TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 22/01/2024 13:00 |   585
Chúa Giê-su nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5,21-43)

30/01/2024
thứ ba tuần 4 THƯỜNG NIÊN

t3 t4 TN

Mc 5,21-43


ĐỨC TIN: CHÌA KHOÁ VẠN NĂNG
Chúa Giê-su nói với bà: Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.(Mc 5,21-43)

Suy niệm: Hai người, hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng cả hai đều làm chứng cho một điều là chỉ có lòng tin mãnh liệt vào Chúa Giê-su mới có thể cứu chữa họ, ngay cả khi tưởng như không còn tia hy vọng, không còn một lối thoát nào: Người đàn bà bệnh băng huyết 12 năm, không thuốc men nào chữa lành, nhưng chỉ cần sờ vào gấu áo Chúa với lòng tin là được khỏi ngay lập tức. Con gái ông Gia-ia, trưởng hội đường, đã chết rồi nhưng Chúa nói: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi;” và quả thật, Chúa đã cầm tay em và cho em sống dậy. Niềm tin vào Chúa Giê-su chính là chìa khoá vạn năng mở được mọi cánh cửa trong hành trình dương thế của chúng ta.

Mời Bạn: Hẳn bạn có lúc phải ngậm ngùi nếm mùi ê chề của thất vọng; hoặc có khi bạn đã gặp những con người đáng thương đứng bên bờ vực thẳm tuyệt vọng, thậm chí đến mức tự kết liễu đời mình. Trước hoàn cảnh bi đát đó, lòng tin vào Đức Ki-tô chính là liều thuốc thần hiệu có thể chữa lành. Mời bạn hãy đến với Ngài bằng cuộc sống cầu nguyện thân mật để thắp sáng đức tin trong lòng bạn và để bạn khơi lại niềm tin nơi những tâm hồn đang rơi vào tuyệt vọng ở quanh bạn.

Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm nào về việc tìm lại được niềm tin nhờ kiên trì trong lời cầu nguyện? Mời bạn chia sẻ.

Sống Lời Chúa: Duy trì thói quen cầu nguyện riêng với Chúa hằng ngày, nhất là những lúc gặp khó khăn, thử thách.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban thêm đức tin cho chúng con để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng con vẫn mạnh mẽ và kiên cường trọn niềm phó thác nơi Chúa mà thôi. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ ba tuần 4 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin cứu độ chúng tôi, từ khắp muôn dân, xin thu họp chúng tôi về, để chúng tôi được ca tụng thánh danh Chúa, và được vinh dự ngợi khen Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I (Năm I): Dt 12, 1-4

“Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giê-su, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Ðấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đầu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 26b-27. 28 và 30. 31-32

Ðáp: Lạy Chúa, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa (c. 27b).

Xướng: Tôi sẽ làm trọn những lời khấn hứa của tôi, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: “Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời”.

Xướng: Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa, bao kẻ nằm xuống bụi tro sẽ sấp mình trước thiên nhan. Và linh hồn tôi sẽ sống cho chính Chúa.

Xướng: Miêu duệ tôi sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng “Ðiều đó Chúa đã làm”.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 18, 9-10. 14b. 24-25a. 30 – 19, 3

“Áp-sa-lôm con cha ơi, sao cha không chết thay cho con?”

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Áp-sa-lôm đang cỡi lừa, tình cờ gặp các cận vệ của Ða-vít, và khi con lừa đi qua dưới cây sồi to lớn rậm rạp, thì đầu ông vướng vào cây sồi, và ông bị treo lơ lửng, và con lừa ông đang cỡi cứ chạy. Có người thấy vậy, liền đi báo cho Giô-áp rằng: “Tôi đã thấy Áp-sa-lôm bị treo trên cây sồi”. Giô-áp cầm ba chiếc lao phóng thẳng vào tim Áp-sa-lôm.

Bấy giờ Ða-vít đang ngồi giữa hai cửa, còn người lính gác lúc đó đi trên thành phía trên cửa, ngước mắt lên trông thấy một người chạy về. Tên lính gác hô to báo tin cho vua. Vua liền nói: “Nếu chỉ có một đứa, tức là nó mang tin mừng”. Vua nói với anh ta: “Ngươi hãy qua bên này”. Khi anh ta đi qua và đứng đó, thì tên Cút xuất hiện và tâu vua rằng: “Tâu đức vua, tôi mang đến cho vua một tin mừng, vì hôm nay, Chúa đã xét xử bênh vực đức vua, Người đã giải thoát đức vua khỏi tay tất cả những kẻ dấy lên chống lại đức vua”. Vua hỏi Cút: “Áp-sa-lôm con ta có bình an không?” Cut thưa lại: “Ước gì các thù địch của đức vua và toàn thể những kẻ dấy lên chống đức vua, đều bị tai hoạ như chàng thanh niên đó”.

Bấy giờ vua buồn sầu và đi lên lầu nơi cổng thành mà khóc lóc. Ngài vừa đi vừa nói: “Con ơi, hỡi Áp-sa-lôm! Áp-sa-lôm con ơi! Sao cha không chết thay cho con! Áp-sa-lôm con ơi! Áp-sa-lôm con ơi! Chớ gì ai để cha chết thay cho con. Áp-sa-lôm con ơi! Con ơi, hỡi Áp-sa-lôm!”

Người ta đi báo tin cho Giô-áp hay rằng đức vua khóc lóc và than tiếc con, nên hôm đó cuộc chiến thắng trở nên tang chế cho toàn dân, vì hôm đó, dân chúng nghe nói rằng: “Ðức vua thương tiếc con mình”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 85, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời con

Xướng: Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời con, vì con đau khổ và cơ bần. Xin bảo toàn mạng sống con, vì con hiếu thảo với Ngài, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào Chúa.

Xướng: Ngài là Thiên Chúa của con, xin thương con, lạy Chúa, vì con ân cần kêu van Ngài. Nguyện cho bầy tôi Chúa được hân hoan, vì, lạy Chúa, con vươn hồn lên tới Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài.

Alleluia: Tv 144, 13cd

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 5, 21-43

“Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giê-su ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giê-su, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giê-su nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi “Ai chạm đến Ta?” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, em Gia-cô-bê. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Và Chúa Giê-su thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Ta-li-tha-kum”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho em bé ăn.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con xin kính cẩn dâng những lễ vật này lên bàn thờ Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận và làm cho trở thành bí tích đem lại ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu độ tôi theo lượng từ bi của Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để tôi phải hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực cứu độ để nuôi dưỡng chúng con; xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY ĐỂ CHÚA GIÊ-SU CHẠM TỚI CHÚNG TA
Lm. Phêrô Trần Quang Diệu

Đã bao giờ bạn dừng lại và suy nghĩ về ý nghĩa và hiệu quả của sự đụng chạm hay chưa? Tại nhiều nước Phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha… người ta thường tìm cách đụng chạm vào nhau nhiều nhất. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện tại thành phố Marseille, Pháp, vào năm 2006, hơn một nửa số người ăn xin có cơ may nhận được tiền bố thí nếu họ cố cầm lấy tay người đi đường. Nếu một giáo viên khuyến khích học sinh của mình bằng cách động chạm vào tay hay vai của chúng thì có tới 2/3 số các em trong lớp tự nguyện lên bục giảng để phát biểu. Trong thực tế, nếu việc đụng chạm không bị lạm dụng thì nó thực sự là một nghệ thuật mang đến những hiệu quả tuyệt vời. Nhà tâm lý học người Anh Peter Collett, trong cuốn Những Động Tác Biết Giãi Bày Cùng Chúng Ta đã khẳng định: “Sự đụng chạm cơ thể khơi dậy tình cảm và sự an lành mà người ta cảm nhận được khi còn là trẻ con.” Ở người lớn, sự đụng chạm mang tới cảm giác được chấp nhận, quan tâm, đến nỗi nhiều người tìm cách để hành động vô tình hay cố ý diễn đi diễn lại nhiều lần.

Nếu sự đụng chạm giữa con người với nhau có ý nghĩa như thế thì việc được chạm đến Chúa hay đúng hơn được Chúa chạm đến còn có ý nghĩa tuyệt vời hơn nhiều. Có lẽ người có kinh nghiệm sâu sắc về điều này nhất chính là người đàn bà bị băng huyết mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng. Bị hành hạ bởi căn bệnh trong mười hai năm và sau khi đã tiêu tốn hết tiền của để chữa chạy mà không có hiệu quả, ước mơ lớn nhất của bà hẳn là được chữa lành. Điều làm chúng ta ngạc nhiên là bà tin rằng chỉ cần chạm vào gấu áo của Chúa Giê-su thì sẽ bà sẽ được khỏi bệnh. Và điều kỳ diệu đã xảy ra đúng như niềm tin của bà.

Chúa Giê-su có thể chữa bệnh bằng lời nói. Ngài có thể chữa bệnh từ xa. Thế nhưng rất nhiều lần ngài đã đụng chạm vào người người mù, người điếc, người câm và cả người chết. Tất cả những ai được ngài chạm đến đều được chữa lành. Chúa Giê-su ao ước được chạm đến cuộc đời chúng ta. Ngài muốn chạm đến những những chiều sâu thẳm nhất của tâm hồn chúng ta. Hãy để ngài chạm đến chúng ta qua việc chúng ta đọc lời Chúa và rước Mình Máu Thánh Ngài, để rồi ngài sẽ chữa lành và mang lại bình an cũng như niềm vui cho tâm hồn chúng ta, như ngài đã từng thực hiện rất nhiều lần trong Tin Mừng. Amen

 

CHỮA BỆNH VÀ CHO SỐNG LẠI (Mc 5,21-43)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng hôm nay thánh Mác-cô thuật lạ cho chúng ta hai phép lạ. Khi Chúa Giê-su đang đứng trên bãi biển thì ông trưởng hội đường đến sấp mình van xin Người cứu chữa con gái ông sắp chết. Người liền đi với ông, và dân chúng kéo theo rất đông. Dọc đường, có người đàn bà mắc bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã tìm thầy chạy thuốc hết tiền hết của mà không hết bệnh. Khi nghe nói đến Chúa Giêsu, bà thầm nghĩ : nếu sờ được áo Người chắc khỏi bệnh, nên bà lẩn vào đám đông và sờ vào áo Chúa. Tức thì bà được lành bệnh.

Lúc ấy người nhà ông trưởng hội đường đến đưa tin con gái ông đã chết và khuyên đừng rước Chúa đi nữa. Nhưng Chúa bảo ông cứ vững tin. Rồi Người cùng với Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đến nhà ông. Người cầm tay đứa bé và bảo: Hỡi con, Ta truyền cho con chỗi dậy”. Tức thì đứa bé chỗi dậy, trước sự kinh ngạc của mọi người.

2. Muốn có phép lạ phải có đức tin đi trước.

Tất cả các phép lạ Chúa Giê-su làm đều có ý khơi dậy lòng tin cho người ta. Không ai có thể chối cãi được những phép lạ Người đã làm như chữa bệnh, trừ quỉ, dẹp yên sóng gió, làm cho kẻ chết sống lại… Vì những phép lạ này làm công khai trước mặt mọi người và làm ngay tức khắc nên mọi người phải công nhận. Khi chữa bệnh xong, Chúa Giêsu hay nói với bệnh nhân: Đức tin của con đã chữa con”.

Người đàn bà bị băng huyết này không dám công khai trực tiếp xin Chúa chữa bệnh cho bà, nhưng bà tự nhủ: “Tôi chỉ cần sờ vào gấu áo Người thì tôi sẽ được khỏi”. Nghĩ thế và bà đã dám làm, bất chấp luật lệ cấm đoán phiền phức và khắt khe. Điều đó chứng tỏ bà đã có đức tin vững mạnh, và thúc đẩy Chúa làm phép lạ. Kết quả là bà đã được như ý khi Chúa nói với bà: Đức tin của con đã chữa con”.

3. Phép lạ còn đòi phải có lòng khiêm nhường.

Ông trưởng hội đường Giairô hôm nay đã diễn tả lòng tin tưởng với khiêm nhường thẩm sâu. Ông là một người có địa vị và thế giá trong dân. Điều này nói lên việc ông làm có ý thức và có thế giá. Thái độ khiêm nhường của ông trước mặt Chúa Giê-su diễn tả niềm tin sâu sắc của ông, ông đã quỳ mọp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van xin: Con bé nhà tôi gần chết rồi, xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu chữa và được sống”. Như vậy ông này phải tin Đức Giê-su là ai, có quyền phép thế nào mới có cử chỉ và thái độ khiêm nhường và kêu xin như thế. Qua thái độ tin tưởng và lời cầu xin ấy, ông đã được toại nguyện.

4. Qua việc chữa lành cho người đàn bà bị xuất huyết và phục sinh cho con gái ông trưởng hội đường, Chúa Giê-su đã tỏ bầy lòng thông cảm và quan tâm đến những nỗi khổ của con người.

Trong cuộc sống hằng ngày mà ai ai cũng biết thông cảm và quan tâm đến nhau thì đau khổ sẽ bị chế ngự và hạnh phúc sẽ ngự trị nơi mỗi người và trong xã hội.

Mỗi người trong chúng ta có một vai diễn trên sân khấu của cuộc đời.

Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm với mọi người xung quanh, nói với họ rằng chúng ta yêu mến họ.

Nếu bạn không quan tâm đến người khác, bạn sẽ không bị trừng phạt đâu, đơn giản bạn chỉ bị lãng quên, hững hờ y như bạn đã từng đối với người khác.

Vậy từ hôm nay, chúng ta hãy tập thói quen bày tỏ sự quan tâm đến người khác. Đâu mất gì khi chúng ta nở một nụ cười, siết chặt một bàn tay, thốt lên một lời khích lệ hoặc đơn giản nói rằng chúng ta muốn lắng nghe.

5. Truyện: Biết lưu tâm đến người khác.

Vào tháng hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên chúng tôi làm một bài kiểm tra về kiến thức phổ thông.

Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối: “Chị tạp vụ ở trường tên là gì”? Tôi nghĩ đó chỉ là câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.

Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giáo sư bộ môn trả lời:

– Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.

Tôi đã không quên bài học đó trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng đã biết được tên của chị tạp vụ trong trường. Chị tên là Mai Hương.

Vâng, chúng ta hãy học tập cho mình một thói quen biết cảm thông và chia sẻ. Một trái tim biết cảm thông và chia sẻ là trái tim của con người.

Các nhà đạo đức ngày nay đã nói nhiều về sự “dửng dưng và vô cảm” của người thời đại. Hình như cuộc sống càng cao, càng sung túc thì con người lại càng ích kỷ thêm. Nhiều người đã biến trái tim của mình  thành vô cảm trước những nỗi khổ đau của người khác, nhất là những người nghèo khó đau khổ.

Là những người con của Chúa, chúng ta đừng bao giờ làm như thế. Hãy nhớ: Niềm vui biết chia sẻ là niềm vui sẽ được nhân lên gấp bội và nỗi buồn được chia sẻ là nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa.

LIỀU LĨNH TIN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế  

“Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con!”

“Một trong những lý do khiến nhiều người trưởng thành ngưng phát triển và học hỏi là vì họ ngày càng ít sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thất bại! Cũng thế, trong đời sống đức tin, các Kitô hữu không lớn lên được; bởi lẽ, họ không dám liều lĩnh tin!” - John Gardner.

Kính thưa Anh Chị em,

Khác với nhận định của John Gardner, phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy những con người trưởng thành trong đức tin. Đó là một Đavít thời Samuel; một Giaia, trưởng hội đường, và một phụ nữ băng huyết thời Chúa Giêsu. Họ là những con người ‘liều lĩnh tin’, những con người dám thưa lên “Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con!” giữa tuyệt vọng.

Sau khi phạm tội, Đavít khốn khổ trăm bề. Ông mất con trai đầu lòng do bà Bethsabê sinh hạ; ông bị dân mình nguyền rủa và ném đá; bị Absalôm, con trai của ông truy nã. Và câu chuyện hôm nay, Absalôm bị giết khiến vua đau đớn tột cùng, “Absalôm con ơi! Phải chi cha chết thay con!”. Đavít coi tất cả những gì xảy đến như là sự trừng phạt của Thiên Chúa. Thế nhưng, trong nước mắt, Đavít vẫn ‘liều lĩnh tin’, “Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con!” - Thánh Vịnh đáp ca. Và Chúa đã tha thứ cho vua.

Ông Giaia, trưởng hội đường, cũng ‘liều lĩnh tin’ vào Chúa Giêsu cách tương tự. Ông đến sụp lạy, van xin Ngài, “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu để nó được cứu chữa và được sống”. Lời cầu của ông khác nào lời van vỉ của Đavít, “Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con!”. Chúa Giêsu đến nhà ông và con ông đã sống lại.

Người phụ nữ loạn huyết mười hai năm cũng có một lòng tin như thế. Nghe nói về Chúa Giêsu, bà lặng lẽ trong đám đông, ‘mạo hiểm’ tiến đến từ phía sau, cố chạm cho được gấu áo Ngài, vì bà tự nhủ, “Tôi mà sờ được áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa”. Trước hành động ‘liều lĩnh tin’ của bà, Chúa Giêsu không thể đang tâm. Lập tức, huyết cầm lại, bà được Ngài chữa lành.

Abraham Heschel nói, “Đức tin không phải là tình trạng tin liên tục, nhưng là một dạng thành tín, trung thành với thời khắc chúng ta có đức tin!”. Nó không phải là một cái gì có thể chiếm hữu hay đạt được một lần là xong; nó có thể mất đi khi một biến chuyển cực kỳ lớn xảy ra trong đời. Nó phải là một cái gì thường xuyên được đào sâu và tìm kiếm.

Kính thưa Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con!”. Đức tin giả thiết phải có một sự liều lĩnh nào đó. Trong cuốn “Giờ Tươi Sáng”, “The Bright Hour”, một cuốn hồi ký đầy sức mạnh viết vào thời điểm hấp hối do bệnh ung thư, Nina Riggs chia sẻ, “Với tôi, đức tin hệ tại việc nhìn đăm đăm vào hố thẳm, thấy có bóng tối và những điều mình không biết, nhưng lòng tôi cảm thấy rất ổn với việc đó. Bạn cần tin những gì bạn không biết và biết rằng, bạn sẽ ổn, cho dù một ngày nào đó, bạn sẽ như người đi trên nước và sắp chìm nghỉm. Đức tin là một cái gì thâm sâu lớn lao hơn những gì chúng ta cảm nhận!”. Bạn và tôi có dám nhìn đăm đăm vào hố thẳm, nói với Chúa, “Lạy Chúa, con tin!” và nhảy vào vòng tay Ngài?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thất bại; dám đi trên nước, vì biết rằng, Chúa muốn con liều lĩnh nhảy đại vào vòng tay Ngài!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây