TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chầu Thánh Thể ngày Thế giới Hòa bình 2024

Thứ tư - 27/12/2023 02:33 | Tác giả bài viết: ubclhb.com |   515
“Trí thông minh của con người là sự diễn tả của phẩm giá mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta, Đấng đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Người và giống với Người (St 1, 26)
Chầu Thánh Thể ngày Thế giới Hòa bình 2024

CHẦU THÁNH THỂ

 

Phần I: Khai Mạc 
 

-        Hát: Kinh Chúa Thánh Thần

-        Lời dẫn (kính mời cộng đoàn ngồi)
 

Kính thưa cộng đoàn,
 

Trong Thông điệp Thế Giới Hòa Bình lần thứ 57, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Trí thông minh của con người là sự diễn tả của phẩm giá mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta, Đấng đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Người và giống với Người (St 1, 26) và giúp chúng ta đáp lại tình yêu của Người với ý thức và tự do.
 

Nhờ trí thông minh, con người ngày đêm tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống nhân sinh ngày càng tốt hơn. Đặc biệt phải kể đến những thành quả mà khoa học và kỹ thuật đem lại nhất là trong lĩnh vực Trí Tuệ Nhân Tạo đã góp phần làm cho thế giới ngày càng xinh đẹp và trật tự hơn.
 

Trong tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta hiệp nhau nơi đây để dâng lời tạ ơn Chúa vì những ân ban trong năm cũ, đồng thời dâng lên Chúa năm mới 2024. Xin Chúa cùng đồng hành và gìn giữ thế giới, các dân tộc, các tôn giáo được đầy bình an và thiện hảo, ấm no hạnh phúc và cùng nhau chung tay xây dựng “ngôi nhà chung” thêm tươi xinh và tốt đẹp trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.
 

Giờ đây, kính mời cộng đoàn bước vào giờ Chầu Thánh Thể cầu nguyện cho Hòa Bình Thế Giới.
 

1.     Hát khai mạc: NGẮM MÌNH THÁNH CHÚA (kính mời cộng đoàn quỳ)
 

2.     Ngắm Mình Thánh Chúa trên bàn thờ này, nói gì cho thoả tấm lòng yêu mến. Đây Chúa Thiên cung, xuống nơi gian trần. Hồn con tin mến, lãng quên thời gian.
 

ĐK: Ôi Giê-su Chúa hiển vinh. Con mong ước sống an bình. Mình Máu Chúa lương thực thần linh. Nuôi hồn con cái tháng năm no lành.
 

3.  Ôi tình yêu Chúa vô cùng ngọt ngào, tháng ngày nương náu để gần con yêu. Xin Chúa yêu con xuống trong tâm hồn, và con yêu Chúa đâu mong gì hơn.
 

  • Đặt Mình Thánh Chúa
  •  

Trong khi hát, vị chủ tế giờ chầu tiến ra đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ.
 

Phần II: Suy Niệm 
 

-  Công bố Tin Mừng (kính mời cộng đoàn đứng)
 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 6,24-34).
 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được. Vì thế, Thầy bảo các con: chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không trang phục được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy.”     
 

Suy niệm: (kính mời cộng đoàn ngồi)
 

Đức Thánh Cha Phanxicô chọn và viết Thông Điệp Hòa Bình năm 2024 với chủ đề “Trí Tuệ Nhân Tạo và Hòa Bình”. Đây là một thông điệp mang tính thời sự và cần thiết ngay lúc này khi cụm từ trí tuệ nhân tạo được sử dụng nhiều trong mọi lĩnh vực cuộc sống: từ y học tới khoa học, từ công việc ngoài đồng đến nơi công sở, từ văn hóa nghệ thuật đến tiêu dùng hằng ngày... Tuy nhiên, đây cũng là lúc Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi cộng đoàn nhân loại nói chung và các Kitô hữu nói riêng suy ngẫm về vai trò và vị trí của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống của chúng ta và sử dụng chúng như thế nào để mang lại những giá trị cao quý phục vụ cho cuộc sống con người và nền hòa bình thế giới tốt hơn.
 

Trước hết, trí tuệ nhân tạo, tiếng Anh gọi là: Artificial Intelligence, gọi tắt là AI, “đó là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên của con người. Thông thường, thuật ngữ "trí tuệ nhân tạo" thường được sử dụng để mô tả các máy móc chủ (hoặc máy tính) có khả năng bắt chước các chức năng "nhận thức" mà con người thường phải liên kết với tâm trí, như "học tập" và "giải quyết vấn đề"[1]. Một cách cụ thể hơn, trí tuệ nhân tạo là một tổng hợp của “nhiều ngành khoa học, lý thuyết và kỹ thuật nhằm làm cho các máy móc tái tạo hoặc bắt chước khả năng nhận thức của con người trong hoạt động của chúng”[2]. Các hệ thống này, dù đáng kinh ngạc và mạnh mẽ đến đâu: xét cho cùng, chúng thật sự là “những mảnh rời rạc”, theo nghĩa là chúng chỉ có thể bắt chước hoặc tái tạo một số chức năng của trí tuệ con người”[3] và là kết quả “phi thường của tiềm năng sáng tạo của trí tuệ con người”[4].
 

(Thinh lặng khoảng 15 giây để cầu nguyện)
 

Thật vậy, con người đang ngày đêm miệt mài lao động trong lĩnh vực tri thức để tạo ra những sản phẩm phục vụ tốt cho cuộc sống. Trí tuệ nhân tạo đang từng bước khẳng định vị trí và thành công của nó trong từng lĩnh vực cụ thể. Một trong những đóng góp thiết thực mà trí tuệ nhân tạo mang lại cho nhân loại là trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, “vô số bệnh tật trước đây từng hành hạ đời sống con người và gây ra nhiều đau khổ lớn lao đã được chữa trị[5]. Trong những ngành lao động khác, robot đã dần thay thế những việc làm của con người cụ thể như: vệ sinh nhà cửa, lao động tay chân... Trong lĩnh vực truyền thông, trí tuệ nhân tạo giúp cung cấp một nền tảng thông tin kiến thức nhanh chóng và kịp thời mà ChatGpt mang lại cho chúng ta và còn nhiều và rất nhiều những ứng dụng phục vụ cho các khía cạnh khác nhau của cuộc sống nhân sinh mà trí tuệ nhân tạo đang cụ thể hóa từng ngày.
 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công mà trí tuệ nhân tạo mang lại, thế giới cũng đang đối mặt với những nguy cơ và rủi ro đang đe dọa “ngôi nhà chung” của chúng ta. Một thực tế mà con người đang đối diện trong những năm gần đây là chiến tranh. Quả là một kết thúc bi thảm nếu những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo được dùng vào những công việc phục vụ cho chiến tranh, một thực tế bi ai mà con người không thể lường trước được nếu không muốn nói là không dám nghĩ tới. “Vì lý do này, điều bắt buộc là phải đảm bảo sự giám sát đầy đủ, có ý nghĩa và nhất quán của con người đối với các hệ thống vũ khí”[6] là điều cấp bách hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, vấn đề tự do cũng gặp nhiều thách đố: “Từ các dấu vết kỹ thuật số lan truyền trên khắp internet, các công nghệ sử dụng nhiều thuật toán có thể trích xuất các dữ liệu cho phép chúng kiểm soát các thói quen tinh thần và tương quan của con người vì mục đích thương mại hoặc chính trị, mà chúng ta thường không hề biết, và do đó hạn chế việc chúng ta thực hiện cách có ý thức quyền tự do lựa chọn. Trên thực tế, trong một không gian như web, đặc trưng bởi sự quá tải thông tin, chúng có thể cấu trúc luồng dữ liệu theo tiêu chí lựa chọn mà không phải lúc nào người dùng cũng cảm nhận được”[7].
 

Một nguy cơ khác tiềm ẩn phía sau sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo mà chúng ta cần phải nói đến là vấn đề công bằng xã hội và vị trí của người nghèo trong sự phát triển của chúng. Cha Paola Benanti một thần học gia và triết gia dòng Phanxicô đang là thành viên ủy ban Liên Hợp Quốc về trí tuệ nhân tạo cho rằng: “Một yếu tố khác cần đưa vào bảng quyết toán này là “chi phí ẩn” của các công nghệ được tạo ra trên máy tính dựa trên đất hiếm và các vật liệu khác phải trả giá về môi trường rất cao và tiêu thụ nhiều điện. Vì vậy, nếu chúng ta tự chất vấn với sự ngạc nhiên về ý nghĩa kỳ diệu của những loại máy này, chúng ta cũng không được quên rằng chúng ta có được một phần ít hơn nhưng đắt hơn nhiều về mặt bình đẳng, cái giá về môi trường và năng lượng, điều này phải được cân nhắc để không trở thành cái giá mà các quốc gia nghèo nhất thế giới phải trả”[8]. Người nghèo, những quốc gia nghèo một lần nữa gánh những hậu quả môi trường do sự khai thác của con người nhằm phục vụ những dự án phát triển trí tuệ nhân tạo này.
 

Theo đó, công bằng xã hội cũng đang bị thách thức bởi sự phát triển này, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, nước giàu và nước nghèo đã xa ngày lại càng xa hơn nữa. Về vấn đề này, cha Paola cho rằng: “Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên tác động đến những người lao động chân tay, khiến họ trở nên ít cần thiết hơn trong quá trình sản xuất, thì Trí tuệ nhân tạo có thể và sẽ có tác động rất lớn đến những người có học vấn cao, tức là đối với những công việc hình thành nên tầng lớp trung lưu và nếu chúng ta không quản lý nó theo các tiêu chí công bằng xã hội, thì những tác động có thể thực sự tàn khốc hoặc ít nhất là rất mạnh đến khả năng gắn kết của các quốc gia dân chủ”[9].
 

(Thinh lặng khoảng 15 giây để cầu nguyện)
 

Có thể nói, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo là kết quả tất yếu trong quá trình phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, đứng trước những cơ hội và thử thách mà trí tuệ nhân tạo mang lại, Đức Thánh Cha Phanxicô thấy cần phải định hướng hoạt động và xét lại các vấn đề đạo đức xung quanh việc sử dụng các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống con người: “Cũng không đủ nếu chỉ giả định một cam kết hành động một cách có đạo đức và có trách nhiệm từ phía những người thiết kế các thuật toán và công nghệ kỹ thuật số. Cần tăng cường hoặc, nếu cần thiết, thành lập các cơ quan để xem xét các vấn đề đạo đức đang nổi lên trong lĩnh vực này và bảo vệ quyền của những người sử dụng trí tuệ nhân tạo hoặc bị ảnh hưởng bởi chúng”.[10] “Trên thực tế, vì tác động của dụng cụ trí tuệ nhân tạo, ngoài công nghệ cơ bản, không chỉ phụ thuộc vào thiết kế kỹ thuật của nó nhưng còn phụ thuộc vào mục tiêu và lợi ích của những người sở hữu và những người phát triển nó, cũng như các tình huống mà chúng được sử dụng”[11].
 

Hơn bao giờ hết những giá trị đạo đức học, nhân văn, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, sự tha thứ... đang bị thách thức nặng nề. Tương lai nhân loại đi về đâu khi mà những cái máy vô tri dần thay thế trái tim bằng thịt của con người. Những giá trị nhân văn về đối nhân xử thế phải chăng sẽ thay thế bởi những cái máy vô tri, rập khuôn. Trí tuệ nhân tạo dù thông minh đến đâu dù có thực hiện được bất cứ công việc gì nhưng có một việc không thể thay thế được đó là trái tim bằng thịt biết yêu thương và có cảm xúc trước những đau đớn của con người. Và vì thế, giáo dục những giá trị đạo đức từ những nhà thiết kế các thuật toán là cha đẻ của trí tuệ nhân tạo đến những nhà tài phiệt độc quyền sử dụng và các chính trị gia là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Giáo dục cách sử dụng những ứng dụng vào thực tế cuộc sống là điều thiết yếu và quan trong mà các nhà giáo dục và đạo đức học ngày nay cần phải thực hiện. 
 

Tắt một lời, “Những sự phát triển kỹ thuật không dẫn đến sự cải thiện chất lượng cuộc sống của toàn nhân loại, nhưng trái lại làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng và xung đột, thì không bao giờ có thể được xem là tiến bộ thực sự”, và trí tuệ nhân tạo đang là cơ hội hấp dẫn và cũng là thách thức cho con người trong thời đại hôm nay.   
 

(Thinh lặng khoảng 15 giây để cầu nguyện)
 

Lời kinh cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình trên thế giới
 

Lạy Thiên Chúa Tối Cao, toàn năng, nhân lành,/ Ngài là Đấng chúng con trông cậy, tin tưởng và mến yêu./
 

Xin thương nhìn đến những dòng sông máu và nước mắt đang chảy lan tràn trên khắp hoàn cầu/ với biết bao nhiêu cuộc chiến tranh phi lý và vô nghĩa,/ biết bao người đã từ bỏ cuộc sống này mà trao thân xác mình nơi chiến trường,/ biết bao người sống lầm than khổ cực vì hậu quả chiến tranh,/ và còn nhiều những hậu quả khôn lường khác mà chiến tranh gây ra./ Đặc biệt là những ai đã hy sinh chính bản thân mình để công lý được ngự trị trên mặt đất này.
 

Ở mọi thời đại,/ công lý và hòa bình vừa là món quà từ ơn trên vừa là kết quả của sự dấn thân chung./ Tất cả có thể cùng nhau hợp tác để xây dựng một thế giới đầy công lý và hòa bình,/ bắt đầu từ trái tim của mỗi người/ và từ các mối quan hệ trong gia đình,/ trong xã hội và với môi trường,/ cho đến các mối quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia./
 

Xin Chúa biến đổi lòng dạ những nhà lãnh đạo quốc gia và tâm hồn những quân nhân./ Xin Chúa cho họ nhận ra giá trị đích thực của mạng sống con người,/ biết cùng nhau xây dựng hòa bình,/ kiến tạo công lý,/ đẩy lùi chiến tranh,/ làm cho thế giới này tràn ngập tình yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con.
 

Lạy Đức Trinh Nữ Maria Nữ Vương Hòa Bình,/ xin Mẹ cầu cùng Chúa ban bình an và công lý trên thế giới và quê hương chúng con,/ để tiếng cười thay tiếng súng,/ niềm vui thay tang chế u sầu,/ hòa bình thay chiến tranh/ và để chúng con nếm hưởng hạnh phúc thiên đàng ngay trên mặt đất này. Amen.   
 

Phần III: Lời nguyện và Phép Lành Thánh Thể  

 

nay-con-la-da-1703577615.png
cau-nguyen-cho-duc-giao-hoang-1703577638.png

LỜI NGUYỆN CHO ĐỨC GIÁO HOÀNG


Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng sự khôn ngoan Chúa mà bảo vệ vũ trụ, xin thương nghe lời chúng con cầu nguyện và rộng lòng nhân từ gìn giữ Đức Giáo Hoàng ... Chúa đã chọn, để dân Kitô giáo nhận nơi Chúa sự dẫn dắt của người, được nhờ công phúc đức tin của người mà phát triển dưới triều đại giáo hoàng của người. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

day-nhiem-tich-1703577845.png
day-nhiem-tich-2-1703577916.png


LỜI NGUYỆN THÁNH THỂ


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này, để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
 

Phép Lành Thánh Thể

 

Phần IV: Kết thúc
 

Hát: NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH (Hải Linh)
 

ĐK. Kính mừng Nữ Vương, Nữ Vương hòa bình, Nữ Vương hòa bình, đây bao tâm hồn thao thức, dân con đất Việt nao nức (cùng) cất tiếng ca mừng vui (cất tiếng ca) kính chào Nữ Vương hòa bình. Tung hô (Mẹ Maria), tung hô (Mẹ đầy ơn phúc) Mẹ là sáng khắp đất nước bao la. Tung hô (Mẹ Maria), tung hô (Mẹ đầy ơn phúc) đây nguồn sống yên vui chan hòa.
 

1. Mẹ chẳng vướng tội truyền, bông huệ ngát hương thiêng. Mẹ ví như ánh trăng diệu huyền, êm như cung đàn thần tiên.
 

2. Mẹ về với giang sơn, xin Mẹ xuống muôn ơn: cho nước Nam thoát cơn nguy nan, cho dân thấy ngày bình an.
 

3. Mẹ là sức siêu nhiên dắt dìu chúng con liên. Cho giáo dân khắp nơi trung kiên, cho muôn tông đồ thành tín.
 

4. Mẹ là sáng Phúc Âm soi đường lối muôn dân. Vun tưới cây Đức Tin xum xuê, xinh tươi muôn màu muôn hoa.
 

- Kinh trông cậy
 

- Làm dấu thánh giá để kết thúc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây