09/01/2023
THỨ HAI TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN
Chúa Giê-su chịu phép rửa
Mt 3, 13-17
NGẠC NHIÊN CHƯA!
Đức Giê-su… đến gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”. (Mt 3, 13-14)
Suy niệm: Gio-an đã ngạc nhiên về việc Chúa Giê-su đến xin ông làm phép rửa: bởi ông ý thức rõ, Ngài là Đấng quyền thế hơn ông: Ông chỉ làm phép rửa bằng nước, còn Ngài làm phép rửa trong Thánh Thần. Thế mà Ngài lại đến để xin ông làm phép rửa. Sự ngạc nhiên của Gio-an Tẩy Giả cũng tựa như sự ngạc nhiên của Phê-rô khi Chúa Giê-su quì xuống rửa chân cho ông: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13, 8)… Đương nhiên, những gì Thiên Chúa thực hiện không phải là hành động thừa, nhưng chẳng qua vì thánh ý Thiên Chúa vượt xa khả năng nhận hiểu của con người. Vì thế, thái độ cần thiết của mỗi người là khiêm tốn đáp lời ‘xin vâng’, để nhờ suy gẫm mà thấu hiểu chương trình hành động của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Cúi xuống phục vụ là ý nghĩa phép rửa Chúa Giê-su muốn chịu, và đỉnh điểm của ‘phép rửa’ ấy là chấp nhận treo mình trên thập giá để cứu muôn người – một phép rửa mà cả cuộc đời trần thế Chúa Giê-su luôn khao khát hướng về và nóng lòng hoàn tất: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12, 50). Thiên Chúa chết vì con người, quả là điều đáng ngạc nhiên, nhưng sẽ là ngạc nhiên hơn, nếu con người từ chối tình yêu đến mức tự hiến của Thiên Chúa!
Sống Lời Chúa: Hãy suy gẫm về mầu nhiệm được thể hiện qua các Bí tích để dục lòng tham dự cách sốt sắng hơn.
Cầu nguyện: Đọc kinh Cám Ơn…
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Tôi đã nhìn thấy Đấng ngự trên ngai cao cả, có vô số Thiên Thần thờ lạy và đồng thanh ca hát rằng: Đây danh hiệu vương quyền Người tồn tại muôn đời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa nhân từ, này dân Chúa đang hiệp lời cầu khẩn; nguyện xin Chúa dủ thương chấp nhận, để giúp chúng con biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 1, 1-6
“Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con”.
Khởi đầu thư gửi tín hữu Do-thái.
Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ.
Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm, trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.
Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh hạ Con”? Rồi Chúa lại phán: “Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta”. Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: “Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!”
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 96, 1 và 2b. 6 và 7c. 9
Ðáp: Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người
Hoặc đọc: Chúa hiển trị, Chúa là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất
Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Công minh chính trực là nền kê ngai báu.
Xướng: Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người.
Xướng: Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể.
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 1, 1-8
“Anna buồn sầu, vì Chúa đã để bà phải son sẻ”.
Khởi đầu sách Samuel quyển thứ nhất.
Khi ấy, có một người quê ở Rama-Sôphim, miền núi Ephraim, tên là Elcana, con của Giêrôha, Giêrôha con của Êlihu, Êlihu con của Thôhu, Thôhu con của Súp, người Ephratha. Elcana có hai người vợ: một tên là Anna, người kia tên là Phênenna. Và Phênenna có nhiều con, còn Anna thì không có con. Vào những ngày luật quy định, ông này thường rời quê mình lên Silô để thờ lạy Chúa các đạo binh và hiến dâng của lễ. Tại Silô, có hai người con của Hêli là Ophni và Phêni, cả hai đều là tư tế của Chúa. Ngày kia Elcana đi tế lễ, ông chia phần cho bà vợ Phênenna và tất cả các con trai con gái của bà. Ông buồn sầu chia cho Anna có một phần, mặc dầu ông yêu bà: vì Thiên Chúa để cho bà phải son sẻ. Cả đối thủ của bà cũng làm cho bà buồn phiền và nhục mạ bà, vì Chúa đã để bà phải son sẻ. Hằng năm, mỗi lần đến ngày lên đền thờ Chúa, Elcana đều chia phần như thế, và Anna cũng đều bị khiêu khích như vậy. Bà than khóc và không ăn uống gì. Vậy Elcana, chồng bà, đã nói với bà rằng: “Hỡi Anna, sao bà khóc, và không ăn uống gì? Sao bà buồn như vậy? Tôi đây chẳng quý hơn mười đứa con sao?”
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14 và 17. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Con lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.
Xướng: Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.
Xướng: Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giêrusalem hỡi!
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 14-20
“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con đang thành khẩn tiến dâng, để nhờ của lễ này, chúng con được thánh hoá, và đạt được những điều chúng con tha thiết cầu xin. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch sự sống, và trong ánh sáng của Chúa, chúng tôi sẽ nhìn thấy ánh sáng.
Hoặc đọc:
Chúa phán: “Ta đến để chúng được sống, và được sống dồi dào hơn”.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con trong thánh lễ này; xin cũng cho chúng con hằng biết sống thánh thiện mà phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
DỨT KHOÁT (Mc 1, 14-20)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
“Hãy theo Thầy” chính là lời mời gọi đầy yêu thương, trìu mến của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Nhưng sự đáp trả: “Xin theo Thầy” chính là thể hiện thái độ dứt khoát của các ông cũng không kém phần tin yêu với Đấng đã yêu thương mình trước.
Hôm nay, Kinh Thánh thuật lại việc Đức Giêsu đi dọc biển hồ Galilê, Ngài thấy các ông Simon và Anrê đang quăng lưới xuống biển, rồi đi xa hơn chút nữa, Ngài thấy Giacôbê và Gioan đang vá lưới trong thuyền, cùng một mẫu số chung, Ngài cất tiếng mời gọi các ông: “Hãy theo Tôi”. Ngay lập tức, các ông bỏ mọi sự để đi theo Ngài.
Sự dứt khoát của các ông cho thấy họ đã tìm được kho tàng, chân lý, lẽ sống đích thực là chính Chúa. Các ông cũng khám phá ra lý tưởng của cuộc đời. Vì thế, các ông đành mất hết và coi mọi sự là rơm rác so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của các ông. Từ đây, các ông được sống cùng và sống với Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Thật là hạnh phúc cho bốn môn đệ đầu tiên này!
Đến lượt chúng ta, mỗi người cũng được Chúa gọi rất nhiều lần trong cuộc đời! Ngài gọi chúng ta qua lương tâm, qua các dấu chỉ, qua những sự kiện, biến cố, qua những người này hay người kia…
Ngài mời gọi chúng ta thi hành bác ái, yêu thương người nghèo, từ bỏ con đường tội lỗi, hoán cải, sống công chính và trung thành với đức tin… Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta đã không nhạy bén đủ, hay cũng có những lúc chúng ta không muốn đáp lại lời mời gọi đó và viện cớ đủ mọi lý do để khước từ.
Như vậy, chúng ta không lạ gì khi Lời Chúa hằng ngày vẫn đọc, nhưng Lời ấy không hề ăn nhập gì với cuộc sống của mỗi chúng ta! Và lẽ tất nhiên, chúng ta vẫn trơ trọi như cây không sinh trái mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn chúng con khao khát Chúa, để chúng con nhạy bén nhận ra tiếng Chúa gọi và can đảm đi theo Chúa như các Tông đồ khi xưa. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Giê-su chịu phép rửa
Ca nhập lễ
Sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa, các tầng trời mở ra, và Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trên Người. Cùng lúc ấy, có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Đây là Con chí ái của Ta, Người làm cho lòng Ta vui thỏa”.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Hôm nay, Hội Thánh cử hành phụng vụ lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, và toàn thể dân công giáo khai mạc một giai đoạn mới trong năm phụng vụ, chu kỳ phụng vụ mùa thường niên. Chọn lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa để khai mạc thời gian phụng vụ này, Hội Thánh muốn mời gọi tất cả chúng ta dân thân sâu xa hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô, vào sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới và cuộc sống, vào Tin Mừng Cứu Độ mà Ngài đã loan báo cách đây hơn 2000 năm.
Ngoài ra cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa hôm nay, Mẹ Hội Thánh còn muốn nhắc nhở con cái mình đặc ân Bí tích Rửa Tội, và khuyên dụ chúng ta hãy cố gắng gìn giữ chiếc áo trắng được tinh tuyển cho tới khi Chúa lại đến. Nhưng lúc này đây chắc hẳn không ai trong chúng ta dám tự hào mình vô tội. Vậy để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh chúng ta cùng thành tâm hốì lỗi
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Ðức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin…
Hoặc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con nhận biết Ðức Kitô Con Một Chúa xuất hiện như người phàm và mặc lấy thân xác giống hệt chúng con. Xin Chúa làm cho tâm hồn chúng con được đổi mới và trở nên giống hình ảnh Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Is 42, 1-4. 6-7
“Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.
Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10
Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).
Xướng: Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa.
Xướng: Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ.
Xướng: Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời.
Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38
“Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: x. Mc 9, 7
Alleluia, alleluia! – Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 3, 13-17
“Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên mình Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: “Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?” Chúa Giêsu liền đáp lại: “Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế”. Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mầu nhiệm phép rửa nơi Đức Kitô hôm nào bên bờ sông Giodan, cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã khởi sự cuộc đời rao giảng Tin Mừng từ biến cố đặc biệt này, và Ngài mời gọi chúng ta hãy tiếp tục ra đi từ giếng rửa tội của mỗi người. Vậy chúng ta cùng nguyện xin:
1. “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn”.- Xin cho các vị Mục tử có tinh thần khiêm hạ của Đức Kitô, để qua các ngài ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ trên đoàn dân mà các ngài chăm sóc.
2. “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người” – Xin cho các Kitô hữu luôn nhớ mình đã được xức dầu, được mặc áo trắng tinh tuyền, được trao nến Phục Sinh, và được thanh tẩy trong Thánh Thần, để sống xứng đáng mỗi ngày với ân huệ đã lãnh nhận.
3. “Chúng ta cần chu tòan bổn phận” – Xin cho các nhà cầm quyền Quốc Gia biết chu toàn bổn phận của mình, để kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho dân tộc.
4. “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết sống hòa mình với mọi người, để trở nên men làm dậy bột thánh thiện nơi cộng đồng nhân loại, xứng đáng là con cái Thiên Chúa.
Chủ tế: Lạy Thần Khí Thiên Chúa, Đấng đã ngự trên Đức Giêsu và hướng dẫn Người trong khi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho nhân loại, xin cũng ngự trị trên chúng con, biến đổi chúng con thành công cụ của công cuộc truyền giáo trên quê hương yêu dâu của chúng con, và trên toàn thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô..
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, trong ngày Chúa mặc khải Ðức Kitô Con yêu dấu, đoàn tín hữu chúng con dâng lên Chúa những lễ vật này: cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và làm cho trở nên lễ hy sinh hoàn hảo của Người là chính Ðấng đã thương rửa sạch tội lỗi trần gian. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Khi Ðức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Chúa đã dùng những dấu lạ này tỏ bày mầu nhiệm phép rửa mới: Nhờ tiếng Chúa từ trời vọng xuống, chúng con tin rằng Ngôi Lời của Chúa ở giữa loài người; và nhờ Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu hiện xuống, chúng con nhận biết Ðức Kitô là Tôi Trung của Chúa, được xức dầu hoan lạc và được sai đi rao giảng Tin Mừng cho kẻ khó nghèo. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:
Thánh ! Thánh ! Thánh!
Ca hiệp lễ
Đây là Đấng mà ông Gio-an đã nói: “Tôi đã thấy và xin làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa”.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, nơi bàn tiệc thánh, Chúa đã cho chúng con được no lòng thoả dạ. Xin cũng giúp chúng con luôn trung thành nghe theo lời Con Một Chúa dạy bảo, để không những chúng con chỉ mang danh là con cái Chúa mà còn thực sự sống với Chúa cho phải đạo làm con. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Dấu Thánh Giá
Câu chuyện sau đây xảy ra vào thời Giáo Hội bị cấm cách tại một địa phương truyền giáo. Hôm ấy trong một nhà nguyện chặt ních người dự lễ, khi thanh lễ vừa mới bắt đầu. thì một người lính trang bị đầy đủ vũ khí xuất hiện ngay trước cửa của nhà nguyện khiến mọi người hết sức lo sợ. Vị linh mục bình tĩnh, ngài quay ra nhìn người lính. Anh ta cảm thấy một sức hút kỳ lạ, anh mỉm cười và làm dấu thánh giá. Hiểu ý, vị linh mục gật đầu mỉm cười và quay vào bàn thờ để tiếp tục thanh lễ. Dấu thánh giá chứng tỏ rằng anh lính đó là người có đạo, là người công giáo.
Nhiều lần chúng ta dùng nước phép để làm dấu thánh giá. Nghi thức này có nhiều ý nghĩa. Trước hết nó nhắc nhở cho chúng ta việc Đức Kitô bước xuống sông Giođan, cũng như bí tích Rửa Tội, nhờ đó chúng ta được gia nhập cộng đoàn dân Chúa, là Giáo Hội. Đồng thời còn nói lên việc thanh tẩy tâm hồn để được xứng đáng tiến đến với Chúa. Ngoài ra nó còn nhắc nhở chúng ta hãy loại bỏ những chia trí, những cám dỗ của thế gian để được thuộc hẳn vào Chúa. Hơn thế nữa nó còn cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu đã chịu chết trên thập giá vì tất cả chúng ta, người ngay lành thánh cũng như kẻ tội lỗi.
Mỗi khi làm dấu thánh giá, thì niềm tin của chúng ta được củng cố. Niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Dấu thánh giá còn tỏ ra sự dâng hiến hồn xác con người để phụng sự Chúa. Nó là lời tuyên xưng thật đơn sơ, nhưng lại vô cùng đẹp đẽ. Nó chứng tỏ chúng ta là người công giáo.
Cũng như người lính trong câu chuyện đã làm dấu thánh giá để tỏ ra anh là người công giáo. Đối với anh lính đó, cũng như đối với chúng ta, dấu thánh giá chứng tỏ rằng chúng ta là thành phần của một cộng đoàn, được tụ hợp để thờ phượng Thiên Chúa.
Ngay khi được mai táng với Đức Kitô trong bí tích Rửa Tội, chúng ta cũng được sống lại với Ngài. Sự chết và phục sinh của Ngài được làm lại mỗi ngày trong thánh lễ. Rồi trước khi ra về, chúng ta cũng làm dấu thánh giá để được thêm sức mạnh, để được khích lệ hầu sống xứng đáng là những chứng nhân Đức Kitô giữa lòng cuộc đời.
Chính vì thế, với những ý nghĩa phong phú kể trên, chúng ta hãy làm dấu thánh giá cho trang nghiêm và sốt sắng. Đồng thời chúng ta hãy ý thức rằng thánh giá là dấu chỉ của một tình yêu cao vời mà Chúa đã dành cho chúng ta, như lời thánh Phaolô: Chúa đã yêu thương tôi và đã nộp mình chịu chết vì tôi.
Chọn lựa
Chúa Giêsu chịu thanh tẩy hẳn không phải là để thú nhận tội lỗi. Tin Mừng cho thấy: Là người Do Thái, Chúa Giêsu đã giữ trọn tất cả những gì lề luật đòi hỏi nơi một người Do Thái. Sinh ra được 8 ngày, Ngài đã chịu phép cắt bì. Rồi khi đã đủ ngày, Ngài được dâng tiến cho Thiên Chúa tại đền thờ. Và năm 12 tuổi, Ngài đã theo cha mẹ đi Giêrusalem vào những dịp lễ lớn. Vì thế, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi Chúa Giêsu xuất hiện bên bờ sông Giođan để chịu phép rửa.
Tuy nhiên, đọc lại Tin Mừng chúng ta có thể nhận ra điều này là tuy tham dự tất cả những nghi lễ theo luật dạy, nơi Chúa Giêsu vẫn có một cái gì khác, vượt ra ngoài điều các nghi lễ muốn ám chỉ, khiến cho những nghi lễ ấy có một cái gì mới mẻ hơn, hoàn thiện hơn.
Chẳng hạn khi Ngài chịu cắt bì và được đặt tên. Nhưng tên được đặt cho Ngài lại là tên do thiên thần gọi trước khi Ngài đầu thai trong lòng mẹ. Khi tiến dâng nơi đền thờ, Ngài đã được đón chào như ánh sáng chiếu soi muôn dân.
Hiện tượng vượt khung này lại càng tỏ rõ hơn qua việc Chúa chịu phép rửa ngày hôm nay. Thực vậy Tin Mừng cho chúng ta thấy có sự tương phản giữa Gioan và Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là người đến sau nhưng lại là người quyền thế hơn, mạnh sức hơn. Còn Gioan người đi trước thì chỉ là kẻ tôi tớ, không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài. Việc thanh tẩy của Gioan chỉ là một thứ thanh tẩy bằng nước, trong khi đó việc thanh tẩy của Chúa Giêsu lại chính là thanh tẩy bằng Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, chóp đỉnh của sự kiện này đó là việc giới thiệu Chúa Giêsu, Đấng vừa chịu phép rửa, là Con Thiên Chúa, Đấng sẽ đến để cứu chuộc nhân loại. Đúng thế, công cuộc cứu chuộc không thể được hiểu như một cái gì có thể đạt được qua công nghiệp, nhưng qua cuộc sống. Chúa Giêsu đã sống ơn cứu chuộc nơi mình Ngài. Bởi đó, Ngài đã xuống sông Giocđan như mọi kẻ tội lỗi khác, nhưng lại với tính cách là Con Thiên Chúa. Cả cuộc hành trình cứu chuộc được thu gọn lại nơi việc Chúa Giêsu chịu thanh tẩy.
Sở dĩ như vậy là vì các chi tiết trong việc thanh tẩy đã gợi lại những gì diễn ra trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu: Ngài xuống dưới nước như xác Ngài bị chôn trong mồ. Trời mở ra như bức màn của đền thờ bị xé. Thánh Thần đáp xuống với tiếng từ trời phán ra gợi lại việc Chúa phục sinh, ngự bên hữu Đức Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần xuống.
Với chúng ta cũng vậy, là người Kitô hữu, chúng ta đã được chịu phép thanh tẩy, không phải bởi tay Gioan, nghĩa là bằng nước, mà từ sự chết và sống lại của Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Phép thanh tẩy này không chỉ là một nghi lễ tẩy sạch tội tổ tông, mà còn là một biến cố mở đầu cho một cuộc hành trình, hay nói đúng hơn, một cuộc đấu tranh và chiến thắng tội lỗi. Như thế, con đường cứu rỗi là một sự lựa chọn dứt khoát: chọn Thiên Chúa thay vì ma quỷ, chọn điều thiện thay vì điều ác. Phép thanh tẩy như thế không phải chỉ là một bí tích được chịu một lần rồi thôi, mà còn là chính cuộc sống người Kitô hữu nữa.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn