TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 07/02/2022 17:40 |   1148
“Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,15)

09/02/2022
THỨ TƯ TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

 

t4 t5 TNC

Mc 7,14-23

SẠCH TỪ TRONG TÂM HỒN

Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,15)

Suy niệm: Trên báo chí thường có mục “mẹo vặt” bày cách giữ sạch: nào là làm sạch cơ thể, nào là làm sạch đồ dùng, thức ăn… Những điều “lặt vặt” này xem ra ăn khách vì có lợi ích thực tế cho cuộc sống. Đạo Do Thái có nhiều luật lệ chi li về việc làm sạch, được coi là luật lệ không thể thiếu, nằm trong 613 khoản luật buộc, đó là rửa sạch chén đĩa, đồ dùng, rửa tay trước khi ăn… Nhưng đây tẩy rửa không phải vì lý do vệ sinh mà là những nghi thức tôn giáo, ai không tuân giữ sẽ bị coi là tội lỗi. Chúa Giêsu lên án gắt gao thói nệ luật đó. Chẳng những nó không thể thanh tẩy tâm hồn mà còn làm cho con người ra cứng cỏi và ảo tưởng mình đã là công chính chỉ dựa vào hình thức bề ngoài.

Mời Bạn: Chủ trương “sống và hành động theo pháp luật” thật cần thiết đối với sinh hoạt xã hội, nhưng đưa điều đó vào đời sống đạo thì thật là bất cập. Lúc đó người ta chỉ bị coi là có tội khi vi phạm một điều luật cấm có qui định trong bộ luật với khung hình phạt hẳn hoi, và nhất là chỉ khi việc vi phạm đó bị bắt và bị kết tội. Với não trạng đó, nhiều tín hữu giản lược đời sống đạo vào việc tuân giữ một số nghi thức luật lệ tối thiểu mà quên rằng tội lỗi là xấu xa vì xúc phạm đến Đấng Thánh và việc thanh tẩy phải bắt đầu từ trong tâm hồn.

Sống Lời Chúa: Không nói lời có ý phê bình hay chỉ trích người khác.

Cầu nguyệnXin ban cho con cặp mắt đức tin, để con biết nhìn ra giá trị thật sự giúp con sống xứng đáng là con cái Chúa, con cái của Sự Sáng. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 1 V 10, 1-10

“Nữ hoàng Saba đã nhìn thấy mọi sự khôn ngoan của vua Salomon”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, nữ hoàng Saba nghe biết Salomon nổi tiếng vì danh Chúa, bà đến hỏi thử ông nhiều câu đố. Bà đến Giêrusalem với đoàn tuỳ tùng đông đảo và nhiều của cải, gồm có lạc đà chở thuốc thơm, vô số vàng và đá ngọc quý báu. Bà yết kiến Salomon và bày tỏ cùng vua mọi nỗi niềm tâm sự. Salomon giải đáp mọi vấn nạn bà nêu ra, và không một lời bí ẩn nào mà không được vua giải đáp.

Nữ hoàng Saba nhìn thấy sự khôn ngoan của Salomon, thấy nhà ngài xây cất, món ăn ngài dùng, nhà của quần thần, trật tự của các công thần và y phục của họ, các quan chước tửu, và các của lễ toàn thiêu mà ngài hiến dâng trong đền thờ Chúa, thì bà hết hồn. Bà thưa cùng vua rằng: “Thật đúng như lời tôi nghe đồn trong xứ tôi về các công trình và sự khôn ngoan của ngài. Và lúc đó tôi không tin những điều người ta kể cho tôi, cho tới khi tôi đến đây, chính mắt tôi đã trông thấy, và tôi quả quyết rằng những điều đồn đại tôi nghe chưa bằng một phân nửa. Sự khôn ngoan và các công trình của ngài còn vĩ đại hơn tiếng đồn tôi đã nghe. Phúc cho thần dân của ngài, và phúc cho các cận vệ của ngài, luôn luôn được ở trước mặt ngài và nghe lời khôn ngoan của ngài. Chúc tụng Thiên Chúa của ngài là Ðấng yêu thương ngài, và đặt ngài lên ngôi báu Israel. Vì Chúa yêu quý Israel muôn đời, nên đã đặt ngài làm vua, để ngài cai trị công minh chính trực”. Vậy bà tặng vua một trăm hai mươi nén vàng, một số rất lớn thuốc thơm và đá ngọc quý giá. Người ta không khi nào thấy một số thuốc thơm nhiều hơn thuốc thơm mà nữ hoàng Saba tặng cho vua Salomon. Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 36, 5-6. 30-31. 39-40

Ðáp: Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan

Xướng: Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, hãy trông cậy vào Người và để chính Người hành động. Người sẽ làm cho chính nghĩa bạn sáng như bình minh, và quyền lợi bạn tỏ như giờ ngọ.

Xướng: Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan, và lưỡi người nói điều đoan chánh. Luật Thiên Chúa ở trong lòng người, và bước chân người không xiêu té.

Xướng: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ dung thân. Chúa bang trợ và giải thoát họ, Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người.

Alleluia: Ga. 15, 15b

Alleluia, alleluia – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết.- Alleluia.

Phúc Âm: Mc 7,14-23

“Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế”

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy.

Người liền bảo các ông: “Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”.

Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch.

Người lại phán: “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng.

Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế”.

Ðó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Người đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

SỐNG ĐẠO THẬT TÂM (Mc 7, 14 – 23)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Ở đời người ta hay nói: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; hay: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường. Lòng người thăm thẳm mù khơi, không bờ không bến biết nơi nào dò”.

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu tuyên bố một sự thật, đó là: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 15).

Thật vậy, chính tận sâu thẳm cõi lòng, người ta mới thấy được cội rễ của sự thiện hay ác!

Khi nói về điều xấu xa xuất phát từ cõi lòng, Kinh Thánh kể ra 12 thứ tội được coi là khởi đi từ trong tâm con người: dâm bôn, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, giảo quyệt, phóng đãng, ghen bì, gièm pha, kiêu hãnh, bất lương.

Thật vậy, tâm của những người Pharisêu chính là tâm ác gian tà, vì thế họ luôn đối đầu với Đức Giêsu. Sự đối đầu của họ với Ngài chính là cuộc đối đầu về: lòng đạo đức đích thực và thái độ giả hình; giữa lương tâm và vụ hình thức; giữa công bằng và bất công; giữa lòng bác ái và sự ích kỷ.

Đức Giêsu thì coi trọng tình huynh đệ, người Pharisêu thì coi trọng hình thức; Đức Giêsu thì nhấn mạnh và tập trung vào chiều sâu nội tâm, trong khi họ lại coi trọng bề ngoài không khác gì cái máy! Đức Giêsu thì coi trọng con người, đặt con người vào trung tâm sứ vụ, còn những người Pharisêu thì coi trọng luật lệ, hình thức, đến nỗi khiến họ trở thành nô lệ cho luật.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết xác định nguyên nhân gây nên điều xấu là cõi lòng, ý hướng từ bên trong; đồng thời biết tập trung vào việc cốt lõi của Đạo Thánh chính là tình yêu thương. Không có tình yêu thương chủ đạo, chúng ta không thể gặp được Thiên Chúa là tình yêu, và gặp được con người là trung tâm của Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một tâm hồn thánh thiện, đạo đức, để từ nơi đó phát xuất ra tình yêu thương chân thành. Amen.

 

 

TIỀN NÀO CỦA NẤY


(Thứ Tư sau Chúa Nhật V TN – 1V 10, 1-10; Mc 7,14-23) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Theo giáo lý Công giáo, khôn ngoan là nhân đức đứng hàng đầu trong bốn nhân đức luân lý (khôn ngoan – công bình – dũng cảm – tiết độ). Khôn ngoan là nhân đức giúp chúng ta biết phân biệt sự vật này với sự vật kia, điều này với điều nọ, điều tốt với điều xấu, sự gì là chính đáng và phải đạo với điều bất chính, vô đạo… đồng thời giúp chúng ta nhận ra mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng, nhất là mối liên hệ nhân quả… Người khôn ngoan không chỉ biết phân biệt mà con biết chọn điều tốt thay điều xấu, chọn điều chính đáng phải đạo thay vì điều vô đạo, bất minh, bất chính, biết quan tâm đến bản chất hơn là hiện tượng, biết tìm hiểu và làm chủ nguyên nhân hơn là kết quả…

Xưa lẫn nay, người khôn ngoan luôn được thiên hạ trọng vọng. Dù nhiều khi họ không có quyền cao hay chức trọng nhưng vẫn được người đời tôn kính, mến yêu. Hiểu nhân đức là thói quen tốt (habitus) thì để được khôn ngoan cần phải chuyên cần học hỏi và kiên trì tập luyện. Sách các Vua kể lại chuyện nữ hoàng Phương Nam đi học hỏi sự khôn ngoan nơi vua Salomon. Chính Chúa Giêsu đã từng nói đến bà hoàng này như là một dấu lạ để chúng ta noi gương (x.Lc 11,29-32). “Tiền nào của nấy” (you get what you pay); “của rẻ là của ôi”. Những thành ngữ trên nhắc nhớ chúng ta rằng để thu tích được sự khôn ngoan thì phải có những gì đó để trao đổi cho tương xứng.

Để học biết khôn ngoan, nữ hoàng Phương Nam đã “bán đi” cái tôi quyền cao chức trọng của mình. Cũng là đứng đầu một vương quốc, thế mà bà đã biết khiêm hạ thân chinh đến gặp gỡ vua Salomon để học hỏi sự khôn ngoan. Không biết “bán đi” cái tôi của mình, bỏ đi sự kiêu căng, tự tôn, cao ngạo thì chắc chắc khó mà học được sự khôn ngoan. Quyền cao, chức trọng trong giáo hội hay ngoài xã hội là một trong những nguyên cớ khiến chúng ta có thể dừng lại, không khiêm nhu học hỏi lẽ khôn ngoan vì những tưởng rằng mình đã khôn ngoan đủ và có khi tự cho rằng không ai khôn ngoan bằng mình. Bà con tín hữu Công giáo có nhận xét dí dỏm về hiện tượng này: “khi đã làm “thầy cả” thì thích và tưởng mình “làm thầy tất cả!”

Sách các Vua còn tường thuật nữ hoàng Phương Nam đã dâng tặng vua Salômon nhiều lễ vật quý giá. Chúng ta vốn quen với câu nói “sự tự do không bao giờ là miễn phí (freedom never free) thì cũng thế, sự khôn ngoan (wisdom) luôn có cái giá phải trả. Hàng hóa càng quý thì giá càng cao. Trên thế giới có loại hình tổ chức nói chuyện của nhiều chuyên gia, nhiều học giả, nhiều danh nhân và người tham dự buổi diễn thuyết phải trả tiền cân xứng cách nào đó. Là người trưởng thành, nếu bạn chưa bỏ ra chút núm ruột của mình (đồng tiền) thì bạn khó mà chăm chú và tích cực thu tích điều nghe và thấy để học hỏi thêm nhiều lẽ khôn ngoan.

Sau khi nói với đám đông: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra là những ý định xấu (tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng) mới làm cho con người ra ô uế” (x.Mc 7,14-23) thì Chúa Giêsu đã nói thêm rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Người biết nghe là người vừa khiêm nhu vừa biết nỗ lực xét suy để đón nhận. Dù Tin mừng không nói rõ nhưng có đó nhiều biệt phái và kinh sư lúc bấy giờ không biết “bán đi” cái tôi của mình và hầu chắc họ khó có thể thu được lẽ khôn ngoan từ Chúa Giêsu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây