TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia Thất -Năm B

Thứ sáu - 29/12/2023 03:56 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   543
“Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia -Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 

Thánh Gia b a2

 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2, 22-40).
 
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Mô-sê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giê-ru-sa-lem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Si-mê-on, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”. Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Si-mê-on chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!” Lúc ấy, cũng có bà tiên tri An-na, con ông Pha-nu-el, thuộc chi họ A-sê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Ga-li-lê-a, về thành mình là Na-da-rét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia -Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

 


Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia -Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Huyền Lương


 


Suy niệm
 
Gia đình mãi là một nơi để mọi người trở về khi mỏi mệt, lúc gặp thất bại, khi đối diện với những khổ đau, bởi nơi đó, mọi người có thể hiểu nhau nhiều hơn, thông cảm với nhau nhiều và sẵn sàng hy sinh, giúp nhau vượt qua những gì là thách đố trong cuộc sống. Lễ Thánh Gia là một dịp Mẹ Giáo hội mời con cái hướng về nơi gia đình của mình, để thấy những gì chưa vẹn toàn, để thấy những gì còn dang dở, hãy sửa lại, hãy hoàn thiện, để gia đình của mình nên thánh, mọi thành viên biết quan tâm và chăm sóc cho nhau, để sống đúng là một con người, một tín hữu trưởng thành về mọi mặt.
 
Trở lại với phụng vụ Lời Chúa trong thánh lễ này, từ bài đọc 1, tác giả sách Huấn Ca, một tác phẩm hướng về sự nghiệp giáo dục con người về nhân cách sống, đã trình bày trách nhiệm và niềm vui của các thành viên trong gia đình, phải sống thế nào để được gọi là Cha, là Mẹ, là con cái: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ”. Ơn gọi hôn nhân đặt trên đôi vai người nam và người nữ, trọng trách làm cha làm mẹ trong một gia đình mà họ vừa kiến tạo. Trách nhiệm đó được Thiên Chúa chúc lành, được mọi người nhìn nhận và được các thành viên trong gia đình trân trọng. Có làm tròn trách vụ đó, các thành viên đang góp phần xây dựng gia đình trở thành một tổ ấm thực sự, một nơi để trở về khi gặp khổ đau.
 
Để sống niềm tin của mình trọn vẹn, không chỉ là những bài giáo huấn về tín lý, nhưng còn một phần quan trọng đó là đời sống luân lý. Thánh Phaolô luôn hướng dẫn cho con cái các cộng đoàn, luôn biết quan tâm đến gia đình, đến bổn phận của mình giữa gia đình, phải làm sao để gia đình ấm êm, mọi người được bình an: “Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”. Gia đình là nền tảng của Giáo hội và xã hội, gia đình rất quan trọng để một con người chào đời, lớn lên làm người, gia đình cũng là nơi để con người hoàn thiện ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa.
 
Dẫu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu chấp nhận mọi giới hạn của con người, nhất là trong một gia đình. Đã làm người là phải có gia đình, có Cha, có Mẹ, có anh chị em. Tất cả cộng góp lại thành một cộng đoàn đức tin, cộng đoàn yêu thương. Gia đình Thánh được coi là mẫu mực cho một cộng đoàn đức tin. Mỗi thành viên đều hướng về cội nguồn là Thiên Chúa, để rồi giúp nhau sống tâm tình tạ ơn qua những nghi lễ tôn giáo truyền thống: “Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con”. Dẫu là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế đã trở nên con người, đã được chào đời trong một dân tộc, một gia đình, do đó, Ngài chấp nhận là một thành viên trong cộng đồng, là người con trong gia đình, chấp nhận được dạy dỗ, được giáo dục để trở nên người thực sự, trở nên một thành viên trong gia đình có trách nhiệm có bổn phận. Có như thế, Thiên Chúa mới thực sự đi vào lịch sử loài người, mới thấu hiểu những trọng trách của các thành viên trong gia đình, để thông cảm, để chia sẻ và để chúc lành.
 
Khi bắt đầu hình thành trong dạ mẹ, Đấng Cứu Thế chấp nhận thân xác người mẹ là nơi trú ẩn đầu tiên để làm người, chấp nhận dòng máu, chấp nhận hơi thở, chấp nhận lương thực và sự sống của con người, để tồn tại và lớn lên. Khi chào đời, Ngài đã chấp nhận phận làm con trong một gia đình, đón nhận những bổn phận là vâng lời cha mẹ, giúp đỡ và chia sẻ. Phận làm Cha, làm Mẹ, thánh Giuse và Mẹ Maria luôn dạy con những bài học về sự biết ơn, qua những lần hành hương lên Giêrusalem. Các ngài luôn đặt những giá trị tôn giáo làm nền tảng để xây dựng gia đình, giáo dục con cái và các thành viên trong nhà. Tất cả quy hướng về Thiên Chúa và luôn đặt Thiên Chúa làm trung tâm trong cuộc đời, để học làm người và làm con Thiên Chúa.
 
Xây dựng một gia đình hôm nay không còn làm một câu chuyện ngắn, nhưng là một thách đố lớn cho các gia đình. Tiếp cận với muôn vàn thành tựu khoa học và kỹ thuật, con người vận dụng nó vào cuộc sống, vì thế, giới trẻ đã nhạy bén, tiếp cận và vận dụng vào cuộc sống, có thể sẽ thành người, thành nhân tài, nhưng cũng không thiếu những gia đình có con cái trở thành gánh nặng. Cha Mẹ đi tìm thế giới riêng cho mình, bỏ bê việc chăm sóc và giáo dục con cái, hoặc giao cho xã hội, trường học và nhà thờ, thiếu sự cộng tác. Bên cạnh đó, không thiếu những gia đình chỉ lấy những giá trị thực dụng là vật chất, bằng cấp, địa vị làm mục tiêu cho con cái hướng tới, quên mất nền tảng nhân bản, quên mất việc dạy chúng làm người, làm con trong gia đình.
 
Con Thiên Chúa xuống thế cũng phải học mới làm người đúng nghĩa, đúng trách nhiệm. Ngài được Cha Mẹ dạy dỗ, được cộng đoàn nâng đỡ và chỉ dạy, tất cả cần phải học và học, do đó, là con người, cần phải học mọi thứ để được lớn lên, biết nhận thức, biết phân định phải trái, biết cội nguồn và biết ứng xử giữa cuộc đời. Học để biết đôi chân đi về đâu, học để biết đôi tay nên làm gì cho có ích, học để biết cái đầu nên đón nhận và khước từ điều gì, học để biết trái tim nên rung động khi nào, học để biết sống sao cho đúng là con người. Thiên Chúa nêu gương cho con người như thế, liệu rằng các bậc cha mẹ, những người con trong gia đình, có khiêm tốn đủ để biết trọng trách của mình, rồi giúp nhau học và học mỗi ngày, để nên người hiếu thảo với Mẹ Cha, con ngoan của Thiên Chúa.
 
Lạy Chúa, để nên một con người hoàn thiện, Chúa đã chọn một gia đình, đã nhờ Cha Mẹ dạy dỗ nên người, xin hướng dẫn các gia đình chúng con biết giúp nhau sống nên người, với Cha Mẹ và với Chúa, để gia đình chúng con mỗi ngày nên thánh trong mọi hoàn cảnh. Chúa đã đón nhận những lời dạy dỗ của Cha Mẹ, xin giúp chúng con biết khiêm tốn đủ, để lắng nghe sự chỉ bảo của Mẹ Giáo hội, đặc biệt của Chúa Thánh Thần, để chúng con trở nên hoàn thiện hơn trong gia đình của Chúa, trong mái ấm của mỗi người. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây