gian, mà ngài đang quản lý, và một khi đã coi thường sự giàu sang đời này, ngài đã dấn bước theo Đấng, mà ngài biết chắc Đấng ấy chẳng có chút của cải vật chất nào. Thật vậy, chính Chúa, Đấng bên ngoài dùng lời nói để gọi thánh nhân, thì bên trong, cũng đã dùng sự thúc đẩy vô hình mà dạy thánh nhân cất bước theo Người, vì Người tuôn đổ vào lòng trí thánh nhân, ánh sáng của ơn thiêng khiến thánh nhân hiểu được rằng: Đấng kêu gọi thánh nhân từ bỏ của cải tạm bợ trên trần gian này, thì cũng có quyền ban kho tàng chẳng hư nát trên trời cho thánh nhân. Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả chọn một người thu thuế là Mátthêu làm Tông Đồ rao giảng Tin Mừng. Ước gì chúng ta biết noi gương người, luôn hết tình gắn bó với Chúa Kitô. Ước gì được như thế!

CÔNG CỤ CỦA LỜI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ông đứng dậy đi theo Người!”.

Một thương gia rất hài lòng với chiếc phong vũ biểu vừa mới sưu tầm; nhưng về đến nhà, ông vô cùng thất vọng khi thấy chiếc kim của nó có vẻ ‘kẹt’; nó chỉ vào ‘khoản bão’. Lắc nó vài lần, chiếc kim vẫn ‘kẹt!’. Ông bực bội viết một thư phàn nàn gửi cho cửa tiệm. Tối hôm sau, từ văn phòng trở về, ông không tìm thấy chiếc phong vũ biểu; ngôi nhà cũng không! Thì ra, chiếc kim của nó chỉ đúng; rằng, đã có một trận cuồng phong!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng lễ thánh Matthêu không nói đến một ‘phong vũ biểu’; nhưng cách nào đó, nói đến một ‘la bàn!’. Người tậu nó, không là một thương gia hoài nghi, nhưng là một quan thuế cả tin! Matthêu luôn tin vào la bàn vốn luôn chỉ về ‘khoản Giêsu’ - người gọi ông - để ông trở nên một công cụ của ân sủng, ‘công cụ của Lời!’.

Với ơn gọi của Matthêu, rõ ràng, sự thánh thiện của một người không đơn thuần là ‘rời bỏ một quá khứ xấu’, nhưng còn là ‘tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện’ của Thiên Chúa; cũng không chỉ là ‘dứt mình ra khỏi’ một cái gì đó, nhưng ‘được biến đổi’ để trở nên một ‘ai đó’, một công cụ Thiên Chúa nhắm đến khi tạo dựng mỗi người để họ trở thành.

Cũng thế, khi gọi bạn và tôi, Thiên Chúa không trao cho chúng ta một tấm bản đồ; thay vào đó, một la bàn. Bạn không nhìn thấy toàn bộ đường đi; đơn giản, chỉ biết phương hướng, và nó luôn chỉ về ‘khoản Giêsu’. Mỗi ngày, Chúa Thánh Thần dun dủi chúng ta để mắt vào ‘khoản đó’ hầu đi về hướng Ngài. Matthêu quả không biết đời mình sẽ ra thế nào, nhưng biết chắc nó phải ‘bắt đầu từ đâu’, và nó ‘phải thay đổi’ khi dõi mắt và đi về hướng Giêsu. Matthêu tin rằng, Chúa Giêsu là người đáng để tin đến nỗi, ông sẽ phó mình hoàn toàn cho Ngài, mặc cho tương lai xem ra vô định. Matthêu đâu biết, rồi đây, ông sẽ viết Tin Mừng, sẽ là một công cụ sắc bén của Ngài, ‘công cụ của Lời!’.

Niềm vui của Matthêu phớn phở qua tiệc ‘Mừng Vĩnh Khấn’. Ở đây, lời Khải Huyền thật thâm trầm, “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với nó!”. Matthêu có thể nói ‘không’, ‘chưa’, hoặc ‘không phải bây giờ’. Và nếu đã có một sự từ chối, hẳn đã không có một bữa tiệc tối nào và do đó, bạn bè ông đã bỏ lỡ cuộc gặp thân mật với Chúa Giêsu, một lần gặp biết đâu đã thay đổi vĩnh viễn một số cuộc đời trong họ. Bằng việc thưa “vâng” của Matthêu, Chúa Giêsu đã có thể chạm vào cuộc sống của ông, của những người khác mà ông là trung gian của Ngài ngay từ giây phút đầu.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ông đứng dậy đi theo Người!”. Lời gọi đi theo Chúa Giêsu, trước hết, là một lời mời hoán cải; tiếp đến, tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện của Ngài. Matthêu trải nghiệm tiến trình đó suốt cả đời mình; đã trở nên một phong vũ biểu, một la bàn chính xác cho hậu thế với chiếc kim luôn ‘kẹt’ ở ‘khoản Giêsu’. Không chỉ báo có một trận cuồng phong, Matthêu còn viết về Đấng có uy quyền trên cuồng phong, cuồng phong thiên nhiên, cuồng phong tâm hồn. Như Matthêu, bạn và tôi được gọi để trở nên một phong vũ biểu, một la bàn cho thế giới, với một điều kiện duy nhất, luôn chỉ đúng hướng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, Chúa gọi con để trở nên một ‘công cụ của Lời’. Đừng để con trở nên một dụng cụ tồi, rẻ tiền; và tệ hơn, chỉ bậy!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây