TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 1 MÙA VỌNG

Thứ sáu - 01/12/2023 13:42 |   710
“Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21.24-27)

07/12/2023
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MÙA VỌNG
Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t5 t1 MVb

Mt 7,21.24-27


ĐỢI CHỜ BẰNG HÀNH ĐỘNG
“Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21.24-27)

Suy niệm: Sống tinh thần Mùa Vọng là sống tâm tình của người đợi chờ. Như người nông dân đợi chờ ngày gặt thu, họ đợi chờ bằng việc làm: bón phân, làm cỏ, diệt sâu rầy... Như người chuẩn bị đón một vị khách quý, họ đợi chờ bằng việc dọn dẹp, lau chùi, trang hoàng nhà mình cho sạch đẹp. Tương tự như thế, chúng ta đợi chờ ngày Chúa đến không phải bằng cách ‘ôm cây đợi thỏ’, mà là thi hành ý muốn của Chúa như lời Chúa nói: “Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” Người thực hành ý muốn của Chúa là “người khôn xây nhà trên đá” biết chuẩn bị cho mình một ngôi nhà vĩnh cửu trên Nước Trời.

Mời Bạn: Sách Tin Mừng nhiều lần cho biết Chúa dạy đừng nói suông nhưng hãy hành động theo thánh ý Chúa: đừng như người con nói làm rồi không làm, nhưng hãy như người con lỡ nói ‘không’ nhưng rồi hối hận và đi làm vườn nho cho Cha (x. Mt 21,28-32); cũng đừng như người kinh sư chỉ thông thạo Lề luật, mà “hãy đi và làm” như người Sa-ma-ri hết lòng giúp người đang cần giúp đỡ (x. Lc 10,29-37). Và bạn nhớ, Chúa sẽ ân thưởng hạnh phúc Nước Trời cho chúng ta tuỳ theo những việc làm bác ái chúng ta đã làm cho anh chị em mình (x. Mt 25,31-40). Thế đó! Việc làm mới đánh giá một con người làm theo ý Chúa hơn là lời người đó nói ra.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày chọn một câu Kinh Thánh để suy niệm và đem ra thực hành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con trong Mùa Vọng này biết sống tỉnh thức để chờ đón Chúa bằng cách chuyên cần lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Thứ Năm MV I: Lạy Chúa! Chỉ những ai thi hành ý muốn của Chúa Cha thì mới được vào Nước Trời. Ý muốn của Chúa Cha là muốn Chúa xuống thế làm người để cứu độ nhân loại. Ý muốn của Chúa Cha là muốn chúng con cộng tác với Chúa để sinh ơn cứu độ cho chúng con và cho người khác. Xin cho chúng con biết sử dụng tự do của mình để cộng tác với ơn Chúa. Xin biểu dương uy quyền và lấy thần lực mà nâng đỡ chúng con, để cho dẫu tội lỗi của chúng con có cản trở, thì Chúa vẫn mở lượng khoan hồng sớm thực hiện công trình cứu độ chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 1 MÙA VỌNG

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ở gần bên, đường lối Chúa đều là chân lý. Nhờ Chúa thương chỉ dạy, từ lâu con đã hiểu: Chúa tồn tại muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin biểu dương uy quyền và lấy thần lực mà nâng đỡ chúng con, để mặc dầu tội lỗi chúng con cản trở, Chúa vẫn mở lượng khoan hồng sớm thực hiện công trình cứu độ chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 26, 1-6

“Dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Ngày ấy, trong đất Giu-đa, người ta hát khúc ca này: Si-on là thành trì kiên cố của chúng ta, có tường thành và hào luỹ che chở, hãy mở cửa, và dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào. Sự sai lầm cũ đã qua đi, Chúa sẽ bảo tồn sự hòa bình. Sự hòa bình, vì chúng ta trông cậy nơi Chúa.

Hãy trông cậy Chúa đến muôn đời, trông cậy Chúa, Ðấng quyền năng mãi mãi. Vì Người triệt hạ dân ở nơi cao, và hạ thấp những thành trì danh tiếng, Người hạ nó sát đất, chà đạp nó thấu bụi tro. Bàn chân người nghèo khó bước đi, và kẻ bần cùng sẽ đạp trên nó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 19-21. 25-27a

Ðáp: Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến!

Hoặc đọc: Alleluia!

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa ở loài người; tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương .

Xướng: Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe tôi,và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi.

Xướng: Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi.

Alleluia: Is 40, 9-10

Alleluia, alleluia! – Hỡi người giảng tin mừng, hãy mạnh dạn cất lớn tiếng: Này Chúa là Thiên Chúa sẽ đến trong sức mạnh. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 7, 21. 24-27

“Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Không phải tất cả những ai nói với Ta, “Lạy Chúa, lạy Chúa!”, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời.

“Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con đã chọn lựa trong muôn vàn phúc lộc chính Chúa đã thương ban. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho thánh lễ tạ ơn giờ đây chúng con dâng tiến, trở nên bảo chứng ơn cứu độ muôn đời cho chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Chúng ta hãy sống công chính và đạo đức ở thế gian này, trong khi đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Chúa cao cả xuất hiện vinh quang.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh thể để dạy chúng con là những kẻ lữ hành dưới thế biết mến yêu và gắn bó với những thực tại bền vững trên trời. Xin cho bí tích chúng con vừa cử hành đem lại cho chúng con muôn vàn ân sủng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

PHẢI THỰC HÀNH LỜI CHÚA (Mt 7,21. 24-27)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su đưa ra nguyên tắc để đo lường sự hoàn thiện của người môn đệ để xứng đáng vào Nước Trời, đó là “Thi hành ý muốn của Thiên Chúa”. Điều này chứng tỏ Đức Giê-su đòi hỏi phải sống, phải làm, phải thực hiện trong đời sống, chứ không chỉ biết, chỉ hiểu và nói suông ngoài môi miệng: lời nói phải đi đôi với việc làm.

2. Muốn thực thi Lời Chúa, trước hết phải yêu mến Lời Chúa, lắng nghe, học hỏi và suy niệm: nghe Lời Chúa với tấm lòng ngưỡng mộ và đơn sơ như đám dân lành đơn sơ, chất phác theo Chúa khắp nẻo đường Palestina. Học hỏi Lời Chúa như Ma-ri-a ở Bê-ta-ni-a, ngồi bên chân Chúa, lắng nghe để múc lấy nguồn an vui và ơn soi sáng. Suy niệm Lời Chúa như Đức Mẹ đã kính cẩn ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng để biết thánh ý của Thiên Chúa.

3. Thứ đến phải hiểu Lời Chúa, càng ăn sâu vào lòng, Lời Chúa càng phát triển và càng thêm sức mạnh cho tâm hồn. Rồi phải tin Lời Chúa, vì Lời Chúa là kho tàng sự thật, trong đó có nhiều mầu nhiệm vượt trên và ngoài lý trí cũng như sự hiểu biết của con người. Cho nên, cần phải có lòng tin mới chấp nhận được những mầu nhiệm ấy.

4. Sau hết, không những phải lắng nghe, phải hiểu, phải tin mà còn phải thực hành Lời Chúa. Bởi vì Lời Chúa, dù có tốt đẹp và quí giá đến đâu mà không thực hành thì cũng vô dụng. Đức Giê-su cho chúng ta thấy điều đó qua hình ảnh của hai người xây nhà mà Chúa gọi là người khôn và người dại.

5. Nhằm diễn tả giá trị của việc thực thi Lời Chúa để được vào Nước Trời, và để được gọi là hoàn thiện, Đức Giê-su đã ví với việc xây nhà. Xây dựng nhà cửa là một công việc hết sức quan trọng và được tượng trưng cho việc xây dựng cuộc đời. Điều này đã được thánh Gio-an diễn tả: “Và thế gian đang qua đi cùng với đam mê của nó, còn kẻ làm theo ý Thiên Chúa thì lưu tồn vạn đại” (1Ga 2,17).

Như vậy, Đức Giê-su có ý nói với thính giả vừa nghe bài giảng trên núi của Chúa để xác định rằng người môn đệ nghe Lời Chúa giảng mà đem ra thực hành, thì xứng đáng là người khôn ngoan, biết lo cho đời sống hạnh phúc và phải coi những người như vậy là người khôn khéo, biết đặt nền móng vững chắc mà xây dựng nhà, dù mưa to gió lớn không làm đổ được tòa nhà thiêng liêng ấy, vì xây trên sự thực hành giáo huấn của Chúa. Nếu chỉ nghe mà không tuân giữ thì người đó là kẻ dại dột, như kẻ xây dựng nhà cửa trên bãi cát, khi có mưa to gió lớn, tức là khi gặp thử thách, thì tòa nhà thiêng liêng của họ bị sụp đổ (Mỗi ngày một tin vui).

6. Trong cuộc sống phải làm sao cho tri và hành phải đi đôi với nhau như người ta thường nói: tri hành đồng nhất. Ta biết là thuốc tốt cho sức khỏe, nhưng không chịu uống thì cũng chẳng ích lợi gì, dự án có tuyệt vời mà không thực hiện trong thực tế thì cũng kể bằng không. Lúc nào cũng hứa mai tôi sẽ nên thánh, mốt tôi sẽ giữ đạo… Nhưng chẳng bao giờ thực hành thì cũng vô ích.

7. Bài Tin mừng hôm nay dạy cho ta biết thế nào là tồn tại vững chắc thật. Nếu người ta chỉ nói, chỉ hô hào, chỉ đọc kinh, chỉ la ó phản đối bất công, chỉ tố cáo giả hình thì người ta đã xây nhà trên cát. Chỉ nói xuông không đủ làm nền móng vững chắc cho đời sống. Phải hành động, phải sống thực với lời cầu nguyện, phải sống công bằng và thực thi bác ái. Phải thực hiện như thế mới thực sự xây nhà trên đá.

8. Truyện: Giác ngộ đích thực.

R. Khrisna, nhà thần bí Ấn độ có kể câu chuyện như sau: một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagavad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi:

– Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?

Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời:

– Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã.

Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua:

– Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng, hạ thần đã hiểu được…

THI HÀNH Ý CHÚA SẼ ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI
(Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng) - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng cho chúng ta thấy: mặc cho tội lỗi của chúng ta có cản trở, thì Chúa vẫn mở lượng khoan hồng, sớm thực hiện công trình cứu độ chúng ta. Vấn đề ở chỗ là, chúng ta có muốn vào Nước Trời, muốn hưởng ơn cứu độ của Chúa  hay không mà thôi.

Ca Nhập Lễ cho chúng ta thấy: Chúa luôn ở gần bên, đường lối Chúa đều là chân lý. Chúa luôn dẫn lối soi đường để chúng ta tiến vào Nước của Người. Do đó, trong bài đọc một, ngôn sứ Isaia nói: Chúa sẽ mở cửa ra cho dân tộc công chính bước vào, một dân tộc trọn niềm trung nghĩa. Trung thành tuân giữ những gì Chúa truyền dạy, chúng ta sẽ được vào Nước Trời.

Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia đã kêu xin: Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành, cho người tiến vào đây nhân danh Chúa. Người muốn tiến vào Nước Trời phải là người biết đặt niềm trông cậy, tìm nương ẩn nơi Chúa, bởi vì, ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời.

Câu Tung Hô Tin Mừng: Hãy tìm gặp Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Người muốn vào Nước Trời là người khao khát, muốn gặp được Chúa. Chúng ta thường cầu xin cho những người đã qua đời: sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa. Nếu không ước mong gặp Chúa, khi Người còn cho gặp, khi Người đang ở kề bên, nghĩa là, khi còn sống ở đời này, mà chúng ta không khao khát, ước mong gặp được Chúa, thì đừng mong gì gặp được Chúa ở đời sau. Không ước mong được vào Nước Trời, thì sẽ chẳng được vào, bởi vì, Chúa tôn trọng tự do của chúng ta.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã quả quyết: Ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, mới được vào Nước Trời. Tại sao Đức Giêsu nói như vậy? Bởi vì, lòng khao khát, ước muốn vào Nước Trời được diễn tả qua việc tin tưởng, cậy trông, trung thành thi hành những gì Chúa truyền dạy. Người khôn xây nhà trên đá, bởi vì, biết tìm nương ẩn nơi Chúa, nên đem Lời Chúa ra thực hành; Người ngu xây nhà trên cát, bởi vì, không biết cậy dựa vào Chúa, nên không đem Lời Chúa ra thực hành.

Ơn cứu độ là ơn nhưng không của Thiên Chúa, nhưng, cần sự cộng tác của chúng ta. Ơn cứu độ là con đường, mà đã là con đường, thì phải đi, chứ chưa là đích đến; Ơn cứu độ là một lời hứa, mà đã là lời hứa, thì phải chờ thực hiện; Ơn cứu độ là niềm hy vọng, mà đã là hy vọng, thì phải trông mong. Cho dẫu, thực tế trước mắt có trái ngược với những gì chúng ta trông đợi, thì chúng ta vẫn cương quyết: giữ vững niềm trông cậy, bởi vì, Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng, đã phán hứa sự ấy, thì chẳng có lẽ nào sai được. Ước gì cho dẫu, tội lỗi có làm cản bước chúng ta, thì chúng ta vẫn phải cố gắng sống công chính và đạo đức ở thế gian này, trong khi đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Chúa cao cả xuất hiện vinh quang, như lời Ca Hiệp Lễ mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay. Ước gì được như thế!

NGÀN NĂM BỀN VỮNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào Nước Trời!”.

Trong “Our Daily Bread”, “Lương Thực Hằng Ngày”, tác giả viết, “Julius Caesar chinh phục 800 thành phố, nhuộm cẩm bào bằng máu của một triệu kẻ thù; rồi chỉ để bị đâm chết bởi những người bạn chí thiết tại chiến thắng vĩ đại nhất! Thành công tạm thời thường đội vương miện cho những kẻ vô thần, vốn không bao giờ hài lòng hoàn toàn. Khi những thành tựu rực rỡ nhất không được nhìn thấy dưới ánh sáng vĩnh cửu, đặt nền móng trên Thiên Chúa ‘ngàn năm bền vững’, chúng chỉ kéo dài và có giá trị như bọt nước!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cũng thế, niềm tin vào Thiên Chúa nếu không đặt nền móng trên Nền Đá Kitô ‘ngàn năm bền vững’, nó chỉ kéo dài và có giá trị như những bọt nước. Nó phải thâm nhập trong trí, ấp ủ trong tim và thể hiện trong hành động. Lời Chúa hôm nay tiết lộ, ai thực hiện ý muốn của Chúa Cha, “Người ấy mới được vào Nước Trời!”.

Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ xây dựng niềm tin trên “Đá”, chính Ngài; không phải trên tình cảm. Để có thể đặt một nền tảng kiên cố cho toà nhà đức tin, phải khổ công. Nó đòi hỏi kiên định trong cầu nguyện, bền bỉ trong bác ái và miệt mài trong tự hiến; nó cũng đòi hỏi một sự khiêm tốn và một ý ngay lành tinh anh. Bởi lẽ, chuẩn bị nền móng không bao giờ là một công việc hào nhoáng. Chẳng có gì đẹp đẽ với một hố sâu, hoang hoác, bì bõm bùn lầy tại công trường! Cũng thế, trong đời sống thiêng liêng! Việc đào móng buộc bạn và tôi phải xuống sâu, loại bỏ những tội lỗi tồi tệ nhất. Quá trình này thường không mấy lý thú! Nó buộc bạn thành thật đối mặt với các tính hư nết xấu. Không có bước quyết định này, bạn và tôi có nguy cơ xây dựng đời mình, một ‘đời cát’ không hơn không kém!

Toà nhà có vẻ vững khi mọi sự xem ra bình lặng. Thời tiết tốt không cho biết độ chắc của nó; thử nghiệm thực sự chỉ đến khi thiên nhiên trở nên hung hãn. Tương tự như thế trong đời sống đức tin! Khi sự thanh thản bảo bọc, cuộc sống bạn dễ dàng nở hoa; khủng hoảng ập xuống chính là lúc bạn nhận thức ‘độ cứng’ của đức tin mình. Vậy làm sao để có thể đối mặt với những cám dỗ, thất bại hay một khủng hoảng nghiêm trọng?

Câu trả lời được tìm thấy trong bài đọc Isaia hôm nay, “Chúng ta có thành trì vững chắc: Chúa đã đặt tường trong luỹ ngoài để chở che”. Chỉ trong Giêsu, với Giêsu và trên Giêsu, “tường trong luỹ ngoài” ‘ngàn năm bền vững’, toà nhà đức tin của bạn và tôi mới có thể kiên cường trước mọi cám dỗ, thất bại hay một khủng hoảng.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy mới được vào Nước Trời!”. Mùa Vọng, mùa xem xét nền tảng cuộc đời của chúng ta là gì? Mùa Vọng còn là mùa đào móng để xây lại toà nhà đức tin trên nền móng Giêsu, bằng cách nên giống Ngài, lắng nghe Ngài hầu có thể thấu hiểu và hành động theo ý muốn của Ngài. Đặt toà nhà đức tin trên Giêsu theo cách này, bạn sẽ không lo sợ trước một cơn sóng cả, sóng cồn hay một cơn lốc nào vốn có thể hất tung nó. Hành động theo ý muốn của Thiên Chúa là ôm ấp và đầu phục hoàn toàn đối với Lời; nó có nghĩa là, để cho Lời và Thánh Thần hướng dẫn hành động. Và như thế, bạn và tôi đã xây đời mình trên đá tảng vững chắc, đời chúng ta không còn là ‘đời cát!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con đội vương miện của kẻ vô thần với những thành tựu chỉ kéo dài như bọt nước. Giúp con xây đời con trên chính Chúa, nó sẽ ‘ngàn năm bền vững!’”, Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh Am-rô-xi-ô giám mục trở nên một bậc thầy giảng dạy đức tin công giáo, và một tông đồ trung kiên mẫu mực. Xin cho Hội Thánh ngày nay được thêm nhiều mục tử vừa ý Chúa, biết khôn ngoan và dũng cảm chăm sóc đoàn chiên. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dân lên Chúa của lễ này, xin Chúa thương chấp nhận. Nguyện xin Thánh Thần Chúa tuôn đổ ánh sáng đức tin vào lòng chúng con như xưa Người vẫn soi sáng thánh Am-rô-xi-ô để thánh nhân loan truyền vinh quang Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tìm được sức mạnh nhờ hiệp thông với bàn tiệc Thánh Thể. Xin ban cho chúng con biết nghe lời giáo huấn của thánh Am-rô-xi-ô để dồn mọi cố gắng đi theo con đường Chúa muốn chúng con đi và nhờ đó được vui mừng hưởng bàn tiệc thiên quốc. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thay vì mừng lễ thánh Ambroise vào ngày mất của ngài (4 tháng 4 năm 397), thường rơi vào các ngày lễ Phục sinh, Giáo Hội mừng vào ngày 7 tháng 12, là ngày kỷ niệm ngài thụ phong giám mục (394). Tại Rôma, từ thế kỷ XI, người ta đã mừng lễ ngài vào ngày này, cũng như trong các Giáo Hội Byzantin và một số nhà thờ chính toà hay tu viện thời Trung cổ. Cùng với thánh Augustin, Hiêrônimô và Grégoire, thánh Ambroise là một trong bốn thánh giáo phụ và tiến sĩ lớn của Giáo Hội la-tinh, và là một trong những vị thánh được yêu mến nhất.

Thánh Ambroise sinh tại Trèves (Augusta Trevirorum) khoảng năm 339, trong một gia đình Kitô giáo thuộc giới quí tộc Rôma, vào thời kỳ cha ngài làm pháp quan của tỉnh Gaules. Khi cha mất, mẹ của ngài về sống tại Rôma cùng với ba người con: hai trai và một gái, Marcellina, cô em gái này sẽ nhận khăn choàng trinh nữ từ tay Đức giáo hoàng Libère. Sau khi hoàn tất các môn văn chương và luật, Ambroise đã hành nghề một cách xuất sắc, đưa ngài tiến mau đến tận Milan, tại đây ngài được bổ nhiệm làm tổng trấn tỉnh Ligurie và Émilia của Rôma.

Năm 374, khi giám mục Auxence thuộc phe lạc giáo Arius qua đời, quan tổng trấn Ambroise tới nhà thờ lớn Milan để giữ trật tự vào dịp bầu tân giám mục. Nhưng, tuy mới chỉ là một dự tòng, chính ngài lại là người được chọn làm giám mục trước sự phấn khởi của toàn dân. Họ la to: “Ambroise giám mục!” Ngài miễn cưỡng chấp nhận, và tám ngày sau, ngài được rửa tội, được truyền chức và tấn phong. Lúc đó ngài khoảng ba mươi tư tuổi. Sau khi trở thành người đứng đầu Giáo Hội ở Milan, thánh Ambroise học tập thừa tác vụ đến độ ngài trở thành một trong những vị mục tử hoàn hảo nhất trong lịch sử Hội Thánh. Việc đầu tiên ngài làm là phân phát tài sản của mình cho người nghèo và chọn một nếp sống khổ hạnh. Rồi, dưới sự hướng dẫn của một cha Simplicien, một linh mục giàu kinh nghiệm, ngài dấn thân miệt mài vào việc học Kinh Thánh và các tác giả Ki-tô giáo. Ngài học nhằm phục vụ trước hết cho việc rao giảng và thi hành tác vụ huấn giáo. Bị lôi cuốn bởi Tin Mừng Luca, ngài đã viết một bình luận về Tin Mừng này, còn truyền lại tới chúng ta ngày nay. Chúng ta cũng còn giữ được một sưu tập các khảo luận của ngài về các nhân vật và chủ đề Kinh Thánh: Abel, Cain, Nôê, Abraham, Isaac, thiên đàng, tạo dựng. . .

Thánh Ambroise không ngừng quan tâm tới việc dạy giáo lý cho dân chúng, nhất là trong việc khai tâm đức tin và chuẩn bị phép rửa. Trong khảo luận Các Mầu Nhiệm và các Bí Tích, thánh giám mục Milan cắt nghĩa cho các tín hữu về các bí tích và phụng vụ. Nhưng ngài không chỉ giới hạn vào việc giảng thuyết. Nhằm giúp các tín hữu tham dự tích cực vào phụng vụ, ngài đã sáng tạo ra nhạc bình dân – thể loại đầu tiên ở phương Tây – và ngài đưa các bài hát xen vào các thánh vịnh. Cũng vậy, ngài soạn ra các thánh thi và các ca vãn, và một số sáng tác của ngài ngày nay vẫn còn được dùng để cầu nguyện hay hát trong phụng vụ thuộc nghi lễ Ambroise ở giáo phận Milan.

Trong một xã hội mà Kitô giáo chưa thấm nhuần hoàn toàn, thánh Ambroise quan tâm canh tân các phong tục với mục đích Kitô hoá chúng; ngài cống hiến cho phương Tây khảo luận đầu tiên về đạo đức học Kitô giáo (De Officiis), lấy hứng chủ yếu từ Cicéron. Nhiều khảo luận bàn về đề tài trinh khiết, trong đó có một tác phẩm ngài viết cho em gái ngài là Marcellina, lúc đó đã qui tụ được một số chị em thành một cộng đoàn trinh nữ. Một tiểu luận khác ngài viết cho các bà góa.

Viết đã giỏi, ngài còn là nhà hùng biện lỗi lạc; chính nhờ ngài mà chàng thanh niên Augustin ở Tagaste đã hoàn tất hành trình hoán cải của mình. Cuối đời, bị suy yếu và biết giờ chết sắp tới, ngài đọc cho người ta viết bình luận về thánh vịnh 43 (44). Ở câu 24, ngài nói: “Thật khó khăn khi phải kéo lê lâu dài một thân xác mà bóng tử thần đã che phủ. Lạy Chúa, xin đứng lên. Tại sao Người vẫn ngủ? Người sẽ xua đuổi con mãi sao?” Sự vĩ đại và thánh thiện của thánh Ambroise được diễn tả trong tiếng kêu la cuối cùng này, mà Chúa đã nghe vào một ngày thứ sáu tuần thánh, 4 tháng 4 năm 397.

Thông điệp và tính thời sự

Ca Nhập lễ nhắc lại những lời của sách 1 Samuel 2, 35: Ta sẽ làm xuất hiện cho ta một tư tế trung thành, nó sẽ hành động theo lòng Ta mong muốn… Cũng vậy, Lời Nguyện của ngày nói: “Lạy Chúa, xin làm xuất hiện trong Hội Thánh Chúa những con người như lòng Chúa mong muốn.” Là độc giả trung thành của Tin Mừng Luca, thánh Ambroise đã biết bắt chước trong thừa tác vụ giám mục của ngài mẫu gương của người Mục Tử Nhân Lành và trở nên một “tư tế trung thành” theo lòng Chúa Giêsu. Chúa Giêsu luôn ở tâm điểm của mọi tư tưởng và hoạt động mục vụ của ngài: “Chúng ta có mọi sự trong Đức Kitô, mọi sự đều thuộc quyền Đức Kitô, và Đức Kitô là tất cả cho chúng ta. Nếu bạn muốn chữa lành vết thương, Người chính là thầy thuốc. Nếu bạn bị nóng sốt, người chính là suối mát. Nếu bạn sợ chết, Người chính là sự sống. Nếu bạn muốn lên trời, Người chính là đường đi. Nếu bạn tìm của nuôi thân, người chính là lương thực” (PL 44, 671).

Thánh Ambroise cũng nhìn thấy Đức Kitô là “Lang quân” của sách Diễm Ca, đi tìm “Hôn thê”, hình ảnh của linh hồn và của Hội Thánh. Chính trong sự trinh khiết thánh hiến mà cuộc “hôn nhân mầu nhiệm” giữa linh hồn và Ngôi lời được thể hiện trọn vẹn.

Thánh Ambroise đã cai quản Giáo Hội ngài “với sức mạnh và sự khôn ngoan” (Lời Nguyện). Trong một thời kỳ khó khăn mà Giáo Hội phải tìm cách khẳng định sự độc lập của mình đối với quyền lực chính trị, đồng thời trong vai trò của ngài là người nắm giữ công lý và sự thật, vị giám mục Milan đã chu toàn đầy đủ sứ mạng của mình.

– Năm 386, khi hoàng hậu Justine giao quyền cai quản thánh đường Milan cho một giám mục thuộc phái Arius, thánh Ambroise đã cho giáo dân vào chiếm thánh đường. Hoàng hậu phải nhượng bộ.

– Khi Maxime cướp chính quyền, thánh Ambroise đã bảo vệ các quyền của nhà vua trẻ Valentinien II.

– Khi hoàng đế Théodose tàn sát dân chúng Thessalonique để báo thù, thánh Ambroise đã nhắc nhở tới luật pháp và buộc hoàng đế sám hối công khai một cách nghiêm khắc.

Ca Hiệp lễ trích Tin Mừng Gioan 10, 11: Người mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên, và Lời Nguyện sau hiệp lễ khích lệ chúng ta “học đòi gương sáng của thánh Ambroise.”

Ngài rao giảng bằng gương sáng còn nhiều hơn bằng lời nói. Ngài phân phát tất cả tài sản mình cho người nghèo, và không ngần ngại đổi những bình thánh của nhà thờ để chuộc các tù nhân. Ngài viết trong Khảo luận về ông Nabóth: “Không phải bạn lấy của cải mình phân phát cho người nghèo, mà chỉ là bạn trả lại cho họ phần của họ mà thôi. Bởi vì bạn đã một mình chiếm đoạt những cái được ban cho mọi người để sử dụng. Đất đai thuộc về mọi người chứ không thuộc về người giàu… Như thế bạn trả nợ của bạn, chứ không phải bạn ban phát một cách hào phóng đâu”(Nabóth, 55).

“Ánh sáng đức tin soi chiếu thánh Ambroise” (Lời Nguyện trên lễ vật) đã biến ngài trở nên một mục tử và một vị tiến sĩ đáng cảm phục. Là người dạy giáo lý cho Paulin de Nole và Augustin, ngài không ngừng quan tâm cống hiến cho các tín hữu một giáo huấn tinh tuyền, trung thực với giáo lý của Hội Thánh “không bao giờ lay chuyển, vì được xây trên tảng đá của thánh Tông đồ” (Thư gửi Constance). Câu nói sau đây của ngài đã trở thành điển ngữ: “Ở đâu có Phêrô, ở đó có Hội Thánh” (Về Thánh vịnh 40).

Nguồn mạch tuôn trào thông điệp Kitô giáo chính là Lời Thiên Chúa: “Hãy nghe lời của Đức Kitô, để tiếng của Người vang xa. Hãy hứng lấy nước của Đức Kitô… Hãy thu gom nước của Người từ khắp mọi chân trời, và hãy làm lan rộng khắp nơi những đám mây, biểu tượng của các ngôn sứ. Ai hứng được nước trên núi cũng làm cho nước tràn ra như một đám mây.” Là bậc thầy về khoa ăn nói, thậm chí rất quyến rũ, ngài đã cho giám mục Constance những lời khuyên quí giá: “Các bài giảng của đức cha phải phong phú, tinh tuyền và trong sáng… Đức cha hãy đổ vào tai các thính giả của mình nhiều sự dịu ngọt, thu hút giáo dân của mình bằng vẻ đẹp của lời nói, và giáo dân sẽ sẵn sàng theo đức cha bất cứ đến đâu… Các lời của đức cha phải chứa đầy sự khôn ngoan… Các bài giảng của đức cha phải dễ hiểu, và ý nghĩa phải rõ ràng” (Thư gửi Constance, trong Giờ Kinh Sách).

Thánh Augustin ca ngợi tài hùng biện của thánh Ambroise: “Tôi đứng đó: tâm trí bị cuốn hút theo lời của ngài. Thú thật tôi chẳng quan tâm gì, thậm chí coi thường nội dung, nhưng sức quyến rũ của lời ngài nói làm tôi mê hoặc” (Tuyên xưng 5, 13).

Các ảnh thánh đôi khi vẽ thánh Ambroise tay cầm roi, nhưng thực sự ngài đầy nhân tính: “Hãy cho tôi được cảm thông mỗi khi tôi chứng kiến sự sa ngã của một tội nhân, ngài viết thế. Chúng ta thà tỏ ra tốt lành và gánh lấy sự buồn phiền cho mình, còn hơn tỏ ra vô nhân đạo.”

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây