TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 22/01/2024 13:52 |   593
“Anh em hãy lánh riêng ra đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi.” (Mc 6,30-34)

03/02/2022
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Thánh Blasiô, giám mục, tử đạo. Thánh Ansgariô, giám mục.

Mc 6, 30-34

theo nhịp điệu đời sống
“Anh em hãy lánh riêng ra đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi.” (Mc 6,30-34)

Suy niệm: Một người đốn củi thuê mải mê làm việc, tưởng sẽ kiếm được nhiều tiền. Thế nhưng, sau ba ngày làm việc anh bị chủ sa thải. Chỉ vì mải làm, anh quên mất mài dụng cụ, khiến năng suất những ngày sau suy giảm. Cũng vậy, đời sống gồm có hai nhịp: hoạt động và nghỉ ngơi, gặp Chúa, thờ phượng Ngài và gặp gỡ, phục vụ con người. Ta không thể làm việc với năng suất cao nếu không có thời gian nghỉ ngơi thích hợp. Tương tự, ta không thể sống đạo tốt nếu không có thời gian tiếp xúc với Chúa, sống mối tương giao thân tình với Ngài trong thinh lặng. Sau khi các môn đệ kết thúc hành trình truyền giáo, Đức Giê-su nhắc các ông thời gian “mài dụng cụ,” để công việc tông đồ các ông sẽ khởi sắc hơn.

Mời Bạn: Bạn chỉ có thể phục vụ người khác trong vui tươi và với lòng yêu mến khi bạn tiếp sức với Đấng là nguồn sự sống, để nhận sức mạnh nâng đỡ của Ngài. Bạn sẽ là môn đệ trung tín của Chúa nếu bạn dành một chút thinh lặng mỗi ngày để nghỉ ngơi với Ngài.

Chia sẻ: Làm sao để tạo sự quân bình giữa hai nhịp điệu của đời sống?

Sống Lời Chúa: Duyệt xét lại đời sống, xem tại sao mình hay nóng giận, dễ gắt gỏng, phải chăng vì mình thiếu thời gian để ở lại riêng tư, tâm sự với Chúa?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi bị rã rời vì trăm công nghìn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa. Khi bị xao động bởi những bận tâm và lo âu, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Ngài. Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được nhờ mang đôi cánh thần kỳ cầu nguyện.
(Rabbouni)

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin cứu độ chúng tôi, từ khắp muôn dân, xin thu họp chúng tôi về, để chúng tôi được ca tụng thánh danh Chúa, và được vinh dự ngợi khen Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I (Năm I): Dt 13, 15-17, 20-21

“Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra khỏi cõi chết Ðấng nhờ máu giao ước, làm cho anh em xứng đáng thi hành việc thiện”.

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, nhờ Ðức Giê-su mà trong mọi lúc, chúng ta luôn luôn hiến dâng cho Thiên Chúa của lễ ngợi khen, tức là hoa quả của miệng lưỡi ta tuyên xưng danh Người. Anh em đừng quên công việc từ thiện và sự tương tế, vì Chúa hài lòng về những của lễ như thế. Anh em hãy vâng lời và tùng phục các vị lãnh đạo anh em, vì chính các ngài canh giữ linh hồn anh em, như những người sẽ phải trả lẽ, để các ngài hân hoan thi hành việc đó, chớ không phàn nàn, vì điều đó không có lợi gì cho anh em. Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra khỏi cõi chết Ðấng nhờ máu giao ước vĩnh cửu, trở nên vị Mục tử cao cả, tức là Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xin Người làm cho anh em trong các việc thiện, xứng đáng thi hành thánh ý Người, khi Người thực hiện trong anh em điều Người hài lòng, nhờ Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng được vinh quang đến muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 3, 4-13

“Xin ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn ngoan ngoãn để đoán xét dân Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Sa-lô-môn đến Ghíp-ôn để dâng hy lễ, vì đây là nơi cao rộng nhất. Sa-lô-môn dâng trên bàn thờ này một ngàn lễ vật toàn thiêu. Tại Ghíp-ôn ban đêm, Chúa hiện ra cùng Sa-lô-môn trong giấc mộng, và phán rằng: “Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Sa-lô-môn thưa: “Chúa đã tỏ lòng rất nhân hậu đối với cha con là Ða-vít, tôi tớ Chúa, vì người đã sống trước tôn nhan Chúa trong chân lý và công bình, đã ăn ở ngay thẳng đối với Chúa. Chúa đã dành cho người một lòng nhân hậu lớn lao, đã ban cho người đứa con trai hiện đang ngồi trên ngôi báu của người. Và giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ða-vít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn ngoan ngoãn để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này”.

Ðiều Sa-lô-môn kêu xin như trên đã làm đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Sa-lô-môn rằng: “Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho ngươi được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống như ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi. Cả những điều ngươi không xin, như giàu có và vinh quang đến nỗi từ trước đến giờ, trong các vua, không vua nào được như ngươi, Ta cũng ban cho ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 9. 10. 11. 12. 13. 14.

Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy con các thánh chỉ của Chúa

Xướng: Tuổi trẻ lấy chi giữ cho thanh khiết đường đời? Bằng cách noi theo lời vàng của Chúa.

Xướng: Với tất cả tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài.

Xướng: Con chôn cất trong lòng lời răn của Chúa, để con không phạm tội phản nghịch Ngài.

Xướng: Thân lạy Chúa, Ngài muôn phước đức, xin dạy con các thánh chỉ của Ngài.

Xướng: Con kể được ra nơi đầu môi, tất cả những huấn dụ bởi miệng Ngài.

Xướng: Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 30-34

“Họ như đàn chiên không người chăn”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giê-su và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giê-su thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con xin kính cẩn dâng những lễ vật này lên bàn thờ Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận và làm cho trở thành bí tích đem lại ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu độ tôi theo lượng từ bi của Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để tôi phải hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực cứu độ để nuôi dưỡng chúng con; xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TIN VÀ HỌC THEO CHÚA: CHẠNH THƯƠNG
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Đức tin Ki-tô giáo không phải là một mớ lý thuyết hay giáo điều, cũng không phải là một Tin mừng cao xa trừu tượng. Nhưng là một đức tin đặt để nơi một con người bằng xương bằng thịt, với một trái tim dễ rung động và biết yêu thương, đó là Đức Giê-su Ki-tô. Đọc lại các sách Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giê-su đã không làm phép lạ như một phù thuỷ, thầy mo, múa may phù phép; Chúa Giê-su không bao giờ làm phép lạ để lòe mắt thiên hạ, để thu phục dân chúng. Phép lạ là dấu chỉ ơn cứu độ, là dấu chỉ của tình yêu Tin mừng đối với con người, một Thiên Chúa yêu thương đến độ hóa thân làm người và sống thiết thân với con người.

Qua Tin mừng hôm nay, thánh Mác-cô như tóm tắt tất cả dung mạo của Chúa Giê-su trong câu nói: “Chúa Giê-su thấy đông đảo dân chúng thì chạnh lòng thương”. Đây là tất cả mạc khải về tình yêu Tin mừng đối với con người: thay cho một Thiên Chúa ở trên cao, thưởng phạt chí công, lạnh lùng nghiêm khắc, Chúa Giê-su đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, một Thiên Chúa sinh ra như một em bé, một Thiên Chúa cũng biết thế nào là đau khổ, một Thiên Chúa có trái tim cảm thông và tha thứ, một Thiên Chúa gần gũi với con người, có mặt trong từng nhịp thở của con người. Một Thiên Chúa “chạnh thương”.

Cách cụ thể, hôm nay Chúa Giê-su chia sẻ niềm vui với các tông đồ về những thành quả mà các ông đã kinh nghiệm được qua cuộc thực tập loan báo Tin mừng; nhưng Chúa cũng không muốn các ông vì cảm tính nhất thời hay thành công trước mắt mà dễ đánh mất mình, đánh mất sức khoẻ tinh thần cũng như thể lý; Chúa muốn các ông nghỉ ngơi lấy sức, Chúa muốn các ông giữ sự quân bình và kiên trì trong sứ vụ. Chúa mời gọi các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” và chính Chúa cũng cần được nghỉ ngơi. Dầu vậy, khi thấy đám đông như chiên không người chăn thì Ngài lại quên đi bản thân, đích thân Ngài lại xả thân dạy dỗ dân chúng.

Đối tượng đức tin của chúng ta là một con người, đó là Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta không ngừng được mời gọi để sống kết hiệp với Ngài, để đón nhận sức sống của Ngài và sống theo lý tưởng của Ngài. Ước gì chúng ta luôn được củng cố trong niềm xác tín rằng Ngài đang hiện diện và đồng hành với chúng ta trong từng phút giây cuộc sống.

 

HÃY NGHỈ NGƠI MỘT CHÚT (Mc 6,30-34)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Thánh Mác-cô cho biết: sau khi vâng lệnh Chúa đi giảng đạo, các Tông đồ trở về bên Chúa, tường trình về các việc đã làm, các lời đã giảng dạy. Và vì Chúa thấy dân chúng kéo theo các ông đồng đảo quá, đến nỗi không có thời giờ ăn uống, nên Chúa bảo các ông tìm nơi vắng vẻ nghỉ ngơi một chút. Thế là thầy trò xuống thuyền đi… nhưng dân chúng đoán biết nơi Chúa và các Tông đồ định đi, nên kéo nhau đến đó trước.

Vì thế, khi vừa bước lên bờ Chúa đã thấy họ ở đó đợi rồi, nên Người cảm động và thương xót dạy dỗ họ lâu giờ, vì họ bơ vơ như đàn chiên không có người chăn dắt giúp đỡ.

2. Chúa quan tâm đến các Tông đồ.

Trước hết, Chúa Giê-su cảm thông với nỗi vất vả của các Tông đồ khi làm việc truyền giáo nên cần có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe cả về thể xác cũng như tâm hồn. Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau. Đây là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình cuộc sống.

Lại nữa, Chúa Giê-su muốn các Tông đồ cần có sự quân bình giữa đời sống cầu nguyện và truyền giáo, giữa chiêm niệm và hoạt động, giữa việc đạo đức kết hợp với Chúa và công việc mục vụ. Đó cũng là một điều hết sức cần thiết cho các vị lo việc truyền giáo và mục vụ ngày nay. Có những vị “quá dấn thân” cho việc “mục vụ” và “xây dựng” đến nỗi không còn thời giờ để đọc kinh Phụng vụ, không còn những phút thinh lặng cầu nguyện và dần dần đời sống đạo đức èo uột, nói về Chúa mà không sống với Chúa và cuối cùng chỉ còn công việc mà không có Chúa đồng hành nữa.

3. Truyện: Nghỉ ngơi cần thiết và có lợi.

Trong một buổi thuyết trình về vấn đề thư giãn trong cuộc sống, người dẫn chương trình giơ cao một ly nước lên và hỏi khán giả:

– Quý vị thử đoán xem ly nước này nặng bao nhiêu?

– Điều đó còn tùy thuộc vào chuyện anh cầm nó trong bao lâu chứ? Một khán giả nói.

– Đúng vậy – Người dẫn chương trình trả lời – Nếu tôi cầm nó trong một phút thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu tôi cầm nó trong một tiếng đồng hồ thì tay tôi sẽ mỏi. Còn nếu tôi cầm nó cả một ngày, quý vị sẽ phải gọi xe cấp cứu cho tôi. Cùng một khối lượng, nhưng mang nó càng lâu thì nó càng trở nên nặng hơn.

Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu chúng ta cứ liên tục chịu đựng gánh nặng, nó sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng. Không sớm thì muộn chúng ta gục ngã. “Điều quý vị phải làm là đặt ly nước xuống nghỉ một lát, rồi lại tiếp tục cầm nó lên”.

Thỉnh thoảng, chúng ta phải biết đặt gánh nặng cuộc sống, nghỉ ngơi lấy sức để còn tiếp tục mang nó trong quãng đời tiếp theo. Mỗi ngày, chúng ta đều cần phải có giây phút nghỉ ngơi, không bận tâm đến bất kỳ một gánh nặng nào.

4. Chúa Giê-su quan tâm đến dân chúng.

Họ giống như đàn chiên đang bơ vơ không có mục tử chăn dắt. Đây là hình ảnh đáng thương của dân Ít-ra-en thời bấy giờ. Không phải dân không có các vị lo việc phụng tự và dạy dỗ, bởi vì trong 12 chi tộc thì đã có cả một chi tộc Lê-vi làm tư tế, trung bình 1/12. Họ còn có những tầng lớp lãnh đạo, các luật sĩ, biệt phái… Thế nhưng, những đầu mục, các tư tế và các luật sĩ chỉ lo tìm kiếm tư lợi hơn là dạy cho dân nghe Lời Chúa. Họ tìm cách chú giải những điều luật theo ý mình và có lợi cho mình hơn là Lời Chúa. Chính vì thế mà sự xuất hiện của Tin Mừng mà Chúa Giê-su và các môn đệ rao giảng làm họ phấn khởi đi theo. Chính điều này đã đạt ra một sự cấp bách truyền giáo, mà Chúa Giê-su và các môn đệ phải xả thân đến nỗi không còn thời giờ để nghỉ ngơi vì sự khao khát của dân chúng.

5. Truyện: Tổng thống Abraham Lincoln.

Abraham Lincoln là vị tổng thống Hoa-kỳ đã phải đương đầu với cuộc nội chiến tang thương nhất trong lịch sự đất nước. Ngày nọ, căng thẳng gần như điên cuồng, ông đã nhờ người về nơi sinh quán của mình là Kentusky để mời cho được người bạn già đến thủ đô Washington cho ông tham khảo ý kiến. Hai người bạn mừng mừng tủi tủi khi gặp nhau. Sau những giờ phút tâm tư, tổng thống Lincoln cảm thấy tươi vui hẳn lên.

Về sau có người hỏi ông đã làm gì để tổng thống phấn khởi lên như thế. Người bạn già của tổng thống cho biết: tổng thống không bàn hỏi với ông bất cứ điều gì có liên quan đến chiến tranh hay chuyện đất nước. Ông cũng cho biết là ông chỉ ngồi thinh lặng để lắng nghe tổng thống trút hết nỗi lòng của mình (Chờ đợi Chúa).

NƠI THANH VẮNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Các con hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”.

“Mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không thể ngồi yên lặng trong phòng một mình!” - Blaise Pascal.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến sự cần thiết của ‘căn phòng’ mà nhà tư tưởng đề cập. Đó là ‘nơi thanh vắng’ mà một môn đệ Giêsu không thể thiếu. Sau chuyến thực tập, các tông đồ trở về, kể lại bao thành tích. Họ nghĩ Thầy mình sẽ khen; nhưng không, thấy họ thấm mệt, Ngài bảo, “Các con hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”.

Bạn và tôi có cần nghe lại những lời này không? Không chỉ nghe, hãy thưởng thức; lắng đọng và ‘uống từng lời’ yêu thương này! Tại một đại hội giới trẻ, một Giám mục Mỹ đã giảng một bài sôi nổi; trong đó, ngài lặp đi lặp lại ‘câu thần chú’: “Giáo Hội cần những Kitô hữu điên!”. Quan điểm của ngài thật rõ, Kitô hữu phải đi ngược lại các xu hướng thời đại. Khi làm điều đó, bạn trông có vẻ “điên”, nhưng nó lại trông giống Chúa Giêsu. “Điên” khi Kitô hữu trở nên công cụ của Chúa cho tha nhân trong một thế giới ích kỷ; “điên” khi thực hiện công lý trong một thế giới bất công; “điên” khi yêu thương trong một thế giới hận thù; “điên” khi tha thứ trong một thế giới tranh chấp. Và hôm nay, bạn và tôi “điên” khi cần cho mình một ‘nơi thanh vắng’ trong một thế giới điên đảo xô bồ hơn bao giờ hết!

Thế giới đang quay; và xem ra mọi người đang biến ‘sự bận rộn’ thành một ‘huy hiệu danh dự’. “Mọi chuyện thế nào, thưa cha?”; “Khá điên! Khá bận!”. Lời ấy mang một thông điệp ngầm, “Tôi đáng giá, vì tôi bận”. Không! Đó không phải là ‘huy hiệu danh dự’, nhưng là dấu của một cuộc sống mất cân bằng, một sứ vụ mất cân đối, và một nội tâm mất chiều sâu!

Chúa Giêsu đề nghị chúng ta tìm một ‘nơi thanh vắng’; không phải một mình, nhưng ‘lui vào’ đó với Ngài, cùng Ngài và trong Ngài. Ngài là ‘hiện thân của sự sảng khoái’ trong sự hiện diện của Chúa Cha. Bạn cần rút lui với Giêsu, ‘sạc lại pin’ với Ngài; thoát khỏi chiến hào để ở một mình với Ngài. “Nghỉ ngơi” không phải là lười, không là một trạng thái vĩnh viễn; nhưng tạm thời. Vì bạn không thể phục vụ liên tục, phục vụ tốt nhất. Không sống chậm, bạn chẳng có gì để cho; chẳng ích gì cho ai, và nhất là, chẳng ích gì cho Chúa.

Salômon - bài đọc Các Vua - cũng chỉ nghe được tiếng Chúa ở ‘nơi thanh vắng’. Ông cũng khá “điên” khi chỉ xin “một tâm hồn biết lắng nghe”, “Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con!” - Thánh Vịnh đáp ca. Chỉ trong yên ắng, bạn và tôi mới nghe được điều Chúa muốn!

Kính thưa Anh Chị em,

“Các con hãy lánh riêng ra!”. Biết chúng ta đang mệt mỏi, lo lắng, tính toán… với bao dự định tương lai; không ai dám quả quyết, mọi sự sẽ xuôi may và an bình trong những ngày tháng tới… Chúa Giêsu khuyên chúng ta, hãy vào ‘nơi thanh vắng’; ở đó, lòng kề lòng, Ngài sẽ thầm thì với chúng ta; nói cho chúng ta về tình yêu và kế hoạch của Ngài dành cho từng người. Chúa muốn chúng ta có cái điên của các Kitô hữu đích thực, cái điên của các thánh, của Salômon; thay vì tìm lợi lộc, hãy xin biết lắng nghe. ‘Nơi thanh vắng’ là điểm hẹn tuyệt vời bạn và tôi cần, cũng là nơi Thiên Chúa luôn hằng mơ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tìm ‘sai chỗ’ để nghỉ ngơi, với một người, với nhiều người. Xin quyến rũ con vào ‘nơi thanh vắng’ thực; vì biết rằng, ở đây, ‘Ai đó’ đang chờ con!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây