TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI, CUỐI BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Chủ nhật - 17/12/2023 13:15 |   553
Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (Lc 2,19)

01/01/2024
THỨ HAI, CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa
Ngày cầu cho hòa bình thế giới 

Lc 2, 16-21 


GHI NHỚ VÀ SUY GẪM
Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (Lc 2,19)

Suy niệm: “Những kỷ niệm ấy” đối với Đức Ma-ri-a cho đến lúc này là gì, nếu không phải là những điều kỳ diệu Mẹ đã đón nhận trong ngày thiên sứ truyền tin? Thế nhưng cũng từ đó, xảy đến biết bao sự cố phiền muộn và hiểm nguy nữa, trái ngược với những gì đáng mong đợi từ hồng ân được làm Mẹ Thiên Chúa. Thật vậy, “Con Đấng Tối Cao” sao lại lang thang vô gia cư ngay tại quê hương mình? “Ngai vàng vua Đa-vít” sao lại là máng cỏ hang lừa?!! Giờ đây, Mẹ lại nghe các người chăn chiên kể lại điều mà họ nghe thiên sứ “nói về Hài Nhi”: “Đấng Ki-tô, Đức Chúa” hiện thân nơi “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Trước những sự kỳ diệu đan xen với nghịch cảnh ấy, Đức Ma-ri-a, là Mẹ Thiên Chúa, với tâm tình của người nữ tỳ khiêm tốn, chỉ biết “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng”.

Mời Bạn: Như lời Thánh vịnh: “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm” (Tv 41,8), thánh ý Chúa thật kỳ diệu khiến chúng ta chưa hiểu thấu mầu nhiệm này của Ngài thì những mầu nhiệm khác lại mở ra còn sâu thẳm hơn. Trong đời của bạn cũng diễn ra những điều rất đỗi bình thường nhưng lại chứa đựng biết bao diệu kỳ Chúa thực hiện nơi bạn. Bạn có thể khám phá và chiêm ngưỡng những mầu nhiệm ấy khi bạn bắt chước Mẹ Ma-ri-a “ghi nhớ những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.”

Sống Lời Chúa: Bạn dành thời gian mỗi ngày để suy gẫm điều kỳ diệu Chúa làm nơi bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, linh hồn con ngợi khen Chúa, vì Chúa đã thực hiện cho con biết bao điều cao cả. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa  

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hội Thánh chọn ngày đầu năm mừng kính Mẹ Thiên Chúa là để tôn vinh Mẹ là Nữ Vương thời gian, một thời gian mới của ân sủng. Qua Mẹ, Chúa đã đến khai mạc thời cứu rỗi theo lời đã hứa sau khi nguyên tổ phạm tội. Mẹ đã cùng dân tộc Do Thái ngày đêm cầu khẩn Đấng Cứu Thế mau đến…Và nhân loại bắt đầu một trang sử mới khi Mẹ thưa tiếng “Xin vâng”, Chúa nhập thể trong cung lòng Mẹ, Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa ngay từ giây phút ấy. Hôm nay ngày đầu năm Dương Lịch chúng ta cũng không quên dùng ít thời gian yên lặng để cảm tạ Chúa, về những hồng ân mà ta nhận được trong năm cũ. Cùng với Đức Maria, dâng lên Thiên Chúa một năm mới an bình, thịnh vượng, chúng ta đồng tâm thành khẩn xin Chúa thứ tha những lỗi lầm, những thiếu sót trong năm cũ.

Ca nhập lễ

Xin kính chào Thánh Mẫu, đã sinh hạ Quân Vương, Đấng điều khiển vũ trụ muôn thủa tới muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, ngày Ðức Trinh Nữ Maria sinh hạ Ðấng Cứu Thế, Chúa đã tặng ban cho nhân loại, kho tàng ơn cứu độ muôn đời. Xin cho chúng con được nhờ lời Ðức Mẹ nguyện giúp cầu thay, vì chính nhờ Ðức Mẹ chúng con mới được nhận lãnh nguồn sức sống vĩnh cửu là Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Ds 6, 22-27

“Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.

Trích sách Dân Số.

Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: “Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con”. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Ðáp: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con

Xướng: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ.

Xướng: Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.

Xướng: Chư dân, hãy ca tụng Ngài; thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài.

Bài Ðọc II: Gl 4, 4-7

“Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: “Abba!”, nghĩa là “Lạy Cha!” Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Dt 1, 1-2

Alleluia, alleluia! – Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 16-21

“Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi… và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Ngày đầu năm dương lịch, chúng ta cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho nhân loại Đức Maria. Qua sự cầu bầu của Mẹ, chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ tiếp tục ban muôn ơn lành cho nhân loại và thế giới trong năm mới này. Với niềm tin tưởng đó, giờ đây chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời cầu xin.

1. “Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.- Xin cho các vị Mục tử và Hội Thánh Việt Nam một năm mới bình an, cho thân bằng quyến thuộc của chúng ta được muôn ơn lành.

2. “Nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa”.- Xin cho những cá nhân hay gia đình kém may mắn, đau khổ… được Chúa luôn hiện diện nâng đỡ, ủi an.

3. “Các mục tử ra đi vội vã đến thành Belem”,- Xin cho mọi thành phần dân Chúa trong suốt năm nay, luôn biết chia sẻ hạnh phúc đã nhận được cho những người xung quanh và những ai họ gặp gỡ.

4. “Họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và họ đã xem thấy”,- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn đồng tâm nhất trí và yêu thương nhau, biết chung lời ca ngợi Chúa vì muôn hồng ân Chúa ban.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, chúng con bắt đầu một năm mới, xin Chúa cho Mẹ luôn hiện diện với chúng con trong suốt năm mới này, như chính Mẹ đã hiện diện với Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, mọi sự tốt đẹp ở trần gian đều bắt nguồn nơi Chúa, và phải nhờ tay Chúa mới phát triển được tới mức thập toàn. Ngày hôm nay, mừng lễ Ðức Maria Thiên Chúa Thánh Mẫu, chúng con được hoan hỷ vì ơn cứu độ của chúng con đã khai mào, xin cho chúng con cũng được hạnh phúc thấy ơn ấy hoàn thành mỹ mãn. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Ðức Mẹ I

Ca hiệp lễ

Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa hoan hỷ dự tiệc Nước Trời và hãnh diện tuyên xưng Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thánh Tử Giêsu và là Mẹ Giáo Hội. Xin cho yến tiệc này giúp chúng con đủ sức đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN (Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21)
Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa.

Nếu các tước hiệu khác nơi Mẹ Maria, Giáo Hội muốn biểu dương công đức ưu việt nơi Mẹ, thì với danh xưng Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội muốn đề cao uy quyền của Mẹ Maria trong vai trò là thân mẫu Thiên Chúa. Bởi vì ngay khi đáp lại lời Thiên Chúa qua tiếng “xin vâng”, Mẹ đã đón nhận, cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế, Ngài là Hoàng Tử Hòa Bình, đã đến chuộc tội nhân loại, làm cho Trời – đất kết chữ tình; xe chữ đồng; là chiếc cầu nối liền giữa trời và đất; đem lại sự bình an và giao hòa giữa con người với Thiên Chúa.

Chính vì uy quyền độc nhất vô nhị nơi Mẹ Maria bắt nguồn từ Thiên Chúa, nên Giáo Hội cũng chọn ngày này để cầu nguyện cho hòa bình trên khắp thế giới khi mời gọi con cái mình hướng về Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình, để cầu nguyện cho nhân loại được an bình thư thái.

1. Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

Danh xưng Mẹ Thiên Chúa được dành cho Đức Maria đã khởi đi từ việc Giáo chủ Constantinople là giám mục Nettôriô từ chối không công nhận thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Ông cho rằng: “Mẹ Maria chỉ là Mẹ của Đức Giêsu về mặt nhân tính, còn thiên tính thì không thể. Nơi Đức Giêsu nhân tính và thiên tính tách biệt, không hòa chung thành một”. Từ đó ông rút ra kết luận: “Mẹ Maria không thể là Mẹ Thiên Chúa”. Từ những lập luận trên mà Công Đồng Chung Êphêsô (431) đã đuợc triệu tập để làm sáng tỏ cũng như khẳng định và tuyên bố tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”. Công đồng tuyên tín: “Giây phút long trọng nhất trong đời Đức Mẹ là giây phút Ngôi Hai xuống thai trong lòng Mẹ. Từ giây phút ấy, Đức Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa”.

Vậy, dựa vào đâu mà Công Đồng có những phán quyết chắc chắn như vậy:

Thưa, Công Đồng dựa vào Thánh Kinh:

Trước tiên, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa nơi Đức Maria đã được hé mở từ thời Cựu Ước khi tiên tri Isaia tiên báo: “Một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel” (Is 7,14). Lời tiên báo về việc hạ sinh Đấng Cứu Thế đã được sứ thần Gabriel chính thức và trực tiếp báo tin cho Mẹ Maria: “Bà sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ ấy là Giêsu…. Vì thế Con Trẻ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (x. Lc 1,31-35).

Rõ nét hơn cả, chính là lời chào mừng của bà Êlisabét khi được Đức Maria ghé thăm. Lúc ấy, bà được đầy Thánh Thần, nên đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 43).

Và, khi thời đã điểm, những gì được tiên báo thì nay đã được tỏ hiện trong đêm đông giá lạnh nơi cánh đồng Belem khi Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người để ở cùng chúng ta (x. Lc 2, 1-20). Khi sinh ra Ngôi Lời Thiên Chúa, Đức Maria đã thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa trong vai trò là thân mẫu Đấng Emmanuel.

Với biến cố trọng đại này, Công Đồng Vatican II (1962-1965) tái khẳng định khi viết: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa…. Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô” (Lumen Gentium, số 61).

Chính vì những xác quyết trên mà Giáo Hội không ngớt kêu xin Mẹ Maria trong vai trò là Mẹ Thiên Chúa: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”.

2. Hòa bình chỉ có khi mỗi người cùng ý thức xây dựng

Như vậy, khi sinh hạ Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Hoàng Tử Hòa Bình, Chúa của sự bình an, Mẹ Maria cũng trở thành Nữ Vương Hòa Bình cho nhân loại.

Khi chọn ngày mồng 01 tháng 01 hằng năm để cử hành lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cầu nguyện cho hòa bình thế giới, Giáo Hội muốn đặt để nhân loại dưới sự che chở đầy uy thế của Mẹ trước tòa Thiên Chúa.

Truyền thống này được bắt đầu từ ý định và mong muốn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, nên chính ngài đã dời ngày lễ này vào 01-01 hằng năm để xin Đức Maria bầu cử cho thế giới được an bình, hạnh phúc.

Nhân dịp này, mỗi người chúng ta cũng hãy hướng nhìn về đất nước, dân tộc Việt Nam thân yêu, để thấy được sự cần thiết của hai chữ hòa bình!

Có lẽ ngày nay trên thế giới, nhiều nước rất ngưỡng mộ Việt Nam, vì nơi đất nước này, tiếng bom đạn đã chấm dứt hàng chục năm, dân chúng xem ra có vẻ được an bình thư thái!!!

Chúng ta không phủ nhận điều đó, nhưng nếu hiểu hòa bình theo nghĩa không có tiếng bom đạn thì chưa đủ, bởi vì theo quan điểm học thuyết của Kitô giáo, thì: hòa bình không phải chỉ là chấm dứt chiến tranh. Nó cũng không chỉ dừng lại ở chỗ có cơm ăn áo mặc, điện, đường, trường, trạm, được ổn định hay các trung tâm du lịch, vui chơi giải trí được mọc lên…! Không! Hòa bình đích thực nó còn phải tiến xa và sâu hơn nhiều.

Về mặt cá thể:

Trước hết, đó là: mỗi cá thể cần có một mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa là Chủ Tể và nguồn gốc của hòa bình.

Thứ đến, phải đạt được một trạng thái an bình thư thái ngay trong tâm con người. Sống hài hòa trong mối tương giao thân thiện với mọi người.

Cuối cùng, đó là mọi thành phần phải có trách nhiệm, liên đới với nhau trong tình huynh đệ.

Về mặt quốc gia:

Xét trên góc độ quốc gia: một đất nước được coi là hòa bình khi và chỉ khi con người được đảm bảo và quyền tự do tôn giáo được đề cao. Nhân phẩm được coi trọng và bảo vệ. Những lợi ích công cộng được ưu tiên.

Trong lãnh vực giáo dục: hệ thống và các nhà giáo dục cần đào tạo con người phát triển toàn diện cả về chất lượng tri thức lẫn đạo đức, biết kính trên nhường dưới, biết tôn sư trọng đạo, biết lưu giữ và bảo tồn những truyền thống, văn hóa tốt đẹp, biết phát huy những cái mới phù hợp với đạo lý dân tộc….

Về mặt gia đình và tôn giáo:

Trong lãnh vực tôn giáo: cần trú trọng đến “nhân chi sơ tính bổn thiện” nơi con người và phát huy tinh thần bác ái, yêu thương, liên đới dựa trên tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.

Trong đời sống gia đình: mỗi thành viên cần ý thức vai trò và bổn phận của mình. Người làm cha cho đáng làm cha; người làm mẹ cho xứng thiên chức làm mẹ; người làm con cần sống hiểu thảo vâng lời….

Như vậy, muốn có hòa bình đúng nghĩa, chúng ta không thể ngồi ù lỳ và mong đợi, mà mọi thành phần phải sống tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm mà không sợ hãi. Trách nhiệm mà vẫn đảm bảo được sự tôn trọng và đối thoại chân thành. Nói cách khác, muốn có hòa bình thì phải chiến đấu. Chiến đấu cho lẽ phải để bảo vệ công bằng, xây dựng sự thật nhằm tiêu diệt cái xấu, nhất là những điều mà người ta vẫn thường ngụy trang khi nhân danh cái xấu để biện minh cho mục đích tốt.

Được như thế, chúng ta mới có một trạng thái tâm hồn an vui thanh thản với bản thân, hiền hòa và nhân ái với mọi người.

Mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa hôm nay, chúng ta hãy biết noi gương Mẹ, để suy đi nghĩ lại trong lòng những ân huệ của Thiên Chúa và những biến cố trong cuộc đời cũng như xã hội, từ đó, biết xắn tay áo lên và hành động vì một nền hòa bình đích thực.

Mong sao, sau khi dâng thánh lễ, mỗi người ra về với tâm tình đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới phương cách, đổi mới hành động. Đổi mới trong sự vâng phục Thiên Chúa. Đổi mới trong sự hài hòa thiên nhiên. Đổi mới trong sự hy sinh, quên mình. Có thế, lòng chúng ta mới thực sự vui mừng phấn khởi như các mục đồng xưa, để ra đi loan báo tin mừng, tin vui, tin bình an của Hoàng Tử Hòa Bình cho mọi người.

Lạy Mẹ Maria, trong ngày đầu năm mới này, chúng con xin dâng năm sống mới của từng người cho Mẹ, xin Mẹ che chở, cầu thay nguyện giúp, để cho chúng con được an bình thư thái.

Đặc biệt, xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Mẹ, luôn suy gẫm Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống, để Lời của Chúa là cội nguồn bình an được sinh hoa kết qủa dồi dào trong lòng mỗi người chúng con. Amen.

VÀ LÀ THẦY DẠY
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Các mục đồng gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ”.

J. Swanson tâm sự, “Lớp Giải Phẫu học có một bức hình gồm tên, vị trí xương và gân trên cơ thể con người. Nó ở đó suốt học kỳ, không ai đề cập. Hôm thi cuối cấp, nó biến mất. Đề thi, “Hãy gọi tên, vị trí xương và các cơ chính?”. Cả lớp phản đối, “Ôi, chưa học!”. Giáo sư nói, “Kiến thức đã có trong nhiều tháng”. Chúng tôi vật lộn với bài thi, ông thu bài và xé chúng. Ông nói, “Hãy nhớ, giáo dục không chỉ đơn thuần là học những gì được dạy!””.

Kính thưa Anh Chị em,

“Giáo dục không chỉ đơn thuần là học những gì được dạy!”. Ngày đầu năm, Hội Thánh mời gọi chúng ta chiêm ngắm và học nơi Đức Maria. Nhiều lần, chúng ta đánh giá cao Maria là môn đệ của Chúa Giêsu; tuy nhiên, trước khi trở thành môn đệ, Maria là người đã sinh, dưỡng, dục, ‘và là thầy dạy’ của Đấng mà Mẹ sẽ là môn sinh của Ngài. Thật thú vị, Mẹ được gọi là “Ái Nữ của Con!”.

Luca viết, “Hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ”. Trong hài nhi này, nhân tính kết hợp với thần tính. Maria là mẹ của Giêsu, hoàn toàn người và hoàn toàn Chúa. Ở đây, cần bác bỏ hai thái cực: Giêsu không phải là một Thiên Chúa vờ làm người; cũng không là một người vờ làm Chúa. Ngài không mang thần tính như chiếc áo có thể cởi ra khi đã vào cửa; cũng không đeo mặt nạ thịt da để che sự rạng rỡ của khuôn mặt thần thánh. Không! Giêsu hoàn toàn là Chúa, hoàn toàn là người trong mầu nhiệm đức tin được gọi là “hiệp nhất bản thể”. Vì thế, Maria là mẹ của một người, không phải là mẹ của một bản tính, nên là Mẹ của Chúa. Đây là giáo lý không suy suyển của Công Đồng Êphêsô, thế kỷ thứ 5.

Thư Galata hôm nay nói, “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ”. Con Thiên Chúa không thể cứu chuộc những gì xa lạ! Vì thế, thật phù hợp khi Ngài được sinh ra từ một người mẹ như mọi người. Sự vâng phục của Mẹ đã cho phép Chúa sử dụng cả hồn lẫn xác để viết chương đầu tiên của một câu chuyện có thật về một con người, về một Giáo Hội. Và như tất cả câu chuyện có thật khác, một nhân vật đến trước, một cuộc sống được sống; và sau đó, ‘cuốn sách’ Giêsu ra đời!

Thiên chức làm mẹ của Maria ban cho thế giới Giêsu; Giêsu ban cho chúng ta Giáo Hội. Vì thế, mỗi người có thể nói, Maria là Mẹ Giáo Hội ‘và là thầy dạy’ của tôi. Tôn vinh Mẹ vì ơn gọi làm mẹ của Mẹ, chúng ta tuyên xưng Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Chúa Giêsu, Đấng Mẹ nựng trên đầu gối, cũng là Đấng quay cả thế giới trên đầu ngón tay của Ngài!

Kính thưa Anh Chị em,

“Các mục đồng gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ”. Không có gì lạ thường nơi gia đình nghèo này! Cũng thế, việc hài nhi Giêsu được Maria nuôi nấng, dạy dỗ cũng không có gì lạ thường; nhưng quả là quá phi thường khi Maria dưỡng dục Con Một Thiên Chúa! Thiên Chúa thường làm những điều vĩ đại nơi những con người bé nhỏ. Năm mới có lẽ cũng không có gì khác thường, nhưng sẽ rất lạ thường, nếu mỗi người chúng ta nhìn nó trong viễn cảnh đức tin. Nhờ lời cầu bầu của “Đức Bà là toà Đấng Khôn Ngoan”, ‘và là thầy dạy’, chúng ta liên kết công việc của mình, trái tim của mình với Chúa Giêsu, hẳn cuộc đời bạn và tôi cũng sẽ vĩ đại trong chương trình vĩ đại của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Mẹ, dạy cho con những bài học không lời; giúp con để tâm suy đi nghĩ lại những việc Chúa làm trên con và trên người khác, dù chúng tầm thường bé nhỏ!” Amen.

Kính mời Anh Chị em thưởng thức ca khúc “Mẹ La Vang, Thầy Dạy Của Con”, một tác phẩm của người viết tại đây: https://youtu.be/0F0RRrZI0UM?si=xLchL3EMo5mGWw6K

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây