TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 12/09/2024 14:22 |   346
“Thưa Ngài, tôi không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi... Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Lc 7,1-10)

16/09/2024
Thứ hai tuần 24 THƯỜNG NIÊN

Thánh Cornêliô, giáo hoàng và Thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo

t2 t24 TNb

Lc 7,1-10


lời nói tốt đẹp
“Thưa Ngài, tôi không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi... Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Lc 7,1-10)

Suy niệm:  “Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi...” Biết bao nhiêu bài học rút ra từ một câu nói giản dị như thế. Viên sĩ quan Rô-ma, người phát ngôn câu nói đó hẳn đã hấp thụ một nền giáo dục nhân bản thật tốt: lịch thiệp, khiêm tốn, nhân ái, biết cảm thông... Càng đáng nể phục hơn khi biết rằng ông ta, một người có chức có quyền trong guồng máy cai trị của một đế quốc hùng mạnh, lại nhún nhường cầu xin một người thuộc dân tộc bị trị chữa lành người nô lệ của ông đang đau nặng. Đó không phải là một lời nói xã giao hời hợt. Tính cách dễ mến tỏ lộ qua lời nói đó càng làm tôn thêm lòng kính trọng – không, nói cho đúng hơn – niềm tin tột bực của ông nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà ông biết có một quyền lực thần linh.

Mời Bạn: Một lời nói đẹp lại càng đẹp hơn khi nó được dùng để diễn đạt một niềm tin cao quí. Bạn có cảm thấy xấu hổ khi nghe những lời nói tục tằn thô lỗ thốt ra từ môi miệng những người mang danh là ki-tô hữu?

Chia sẻ: Khi sinh hoạt trong nhóm của bạn, thử đề nghị một phương thế để giúp nhau chừa bỏ tính nói tục.

Sống Lời Chúa: Chừa bỏ và giúp người khác, nhất là người thân của mình, chừa bỏ tật xấu hay nói tục.

Cầu nguyện: Cầu nguyện sốt sắng trước khi rước lễ bằng lời đáp: “Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”

Ngày 16: Lạy Chúa! Xin cho chúng con ý thức những lời mình nói ra, đừng để, vì một lúc cao hứng, mà tùy tiện miệng lưỡi, bởi vì, một câu nói tốt lành có thể sưởi ấm suốt ba mùa đông lạnh lẽo, một lời nói độc ác cũng khiến người khác thấy giá buốt, dù đang buổi trưa hè nóng bức. Trước khi nói, xin cho chúng con biết suy nghĩ, gặp việc nhạy cảm càng phải cẩn ngôn, và hạn chế những lời vô ích. Nếu chúng con không để lời nói khiến người khác oán ghét mình, thì lâu dần, chúng con cũng có thể chuyển hóa địch thù thành bạn hữu. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ hai tuần 24 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 2, 1-8

“Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn mọi người được cứu độ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.

Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó Mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý.

Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 27, 2. 7. 8-9

Ðáp: Chúc tụng Chúa, bởi Ngài đã nghe tiếng tôi van nài

Xướng: Xin nghe tiếng con van nài, khi con kêu cầu tới Chúa, khi con giang tay hướng về thánh điện của Ngài.

Xướng: Chúa là mãnh lực và là khiên thuẫn của tôi, lòng tôi tin cậy vào Ngài và đã được Ngài cứu trợ, bởi thế tâm hồn tôi hoan hỉ và tôi xướng ca ngợi khen Ngài.

Xướng: Chúa là mãnh lực của dân Ngài, là chiến lũy bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Xin cứu sống dân tộc và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn nuôi họ, vinh thăng họ tới muôn đời.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 11, 17-26

“Anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi truyền dạy điều này: tôi chẳng khen anh em, vì anh em hội nhau, không phải để được ích lợi hơn, nhưng là để ra tệ hơn. Trước tiên, tôi nghe đồn rằng: khi anh em họp nhau trong cộng đoàn, thì có sự chia rẽ giữa anh em, và tôi cũng tin phần nào. Vì cần phải có phe phái, để những người đã được thử thách, được tỏ rõ giữa anh em. Vậy khi anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa, vì mỗi người đều lo đem bữa ăn riêng của mình đến để ăn. Vì thế người thì đói, người khác lại say sưa. Chớ thì anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay là anh em khinh miệt Cộng Ðoàn Thiên Chúa, và làm nhục những kẻ không có gì? Tôi phải nói thế nào với anh em? Khen anh em ư? Về điều này, tôi chẳng khen anh em.
Vì chưng, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: “Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.
Vậy hỡi anh em, khi anh em họp nhau để dùng bữa, anh em hãy chờ đợi nhau.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17

Ðáp: Anh em hãy loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến (1 Cr 11, 26b).

Xướng: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”.

Xướng: Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

Xướng: Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

Xướng: Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Người.

Alleluia: Gc 1, 18

Alleluia, alleluia! – Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 7, 1-10

“Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”.

Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Hoặc đọc:

Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, là thông hiệp với máu Chúa Kitô, và tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, là thông phần vào mình Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG TIN, ĐẦY TỚ ĐƯỢC CHỮA LÀNH
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa Giê-su khen viên đại đội trưởng trong Tin Mừng Lu-ca hôm nay là có lòng tin trổi vượt, đến nỗi “Cả trong dân Ít-ra-en, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy” (Lc 7,9). Chúa Giê-su nói: “Cả trong dân Ít-ra-en”, có nghĩa lòng tin của viên đại đội trưởng này mạnh mẽ hơn bất cứ niềm tin nào của người Do Thái, đến nỗi trong cả nước Ít-ra-en, không ai có lòng tin mạnh mẽ như ông. Ông chẳng những là người có lòng tin mạnh, mà còn là người có lòng tốt. Các kỳ lão Do thái thưa cùng Chúa Giê-su: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta” (Lc 7,5). Lòng tốt của ông thể hiện bằng việc làm cho dân chúng, chăm sóc người quanh mình. Lòng tốt cộng với đức tin vào Thiên Chúa quyền năng và sự năn nỉ khiêm tốn nài van, đầy tớ ông được chữa lành.

Phải tin vào Chúa là Đấng quyền năng và lời Chúa có sức chữa lành bệnh tật lắm ông mới cho người đến xin Chúa phán một lời thôi, thì đầy tớ ông được lành mạnh. Lời cầu xin của ông đã được Giáo hội lấy và đặt trên môi miệng của con cái mình trước mầu nhiệm Mình Thánh Chúa: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (x. Sách lễ Rô-ma).

Vậy chúng ta hãy khiêm tốn chạy đến với Chúa, nhìn nhận mình là kẻ bất xứng trước mặt Chúa để cầu xin Chúa xót thương.

 

TÔI KHÔNG ĐÁNG RƯỚC NGÀI (Lc 7,1-10)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Nghe tin Chúa Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, một sĩ quan ngoại giáo liền cậy nhờ những người làm lớn trong dân Do-thái để xin Chúa  chữa đầy tớ yêu quí của ông đang hấp hối. Và các ông đã đến trình cho Chúa biết lai lịch của viên sĩ quan này. Tuy ông là người ngoại đạo, nhưng ông rất có thiện cảm với đạo giáo. Rồi các ông nài xin Chúa đến cứu chữa đầy tớ của ông. Chúa nhận lời.

Người còn đi dọc đường thì viên sĩ quan nhờ bạn hữu đến thưa không dám rước Người về nhà, chỉ xin Người phán một lời cho người bệnh được khỏi, như ông sai bảo binh lính và đầy tớ làm gì là họ làm theo. Chúa thấy viên sĩ quan này có đức tin mạnh mẽ và lòng khiêm nhường như thế thì khen ngợi, và đã làm phép lạ cho đầy tớ ông được khỏi bệnh.

2. Trong Tin Mừng, ít khi chúng ta gặp thấy Chúa Giê-su khen, nhất là khi lời khen dành riêng cho một ai đó. Hôm nay, Chúa Giê-su khen ngợi niềm tin của một sĩ quan Rô-ma, lời khen thiết thực đến mức có sức chữa lành một người tôi tớ của vị sĩ quan này.  Điều lạ ở đây là người được Chúa Giê-su ca ngợi về niềm tin, không phải là một chức sắc tôn giáo Do-thái, cũng không phải là một đạo hữu Do-thái mà là một kẻ ngoại đạo cầm quyền đô hộ dân Người.

Với những gì thánh Lu-ca tường thuật, chúng ta dễ nhận ra rằng, Chúa Giê-su không quá phân biệt người có đạo hay kẻ ngoại, mà Chúa nhìn thấy tâm hồn của mỗi người… Điều mà Chúa khen tặng và sẵn sàng chữa lành hôm nay, chính là lòng tin, sự khiêm nhường cùng một số các đức tính khác mà chúng ta sẽ triển khai dưới đây.

3. Niềm tin của vị sĩ quan.

Lời của viên sĩ quan: Vì tôi chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi cùng có lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; tôi bảo nguòi khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”(Lc 7,8).

Đây là một lời tuyên xưng đức tin cao độ. Với cách so sánh, ông tuy là quan nhỏ, nhưng cũng có cấp dưới và họ phải vâng lệnh ông, từ đó ông tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, có quyền trên mọi quyền lực thần thiêng, có quyền trên mọi bệnh tật và tất cả đều phải vâng lệnh Người (quan niệm của người Do-thái tin bệnh tật  là do tà thần và sự sữ).

Điều đáng nói ở đây nữa là, một sĩ quan thường ỷ thế vào quyền lực và tiền bạc để lo lắng cho người đầy tớ, nhưng không, ông tin Chúa Giê-su mới có thể chữa lành và niềm tin của ông đã được đền đáp (Hiền Lâm).

4. Lòng thương người của vị sĩ quan.

Ông thương bằng cách sẵn sàng chịu cực đủ thứ để mong cứu nó. Theo luật pháp Rô-ma, một “nô lệ” được định nghĩa một “đồ dùng”, không có quyền pháp định nào. Chủ nhân có quyền tự do sinh sát đối với người nô lệ của mình. Một văn sĩ Rô-ma chuyên về quản lý gia cư có lời khuyên những chủ trại mỗi năm nên kiểm kê các vật dụng và cũng khuyên họ ném bỏ bớt những món gì cũ kỹ, bể nát, “kể cả” những nô lệ già yếu không sử dụng được nữa. Có biết được như thế, chúng ta mới thấy thái độ của viên sĩ quan Rô-ma này đối với nô lệ là quá phi thường.

5. Sự khiêm nhường của vị sĩ quan.

Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan đến xin Chúa chữa bệnh cho người tôi tớ hôm nay có quyền lực đại diện cho đế quốc Rô-ma để cai trị một vùng của người Do-thái, ông có lính tráng và kẻ hầu người hạ, thậm chí xét về mặt chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Chúa Giê-su truyền đạo.

Thế nhưng, ông nhận ra nơi con người Chúa Giê-su không đơn thuần là một thầy dạy như các luật sĩ, mà là một vị tiên tri của Thiên Chúa, nên ông cảm thấy bất xứng trước mặt Ngài. Ông nhìn nhận mọi chức vụ và địa vị đều dưới quyền của Thiên Chúa, và ông đã khiêm tốn nói lên: Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh” (Lc 7,7).

6. Truyện: Hạ mình xuống sẽ được nâng lên.

Một hôm, Dương Chu sang nước Tống, vào ở trọ một nhà kia. Người chủ nhà trọ có hai nàng hầu, một nàng đẹp, một nàng thì xấu. Để ý quan sát, Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quí trọng người thiếp xấu mà khinh rẻ người thiếp đẹp. Lấy làm lạ, không hiểu nổi, Dương Chu mới hỏi thằng bé trong nhà trọ. Thằng bé tiết lộ:

– Người thiếp đẹp, tự cho mình là đẹp nên mất đẹp. Chúng tôi chẳng ai nhìn ra cái đẹp của nàng cả. Trái lại người thiếp xấu, tự biết mình là xấu, mà quên xấu, không còn ai nhìn thấy cái xấu của nàng nữa.

Dương Chu liền gọi học trò đến, dặn:

– Các con nhớ ghi lấy: giỏi mà bỏ được cái thói tự cao mình là giỏi, thì đi đâu mà chẳng được người yêu quí tôn trọng.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Cornêliô, giáo hoàng và Thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo

Ca nhập lễ

Vị thánh này đã chiến đấu đến chết vì lề luật Chúa, và không sợ hãi lời đe doạ của những kẻ gian ác, vì người đã được xây dựng trên tảng đá vững chắc.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho dân Chúa hai vị mục tử nhiệt thành và cũng là những chứng nhân bất khuất là thánh Co-nê-li-ô và thánh Síp-ri-a-nô. Xin nhận lời hai thánh chuyển cầu, cho chúng con can trường giữ vững đức tin và không ngừng hoạt động cho Giáo Hội được hiệp nhất. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng tiến, để kính nhớ ngày các chứng nhân của Chúa chịu tử hình. Chính của lễ này, xưa đã làm cho các thánh Co-nê-li-ô, và Síp-ri-a-nô nên can trường trong cơn bách hại, nay xin cũng làm cho chúng con vững lòng bền chí những khi gặp thử thách gian nan. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa cho chúng con tham dự bí tích Thánh Thể. Xin cũng ban cho chúng con biết noi gương hai thánh Co-nê-li-ô và Síp-ri-a-nô mà nên mạnh mẽ nhờ sức mạnh của Thần Khí để làm chứng cho chân lý Tin Mừng. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ kính các thánh Corneille và thánh Cyprien được Giáo hội Roma cử hành từ thế kỷ IV, kỷ niệm việc tử đạo của thánh Cyprien bị xử trảm ở Carthage năm 258. Lễ được cử hành nơi hầm mộ thánh Corneille ở hang toại đạo Calixte. Nhưng khi lễ kính Thánh giá được đưa vào phương Tây ngày 14 tháng 9, lễ hai thánh Corneille và Cyprien chuyển xuống ngày 26 cùng tháng. Thánh Corneille chết trong khi bị lưu đày trước cuộc tử đạo thánh Cyprien mấy năm sau cũng được nhắc tới chung với thánh giám mục Carthage trong lễ qui Roma để ghi nhớ tình bạn giữa hai vị.

Thánh Corneille người Roma lên thay thế Đức giáo hoàng Fabien năm 251 sau một năm tòa giám mục Roma trống ngôi do cuộc bách hại của hoàng đế Decius, mà theo lời thánh Cyprien, là người “thà thấy một đối thủ nổi lên chống đối mình còn hơn thấy một giám mục của Chúa ở Roma”. Lên ngôi giáo hoàng, Đức Corneille đụng đầu với vấn đề quan trọng là hoà giải các Lapsi, tức là những Kitô hữu trong lúc cấm cách đã chẳng may chối đạo. Đức giáo hoàng muốn có thái độ khoan dung, thứ tha và tái nhập họ, nhưng một linh mục người Roma tên là Novatien tự xưng giám mục đối kháng, tố cáo Ngài là chiếu cố. Thái độ nghiêm khắc của Novatien bị Đức giáo hoàng kế án, trở thành nguồn gốc của giáo hội ly giáo Novatien có mặt tại Roma xứ Gaule, Tây Ban Nha, và mãi tới thế kỷ VII mới tan rã.

Trong cuộc chiến chống lại ly giáo Novatien, Đức giáo hoàng Corneille được sự hỗ trợ của Đức giám mục Cyprien ở Carthage, vì Đức giám mục Cyprien cũng vấp phải những khó khăn tương tự, do nhóm ly giáo nghiêm khắc Félicissime và Novatien. Thời Gallus bắt đầu bách hại đạo (251-253), Đức giáo hoàng Corneille bị đày đi Centumcoellae (phía Bắc Roma), ít lâu sau Ngài qua đời. Sau này thánh Cyprien nêu tên Ngài là tử đạo. Hài cốt Ngài vẫn được tôn kính nơi mộ Ngài trong hang toại đạo Calixte ở Roma.

Thascius Caecilius Cyprianus sinh đầu thế kỷ III ở Carthage, tại đây Ngài trở thành một nhà tu từ nổi tiếng. Do ảnh hưởng của linh mục Caecilius, Cyprien trở lại đạo vào khoảng hai mươi lăm tuổi, được rửa tội tháng 6 năm 245 hoặc 246. Ngài kể lại cuộc cải giáo của mình trong cuốn tiểu luận Gửi Donatus (246). Năm 249, Cyprien được chọn làm giám mục Carthage nhưng cuộc bách hại của Decius (cuối 249) buộc Ngài phải rời thành phố. Ngài viết nhiều thư nâng đỡ các Giáo hội bị bắt bớ. Trở về Carthage năm 251, Ngài cũng đụng đầu với vấn đề Lapsi như Đức giáo hoàng Corneille ở Roma bởi vì có nhiều giáo hữu đã chối đạo trong thời kỳ cấm cách. Hoàn toàn đồng ý với Đức giáo hoàng, Ngài chọn biện pháp nhân từ, vừa chống lại chủ trương quá rộng của một số người xưng đạo, vừa chống thái độ quá nghiêm khắc của một số người khác tập trung chung quanh Félicissime. Ông này bị kết án và bị vạ tuyệt thông do công đồng Carthage năm 251 mặc dầu các giám mục chống đối đã từng truyền chức linh mục, thậm chí cả chức giám mục cho Cyprien.

Nhiều thử thách khác nhanh chóng ập xuống Giáo hội châu Phi: Những cuộc tấn công đốt phá bắt giáo dân làm con tin, trận dịch hạch bị đổ tội cho các Kitô hữu là nguyên nhân. Thánh giám mục Carthage đã mở một cuộc lạc quyên để chuộc các tù binh và tổ chức những cuộc cứu trợ bất kể tôn giáo.

Từ năm 255, đối với thánh Cyprien và các giám mục châu Phi đã nãy sinh vấn đề thành sự của phép rửa do người lạc giáo cử hành. Đức giám mục Carthage và các giám mục châu Phi cho rằng thánh tẩy do người lạc giáo cử hành thì bất thành, ngược lại, Đức thánh giáo hoàng Etienne theo truyền thống Roma, công nhận việc đó. Tranh cãi giữa hai bên suýt đưa tới đổ bể, nhưng cái chết của Đức giáo hoàng Etienne vào năm 257 và cuộc tử đạo của thánh Cyprien năm 258 đã chấm dứt cuộc tranh luận suýt gây tác hại lớn.

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày mừng đồng thời thánh Corneille và thánh Cyprien vừa là những chủ chăn tuyệt vời, vừa là những tử đạo anh hùng. Lời nguyện nhắc chúng ta cầu xin ơn biết “ân cần làm việc cho sự đoàn kết trong Giáo hội”. Bức thư thánh Cyprien gửi đến Đức giáo hoàng Corneille, được Phụng vụ giờ kinh ghi lại, có những dòng sau đây: “Chúng ta chỉ là một Giáo hội, tinh thần chúng ta hợp nhất, sự hợp nhất của chúng ta không thể phân rẽ; giám mục nào lại không vui trước vinh dự một giám mục khác như thể đó là vinh dự của riêng mình”. Theo giáo lý thánh Cyprien về sự hợp nhất của Giáo hội, chính giám mục là trung tâm của sự hiệp nhất đó. Giám mục ở trong Giáo hội và Giáo hội ở trong Giám mục; kẻ nào không cùng với giám mục, không ở trong Giáo hội. Sự hợp nhất ấy được biểu đạt và thực hiện trong Thánh thể. Sự thông hiệp của tất cả các giám mục về đức tin và hoà thuận, trong tình hiệp thông với Ngai tòa Roma, làm nên tính hợp nhất của Giáo hội phổ quát (xem tiểu luận về sự hợp nhất Giáo hội công giáo). Roma, Giáo hội của Phêrô, là dấu hiệu sự hợp nhất của các giám mục với nhau. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng giáo lý về Giáo hội của thánh Cyprien và về tính cách tối thượng của giám mục Roma không hoàn toàn mạch lạc và tỏ ra thiếu sót, nhưng đàng khác Ngài lại gọi Giáo hội Roma là Ecclesia principalis (Giáo hội chính) “từ đó phát xuất sự hợp nhất sacerdotale”; cần giữ hiệp thông với Giáo hội ấy, mặc nhiên công nhận Giáo hội ấy có quyền uy trên mọi Giáo hội và chạy đến với giáo hoàng khi cần thiết.

Lời nguyện trên lễ vật, lấy từ Sách lễ Paris năm 1738, cho ta xin ơn “vững bền trong nghịch cảnh” theo gương hai thánh Corneille và Cyprien đã can đảm trong khi bị bách hại. Thư số 57 của thánh Cyprien nhắc lại các phương tiện cần có trước khi “giao chiến”: “không ngừng chay tịnh, cảnh giác, cầu nguyện cùng với toàn dân. Bởi vì đó là những thứ khí giới trời ban để giúp ta đứng vững và can đảm trung kiên”.

Lời nguyện tạ lễ khuyên chúng ta trở nên mạnh mẽ nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần ngõ hầu làm chứng cho chân lý phúc âm.

Tháng 8 năm 257, khi Valérien tung ra một sắc chỉ bắt đạo mới, thánh Cyprien ban đầu bị đày đi Curubio, một thị trấn nhỏ ở Bắc Phi, nhưng chỉ một năm sau, được gọi về Carthage lại. Can đảm và sáng suốt, thánh nhân đã sẵn sàng cho cuộc tử đạo; Ngài viết: “Một giám mục thì nên xưng đạo tại nơi thành phố có Giáo hội mình, và để cho dân chúng của mình nhờ đến sự tuyên xưng ấy”. Biên bản phiên tòa xét xử và câu chuyện cuộc hành quyết Ngài được cuốn công vụ quan thái thú kể lại, còn lưu giữ đến thời chúng ta và Phụng vụ bài đọc có trích một đoạn: “Cuối cùng quan thái thú quyết định tuyên án: Ta truyền phạt Thascius Cyprianus phải bị chặt đầu? Cyprien liền nói: Deo gratias. Tạ ơn Chúa”.

Thánh Cyprien giám mục Carthage và thánh Corneille, giáo hoàng liên kết với nhau bằng một tình bạn chân thành cũng như cùng một tình yêu với Chúa và Giáo hội. Qua gương sáng, các Ngài kêu mời chúng ta làm việc để mọi người cùng có được Giáo hội làm mẹ, hầu cùng có Chúa làm cha: “Chúng ta hãy nhớ đến nhau, hãy chỉ có một tấm lòng, một tâm hồn; mỗi người hãy cầu nguyện cho người khác; vì tình yêu hãy làm nhẹ những khổ cực lo lắng của nhau” (Thư thánh Cyprien gửi Đức giáo hoàng Corneille trong Phụng vụ bài đọc).

Enzo Lodi
 

TIN SẼ SỐNG MUÔN ĐỜI
(THÁNH CONÊLIÔ & THÁNH SÍPRIANÔ 16/09)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Conêliô và Thánh Síprianô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho Dân Chúa hai vị mục tử nhiệt thành và cũng là chứng nhân bất khuất là thánh Conêliô và thánh Síprianô. Xin Chúa nhậm lời hai thánh chuyển cầu mà ban cho chúng ta can trường giữ vững đức tin, và không ngừng hoạt động cho Giáo Hội được hợp nhất. Thánh Conêliô làm Giám Mục Giáo Phận Rôma năm 251. Người đã chống lại giáo phái Novaxianô. Chưa được bao lâu, người bị hoàng đế Ganlô bắt đi đày ở Xivitavéckia và đã qua đời ở đây (năm 253). Người đã được thánh Síprianô kính trọng và quý mến. Chính vì thế, ngay từ thế kỷ IV, Hội Thánh Rôma đã mừng lễ thánh Conêliô trong chính hang mộ của người vào ngày lễ thánh Síprianô. Thánh Síprianô sinh tại Cácthagô quãng năm 210, trong một gia đình ngoại giáo. Người lãnh nhận đức tin, làm linh mục, rồi làm giám mục năm 249. Trong cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Valêrianô, người bị lưu đày, rồi ngày 14 tháng 9 năm 258, người chịu chết để làm chứng cho Chúa Kitô. Các thư từ và các tác phẩm người viết ra cho thấy người có tâm hồn của một vị mục tử đích thực, luôn đứng ở chỗ nguy hiểm nhất để nâng đỡ các anh em đang phải chịu bách hại và để duy trì sự hợp nhất trong Hội Thánh. Trong mọi việc, người lo nêu gương sáng về lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô.

Giữ vững đức tin, khi thi hành sứ mạng Chúa giao, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Sứ mạng người của Thiên Chúa phải chu toàn chẳng có gì là vui: dù thuận lợi hay không, thì vẫn cứ phải tìm đến với một Dân, mà mình biết trước là bất tín bất trung, để loan báo cho họ biết kế hoạch phá hủy và đổi mới của Thiên Chúa tình yêu. Muốn chu toàn sứ mạng, mà không nao núng, thì chỉ có một cách là: phải tự nuôi mình bằng chính Lời Chúa, đến nỗi chỉ làm một với Lời Chúa mà thôi. Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ítraen, ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo lại cho chúng biết. Phần ngươi, đừng sợ chúng, cũng đừng phản loạn. Ta sẽ làm cho mặt ngươi ra chai cứng giống như mặt chúng, làm cho trán ngươi ra chai cứng như trán chúng.

Giữ vững đức tin, với tinh thần vững mạnh, và đức ái nồng nàn. như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, sử liệu về cuộc tử đạo của thánh Síprianô cho thấy: Thánh Síprianô chịu tử đạo ngày 14 tháng 9 dưới thời các hoàng đế Valêrianô và Galiênô, nhưng thật ra là dưới triều của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… Khi chúng ta lâm trận và chiến đấu cho đức tin, có Thiên Chúa chứng giám, có các thiên sứ của Người chứng giám, và cả Đức Kitô cũng chứng giám nữa. Ôi vinh hiển dường bao, hạnh phúc biết chừng nào, khi xông vào cuộc chiến mà có Thiên Chúa hiện diện, có Đức Kitô làm trọng tài và đội triều thiên cho người chiến thắng.

Giữ vững đức tin, trong sự hiệp thông với hy tế của Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Nếu có sự chia rẽ giữa anh em, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 39, vịnh gia đã kêu gọi: Anh em loan truyền Chúa đã chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến. Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: Này con xin đến. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ngay cả trong dân Ítraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế. Viên sĩ quan có lòng tin mạnh mẽ, ông đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng mà ông hằng tin tưởng cậy trông: ông bất chấp thân phận của mình để xin Chúa cứu sống người nô lệ của mình, cũng như, Chúa đã bất chấp địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để cứu sống đám nô lệ tội lỗi là chính chúng ta. Ước gì chúng ta hằng biết giữ vững lòng tin vào Chúa, để ơn cứu độ của Chúa được thành toàn nơi bản thân chúng ta. Ước gì được như thế!

QUÀ TẶNG XÓT THƯƠNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi!”.

“Để thoát khỏi nỗi đau gây nên bởi hối tiếc quá khứ hay sợ hãi tương lai, hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót của Thiên Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Chúa bằng việc trung thành với ân sủng! Vì lẽ, quà tặng xót thương là cho không, nó không phải là một quyền!” - Jean-Pierre de Caussade.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chứng thực điều cha Jean-Pierre nói, ‘quà tặng xót thương’ là cho không! Sự thật này thể hiện qua thái độ khiêm nhường tuyệt vời của viên sĩ quan ngoại giáo, khi ông sai người đến xin Chúa Giêsu chữa cho đầy tớ mình mà không dám mời Ngài vào nhà, “Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi!”.

Sự thật sâu sắc Tin Mừng tiết lộ là sự gắn kết của ‘khiêm nhường, đức tin và lòng thương xót’. Viên sĩ quan dường như đã nhận thức được sự vĩ đại của Chúa Giêsu mà ông nghe biết; từ đó, ông cảm thấy mình bất xứng tột cùng. Lời cầu của ông là một hành vi đức tin cao cả và kết quả là lòng thương xót ‘tự nó’ được gửi đến cho ông.

Rất thường xuyên khi cầu nguyện, chúng ta làm như thể chúng ta có quyền hưởng mọi ân huệ của Thiên Chúa. Đây là một sai lầm nghiêm trọng! Hãy học gương tự hạ của con người này bằng cách hiểu rằng, không ai có quyền hưởng nhận bất cứ điều gì đến từ Thiên Chúa. Thừa nhận khiêm tốn của ông là nền tảng cần thiết để mở ra trước lòng thương xót dồi dào của Thiên Chúa; vì ‘quà tặng xót thương’ của Ngài luôn hoàn toàn miễn phí, không ai có quyền đòi! Nhưng tin tốt lành là trái tim Thiên Chúa luôn bùng cháy với ước muốn tuôn đổ quà tặng đó. Hiểu được lẽ thật này là một lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và làm vui lòng Ngài cách tuyệt đối và hoàn hảo nhất.

Được đối thoại với Thiên Chúa đã là một ân sủng! Chúng ta không xứng đáng, chúng ta không có quyền đòi hỏi, vì lẽ chúng ta ‘khập khiễng’ với mọi lời nói và mọi ý nghĩ... Nhưng Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra cho chúng ta cuộc đối thoại này. Phải, Chúa Giêsu Thánh Thể - cánh cửa mở ra - là một ‘quà tặng xót thương’ của Thiên Chúa gần gũi nhất, dễ tiếp cận nhất. Đến với Thánh Thể, chúng ta trở nên tốt hơn, yêu thương anh chị em mình hơn, chứ không tệ hơn - bài đọc một.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi!”. Hôm nay, bạn và tôi cùng suy gẫm những lời đầy cảm hứng của viên sĩ quan lương dân giàu có này. Hãy lặp đi lặp lại lời này nhiều lần để nó có thể ứa trào từ trái tim chật hẹp của mình một tâm tình thờ phượng đích thực; hãy để chúng trở thành nền tảng của mối quan hệ giữa chúng ta với Thánh Thể! Không ai trong chúng ta dám nói, lòng tôi xứng đáng trở nên cung điện cho Vua muôn vua, Chúa các chúa; cũng không ai dám nghĩ tâm hồn mình trong ngần như tâm hồn một trẻ thơ! Chúng ta là những tội nhân khốn cùng được xót thương. Và như vậy, rõ ràng, ‘quà tặng xót thương’ của Thiên Chúa hoàn toàn miễn phí. Vấn đề còn lại, mỗi người sống sao cho xứng đáng với món quà này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con. Dạy con biết dọn lòng mình sao cho bớt bất xứng mỗi khi Chúa ‘liều’ ngự vào!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây