Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 24/01/2024 21:23 |
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |
487
“Hãy im đi và ra khỏi người này!” (Mc 1, 21-28)
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật tuần lễ thứ tư thường niên -B Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 1, 21-28).
(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Thường niên-Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh
Suy niệm
Trong cuộc sống hiện tại của người tín hữu, khái niệm tốt – xấu, hay lành – dữ luôn được hiểu theo khía cạnh luân lý, vì thế, trong mọi thái độ sống hàng ngày, họ luôn đưa những khái niệm đó vào, như là thước đo trong mọi sinh hoạt, giúp họ tránh được những gì là xấu, nâng cao những gì là tốt, phát triển những gì là lành thánh, đồng thời xa lánh những gì là sự dữ. Với những quan niệm như thế, cuộc sống của người tín hữu Kitô đang có chút gì đó thiếu quân bình, bởi ngoài những gì thuộc về luân lý, còn có khía cạnh tâm lý, xu hướng và nhận thức của con người nữa. Những khái niệm này, nhiều lúc chúng ta gán cho xã hội, gán cho hoàn cảnh, nhưng thực chất, nó đến từ ý thức hệ của con người, đến từ môi trường xã hội con người đang dắm mình trong đó, như là thời kinh tế thị trường, chủ nghĩa tiêu thụ và hưởng thụ. Tất cả những khái niệm đó, phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ tư này sẽ cho ta một lời chỉ dạy, giúp con người phân định mọi giá trị cách đúng đắn và chính xác hơn.
Sau những ngày đồng hành với dân Do-thái từ Ai-cập về đất hứa, Thiên Chúa đã cho Môisen nghỉ ngơi, Ngài chọn một người khác thay thế, con người đó sẽ nói những lời chỉ dẫn của Thiên Chúa. Tất cả những chỉ dẫn đó không đến từ con người, nhưng là do Thiên Chúa, Đấng đã đưa họ ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi tình trạng nô lệ: “Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết”. Dù chỉ là một con người như bao người khác, nhưng đó là người của Thiên Chúa, lời nói của người đó, ý hướng và giáo huấn người đó truyền đạt, đều do Thiên Chúa hướng dẫn. Đón nhận sự hiện diện của một người đại diện Thiên Chúa, quả thực là một thách đố lớn, đón nhận lời chỉ dạy của con người đó, mới thực sự là một khó khăn, khi chủ nghĩa cá nhân được đề cao, khi giá trị vật chất được quan tâm hơn giá trị tinh thần trong cuộc sống.
Sống giữa thế gian nhưng không được phép thuộc về thế gian, đó là một thách đố đối với người môn đệ Thiên Chúa. Thánh Phaolo đã căn dặn con cái ngài nơi giáo đoàn Corintho cách cẩn thận và nghiêm túc, khi họ đang đi vào giữa lòng thế gian, với những công ăn việc làm, với những mưu kế sinh nhai: “Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn”. Bổn phận của mỗi ơn gọi khác nhau, nhưng tất cả đều cho danh Chúa hiển vinh, cho Nước Trời hiện diện, vì thế, trong mọi ơn gọi, người môn đệ phải có trách nhiệm và ý thức sâu xa hơn. Đừng để vong thân giữa một xã hội có nhiều thứ ngôn ngữ hấp dẫn, nhiều lời đường mật đang dụ dỗ con cái Thiên Chúa sống sai lệch ơn gọi của mình.
Kẻ thù của Thiên Chúa là Satan luôn tìm mọi mưu kế để chống lại Thiên Chúa, bởi chúng là đại diện cho sự dữ, còn Thiên Chúa mãi mãi là Đấng Thánh. Sự dữ của ma quỷ trong thời hiện đại này không dừng nơi những giá trị luân lý, nhưng còn ảnh hưởng rất nhiều từ trào lưu xã hội và những triết lý sống thực dụng của con người: “Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy”. Ma quỷ nhận ra sự hiện diện của Đấng Thánh, nhưng chúng không tránh xa, hơn nữa, chúng còn đem ra nhiều thủ đoạn để chống lại Ngài. Chúng đã giăng những cạm bẩy hết sức tinh vi cho người trong thời đại mới, khi nhu cầu cuộc sống nâng cao, khi nhiều xu hướng trong xã hội nảy sinh, con người vô hình đang trở thành nạn nhân, từ đây, họ đang xa dần Đấng Thánh, Đấng mà họ gọi là Cha nhân lành.
Những trào lưu xã hội, những nhu cầu cuộc sống của con người, là những mưu lược ma quỷ đang âm thầm đặt trước con người, để biến con người thành đồ đệ của chúng. Những cạm bẩy đó là chủ nghĩa cá nhân, là quyền con người, là sức mạnh của đồng tiền, là tính thực dụng của đời sống hôn nhân và gia đình, tất cả đang tác động trực tiếp tới giá trị của con người, tới sự sống và những quyền tối thiểu của con người. Đòi quyền sống cho những người nghèo, nhưng giết hại bao thai nhi vô tội, đòi xóa bỏ chiến tranh, nhưng bóc lột sức lao động của trẻ em, đòi quyền cho trẻ vị thành niên, nhưng không quan tâm đến giáo dục, để các em thất học và thiếu thốn tri thức. Tất cả những giá trị đó đang đi ngược lại với những giá trị mà Đấng Thánh đang hướng dẫn họ, để mỗi ngày họ nên thánh, mỗi ngày họ trưởng thành trong ơn gọi và giá trị con người của mình.
Trước những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, người tín hữu hôm nay cần có sự định hướng rõ ràng và nhạy bén, cho cuộc sống của mình và gia đình. Làm sao có thể hướng dẫn cho con cái, cho thế hệ trẻ biết đâu là sự ô uế về những giá trị cuộc sống, đâu là sự thanh sạch giữa một xã hội nặng mùi tiền và quyền được, nếu không dựa vào những giá trị tôn giáo, những giá trị đến từ Thánh Kinh, từ bàn tiệc Lời Chúa qua giáo huấn của Giáo hội. Một năm sống đang dần trôi qua, bao biến cố đi qua cuộc đời mỗi người, chắc những ngày này sẽ là dịp để ngồi lại, nhìn về quá khứ, phân định lại những giá trị tinh thần, đâu là những biến cố chúng ta bị thần ô uế từ xã hội tác động lên niềm tin và đời sống tinh thần của mình, đâu là lúc chúng ta lắng nghe Lời Chúa qua Mẹ Giáo hội hướng dẫn, để cuộc đời của mình luôn nhìn về một hướng, đó là đi tìm Thiên Chúa, mong được gặp Ngài, mong được đồng hành với Ngài.
Thiên Chúa là Đấng Thánh, ngay cả ma quỷ cũng biết và tuyên xưng như thế, mỗi người tín hữu cũng hơn một lần tuyên xưng niềm tin như thế, nhưng thực ra, thái độ sống của bản thân đã thực sự đi theo sự chỉ dạy của Ngài, dù trong thâm tâm, ai cũng mong được ở bên Ngài. Sự cúi xuống của Thiên Chúa trên con người là một thái độ chấp nhận những giới hạn của con người, vì thế, phận người yếu đuối, tội lỗi và nhiều lúc phản bội, Thiên Chúa đều tha thứ, chỉ mong con người nhận ra những thiếu sót đó, để thay đổi, chỉ mong con người đừng để mình là nạn nhân của những xu hướng ô uế trong một xã hội nặng mùi tiền bạc và quyền bính. Phân định lại những giá trị tinh thần trong một năm qua, là một cố gắng lớn của con người, để bước vào năm mới, mỗi người cố gắng không để mình đi vào lối mòn tội lỗi, hay lạc vào vết xe đổ của nhân loại là ngụp lặn trong vũng bùn của thần ô uế giăng trong hành trình cuộc đời.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng Thánh mà chúng con luôn tin thờ và tuyên xưng, xin cho lời tuyên xưng của mỗi người trở thành hiện thực trong đời sống, trong mọi tương quan giữa bản thân với Thiên Chúa và tha nhân, để cuộc đời chúng con mãi thuộc về Chúa, không rơi vào hố sâu của sự ô uế. Chúa đã giới thiệu cho chúng con hành trình nên thánh, đó là lắng nghe và học hỏi Lời Chúa, để chúng con được định hướng rõ ràng hơn trong hành trình đức tin, xin giúp chúng con hiểu được nhiều hơn về giáo huấn của Chúa, biết đem vào đời sống để thực hành và biết dùng Lời Chúa để bảo vệ đức tin của chúng con trước những cơn bão của thần dữ thế gian. Amen.