TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 28/08/2024 14:41 |   279
Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. (Lc 6,1-5)

07.09.2024
THỨ BẢY TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

t7 t22 TNb

Lc 6,1-5


ý nghĩa ngày sa-bát
Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. (Lc 6,1-5)

Suy niệm: Luật giữ ngày sa-bát nguyên thuỷ được lập ra đầy tính nhân đạo: Người nô lệ và người ngoại kiều được nghỉ ngơi lại sức sau sáu ngày làm việc vất vả. Cả đến súc vật như trâu bò cũng được nghỉ ngơi không phải kéo xe, kéo cày. Trình thuật sáng tạo theo truyền thống tư tế trong sách Sáng Thế trình bày Thiên Chúa tạo dựng trong sáu ngày và ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Do đó, luật ngày sa-bát qui định nghỉ ngày thứ bảy để thờ phượng Thiên Chúa, và để cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo. Cụ thể là trong ngày sa-bát người ta tổ chức những cuộc hội họp thánh (x. Lv 23,3) và dâng lễ tế (x. Ds 28,9). Ý nghĩa của việc giữ ngày sa-bát là vì lợi ích cho con người và để qui hướng về Thiên Chúa. Nhưng người Pha-ri-sêu là suy diễn và phóng đại việc các môn đệ bứt mấy gié lúa “vò trong tay mà ăn” cho đỡ đói thành hành động gặt lúa, xay lúa mà luật cấm làm.

Mời Bạn: Giữ luật một cách hình thức cứng nhắc hoặc xét nét “chuyện bé xé cho to” và phê phán, lên án đều không phải là mục đích của lề luật. Chúa Giê-su cho biết Ngài chính là “chủ của ngày sa-bát” nghĩa là chủ của Lề luật. Và Ngài cho biết thêm muốn cho việc tuân giữ lề luật có ý nghĩa và giá trị thì không thể thiếu “lẽ công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa” (Lc 11,42).

Sống Lời Chúa: Cung cách ứng xử của bạn phải là nhân nghĩa với tha nhân và kính mến Thiên Chúa thay cho cái nhìn xoi mói, xét đoán và lên án.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết đối xử với tha nhân bằng lòng thương xót như chúng con đã khẩn cầu ‘xin Chúa thương xót chúng con’.

Ngày 7: Lạy Chúa! Đời người cũng chỉ gói gọn trong ba ngày: hôm qua, hôm nay và ngày mai. Hôm qua, như nước chảy mây trôi, qua rồi không thể trở lại; Hôm nay, dù đang ở đây, nhưng cũng từng bước lùi vào quá khứ; Ngày mai, sẽ đến, nhưng rồi cũng sẽ qua đi. Cứ thế, vừa chớp mắt đã là một năm, mới quay lưng đã hết một đời. Chỉ có buông bỏ hôm qua, trân trọng hôm nay, thì ngày mai mới không đến trong hối hận bẽ bàng. Không có khúc khuỷu gập ghềnh, đâu gọi là chinh phục, không có phiền não khổ đau, sao gọi là cuộc sống. Xin cho chúng con biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi đối với những ai kêu cầu Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 1, 21-23

“Người đã giao hoà anh em, để làm cho anh em nên thánh thiện và tinh tuyền”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ xa lạ và thù nghịch trong tư tưởng và trong hành động xấu xa. Nhưng hiện nay, Thiên Chúa đã giao hoà anh em trong xác thịt của Ðức Kitô, nhờ cái chết của Người, làm cho anh em nên thánh thiện, tinh tuyền, không có gì đáng trách trước mặt Người, miễn là anh em được xây dựng, kiên trì trong đức tin, bền vững và không lay chuyển khỏi lòng trông cậy vào Tin Mừng, mà anh em đã được nghe biết và đã được loan báo cho mọi tạo vật dưới bầu trời, là Tin Mừng mà chính tôi, Phaolô, là người phục vụ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 53, 3-4. 6 và 8

Ðáp: Kìa, Thiên Chúa phù trợ tôi

Xướng: Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin.

Xướng: Kìa, Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 4, 6-15 (hoặc 9-15)

“Chúng tôi chịu đói khát và trần trụi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy học hỏi nơi tôi và Apollô lời tục ngữ rằng: “Ðừng làm quá điều đã chép”, để anh em đừng kiêu căng mà theo phe người này chống lại phe người khác. Vì có ai làm cho ngươi được nổi bật đâu? Nào ngươi có điều gì mà không phải là ngươi đã nhận lãnh? Nếu ngươi đã nhận lãnh, lẽ nào ngươi khoe mình dường như ngươi không nhận lãnh?

Phải rồi! anh em đã được no đầy rồi đấy, đã trở nên giàu có rồi đấy, anh em đã cai trị mà không cần đến chúng tôi. Chớ chi anh em được làm vua, để chúng tôi cùng được cai trị với anh em. Vì tôi nghĩ rằng] chúng tôi là những tông đồ rốt hết, mà Thiên Chúa đã phơi bày chúng tôi ra như những người bị tử hình: vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho các Thiên Thần và loài người. Chúng tôi là những kẻ ngu dại vì Ðức Kitô, còn anh em là những người khôn ngoan trong Ðức Kitô; chúng tôi là những kẻ yếu đuối, còn anh em là những người hùng mạnh; anh em là những người sang trọng, còn chúng tôi là những kẻ hèn hạ. Cho đến giờ này, chúng tôi phải chịu đói khát, trần trụi, bị xỉ vả và long đong, chính tay chúng tôi đã vất vả làm việc; khi bị chúc dữ, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi chịu đựng; bị thoá mạ, chúng tôi năn nỉ. Chúng tôi trở nên như đồ phế thải của thế gian này, và như cặn bã của mọi loài cho đến giờ này.

Tôi viết những điều này, không phải để làm nhục nhã anh em, nhưng tôi khuyến cáo anh em như con cái rất yêu dấu của tôi. Vì dẫu anh em có hàng vạn thầy dạy trong Ðức Kitô, nhưng anh em không có nhiều cha đâu; vì nhờ Tin Mừng, tôi đã sinh anh em ra trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 17-18. 19-20. 21

Ðáp: Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).

Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm.

Xướng: Chúa thực hiện ý muốn của những ai tôn sợ Người, Người nghe tiếng họ kêu và Người cứu họ. Chúa gìn giữ tất cả những ai mến yêu Người, và Người hủy diệt hết mọi kẻ bất nhân.

Xướng: Miệng tôi hãy xướng lời ca khen ngợi Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời.

Alleluia: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 1-5

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các ông chưa đọc điều Ðavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi”. Và Người bảo họ rằng: “Con Người làm chủ cả ngày Sabbat”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những ai kính sợ Ngài.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho Bí Tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

MÔN ĐỆ BỨT LÚA VÀO NGÀY SA-BÁT (Lc 6,1-5)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Ngày sa-bát nghỉ việc là để ghi nhớ việc Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi tạo dựng nên thế giới (Xh 20,8-11). Đồng thời nó cũng loan báo việc dân Thiên Chúa khi kết thúc thời gian, đi vào nơi yên nghỉ và bình an của Chúa.

Hôm nay Chúa Giê-su và biệt phái tranh luận nhau về việc sống ngày sa-bát. Biệt phái chỉ biết giữ luật nghỉ ngơi ngày sa-bát. Nên khi họ thấy các môn đệ Chúa Giê-su bứt lúa trong ngày này thì họ lên án. Chúa Giê-su hiểu luật ngày sa-bát nhằm giải phóng con người, nên trách biệt phái quá câu nệ chữ nghĩa của luật mà không hiểu tinh thần.

2. Bộ luật của người Do-thái nhận tại núi Si-nai khi Chúa truyền cho Mai-sen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong sách Lê-vi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ sa-bát, thuộc giới răn thứ ba trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ  và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.

Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần dà, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – luật sĩ – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

3. Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay nói lên sự dị biệt của Chúa Giê-su và người biệt phái về ngày sa-bát ví dụ như việc các môn đệ Chúa Giê-su bứt lúa ăn khi đi qua cánh đồng. Mọi sự việc tầm thường không đáng kể, nhưng cái tính hay ghen tương nghi ngờ, cái tính hay vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết của những người biệt phái đã gây nên cớ xung đột giữa họ với Chúa Giê-su về việc kiêng việc xác ngày sa-bát. Tính ghen tương hay soi mói và nghi ngờ thường xảy ra những xung đột và chia rẽ nhau trong đời sống cộng đoàn và xã hội.

Ngày sa-bát, bứt mấy bông lúa như thế chẳng có lỗi gì, luật chỉ cấm cầy cấy hay gặt hái, nhưng những người biệt phái coi đó như việc gặt hái, là một trong những việc cấm làm trong ngày sa-bát. Đây là tính hay xét nét, khắt khe, quét nhà ra rác… để sinh ra mất lòng nhau.

4. “Đức Giê-su trả lời: Các ông chưa đọc…”.

Đức Giê-su bênh vực các môn đệ bằng cách giải thích cho họ nhớ lại những trường hợp được miễn giữ luật. Và Đức Giê-su đã rút ra từ Thánh Kinh hai trường hợp được miễn giữ luật để minh chứng: 1Sm 21,1-6 và Ml 12,5-6. Ở đây Lu-ca chỉ ghi lại trường hợp thứ nhất về câu chuyện vua Đa-vít cùng với thuộc hạ vì đói quá, nên đã ăn bánh trưng hiến trong đền thờ, thứ bánh mà chỉ dành riêng cho tư tế mới được ăn.

Nại đến bằng chứng này, Đức Giê-su muốn nêu lên rằng được miễn giữ luật khi có việc tối cần, mà ở đây là trong lúc quẫn bách không có gì ăn cho đỡ đói ngoài thứ bánh trưng hiến (Trần Hữu Thành)

5.  Đức Giê-su nói: ”Con người làm chủ ngày sa-bát” (Lc 6,5).

Trả lời phỏng vấn trước ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2005 tại Kon, nước Đức, Đức Thánh cha Bê-nê-đíc-tô cho biết ngài sẽ nói với các bạn trẻ khắp thế giới rằng được làm người Ki-tô hữu thật tốt đẹp biết bao, bởi vì đây đó vẫn phổ biến một quan niệm rằng Ki-tô giáo chỉ gồm những luật lệ cấm đoán mà ta phải tuân giữ. Vị Đại Diện Đức Ki-tô cho thấy đời sống Ki-tô hữu có những luật lệ nhưng đó là đôi cánh để đưa ta lên cao.

Hôm nay lời Chúa nói với chúng ta rằng Ngài là chủ của ngày sa-bát nghĩa là Ngài có quyền qui định luật lệ cho ngày lễ nghỉ nói riêng và mọi luật lệ tôn giáo. Chính những luật lệ ấy nâng chúng ta lên cao khỏi những khuynh hướng thấp lè tè của bản năng để đến gần và nên giống Đức Ki-tô hơn.

7. Đức Giê-su vẫn coi việc giữ luật là việc tốt, là việc đạo đức. Nhưng Ngài muốn rằng, việc giữ luật phải phát xuất từ tình thương nếu không, việc giữ luật chỉ là việc đạo đức ở bên ngoài, mà bên trong không có thực chất. Giữ luật là thể hiện tình thương, không có tình yêu thương thì không còn phải là luật của Chúa.

8. Truyện: Giữ luật một cách máy móc.

Một người Do-thái nọ qua đời. Sau khi đã khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng nghĩa y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.

Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên khi thấy kẻ chết đã sống lại.

Thế nhưng vị giảo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng rồi nói với kẻ chết sống lại như sau:

– Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ ông quả thực là người đã chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của các bác sĩ.

Nói xong ông truyền cho ban tang lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.


ĐẾN VỚI CHÚA CHA QUA ĐỨC GIÊSU
(THỨ BẢY TUẦN 22 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 22 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin Chúa cho chúng ta thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng ta ngày càng phát triển,được Chúa chăm nom giữ gìn.


Thêm lòng tin yêu Chúa, bởi vì, Chúa luôn đi bước trước tái lập lại giao ước, hàn gắn lại những đổ vỡ do sự thất trung bội phản của chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Giêrêmia cho thấy: Tình yêu của Thiên Chúa sẽ không cứu được Dân Người, nếu Dân Chúa không hướng lòng về với Chúa, như người vợ phản bội biết sám hối quay trở về. Chỉ có thế, giữa Thiên Chúa với loài người mới nảy sinh một giao ước mới, không chỉ, đặt nền tảng trên các việc phụng tự hay trên đời sống luân lý, mà còn, phải dựa trên đời sống nội tâm của lòng tin và lòng mến. Ta sẽ lập với nhà Ítraen và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Aicập… Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, xin đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi, và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.

Thêm lòng tin yêu Chúa, với một tâm hồn đơn sơ bé nhỏ: hiền lành, sầu khổ và khát khao sự công chính, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả nói: Anh em thân mến, Chúa hứa ban niềm an ủi đời đời cho người sầu khổ; sầu khổ ở đây không đồng nghĩa với cực khổ ở trần gian này… Những kẻ hiền lành sẽ chiếm hữu Đất đó nhờ sự bình an vĩnh cửu, và không bao giờ quyền lợi của họ bị suy giảm… Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Thêm lòng tin yêu Chúa, để có thể đối mặt với biết bao nghịch cảnh, gian truân khi làm chứng cho Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 144, vịnh gia đã cho thấy: Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người. Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Trong bài Tin Mừng, có mấy người Pharisêu hỏi: Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sabát? Đức Giêsu chính là con đường dẫn chúng ta đến sự thật và sự sống. Muốn đến được với Chúa Cha, chúng ta phải đi qua con đường này. Đi qua con đường Giêsu, chúng ta được phép làm tất cả mọi sự, chúng ta không còn bị quản giáo bởi Lề Luật nữa. Con đường Giêsu là con đường tình yêu: yêu đi rồi muốn làm gì thì làm, tình yêu không bao giờ sai lầm, Thiên Chúa là tình yêu, cho nên, Người không bao giờ sai lầm, Người luôn là sự thật và là sự sống. Tình yêu của Thiên Chúa, con người không thể hiểu được: tình yêu luôn đi bước trước tái lập giao ước do chính con người bẻ gãy, tình yêu thập giá trở nên sầu khổ, hiền lành, chấp nhận trở nên rốt hết để nâng con người lên. Đi qua con đường tình yêu này, chúng ta sẽ bị cho là ngu dại và điên rồ, nhưng, sự khôn ngoan và những toan tính của thế gian sẽ phải chuốc lấy sự hổ thẹn, khi vòng nguyệt quế chiến thắng được trao cho chúng ta ở cuối cuộc hành trình, vì đã kiên trì tiến bước trên con đường Giêsu. Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, ước gì chúng ta thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng ta ngày càng phát triển,được Chúa chăm nom giữ gìn. Ước gì được như thế!

NHỮNG TRÁI TIM
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sabbat?”.

Ngày kia, thăm Ý, Gorky đọc trên một tờ báo, “Hôm nay, diễn vở “Kẻ Địch” của văn hào Marxim Gorky; cuối vở, Gorky gặp khán giả”. Gorky kinh ngạc! Diễn xong, một ‘Gorky giả’ xuất hiện; khán giả reo hò. Kết thúc, Gorky ra phía sau, bắt tay kẻ giả danh, “Chào ngài ‘Gorky!’”. Kẻ giả danh ôm mặt xấu hổ, “Xin ngài tha lỗi, tôi rất nghèo, để nuôi cả gia đình, tôi phải làm thế!”. Gorky hỏi, “Ai đề nghị anh?”; “Cái đói!”. “Nếu việc này giúp anh, tôi rất vui!”. Kẻ giả danh xúc động, “Cảm ơn ngài! Ngài có một trái tim độ lượng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhân câu chuyện văn hào Gorky với trái tim độ lượng, Lời Chúa hôm nay dẫn chúng ta vào một ‘phòng trưng bày’ ‘những trái tim’. Trái tim hẹp hòi, trái tim quảng đại; trái tim biệt phái, trái tim Giêsu; trái tim Đavít và - thật thú vị - ở đó, có cả trái tim của bạn và tôi!

Bối cảnh là một đồng lúa ửng chín; vào một ngày Sabbat, các môn đệ Chúa Giêsu đưa tay hái lúa. Các biệt phái trách, “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sabbat?”; Chúa Giêsu lên tiếng, “Đavít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng?”. Đôi khi, chỉ một câu nói vắn vỏi lại hé lộ cả trái tim! Thử nhìn ‘trái tim hư hoại’ của Hitler với câu nói chết chóc, “Tôi không hiểu tại sao con người lại không được phép tàn nhẫn như thiên nhiên!”. Ông thấy cần thiết phải diệt trừ những kẻ yếu, những dân tộc thấp hèn như luật đào thải của thiên nhiên. Ông phát động Đệ Nhị Thế Chiến dẫn đến cái chết của 6 triệu người Do Thái và hơn 70 triệu người khác của hơn 30 quốc gia tham chiến.

Trong Tin Mừng hôm nay, cũng chỉ một câu nói - “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sabbat?” - các biệt phái vô tình bộc lộ ‘trái tim hẹp hòi’ của họ. Chạy theo hình thức bên ngoài của lề luật, họ bỏ lỡ bức hoạ tình yêu Chúa Giêsu mang đến. Ngài trưng dẫn việc Đavít vào nhà Chúa ăn bánh tiến và cho đoàn tuỳ tùng cùng ăn. Với ‘trái tim xót thương’, Ngài không trách cứ họ mà chỉ gợi lên điều tốt nơi họ.

Từ gợi ý của Chúa Giêsu, chúng ta gặp lại trái tim Đavít, một ‘trái tim dũng cảm’ thắng Goliath; nhân ái với Saul. Đó còn là một ‘trái tim yếu đuối’ khi phải lòng Bethseva để gián tiếp giết chồng nàng. Tuy nhiên, trái tim đó không băng giá, vua ăn năn, và ‘trái tim Thiên Chúa’ đã chạnh thương, “Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người” - Thánh Vịnh đáp ca. Phaolô cũng cho thấy ‘trái tim của một người cha’ khi có sự phân hoá giữa cộng đoàn, “Tôi viết để sửa dạy anh em như những người con yêu quý” - bài đọc một.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sabbat?”. Liệu ‘trái tim của bạn và tôi’ có độ lượng, xót thương, thấu cảm, quảng đại như ‘trái tim của Thiên Chúa’, ‘trái tim của Chúa Giêsu’ hay ‘ít nữa’, hào hiệp như ‘trái tim của Gorky?’. Hoặc nó hẹp hòi, khắc nghiệt và lạnh lùng như trái tim của các biệt phái? Trái tim của bạn và tôi ‘lành lặn’ vì ích kỷ hay nó ‘lắm thương tích’ vì yêu thương? Ở đó, có vết cắt của những thánh giá? Và quan trọng hơn, nó thuộc về ai? Thuộc về Thiên Chúa hay thuộc về thế gian? Ở đó có chỗ cho tha nhân không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin thanh luyện trái tim con hầu nó tinh tuyền như trái tim vẹn sạch Đức Mẹ; ăn năn thật lòng như trái tim Đavít; mến yêu nồng nàn như trái tim tông đồ Gioan!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây