TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

Chủ nhật - 31/12/2023 13:41 |   540
Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. (Ga 1,35-42)

04/01/2024
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

t5 thl b

Ga 1,35-42


PHÚT ĐẦU GẶP GỠ
Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. (Ga 1,35-42)

Suy niệm: Mấy vần thơ của Thế Lữ: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hầu dễ mấy ai quên” hẳn cũng diễn tả tâm trạng của hai môn đệ lần đầu gặp gỡ Đức Ki-tô. Khi nghe Gio-an Tẩy giả giới thiệu Chúa Giê-su: “Đây là Chiên Thiên Chúa”, hai ông bị cuốn hút và đi theo Ngài. Giây phút họ gặp Chúa thật ấn tượng đến độ họ nhớ rất rõ: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười”. Như Mô-sê được Đức Chúa thu hút qua ngọn lửa cháy trong bụi gai, ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng thú nhận: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7). Đức Ki-tô có sức thu hút diệu kỳ khiến cho các ông “đến và ở lại với Ngài”. Và các ông đã ở lại mãi và trở thành môn đệ của Ngài.

Mời Bạn: ĐTC Phan-xi-cô nói: “Đức Ki-tô Đang Sống, Ngài không bao giờ là lỗi thời, không bao giờ mất sự hấp dẫn, trẻ trung, Ngài là Đấng Cứu độ cho nhân loại” (Tông huấn Đức Ki-tô đang sống). Đó là sức hút của “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29), sức hút của thập giá, của hiến thân chịu chết để bạn được “giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền trống rỗng và cô đơn trong tâm hồn” (số 119). Bạn có buông bỏ mình để Chúa “quyến rũ” bạn “vác thập giá” và đi theo Ngài không?

Sống Lời Chúa: Bạn vác thập giá mình đi theo Chúa bằng cách mỗi ngày bạn làm ít là một việc hy sinh, phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cuốn hút chúng con vào trong ánh sáng tình yêu của Chúa, để chúng con thực sự là môn đệ của Chúa, và giới thiệu về Chúa cho mọi người qua chính cuộc sống chứng tá của chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

Ca nhập lễ

Lúc khởi đầu và từ trước muôn thủa, Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa, Người đã khứng sinh ra làm Đấng cứu độ loài người.

Lời nguyện trong Thánh lễ 

Lạy Thiên Chúa toàn năng, ngày Con Chúa giáng trần là khởi điểm kỳ diệu cho công trình cứu chuộc dân Chúa; xin cho chúng con được tin cậy vững vàng, để nhờ Con Một Chúa hướng dẫn, chúng con đạt tới phúc vinh hiển Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 1 Ga 3, 7-10

“Người ấy không phạm tội được, vì đã sinh ra bởi Thiên Chúa”.

Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gio-an Tông Ðồ.

Hỡi các con bé nhỏ, đừng để ai lừa gạt các con.

Ai thi hành sự công chính là người công chính, cũng như chính Người là Ðấng công chính.

Ai phạm tội thì bởi qủy mà ra, vì qủy là kẻ phạm tội từ ban đầu.

Con Thiên Chúa đã xuất hiện để phá hủy công việc của ma qủy.

Bất cứ ai đã sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, vì mầm giống của Người ở trong kẻ ấy.

Kẻ ấy không phạm tội được, vì đã bởi Thiên Chúa mà sinh ra.

Do đó, mà nhận ra được con của Thiên Chúa và con cái ma quỷ.

Bất cứ ai không phải là người công chính, và không thương yêu anh em mình, thì không bởi Thiên Chúa mà ra.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 97,7-8,9

Ðáp: Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Xướng: Hãy gầm lên, biển cả và mọi vật dưới biển, cả vũ trụ với vạn vật dân cư. Sông ngòi, hãy vổ tay mừng, núi non, hãy đồng nhảy mừng. – Ðáp.

Xướng: cầu, Người thống trị địa cầu cách công minh, Người thống trị muôn dân cách chính trực. – Ðáp.

Alleluia:

Alleluia, Alleluia. – Thủa xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà nói với cha ông, nhưng đến thời sau hết, Người đã nói nơi Chúa Con. Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1,35-42

“Chúng tôi đã gặp Ðấng Cứu Thế”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giê-su đang đi mà nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa.

Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giê-su, Chúa Giê-su ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?”

Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?”

Người đáp: “Hãy đến mà xem”.

Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Si-mon Phê-rô, một trong hai người đã nghe Gio-an nói và đã đi theo Chúa Giê-su.

Ông gặp Si-mon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Mê-si-a, nghĩa là Ðấng Ki-tô”.

Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su nhìn Si-mon và nói: “Ngươi là Si-mon, con ông Gio-an, ngươi sẽ được gọi là Kê-pha, nghĩa là Ðá”.

Ðó là Lời Chúa.
 

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…

Kinh Tiền tụng

Trước lễ Hiển Linh: lời tiền tụng Giáng Sinh

Sau lễ Hiển Linh: lời tiền tụng Hiển Linh

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin nhận lời chúng con cầu nguyện: ước gì bí tích Thánh Thể không ngừng gia tăng sinh lực cho chúng con trong cuộc sống thường ngày. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

Suy niệm

GIỚI THIỆU CHÚA CHO NGƯỜI KHÁC (Ga 1,35-42)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Qua lời giới thiệu của Gio-an, hai môn đệ của ông đã đi theo Đức Giê-su. An-rê, một trong hai vị tiên khởi, sau khi đã gặp được Đức Giê-su rồi lại giới thiệu cho em mình là Si-mon Phê-rô. Phi-líp-phê cũng giới thiệu cho Na-tha-na-en sau khi ông đã đi theo Chúa. Động lực thúc đẩy người môn đệ đi làm chứng là tình yêu Đức Giê-su, sau khi đã gặp được Ngài.

2. Lại một lần nữa chúng ta gặp ông Gio-an. Phải nói ông là người luôn ý thức được sứ mạng của mình là người luôn “đi trước mở đường cho Chúa”, chính vì thế mà hôm nay ông đã khuyên các môn đệ của mình hãy lìa bỏ ông  để đi theo vị Thầy mới là Chúa Giê-su. Gio-an là người rất quảng đại, không ganh tị. Rõ ràng ông là người đến để đưa người khác đến với Chúa Giê-su chứ không phải với chính ông. Khi Chúa Giê-su đã xuất hiện trên sân khấu thì Gio-an hiểu rằng vai trò của ông cần phải dần dần  chấm dứt để cho Chúa được nổi bật lên.

Chúng ta cũng thế, mỗi người đều nhận một sứ vụ và một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy ý thức chỗ đứng của mình và biết mình là một giai đoạn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như thánh Gio-an, chúng ta biết giới thiệu Chúa cho những ai chúng ta gặp gỡ (Mỗi ngày một tin vui).

3. Hôm nay An-rê lại giới thiệu Phê-rô em mình cho Chúa Giê-su: Chúng tôi đã gặp Đức Mê-si-a” (Ga 1,41). Rồi dẫn em mình đến gặp Chúa Giê-su. An-rê là người luôn đứng ra giới thiệu người khác cho Chúa Giê-su. Trong Tin mừng, ba lần nhắc đến An-rê đến với Chúa, thứ đến ông dẫn em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ, cuối cùng ông đưa những người Hy Lạp thắc mắc đến với Chúa. An-rê rất vui đưa được người khác đến với Chúa. Ông nổi bật như là một người chỉ có mong muốn là chia sẻ vinh quang, ông là người có tâm tình truyền giáo. Sau khi chính mình đã được ở gần Chúa, ông dành trọn đời mình để dẫn đưa người khác bước vào tình yêu thương đó.

Khi An-rê đưa Phê-rô đến với Chúa Giê-su, Ngài nhìn ông, đó là một cái nhìn tập trung chăm chú, chẳng những thấy mặt bên ngoài mà còn đọc được cả tâm trí bên trong nữa. Khi nhìn Si-mon, tên của ông lúc bấy giờ, Ngài bảo: “Ngươi là Si-mon, ngươi sẽ được gọi là Kê-pha” (nghĩa là đá). Khi một người có mối liên hệ mới đối với Chúa, cuộc đời người ấy như được bắt đầu lại, trở thành một người mới, nên cần một tên mới…

4. Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta xem xét kỹ lại lý do tại sao chúng ta còn miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác? Nếu chúng ta gọi Phúc âm là Tin Mừng và nếu chúng ta tin Đức Giê-su là kho báu to lớn nhất mà con người có thể chiếm hữu, thì tại sao chúng ta lại miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với con cái chúng ta, với bạn bè chúng ta và với những người mà chúng ta biết đang tìm kiếm một niềm tin.

Chúng ta có nhiều cách giới thiệu Chúa cho người khác, tùy theo sáng kiến mà Chúa soi sáng cho mỗi người. Nhưng giới thiệu Chúa Giê-su cho người khác tốt nhất, cụ thể nhất, hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống gương mẫu, đời sống tốt đẹp của chúng ta. Thực tế đã chứng minh: nhiều người trở lại tin Chúa vì thấy đời sống gương mẫu, bác ái của các tín hữu. Chính nếp sống đạo đức, thánh thiện, ngay thẳng, chân thành của chúng ta là một tấm gương trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn nhiều bài giảng hùng hồn.

Người ta thường nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”, chính cái hình ảnh tốt đẹp in sâu vào tâm hồn người ta, khiến họ phải suy nghĩ và có một sứ lôi kéo mãnh liệt khiến họ không thể chống lại được. Vì thế người ta thường nói:

Lời nói như gió lung lay,
Gương bày như tay lôi kéo.

5. Truyện: Chúa tin tưởng nơi con người.

Có một câu truyện ngụ ngôn rất hay về vấn đề giới thiệu Chúa cho người khác.

Chuyện kể rằng: sau khi chịu nạn chịu chết trên thập giá, Chúa Giê-su đã phục sinh trở về Thiên đàng trong uy nghi hiển vinh. Dầu đã được vinh quang nhưng tay chân Ngài vẫn còn mang thương tích. Các thiên sứ hân hoan đón chào Chúa. Quang cảnh đang nhộn nhịp vui tươi bỗng có một thiên sứ đặt vấn đề:

– Chắc là Chúa đã phải chịu thống khổ vô cùng vì loài người dưới đó?

Chúa đáp:

– Đúng vậy.

Thiên sứ hỏi tiếp:

– Có phải tất cả mọi người đều đã biết những gì Chúa làm cho họ không?

Chúa Giêsu trả lời:

– Chưa, chỉ mới có một số ít người biết mà thôi.

Thiên sứ hỏi tiếp:

– Thế thì Chúa làm gì để giúp cho mọi người được biết?

Chúa Giê-su đáp:

– Ta đã trao cho Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an và các đồ đệ của Ta trách nhiệm đi nói với những người khác, rồi những người khác lại nói cho những người khác nữa, rồi cho những người này lại nói cho những người kia, cho đến lúc những người ở nơi xa xôi nhất trên địa cầu cũng đều được nghe.

Thiên sứ nhìn Chúa với vẻ nghi ngờ. Vị này đã quá hiểu rõ lòng dạ con người như thế nào nên nói tiếp:

– Vâng, nhưng nếu như Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an và các môn đệ của Chúa quên đi thì sao? Hoặc nếu họ mệt mỏi không còn tha thiết gì đến việc loan báo nữa thì sao? Hay như những người ở thế kỷ 21 này không chịu thực hiện trọng trách việc thuật lại câu chuyện tình yêu của Chúa cho những người khác nữa thì sao? Liệu Ngài có lập một chương trình nào khác không?

Chúa Giêsu trả lời:

– Không! Ta không sắp đặt một chương trình nào khác. Ta đặt tin tưởng nơi họ.

Chúa vẫn tin tưởng những ai tin Chúa.

GIÀU CÓ HƠN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đến mà xem!”.

“Mọi con đường trong cuộc đời đều kết thúc ở nấm mồ. Những con đường tôn giáo, danh vọng và thành công không bao giờ có thể đưa bạn qua thung lũng bóng tối của cái chết. Chỉ con đường Giêsu mới có thể làm được điều đó. Ngài sẽ dẫn bạn đến một nơi đời đời hơn, giàu có hơn, nếu bạn đặt trọn niềm tin vào Ngài!” - Carol Berubee.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Gioan Tẩy Giả quảng đại để các đồ đệ của mình chọn đi con đường Giêsu. Dõi theo vị thầy mới, họ dè dặt hỏi, “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; Ngài bảo, “Đến mà xem!”. Họ đã đến, xem, và “ở lại với Ngài”. Kìa! Nào ai biết, nhờ nghĩa cử hào hiệp này, cả thầy trò Gioan Tẩy Giả đã trở nên đời đời hơn, ‘giàu có hơn!’.

Trên đường đời, có rất nhiều cuộc gặp gỡ. Có những cuộc gặp gỡ sớm rơi vào quên lãng; có những cuộc gặp mà sau khi chia tay, bạn cảm thấy mình nghèo hơn. Nhưng cũng có những cuộc gặp khiến một số người thay đổi cả cuộc đời, chẳng hạn cuộc gặp gỡ của các nhân vật hôm nay, một cuộc gặp gỡ làm cho ‘giàu có hơn’. Đó là cuộc hội ngộ tuyệt vời, bởi lẽ nhiều năm sau, khi viết Tin Mừng, Gioan, người đi theo Chúa Giêsu chiều hôm ấy vẫn còn nhớ chính xác thời điểm, “Lúc đó khoảng giờ thứ mười”, tức chừng bốn giờ chiều.

Tính giản dị của trình thuật khiến người đọc hụt hẫng. Họ muốn biết nhiều hơn những gì các môn đệ đã thấy chiều ấy, họ muốn được mô tả ‘nơi chỗ’ mà vị ‘Thầy mới’ đón tiếp ‘quý khách’ đầu tiên, và nhất là ‘nội dung’ cuộc gặp gỡ giữa Ngài với họ. Thế nhưng, tác giả không nói gì về chủ đề này. Gioan không nói một lời về nơi chỗ hoặc một xác thực nào về diễn biến; chỉ có thời giờ được nói nhưng cũng chỉ đề cập một cách phỏng chừng.

Thế mà cũng ngày hôm ấy, một điều gì đó mang tính quyết định đã xảy ra; vì lẽ, đó là một cuộc gặp đã thay đổi ‘đến mấy’ cuộc đời. Anrê vồn vã thổ lộ, “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia” và dẫn Simon em mình đến gặp Chúa Giêsu. Hôm sau, Philipphê, đến lượt mình, cũng tuyên bố, “Đấng mà sách luật Môisen và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp Ngài!”.

Cảm nhận việc đúng đắn khi đi theo Chúa Giêsu, về sau Gioan viết, “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, đừng để ai làm cho anh em đi lạc đường!” -  bài đọc một. Đi theo Chúa Giêsu, họ trở nên đời đời hơn, ‘giàu có hơn’. Và qua họ, ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ được loan truyền như Thánh Vịnh đáp ca báo trước, “Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đến mà xem!”. Gioan Tẩy Giả đã dun dũi các đồ đệ của mình đến và xem Chúa Giêsu. Có lẽ đó là một trải nghiệm buồn vui lẫn lộn đối với Gioan. Có lẽ Gioan đã cảm thấy mất đi những đồ đệ của mình ở một mức độ nào đó. Nhưng bất kỳ trải nghiệm mất mát nào cũng sẽ được ‘biến đổi và giảm bớt’ nhờ một niềm vui lớn hơn khi biết rằng, mình đang hoàn thành mục đích cuộc đời bằng cách hướng người khác đến với Chúa Kitô. Tình yêu đích thực của người môn đệ Kitô luôn luôn có tính vị tha. Nó luôn tập trung vào Chúa Kitô và luôn hướng người khác đến với Ngài. Gioan đã nêu gương tuyệt vời về nhân đức này để cả thầy lẫn trò trở nên ‘giàu có hơn’. Bạn và tôi được mời gọi hãy làm như vậy!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con nghèo đi khi không dám buông bỏ. Cho con biết ‘xô’ những ai đến với con về phía Chúa, hầu con phần nào ‘bớt nghèo!’, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây